Sự nghiệp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội

Raun Vanđết Vivô

Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Cuba

 Nguyên Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nhicô Lopet trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba

Kính thưa các ủy viên Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đại biểu Việt Nam thuộc mọi dân tộc đoàn kết trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa,

Thưa các bạn quốc tế đến từ nhiều nước.  

Tôi xin cảm ơn Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đầy uy tín đã mời tôi tham dự và phát biểu với những suy ngẫm khiêm tốn của mình tại cuộc Hội thảo quốc tế quan trọng này để kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh quang và bất tử. Đây là lần thứ hai Việt Nam đã dành cho tôi niềm vinh dự hết sức lớn lao và tôi tự thấy mình chưa xứng đáng. Năm 1990, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã được mời đại diện cho Cuba tham dự buổi lễ. Một người bạn tôi từng quen biết tại Đại sứ quán Cuba trong vùng giải phóng miền Nam Việt Nam là đồng chí Nguyễn Văn Linh, hồi đó đang giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã mời tôi phát biểu ý kiến, điều mà tôi không dám mong đợi. Bởi vì lúc đó tất cả các vị đại biểu đều đã tay nắm tay nhau sẵn sàng hát bài Quốc tế ca, bài ca cách mạng của những người lao động và đồng chí Rômét Chanđra (Romesh Chandra), Chủ tịch Phong trào Hòa bình thế giới nhân danh các vị khách mời quốc tế cũng vừa phát biểu xong. Nhưng đồng chí Nguyễn Văn Linh lại bảo rằng cần phải lắng nghe con người từng là phái viên của Cuba trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong thập niên 1965-1974 phát biểu ý kiến. Vì dạo đó tôi còn nói được tiếng Việt, nên tôi đã sử dụng ngôn ngữ này để đối thoại ngắn gọn với bức tượng Bác Hồ. Tôi đã nói với Bác rằng Cuba đã nhìn nhận Người như là người dẫn đường, là biểu tượng và ngọn cờ của Việt Nam anh hùng; rằng vị Tổng tư lệnh Phiđen Caxtơrô Rudơ (Fidel Castro Ruz) và Đại tướng Raun Caxtơrô Rudơ (Raul Castro Ruz), hiện giờ là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng của chúng tôi đã cám ơn nhân dân Việt Nam quang vinh đã đổ máu vì Cuba cũng như vì tất cả các dân tộc yêu chuộng độc lập và tự do và rằng Cuba sẽ luôn luôn đứng bên cạnh Việt Nam. Hôm nay, tôi xin khẳng định lại quyết tâm đó không gì lay chuyển nổi.

Tôi lấy làm tiếc là do thời gian dành cho mỗi bài tham luận có hạn nên đã buộc từng đại biểu chỉ được chọn lấy một trong ba chủ đề chính đã được lựa chọn, dẫu biết rằng đem tách bạch riêng rẽ thân thế với sự nghiệp của Bác Hồ thì chẳng khác nào chỉ được ngắm một cánh hoa trong một bông hoa. Trong dịp kỷ niệm này, tôi xin chọn chủ đề Sự nghiệp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội bởi tính thời sự của đề tài này đối với sự nghiệp của Tổ quốc tôi và của các dân tộc anh em ở Mỹ Latinh và vùng biển Caribê. Tôi xin được tặng lại Học viện Quốc gia đang đào tạo cho Việt Nam những người cán bộ chính trị và nhà nước một cuốn sách tôi viết gần đây nhất, dưới nhan đề:Các dân tộc giải phóng nhìn từ phía Mácti và cách mạng CubaChính cuốn sách này xoay quanh ý tưởng định nghĩa rõ nét nhất tư tưởng và sự nghiệp của Bác Hồ: "KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP, TỰ DO". Đến ngay cả trẻ em Việt Nam cũng như trẻ em Cuba đều biết rằng Hôxê Mácti chính là Hồ Chí Minh của Cuba. Không chỉ vì Người đã hy sinh trong chiến đấu vì độc lập và tự do của Cuba vào đúng ngày 19-5, trùng hợp ngẫu nhiên với ngày Bác Hồ vừa tròn 5 tuổi, mà còn vì Hôxê Mácti là nhà đấu tranh cách mạng đầu tiên trên Trái đất đã tiên đoán rằng những người An Nam, như tên gọi đối với mọi người Việt Nam trong cuộc triển lãm thế giới ở Pari năm 1890 ấy, đã không bao giờ làm bất cứ điều gì tỏ ra họ chịu khuất phục trước bọn chiếm đóng ngoại bang tàn bạo. Trong cuốn sách hết sức khiêm tốn của mình, tôi đã viết ngay trong phần mở đầu những dòng mà tôi xin được trích ra đây:

"Những người cộng sản Việt Nam, từ người này sang người khác, bất chấp vô vàn khó khăn, gian khổ, trong khi mang theo cuộc đời mình những giấc mơ của Bác Hồ, đã biết dựa vào dân tộc Việt Nam anh hùng để giữ vững hướng đi mà Người đã chọn. Điều này đã được thể hiện qua lời phát biểu của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh trong buổi khai mạc Hội nghị toàn thể lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X ngày 5-10-2009 như sau: "Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới và khu vực lâm vào khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, ở nước ta, nhờ sự nỗ lực, phấn đấu rất cao của toàn dân, của các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp  thời và có hiệu lực của Đảng và Chính phủ. Chúng ta đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế, ổn định cơ bản kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và tăng cường các hoạt động đối ngoại...". Đến đây là lời trích trong cuốn sách của riêng tôi.

Để bao hàm đầy đủ nội dung, cần nói thêm rằng tôi cũng cho là nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã có những thành tích trong việc đương đầu với cuộc khủng hoảng nhiều mặt nảy sinh từ nước Mỹ. Và thật bất ngờ, một kết quả đến từ cuộc khủng hoảng đó là việc chính phủ mới của Nhật Bản, nền kinh tế thứ hai của thế giới, đã liên minh với chính nhà nước Trung Quốc và các nước ASEAN. Bởi vì gót chân Asin của Nhật Bản là nước này thiếu dầu lửa, than đá và khí đốt. Cuốn sách của tôi cho rằng đã đến thời điểm các nước trong Liên minh Bôliva của các dân tộc châu Mỹ - viết tắt bằng tiếng Tây Ban Nha là ALBA, nên cung cấp năng lượng cho nhân dân Nhật Bản cần cù để đổi lấy nền công nghệ cao và các nguồn vốn đầu tư của nước này. Hơn nữa, đây sẽ là một đại lộ của hai làn đường, bởi lẽ, trong công nghệ sinh học và các loại vácxin mới, đã có Cuba đi đầu và về nguyên liệu sinh thái thì như chất li ti của Boliva; ALBA có thể ủng hộ quá trình do Đảng Dân chủ Nhật Bản lãnh đạo, một đảng được Yukiô Hatoyama sáng lập, đã thay thế nửa thế kỷ thống trị của Đảng Tự do dân chủ, là đảng của các tập đoàn thống trị thân Mỹ. Cuba còn đóng góp những kinh nghiệm khiêm tốn của mình trong việc chống lại các loại dịch bệnh, vì những người mù và người khuyết tật, hoặc trong các chiến dịch xóa nạn mù chữ và những hình thức thể hiện khác từ nguồn nhân lực của chúng tôi.

Đứng trước ALBA, Tổng Tư lệnh Phiđen Caxtơrô Rudơ đã kêu gọi hãy kháng cự lại đòn phản công của Hoa Kỳ, khởi đầu tại Onđurát (Honduras), trong đó chúng thường sử dụng các tập đoàn thống trị phản dân tộc như trường hợp của Côlômbia, nơi đã đầy ắp các căn cứ quân sự Mỹ, để thực hiện các kế hoạch chiến tranh chống Vênêxuêla, đất nước tăng cường sự chuẩn bị về quân sự nhằm đánh bại bọn xâm lược và phản bội.

Tình đoàn kết giữa các quốc gia trong ALBA được khơi dậy từ trong tình đoàn kết trường tồn giữa các dân tộc ở Đông Dương cùng chia sẻ về địa lý, lịch sử và những khát vọng tiến bộ xã hội. Nhân dân Việt Nam hiểu rằng nhân dân Lào cũng như nhân dân Campuchia đều là những người anh em vĩnh cửu của mình.

Nhờ Cách mạng thắng lợi, Cuba mới được gắn bó với nước Việt Nam, một đất nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục ý thức về vận mệnh lịch sử của mình. Và Người làm điều đó bằng những sự kiện mà tất cả chúng ta ở đây đều đã biết. Xin nêu ra đây một vài sự kiện trong số đó. Lời cam kết của Phiđen rằng vì Việt Nam, những người Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình và khi giải thích thái độ đó, Phiđen đã nói rằng chính Việt Nam là dân tộc đã đồ máu vì tất cả các dân tộc. Câu khẩu hiệu của Écnéttô Chê Ghêvara (Emesto Che Guevara), được viết bằng chính máu của mình, rằng nhiệm vụ chúng ta là hãy tạo ra hai, ba và nhiều Việt Nam hơn nữa..., đã được đưa ra trước đó bằng những lời nói đầy trí tuệ: “Trong khi hôm nay chúng ta nhiệt tình giương cao lá cờ Việt Nam, chúng ta không chỉ làm điều đó vì chủ nghĩa quốc tế vô sản, vì khát vọng công lý mà Cách mạng giáo huấn tất cả chúng ta. Chúng ta làm điều này cũng còn vì mặt trận đấu tranh ở đó là vô cùng quan trọng đối với tương lai của châu Mỹ Latinh”.

