Đấng cứu tinh của hòa bình, độc lập và hạnh phúc

Geetesh Sharma

Chủ tịch điều hành Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam 

Việt Nam và Hồ Chí Minh là hai tên gọi nổi tiếng và phổ biến nhất đối với nhân dân Ấn Độ, Người từng là tâm điểm chú ý trong số các trí thức và các nhà hoạt động chính trị vào nửa cuối của thế kỷ XX, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ những năm 50 đến những năm 70. Đây là khoảng thời gian có nhiều sách, báo viết về Hồ Chí Minh bằng các ngôn ngữ khác nhau của Ấn Độ, tiêu biểu là ở Tây Bengal, nơi có nhiều bài thơ ca ngợi Hồ Chí Minh được viết. Các tác phẩm của Hồ Chí Minh và Nhật ký trong tù của Người đã được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ chính của Ấn Độ và được các độc giả đánh giá cao. Trên thực tế, hai từ Việt Nam và Hồ Chí Minh đã trở nên đồng nghĩa với nhau.

Thật khó có ai không biết về vị lãnh tụ huyền thoại vĩ đại của nhân dân Việt Nam - Hồ Chí Minh, hay không biết về tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi các liệt cường như Pháp, Nhật Bản và Mỹ, là những nước buộc phải không chỉ nếm mùi thất bại trong tay người dân Việt Nam mà còn phải rời khỏi Việt Nam bởi nhân dân họ đã đoàn kết và có chiến lược quân sự mẫu mực mang tầm lịch sử.

Hiển nhiên một sự nghiệp vĩ đại như thế không thể đạt được nếu thiếu sự lãnh đạo sáng suốt và nhân cách của Hồ Chí Minh với những chính sách, chiến lược theo hướng coi nhân dân là nhân tố quyết định của Người. Dưới sự lãnh đạo tài tình tuyệt vời của Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam không chỉ đã giải phóng đất nước khỏi các ách kìm kẹp của các thế lực thuộc địa, phátxít và đế quốc mà đồng thời còn tẩy trừ được cơ cấu phong kiến già cỗi, giải phóng nhân dân khỏi chế độ phong kiến đang tồn tại trong xã hội với các quan niệm của nó trong một thời gian ngắn nhất, chưa từng có trong lịch sử.

Nhân dân luôn là tâm điểm của quá trình tư tưởng Hồ Chí Minh và sự quan tâm của Người đối với nhân dân không bị giới hạn trong các ranh giới địa lý. Mục đích của Người không chỉ là giải phóng đất nước mình khỏi sự thống trị ngoại bang mà trong chiều sâu tư tưởng của mình, bên cạnh mục đích giành độc lập, Người còn mong ước mang đến sự công bằng, bình đẳng và no ấm cho nhân dân mình. Nói như thế bởi bên cạnh cuộc đấu tranh nhiệt thành và hết lòng của mình chống bọn ngoại xâm, Người cũng nhiệt thành và hết lòng trong vận động và đấu tranh chống cơ cấu xã hội phong kiến khi mà việc loại bỏ cả hai đều là quan trọng để giải phóng nhân dân khỏi sự giam cầm và bóc lột.

Như đã nói trên, nhân dân chiếm một vị trí quan trọng, vững chắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, người mà trong lời nói và việc làm của mình luôn luôn nhấn mạnh đến độc lập và phúc lợi của nhân dân. Nói thế bởi vì Người có thể tập hợp các tầng lớp nhân dân khác nhau của xã hội Việt Nam, kể cả số ít đại diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam. Không chỉ những người khỏe mạnh mà cả phụ nữ, người già, người tàn tật và trẻ em cũng có vai trò, ý nghĩa như những người lính của cuộc chiến  trinh giải phóng trên các mặt trận khác nhau.

Trong khi thành thị và nông thôn Việt Nam bị bắn phá khắp nơi thì vẫn có những người tận tụy thực hiện chiến dịch xóa nạn mù chữ cho nhân dân các vùng xa xôi hẻo lánh của Việt Nam. Trẻ em trở thành những chiến sĩ giao liên mang tin tức về sự có mặt của quân địch đến cho các chiến sĩ du kích bên cạnh việc duy trì đường dây tiếp viện cho mặt trận. Sự tham gia rộng rãi của nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng như vậy thật là hiếm có trên thế giới.

Sự lãnh đạo tài tình của Hồ Chí Minh có sức ảnh hưởng kỳ diệu đối với nhân dân Việt Nam, những người sẵn sàng hy sinh bất kể cái gì với hy vọng và niềm tin rằng sau ngày giải phóng, tất cả mọi người có thể cùng hưởng kết quả của nền độc lập. Thực tế cho thấy sau giải phóng, những khát vọng của nhân dân Việt Nam đã không hề bị lạc hướng. Điểm nổi bật là người lao động không những đã được ghi nhận mà còn có vị trí quan trọng trong xã hội. Chế độ phong kiến đã bị phế bỏ hoàn toàn.

Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng hay là một tấm gương tiêu biểu. Trong thực tiễn, Người làm theo những gì được học tập và khích lệ nhân dân làm theo cách của mình.

Hồ Chí Minh là một người có hoài bão và từ thời thơ ấu Người đã mong muốn đất nước mình được độc lập và đồng bào được no ấm. Để tránh khỏi bị bắt vào tay của chính quyền thực dân Pháp, Người đã ra đi bí mật để tổ chức và đoàn kết nhân dân chống lại thế lực đế quốc.

Sinh ngày 19-5-1890 tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ở miền Trung Việt Nam, Hồ Chí Minh có tên thật là Nguyễn Sinh Cung rồi được đổi là Nguyễn Tất Thành trong thời thanh niên và sau đó đổi thành là Nguyễn Ái Quốc có nghĩa là Nguyễn - người yêu nước. Thân sinh của Người là Nguyễn Sinh Sắc, một nhà nho cấp tiến được bà con chòm xóm kính trọng về lòng yêu nước, thương yêu đồng bào sâu sắc.

Là một học sinh ở Huế, Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng và được khích lệ sâu sắc bởi các lý tưởng về tự do, bình đẳng và bác ái của Cách mạng Pháp. Tiếp đó, khi làm giáo viên ở tỉnh Phan Thiết, Người đã có cơ hội tiếp xúc với các tác phẩm dịch sang tiếng Trung Quốc của Rousseau và Montesquieu và Người đã quyết định đi về phía Tây, đến với miền đất của cuộc cách mạng nổi tiếng đã nổ ra trên thế giới với hy vọng tìm được con đường cứu nước đúng đắn.

Trong năm 1911, Người vào Sài Gòn (hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh) là nơi mà người hoạt động bí mật trong một thời gian ngắn. Trong thời gian này, một thương gia Ấn Độ thuộc gia đình Gupta sống ở đây nhiều năm đã giúp đỡ Hồ Chí Minh, bấy giờ có tên là Nguyễn Tất Thành.

Hồ Chí Minh quyết định rời Việt Nam nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ và hợp tác cho sự nghiệp giải phóng của Việt Nam ở một số nước, đặc biệt là ở Pháp. Người nghĩ rằng sẽ là tốt nếu dành thời gian để nghiên cứu các kinh nghiệm thấy được ở các nước khác nhau.

Sài Gòn, trong quãng thời gian đó là một hải cảng chính của Việt Nam, là nước có nhiều tàu thuyền từ các nước khác nhau cập bến. Hồ Chí Minh đã qua mặt được bọn cảnh sát và mật thám trong vai một người phụ bếp trên một trong những chiếc tàu rời bến cảng. Như đã nói trên, một thương gia người Ấn Độ Gupta làm ở Việt Nam đã giúp Hồ Chí Minh rời đất nước (về sau sự kiện này đã được đưa vào một trong những bộ phim sản xuất ở Việt Nam). Xem ra sự gặp gỡ ban đầu và tốt đẹp này giữa Hồ Chí Minh với một người Ấn Độ đã có tác động lâu dài mãi đối với người về Ấn Độ.

Tháng 6-1911, Người lên một chiếc tàu buôn của Pháp làm phụ bếp và rời đất nước để đến nhiều nơi như: Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Algeria, Tunisia, Congo, Dahomey, Senegal. Người còn qua Atlantic để đến NewYork, Boston, Rio de Janeiro và Buenos Aires. Người nhiều lần đến thăm những người dân lao động, nạn nhân của chế độ áp bức và bóc lột ở những nơi khác nhau và qua đó Người rút ra kết luận rằng ''dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản''1.

Khoảng năm 1914, Người đến nước Anh. Trong thời gian ở London, Người thu thập những thông tin về cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ireland. Thậm chí Người còn tham gia một số các hoạt động chính trị - xã hội tại đây, tuần hành cùng với những người biểu tình và tham gia phong trào công đoàn.

Sau khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ I nổ ra, Hồ Chí Minh đã lên đường sang Pháp và trong khi tiếp xúc với những người cánh tả, Người đã trở thành đảng viên Đảng Xã hội Pháp.

