“Tiếng sấm mùa xuân”: Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác và nghệ thuật thực tiễn

TS. John Callow

Giám đốc thư viện Mác (Vương quốc Anh)  

Công viên Luân Đôn, khi đêm mùa Thu đang dần ngắn lại, con chim phượng nghiêng mình trước con chim mái trong một vũ điệu chinh phục và trung thành với cô nàng mà nó mê say. Vào một ngày tháng 9-2008, một đám đông trẻ nhỏ được tập hợp lại để xem màn biểu diễn múa rối truyền thống của Việt Nam. Bọn trẻ hoàn toàn bị chinh phục bởi sắc màu rực rỡ của những con chim, bởi vũ điệu của chúng, bởi khói và pháo hoa nổ lách tách trên sân khấu. Nước Việt Nam đã hiện diện ở Luân Đôn.

Trong số khán giả xem buổi biểu diễn đó, không có nhiều người lớn biết rằng người sáng lập ra nước Việt Nam hiện đại đã từng in dấu chân của mình trên những công viên của Luân Đôn một cách thầm lặng, không gây bất cứ sự chú ý nào. Vào mùa Hè năm 1914, khi dân tộc Việt Nam còn chưa được ghi nhận trên bản đồ chính trị thế giới và nền văn hóa Việt Nam còn bị chà đạp và bị hủy hoại ngấm ngầm bởi các lực lượng thực dân đế quốc Pháp, làm sao người ta có thể nghĩ rằng đất nước này sẽ giành được tự do, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội qua tấm gương của một con người sẽ trở nên nổi tiếng thế giới với cái tên Hồ Chí Minh. Thời đó, chỉ là một người nhập cư vô danh, một người rời quê hương đầy thương tích để sống lưu vong, Hồ Chí Minh bị cuốn hút đến trung tâm của một đế chế tầm cỡ thế giới, tìm được công việc quét tuyết và thuê trọ ở một trong những khu phố nghèo nhất Luân Đôn. Song, những thành quả hoạt động của Người và cách Người sử dụng những phát hiện của mình ở chính trung tâm của đế chế đó, lại rất rõ ràng đối với những người Việt Nam hôm nay. Người Việt Nam đã mất gần một thế kỷ để đi từ thời quan lại phong kiến suy tàn, khi tàu chiến của Pháp neo đậu trong Vịnh Bắc Bộ, quân đội và cảnh sát nước ngoài đóng ngay trên phố xá Hà Nội, cho đến chiến tranh cách mạng và chiến tranh giải phóng, xây dựng và thống nhất đất nước và phát triển trong hòa bình của một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, mặc dù phải đương đầu với những đế chế tư bản toàn cầu mới ra đời, tuy khó nắm bắt hơn, song không kém phần nguy hiểm so với những đế chế trước đây, nước Việt Nam đã thanh toán được nạn đói, phát triển một nền công nghiệp chế tạo vững chắc với những công ty đóng tàu vào loại lớn nhất thế giới và còn đưa được công dân của mình lên vũ trụ, khai thác các nguồn tài nguyên quốc gia nhằm đem lại lợi ích cho toàn thể nhân dân lao động Việt Nam.

Quá trình phát triển đó của Việt Nam ở mỗi bước ngoặt đều gắn liền với những tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu như khi còn là một thanh niên, Hồ Chí Minh đã tiến hành cuộc nổi dậy đơn độc của mình trên khắp các con phố ở Pari, Luân Đôn và Niu Yoóc thì sau này, cuộc nổi dậy đó đã sớm lan rộng để tạo nên niềm hy vọng, những ước mơ, nền văn hóa và niềm tự hào của toàn dân tộc Việt Nam. Nếu như ngày nay, Hồ Chí Minh được nhớ đến như là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, vị Chủ tịch của nước Việt Nam, người tổ chức mọi thắng lợi trong chiến tranh cũng như trong hòa bình và là “con người làm hồi sinh cả một dân tộc”, thì những thành tựu đó không phải ngẫu nhiên có được mà phải trải qua quá trình hun đúc và thể nghiệm một học thuyết cách mạng, kiên trì vận dụng học thuyết đó vào thực tiễn. Với tư duy sáng tạo, mạnh dạn và phóng khoáng như chính bản thân chủ nghĩa Mác, Hồ Chí Minh đã đem lại sự cộng hưởng thực sự giữa những trào lưu tư tưởng tiên tiến nhất của phương Tây và những truyền thống bản địa về tính cộng đồng, tinh thần tự cường và lòng trung với đất nước vốn là những dấu ấn thử vàng của lịch sử Việt Nam. Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa di sản của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin, mà Người còn biết tiếp biến tư tưởng tiến bộ của George Washington và Thomas Jefferson, đồng thời tiếp bước những người anh hùng dân tộc của Việt Nam như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám.

