PGS, TS. Bùi Đình Phong
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
1. Độc lập dân tộc theo con đường cách mạng vô sản là tiền đề của hạnh phúc, tự do
Năm 1911, khi Việt Nam đã hoàn toàn trở thành thuộc địa của thực dân Pháp, nước mất độc lập, dân nô lệ, Hồ Chí Minh không hoàn toàn tán thành con đường cứu nước của các bậc tiền bối, quyết tâm đi ra nước ngoài tìm con đường cứu nước mới. Suy nghĩ lớn nhất, duy nhất của Người lúc đó là giải phóng đồng bào, tức là lật đổ, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột của bọn thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc.
Trong khoảng bảy năm từ năm 1911 đến trước khi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi, Hồ Chí Minh tìm hiểu, nghiên cứu, khảo nghiệm các cuộc cách mạng trên thế giới để thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, tuy chưa có được nhận thức lý tính, nhưng cảm tính cho Hồ Chí Minh thấy rằng chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga thì mới giành được độc lập dân tộc. Người nhiệt thành ủng hộ và tuyên truyền cho cuộc Cách mạng Tháng Mười.
Một thời gian ngắn sau Cách mạng Tháng Mười, được ánh sáng của Quốc tế Cộng sản soi rọi, đặc biệt là Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, đã giải đáp trăn trở của Người về vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa, giải phóng dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc theo con đường Cách mạng Tháng Mười, con đường cách mạng vô sản. Trên diễn đàn Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp (12-1920), Hồ Chí Minh đã yêu cầu Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa. Năm 1923, Hồ Chí Minh viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”[1].
Hồ Chí Minh không bao giờ chấp nhận độc lập dân tộc dưới chế độ quân chủ chuyên chế, càng không chấp nhận chế dộ thực dân không kém phần chuyên chế. Bởi vì, đó là chế độ mà người dân bị đầu độc về tinh thần lẫn về thể xác, bị bịt mồm và bị giam hãm. Phát biểu tại Đại hội XVIII Đảng Xã hội Pháp, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng thực dân Pháp đã dùng lưỡi lê để chinh phục đất nước chúng tôi. Từ đó chúng tôi không những bị áp bức bóc lột một cách nhục nhã, mà còn bị hành hạ và đầu độc bằng thuốc phiện và rượu một cách thê thảm. Đó là một chế độ tàn bạo mà bọn ăn cướp đã gây ra ở Đông Dương. Nhà tù nhiều hơn trường học và lúc nào cũng chật ních người. Bất kỳ người bản xứ nào có tư tưởng xã hội chủ nghĩa cũng đều bị bắt và đôi khi bị giết mà không cần xét xử... Với một nền “công lý” ở Đông Dương như vậy, một sự phân biệt đối xử không có những bảo đảm về quyền con người như vậy, một kiểu sống nô lệ như vậy, thì sẽ không có gì hết.
Hơn ai hết, Hồ Chí Minh ý thức rất rõ không có độc lập là sống kiếp ngựa trâu, thì “chết tự do còn hơn sống nô lệ”. Vì vậy, Người nung nấu và truyền quyết tâm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành kỳ được độc lập cho dân tộc”.
Độc lập dân tộc không phải là điều mới mẻ trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Nhưng độc lập dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh lại hoàn toàn mới, vì đó là một kiểu độc lập dân tộc được nâng lên một trình độ mới, một chất mới. Người không chấp nhận độc lập dân tộc theo con đường phong kiến, tư sản, độc lập kiểu Cách mạng Mỹ năm 1776, hay độc lập giả hiệu, bánh vẽ. Người chọn kiểu độc lập dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, đó là kiểu độc lập dân tộc làm tiền đề và phải đi tới hạnh phúc, tự do.
2. Hạnh phúc, tự do là giá trị của độc lập dân tộc
Theo Hồ Chí Minh, trong điều kiện nước thuộc địa như Việt Nam thì trước hết phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì đó vẫn là độc lập kiểu cũ, và vì vậy độc lập đó cũng chẳng có nghĩa lý gì.