Năm 1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước, Người đã gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Hoà bình Vécxây. Trong bản yêu sách, Người đã yêu cầu tự do và dân chủ tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Các bản Yêu sách đã được chuyền tay nhau đến tất cả các đoàn đại biểu cũng như các cơ quan lập pháp của nhiều nước.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, trong khi các đảng viên Đảng xã hội Pháp phải đối diện với sự lựa chọn giữa Quốc tế II và Quốc tế III thì đối với Hồ Chí Minh, không có gì là khó chọn cả. Người đã nhận xét: ''Tất cả những thứ tôi muốn là tự do cho đồng bào tôi và độc lập cho đất nước tôi''. Sau khi đọc bản Sơ thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin, Người đã bỏ phiếu cho Quốc tế III và trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp.

Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, được sự hậu thuẫn của chủ nghĩa quốc tế và sự tận tụy của Người đối với sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và tiến bộ của nhân loại, đã thúc đẩy Người huy động tiền bạc để tìm kiếm thuốc men và tham gia vào các cuộc tuần hành biểu tình đòi chấm dứt sự bao vây kinh tế của bọn đế quốc chống lại Liên bang Xôviết cũng như biểu tình đòi công nhận chế độ Xôviết.

Do những cống hiến đối với sự nghiệp của nhân dân và năng lực đấu tranh vì sự nghiệp đó, Hồ Chí Minh được tham gia đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Pháp đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản ở Mátxcơva và tự mở ra các cơ hội tại các cuộc gặp gỡ quốc tế của nông dân, thanh niên, phụ nữ và các tổ chức nhân đạo.

Để chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho phong trào cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tới Quảng Châu, Trung Quốc. Tại đây, Người bắt tay vào mở lớp huấn luyện chính trị cho các kiều bào trẻ ở nước ngoài. Tháng 6-1925, Người sáng lập ra tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tổ chức ngày càng thu hút nhiều người từ Việt Nam sang tham gia lớp huấn luyện hơn. Trong thời gian lưu lại ở Quảng Châu, Hồ Chí Minh đã xuất bản cuốn sách có tên Đường Kách mệnh, và tờ báo Thanh niên không chỉ đóng vai trò rất quan trọng trong việc vạch ra con đường cho cách mạng Việt Nam mà còn là một nguồn động viên khích lệ đối với giai cấp bị đọa đầy áp bức trên toàn thế giới.

Trong thời gian này, Hồ Chí Minh thường đi nhiều nơi khác nhau trên thế giới như: Liên Xô, Đức, Thụy Điển, Ý, Xâylen (Ceylon), Thái Lan và viết nhiều tác phẩm. Các tác phẩm của Người viết cho Tạp chí Thông tấn quốc tế bao gồm các bài báo về phong trào của nông dân và công nhân Ấn Độ và những tội ác của chế độ thực dân Pháp.

Để tạo điều kiện cần thiết cho một đảng chính trị vững vàng, Hồ Chí Minh đã triệu tập Hội nghị những nhà cách mạng Việt Nam ở Hồng Kông vào ngày 3-2-1930 để thống nhất các tổ chức cộng sản khác nhau thành một Đảng duy nhất – Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 6-6-1931, Người bị nhà cầm quyền Anh ở Hồng Kông bắt. Tuy nhiên, với sự can thiệp của một số tổ chức quốc tế, Người đã được thả sớm sau đó. Người đã trở lại Mátxcơva vào mùa xuân năm 1934 và làm việc ở Viện nghiên cứu các dân tộc và thuộc địa, nơi Người tham gia Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản và đã giúp đào tạo một số nhà cách mạng Việt Nam trẻ tuổi.

Tháng 10-1938, khi những điều kiện cho một cuộc chiến tranh thế giới đang phát triển, Hồ Chí Minh đã từ Liên Xô đi Trung Quốc và một lần nữa cống hiến cho sự nghiệp đào tạo các nhà cách mạng Việt Nam.

Ngày 28-1-1941, Người bí mật vượt biên giới vào Việt Nam. Đây là chuyến trở về nước đầu tiên sau ba mươi năm bôn ba nước ngoài của Người, quãng thời gian Người đi nhiều nước khác nhau với tư cách là nhà tổ chức cách mạng để tìm kiếm con đường mang lại độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam.

Ngày 13-8-1942, Người lên đường đi Trung Quốc một lần nữa để liên hệ với các lực

lượng đồng minh và từ đây người mang một cái tên mới “Hồ Chí Minh” - cái tên đi cùng với người trong lịch sử.

Việc Đức đầu hàng các lực lượng đồng minh và Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản đã mang đến cho nhân dân Việt Nam một thời cơ duy nhất vùng lên giành chính quyền. Khẩu hiệu của Hồ Chí Minh – “Không có gì quý hơn độc lập và tự do” và “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” - đã có tác dụng thôi thúc nhân dân Việt Nam nắm lấy cơ hội với một quyết tâm thép để giành lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

Ngày 2-9-1945, với tư cách là Chủ tịch đầu tiên, Người đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại cuộc mít tinh khổng lồ ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong một bài phát biểu ngay sau đó, Người đã đưa ra lời kêu gọi hào hùng đối với nhân dân, Người nói:

“Sau tám mươi năm bị áp bức, bị bóc lột, và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính.

Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm.

Với lòng yêu nước và yêu nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công.

Hiện nay những vấn đề gì là vấn đề cấp bách hơn cả.Theo ý tôi, có sáu vấn đề:

Một là, nhân dân đang đói... Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này...

Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất.

Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo.

Vấn đề thứ hai, nạn dốt - Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn 90% đồng bào ta mù chữ.

Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.

Vấn đề thứ ba - Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ để bảo đảm các quyền dân chủ cho nhân dân. Tất cả công dân đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v..

Vấn đề thứ tư - Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hóa dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và những thói xấu khác. Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập.

Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH.

Vấn đề thứ năm - Thuế thân, thuế chợ, thuế đò, là một lối bóc lột vô nhân đạo. Tôi đề nghị bỏ ngay ba thứ thuế ấy. Cuối cùng tôi đề nghị tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.

Vấn đề thứ sáu - Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết''2.

Hàng triệu nhân dân đã hưởng ứng lời kêu gọi của Người và tự mang hết tâm sức mình ra để thực hiện.

Hồ Chí Minh không bao giờ ủng hộ chiến tranh và Người đã làm hết sức mình để tìm ra một giải pháp hòa bình với Pháp. Trong bức thư gửi những người Pháp ở Đông Dương tháng 10-1945, Người viết: “Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình - một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da ư?”3.

Thậm chí trong khi lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc chiến vũ trang với quyết tâm cao chống lại sự gây hấn của Pháp, Người đã liên tục kêu gọi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp cũng như gửi tới các nhà lãnh đạo của các đảng Cộng hòa, Xã hội và Cộng sản, thúc giục họ đưa đất nước họ đi theo các lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái bằng cách chấm dứt chiến tranh và vãn hồi hòa bình ở Việt Nam.

Sự chân thành của Người về các sáng kiến hòa bình được thể hiện thậm chí ngay sau khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ năm 1954. Tại Hội nghị Giơnevơ, Việt Nam đã đồng ý với thỏa hiệp, chia cắt tạm thời đất nước trong khi đợi tái thống nhất trong hai năm, để có lại hòa bình.

Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự thanh bạch và sự giản dị của Người không phải là để làm phách, đánh bóng và thu hút công chúng. Thậm chí sau khi trở thành vị Chủ tịch của nước Việt Nam, Người vẫn giữ lối sống thanh bạch của mình. Mặc dù có cả một Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, nơi ở chính thức của Chủ tịch, Người vẫn chọn một ngôi nhà nhỏ trong khu nhà của Phủ Chủ tịch để ở cho đến cuối đời. Người chỉ sử dụng Phủ Chủ tịch trong các cuộc gặp chính thức hoặc dùng cơm với các quan chức cao cấp ngoại quốc.

Người ghét cay ghét đắng lối sống và thói quen dựa vào thế lực và luôn phá vỡ các nghi thức. Năm 1958, trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ, tấm thảm đỏ được trải để vinh đón Người nhưng Người từ chối bước vào và cũng khiêm nhường từ chối ngồi vào chiếc ngai nạng vàng - bạc trong buổi đón được tổ chức theo nghi thức nhà nước, mặc cho Giavaháclan Nêru đề nghị.

Trong chuyến thăm Ấn Độ, Người đã từng gặp và bắt tay thân mật với tài xế ôtô. Người dùng đôi xăng-đan được làm từ lốp cũ của máy bay bị pháo phòng không bắn rơi. Đôi dép đó đã trở thành thương hiệu của sự thanh bạch giản dị của Người và của các lãnh đạo, cán bộ, tri thức. Đặc biệt các nhà hoạt động ở Tây Bengal đã lấy nguồn cảm hứng từ Hồ Chí Minh để bắt đầu dùng dép làm từ lốp cũ.

Trong khi thực hiện các nghi thức trồng cây ở Delhi, Người đã tự tay làm tất cả trước sự ngạc nhiên tột bậc của dân chúng có mặt hôm đó. Đối với họ, không thể có một vị Chủ tịch nước nào mà lại tự mình làm hết các công việc trồng cây.

Người thích tự tay làm mà không cần kẻ hầu người hạ mà, vì Người coi đó là biểu tượng của chế độ phong kiến. Người tin là chế độ phong kiến chỉ được loại bỏ khi loại bỏ được hoàn toàn các thói quen phong kiến trong cách đối xử của con người. Tư tưởng này của Nguời thể hiện đậm nét trong xã hội Việt Nam ngày nay khi mà không còn người ở trong nhà và thể hiện ngay cả đối với những người phục vụ, người làm trong các công sở. Lái xe, bảo vệ, quản gia, cán bộ lớn, người giàu hay người nghèo đều cùng ngồi chung một bàn ăn không chút ngập ngừng hay tự ti, mọi người đều được đối xử bình đẳng.

