Tư tưởng Hồ Chí Minh - Nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam

 PGS, TS. Trương Thị Thông

Học viện Chính trị - Hành Chính quốc gia Hồ Chí Minh 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam là người cầm lái vĩ đại đưa con thuyền cách mạng Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người đã để lại cho dân tộc ta, Đảng ta một kho tàng di sản tư tưởng quý báu, tài sản tinh thần vô giá của Đảng và của dân tộc ta, trong đó tư tưởng của Người về Đảng Cộng sản nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng và quyết định sự thành bại của cách mạng, là bó đuốc soi đường đưa dân tộc Việt Nam từ nô lệ, nghèo đói, lạc hậu trở thành dân tộc hoàn toàn độc lập, tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ thực tiễn thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định, “chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng”, là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và nguồn sức mạnh to lớn để nhân dân ta phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, xây dựng đất nước không ngừng phát triển. Song đây là vấn đề rộng lớn, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn cấp bách đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.

1. Quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản:

Sinh ra trong một dân tộc nhiều thế kỷ luôn bị giặc ngoại bang xâm chiếm và được tận mắt chứng kiến cảnh nhân dân ta một cổ hai tròng áp bức, thống trị của bọn thực dân, phong kiến, làm nô lệ lầm than, đói rách, nước mất, nhà tan. Đau xót trước tình cảnh đó, năm 1911, Hồ Chí Minh là người thanh niên yêu nước nhiệt thành đã rời bến Nhà Rồng- Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước với mục đích “ xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào ta” lật đổ sự thống trị, ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc; ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đấy là nguyện vọng, là mong ước khát khao hàng ngàn năm của nhân dân ta, đồng thời là mục tiêu, là mong ước mà Hồ Chí Minh trọn cả cuộc đời phấn đầu. Đối với Hồ Chí Minh, quá trình tìm đường cứu nước luôn gắn với vấn đề hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1911 đến trước Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, Hồ Chí Minh đã đi qua nhiều châu lục, nhiều nước từ những nước tư bản phát triển và các nước thuộc đia. Người nhận xét: Ở đâu nhân dân lao động đều bị bóc lột, nghèo khổ; ở đâu giai cấp thống trị , bóc lột cũng đều tàn ác. Người chỉ ra mối quan hệ giữa cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa với cách mạng vô sản ở “chính quốc”, nhưng không phụ thuộc cách mạng “chính quốc”. Trong giai đoạn này, tư tưởng về Đảng Cộng sản ở Hồ Chí Minh vẫn chưa được bộc lộ rõ rệt. Vào cuối năm 1917, cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, Hồ Chí Minh hân hoan chào đón và có những hoạt động nhiệt thành ủng hộ cách mạng Tháng Mười Nga. Dưới tác động của cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh được nâng lên tầm cao mới và đây chính là thời điểm quan trọng cho thấy con đường cứu nước của Hồ Chí Minh đã có một định hướng mới là đi theo cách mạng tháng Mười Nga. Tháng 7-1920, Hồ Chí Minh  đã đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, in trên báo L’Humanité, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản đã có những cơ sở vững chắc. Tại Đại hội Tua - đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII khai mạc vào cuối tháng 12 năm 1920, Hồ Chí Minh đã phát biểu ý kiến, đề ra 3 nhiệm vụ của Đảng đối với cách mạng thụôc địa, cách mạng Đông Dương. Đó là: Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa. Đảng cần phải đánh giá một cách đầy đủ, đúng đắn tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa. Đảng cần phái cán bộ của Đảng đến nghiên cứu tại chỗ vấn đề Đông Dương và đề xuất những hoạt động cần thiết phải tiến hành. Người đã bỏ phiếu tán thành việc Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế Cộng sản, là một trong những người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Người đã hoàn toàn tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tin theo Quốc tế III. Là đảng viên cộng sản Pháp,  và là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Người đã nhiều lần phê phán Đảng: “ làm rất và rất ít cho các nước thuộc địa được giải phóng”, vì vấn đề này đối với Hồ Chí Minh lại là mong ước, là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng nhất đặt ra đối với dân tộc Việt Nam, đối với Đảng Cộng sản nói chung và cần phải có một đảng cách mạng chân chính lãnh đạo đối với một nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam .Vì vậy, sau 12 năm bôn ba thế giới nhằm nghiên cứu, học hỏi, xem xét kinh nghiệm các nước, nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười Nga và lý luận Mác - Lênin, tháng 6-1923, Hồ Chí Minh đã bí mật tìm đường trở về nước và tự đặt ra cho mình nhiệm vụ: “trở về nước đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”1. Có thể khẳng định, từ nhận thức ban đầu về Đảng Cộng sản, đến việc đề ra chủ trương, giải pháp thành lập Đảng Cộng sản để lãnh đạo quần chúng đấu tranh lật đổ  giai cấp thống trị phong kiến, thực dân giành độc lập , tự do cho dân tộc, ở Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ. Tư tưởng xuyên suốt, nhất quán ở Hồ Chí Minh trong quá trình hình thành Đảng Cộng sản là làm cho toàn Đảng nhận thức rõ nhiệm vụ của Đảng không phải chỉ là giải phóng giai cấp vô sản mà là giải phóng toàn thể dân tộc Việt Nam.