Với Hồ Chí Minh, nước có độc lập rồi thì dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, vì hạnh phúc tự do là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Muốn có hạnh phúc, tự do thì độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người nhấn mạnh chỉ có trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình, chăm lo cho con người và con người có điều kiện phát triển toàn diện. Khi Hồ Chí Minh xác định giành độc lập theo con đường cách mạng vô sản tức là đã khẳng định độc lập dân tộc đi tới chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa xã hội trong quan niệm của Hồ Chí Minh không phải là câu trả lời cho mong muốn chủ quan của con người theo quan niệm duy tâm, không tưởng, mà là câu trả lời cho một sự vận động lịch sử hiện thực theo khái niệm duy vật phê phán. Chủ nghĩa xã hội là một vấn đề hiện thực, xuất phát từ thực tiễn khách quan, từ hiện thực vận động của lịch sử, từ đặc điểm Việt Nam, một nước vốn là thuộc địa, nông nghiệp lạc hậu, khoa học kỹ thuật kém phát triển, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa xã hội trong quan điểm Hồ Chí Minh không thể suy nghĩ chủ quan, giáo điều, nóng vội, duy ý chí mà phải dựa trên cơ sở thực tiễn nước ta, đặc điểm thế giới và xu thế của thời đại.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là cống hiến quý giá nhất của Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam. Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên suốt đường lối và thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Chủ nghĩa xã hội là giải phóng nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Chủ nghĩa xã hội là một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai làm ít thì hưởng ít, không làm không hưởng
Hạnh phúc, tự do theo quan điểm Hồ Chí Minh là người dân phải được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do chủ nghĩa xã hội đem lại. Đời sống vật chất là trên cơ sở một nền kinh tế cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người dân từ chỗ có ăn, có mặc, có chỗ ở đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm.
Chỉ có tăng trưởng kinh tế, thu nhập cao “ăn ngon, mặc đẹp” chưa thể gọi là chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là cùng với việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất, là phải không ngừng nâng cao đời sống tinh thần. Trong điều kiện nước ta, nhiều khi đời sống tinh thần, văn hóa phải đi trước “soi đường cho quốc dân đi; văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo L’Humanité về nhân tố nào biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến, Hồ Chí Minh trả lời: “Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa. Chủ nghĩa thực dân đã kìm hãm nhân dân chúng tôi trong vòng ngu muội để chúng dễ áp bức. Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ”2. Từ rất sớm, ngay khi còn phải tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã nhìn thấu ý nghĩa và sức mạnh của văn hóa, của đời sống tinh thần. Người cho rằng, con người cần phải có đời sống văn hóa tinh thần vì đó là lẽ sinh tồn và mục đích cuộc sóng chúng ta. Sau này, trong kháng chiến ác liệt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”.
Trong đời sống tinh thần thì hàng đầu là phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bởi vì chủ nghĩa xã hội là do quần chúng nhân dân tự xây dựng lấy, đó là công trình tập thể của quần chúng lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trong điều kiện đó, chỉ có phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì mới có sáng kiến và động lực. Nhiều lần Hồ Chí Minh khẳng định “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân”. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ và để dân làm chủ. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, dân chủ là giá trị lớn nhất mà cách mạng do Đảng lãnh đạo đem lại cho người dân. Vì vậy, dân chủ trong chế độ dân chủ nhân dân đến chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa là động lực vừa là mục tiêu của cách mạng.
Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản về mặt giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột đem lại cho con người hạnh phúc, tự do. Vì vậy Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống. Văn hóa nói chung, trong chủ nghĩa xã hội nói riêng không dừng lại ở trình độ học vấn, ở bề nổi “cờ, đèn, kèn, trống” mà đó là “chất người”, “trình độ người” trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên. Văn hóa là lối sống, là quyền con người, là cái chân, thiện, mỹ giữa người với người. Thống nhất với cách tiếp cận của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh rất chú trọng sức phát triển sản xuất, chú trọng chế độ sở hữu coi đó là những nhân tố quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Nhưng điều đặc biệt mang sắc thái Hồ Chí Minh, đó là Người chú trọng tiếp cận chủ nghĩa xã hội theo phương diện đạo đức. Con người có hạnh phúc trong chế độ xã hội chủ nghĩa phải là những con người được giáo dục và có đạo đức. Chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại hạnh phúc cho con người phải là chế độ xa lạ với chủ nghĩa cá nhân, với những gì phản văn hóa và đạo đức. Hồ Chí Minh chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng, là trở lực trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.
