Tư tưởng và thực tiễn trong việc bồi dưỡng tài năng thanh thiếu niên của Hồ Chí Minh

  Hoàng Tranh

 Nguyên phó Hiệu trưởng, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây (Trung Quốc) 

1. Tư tưởng bồi dưỡng tài năng thanh thiếu niên của Hồ Chí Minh là nhân tố chủ đạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong quá trình xây dựng và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh hết sức coi trọng bồi dưỡng tài năng thanh thiếu niên. Người thường căn cứ theo hình thức đấu tranh của cách mạng Việt Nam và nhiệm vụ trong từng giai đoạn, tận dụng những điều kiện có lợi mà các nước anh em cung cấp, đích thân lên kế hoạch, chỉ đạo cụ thể, đưa hàng loạt các em nhi đồng, thanh thiếu niên đã được lựa chọn ra nước ngoài học tập lý luận cách mạng và kiến thức chuyên môn, tham gia vào quá trình rèn luyện thực tế đấu tranh, để các em nhanh chóng trưởng thành, trở thành nhân tài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và cách mạng của Việt Nam.

Có thể đi ngược dòng thời gian về những năm 20 của thế kỷ XX để tìm hiểu rõ hơn về tư tưởng và thực tiễn bồi dưỡng tài năng thanh thiếu niên của Hồ Chí Minh. Tháng 11-1924, từ Mátxcơva, Hồ Chí Minh đến Quảng Châu, trung tâm cách mạng lớn của Trung Quốc, dưới sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tổ chức các lớp huấn luyện chính trị đặc biệt, đào tạo bồi dưỡng những thành phần cách mạng cốt cán của thanh niên. Từ cuối năm 1925 đến tháng 4-1927, dưới sự sắp xếp và lên kế hoạch cụ thể của Hồ Chí Minh, 3 đoàn thanh niên gồm 75 người từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam đến Quảng Châu, tham gia vào lớp tập huấn chính trị, trong đó có hơn 20 người vào học quân sự tại Trường Hoàng Phố qua sự liên hệ của Hồ Chí Minh với Chính phủ cách mạng Quảng Đông. Trong thời gian này, dưới sự sắp xếp của Hồ Chí Minh, có 8 con em các gia đình chống Pháp của Việt Nam1 được đưa sang Quảng Châu. Hồ Chí Minh đặc biệt muốn đưa các em vào học tập tại các trường tiểu học và trung học được lập trong Đại học Quảng Đông. Những thanh niên Việt Nam lần lượt đến Quảng Châu đã nhanh chóng trưởng thành trong học tập và thực tiễn đấu tranh, trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam.

Đầu những năm 40 của thế kỷ XX cũng có những ví dụ tương tự, Hồ Chí Minh đã tổ chức một lớp huấn luyện cán bộ thanh niên Việt Nam tại huyện Tĩnh Tây Quảng Tây Trung Quốc. Tháng 12-1940, Hồ Chí Minh từ Quế Lâm đến Tĩnh Tây, chuẩn bị về nước trực tiếp lãnh đạo đấu tranh cách mạng. Tháng l-1941, Hồ Chí Minh tận dụng những điều kiện có lợi có được do các nhà cách mạng lão thành hoạt động cách mạng trong một thời gian dài ở biên giới Trung Việt gây dựng nên, tổ chức lớp huấn luyện cán bộ thanh niên thôn Niệm Quang, làng Linh Quang, xã Cát Thôn, huyện Tĩnh Tây. Có 43 thanh niên Việt Nam sang tham gia khóa huấn luyện này. Những thanh niên này ''giống như 43 con chim đại bàng'' (cách ví von của Hồ Chí Minh2) bay về Việt Nam, hiến thân mình cho công cuộc đấu tranh cách mạng.

Nếu như nói, những câu chuyện Hồ Chí Minh bồi dưỡng thanh thiếu niên kể trên xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt khi hai nước Trung Việt đều tiến hành đấu tranh cách mạng, những thanh niên Việt Nam chưa có cách nào tiếp nhận được sự giáo dục hệ thống, toàn diện và chính quy, thì đến đầu những năm 50 của thế kỷ XX, vào thời khắc quyết định của cuộc chiến tranh chống Pháp, với tầm nhìn xa trông rộng của mình, một số trường học của Việt Nam đã chuyển sang Nam Ninh và Quế Lâm, Quảng Tây Trung Quốc, giúp cho một số lượng lớn thanh thiếu niên và nhi đồng Việt Nam được học tập trong một môi trường có thể coi là lý tưởng bên đất nước Trung Quốc anh em. Như vậy, chủ trương tư tưởng bồi dưỡng thanh thiếu niên của Hồ Chí Minh đã được quán triệt một cách toàn diện và sâu sắc. Dưới sự quan tâm chu đáo của Đảng, Chính phủ Việt Nam và Hồ Chí Minh, cùng với sự giúp đỡ của Trung Quốc, những thanh thiếu niên này đều trưởng thành nhanh chóng, trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam, những trường học này cũng trở thành trường học mô phạm điển hình cho nền giáo dục hiện đại của Việt Nam.