Hồ Chí Minh có mối liên hệ đặc biệt với trẻ nhỏ khi Người coi trẻ em là tương lai đất nước. Người tin rằng trẻ em khỏe mạnh và được giáo dục sẽ xây dựng được một đất nước đoàn kết vững mạnh. Trẻ em cũng yêu quý Người hết thảy và gọi Người là “Bác Hồ”.

Với tư cách là Chủ tịch nước, sau khi tuyên bố Hiến pháp mới, tuyên bố chính thức đầu tiên của người được gửi tới trẻ em, tại đó Người nói:

“Cùng các trẻ em yêu quý,

Hôm nay là Tết Trung Thu.

Mẹ đã sắm cho các em nào đèn, nào trống, nào pháo, nào hoa, và nhiều đồ chơi khác. Các em vui vẻ nhỉ!

… Các em vui cười hớn hở, Già Hồ cũng vui cười hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì Già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ con. Trung thu năm nay, nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập.

Hôm nay tha hồ các em vui chơi cho thỏa chí, ngày mai mong các em ra sức học tập, tất cả các em đã biết chữ quốc ngữ chưa? Em nào chưa biết thì phải học cho biết…

Đến Trung thu năm sau, chúng ta sẽ tổ chức một cuộc vui, cả già lẫn trẻ. Các em nghĩ thế nào?

Trung thu này, Già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em một trăm cái hôn thân ái”4.

Tư tưởng Hồ Chí Minh và triết lý chính trị theo định hướng vì nhân dân của Người không phải là ảo tưởng theo bất kỳ nghĩa nào. Tầm nhìn, tư tưởng và triết lý của Người là tự do thoát khỏi cái phức tạp. Trong ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài, Người đã chứng kiến tận mắt chế độ hành chính, sự giàu có, bần cùng, bóc lột, sự lạc hậu về xã hội và tinh thần, nô dịch ngoại bang và phong kiến dân tộc của không chỉ của châu Á mà cả của châu Âu, châu Phi và một số nước châu Mỹ. Đi đến đâu Người cũng thu thập tài liệu tin tức một cách chi tiết về nhân dân. Là người đọc nhiều sách, Người học được nhiều kiến thức từ sách vở bên cạnh hoạt động thực tiễn. Người đọc nhiều tác gia nổi tiếng, các nhà triết học, các nhà cách mạng của nhiều nước bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, bên cạnh việc tham gia vào các cuộc mít tinh và hội nghị quốc tế đã bồi dưỡng tri thức của Người đến mức độ vĩ đại. Người đã đồng hóa cái cốt lõi của toàn bộ kinh nghiệm với triết lý của mình và do đó triết lý theo định hướng nhân dân hoàn toàn thực dụng và thực tiễn. Sự thành công của chiến lược này ở chỗ nó có thể giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ ngoại bang. Sự kiện này đã được viết trong những trang vàng của lịch sử Việt Nam.

Thật không dễ gì mà có được một kết quả đưa đất nước thoát khói ách đô hộ phong kiến chỉ trong không quá 50 năm.

Qua toàn bộ các sự kiện nói trên người ta có thể thẳng thắn cho rằng triết lý và chiến lược của Hồ Chí Minh thậm chí có ảnh hưởng đến ngày nay đối với các nước Á, Phi và Mỹ Latinh, nơi mà chế độ phong kiến vẫn còn bám rễ vững chắc, đặc biệt tiểu lục địa Ấn Độ là nơi thậm chí sau 60-65 năm thoát khỏi chế độ phong kiến thực dân mà sự dã man vô nhân tính vẫn còn tồn tại. Đây là chế độ phong kiến mà ở đó con người bị tước đoạt quyền bình đẳng, phụ nữ chỉ được coi là một phần phụ của con người, lao động bị coi thường. Niềm tin mù quáng vào may rủi, số phận hay Chúa trời không chống lại con người bằng chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến thể hiện chế độ người bóc lột người và chống lại nó khó không kém chế độ thực dân và đế quốc. Trong khi chống lại chế độ thực dân và đế quốc, Hồ Chí Minh đồng thời tiến hành cuộc đấu tranh chống lại chế độ phong kiến và đã giành được thắng lợi quyết định. Thật rõ ràng khi chỉ ra rằng người ta có thể học được nhiều ở Hồ Chí Minh kinh nghiệm đấu tranh chống lại chế độ phong kiến.

