Những vấn đề mới được bổ sung, sửa đổi trong Ðiều lệ Ðảng ở Ðại hội XI

Trên cơ sở tổng kết năm năm thực hiện Ðiều lệ Ðảng Ðại hội X, Ðại hội XI của Ðảng vừa qua đã bổ sung, sửa đổi một số nội dung trong Ðiều lệ Ðảng để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong thời kỳ mới và phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã được Ðại hội XI của Ðảng thông qua.

Việc bổ sung, sửa đổi Ðiều lệ Ðảng được tiến hành trên cơ sở quán triệt các quan điểm và nguyên tắc cơ bản là: Những nội dung nào được quy định trong Ðiều lệ Ðảng qua thực tiễn hoạt động vẫn đúng và phù hợp thực tiễn thì giữ nguyên; những nội dung nào quy định trong Ðiều lệ Ðảng nhưng qua hoạt động thực tiễn thấy không còn phù hợp hoặc chưa rõ, việc thực hiện khó khăn, thiếu thống nhất thì phải bỏ hoặc sửa đổi cho phù hợp; những vấn đề nào chưa được quy định trong Ðiều lệ Ðảng nhưng thực tiễn của công tác xây dựng Ðảng đã và đang đặt ra thì phải bổ sung để thực hiện. Quán triệt các quan điểm, nguyên tắc nêu trên, Ðại hội XI của Ðảng đã thông qua toàn văn Ðiều lệ Ðảng (bổ sung, sửa đổi) ngày 19-1-2011 gồm: Phần mở đầu, 12 chương và 48 điều. Ngoài việc sửa đổi cụm từ 'giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân' thành 'gắn bó mật thiết với nhân dân' ở phần mở đầu, trong các điều của Ðiều lệ Ðảng có 11 nội dung mới được bổ sung, sửa đổi sau đây:

Một là, bổ sung nội dung về tiêu chuẩn đảng viên: Ðiều 1, Ðiều lệ Ðảng Ðại hội X quy định tiêu chuẩn đảng viên như sau: 'Ðảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam,...'. Trên cơ sở tổng kết 25 năm thực hiện đổi mới và 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cho thấy: Người đảng viên không chỉ là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, mà còn là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Do đó, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã được bổ sung thêm nội dung 'nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam'. Vì vậy, để thống nhất với tiêu chuẩn đảng viên được ghi trong Cương lĩnh và phần đầu của Ðiều lệ Ðảng, Ðiều 1, Ðiều lệ Ðảng đã được bổ sung thêm cụm từ 'nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam' và thể hiện đầy đủ như sau: 'Ðảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam'. 

Hai là, bổ sung nội dung về nhiệm vụ của đảng viên: Ngoài các nhiệm vụ của đảng viên được quy định tại Ðiều 2, Ðiều lệ Ðảng, Bộ Chính trị các khóa vừa qua còn có Quy định về 'Những điều đảng viên không được làm'. Trong quá trình thực hiện, có nhiều ý kiến cho rằng cần đưa nội dung những điều đảng viên không được làm vào trong Ðiều lệ Ðảng để tính pháp lý cao hơn và mọi đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên, qua thảo luận, phần lớn đại biểu đại hội cho rằng: Nếu đưa tất cả những điều đảng viên không được làm vào trong Ðiều lệ Ðảng thì Ðiều lệ Ðảng sẽ dài và khi cần phải bổ sung, sửa đổi thì phải chờ đến Ðại hội Ðảng toàn quốc. Do đó, Ðiều lệ Ðảng chỉ nên ghi một câu chung là: đảng viên phải 'Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm', còn nội dung cụ thể thì Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị xem xét, quyết định cho phù hợp. Vì vậy, Ðiều 2, Ðiều lệ Ðảng đã bổ sung thêm nội dung về nhiệm vụ của đảng viên là: đảng viên phải 'Chấp hành quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm'.

Ba là, bổ sung, sửa đổi về việc thành lập tổ chức cơ sở đảng:

Ðiều 21, Ðiều lệ Ðảng Ðại hội X quy định: 'Ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, đơn vị cơ sở trong quân đội, công an và các đơn vị cơ sở khác có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng'. Trong thực tế của công tác xây dựng Ðảng thời gian qua cho thấy: Cùng với sự phát triển của công cuộc đổi mới đất nước, có rất nhiều đơn vị cơ sở thuộc các loại hình được thành lập mới hoặc chia tách, sáp nhập..., nếu đơn vị nào cứ có đủ từ ba đảng viên chính thức trở lên đều thành lập tổ chức cơ sở đảng và trực thuộc cấp ủy cấp huyện thì cấp ủy huyện, quận và tương đương sẽ có rất nhiều tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, việc theo dõi, quản lý và phân bổ đại biểu dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp mình có rất nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy, Ðiều 21, Ðiều lệ Ðảng đã được bổ sung và sửa đổi để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn như sau: 'Ở xã, phường, thị trấn có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức cơ sở đảng (trực thuộc cấp ủy cấp huyện). Ở cơ quan, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, đơn vị quân đội, công an và các đơn vị khác có từ ba đảng viên chính thức trở lên, lập tổ chức đảng (tổ chức cơ sở đảng hoặc chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở); cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định tổ chức đảng đó trực thuộc cấp ủy cấp trên nào cho phù hợp; nếu chưa đủ ba đảng viên chính thức thì cấp ủy cấp trên trực tiếp giới thiệu đảng viên sinh hoạt ở tổ chức cơ sở đảng thích hợp'.