2. Ngày 1-10-1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập. Ngày 18-l-1950, hai nước Việt Nam – Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 10-1950, Việt Nam giành được thắng lợi Chiến dịch biên giới trong kháng chiến chống Pháp, con đường lớn qua lại giữa hai nước Việt - Trung đã được mở ra, ánh hào quang chiến thắng trong cuộc chiến chống Pháp đã bừng sáng. Hồ Chí Minh và tầng lớp lãnh đạo cao cấp đã tỉnh táo nhận thức được rằng, không thể chậm trễ trong việc bồi dưỡng đào tạo nhân tài cho cuộc kháng chiến thắng lợi và công cuộc xây dựng sau kháng chiến. Do đó, một mặt xây dựng một số trường học chuyên nghiệp khu căn cứ Việt Bắc, bồi dưỡng cán bộ và giảng viên trung, tiểu học. Trường Sư phạm Việt Bắc, Trường Sư phạm cao cấp Việt Nam, Trường Khoa học cơ bản Việt Nam đã lần lượt được thành lập trong hoàn cảnh như vậy. Mặt khác, xuất phát từ thực tế Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ chiến tranh, khó đảm bảo cho học sinh sinh viên môi trường học tập ổn định, vì vậy Hồ Chí Minh đã liên hệ với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, mong chuyển một số trường sang Quảng Tây. Trong thời gian 1950-1951, Hồ Chí Minh đã nhiều lần bàn bạc với đồng chí phụ trách của Trung ương Đảng Trung Quốc về vấn đề này và được phía Trung Quốc đồng tình ủng hộ. Ngày 16-5-1951, căn cứ theo đơn xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Tây, chi nhánh phía Nam của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từng xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương về việc có đồng ý cho Việt Nam chuyển các trường học sang Quảng Tây, và xin trích kinh phí xây dựng trường cho Quảng Tây. Ngày 20-5, Phó Chủ tịch Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ đã đưa ra ý kiến phúc đáp khẳng định: “Việc này đồng chí Đinh (tức Hồ Chí Minh3) đã nhiều lần đề xuất. Đồng ý cho các đồng chí ấy tới Quảng Tây lập trường học, dạy học bằng tiếng Việt, Trung Quốc sẽ giúp đỡ. Kinh phí do phía Trung Quốc giải quyết''4.

Đây chính là một minh chứng cho thấy chủ trương, đường lối của Hồ Chí Minh, đã căn cứ theo tình hình và nhiệm vụ của Việt Nam lúc bấy giờ, tận dụng những điều kiện có lợi của các nước anh em để đưa thanh thiếu niên ra nước ngoài đào tạo bồi dưỡng.

Sau khi chuyển các trường học của Việt Nam sang Trung Quốc, Hồ Chí Minh cũng cân nhắc lựa chọn địa điểm của trường. Trong tháng 5-1951, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã cử đồng chí Hoàng Vỹ Nam, trợ lý Phó Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thầy giáo Nguyễn Văn Triển đến Quảng Tây, mang bức thư viết tay của Hồ Chí Minh gửi cho đồng chí Trương Vân Dật - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Tây, đồng chí Lý Thiên Hữu - Tư lệnh viên Quân khu Quảng Tây. Trong thư, Hồ Chí Minh viết: hy vọng trường học của Việt Nam sẽ được chọn ở “những vùng nông thôn hoặc ngoại thành không quá xa Việt Nam, giao thông đi lại thuận tiện”. Để tiện “có núi để kiếm củi, có sông để tắm giặt, đất để trồng rau”5. Tất cả yêu cầu về địa điểm xây dựng trường học của Hồ Chí Minh thể hiện đường lối, chủ trương nhất quán của Người, học sinh sinh viên không được xa rời thực tiễn và xa rời lao động sản xuất. Lúc này, Tỉnh ủy Quảng Tây thận trọng nghiên cứu yêu cầu của Hồ Chí Minh, và cử ra một số đồng chí chiến sĩ giải phóng quân, nhân dân hộ tống các đồng chí Việt Nam đến huyện Ninh Minh, Long Châu, khu vực bên trái sông cách biên giới không xa để chọn địa điểm. Tuy nhiên, do lúc này vùng biên giới Quảng Tây vừa mới được giải phóng chưa lâu, một số nơi vẫn có bọn thổ phỉ hoành hành, trật tự trị an xã hội chưa tốt. Vì sự an toàn của trường học, cuối cùng Tỉnh ủy Quảng Tây quyết định chọn địa điểm xã Tâm Hư, ngoại thành thành phố Nam Ninh làm nơi mở trường học.