Con người mácxít Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của Lênin. Các chính sách cũng như lý tưởng của Người chịu ảnh hưởng của chế độ Xôviết. Người học tập và nhận nguồn cảm hứng từ đó chứ không bao giờ tuân theo một cách mù quáng. Người tổng kết kinh nghiệm của chính mình theo các điều kiện có ở Việt Nam. Từ đó người ta có thể học được nhiều.

Người luôn nhấn mạnh thái độ gần gũi thân thiện của các nhà lãnh đạo chính trị cho dù đang nắm quyền hay đã thôi chức vụ. Người luôn lưu ý các nhà hoạt động cánh tả cần phải khiêm nhường và phục vụ nhân dân, qua đó sẽ nhận được sự giúp đỡ ủng hộ của nhân dân và trên cơ sở đó họ có thể thay đổi chế độ, tạo ra một xã hội hài hòa.

Tất cả những việc Người làm điều liên quan đến nhân dân và với sự tham dự của nhân dân, Người không chỉ kiến tạo lại đất nước từ đống đổ nát mà trong hai hoặc ba thập kỷ người có thể đưa đất nước vào tốp đầu của các nước đang phát triển.

Hồ Chí Minh không bao giờ tha thứ cho các thế lực chống lại nhân dân. Người đấu tranh chống lại các thế lực hại dân như bọn thực dân, phong kiến, phát xít hoặc đế quốc và không bao giờ khoan nhượng với chúng bằng bất cứ giá nào của nhân dân. Người có một quyết tâm lớn nhất để chiến đấu chống lại các thế lực như vậy. Mặc dù không ưa bạo lực và yêu hòa bình nhưng người thể hiện quyết tâm chiến đấu với tất cả sức mạnh của mình nếu bị chiến tranh đe dọa. Người luôn tin vào việc thoát khỏi chiến tranh bằng các cuộc đối thoại và lòng chân thành nhưng người cũng cho rằng chúng ta cần phải sẵn sàng cho bạo lực nếu bắt buộc phải làm thế. Về phía mình, Người cố gắng hết sức để hòa giải với thực dân Pháp nhưng khi họ nuốt lời thì Người đã đối xử kiên quyết với họ.

Hồ Chí Minh là người năng động đa tài - một nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà soạn nhạc, nhà chính trị. Phẩm chất hoàn hảo của Hồ Chí Minh thể hiện ở chỗ, Người là một người nhạy cảm, dễ xúc động, có sự gắn bó sâu sắc nhất với nhân dân. Người sẵn sàng làm bất cứ điều gì có lợi cho nhân dân.

Hồ Chí Minh là tấm gương về sự vươn lên trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Người là một nhà thơ, ca sĩ, nhà soạn nhạc, nhà văn và nhà viết kịch cực kỳ bình dân trong con mắt các độc giả. Người ta không chỉ thích đọc các tác phẩm của Người mà còn nhận được sự thôi thúc, khích lệ từ các tác phẩm đó. Người luôn tránh dùng thuật ngữ trong các tác phẩm của mình. Người từng nói - hãy đơn giản trong bất kỳ cái gì bạn viết sao cho một người bình thường cũng có thể hiểu và nắm bắt được một cách dễ dàng. Nội dung thể hiện trong các tác phẩm của Người một phần là để cổ động tuyên truyền. Trong khi đồng ý với nhận xét này với tất cả sự khiêm nhường của mình, Người từng nói: Nếu dù là để tuyên truyền nhưng một tác phẩm đó giúp đỡ và khích lệ nhân dân trong cuộc đấu tranh chống bất công thì đó là một tác phẩm có ý nghĩa đích thực. Cũng đúng như thế, nếu như một tác phẩm được các học giả và giới phê bình cho là vĩ đại mà lại vượt quá khả năng hiểu biết của người bình thường thì nó vô dụng đối với nhân dân.

Hồ Chí Minh có khả năng sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh tiếng Việt, Người có thể sử dụng dễ dàng các ngôn ngữ như tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Ý và tiếng Anh v.v..

Trong thời gian sống ở Pháp, Người đã từng làm biên tập cho một tạp chí tiếng Pháp. Tại đây, Người đã viết nhiều bài báo không chỉ liên quan đến Việt Nam mà còn đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau của giới hữu sản và vô sản, của các dân tộc phát triển và kém phát triển trên khắp thế giới.

Hồ Chí Minh là người rất lạc quan và không bao giờ đánh mất phẩm chất vĩ đại này kể cả trong những điều kiện khó khăn và lúc tuổi đã cao. Người không chỉ chia sẻ tinh thần lạc quan của mình với dân chúng mà còn khích lệ họ trở nên lạc quan và điều đó đã được phản ánh ở một trong những bài thơ không đề của Người được viết năm 1968 như sau:

“Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm,

Vẫn vững hai vai việc nước nhà.