Điều đáng ngạc nhiên là, đến nay phương Tây vẫn chưa nhiều người biết đến sự đóng góp của Hồ Chí Minh cho khoa học mácxít. Mặc dù các bài viết của Người được tái bản đều kỳ kể từ cuối thập niên 1960 và sau khi Người qua đời. Nhiều lần tiểu sử của Người đã được xuất bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng chưa có một công trình nghiên cứu lý luận lớn về các bài viết của Người hoặc một tìm tòi cụ thể nhằm xác định vị trí của Người trong các trào lưu chính của học thuyết mácxit. Nhiều nhất, Người cũng chỉ được coi là “một nhà chiến thuật cách mạng tài tình”, một chính khách giàu tính thực tiễn có quan tâm đôi chút đến những vấn đề lý luận và là Người - không giống Mác, Ăngghen, Lênin, Xtalin và Mao Trạch Đông - không hề để lại đằng sau mình một khối lượng đồ sộ những công trình mang tính học thuyết hay khởi xướng một điểm xuất phát riêng biệt về hệ tư tưởng khác hẳn so với tất cả những gì trước đó. Hơn thế, trong các công trình nghiên cứu của phương Tây, ở phương diện lý luận Hồ Chí Minh thường chỉ mới được nhìn nhận như người trực tiếp phát triển chủ nghĩa Mác với tư cách một bộ phận phụ trợ đơn thuần cho chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc và cho các tác phẩm của Mao Trạch Đông. Rõ ràng, cách đánh giá về Hồ Chí Minh như vậy không công bằng, phiến diện, không trung thực. Để đặt Hồ Chí Minh đứng vào vị trí trung tâm của chủ nghĩa Mác châu Á, để phác họa cách tiếp cận riêng của Người đối với vai trò của giai cấp nông dân với tư cách là một giai cấp cách mạng và để nhấn mạnh sự đóng góp của người đối với cả sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng nhân loại, cần phải hiểu rõ những hạn chế bó buộc chủ nghĩa Mác và việc truyền bá nó sang phương Đông trong suốt thời tuổi trẻ của Hồ Chí Minh và người đã có đầy đủ năng lực như thế nào để làm cho những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội - đoàn kết, bác ái, bình đẳng và dân tộc tự quyết - trở nên phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam, đồng thời nắm bắt được thời cơ cách mạng "ngàn năm có một'' để giải phóng dân tộc, Tổ quốc mình.