Bốn là, bổ sung sửa đổi về cách tính nhiệm kỳ đại hội của những tổ chức đảng mới thành lập, chia tách, sáp nhập... trong nhiệm kỳ ở các cấp: Ðiều 13, Ðiều lệ Ðảng Ðại hội X quy định: 'Ðối với tổ chức đảng mới thành lập, cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định cấp ủy lâm thời; chậm nhất trong vòng một năm kể từ ngày có quyết định chỉ định, tổ chức đảng đó phải tiến hành đại hội; nếu kéo dài thêm thời gian phải được cấp ủy cấp trên trực tiếp đồng ý'.

Thực tiễn của công tác xây dựng Ðảng những năm qua cho thấy: Việc thành lập mới hoặc chia tách, sáp nhập các tổ chức đảng ở các cấp trong nhiệm kỳ được diễn ra thường xuyên, do đó nhiệm kỳ của những tổ chức đảng này không khớp với nhiệm kỳ của tổ chức đảng cấp trên và kéo dài từ nhiệm kỳ hiện tại sang nhiệm kỳ sau của tổ chức đảng cấp trên. Như vậy, năm nào cấp ủy cấp trên cũng phải chỉ đạo đại hội hết nhiệm kỳ của một số tổ chức đảng và trong các kỳ tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc của Ðảng đều có một số tổ chức đảng chỉ tiến hành đại hội ba nội dung do chưa hết nhiệm kỳ. Vì vậy, Ðiều 13, Ðiều lệ Ðảng đã bổ sung, sửa đổi về nhiệm kỳ đại hội đảng ở những nơi mới thành lập, chia tách, sáp nhập... trong nhiệm kỳ đại hội ở các cấp như sau: 'Từ tổ chức cơ sở đảng đến đảng bộ trực thuộc Trung ương nếu được thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập trong nhiệm kỳ, thì cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định cấp ủy chính thức; chỉ đạo xây dựng hoặc bổ sung nhiệm vụ cho phù hợp; nhiệm kỳ đầu tiên của các cấp ủy này không nhất thiết phải là 5 năm để nhiệm kỳ đại hội phù hợp với nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đảng cấp trên'.

Năm là, bổ sung, sửa đổi việc tính tuổi đảng của đảng viên:

Ðiều 5, Ðiều lệ Ðảng Ðại hội X quy định: 'Tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày ghi trong quyết định công nhận đảng viên chính thức'. Qua thực hiện, nhiều cấp ủy và đảng viên cho rằng: Quần chúng ưu tú sau khi được kết nạp vào Ðảng, tuy mới là đảng viên dự bị, nhưng thực chất là người đã đứng trong hàng ngũ của Ðảng và đã phải thực hiện các nhiệm vụ của người đảng viên theo quy định của Ðiều lệ Ðảng, do đó sau khi được công nhận là đảng viên chính thức thì tuổi đảng của đảng viên nên được tính từ khi được kết nạp vào Ðảng. Vì vậy, Ðại hội XI đã quyết định bổ sung, sửa đổi Ðiều 5, Ðiều lệ Ðảng về thời gian tính tuổi đảng của đảng viên như sau: 'Ðảng viên đã được công nhận chính thức thì tuổi đảng của đảng viên tính từ ngày ghi trong quyết định kết nạp'. Tuy nhiên, việc thực hiện nội dung này như thế nào (chỉ thực hiện đối với những đảng viên được kết nạp sau khi Ðại hội XI thông qua Ðiều lệ Ðảng hay thực hiện đối với tất cả đảng viên trong toàn Ðảng) đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, vấn đề này còn phải chờ Quy định của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về thi hành Ðiều lệ Ðảng.

