Đổi mới mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế PGS.TSKH Trần Nguyễn Tuyên - Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương

1. Xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đặt ra yêu cầu cần phát huy và sử dụng hiệu quả tiềm năng của các thành phần kinh tế, đồng thời với việc đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý theo chiều sâu, nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo hướng này đối với thành phần kinh tế nhà nước thực tế qua hơn 25 năm đổi mới ở Việt Nam cho thấy cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, tiến hành cổ phần hoá nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, thực hiện đúng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Văn kiện đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định cần '' xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh, đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối, cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước để doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành nóng cốt của kinh tế nhà nước”.

Đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện mô hình tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước, nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Qua tổng kết thực tiễn và lý luận, nhất là sau 4 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Văn kiện đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ chủ trương ''chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước cho biết: Năm 2010 tổng hợp tình hình của 21 tập đoàn, tổng công ty 91 (ngoại trừ Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam Vinashin), quy mô vốn chủ sở hữu đạt 540.701 tỷ đồng, tăng 11,75% so năm 2009; tổng doanh thu ước đạt 1.173.489 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm, tăng 36% so năm 2009; 20/21 tập đoàn- tổng công ty nhà nước có lãi, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 70.778 tỷ đồng.

Về phương hướng, nhiệm vụ của các tập đoàn – tổng công ty nhà nước trong năm 2011, Ban Chỉ đạo kiến nghị các đơn vị tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo tinh thần nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 của Chính phủ, trong đó cần thực hiện nhiều giải pháp cụ thể đối với các bộ ngành, tập đoàn - tổng công ty nhà nước, thực hiện mục tiêu phấn đấu mức tăng trưởng bình quân 15% năm.

Trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, kinh tế nhà nước được xác định đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước được nhà nước ưu đãi trong việc cung cấp nguồn vốn, tín dụng, đầu tư, mặt bằng sản xuất kinh doanh, sử dụng nguồn lao động qua đào tạo và nhiều chính sách ưu đãi khác. Kinh tế nhà nước đóng góp gần 40% GDP.

Tác động cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đối với kinh tế Việt Nam ngày càng rõ rệt, cùng với những yếu kém vốn có của nền kinh tế đã tạo ra những điều kiện khó khăn trong việc thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên nhờ có hệ thống các doanh nghiệp nhà nước và các công cụ kinh tế vĩ mô khác nên Nhà nước vẫn đảm bảo được các cân đối vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao của nền kinh tế. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước còn đóng góp tích cực vào việc giải quyết mục tiêu an sinh xã hội, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và khu vực.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của các tập đoàn kinh tế trong thời gian qua đã bộc lộ những điểm yếu, khiếm khuyết của mô hình này. Trước hết đó là việc chưa xác định rõ chủ sở hữu đích thực của doanh nghiệp nhà nước, do vậy chưa tạo động lực để phát triển hiệu quả khu vực kinh tế này. Thực tế vẫn còn quan điểm cho rằng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội phải dựa trên chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu, bởi đây là một trong những yếu tố đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, cho rằng mức độ công hữu cao thì mới thể hiện được đặc trưng của mô hình xã hội chủ nghĩa. Chính xuất phát từ quan niệm này nên việc đầu tư định hướng phát triển của thành phần kinh tế nhà nước chưa chú trọng đầy đủ đến yếu tố hiệu quả, sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cơ sở lý luận của quan điểm này thực chất là đồng nghĩa chủ nghĩa xã hội với chế độ công hữu. Thực tế những hạn chế yếu kém của mô hình kinh tế của Liên Xô và các nước Đông Âu cũ cho thấy khiếm khuyết của mô hình này, việc kéo dài quá lâu dẫn đến sự tan rã của hệ thống.

Thực tế quá trình đổi mới của Việt Nam đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối phát triển mạnh các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, thực hiện sự phát triển kinh tế trên cơ sở đa sở hữu. Bên cạnh kết quả đạt được còn những hạn chế của doanh nghiệp nhà nước nói chung và các tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng như việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể này, liên quan trực tiếp đến quản trị doanh nghiệp, tình trạng hiệu quả sử dụng vốn trong các doanh nghiệp  nhà nước hiện chưa cao (chỉ số ICOR của Việt Nam năm 2010 ở mức cao nhất  khu vực trên 8) do hai yếu tố chủ yếu chế độ sở hữu và quản trị. Việc sở hữu đồng tiền nguồn gốc từ đâu không quyết định được hiệu quả của đồng vốn, quan trọng là phụ thuộc vào yếu tố quản trị. Quản tri hạn chế sẽ dẫn đến hệ quả sử dụng vốn vào hoạt động thấp.