Từ tháng 10-1951 đến cuối năm đó, Trường Khoa học cơ bản Việt Nam, Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Nam, trường Sư phạm Việt Bắc lần lượt được rời đến Nam Ninh. Tiếp theo, thành lập trường sơ cấp sư phạm và trung cấp sư phạm, trường Hoa văn và trường phổ thông. Trường trung cấp Sư phạm không lâu sau phân thành Trường trung cấp Sư phạm khoa học tự nhiên và Trường trung cấp Sư phạm khoa học xã hội. Việt Nam quy tụ những trường này thành ''khu học xá Trung ương'', bổ nhiệm đồng chí Võ Thuần Nho làm người đứng đầu trong ban giám hiệu nhà trường. Phía Trung Quốc gọi trường học của Việt Nam là Trường bồi dưỡng đào tạo tài năng Nam Ninh Quảng Tây. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng trường đào tạo này, rất quan tâm đến đời sống sinh hoạt và học tập của các em thanh thiếu niên, nhi đồng Việt Nam. Người tự đề ra khẩu hiệu ''Đoàn kết, học tập, tiến bộ, phục vụ''. Khẩu hiệu 8 chữ này còn được viết trên lôgô của trường. ''Đoàn kết, học tập, tiến bộ, phục vụ'' đã phản ánh được tôn chỉ dạy và học của Trường bồi dưỡng đào tạo tài năng Nam Ninh tức Khu học xá trung ương, thể hiện được yêu cầu của Hồ Chí Minh đối với việc giảng dạy và học tập của thầy và trò trong trường.

Theo kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nhân tài thanh thiếu niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được sự đồng ý của Chính phủ Trung Quốc, những năm 50 của thế kỷ XX, còn có thêm 2 trường học của Việt Nam được dời sang Quế Lâm Quảng Tây Trung Quốc.

Trong kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam, khu giải phóng Việt Bắc đã từng có một trường quân sự thiếu niên Việt Nam. Một bộ phận học sinh của trường này là những chiến sĩ chống Pháp nhỏ tuổi, giống như các thế hệ cha anh, họ tham gia đấu tranh chống lại thực dân Pháp, đảm nhận công việc trinh sát, tuyên truyền, liên lạc thông tin cho một số đơn vị chiến đấu, một bộ phận là con em cán bộ quân đội. Chủ tịch Hồ Minh rất quan tâm đến sự trưởng thành của các em, sau khi liên hệ với Đảng và Chính phủ Trung Quốc, đã chuyển trường học này sang Quảng Tây. Tháng 10-1951, hơn 700 học sinh của trường này được cử sang Tâm Hư, Nam Ninh, Quảng Tây. Vì Khu học xá Tâm Hư tương đối chật chội, trường được chuyển đến Giả Sơn, Quế Lâm, tận dụng địa điểm một trường học cũ ở đây. Ở Trung Quốc trường này là chi nhánh trường Quế Lâm thuộc Trường Đào tạo, bồi dưỡng tài năng Nam Ninh, còn gọi là Trường Đào tạo, bồi dưỡng tài năng Quế Lâm. Ban đầu, trường học này còn duy trì rất nhiều cách dạy học của trường quân đội, học sinh được chia thành các đơn vị như liên đội, đều mặc đồng phục quân nhân, hoạt động theo mô thức ''ba kết hợp'' học tập, quân sự và lao động, học sinh trong trường đều thấy thích với cách làm này vì đã quen dần với mọi sinh hoạt trong quân đội. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng nhận thức được rằng, muốn để các em học sinh được học nhiều kiến thức toàn diện hơn, cần phải để các em được giáo dục cơ bản một cách toàn diện, do đó, liền thay đổi trường này trở thành một trường học bình thường như mọi trường học khác. Giữa năm 1952, Chính phủ quyết định đổi tên Trường Thiếu sinh quân của Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng thành Trường Thiếu nhi Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục để tiếp cận với nền giáo dục phổ thông. Lúc đó, Việt Nam trực tiếp thực hiện công tác giáo dục, đồng chí Dương Xuân Nghiên, lúc đó là Trưởng phòng Giáo dục tỉnh Thái Nguyên, trong Hồi ký của mình đã từng viết: ''Theo hướng dẫn chỉ đạo của Bác Hồ về công tác đào tạo bồi dưỡng thanh thiếu niên, không được bó buộc các em vào một nghề nghiệp nào đó dù cho nghề ấy là nghề tốt nhất. Phải giáo dục các em phát triển một cách toàn diện, phải hài hòa giữa các mặt phải để các em được giáo dục kiến thức cơ bản và lấy kiến thức cơ bản này làm nền tảng cho giáo dục toàn diện trước mắt và tương lai''6. Đầu năm 1954, cùng với việc trường đào tạo bồi dưỡng nhân tài Nam Ninh được chuyển đến địa chỉ mới, trường này cũng được chuyển đến Nam Ninh, trở thành một trường phổ thông trong ''Khu học xá Trung ương'', các em học sinh được tiếp thu nền giáo dục phổ thông chính quy và toàn diện. Trường Thiếu sinh quân Việt Nam từ khi thành lập, chuyển địa điểm, đến khi đổi tên, thay đổi cách dạy học đã thể hiện được sự coi trọng của Hồ Chí Minh đối với công tác đào tạo bồi dưỡng thanh thiếu niên Việt Nam, thể hiện được chủ trương giáo dục với tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh.