2. Tư tưởng  Hồ Chí Minh về xứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân thế giới và Đảng Cộng sản là Đảng của giai cấp công nhân là công lao to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin. Khẳng định trên dễ dàng nhận thức đối với những nước phương Tây có nền công nghiệp phát triển, có số lượng công nhân chiếm số đông trong dân cư. Song ở những nước lạc hậu, kém phát triển, chủ yếu là nông nghiệp chiếm trên 90% và đặc biệt ở nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam, ở thời điểm trước năm 1930, số lượng công nhân chiếm tỷ lệ rất nhỏ bé trong dân cư ( khoảng 22 vạn= 1,2%) thì đây là vấn đề rất khó nhận thức rõ vai trò lãnh đạo và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc không đơn giản. Từ thực tiễn Việt Nam trong những thập niên  cuối thế kỷ XIX, đầu của thế kỷ XX, trước sự thất bại của các cuộc khởi nghĩa và các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo đường lối cải lương, phong kiến, tư sản và từ kết quả của quá trình quan sát, nghiên cứu trong những năm bôn ba ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài báo đề cập đến vai trò của giai cấp công nhân nhằm bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Tại Đại hội Quốc tế Nông dân lần thứ nhất (1923). Người khẳng định: Trong thời đại ngày nay, giai cấp công nhân là lực lượng xã hội duy nhất có sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi cuối cùng bằng cách liên minh với nông dân. Và sau này khi đánh giá về giai cấp công nhân nước ta, Hồ Chí Minh lại tiếp tục khẳng định: Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm, cách mạng nhất, luôn gan góc, đương đầu với bọn thực dân, đế quốc. Với lý luận tiên phong soi đường và tham khảo kinh nghiệm của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của dân tộc giao phó, xứng đáng là người lãnh đạo cách mạng và được nhân dân tin cậy, ủng hộ. Công lao vô cùng to lớn của Hồ Chí Minh đối với dân tộc ta là Người đã sớm phát hiện và khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam và vai trò lãnh đạo thuộc về giai cấp công nhân Việt Nam và sáng lập Đảng tiên phong - Đảng Cộng sản Đông Dương  vào năm 1930 để lãnh đạo giai cấp công nhân Việt Nam và toàn dân tộc Việt Nam đạt mục tiêu, lý tưởng Đảng đã đề ra. Trong suốt 80 năm qua, giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, cùng với cả dân tộc, giai cấp công nhân luôn giữ vững bản chất cách mạng và cơ bản đã hoàn thành được sứ mệnh lịch sử dân tộc được giao phó và sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ nặng nề trong gia đoạn tiếp theo của cách mạng Việt Nam. Nhận thức đúng đắn sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo vệ học thuyết Mác –Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đặc biệt, sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ, các thế lực thù địch đã tập trung chống phá quyết liệt nhằm xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Mục tiêu đầu tiên, quan trọng mà chúng tập trung đánh phá là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, học thuyết Mác -Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân nhằm thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Về quy luật ra đời của Đảng Cộng sản, theo nguyên lý của Lênin, Đảng Cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân. Song tình hình ở Việt Nam khác với các nước Châu Âu và nước Nga, Việt Nam là một nước nông nghiệp, có số lượng nông dân chiếm hơn 90% dân cư, lực lượng giai cấp công nhân lại quá nhỏ bé, nên việc thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam là một vấn đề khó đòi hỏi phải có sự sáng tạo, không thể rập khuôn theo quy luật chung. Lênin đã từng chỉ rõ: Sự ra đời của các Đảng Cộng sản chỉ có quy luật chung , nhưng đối với mỗi nước đòi hỏi phải có sự vận dụng phù hợp. Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển để tìm ra con đường riêng, phù hợp với tình hình, đặc điểm lịch sử dân tộc, đặc điểm của phong trào yêu nước Việt Nam. Hồ Chí Minh đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cứu nước của mình vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước và chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản, là nhân tố có ý nghĩa quyết định nhất. Tổng kết kinh nghiệm 30 năm xây dựng Đảng, Người khẳng định: “Chủ nghĩa Mác – Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”2. Những tư tưởng của Người về Đảng, về vai trog lãnh đạo và bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, về mặt trận dân tộc thống nhất tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, về chiến lược, sách lược cách mạng khoa học, đúng đắn, thể hiện ở Chánh cương và Sách lược vắn tắt cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong toàn bộ di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về xây dựng Đảng là một trong những nội dung quan trọng nhất được Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt, được thể hiện qua các bài viết, bài nói và qua việc làm của Người. Người đã giành trọn cả cuộc đời phấn đấu cho sự lớn mạnh của Đảng, cho độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Sự quan tâm của Người về Đảng xuất phát từ quan niệm nhất quán rằng, Đảng luôn luôn là nhân tố đầu tiên quyết định sự thành bại của cách mạng. Từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi Người vĩnh biệt chúng ta, tư tưởng của Người về Đảng và xây dựng Đảng được đề cập một cách toàn diện. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và thường xuyên nhắc nhở là, Đảng phải luôn luôn giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân. Theo Hồ Chí Minh, bản chất giai cấp công nhân của Đảng, trước hết đòi hỏi Đảng phải tuyệt đối trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm nòng cốt, trong Đảng ai phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”3. Khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền, Người luôn cảnh báo cán bộ, đội ngũ đảng viên về nguy cơ sa vào tệ quan liêu, xa rời quần chúng, vi phạm quyền làm chủ của quần chúng nhân dân. Người đã chỉ rõ 12 điều về tư cách của một Đảng cách mạng chân chính. Trong 12 điều đó thì điều đầu tiên là “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”4. Để lãnh đạo cách mạng thành công, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt; chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt.                                                                                                                               