Chính quyền thực dân Pháp đặt ra biết bao cấm đoán nhằm ngăn trở việc học hành ở Việt Nam. Chế độ Nho học truyền thống bị hạ thấp, và được thay thế bằng một chương trình giảng dạy vừa cứng nhắc, vừa hạn chế do chính quyền đó tự nghĩ ra. Hơn nữa luật kiểm duyệt khắt khe khiến cho việc thảo luận về lịch sử và về văn hóa Việt Nam - chừng nói đến những tác phẩm về chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa Mác đều bị bóp méo hoặc bị loại hoàn toàn ra khỏi đời sống tinh thần của dân tộc. Luôn sẵn sàng học hỏi, luôn cởi mở đón nhận những tư tưởng mới và tỉnh táo quan sát thế giới xung quanh, Hồ Chí Minh khi đó cảm thấy sự thôi thúc phải ra nước ngoài đề có thể hiểu rõ hơn bản chất những xiềng xích đang trói buộc dân tộc mình, và các dân tộc thuộc địa khác với các nước đế quốc. Người không ngừng tự học hỏi, tiếp thu những kỹ năng và kinh nghiệm mới trong suốt những cuộc hành trình của mình qua các nước châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ - những điều có thể giúp ích cho người khi trở về Tổ quốc. Những bài học lịch sử, những câu chuyện làng quê giúp Người hiểu rõ về thất bại của những cuộc khởi nghĩa nông dân khi đối chọi với súng đạn của người châu Âu. Người nhận ra rằng, chỉ có lòng can đảm không thôi là chưa đủ để giải phóng nhân dân mình, để xây dựng một quốc gia độc lập. Chủ nghĩa đế quốc và chế độ tư bản, với tư cách là bệ đỡ cho sự phát triển của nó, cần được nhận thức một cách đầy đủ thì mới có thể đương đầu với chúng một cách hiệu quả, mới có thể vượt qua chúng bằng sự đoàn kết thống nhất giữa nông dân và công nhân - sự đoàn kết được hun đúc qua cuộc đấu tranh và sự theo đuổi những lý tưởng chung.

Tháng 5-1914, Người rời bến cảng Le Havre của Pháp để đến nước Anh sau gần 3 năm làm việc trên một tàu buôn lớn và chuyển liên tục từ các nước đế quốc châu Âu sang các nước thuộc địa ở châu Phi. Trong khoảng 3 năm đó, khi làm nhân viên phục vụ, khi làm thủy thủ, Người đã đặt chân lên đất Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đến vùng bờ biển Bắc Phi, Cônggô và đảo Mađagaxca. Ở thành phố cảng Marseilles, Người đã tận mắt chứng kiến cách thức Nhà nước Pháp được quản lý như thế nào, đã chăm chú theo dõi đoàn tàu chiến Pháp chạy bằng hơi nước xuyên biển Địa Trung Hải và nhận ra cách thức nước Pháp đối xử với các dân tộc thuộc địa. Người quyết định đi đến tận trung tâm nước Anh, quốc gia khi đó được coi là đế chế lớn nhất thế giới, để có thể học tiếng Anh và tận mắt quan sát cách thức nắm giữ và sử dụng quyền lực của đế chế cường quốc này.

Có thể chính trong thời gian ở Luân Đôn, lần đầu tiên Hồ Chí Minh đã đọc các tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen. Các tác phẩm này được Twentieth Century Press - cơ quan xuất bản của Đảng Dân chủ xã hội Anh, đặt trụ sở tại tòa nhà Clerkenwell Green ở Luân Đôn - xuất bản thành những cuốn sách giá rẻ. Ngày nay, tòa nhà này trở thành thư viện Tưởng niệm C.Mác và có một bức chân dung của Hồ Chí Minh được treo hành lang bên ngoài căn phòng nơi V.I.Lênin từng ngồi làm việc vào những năm 1902-1903. Tấm chân dung ấy của Hồ Chí Minh là bằng chứng về mối liên hệ giữa nhà xuất bản và vị khách nổi tiếng của mình. Những cuốn sách nói trên vô cùng hấp dẫn đối với chàng thanh niên Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh viết trên tấm bưu thiếp gửi cho ông Phan Chu Trinh, một người Việt Nam yêu nước khi đó sống ở Pari, nói rằng, mặc dù phải sống xa quê hương và gia đình, như Người không đơn độc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và chế độ tư bản chủ nghĩa. Người ta tự hỏi liệu những người công nhân in mà Hồ Chí Minh từng gặp ở Clerkenwell có nhớ đến vị khách Nga của họ và kể cho Người nghe về V.I.Lênin và những nỗ lực của V.I.Lênin hay không. Như vậy, trong giai đoạn ban đầu ấy, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh và V.I.Lênin có sự liên hệ chặt chẽ với nhau, dù điều này còn ít người biết đến.