Lâu nay chúng ta chưa quan tâm nhiều đến yếu tố quản trị, cơ chế quản trị doanh nghiệp của Việt Nam hiện còn lúng túng. Do đó, vấn đề quan trọng đặt ra trong thời gian tới là quản trị doanh nghiệp, thiết kế lại một quy chế về quản trị doanh nghiệp; vấn đề giám sát của nhà nước; làm rõ vai trò quản trị nhà nước và vai trò chủ sở hữu; làm rõ vai trò chủ sở hữu với quyền quyết định kinh doanh...Thực tế cho thấy đến nay Bộ Tài chính cũng chưa xác định được cơ chế định giá tài sản nhà nước trong doanh nghiệp nên như thế nào cho hợp lý, chưa có giải pháp xác định đúng giá trị thực sự của doanh nghiệp, chưa xây dựng được công thức tính giá trị doanh nghiệp. Nếu chưa xây dựng được cơ chế này thì khó khăn trong việc hoàn thành chuyển đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa được tháo gỡ. Cũng do vướng mắc trong cơ chế xác định giá trị tài sản nhà nước trong doanh nghiệp nên quá trình cổ phần hoá, chuyển đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp từ sau năm 2006 đến nay bị chậm lại khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước ở vào tình thế chờ đợi, nghe ngóng. Một số doanh nghiệp nhà nước không còn thiết tha với việc chuyển đổi, hoạt động cầm chừng, rơi vào tình trạng trì trệ và suy yếu dần. Nhiều doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, không sử dụng tài sản nhà nước giao cho để tạo ra giá trị sản xuất đích thực mà đem cho thuê nhà, tài sản phục vụ lợi ích riêng.

Một số tập đoàn, tổng công ty lớn thì hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với số tài sản mà nhà nước giao, chưa phát huy được vai trò chủ lực đối với nền kinh tế. Trong khi đó phần lớn các doanh nghiệp nhà nước sau khi chuyển đổi cổ phần hoá đã làm ăn có lãi, hiệu quả, đời sống của cán bộ, người lao động được cải thiện, nâng lên. Mấu chốt của thành công trong việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước là phải có chủ sở hữu đích thực cho doanh nghiệp nhà nước. Như chúng ta đã biết để xảy ra tình trạng của Vinashin vừa qua cũng là vì chưa có người đại diện chủ sở hữu đích thực để kiểm tra giám sát thường xuyên hoạt động của tập đoàn này. Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội về vấn đề này cũng đã nhấn mạnh đến yêu cầu là để tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển thì phải đổi mới cách thức quản lý, tách quyền sở hữu ra khỏi chức năng quản lý hành chính, tức là tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước có được chủ sở hữu thực sự.

Nhưng đến thời điểm này chúng ta cũng chưa tách được hai chức năng này: Một số bộ định tách chức năng quản lý khỏi các doanh nghiệp, nhưng nếu tách thì lại nảy sinh vấn đề không có đầu mối quản lý các doanh nghiệp, nên cuối cùng lại giao cho các bộ quản lý. Năm 2005 Việt Nam đã thành lập Tổng công ty Đầu từ và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nhằm tập trung đầu mối quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tuy nhiên đồng thời với việc thành lập SCIC, chúng ta lại thành lập các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với số vốn lớn nên vốn nhà nước rút cục không được tập trung quản lý thống nhất. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy doanh nghiệp vào tình trạng tùy tiện, muốn làm gì thì làm, do vậy xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp nhà nước đầu tư trái ngành nghề, không thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và nền kinh tế.

2. Để thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020, thực hiện quan điểm phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững, phát triển bền vững là phát triển xuyên suốt trong chiến lược, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới các mô hình tập đoàn của các tổng công ty nhà nước. Trước mắt trong năm 2011 với mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thực hiện an sinh xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng JDP từ 7 - 7,5%. Điều này đang đặt ra hàng loạt khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế. Cùng với lộ trình mở cửa, hội nhập, yêu cầu nâng cao sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế nhà nước càng trở nên cấp bách. Theo hướng này, cần tiếp tục làm rõ chủ sở hữu đích thực của doanh nghiệp nhà nước đồng thời cần hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp, trong đó sớm ban hành điều lệ, quy chế nội bộ về tài chính đầu tư, cán bộ, gắn quyền hạn và trách nhiệm, thực hiện kiểm tra giám sát chặt chẽ.

Tập trung vào việc nâng cao hiệu quả của đầu tư công, kiên quyết cắt bỏ những công trình không có hiệu quả, thực hiện từng bước thị trường hóa đối với các sản phẩm của các tập đoàn nhà nước như sản xuất và phân phối điện, than, xăng dầu. Hoàn thiện các cơ chế, thể chế quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, tăng cường phân cấp trên cơ sở giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, không gây phiền hà cho doanh nghiệp nhưng tăng cường sự quản lý, giám sát của chủ sở hữu, bảo đảm cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động đúng pháp luật, tuân thủ các quyết định, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website