Sáu là, bổ sung về thẩm quyền kỷ luật đảng viên của cấp ủy tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương: Ðiều 36, Ðiều lệ Ðảng Ðại hội X quy định: 'Cấp ủy tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên cùng cấp'. Qua thực tiễn hoạt động cho thấy việc quy định như vậy là chưa thật phù hợp. Vì vậy, Ðại hội XI đã bổ sung, sửa đổi Ðiều 36, Ðiều lệ Ðảng và được thể hiện đầy đủ như sau: 'Cấp ủy tỉnh, thành, huyện, quận và tương đương quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên; quyết định khiển trách, cảnh cáo cấp ủy viên cùng cấp vi phạm nhiệm vụ do cấp ủy giao'.

Bảy là, bổ sung việc giao cho Ban Chấp hành Trung ương quyết định việc chỉ đạo thực hiện thí điểm một số chủ trương mới:

Ðiều 48, Ðiều lệ Ðảng Ðại hội X quy định: 'Chỉ Ðại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi Ðiều lệ Ðảng'. Thực tiễn của công tác xây dựng Ðảng cho thấy: Trong một nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng toàn quốc, cùng với sự phát triển của công cuộc đổi mới, công tác xây dựng Ðảng cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới cần phải xem xét, giải quyết cho phù hợp với thực tiễn, nhưng vấn đề đó lại chưa được quy định trong Ðiều lệ Ðảng. Mặt khác, với trách nhiệm là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Ðảng giữa hai kỳ đại hội, Ban Chấp hành Trung ương phải chuẩn bị những nội dung cần bổ sung, sửa đổi Ðiều lệ Ðảng để trình Ðại hội xem xét, quyết định. Nếu trong những vấn đề mới nảy sinh đó có những vấn đề đang còn có ý kiến khác nhau, chưa tạo được sự thống nhất cao thì cần thiết phải thực hiện thí điểm để Ban Chấp hành Trung ương có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn trình ra Ðại hội. Vì vậy, để đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đặt ra và tạo sự thống nhất nhận thức trong toàn Ðảng về việc chỉ đạo thí điểm một số chủ trương mới khi chưa được quy định trong Ðiều lệ Ðảng, khoản 2, Ðiều 16, Ðiều lệ Ðảng đã bổ sung thêm nội dung: 'Ban Chấp hành Trung ương căn cứ tình hình thực tế quyết định chỉ đạo thí điểm một số chủ trương mới'.

Tám là, thay đổi tên gọi của Ðảng ủy Quân sự Trung ương: Ðiều lệ Ðảng Ðại hội X quy định: 'Ðảng ủy Quân sự Trung ương (gọi tắt là Quân ủy Trung ương)'. Trong quá trình thảo luận ở đại hội đảng bộ các cấp cũng như ở Ðại hội XI của Ðảng, nhiều đại biểu đại hội đề nghị không nên gọi là Ðảng ủy Quân sự Trung ương (gọi tắt là Quân ủy Trung ương) mà gọi là Quân ủy Trung ương theo tên gọi truyền thống từ những ngày thành lập của Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì vậy, Ðại hội đã biểu quyết tán thành đổi tên gọi của Ðảng ủy Quân sự Trung ương thành 'Quân ủy Trung ương'.

Chín là, bổ sung nội dung về sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước đối với Quân đội, Công an: Ðể bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước đối với Quân đội, Công an, khoản 1,

Ðiều 25, Ðiều lệ Ðảng đã bổ sung hai nội dung sau: 'Ðảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; Sự lãnh đạo của Ðảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ðảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân... Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật'.

Mười là, bổ sung nội dung nhằm cụ thể hóa một số chức danh và vai trò chỉ đạo của Ðảng đối với Quân đội: Nhằm bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng đối với Quân đội, Ðiều 26 và Ðiều 27, Ðiều lệ Ðảng đã bổ sung nội dung nhằm cụ thể hóa một số chức danh và xác định vai trò lãnh đạo của Ðảng trong Quân đội như sau: 'Ðồng chí Tổng Bí thư là Bí thư Quân ủy Trung ương'; 'Ðồng chí bí thư cấp ủy địa phương trực tiếp làm bí thư đảng ủy quân sự cùng cấp'.

Mười một là, bổ sung, sửa đổi về chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn, ban cán sự đảng: Ðiều lệ Ðảng Ðại hội X quy định: Ðảng đoàn, ban cán sự đảng kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Ðảng. Qua thực tế hoạt động của đảng đoàn, ban cán sự đảng trong những năm qua cho thấy: Ðảng đoàn, ban cán sự đảng không có tổ chức bộ máy và cán bộ riêng nên việc thực hiện công tác kiểm tra chấp hành đường lối, chính sách của Ðảng không thực hiện được, chỉ nên quy định lãnh đạo công tác kiểm tra là phù hợp. Vì vậy, Ðiều 42 và Ðiều 43, Ðiều lệ Ðảng được bổ sung, sửa đổi: Ðảng đoàn, ban cán sự đảng lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành đường lối, chính sách của Ðảng.

Theo báo Nhân Dân

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website