Với tư cách người đảng viên, theo quan điểm của Mác và Ăngghen, tư cách của người đảng viên trước hết được thể hiện ở sự giác ngộ lý tưởng, trình độ, năng lực; lòng trung thành với Đảng; vai trò tiên phong của người cộng sản; nhiệt tình cách mạng; tính tổ chức kỷ luật cao; tinh thần tự giác, chủ động, hy sinh, bền bỉ. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, vận dụng sáng tạo học thuyết Mác- Lênin về Đảng và khái quát một cách giản dị về tư cách người đảng viên:

Một là, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Người chỉ rõ: “Đảng viên bất kỳ làm việc gì cũng phải gương mẫu”5, “Đảng viên muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”6.

Hai là, đảng viên phải là người “khiêm tốn, rộng lượng, đó là hai đức tính mà người cách mạng nào cũng phải có”7. “Càng có công lao càng phải khiêm tốn. Chớ vì có ít công lao mà sinh bệnh công thần, kèn cựa địa vị”8.

Ba là, phải biết tự cải tạo mình, tức là phải cải cách tính nết mình trước tiên. Người đảng viên hàng ngày “phải tự kiểm điểm mình. Phải lấy những “nhiệm vụ đảng viên mà kiểm điểm”9.

Bốn là, đảng viên phải là người quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho chủ nghĩa cộng sản. Người khẳng định: “Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích nào khác”10.

Năm là, đảng viên là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Chính xuất phát từ luận điểm đó, Hồ Chủ tịch  luôn nhắc nhở người đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, phải quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng cho cách mạng. đó là điều chủ chốt nhất.

Sáu là, đảng viên phải đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội ở trong Đảng. Chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch của cách mạng. Do chủ nghĩa cá nhân mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.

Bảy  là, phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Nhưng củng cố và phát triển đó là một công tác quan trọng và thường xuyên.

