Hồ Chí Minh với công chức và công vụ của nền hành chính dân chủ cộng hoà

PGS, TS. Nguyễn Đăng Thành - Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh 

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công chức và công vụ của nền hành chính mới nước Việt Nam dân chủ cộng hoà

a. Chế độ mới, chất lượng mới của nền hành chính dân chủ, cộng hoà đặt yêu cầu mới với công chức và công vụ.

Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm để xây dựng nên Nhà nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ cộng hòa”[1]. Bản chất của chế độ mới là dân chủ, cộng hòa. “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”[2]. Chế độ ấy đã tạo ra và đòi hỏi một nền hành chính mới với chất lượng, tổ chức hoạt động và bộ máy nhân sự khác về chất so với trước đây.

Hồ Chí Minh đã thực hiện một cuộc cách mạng trong quan niệm về bản chất, vị thế, chức năng, nguyên tắc vận hành của nền hành chính mới.

Cách mạng Tháng Tám đã khởi đầu và công cuộc xây dựng chế độ mới và nền hành chính mới tiếp tục hiện thực hóa sự thay đổi ấy. Bản chất của sự thay đổi ấy là “mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Hồ Chí Minh đã đưa ra một quan điểm mới mẻ và cụ thể về chính thể dân chủ, cộng hòa, rằng: “Nước ta là nước dân chủ: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã, do dân tổ chức nên”. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”3. Người quan niệm: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ4. Ở một đất nước mà nhà nước xuất hiện từ rất sớm và mang nặng “truyền thống” quan liêu, xây dựng được một “nhà nước đầy tớ của dân” là điều mà nhiều nhà tư tưởng lớn của loài người đã từng ấp ủ. Nhưng, vấn đề là Hồ Chí Minh đã sớm đưa ngay ý tưởng đó vào việc tổ chức Nhà nước và cố gắng thực hiện.

Chủ thể quyền lực của chế độ mới cũng được Hồ Chí Minh xác định rõ ràng “Nhân dân là: bốn giai cấp: công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc… Trong nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều của nhân dân, tức là của các giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Bốn giai cấp ấy do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy công nông liên minh làm nền tảng, đoàn kết các giai cấp dân chủ và các dân tộc trong nước, để thực hành dân chủ chuyên chính”5.

Nền hành chính mới phải là công cụ đắc lực để nhân dân là chủ thể đích thực và tối cao của quyền lực: “Chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ. Chính phủ là đày tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ. Chính phủ thì việc to việc nhỏ đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Vì vậy, nhân dân lại có nhiệm vụ giúp đỡ Chính phủ, theo đúng kỷ luật của Chính phủ và làm đúng chính sách của Chính phủ, để Chính phủ làm tròn phận sự mà nhân dân đã giao phó cho”6.

Một nền hành chính từ dân, vì dân và gần dân là chất lượng mới tiêu biểu cho bản chất dân chủ, cộng hòa của chế độ mới. Tất cả các nhà nước trước đây, theo tư tưởng của Ăngghen, là “một bộ máy được nảy sinh từ xã hội song về sau đã tha hóa thành một tổ chức đứng trên xã hội”, quyền lực từ chỗ của dân, do dân đã thành đứng trên dân và không còn vì dân nữa! Từ cái vị thế bị tha hóa lâu đời ấy, nền hành chính cũ thực chất là bộ máy cai trị, áp bức và tự coi là “phụ mẫu chi dân”. Hồ Chí Minh đã từng phê phán quyết liệt bản chất của bộ máy nhà nước thực dân và chuẩn bị những cơ sở lý luận và thực tiễn để hình thành nên tư tưởng về một nhà nước kiểu mới, thật sự dân chủ. Trong Đường Kách mệnh, Người viết: “…làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới hạnh phúc”7.