Tháng 5-1953, để quán triệt hơn nữa đường lối chiến lược về đào tạo tài năng thanh thiếu niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lại bắt đầu chuẩn bị xây dựng một trường thanh thiếu niên nhi đồng Việt Nam khác, và quyết định giao cho Bộ Giáo dục quản lý, trường này trở thành trường trực thuộc Bộ Giáo dục. Học sinh của trường đều được lựa chọn từ những con em của các gia đình cách mạng và các gia đình công nhân, nông dân. Trong đó, có không ít em là  con em của các cán bộ và lãnh đạo Ủy ban Trung ương, các bộ và lãnh đạo các địa phương, hoặc con em của cán bộ lãnh đạo quân đội. Lúc này, cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam bước vào giai đoạn nước sôi lửa bỏng. Để các em có thể yên tân học tập, sau khi Hồ Chí Minh bàn bạc với Đảng và Nhà nước Trung Quốc, trường này được chuyển đến Lộc Sơn – khu danh thắng nổi tiếng ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Đồng chí Nguyễn Thị Phương Hoa, người được Bộ Giáo dục Việt Nam bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường trong bài viết của mình đã nói về sự coi trọng trường học này của Hồ Chí Minh như sau: ''Tháng 5-1953, tôi đã được gặp đồng chí Hoàng Tùng tại Tân Trào tỉnh Tuyên Quang, đồng chí đã truyền đạt không ít chỉ thị của Bác. Tôi còn nhớ như in câu nói: Cán bộ và nhân dân phải tin tưởng vào Đảng, tin tưởng vào Chính phủ, tin tưởng vào Bác mới để con em mình xa gia đình đi học. Phải hết sức bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe cho các cháu. Trên đường đi biên giới, phải trèo đèo lội suối, phải đối mặt với hòn tên, mũi đạn của quân thù, các đồng chí phải hết sức cẩn thận. Nếu chẳng may có chuyện gì, tôi biết ăn nói thế nào với cán bộ và nhân dân. Lời dặn dò ấy của Bác Hồ đã cho thấy sự nghiệp đào tạo cán bộ thế hệ sau có ý nghĩa chiến lược quan trọng như thế nào, đồng thời cũng thể hiện rõ tấm lòng yêu trẻ bao la của Bác Hồ''7. Tháng 7-1953, Bộ Giáo dục Việt Nam chính thức ra quyết định xây dựng trường, chính thức bổ nhiệm Ban giám hiệu trường. Ngày 25 tháng 8-1953, khoảng l.000 học sinh và toàn bộ giáo viên của trường đã chuyển đến Lộc Sơn tỉnh Giang Tây Trung Quốc, trường thiếu niên nhi đồng Lộc Sơn chính thức được thành lập. Tuy nhiên, mùa đông Lộc Sơn rất lạnh, các em Việt Nam không quen với điều đó. Sau khi học ở Lộc Sơn nửa năm, tháng 4-1954 trường chuyển đến Giả Sơn, Quế Lâm, tại địa điểm cũ của Trường Thiếu sinh quân Việt Nam (lúc đó đã chuyển đến Nam Ninh). Tháng 10-1957, trường được chuyển về Việt Nam. Bởi đầu tiên địa điểm trường ở Lộc Sơn, sau đó ở Quế Lâm, nên phía Việt Nam quen gọi là Trường Thiếu niên nhi đồng Lộc Sơn - Quế Lâm. Phía Trung Quốc quen gọi là Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Lộc Sơn, Giang Tây khi địa điểm trường ở Giang Tây, khi trường được chuyển đến Quê Lâm thì gọi là Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế Lâm, Quảng Tây. Sự thành lập và hoạt động của Trường thiếu niên nhi đồng Lộc Sơn - Quế Lâm chính là thực tiễn đường lối chiến lược của Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn các em thanh thiếu niên đưa sang nước anh em để học tập và bồi dưỡng.

3. Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế Lâm, Nam Ninh Quảng Tây là ngôi trường được thành lập trên mảnh đất Trung Quốc, do phía Việt Nam lãnh đạo, quản lý và tổ chức. Trường là một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh, bao gồm trường cao đẳng khoa học cơ bản, Trường Sư phạm sơ cấp, trung và cao cấp, Trường phổ thông (trung học, tiểu học và mẫu giáo). Từ tháng 10-1951 khi trường được thành lập đến tháng 6-1958 khi trường được chuyển về Việt Nam, đã tiếp nhận gần 7.000 thanh thiếu niên Việt Nam đến học tập. Dưới sự quan tâm củaChủ tịch Hồ Chí Minh, trường đã hình thành được hạt nhân lãnh đạo có sức mạnh, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, tổ chức dạy và học theo phương châm để học sinh được phát triển một cách toàn diện về tư tưởng chính trị, kiến thức chuyên ngành và tâm sinh lý. Vì vậy, chỉ trong vòng 7 năm đã bồi dưỡng đào tạo cho Việt Nam một số lượng lớn nhân tài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Giám hiệu Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế Lân, Nam Ninh rất có năng lực, được sự quan tâm của Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã cử một đoàn cán bộ giỏi đến trường đảm nhận công tác lãnh đạo. Các đồng chí Võ Thuần Nho, Đặng Minh Chứ, Dương Xuân Nghiên đều đã từng đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Nam Ninh, các đồng chí đều trung thành với sự nghiệp giáo dục của Đảng, là những nhà giáo dục giàu kinh nghiệm và là những cán bộ lãnh đạo về phương diện văn hóa giáo dục. Đồng chí Đặng Văn Giáp, người chịu trách nhiệm chính của Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế Lâm, chính là chiến hữu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một nhà cách mạng lão thành đáng kính. Từ những năm 20 của thế kỷ trước, ông đã theo Hồ Chí Minh tham gia các phong trào hoạt động cách mạng, có một thời gian dài công tác bên Hồ Chí Minh, chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có đường lối, chủ trương về đào tạo bồi dưỡng tài năng thanh thiếu niên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí đến Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế tâm, điều đó thể hiện Người rất coi trọng ngôi trường này. Đồng chí cán bộ lão thành Đặng Văn Giáp tận tâm tận tụy hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó, trở thành tấm gương sáng cho toàn thể ban giám hiệu và học sinh giáo viên trong trường noi theo. Ban Giám hiệu nhà trường có nòng cốt là những cán bộ giỏi như vậy chính là sự đảm bảo chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ giáo viên của Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế Lâm, Nam Ninh là một đội ngũ giáo viên giỏi. Họ ghi nhớ như tạc lời của Hồ Chí Minh: “Đào tạo tài năng và cán bộ giáo dục cho dân tộc và đất nước là nhiệm vụ trọng đại và vẻ vang của người giáo viên”, “người giáo viên phải yêu nghề”, “coi học sinh như con em mình”, và lấy những lời chỉ bảo của Người soi sáng trong cả quá trình thực tiễn dạy học của mình. Họ yêu nghề và trung thành với sự nghiệp giáo dục của Đảng, gian khổ học tập, nỗ lực nâng cao kiến thức của bản thân, trau dồi nghiệp vụ, không ngừng học tập những kinh nghiệm quý báu của Trung Quốc và Liên Xô, lúc đó tất cả giáo viên trong trường đều nỗ lực học tiếng Trung và tiếng Nga. Họ chăm chỉ biên soạn giáo trình, cẩn thận viết giáo án, tự tay làm giáo cụ giảng dạy. Áp dụng phương pháp truyền thụ trên lớp và phụ đạo ngoài giờ cho học sinh giúp các em củng cố kiến thức đã học. Họ quan tâm sát sao đến học sinh, đối xử với họ như với người thân, anh chị, như với con em mình. Họ cảm hóa học sinh bằng tấm lòng yêu Tổ quốc, nỗ lực làm việc và sự đoàn kết tương trợ nhau, khiến cho học sinh cảm nhận được sự ấm áp trong ngôi trường giống như một đại gia đình, từ đó càng nỗ lực học tập.

Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế Lâm, Nam Ninh quán triệt tư tưởng ''phải giáo dục học sinh phát triển một cách toàn diện'', kết hợp đức, trí, thể, mỹ, để giúp cho tất cả các mặt tư tưởng chính trị, kiến thức nghiệp vụ và tâm sinh lý của học sinh được nâng cao và phát triển một cách toàn diện.

Trường đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế Lâm Nam Ninh rất coi trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho học sinh. Hiệu trưởng Võ Thuần Nho khi bàn về vấn đề “đức dục” trong trường học đã nói: “Tất cả các nhân viên trong Khu học xá Trung ương, đặc biệt người làm công tác giảng dạy, cán bộ, đảng viên đều nhận thức một cách rõ ràng rằng, mỗi một học sinh cần phải tiếp thu chủ nghĩa yêu nước, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp độc lập của Tổ quốc, quên mình vì dân, căm thù quân giặc, yêu đồng chí đồng đội, phản đối chủ nghĩa cá nhân đồng thời với việc tiếp thu kiến thức khoa học. Các thầy cô giáo cần phải truyền thụ những phẩm chất tốt đẹp cho thế hệ con em của nhân dân lao động qua chính công tác giảng dạy của mình”8. Vì thế, Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng đã tiến hành giáo dục tư tưởng cho học sinh bằng rất nhiều cách khác nhau. Ví dụ, giờ học chính trị kết hợp với giờ học trên lớp, qua các sinh hoạt lớp kết hợp với các buổi sinh hoạt Đoàn, Đội thiếu niên tiền phong, bằng cách đọc báo, nghe đài, viết nhật ký, viết báo tường, tổ chức các buổi báo cáo, các phong trào thi đua học tập, tham quan bằng nhiều cách như vậy, công tác giáo dục tư tưởng chính trị vô cùng phong phú đa dạng sẽ hun đúc cho các em học sinh trong Trường những phẩm chất cao đẹp, ý chí tiến thủ và tinh thần phát triển lành mạnh.