Cùng với việc nêu lên những nội dung về tư cách người đảng viên, Người rất quan tâm đến việc giáo dục, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nói chung, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên của Đảng và Người thực sự là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng. Trong tác phẩm  Đường cách mệnh - là tác phẩm vô cùng quan trọng vạch đường hướng cho cách mạng Việt Nam, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đặt lên trang đầu “Tư cách một người cách mệnh” với 23 điều cần thiết trong xử thế với bản thân, với người khác và với công việc. Người đặt ra yêu cầu phải cần, kiệm, vị công vong tư, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng ham muốn về vật chất… đó là những cốt yếu trong tự tu dưỡng về tư cách, đạo đức của người cách mạng.

Đối với đội ngũ cán bộ Đảng. Là người đứng đầu Đảng, Chính phủ, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ - nhân tô quan trọng quyết định thành bại của cách mạng. Ngay sau cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền non trẻ vừa ra đời đứng trước những khó khăn và thách thức lớn lao bởi thù trong giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt, nhiệm vụ mà Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và phải tiến hành ngay đó là phải giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên, sửa đổi, đổi mới tác phong, phong cách, phương pháp, cách thức làm việc của cán bộ. Tuy bận trăm công ngàn việc của Đảng, Chính phủ song Người đã giành thời gian viết tác phẩm nổi tiếng “Sửa đổi lối làm việc” vào tháng 10-1947 làm tài liệu để giáo dục, rèn luyện cán bộ đảng viên. Cùng với việc nghiêm khắc phê phán những biểu hiện tha hoá về đạo đức, lối sống, Người đặt ra những yêu cầu và nội dung về rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên. Người chỉ rõ, muốn xây dựng đường lối, nhiệm vụ cao cả của Đảng. Xây dựng đường lối, nhiệm vụ phải luôn dựa vào điều kiện cụ thể và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở các địa phương. Phải dựa vào quần chúng, hiểu biết ý kiến của dân chúng. Đảng phải giữ vững tính cách mạng, tính nguyên tắc nhưng phải khéo léo linh hoạt về phương pháp. Đảng không được che dấu khuyết điểm, không sợ phê bình, lựa chọn cán bộ tốt , giữ nghiêm kỷ luật, thống nhất hành động. Từ thực tiễn cách mạng, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã rút ra kết luận quan trọng: Cán bộ là người đem chính sách của Đảng, của chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng.

Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, Vì vậy “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”11. Nói cán bộ là gốc của mọi công việc tức là mọi việc đều phải bắt đầu từ đó và dựa vào đó. Bởi vì gốc có vững thì cây mới tốt, song để giữ vai trò là gốc, theo Chủ Tịch Hồ Chí Minh, bản thân người cán bộ phải có sự nỗ lực rèn luyện để đạt được các tiêu chuẩn sau: Tiêu chuẩn đầu tiên là người cán bộ phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”12. Phải đặt lợi ích của Đảng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích cá nhân với lợi ích của giai cấp, của dân tộc, liên hệ mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; phải thực thà ngay thẳng, không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm, khiêm tốn, cầu thị, không kiêu ngạo, chủ quan; phải chí công vô tư, chú trọng chăm lo đời sống của nhân dân. Có ý thức tổ chức kỷ luật cao, không độc đoán cá nhân, không tự cho phép mình đứng trên tổ chức, đứng ngoài kỷ luật, lời nói đi đôi với việc làm, làm nhiều hơn nói. Có ý thức tự phê bình và phê bình cao. Phê bình phải đi liền với tự phê bình. Có lối sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa lãng phí, hủ hoá, tham nhũng, không có tư tưởng đặc quyền, đặc lợi.