Bởi vậy khi chính quyền cách mạng đã được xác lập thì Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng với quan niệm: “chính phủ là đày tớ của nhân dân”, “cán bộ là công bộc của dân”. Thực chất đây là sự trở lại với nguyên lý “democratos” của dân chủ - cái nguyên lý mà ai và ở đâu cũng nói nhưng hiện thực hóa nó trong thực tế như Hồ Chí Minh thì có rất ít.

Quan điểm quyền lực thuộc về nhân dân và thể chế, thiết chế nhà nước phải phục vụ cho lợi ích của nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là rất hiện đại. Người dùng khái niệm "ủy thác" để nói đến việc nhân dân trao một phần quyền lực của mình cho chính quyền. Quyền lực của nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ Chủ tịch nước đến cán bộ xã đều do nhân dân "ủy thác" cho và nhân sự “do dân bầu nên”. Bản thân Người với tư cách là Chủ tịch nước cũng tự coi mình như “một chiến sỹ vâng mệnh quốc dân, đồng bào”.

Việc bầu ra bộ máy lập pháp và hành pháp thông qua phổ thông đầu phiếu, theo Hồ Chí Minh là thao tác đầu tiên để có nền dân chủ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà... Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”8. Khi hết nhiệm kỳ, Chính phủ sẽ phải trao lại quyền cho nhân dân và nhân dân sẽ trao quyền ấy cho một Chính phủ ở nhiệm kỳ mới do dân “tuyển cử”. Quyền lực và bộ máy hành chính là do dân “ủy thác", “giao quyền”, “bầu ra”, “trao quyền”…là sự khẳng định quyền lực thuộc về nhân dân. Nó phản ánh những nguyên tắc căn bản của một nền hành chính hiện đại mà các nhà khoa học từng khẳng định: quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực. 

Hồ Chí Minh còn quan niệm, phải “đem chính trị vào giữa dân gian” trước hết là gắn hoạt động của chính quyền với đời sống thường nhật của nhân dân: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”9.

Thêm vào đó, nền hành chính tạo được cái “chính trị ở giữa dân gian”, còn là khơi dậy sự quan tâm của nhân dân và phát huy được tính tích cực của công dân với công việc của chính quyền: “Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”10. Người cũng yêu cầu nhân dân: Mọi người Việt Nam phải biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà. Người dân cần phải có những năng lực nhất định và nhà nước phải tạo điều kiện, cơ hội để nhân dân có được những năng lực ấy.

Nền hành chính mới ấy đã khách quan đặt ra yêu cầu mới với công chức và công vụ của nền dân chủ, cộng hòa. 

b. Xây dựng đội ngũ công chức là công bộc của dân

Khái niệm công bộc mà Hồ Chí Minh dùng để chỉ chức trách và bổn phận của người công chức chế độ mới cũng là một đột phá trong tư duy về nhân sự của bộ máy hành chính. Trong xã hội cũ, vị thế của người bộc là chịu sự sai khiến của tất cả. Công bộc có nghĩa là “người đầy tớ của chung”. Tận tụy, cần mẫn thực hiện mọi yêu cầu của nhân dân, của xã hội là hàm ý của khái niệm đó. Nó thay cho quan niệm “phụ mẫu chi dân” - quan là cha mẹ dân, quan chức chỉ biết bổn phận tuân theo ý thiên tử, còn nhân dân là phận dân đen, thảo dân và ý kiến của dân gần như không có trọng lượng. Đây cũng là một sự đảo lộn mang tính cách mạng trong quan niệm về vị thế của cán bộ công chức trong nền hành chính quốc gia.  

Quan hệ của người dân với nhà nước được Hồ Chí Minh làm rõ trong quan hệ với đội ngũ cán bộ, công chức - những người trực tiếp thi hành quyền lực nhà nước và phục vụ nhân dân. Họ là cầu nối giữa chính sách và thực tiễn. Hồ Chí Minh quan niệm rằng, họ “là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”11.

Trách nhiệm và bổn phận của cán bộ, công chức trước hết là do phân công lao động xã hội và không hề có đặc quyền, đặc lợi. Người viết: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”.