Tại Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế Lâm, Nam Ninh, học tập luôn được xếp vị trí hàng đầu. Ban Giám hiệu nhà trường hết sức coi trọng việc học tập kiến thức chuyên ngành của học sinh, nghiêm túc tuân thủ quy trình dạy học để tổ chức hoạt động dạy học, yêu cầu giáo viên phải tìm mọi cách nâng cao chất lượng của học sinh, sao cho các em học sinh trong quá trình học tập tại trường tiếp thu được nhiều kiến thức khoa học để phục vụ cho Tổ quốc, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm cho quá trình hình thành chế độ giáo dục mới và xây dựng tổ chức hệ thống giáo dục trong nước. Mặt khác, trường cũng coi trọng việc thông qua các hoạt động văn thể mỹ đa dạng, giúp cho học sinh được luyện tập thể dục thể thao, phát triển lành mạnh, có một tinh thần và sức khỏe tốt nhất, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập về báo công cho Tổ quốc và nhân dân. Vì vậy, các tổ văn thể mỹ do giáo viên văn thể mỹ của hai nước Việt - Trung đảm nhận đã được lập nên nhằm tổ chức và hướng dẫn các hoạt động văn thể mỹ của học sinh trong và ngoài giờ học. Về thể dục thể thao, triển khai có tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao như đá bóng, bơi lội, huấn luyện quân sự, dã ngoại v.v., đồng thời tổ chức các cuộc thi giữa các lớp hoặc các trường với nhau. Về văn hóa văn nghệ, học hát, học khiêu vũ, học nhảy dân tộc, tổ chức các hội thi hát, thành lập các ban nhạc, đội văn công, đoàn văn công, tổ chức các chương trình diễn tập, sáng tác các ca khúc, sáng tác kịch bản, tổ chức và tham gia các hoạt động văn nghệ trong và ngoài trường. Đoàn văn công của Trường đào tạo bồi dưỡng tài năng còn tham gia hội diễn văn nghệ toàn quốc tổ chức ở Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1955. Với độ tuổi nhỏ nhất, qua những tiết mục đặc sắc nhất, các em đã thu hút những ánh mắt tán thưởng của tất cả những người làm công và văn nghệ chuyên nghiệp, vì thế đoàn văn công của các em được mời đi biểu diễn ở hơn 20 điểm diễn tại Hà Nội. Điều khiến cho các diễn viên nhí của trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng rất đỗi tự hào là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp đón các em và chụp ảnh lưu niệm. Hồ Chủ tịch còn bố trí để các em đến Phủ Chủ tịch biểu diễn cho lãnh đạo Trung ương xem và bố trí một buổi biểu diễn khác cho các cán bộ quân đội xem. Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng phấn khởi, khen ngợi những tiết mục biểu diễn của đoàn văn công của trường, đồng thời khẳng định trường đào tạo bồi dưỡng tài năng đã đạt được thành tích trong việc quán triệt phương châm giáo dục sao cho học sinh được phát triển một cách toàn diện.

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến công tác của Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế Lâm, Nam Ninh, Quảng Tây và quan tâm đến các em nhi đồng, thanh thiếu niên Việt Nam học tập ở đây. Người đã từng đích thân đến quan sát Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Nam Ninh, có bài phát biểu quan trọng trước các thầy cô giáo của trường, từng viết thư tay gửi lời hỏi thăm và khích lệ các em học sinh học tập tại Trường đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế Lâm.