- Tiêu chuẩn thứ hai, người cán bộ phải có năng lực tương ứng với nhiệm vụ được giao. Theo Hồ Chí Minh, có đức nhưng lại phải có tài. Có tài mà thiếu đức thường gây ra những tác hại không nhỏ. Ngược lại chỉ có đức mà không có tài thì chẳng khác nào ông bụt ngồi ở trong chùa. Nội dung đức, tài ở mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau được Hồ Chí Minh và Đảng ta cụ thể hoá, bổ sung, phát triển rất phù hợp với tình hình nhiệm vụ của từng giai đoạn. Đặc biệt khi Đảng giành được chính quyền được Hồ Chí Minh chỉ ra khác nhau với lúc chưa có chính quyền. Trong bài Người cán bộ cách mạng viết ngày 3-3-1955, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt là: “Nhận rõ phải tráiGiữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”13. Người cán bộ phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Vì Đảng, vì dân đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi công việc, không ngừng học tập để nâng cao trình độ mọi mặt, quan hệ mật thiết với quần chúng, có tinh thần tập thể, đoàn kết, thương yêu đồng bào, đồng chí, tính tổ chức kỷ luật, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; trung, hiếu, nhân, nghĩa, trí, dũng. Về năng lực của cán bộ, theo Hồ Chí Minh: Năng lực bao gồm năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn. Muốn có năng lực đó người cán bộ phải chịu khó học tập, rèn luyện, trước hết là học lý luận Mác- Lênin để nâng cao trình độ để nắm bắt được quy luật vận động và phát triển của xã hội. Học lý luận Mác – Lênin là để trung thành, bảo vệ và không ngừng nâng cao hoàn thiện chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là trách nhiệm của người cán bộ cách mạng. Theo Người, học lý luận chưa đủ mà người cán bộ còn phải nghiên cứu và quán triệt thật sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; phải có trình độ chuyên môn thật giỏi, phải vươn tới những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật. Bởi vì ngày nay, người cán bộ “không thể lãnh đạo chung chung” và “chỉ có nhiệt tình không thôi thì chưa đủ, còn phải có tri thức nữa”.

- Tiêu chuẩn thứ ba là người cán bộ phải có phong cách khoa học. Theo Hồ Chí Minh, muốn có phong cách khoa học, người cán bộ phải chống bệnh quan liêu chủ quan, tác phong quan liêu đại khái, chống bệnh ham chuộng hình thức, chỉ nhằm hình thức bề ngoài, chỉ muốn phô trương cho oai, chống cách làm việc theo lối bàn giấy, ngồi một nơi chỉ tay năm ngón, không chịu xuống địa phương và cơ sở. Trên cơ sở những tiêu chuẩn trên, Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu cao đối với chủ thể công tác cán bộ, bố trí, sử dụng cán bộ đó là: Phải hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ, phải khéo dùng cán bộ , phải có gan cất nhắc cán bộ. Để thực hiện tốt những vấn đề trên của công tác cán bộ, Người thường nhắc nhở: Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng, toàn diện cả công tác, cách sinh hoạt, cách viết, cách nói, việc làm, xem xét mối quan hệ với mọi người như thế nào. Xem xét cán bộ phải có quan điểm lịch sử, cụ thể, toàn diện và phát triển không chỉ một việc, một lúc mà phải tiến hành thường xuyên, xem xét cả quá trình từ trước tới nay. Sau đề bạt, cất nhắc cán bộ cần phải tiếp tục bồi dưỡng giúp đỡ họ để họ có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chủ Tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Cất nhắc cán bộ không nên làm như “giã gạo”, nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ, khi họ sai lầm thì đẩy xuống chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời14. Người cho rằng: “Biết mình cố nhiên là khó. Tự biết mình cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người… Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc chắn không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu. Người ta thường phạm những chứng bệnh sau:

1.Tự cao tự đại.

2. Ưa người ta nịnh mình.

3. Đem lòng yêu ghét của mình mà đối với người.

4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau.

Phạm một trong bốn bệnh đó cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấy rõ cái mặt thật của những cái mình trông.. Phải sửa chữa khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”15. Khi sử dụng cán bộ, Hồ Chí Minh lưu ý: “Người ở đời, ai cũng có chỗ tốt chỗ xấu. Ta phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”16. Cất nhắc cán bộ phải “vì công tác, vì tài năng, chứ không thể vì lòng yêu ghét, vì thân thích nể nang. Trong sử dụng cán bộ cần chống “những chứng bệnh” sau đây:

“1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết bầu bạn cho họ là chắc chắn hơn người ngoài.

2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót, mà chán ghét những người chính trực.

3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình.

Vì những chứng bệnh đó, kết quả những người kia làm bậy, mình cũng cứ bao dung, che chở, bảo hộ khiến cho chúng ngày càng hư hỏng. Đối với người chính trực thì bới lông tìm vết để trả thù. Như thế cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo”17. Hồ Chí Minh khẳng định “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”18, đây là công việc mà Đảng phải tốn nhiều công sức, phải tiến hành công phu, chu đáo “Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”19.

