Những năm gần đây, vấn đề đói nghèo đã thu hút sự quan tâm to lớn của cộng đồng quốc tế. Từ 14-9 đến 16-9-2005 Hội nghị Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York - Mỹ, một lần nữa khẳng định cần có sự nỗ lực toàn cầu trong giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Tuyên bố Thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển, đã tạo đà và tầm nhìn về một thế giới mà ở đó không còn đói nghèo, ai cũng được chăm lo về y tế, giáo dục, môi trường, mọi người được tự do bình đẳng...
Lần tìm trong các tác phẩm trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ tìm thấy những tư tưởng của Người về xóa đói giảm nghèo, và những tư tưởng đó được đề cập từ rất sớm.
Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, nhân dân Việt Nam rơi vào cảnh đói khổ, lầm than và sống đời nô lệ, Nguyễn Ái Quốc quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước với ham muốn tột bậc: giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Sau thời gian bôn ba nước ngoài và tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lê nin, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đi đến kết luận quan trọng: Chỉ có chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức bóc lột bất công, mới xóa bỏ triệt để nguồn gốc bất công, mang lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho con người.
Người kể lại rằng: ''Từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội - chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(1).
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nội dung cơ bản làm nên sự khác biệt giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với các quan niệm truyền thống về độc lập dân tộc đi theo con đường phong kiến hay tư sản. Quan điểm này là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, trở thành chân lý mang tính thời đại: ''Cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành thắng lợi hoàn toàn''(2).
Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam khẳng định công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Người đã tìm ra con đường đúng đắn, gắn mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội và cống hiến suốt cuộc đời cho mục tiêu đó. Trong tiến trình đổi mới hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta vẫn kiên định mục tiêu và con đường cách mạng mà Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội phải thể hiện tính ưu việt hơn so với các chế độ xã hội trước: ''Nhà nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân chỉ lo làm lợi cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, ngày càng tiến bộ về vật chất và tinh thần, làm cho trong xã hội không có người bóc lột người”(3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường định nghĩa về chủ nghĩa xã hội bằng cách xác định mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, chỉ rõ phương tiện, phương hướng để đạt được mục tiêu đó. Trong nhiều bài viết, khi đặt vấn đề: ''Chủ nghĩa xã hội là gì?'' Người tự trả lời: chủ nghĩa xã hội là ''làm cho đời sống nhân dân ngày càng sung sướng, ăn no, mặc ấm, được học hành, ốm đau có thuốc''(4).
Ngay từ những ngày đầu cách mạng Người đã luôn chăm lo đến đời sống nhân dân: hễ dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi hễ dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, hễ dân ốm đau bệnh tật là Đảng và Chính phủ có lỗi, hễ dân không được học hành là Đảng và Chính phủ có lỗi. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Người xem đói nghèo cũng là một thứ giặc nguy hiểm như giặc dốt, giặc ngoại xâm, vì vậy Người đã sớm phát động cuộc vận động thi đua ái quốc kêu gọi toàn dân bằng nhiều phương pháp cách thức khác nhau để giúp nhân dân như: tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nhường cơm xẻ áo, quyên góp gạo cứu đói...
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Người đã chủ trương đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, ngay hồi ấy Người đã có tư tưởng về xóa đói giảm nghèo. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03-9-1945, Người đã nêu sáu vấn đề cấp bách trong đó cứu đói là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Người nói: nhân dân đang đói. Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác của bọn Pháp, Nhật. Những người sắp chết đói nay cũng bị đói, Chính phủ ta phải làm thế nào cho họ sống.
Người nêu ra biện pháp khắc phục: Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Tuần gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo.
Vậy, xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của toàn xã hội, Người kêu gọi toàn dân đoàn kết phát huy tinh thần nhân ái, giá trị truyền thống của dân tộc “lá lành đùm lá rách'' để giúp đỡ nhân nhân vượt qua đói nghèo. Khi chính quyền về tay nhân dân rồi phải làm sao cho nhân dân thấy được giá trị của tự do bình đẳng thực sự đó mới là nội dung đích thực của độc lập tự do, theo Người: ''Nước nhà đã giành được độc lập tự do mà dân vẫn còn đói nghèo cực khổ thì độc lập tự do không có ích gì''(5).