Tóm lại, Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra giá trị của chủ nghĩa xã hội. Chế độ xã hội chủ nghĩa theo quan điểm Hồ Chí Minh không chỉ là thước đo giá trị của độc lập dân tộc mà còn tạo nên sức mạnh để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và tự bảo vệ. Độc lập dân tộc chỉ có đi tới chủ nghĩa xã hội thì mới có một nền độc lập dân tộc thật sự, hoàn toàn, nhân dân mới được hưởng hạnh phúc tự do; chủ nghĩa xã hội chỉ có phát triển trên một một nền độc lập dân tộc thật sự thì mới có điều kiện phát triển và hoàn thiện.
3. Độc lập, tự do, hạnh phúc: giá trị chung của nhân loại hôm nay
Bàn tới hạnh phúc cho con người, di sản Hồ Chí Minh cho thấy một tư duy sớm về định hướng phát triển bền vững theo quan điểm hiện đại. Hạnh phúc cho con người không thể tách rời phát triển bền vững. Bước vào thế kỷ XXI, nhân loại đã bàn tới Tuyên bố Thiên niên kỷ(hay gọi là Chương trình nghị sự XXI). Chương trình đó có 8 mục tiêu chứa đựng nội dung của phát triển bền vững. Những nội dung này, ở những mức độ đậm nhạt khác nhau, đã có trong di sản Hồ Chí Minh. Đó là: (1) Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; (2) Đạt phổ cập giáo dục tiểu học; (3) Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; (4) Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; (5) Tăng cường sức khỏe bà mẹ; (6) Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; (7) Bảo đảm bền vững về môi trường; (8) Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển.
Trước đây, trong thập kỷ 40 của thế kỷ XX, khi bàn về giá trị của các nhà tư tưởng, Hồ Chí Minh đã nói rõ quan điểm của mình. Theo Người, Khổng Tử có ưu điểm là tu dưỡng đạo đức cá nhân; tôn giáo Giêxu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả; chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng; Tôn Dật Tiên có ưu điểm là phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Tất cả những con người đó chẳng có ưu điểm chung đó sao, đó là mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Nếu họ còn sống trên đời này, tôi tin rằng họ sẽ ngồi lại với nhau như những người bạn rất hoàn mỹ. Tôi sẽ cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy. Tư duy Hồ Chí Minh hướng vào việc khai thác ưu điểm chung của các vị ấy là mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Tròn nửa thế kỷ sau, khi nhân loại tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, người ta cũng khai thác điểm chung mà Hồ Chí Minh đã cống hiến cho nhân loại, đó là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Những mục tiêu đó chính là hạnh phúc, là đỉnh cao giá trị nhân văn, văn hóa của loài người.
Tại Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức tại Hà Nội, tháng 3-1990, một đại biểu Mỹ nói: “Nếu chủ nghĩa cộng sản như chủ nghĩa cộng sản Hồ Chí Minh thì cũng chấp nhận được”. Một đại biểu phụ nữ nói: “Chúng tôi đến đây, có người theo đạo Hồi, có người theo đạo Phật, đạo Tin lành, đạo Thiên chúa, trước chúng tôi không hiểu nhau, qua hai ngày hội thảo, chúng tôi có thể ngồi lại nói chuyện vui vẻ với nhau, vì chúng tôi có cái chung là lý tưởng Hồ Chí Minh: “Muốn cho nhân loại được tự do, hạnh phúc”3.
Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 40 năm, nhưng ngày nay nhân loại vẫn nghĩ về Người, nói tới Người với sự ngưỡng mộ một tinh thần nhân văn cao cả. Từ những năm hai mươi thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã nói tới sự nghiệp giải phóng loài người và đến tận cuối đời, trăn trở lớn nhất của Hồ Chí Minh cũng là đem lại hạnh phúc cho người, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đúng như lời phát biểu của ông Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới Rômét Chanđra:
“Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do,
Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao.
Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình công lý,
Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao.
Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống đói nghèo,
Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”4.
___________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr.461.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.10, tr.392.
3. Dẫn theo: Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình hình thành và phát triển, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.9.
4. Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh trong trái tim nhân loại, Nxb.Lao động, Nxb.Quân đội nhân dân, H.1993. tr.90