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,

Tiến bước! Ta cùng con em ta”5.

Sự kết hợp những phẩm chất của con người như thế quả là hiếm thấy ở bất cứ vị lãnh tụ nào trên thế giới và nó trở thành một tính cách độc đáo nhất của Người trong lịch sử nhân loại.

Ưu tiên cao nhất của Người là dân tộc của mình và nhân dân mình. Người là một người cộng sản với niềm tin là chủ nghĩa cộng sản sẽ là cách thức duy nhất mà qua đó nhân dân dân được bảo đảm tự do, độc lập và hạnh phúc.

Bên cạnh dân tộc của mình và nhân dân mình, Người còn nuôi dưỡng một tình cảm yêu mến công bằng đối với nhân dân Á, Phi. Về điểm này có một nhận định của nhà thơ Inđônêxia là Hanam Rahman như sau:

“Người không chỉ yêu Tổ quốc mình

Việt Nam bất khuất và xinh đẹp

Người còn sống cho trẻ em Á Phi

Tình yêu cháy bỏng của Người kết nối các đại dương”.

(Người dịch Lý Đăng Cao).

Hồ Chí Minh là người bạn thực sự và vĩ đại đối với Ấn Độ. Người làm cho mối quan hệ hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam trở nên có một ý nghĩa và tầm quan trọng và đã nhận được sự hưởng ứng tương ứng từ phía Ấn Độ.

Hồ Chí Minh đã đi thăm Calcutta hai lần. Chuyến đầu tiên vào năm 1946, lúc đó Người đã ghé thăm Calcutta một ngày trên đường đi Pari.

Chuyến thăm thứ hai của Người vào năm 1958 là chuyến thăm chính thức với tư cách là Chủ tịch của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã để lại những tình cảm tốt đẹp không bao giờ quên cho nhân dân Ấn Độ. Người đã hoàn toàn chinh phục được trái tim của mọi người bằng phong cách nói chuyện, sự thân mật, tính khiêm nhường và giản dị của mình. Thế hệ đã được gặp gỡ Người trong những ngày đó vẫn còn nhớ đến Người với tình cảm, lòng ngưỡng mộ và sự kính trọng sâu sắc.

Nhân dân Ấn Độ luôn có tình cảm với đất nước và nhân dân Việt Nam. Nhân dân và Chính phủ Ấn Độ đã ủng hộ không chỉ sự nghiệp đấu tranh giải phóng của Việt Nam mà còn mang đến cả vật chất và tinh thần hợp tác xây dựng lại nền kinh tế của Việt Nam sau ngày giải phóng.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam là biểu hiện mẫu mực về tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác.

Hồ Chí Minh và Giavaháclan Nêru đã gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1929 tại một hội nghị quốc tế ở Brussels và những quan hệ thân mật đã được hình thành giữa hai vị lãnh tụ vĩ đại tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời họ.

Năm 1943, Hồ Chí Minh bị giam trong nhà tù ở Trung Quốc trong khi ở Ấn Độ Giavaháclan Nêru cũng là tù nhân của bọn thực dân Anh. Cả hai đang đấu tranh vì độc lập cho đất nuớc yêu quý của mình. Từ trong tù, Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho Giavaháclan Nêru mà đến nay vẫn được ghi nhớ và đánh giá cao ở cả Ấn Độ và Việt Nam.

“GỬI NÊRU

Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động

Anh phải vào lao, tôi ở tù;

Muôn dặm xa với chưa gặp mặt,

Không lời mà vẫn cảm thông nhau.

Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác,

Cảnh ngộ giờ đây khác bội phần;

Tôi, chốn lao tù người bạn hữu,

Anh, trong gông xích bọn cừu nhân”6.

Cả Giavaháclan Nêru và Hồ Chí Minh đã xây dựng mối quan hệ cảm động lớn lao giữa họ với nhau. Vì thế một cách tự nhiên, khi Nêru nghe tin về sự ra đi của Hồ Chí Minh, Người thật sự bị sốc và đã thể hiện sự kính trọng của mình đối với nhà lãnh đạo đã khuất trong những lời sau đây:

“Ông không chỉ là một nguời yêu hòa bình mà còn là một người đặc biệt nhã nhặn và hữu nghị, Người không bao giờ tự nghĩ về mình là ai, rất giản dị và khiêm tốn. Là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người không tự giam mình trong tháp ngà. Người chủ yếu là người của công chúng, là một nhà lãnh đạo biết làm thế nào để kết hợp sự rộng lượng hào phóng tột bậc hiếm có với sự kiên định cứng cỏi nhất. Bởi bất kỳ chuẩn mực nào, Hồ Chí Minh là con người nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”7.