Người công bộc ấy phải hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Người yêu cầu  cán bộ công chức nhà nước phải luôn ghi nhớ quyền hạn và trách nhiệm và cũng nhắc nhở cho nhân dân về một địa vị hoàn toàn mới của họ trước chính quyền. Hồ Chí Minh đã dặn: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”12.

Người công bộc ấy phải có được những phẩm chất cao về tư cách và phẩm chất năng lực.

Về tư cách của người cán bộ - công chức Hồ Chí Minh yêu cầu: Một là, phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng. Hai là, phải đặt quyền lợi của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết và lên trước hết. Ba là, phải có một đời tư trong sáng, phải là một tấm gương sáng trong cuộc sống.

Về phẩm chất năng lực của  người cán bộ - công chức: Người cán bộ phải tận tụy với sự nghiệp cách mạng, phải trung thành với Đảng, với Tổ quốc “vô luận hoàn cảnh thế nào, lòng họ cũng không thay đổi”; Hồ Chí Minh lưu ý rằng: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”13. Vì vậy, người cán bộ cách mạng không phải là người “làm quan cách mạng”, làm công chức không phải là để “thăng quan tiến chức” hay “một người làm quan cả họ được nhờ”, để “đè đầu cưỡi cổ dân chúng như dưới thời thực dân - phong kiến”, v.v.

Chuẩn hóa công chức để phù hợp với yêu cầu công việc và khách quan trong sự lựa chọn là điều mà Hồ Chí Minh quan tâm từ khá sớm.Sắc lệnh số 188/SL 29-5-1948 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành đã nêu khá toàn diện và cụ thể các môn thi tuyển công chức vào biên chế Nhà nước. Qua đó có thể thấy được những yêu cầu toàn diện và khá cao đối với công chức lúc đó về hiểu biết chính trị, pháp luật, địa lí, lịch sử, ngoại ngữ…14.

Tinh thần trách nhiệm với công việc là phẩm chất Hồ Chí Minh đề cao với người công chức. Biểu hiện trước hết là thái độ công tâm. Người yêu cầu công chức phải: “Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc”15. Hồ Chí Minh khẳng định vì lợi ích chung là tư cách quan trọng nhất của người công bộc đối với  nhà nước và nhân dân. Những người trúng cử (vào bộ máy nhà nước), sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Người khẳng định: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”. “Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau; phải biết “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.

Họ phải thực sự vì dân mà làm việc, biết hy sinh vì sự nghiệp chung. Người nêu rõ: “Anh em viên chức, cũng như toàn thể quốc dân, muốn qua được  bước khó khăn hiện tại, phải biết hy sinh một chút về tinh thần để tham dự vào công cuộc kiến quốc. Có chịu kham khổ bây giờ, mai sau mới đuợc hưởng nhiều quyền lợi. Vậy để giúp công việc Chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có 4 đức tính là: cần, kiệm, liêm, chính”16. “Phải có một tinh thần chí công, vô tư”; phải ghi sâu những chữ công bình chính trực vào lòng”; “nếu muốn danh, lợi thì danh làm sao cho dân tộc mình có danh với thế giới, và lợi làm thế nào cho tranh được lợi với thế giới - đó là danh chính và lợi chính”…

Cán bộ công chức phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức và gương mẫu thực hiện đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nướcMuốn thế, phải “chuyên” tức là vững về chuyên môn, nghiệp vụ và thường xuyên đổi mới phương pháp làm việc: Biết chọn trình tự ưu tiên công việc; thường xuyên tổng kết công tác; phải luôn luôn có sáng kiến; sâu sát, gần gũi nhân dân, có tinh thần phụ trách, biết lãnh đạo chung, nhưng biết lựa chọn trọng điểm; phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ…Người còn yêu cầu công chức phải đặc biệt “gương mẫu trong việc thi hành Hiến pháp và các luật lệ” Người cán bộ, bằng hành động thực tế của mình, phải làm cho dân tin, dân yêu, dân kính, dân phục và noi gương; việc gì có lợi cho dân dù nhỏ cũng cố gắng làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ cũng cố tránh.