Một khía cạnh đáng chú ý trong tính cách Hồ Chí Minh là người không căm thù một cách mù quáng những dân tộc đi vơ vét của cả trên trái đất và đem nghèo đói, khốn cùng và những thứ thuốc ru ngủ đến cho chính nhân dân ông. Hồ Chí Minh nhận ra sự mâu thuẫn sâu sắc trong chính khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” của Nhà nước Pháp, một khẩu hiệu trái ngược hoàn toàn với những hành động của nhà nước ấy đối với nhân dân các nước thuộc địa. Song, châu Âu thời Khai sáng - và nước Pháp nói riêng - đã đem đến cho thế giới lý do để hy vọng vào sự tiến bộ xã hội qua các tác phẩm của Rousseau, Voltaire, Diderot và Montesquieu. Nếu như Hồ Chí Minh tận mắt nhìn thấy cảnh hành hình một người da đen ở các bang miền nam nước Mỹ, khi đó, Người cũng có thể đánh giá được sức mạnh giải phóng của những lời phát biểu của Thomas Jefferson.

Ngay ở phương Tây, người ta cũng tỏ ra ngạc nhiên và lạ lùng khi Hồ Chí Minh lại chọn mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước mình bằng những đoạn trích Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ của chính Tổng thống Jefferson. Tuy nhiên, nếu nhìn lại nền tảng kiến thức của Hồ Chí Minh, triết lý tiến bộ của Người và nhận thức của Người về học thuyết của Mác và học thuyết của V.I.Lênin như là sự kế tục thực sự tư tưởng của thời trước đó, người ta sẽ thấy rằng, việc Hồ Chí Minh đặt nền móng nhà nước của mình trong khuôn khổ được thiết lập bởi một nền cộng hòa cách mạng non trẻ khác, cũng là điều tự nhiên. Hồ Chí Minh nhận rõ rằng đế quốc Pháp là kẻ thù cả của nhân dân Việt Nam và cả của giai cấp công nhân Pháp. Người coi “cách mạng ở các nước đế quốc và cách mạng ở cả thuộc địa giống như hai cánh chim”, cái này bổ sung cho cái kia1. Cảm nhận ban đầu của Người về chủ nghĩa quốc tế đã được củng cố thêm khi Người “tìm thấy” Mác ở Luân Đôn. Khi Người tới thủ đô nước Anh, C.Mác đã mất hơn 30 năm, nhưng nhiều đồng chí và bạn bè của C.Mác vẫn còn sống và họ sẵn sàng chia sẻ với người lữ khách Việt Nam trẻ tuổi kỷ niệm và ý kiến của mình về những tác phẩn của Mác. Quả thực, sau này ở Pari, Người đã kết bạn và giúp đỡ con rể của C.Mác là Charles Longuet. Những tư tưởng từng châm ngòi cho cách mạng châu Âu vẫn còn sức lan truyền rất lớn. Hồ Chí Minh không thể không tìm thấy nguồn cảm hứng từ sức mạnh của phong trào Công đoàn Anh và những tên tuổi sáng lập ra phong trào đó, như Tom Mann, người đã trực tiếp kế tục vai trò lãnh đạo phong trào từ C.Mác. Tuy vậy, các Đảng xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu mà Hồ Chí Minh từng có dịp tiếp xúc trong hành trình bôn ba của Người đã bị chia cắt do Chiến tranh thế giới thứ nhất và các tác phẩm của C.Mác bị những người xét lại như Bécxtanh và Cauxky xuyên tạc và xem thường, hoặc chỉ được in với số lượng hạn chế và bị biên tập theo kiểu cắt gọt thái quá. Vào thời điểm này, C.Mác được nhìn nhận trước hết như một tác giả kinh tế học và là nhà tiên tri của cách mạng, chứ không phải một cây bút chiến, một nhà báo, một nhà triết học hay một nhà hoạt động cách mạng thực tiễn. Trên thực tế, chỉ tới cuối những năm 1930 người ta mới có thể tìm thấy một tuyển tập các bài viết của Mác bằng tiếng Anh và cho đến những năm 1970 mới có nỗ lực toàn diện nhằm xuất bản các tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen ở Anh và ở Mỹ. Bởi vậy, C.Mác hiện lên trong tâm trí của những người mácxít Việt Nam thế hệ thứ hai (như Trường Chinh) rõ nét hơn so với thế hệ thứ nhất (thế hệ của Hồ Chí Minh). Cũng vì vậy, chính tấm gương của V.I.Lênin, người kế thừa vĩ đại nhất những tư tưởng của C.Mác, mới chiếm vị trí chủ đạo trong tâm tưởng Hồ Chí Minh thời trẻ.