Ngày nay, các nước đang phát triển của thế giới thứ ba đã đối mặt với ba thách thức lớn. Thách thức thứ nhất là chủ nghĩa đế quốc, thế lực thiết kế nhằm duy trì sự thống trị của chúng đối với thế giới bằng bất cứ biện pháp nào và vì điều đó nếu cần thiết, nó sẽ tạo ra kẻ thù, sau đó nhân danh cuộc chiến sẽ sử dụng các hành động quân sự. Một vũ khí khác của nó là làm suy đổi nền hành chính của đất nước.

Để duy trì sự chia rẽ trong các nước thế giới thứ ba, các thế lực của chủ nghĩa đế quốc ủng hộ và khuyến khích thuyết chính thống tôn giáo, rằng để thoát khỏi thế giới thứ ba, các chính phủ có thể tìm chỗ dựa ở các thế lực đế quốc theo các điều kiện của họ.

Có hai loại thuyết chính thống tôn giáo - thuyết dân tộc và thuyết nhập ngoại. Những người cuồng tín tin vào Chúa trời và tôn giáo trên cả con người và dân tộc. Đối với họ, Chúa trời và tôn giáo chiếm một vị trí siêu đẳng trong xã hội trong khi ranh giới dân tộc và sự thống trị của con người chỉ là thứ yếu đối với họ. Họ chia xã hội loài người ra làm nhiều loại.

Thách thức lớn hơn vẫn là chế độ phong kiến. Dưới chế độ phong kiến con người không được bình đẳng, phụ nữ bị chế ngự, lao động bị coi thường và con người thụ hưởng tự do ở việc đi bóc lột người khác. Chế độ phong kiến phân biệt con người theo danh nghĩa của đẳng cấp và các đẳng cấp nhỏ. Đi trên những chiếc cà kheo của tôn giáo và chế độ phân biệt đẳng cấp như thế, chế độ phong kiến đã ăn sâu vào trong xã hội. Thật khó mà đánh bật nó ra vì kẻ thù nằm ngay trong từng gia đình của nó. Nếu như bất kỳ xã hội của quốc gia nào được giải thoát khỏi chế độ phong kiến và cơ sở tôn giáo thì nó có thể nhất trí đương đầu và tranh đấu thắng lợi với các thế lực bên ngoài và thậm chí là chủ nghĩa đế quốc. Việt Nam là một tấm gương sáng chói như vậy, đã đánh bại chủ nghĩa thực dân, đế quốc, bành trướng bằng những chính sách thực tế và sự lãnh đạo tài tình nhất của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã đoàn kết nhân dân Việt Nam, không thể chấp nhận chế độ phong kiến, giải phóng nhân dân khỏi ách kìm kẹp của nó. Qua việc học tập mà Người nâng cao được nhận thức và hiểu được tầm quan trọng của độc lập, bình đẳng và do đó thôi thúc Người xây dựng một xã hội lành mạnh trên cơ sở bình đẳng và công lý.

Hồ Chí Minh đã không chỉ thành công trong việc đoàn kết nhân dân Việt Nam chống lại chế độ phong kiến và đế quốc, mà cuối cùng dự báo của Người rằng không một thế lực nào trên trái đất có thể đánh bại được một dân tộc đoàn kết và được chuẩn bị, đã trở thành hiện thực.

Đối với các nước thuộc thế giới thứ ba, nhất là tiểu lục địa Ấn Độ, các chính sách của Hồ Chí Minh trở nên thích hợp hơn hiện nay; điều đó đòi hỏi phải hiểu một cách đúng đắn và sâu sắc về nhân cách và những cống hiến sáng tạo của Hồ Chí Minh.

So với các vĩ nhân của thời kỳ hiện đại thì những lý tưởng và chính sách của Hồ Chí Minh dễ hiểu hơn đối với các quyền lợi của nhân dân. Tất nhiên, không nên áp dụng một cách mù quáng mà phải được thực hiện sau khi nghiên cứu cẩn thận. Người ta có thể học tập các kinh nghiệm của Hồ Chí Minh để hoàn thành mục tiêu độc lập, tiến bộ và hòa bình.

Hồ Chí Minh, người bạn thân thiết nhất của nhân loại sống mãi trong các lý tưởng và tư tưởng của Người. Người từng nói: “Phong trào hòa bình dân chủ thế giới ngày càng mạnh đã giúp chúng ta thắng lợi. Mà chúng ta thắng lợi sẽ góp một phần xứng đáng vào công cuộc bảo vệ hòa bình châu Á và thế giới”.

____________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.266.

2. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.7.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.66.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.16.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.356.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.3, tr.372.

7. Thế giới ca ngợi và tiếc thương Hồ Chí Minh, Nxb.Sự thật, H.1976, tr.213-214.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website