Phải có phong cách công tác “sát quần chúng, hợp quần chúng”17 Gần dân, hiểu dân và được dân tin, làm theo là phẩm chất và phong cách làm việc cần thiết của công chức, phải “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”18; cần phòng và chống tác phong chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái, ham chuộng hình thức, phô trương cho oai, làm đại khái, qua loa. Với tư duy biện chứng, Hồ Chí Minh căn dặn: “Chúng ta tuyệt đối không theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân”19.

Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm cho cấp trên khi lựa chọn xử dụng cán bộ với 5 nội dung: “…Phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cán bộ không bị bỏ rơi. Phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gụi với những người mà mình không ưa. Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những cán bộ còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt. Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình”20.

Chú trọng rèn luyện, giáo dục, phê bình cán bộ, công chức. Chỉ hơn một tháng sau khi thành lập chính quyền cách mạng, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các cấp, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ, và rất được lòng dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi nặng nề”21. Người đã thẳng thắn chỉ ra những lầm lỗi chính như: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túi, chia rẽ, kiêu ngạo. Người đã chỉ rõ những biểu hiện cụ thể mà nổi bật là bệnh tham ô, xa hoa, lãng phí, quan liêu và hách dịch thậm chí dùng pháp công để báo thù tư (dùng pháp luật nhà nước để trả thù riêng). Thái độ đó làm mất lòng tin cậy của dân và uy tín của Chính phủ.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc chống chủ nghĩa biệt phái, cục bộ, địa phương, hẹp hòi trong công tác và trong chính sách cán bộ. Hồ Chí Minh chỉ rõ tác hại của bệnh hẹp hòi, bệnh địa phương cục bộ. Theo Người, những bệnh chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, v.v. đều do bệnh hẹp hòi mà ra. Người phê bình một cách nghiêm khắc việc ưa kẻ nịnh người làm công tác cán bộ, tìm cách lợi dụng chức quyền để đưa anh em, họ hàng, bạn bè thân quen vào chức này chức nọ.

Phê phán những khuyết điểm trên của cán bộ, Hồ Chí Minh mong muốn mọi người sửa chữa để chính quyền ngày càng hoàn thiện và làm việc tốt hơn. Biện pháp là: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên cần dùng cách giải thích thuyết phục dạy bảo. Song không phải tuyệt nhiên không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. mà chút gì cũng dùng đến xử phạt là không đúng”22. Người nêu rõ: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”23

c. Xây dựng nền công vụ vì dân, khoa học

Nhấn mạnh tính chất dân chủ của nhà nước, Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng quản lý đất nước, xã hội bằng pháp luật, quan tâm xây dựngNhà nước pháp quyền hợp pháp - hợp hiến, nền công vụ vì dân và khoa học. Đây chính là những công cụ đảm bảo cho tính chất của dân,do dân, vì dân của nền dân chủ, cộng hòa.

Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nhà nước pháp quyền, hợp pháp, hợp hiến, dân chủ và coi trọng tính hiệu lực, hiệu quả thực tế - một cách bài bản, quy củ, đúng đắn. Người đã quan tâm cả hai mặt: nhanh chóng tổ chức các thiết chế của bộ máy nhà nước và ban hành các thể chế (hiến pháp và pháp luật)  tạo cơ sở pháp lý và khoa học để tổ chức "một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân". Đó là một Nhà nước có cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động thích hợp với điều kiện lịch sử Việt Nam đương thời, mang tính khoa học về chính trị học, xã hội học, luật học và khoa học tổ chức hành chính.