Chủ nghĩa xã hội đã mang đến cho Hồ Chí Minh ý tưởng xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng hơn, không còn áp bức và bóc lột của thực dân, đế quốc. Những cuộc tiếp xúc của Người với các Đảng xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, đặc biệt là với những người mácxít Pháp, đã ghi dấu ấn sâu lên nhu cầu thống nhất đất nước, xây dựng khối đồng thuận cách mạng và trên hết là nhu cầu gắn lời nói với việc làm. Cho tới thời điểm đó, những người xã hội chủ nghĩa phương Tây hầu như “bỏ quên” vấn đề thuộc địa và các dân tộc bị nô dịch. Tình trạng biệt lập và cảnh nghèo cố hữu đã trở thành mục tiêu đấu tranh của giai cấp vô sản châu Âu, nhưng hoàn cảnh khốn cùng của các nước thuộc địa và các tầng lớp nông dân lại bị bỏ qua. Tuy nhiên, tình trạng này đã được khắc phục, nhờ nghiên cứu của V.I.Lênin về chủ nghĩa đế quốc. Trong các tác phẩm của mình, lần đầu tiên V.I.Lênin tiến hành phân tích về sự phụ thuộc của các nước công nghiệp vào nguồn lao động và nguyên nhiên liệu thô do các nước thuộc địa cung cấp. Ngay khi lên nắm chính quyền, V.I.Lênin đã lên tiếng công nhận quyền của các dân tộc Á-Phi. Liên Xô đã trở thành cường quốc đầu tiên trên thế giới dành sự quan tâm cụ thể đến việc xóa bỏ tình trạng khốn cùng của các dân tộc thuộc địa. Đây là một thế giới khác xa với những hứa hẹn sáo rỗng mà Hội nghị Vécxây từng đưa ra. Đối với Hồ Chí Minh, việc đọc và nghiên cứu tư tưởng của V.I.Lênin đã có tác động tức thì, như một luồng điện và làm thay đổi cuộc đời của Người.

Lần đầu tiên Hồ Chí Minh bắt gặp Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin vào năm 1920, trên báo L’Humanité của Pháp. 40 năm sau, với tư cách vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh vẫn nhớ nguyên ấn tượng mạnh mẽ mà tác phẩm của V.I.Lê nin đã tác động lên suy nghĩ, tình cảm của Người. Người viết: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Trước kia, trong các cuộc họp chi bộ, tôi chỉ ngồi nghe người ta nói; tôi cảm thấy người nào cũng có lý cả, tôi không phân biệt được ai đúng và ai sai. Nhưng từ đó tôi cũng xông vào những cuộc tranh luận. Tôi tham gia thảo luận sôi nổi. Mặc dù chưa biết đủ tiếng Pháp để nói hết ý nghĩ của mình, tôi vẫn đập mạnh những lời lẽ chống lại Lênin, chống lại Quốc tế thứ ba. Lý lẽ duy nhất của tôi là: Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?''2

Người đã thuộc lòng lời khuyên của V.I.Lênin, rằng “trong khi thích ứng với những điều kiện riêng biệt không tồn tại ở các nước châu Âu, anh phải học cách áp dụng học thuyết này và thực tiễn này vào những điều kiện, nơi giai cấp nông dân là lực lượng quần chúng đông đảo nhất”. Thật bất ngờ, không phải chờ đợi những sự kiện xảy ra không cần chờ đợi sự phát triển hoàn bị của giai cấp tư sản theo kiểu phương Tây và cơ sở công nghiệp vững chắc, người ta hoàn toàn có thể nỗ lực tiến hành một cuộc cách mạng thực sự. Rõ ràng là, nơi trên 90% dân số là nông dân, những điều kiện thực tế và ý thức chính trị của những người lao động nông nghiệp, của những nguời trung nông và tiểu nông phải được quan tâm hàng đầu.

