(ĐCSVN)- Cách đây 40 năm, ngày 14-5-1966, đồng chí Mạc Bá Nguyên hồi đó làm công tác huấn học của Thành ủy Hà Nội may mắn được tham dự và nghe buổi nói chuyện của Bác Hồ với lớp đảng viên mới. Câu chuyện về học và hành mà Bác Hồ kể ngày đó đã theo ông trong suốt cuộc đời công tác của mình.
Ông còn nhớ rõ tâm trạng của mình khi lần đầu tiên được gặp Bác Hồ: vừa hồi hộp, vừa phấn khởi và xúc động. Hồi đó, ông Nguyên được giao nhiệm vụ tổ chức lớp học nên lại càng lo lắng hơn. Cả mấy ngày trời thao thức không ngủ được, ông cùng các đồng chí trong Ban Tuyên huấn Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo từ Hội trường, phòng cháy, nổ đến tưới cây, tỉa cành. Đặc biệt, lớp học được tổ chức trong thời gian giặc Mỹ đang đánh phá miền Bắc nên những người làm công tác chuẩn bị đã phải đào hầm bí mật bảo đảm an toàn cho Bác và những người giảng viên.
Trường Chu Văn An hồi đó được chọn làm địa điểm tổ chức lớp học. Sáng ngày 14-5-1966, lớp học đảng viên khối công nghiệp của Hà Nội được khai giảng lấy tên là “Lớp bồi dưỡng hạt giống đỏ”. Trung ương và Hà Nội tổ chức lớp học này nhằm mục đích rút ra kinh nghiệm để tổ chức các lớp học cho đảng viên trong toàn quốc có điều kiện hiểu rõ hơn về Chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa cộng sản, cũng như nhiệm vụ đảng viên, của tổ chức cơ sở đảng; công tác vận động quần chúng.
Lớp học vinh dự được Bác Hồ đến dự khai mạc và giảng bài ngày hôm đó. Khi Người xuất hiện, cả lớp đã reo vang phấn khởi. Bác mặc bộ quần áo lụa giản dị, bước chân nhanh nhẹn hướng thẳng vào lớp học. Khi nghe Bác nói, ông Nguyên cũng như tất cả các đồng chí khác đều im lặng lắng nghe và như nuốt lấy lời Bác. Ước mong được gặp Bác bấy lâu nay của bao người đã được toại nguyện, và hơn thế nữa lại còn được Bác giảng bài. Không ai có thể quên được kỷ niệm đẹp đẽ này. Hôm đó Bác đã giảng bài: “Học tập lý luận chính trị, học đi đôi với hành, học để hành ngày càng tốt hơn”. Nói là Bác giảng bài, nhưng những lời Bác giảng đều rất bình dị, dễ hiểu, học viên tiếp thu nhanh, nhất là câu chuyện mà Bác kể ngày hôm đó làm ông Nguyên nhớ mãi. Chính câu chuyện đó là hành trang để ông Nguyên làm tốt mọi công việc của mình sau này.
Ông Nguyên tâm sự: “Bác Hồ đã kể cho chúng tôi nghe: Có một lần Bác đi dự hội nghị về, thấy một số đồng chí đang ngồi nghỉ ở một gốc cây đa to bóng mát, Bác hỏi:
- Các cháu đi đâu về?
- Chúng cháu đi học
- Học những gì?
- Học Các Mác
- Có hay không?
- Thưa Bác hay lắm
- Có hiểu không?
Họ ấp úng:
- Thưa Bác, nhiều cái khó quá, không hiểu được
Từ đó, Bác căn dặn chúng tôi: Học phải hiểu, học phải đi đôi với hành, không học vẹt. Bác còn dặn các đảng viên: Hàng ngày phải tự kiểm điểm để cố gắng làm đúng 10 nhiệm vụ của đảng viên. Người ta hàng ngày ai cũng phải rửa mặt sạch sẽ, hàng ngày mỗi đảng viên phải tự kiểm điểm như rửa mặt”.