Trong bố trí sử dụng cán bộ cần quan tâm thực hiện tốt việc kết hợp các thế hệ cán bộ có các độ tuổi khác nhau, cán bộ làm việc nhiều năm, cán bộ mới vào nghề, cán bộ nam, nữ, cán bộ các dân tộc, trình độ, kinh nghiệm… đảm bảo cho đội ngũ cán bộ đủ mạnh, đảm bảo tính kế thừa, phát triển. Đây là nhân tố, là một trong nhiệm vụ quan trọng quyết định thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng đất nước theo con đường CNXH của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xuất phát từ thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh khẳng định “cán bộ là gốc của mọi công việc” là quan điểm đúng đắn, khoa học, giúp cho Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của cán bộ, công tác cán bộ và có những quan điểm, chủ trương, chính sách xây dựng đội ngũ cán bộ, khuyến khích động viên cán bộ, chính sách thu hút nhân tài.. Thực hiện lời dạy của Người, bằng nhiều biện pháp, chính sách thiết thực đối với cán bộ và công tác cán bộ, Đảng ta đã có một đội ngũ cán bộ công chức không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách  mạng và trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh đội ngũ cán bộ tốt, còn một bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái về phẩm chất đạo đức, lợi dụng chức quyền  tham ô, tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, lãng phí , quan liêu xa rời quần chúng, xa rời thực tế, nói không đi đôi với làm, nói một đằng, làm một nẻo… Những chứng bệnh này, Hồ Chí Minh coi đó là kẻ thù của nhân dân, là thứ “giặc ở trong lòng”. Theo Hồ Chí Minh, tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của dân song kết quả cũng tai hại cho dân, cho chính phủ, có khi tai hại hơn tham ô. Vì lẽ đó chống tham ô, lãng phí, quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như đánh giặc ngoài mặt trận. Đảng ta khẳng định, tham ô, tham nhũng, lãng phí là trong bốn nguy cơ, thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng trong sự nghiệp xây dựng xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, Đảng khẳng định chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành đôngk của Đảng. Đảng ta có nhiều chỉ thị, nghị quyết về xây dựng Đảng, về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu; trung ương và các địa phương, bộ, ngành đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham mưu cho Trung ương đề ra các biện pháp phòng chống tham  nhũng lãng phí. Đặc biệt, Đảng ta đã phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo tinh thần Chỉ thị 06-CT/TW trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhân kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng ( 3-2-2006) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hoạt động công tác trên mọi lĩnh vực đồng thời ngăn chặn suy thoái, xuống cấp về đạo đức trong đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng. Đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng đồng thời thể hiện sự kính trọng, tôn vinh và tiếp tục khẳng định giá trị lý luận và thực tiến tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi người chúng ta phải có những việc làm tốt, hành động tốt, phương pháp và phong cahcs làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Đối với người lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị, người làm công tác tổ chức cán bộ càng phải coi trọng vấn đề này, từ đó có quyết tâm tự học tập, tự rèn luyện khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là rộng lớn, bao la, không chỉ trong xây dựng Đảng mà trên tất cả các lĩnh vực của đời sống văn hóa, tinh thần, xã hội, trong các mối quan hện... Vì vậy không thể một lúc, một thời gian ngắn mà chúng ta có thể học được tât cả tư tưởng của Người. Thiết nghĩ, học tập tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh phải học được tất cả tự học, tự rèn luyện suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi và trong mọi việc làm của mình. Nhân đây xin kiến nghị của Đảng, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” không chỉ thực hiện đến kết thúc nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng theo tinh thần Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị mà nên đưa nội dung cuộc vận động vào trong chương trình sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức đảng, trong các đoàn thể trong hệ thống chính trị và trong nhân dân.

____________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.192.

2. Sđd, t.10, tr.8.

3. Sđd, t.2, tr.267-268.

4. Sđd, t.5, tr.249.

5. Sđd, t.10, tr.464.

6. Sđd, t.5, tr.552.

7. Sđd, t.12, tr.391.

8,9. Sđd, t.12, tr.391.

10. Sđd, t.9, tr.286.

11. Sđd, t.5, tr.269.

12. Sđd, t.9, tr.283.

13. Sđd, t.7, tr.480.

14,15,16. Sđd, t.5. tr.282, 277-278, 281.

17, 18, 19. Sđd, t.5, tr. 279, 269, 273.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website