Một điều đáng lưu ý là, Hồ Chí Minh hiểu rõ rằng không gì có thể làm giảm sức mạnh, cũng như không có gì phản mácxít bằng việc biến học thuyết của C.Mác thành giáo điều chết cứng. Chủ nghĩa Mác-Lênin là cách tiếp cận thế giới vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn, là một phương tiện để giải quyết những vấn đề mà trước chưa được giải quyết và để cưỡng chế thông qua sự thay đổi lớn lao về chính trị và xã hội. Việc V.I.Lênin qua đời năm 1924, đúng vào thời điểm Hồ Chí Minh chứng kiến sự chuyển Đảng Cộng sản Liên Xô từ một đảng tiên phong được tôi luyện qua chiến tranh và cách mạng thành một đảng cầm quyền, để lại nhiều vấn đề chưa có lời giải đáp.

Khi đó, Hồ Chí Minh đã trở thành một nhân vật quan trọng trong Quốc tế Cộng sản và tiến hành dịch sang tiếng Việt một số tác phẩm nhưTuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C.Mác và Ph.Ăngghen, Tri thức cơ bản về chủ nghĩa cộng sản của Bukharin và Preobrazhensky, vàLịch sử Đảng Cộng sản (Bônsêvích) Liên Xô của Stalin. Người ta có đi theo những tư tưởng, nhưng không thể áp dụng máy móc những công thức sẵn có từ một môi trường hoặc một nền văn hóa này vào một môi trường hoặc một nền văn hóa khác. Điểm nổi bật trong sự nghiệp của Hồ Chí Minh làm cho Người khác với những nhà lý luận mácxít khác chính là khả năng phát triển tư tưởng của V.I.Lênin lên tầm cao mới, tìm cách thích ứng quan niệm của V.I.Lênin về một chính đảng tiền phong cho phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam, xây dựng một kiểu chủ nghĩa Mác vừa hòa hợp, vừa củng cố thêm nền văn hóa truyền thống Việt Nam và đặt nền móng cho sự ra đời của một nhà nước ổn định và thịnh vượng, có khả năng bảo đảm sự độc lập, phồn vinh và tự do cho nhân dân lao động.

Kết quả là, ngay từ đầu năm 1927trong tác phẩm Đường Cách mệnh, cuốn sách giáo khoa được Hồ Chí Minh soạn ra để đào tạo và bồi dưỡng các cán bộ cách mạng Việt Nam, Người đã nhấn mạnh đến bản chất của cuộc cách mạng tương lai: thứ nhất, đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và thứ hai, là thành quả của cách mạng thế giới nhân danh giai cấp công nhân. Ba năm sau, Người đã cộng tác với vị tướng Xô viết trẻ tuổi, tài danh Mikhall Tukhachevsky và Osip Paitnitsky, Bí thư của Quốc tế Cộng sản, để viết chung một cuốn sách về nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang. Những tác phẩm này đã tạo ra những kết quả thực tiễn mau lẹ khi tập hợp nhiều lực lượng khác nhau để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2-1930, đồng thời tạo thuận lợi cho một quốc gia trong việc tìm kiếm tiếng nói thực sự của mình.

Mặc dù, Hồ Chí Minh chưa bao giờ có điều kiện để nghiên cứu ở một thư viện tiện nghi, đầy đủ tài liệu cần thiết, mặc dù Người phải dành nửa cuộc đời cho hoạt động bí mật, trong lao tù hoặc theo đuổi mục tiêu cách mạng, nhưng những tác phẩm của Người đã trở thành một bộ phận mới và sống động của chủ nghĩa Mác. Hơn ai hết Người hiểu rõ rằng những giá trị gắn kết trước đây của xã hội Việt Nam truyền thống đã bị chủ nghĩa đế quốc phá hoại và Người đến với C.Mác và.V.I.Lênin để tìm câu trả lời và làm cho quốc gia dân tộc một lần nữa được hồi sinh. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi chính điều này khiến cho những người phê bình Hồ Chí Minh tuyên bố rằng Hồ Chí Minh đã đóng góp cho dân tộc mình với tư cách là một người dân tộc chủ nghĩa nhiều hơn là với tư cách một người cộng sản. Vấn đề này đã được Trần Ngọc Danh, một trong những đồng chí của Người, trả lời một cách cô đọng nhất: “Đã bao lần trong đời người ta hỏi tôi: ông biết rõ Hồ Chí Minh, vậy theo ông, Hồ Chí Minh là nguời dân tộc chủ nghĩa hay là người cộng sản? Câu trả lời thật đơn giản: Hồ Chí Minh là cả hai. Đối với Người, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản, mục đích và phương tiện, cái này bổ sung cho cái kia; chính xác hơn, chúng hòa nhập với nhau thành một thể thống nhất”3.