Ngày 24-12-1957, trong hành trình đến thăm các nước xã hội chủ nghĩa, trên đường về khi đi qua Nam Ninh, Người đã tranh thủ thời gian đến thăm toàn thể giáo viên học sinh của Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng (nay là khu phía tây của Trường Đại học Quảng Tây). Trong hội trường, Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu vô cùng thân thiết với thầy trò toàn trường. Người nói: ''Tôi thay mặt Đảng, Chính phủ và những người làm cha mẹ của các em học sinh đến thăm trường. Xin cảm ơn Đảng, Chính phủ, cán bộ và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ, dạy dỗ các em. Tôi vẫn thường xuyên quan tâm, tìm hiểu tình hình học tập, giáo dục và sinh hoạt của các em. Tôi biết tất cả các em học sinh đều học tập miệt mài, đoàn kết thân ái, có rất nhiều tiến bộ. Nhưng không phải mặt nào cũng đều tốt cả. Các em có nhiều mặt tốt, nhưng cũng còn có mặt hạn chế và khuyết điểm. Hồ Chí Minh đưa ra một số khuyết điểm còn tồn tại trong một bộ phận học sinh được giáo viên phản ánh, ví dụ như tính kiêu ngạo, vô kỷ luật, không giữ gìn vệ sinh, không biết giữ gìn tài sản chung, không lễ phép... Khi chúng ta nói đến những mặt mạnh, thì cũng cần nêu ra những mặt hạn chế để mặc tốt càng tốt hơn, mặt hạn chế càng ít đi''. Hồ Chí Minh chân tình nói với các em học sinh: “Ai cho chúng ta cơ hội học tập? Đó là Đảng, Chính phủ và nhân dân ta. Các em có biết chúng ta phải chi bao nhiêu tiền học phí cho mỗi em học sinh học ở đây không? Tiền cho mỗi học sinh đầy đủ để chi tiêu cho 5 em học sinh trong nước. Vì vậy, các em không nên cho rằng sự tiến bộ của mình là việc của mỗi cá nhân, để vì thế mà tự cao tự đại. Kiêu ngạo tự cao khó có thể tiến bộ được”. Người còn nói: “Thời gian học ở đây của các cháu ít nhất là hơn một năm. Mỗi một học sinh và giáo viên đều cần phải học tập kinh nghiệm và văn hóa của nước bạn, học càng nhiều càng tốt”. Hồ Chí Minh cũng đề cập đến một số phương diện mà các em học sinh cần tăng cường học tập: Tôn trọng lao động và người lao động, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, học tập phẩm chất khiêm tốn, đề cao tính cần kiệm, nâng cao ý thức vì số đông. Thế nào là ý thức vì số đông? Hồ Chí Minh nói: Miền Bắc Việt Nam có bao nhiêu người? 13 triệu người. Trung Quốc có hơn 600 triệu người. Ý thức vì số đông tức là bất kể làm việc gì cũng đều nghĩ đến tất cả mọi người, ta làm việc này có ích cho 13 triệu dân hay chỉ có ích cho mình ta? Lợi ích cá nhân nhất định phải phục vụ lợi ích của đất nước. Không thể làm những việc chỉ có lợi cho bản thân mà không có lợi cho nhân dân.  Đôi khi chúng ta phải hy sinh lợi ích của cá nhân vì lợi ích của toàn dân. Những lời nói thẳng thắn mà sâu sắc của Bác đã khiến thầy trò trong Trường ai nấy đều cảm động. Mấy chục năm sau, đồng chí Nguyễn Mộng Sinh, vốn là học sinh của Trường đào tạo bồi dưỡng tài năng, căn cứ theo bản đánh máy lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông còn lưu giữ, đã viết một bài văn có tiêu đề là “Một ngày đặc biệt”, trong đó có dẫn những lời nói của Bác tại Trường năm đó. Trong đoạn cuối bài viết của mình, ông nói: “Lời phát biểu của Bác khi nghe thấy rất mộc mạc đơn giản, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Người đã dạy cho chúng tôi rất nhiều đạo lý làm người. Sau khi tạm biệt Bác, trong chúng tôi mỗi người đều cảm thấy vô cùng cảm kích và xúc động”9.

Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế Lâm. Người thường tìm hiểu tình hình của Trường qua lãnh đạo và giáo viên của trường họ trở về nước công tác. Người cũng muốn đích thân đến tham quan Trường, nhưng lại không thu xếp được thời gian. Năm 1957, một lần Hồ Chí Minh đã đáp tàu hỏa từ Nam Ninh đến Bắc Kinh, khi qua Quế Lâm, Hồ Chí Minh chợt nhớ đến các em học sinh đang học tập trong Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng, vì không thể xuống tàu đến thăm Trường, nên đã ngồi trên tàu viết một bức thư gửi l.000 em học sinh đang học tập tại Trường, rồi gửi điện báo. Trong thư có đoạn viết: ''Bác hy vọng các cháu sẽ là những cháu bé ngoan. Bác yêu các cháu. Bác gửi tới các cháu 1000 cái hôn''10. Lời nói chứa chan tình yêu thương của Bác đã sưởi ấm tâm hồn của các em nhỏ. Cho tới nay, sau hàng chục năm, những người học sinh ấy khi nhớ về sự quan tâm về tình yêu thương mà Bác Hồ đã dành cho họ lúc đó, đều thấy rung rung cảm động.

5. Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Quế Lâm và Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng Nam Ninh từ khi được thành lập năm 1951, cho đến khi được chuyển về Việt Nam năm 1958, đã tiếp nhận khoảng 7.000 các em nhi đồng và thanh thiếu niên đến học tập. Trải qua quá trình học tập tại Trung Quốc, họ trở về phục vụ Tổ quốc, hoặc đi học chuyên sâu hơn ở các trường khác, sau này đều trưởng thành, và có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những thành tích mà trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng đã đạt được, và cũng khẳng định sự đóng góp của đội ngũ giáo viên của Trường, đặc biệt là những giáo viên người Trung Quốc.