Ngay từ khi còn đi tìm đường cứu nước, năm 1919, Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người yêu nước Việt Nam trong yêu sách 8 điểm gửi tới Hội nghị Vécxây đã yêu cầu cải cách pháp luật ở Đông Dương để người bản xứ được bảo đảm về luật pháp như người châu Âu. Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ tư tưởng: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, Hồ Chí Minh đã chủ trương “thành lập chính quyền cách mạng” ở các căn cứ địa, các khu giải phóng lúc bấy giờ. Đến đầu tháng Tám 1945, mặc dù tình hình rất khẩn trương, Người đã kiên quyết triệu tập Đại hội quốc dân ở Tân Trào, cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam - một tổ chức “tiền chính phủ” để đảm bảo tính hợp pháp và hiệu lực quản lý của chính quyền mới. 

Hiến pháp là sự thể hiện một cách tập trung nhất, đầy đủ nhất ý chí và sự lựa chọn chính trị cao nhất của nhân dân. Nó có khả năng tạo ra sự an toàn pháp lý cao nhất cho công dân và xã hội và bộ máy nhà nước. Vì vậy, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”24.

Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, Trưởng ban soạn thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy trí tuệ của Đảng, toàn dân cùng với Quốc hội được bầu ra ngày 6-1-1946, soạn thảo bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Trong hoàn cảnh "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc" phải vượt qua bao khó khăn, việc thông qua Hiến pháp là thành quả to lớn của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong Đường cách mệnh (1927) Người đã quan niệm rằng: “…làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Hiến pháp 1946 khẳng định: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Đó là sự hiện thực hóa, pháp chế hóa chế độ dân chủ, cộng hoà.

Những quy định của Hiến pháp 1946 về tổ chức bộ máy nhà nước từ Quốc hội, Chính phủ đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, về cơ quan tư pháp đều chứa đựng sâu sắc bản chất của một nhà nước pháp quyền kiểu mới, của dân, do dân và vì dân. Nhà nước của dân và do dân nghĩa là nhân dân xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền nhà nước, coi chính quyền là ruột thịt của mình. Nhà nước vì dân nghĩa là nhà nước mưu cầu quyền lợi, hạnh phúc cho nhân dân.

Khác với thuyết “Pháp trị” trong xã hội phong kiến coi pháp luật là công cụ bảo vệ lợi ích của thiểu số cầm quyền; khác với lý luận pháp quyền của xã hội tư sản coi pháp luật là công cụ duy lý chặt chẽ và vô tình để quản lý sao cho có lợi cho giai cấp tư sản, quan điểm về pháp luật của chế độ mới theo Hồ Chí Minh luôn xoay quanh vấn đề xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đồng thời hình thành pháp luật phục vụ cho quyền lợi của nhân dân. Nhân dân vừa là chủ thể quyền lực vừa là người được pháp luật bênh vực bảo vệ và theo đó, tính tích cực chính trị của công dân có vai trò rất quan trọng. Người cũng nhấn mạnh rằng, để Hiến pháp và pháp luật đảm bảo tính khách quan, phù hợp và phản ánh đúng đắn ý chí, nguyện vọng của nhân dân, Nhà nước phải thực hiện trưng cầu ý dân. Hồ Chí Minh là người đã nhiều lần kêu gọi nhân dân “ủng hộ chính phủ”, “giúp đỡ chính phủ” trong công việc hay “tìm người có tài đức” cho bộ máy nhân sự. Có lẽ đây là điểm khác biệt lớn nhất của chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa so với các nền dân chủ đương thời.

Nền hành chính dân chủ cộng hòa theo Hồ Chí Minh còn là nền công vụ “chú trọng thực tế và nỗ lực làm việc”.

Cái thực tế mà Hồ Chí Minh quan tâm đầu tiên (và cũng chính là ham muốn tột bậc của Người) là độc lập cho dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Trong cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc sau tháng 8 năm 1945, Người nêu rõ mục tiêu của Nhà nước là: “1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc;  3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành”. Người còn nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”25. Bởi vậy hoạt động của nền hành chính nhà nước trước hết phải phục vụ cho “độc lập - tự do - hạnh phúc”. Chính Hồ Chí Minh đã chọn tiêu ngữ ấy cho mọi văn bản  hành chính của chế độ dân chủ cộng hòa.