Ngay sau khi lớp học kết thúc, với tư cách là một người tổ chức lớp học, ông Nguyên đã theo dõi sát sao quá trình hoạt động của những đảng viên tham gia lớp học ở tại đơn vị công tác và sản xuất. Phần “hành” của ông, của một người tổ chức lớp học chính là theo dõi những gì đảng viên đã được học và áp dụng vào thực tiễn hoạt động như thế nào. Ông đã đi lần lượt 7 xí nghiệp và kiểm tra trực tiếp 61 đảng viên (trong số 169 học viên đã học). Kết quả thực tế, các đồng chí sau khi học về đã có chương trình hành động cách mạng của mình, tinh thần trách nhiệm trong sản xuất và công tác được nâng cao rõ rệt, các đồng chí xung phong làm việc khó khăn không kể giờ giấc, ý thức giữ gìn kỷ luật lao động, tìm mọi cách để đưa năng suất lao động của đơn vị mình tăng cao. Một số đồng chí đã phát huy sáng kiến, nâng cao năng suất lao động. Đồng chí Nguyễn Thái Bảo, công nhân Sở Bưu điện Hà Nội đã hoàn thành trước thời hạn nhiệm vụ làm một đường dây đặc biệt phục vụ lãnh đạo chiến đấu, tiết kiệm được nguyên vật liệu. Ông nhớ rõ những thành tích của đồng chí Khởi, nữ đảng viên, công nhân khuôn đúc ở Nhà máy cơ khí Đồng Tháp đã làm mỗi ngày 20 khuôn trong khi xí nghiệp chỉ quy định làm 8 khuôn/ngày.
Đồng chí Nghiêm Xuân Tý ở Sở Bưu điện đã lập một nhóm thanh niên gồm 10 người để học tập, tu dưỡng, ngoài ra đồng chí còn đảm nhiệm củng cố một phân đoàn thanh niên kém vươn lên thành khá, phụ trách bồi dưỡng 1 công nhân kém thành tích cực… Qua những đợt kiểm tra ấy, thấy những cán bộ, đảng viên thực sự trưởng thành, ông mới thấy mình đã hoàn thành công việc của một người tổ chức. Những điều về “học và hành” mà Bác Hồ dạy đã giúp cho ông có được những kinh nghiệm về tổ chức và quản lý cán bộ và cũng chính những lần đi thực tế kiểm tra cán bộ, đảng viên đã bổ sung những kinh nghiệm công tác cho ông rất nhiều. Càng ngẫm, ông càng thấy những bài học mà Bác Hồ dạy là rất bổ ích và thiết thực.
Trong cuộc sống hàng ngày, ông Nguyên cũng nhắc nhở các con của mình cần học và hành một cách nghiêm túc, những gì đã học phải được áp dụng vào thực tiễn. Ông luôn làm tốt mọi công việc trước khi muốn dạy bảo người khác, dù đó là con mình. Chính sự nghiêm minh, cần kiệm và sự phấn đấu không mệt mỏi của ông trong suốt quá trình công tác đã là tấm gương sáng cho con ông và những người đồng nghiệp noi theo. Hơn 30 năm làm công tác huấn học, được gặp và nghe bác Hồ giảng bài với nhiều điều bổ ích và lý thú, hành trang ấy đối với ông còn quý hơn tất cả mọi địa vị chức tước, mà đến nay, khi đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” ông vẫn còn nâng niu, trân trọng.
Khi được hỏi, ông có lời khuyên gì đối với thế hệ trẻ đang phấn đấu vào Đảng và những đảng viên mới kết nạp, ông Nguyên trả lời: “tôi nghĩ, thế hệ trẻ ngày nay cần phải học nhiều hơn nữa, nhất là học tập lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng cảu Đảng và xã hội ta. Nó có tầm quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội. Tuổi trẻ phải không ngừng học hỏi mọi lúc, mọi nơi, học phải đi đôi với hành, học để hành động cách mạng, để làm nhiều việc có ích cho xã hội”.
Hiền Hòa