Tháng 8-1958, vào ngày Quốc khánh của Việt Nam, để bày tỏ sự cảm ơn đối với những giáo viên người Trung Quốc đã từng giảng dạy trong các Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng, đồng thời để bày tỏ lòng biết ơn đối với các y bác sĩ Bệnh viện 303 Nam Ninh nhiều năm liền đã tận tình cứu chữa thương bệnh binh Việt Nam, theo Chỉ thị của Bác, Bộ Giáo dục Việt Nam, Bộ Y tế đã mời 12 đồng chí từng công tác tại Trường đào tạo bồi dưỡng tài năng và Bệnh viện 303 Nam Ninh đến thăm Việt Nam. Từ ngày 19-8 đến 5-9 đoàn đại biểu đã có những ngày du lịch ở Hà Nội, Hạ Long, Hòn Gai... Trong thời gian này, thành viên đoàn đại biểu cũng có buổi gặp mặt thân mật với lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đại điện của giáo viên và học sinh đã từng công tác và học tập tại Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng. Mọi thành viên trong đoàn đều vui vẻ tham gia buổi lễ mừng ngày Quốc khánh. Ngày 4-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thân mật và chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu tại Phủ chủ tịch. Trong buổi tọa đàm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những đóng góp không nhỏ của trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng trong việc đào tạo bồi dưỡng các em thanh thiếu niên nhi đồng Việt Nam, đồng thời gửi lời thăm hỏi và cảm ơn sâu sắc tới toàn thể giáo viên Trung Quốc. Ngày 20-5-1960, trong khoảng thời gian Chủ tịch chúc mừng sinh nhật lần thứ 70 tại Nam Ninh, Người đã gặp gỡ bà Lưu Hiểu Minh, nguyên giáo viên Trung văn Trường Đào tạo bồi dưỡng tài năng, đồng thời mời bà dự bữa cơm thân mật và chụp ảnh lưu niệm. Trong buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ, nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên những người thầy Trung Quốc, những người đã vì thanh thiếu niên nhi đồng Việt Nam mà giảng dạy không biết mệt mỏi. Tháng 6-1963, Chính Phủ Việt Nam đã trao tặng bằng khen và huân chương cho các đồng chí của nước bạn anh em, những người có đóng góp to lớn cho sự khôi phục và xây dựng kinh tế, văn hoá Việt Nam. Một số giáo viên của trường đào tạo bồi dưỡng tài năng Quảng Tây, Trung Quốc cũng được nhận Huân chương Lao động hạng ba và bằng khen do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng...

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng tài năng thanh thiếu niên, Người đã đưa hàng loạt thanh thiếu niên Việt Nam sang Trung Quốc đào tạo bồi dưỡng, việc làm đó sẽ mãi mãi được ghi vào sử sách của nền giáo dục hiện đại của Việt Nam và trong những trang sử của mối quan hệ hữu nghị Việt - Trung.

__________

1. Tên của 8 em học sinh Việt Nam từ 8 đến 15 tuổi này là “Trung, Thông, Đức, Thuận, Chất, Chừ, Minh, Đinh”, Tham khảo Hoàng Nam (Việt Nam): Tình cách mạng sâu đậm giữa nhân dân nuớc Việt Trung - hồi ức về những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Trung Quốc(bản thảo viết tay).

2. Hoàng Quảng Uyên (Việt Nam): “72 chú chim đại bàng”, tham khảo trong Hồ Chí Minh và Tĩnh Tây do  Phòng Lịch sử Đảng huyện Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc biên soạn.

3. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, khi Hồ Chí Minh liên lạc với các đồng chí Trung Quốc, thường sử dụng bí danh là Đinh. Tham khảo Trần Canh: Nhật ký Trần Canh, Nxb. Giải phóng quân, 1984.

 4. “Hướng dẫn của Lưu Thiếu Kỳ về việc Việt Nam đưa các em thanh thiếu niên sang Quế Lâm học tập”, Tài liệu của Phòng lưu trữ Quảng Tây Trung Quốc.

5. Báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Tây về việc 2000 học sinh Việt Nam sang Quảng Tây học tập, Tài liệu của Phong lưu trữ Quảng Tây, Trung Quốc.

6. Dương Xuân Nghiên: Trường phổ thông của học xá Trung ương, trích Hồi ức và Nghiên cứu, Ủy ban liên lạc học xá Trung ương Việt Nam biên soạn và in ấn.

7. Phạm Quốc Anh: Phát huy truyền thống của Trường Thiếu niên Nhi Đồng Quế Lâm - Lộc Sơn, trích tập văn kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Thiếu niên nhi đồng Quế Lâm - Lộc Sơn.

8. Võ Thuần Nho: Hồi ức về Khu học xá Trung ương, trích Hồi ức và nghiên cứu, Ủy ban Liên lạc học xá Trung ương Việt Nam biên soạn và in ấn năm 1991.

9. Nguyễn Mộng Sinh: Một ngày đặc biệt, tham khảo Tuyển tập 55 năm Kỷ niệm ngày thành lập Khu xá Trung ương

10. Xem Tuyển tập 55 năm kỷ niệm ngày thành lập Khu học xá Trung ương.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website