Trách nhiệm lo hạnh phúc cho dân là trách nhiệm rất quan trọng của nền hành chính dân chủ cộng hòa. “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân, nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”26.

Người nêu quan niệm về nền hành chính mới: “Hành chính: Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, nhưng không phải là chửi”27.

Thực tế ấy còn là sự nghiệp “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, là kế thừa được những giá trị truyền thống dân tộc và những thành tựu tổ chức nhà nước của các nước tiên tiến để tổ chức một bộ máy nhà nước pháp quyền phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Tinh thần thực tế còn là biết điều chỉnh khi hoàn cảnh đã thay đổi. Khi trực tiếp chủ trì và chỉ đạo việc sửa đổi Hiến pháp năm 1946, Hồ Chí Minh khẳng định rằng, đó là bản “Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta, thích hợp với tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đó. Nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nhưng so với tình hình mới và nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay thì nó không thích hợp nữa. Vì vậy mà chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp ấy”.

2. Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về công chức và công vụ của nền hành chính mới

Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho nền hành chính Việt Nam hiện đại

Hồ Chí Minh đã dành nhiều công sức trí tuệ để xây dựng nền hành chính của chế độ mới trên tất cả các phương diện. Trước tiên là trên một quan niệm và triết lý tiên tiến, khoa học để xây dựng nền hành chính quốc gia theo chính thể dân chủ, cộng hòa. Có thể thấy rất rõ dấu ấn của chủ nghĩa duy vật lịch sử trong việc Hồ Chí Minh lựa chọn mô hình, tổ chức, phương pháp vận hành nền hành chính mới. Nhu cầu của thực tiễn kháng chiến kiến quốc, phát triển sức sản xuất và chăm lo đời sống nhân dân…luôn được quán triệt sâu sắc trong qúa trình xây dựng nhà nước mới. Và công cuộc xây dựng nền hành chính mới cũng trước tiên phải phục vụ cho sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc” và xây dựng chủ nghĩa xã hội

Quan niệm của Hồ Chí Minh về một nền hành chính của dân, do dân, vì dân vừa mới mẻ vừa phản ánh đúng quy luật phát triển dân chủ. Nền hành chính gần dân, vì dân và có bổn phận “đem chính trị vào ở giữa dân gian” đã là một hiện thực của chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó là nền hành chính làm công cụ đắc lực cho một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó là nền hành chính ngay từ đầu tiên đã cương quyết chống lại những biểu hiện của các căn bệnh được coi là “mãn tính” của nhà nước như quan liêu, xa dân, cồng kềnh, giấy tờ và xa thực tiễn. Đó là nền hành chính vì dân và, trên nhiều lĩnh vực, được chính người dân bổ sung, điều chỉnh, giúp đỡ …

Từ khá sớm, trong bề bộn của công việc “kháng chiến, kiến quốc”, nhiều tiêu chí căn bản của công chức và công vụ của chế độ mới đã được Hồ Chí Minh xác lập với những quan điểm rất khoa học - cách mạng và chỉ dẫn rất chi tiết về phẩm chất, năng lực của công chức và tổ chức, hoạt động của bộ máy hành chính.

Các tư tưởng và biện pháp mà Hồ Chí Minh thực hiện trong quá trình xây dựng nền hành chính, công vụ và công chức mang tính gợi mở lớn cho công cuộc cải cách hành chính hiện nay.

Rất nhiều nguyên tắc do Hồ Chí Minh quy định hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Chẳng hạn nguyên tắc pháp quyền dân chủ, nguyên tắc “những gì có lợi cho dân phải hết sức làm, những gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; nguyên tắc “vì việc mà tìm người chứ không vì người mà đặt việc”; nguyên tắc “xây dựng một nhà nước ít tốn kém”; xây dựng một nền hành chính gần dân, vì dân và gọn nhẹ (Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa 1946 chỉ có 10 Bộ).