Người đã khởi xướng, đề xuất và gương mẫu thực hiện phong trào hũ gạo cứu đói, với nghĩa cử cao đẹp mỗi tuần nhịn ăn một bữa, cùng với phong trào ''Tuần lễ vàng''. Người đã huy động sức mạnh to lớn của toàn thể đồng bào vào cuộc vận động đầy ý nghĩa này để cứu giúp dân nghèo và xây dựng đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra đường lối nhiệm vụ chung của cách mạng bao gồm cả phát triển kinh tế - xã hội lẫn văn hóa tinh thần, để giúp nhân dân lao động thoát khỏi bần cùng và ai ai cũng có việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Đó là những nhiệm vụ rất lâu dài khó khăn, bởi cơ sở vật chất của chúng ta còn thiếu và yếu, do phải dốc sức cho cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, phải hoàn thành hai nhiệm vụ đồng thời song song là: vừa kháng chiến vừa kiến quốc, kháng chiến để mang về cái quý giá cho dân tộc vì ''không có gì quý hơn độc lập tự do'' còn kiến quốc để đảm bảo đời sống của nhân dân, Người coi kinh tế là cơ sở nền tảng phục vụ cho phát triển con người. Nó chi phối các lĩnh vực khác, nên Người căn dặn phải xây dựng kinh tế trước, bởi muốn nâng cao đời sống nhân dân, muốn cho phát triển con người cần phải có điều kiện, tiền đề vật chất. Người kêu gọi: muốn có chủ nghĩa xã hội thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất... Tất cả chúng ta bất kỳ cấp nào ngành nào, đều phải góp sức làm cho sản xuất phát triển.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, Người rất thông cảm và hiểu rõ đồng bào các dân tộc ở miền núi, nơi có trình độ kinh tế kém phát triển, thì các dân tộc anh em khác có điều kiện hơn phải giúp đỡ họ thoát nạn bần cùng, hướng dẫn họ cách thức làm án, giúp họ tổ chức sản xuất xóa bỏ mê tín dị đoan... để đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng lại cuộc sống mới.
Ngay buổi đầu thành lập nước và trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: ''Bao giờ bọn Pháp không trở lại nữa, đồng bào Kinh sẽ rảnh rang giúp đồng bào Thổ, Mán nhiều hơn. Chính phủ sẽ giúp đồng bào Thổ, Mán như giúp các dân tộc nhỏ khác được có đủ ruộng làm, đủ trâu bò cày''(6).
Người thường lưu ý rằng: việc chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc coi như việc đánh thắng giặc nghèo khổ lạc hậu. Người chỉ dẫn phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất đi liền với tiết kiệm, làm nhiều tiêu ít, làm chóng tiêu chậm, tức là đủ.
Điều mới mẻ trong tư tưởng của Người về xóa đói giảm nghèo đó là, đi kèm với tăng gia sản xuất phải thực hành tiết kiệm, có vậy mới đảm bảo chắc chắn lâu dài công cuộc xoá đói. Đến nay tư tưởng này vẫn còn giữ nguyên giá trị, hiện nay chúng ta hình thành quỹ xóa đói giảm nghèo, giúp người đói nghèo là áp dụng những trường hợp cụ thể với một bộ phận dân cư đặc biệt. Đó là những biện pháp tình thế nhất thời mang tính nhân đạo, còn về lâu dài phải hướng dẫn họ cách thức làm ăn, trợ giúp về vốn, kỹ thuật... để họ tự vươn lên thoát nghèo, cho họ cần câu và hướng dẫn cách câu mới là biện pháp lâu dài bởi chỉ có phát triển sản xuất mới có thể xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao sức mạnh của dân, Người yêu cầu: đem tài dân, sức dân mà giải phóng cho dân.
Theo Người, xóa đói giảm nghèo là: ''Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người giàu thì giàu thêm”(7).
Vậy là, mọi thành viên trong xã hội không ngừng phấn đấu vươn lên vượt qua cửa ải đói nghèo, Người quan niệm xã hội mà chúng ta xây dựng là ''dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh''. Nó xa lạ với đói nghèo bần cùng, lạc hậu, là xã hội giàu về kinh tế, lành mạnh về văn hóa xã hội, quan niệm này hàm chứa ý nghĩa to lớn trong việc giải phóng sức sản xuất, hướng đến phát triển toàn diện con người.
Theo Người một dân tộc dốt cũng là một dân tộc yếu, giặc dốt cũng là một trong ba thứ giặc nguy hiểm nó sẽ kìm hãm sự phát triển, Người chỉ ra rằng: ăn no mặc ấm phải đi liền với học hành tiến bộ, xã hội phải ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng phải đi liền với tinh thần ngày càng tốt. Qua đó chúng ta thấy rằng ý nghĩa sâu xa trong tư tưởng xoá đói giảm nghèo của Người là bên cạnh xoá đói giảm nghèo về vật chất phải chú ý cả xóa đói giảm nghèo về tinh thần, không nên phiến diện một chiều chỉ tập trung về kinh tế, mà bỏ quên văn hóa tinh thần, lúc ấy sẽ xuất hiện nguy cơ, lực cản nguy hiểm ảnh hưởng đến sự phát triển. Tư tưởng này đến nay vẫn thể hiện rõ tính thời sự của nó: Phát triển bền vững phải bao hàm cả vật chất và tinh thần. Đó là giá trị to lớn trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xóa đói giảm nghèo mà chúng ta cần vận dụng sáng tạo trong điều kiện tình hình mới, phấn đấu đạt mục tiêu chung: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Theo Ngô Hoàng Anh
Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, 8-2006
In bài
1)Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQGHN 2000, T.100 T.128
2)Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQGHN 2002, tr.12, tr.304-305
3)Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQGHN 2000, tr.8 tr276
4)Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQGHN 2000, tr.10, tr.590
5)Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQGHN 2002, tr.4, tr26
6)Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQGHN 2002, tr.4, tr.103-104
7)Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQGHN 1995, tập 5 tr.62