Trong suốt sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã nỗ lực tìm hiểu và bóc trần bản chất ngông cuồng và độc ác của chủ nghĩa đế quốc và hệ thống tư bản chủ nghĩa, vốn là nguyên nhân làm suy kiệt tiềm năng của con người, gây ra nghèo đói, dịch bệnh và chết chóc cho nhiều người, đồng thời dành sự giàu có, xa hoa cho một thiểu số. Hồ Chí Minh đã hành động như vậy, không phải từ quan điểm của một nhà quan sát độc lập hoặc một người mơ màng với đầu óc lãng mạn, mà với tư cách một nhà tư tưởng, một nhà cách mạng bản lĩnh và có đầu óc thực tế, một người thấm nhuần những truyền thống nhân văn nhất của thời đại Khai sáng châu Âu và của nền văn hóa của dân tộc mình, toàn tâm toàn ý và trực tiếp dấn thân vào các cuộc đấu tranh thường nhật, vào phong trào thực tiễn của người nghèo, người bị áp bức nhằm giảm bớt tình cảnh khốn cùng cho họ.

Cho dù nhiều thứ, cả ở Việt Nam và cả trên thế giới, đã thay đổi sau khi Hồ Chí Minh qua đời, với sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và sự tấn công dữ dội của những hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc văn hóa và kinh tế - hiện được diễn tả dưới vỏ bọc toàn cầu hóa - nhưng Nhà nước, Đảng và những thiết chế mà Người sáng lập vẫn có chung bản chất và giống như mối quan hệ  giữa cây và quả. Theo nghĩa này, rất nhiều trong số những niềm tin cho rằng Hồ Chí Minh đã luôn đấu tranh trong suốt cuộc đời mình – sự phản đối của Người đối với chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đói nghèo và áp bức, cả ở trong nước và nước ngoài dường như xa lạ và không thực tế trong kỷ nguyên của những đế quốc châu Âu, thì giờ đây lại thống nhất hoàn toàn trong cấu trúc xã hội chủ đạo. Hơn nữa, không còn khó khăn (như trước đây) khi dự đoán một thế giới mà ở đó nhưng nhu cầu cần thiết yếu về lương thực, nước sạch và nhà ở, cùng với việc cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục an sinh xã hội – trong hoàn cảnh rủi ro hoặc tuổi già - có thể luôn sẵn có cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ. Chúng ta có đủ những phương tiện và kiến thức, tất cả những gì cần có để đạt được những thứ đơn giản này – là sự thống nhất, sức mạnh và niềm tự hào của chúng ta, được sinh ra từ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân quốc tế. Hồ Chí Minh, thấm nhuần những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, đã vạch ra cho chúng ta con đường tiến lên phía trước, và như những lời trong một bài thơ cổ của Việt Nam, Người giống như “Tiếng sấm mùa Xuân”, phá tan đám sương mù cản trở bước tiến của chúng ta cũng như của toàn nhân loại đến tương lai.

_________

Chú thích:

1. Anon: Đại cương lịch sử Đảng Lao động Việt Nam, 1930-1975, Nxb.Ngoại văn, H.1976, tr.10.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.127.

3. Trích trong C. Fearn: Hồ Chí Minh – Giới thiệu tiểu sử, Studio Vista, London, 1973, tr.40.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website