Tư duy biện chứng của Hồ Chí Minh về xây dựng nền hành chính cũng rất nhiều độc đáo. Bên cạnh việc chỉ ra sự khác biệt về bản chất của nhà nước và nền hành chính khi so sánh với các nền hành chính đương thời, Người thấy được sự bất công của nền hành chính thực dân nhưng cũng thấy được những yếu tố hợp lý của  nhà nước pháp quyền để kế thừa. Một số thao tác của quản lý truyền thống hoặc của nền hành chính nước ngoài có tính hợp lý cũng được Hồ Chí Minh kế thừa, chẳng hạn “chỉ thị tìm người tài đức”; phát huy dân chủ để chọn đúng người cho công việc kết hợp với thi tuyển để  lựa chọn công chức; đề cao sự giám sát của nhân dân kết hợp với chế độ trách nhiệm và tính nêu gương của người lãnh đạo; thực hiện chế độ quản lí cán bộ - công chức…

Khá nhiều trí thức, công chức của chế độ cũ đã được Hồ Chí Minh “đắc nhân tâm”, sử dụng và họ đã tận hiến cho chế độ mới. Chẳng hạn,Đồng lý Văn phòng – ông Vũ Đình Hoè đã hoàn thành sự uỷ thác của Hồ Chủ tịch, củng cố Bộ Tư pháp, xây dựng hệ thống cơ quan tư pháp từ trung ương đến địa phương, đắc lực giúp Người đặt nền móng cho Nhà nước pháp quyền trong suốt 14 năm (1946 - 1960). Là người đứng đầu Bộ, ông đã kiên trì nguyên tắc “tư pháp nhân dân” và “tư pháp độc lập với hành chính” được ghi trong Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, chúng ta còn có thể thấy sự kế thừa khá nhiều nguyên lý của khoa học pháp quyền hiện đại và kinh nghiệm pháp lý - hành chính của nhiều quốc gia đương đại có nền hành chính pháp quyền, dân chủ. Hồ Chí Minh đã kế thừa hợp lý những kinh nghiệm thực tiễn và lý luận ấy nhưng không hề xa rời thực tiễn Việt Nam. Luật gia Vũ Đình Hoè - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã nhận xét về qúa trình Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng thể chế và thiết chế hành chính cho nền dân chủ cộng hòa lúc đó rằng: “Người có một tư duy pháp lý nhạy bén tuỵệt vời, gần như thiên bẩm, thấu hiểu và thi hành một cách sáng tạo lý luận và thực tiễn chế độ pháp quyền của thời đại và của thế giới văn minh. Với quan điểm rất mới về nhà nước và pháp quyền, Người xây dựng chính quyền nhân dân trên đất Việt Nam ngàn năm văn hiến, vừa thoát vòng nô lệ của phương Tây”28.

Từ những nền móng đồ sộ và rất căn bản ấy, Nhà nước Việt Nam dân chủ công hòa non trẻ cùng nền hành chính của mình đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử của mình với quốc gia, trong sự nghiệp lãnh đạo cả dân tộc kháng chiến, kiến quốc xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa thành công và lãnh đạo đất nước trong suốt sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những thành tựu lịch sử, to lớn của nền dân chủ cộng hòa không tách rời những tư tưởng rất khoa học và đầy đủ của Hồ Chí Minh về công vụ, công chức và nền hành chính mới mà chính Người đã dày công xây đắp.  

___________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.3.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.6, tr.160.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.698.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.218-219.

5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.217, 368.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.270.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.133.

9,10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t. 7, tr.572, 361-362.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.269.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.56-57.

13,15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.249, 186.

14. Xem Wesite Thư viện Luật/ Sắc lệnh số 188/ SL ngày 29-5-1948.

16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.158.

17, 18, 19, 20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.247, 248, 298, 279.

21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.57.

22. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.284.

23. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.58.

24. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.8.

25. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.152.

26. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.572.

27. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.60.

28. Hồi ký Vũ Đình Hòe, Nxb.Hội Nhà Văn, H.2004, tr.701.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website