Trong số các sự kiện, còn có phong trào đoàn kết với Việt Nam do nữ Anh hùng Môncađa Menba Ecnăngđê (Melba Hemández) tổ chức. Chính trong một cuộc mít tinh do Phong trào tổ chức mà Che đã có những lời phát biểu vừa được nêu và trong Phong trào này đã nổi lên vai trò của nữ nhà văn Mácta Rôhát (Marta Rojas), người đã cùng tôi từng là những phóng viên chiến trường tại vùng giải phóng miền Nam năm 1965. Song vượt lên trên tất cả, sự gắn bó giữa chúng ta có ngọn cờ là chuyến đi của vị Tổng tư lệnh tới chiến trường miền Nam Việt Nam vào năm 1973, đúng vào thời điểm mà mối đe dọa đối với Cuba là nghiêm trọng nhất do cuộc đảo chính phát xít của CIA ở Chilê gây ra. Phiđen nhận được tin dữ này cùng với nữ Thủ tướng Ấn Độ Inđira Găngđi (Indira Gandhi) tại Niu Đêly nhưng đồng chí vẫn quyết định đi Hà Nội vào ngày hôm sau vì tin rằng Việt Nam vẫn tiếp tục là trận địa chính của mặt trận thế giới chống đế quốc Mỹ. Trong số những người Cuba tháp tùng đồng chí lúc ấy, có một vài người khuyên nên trở về Cuba, nhưng Phiđen đã nói với họ hãy tin vào Raun và nhân dân Cuba trong việc kháng cự trước bất kỳ cuộc xâm lăng nào.

Sau khi kết thúc chuyến đi đầy mạo hiểm vào miền Nam Việt Nam, đứng trước những lời đề nghị do Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bất ngờ đến thăm và đưa ra với Phiđen tại phòng khách nơi ông vừa ngủ được mấy tiếng đồng hồ ít ỏi sau ba ngày hầu như không được chợp mắt, Phiđen đã đáp lại bằng ba từ “có” gọn lỏn. Thế rồi, Cuba đi mua các thiết bị thích hợp tại Nhật Bản, huấn luyện trên đất mình các thợ kỹ thuật Việt Nam, sau đó lại cử các thầy giáo người Cuba sang cung đoạn cuối cùng của Đường mòn Hồ Chí Minh để biến cung đoạn đó thành một con đường vững chãi, đủ sức đưa những chiếc xe tăng từ Lào tiến thẳng vào các thành phố Việt Nam, tưởng chừng như khó chiếm nổi và cuối cùng là tiến thẳng vào Sài Gòn, vào 1 ngày 30-4-1975, để giải phóng thành phố này và đặt lại cái tên xứng đáng như hiện nay: Thành phố Hồ Chí Minh.

Để hợp thức hóa việc mua thiết bị tại Nhật Bản, Cuba đã cử hàng trăm công nhân xây dựng kiên cường sang xây dựng một con đường ở phía bắc Hà Nội hướng sang Lào, dù biết rằng nó không thật cần thiết làm một khi hoà bình được lập lại. Những người Cuba còn tham gia xây dựng một bệnh viện lớn, một khách sạn và các công trình rất tiện ích khác nữa.

Về phía Việt Nam, thực hiện Di chúc của Bác Hồ, từ khắp nẻo đường của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hàng nghìn đoàn người đều tập trung đổ dồn ra tiền tuyến, dưới mưa bom bão đạn của giặc Mỹ, mang theo những chiếc xe tăng đã được tháo rời từng bộ phận, chở trên những chiếc xe thồ hoặc trên đôi vai của những người lính ra trận để cuối cùng được lắp ráp lại sau khi đã vượt qua con đường địa ngục. Con người chịu trách nhiệm chính về chiến công đó là người bạn của tôi, hiện nay là Trung tướng đã nghỉ hưu và là nhà nghiên cứu có uy tín, đó là Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, người mang số bí danh thời chiến là 601Đã có ít nhất 198 nghìn chiến sĩ và thanh niên xung phong hy sinh trên con Đường mòn, nơi liên tiếp hứng chịu 678 nghìn trận ném bom, bắn phá của máy bay địch, trong đó có 20 nghìn đợt ném bom rải thảm của máy bay B-52, lặp lại thảm kịch diệt chửng của Hirôsima, nhưng Bí danh 601 có lần mỉa mai rằng các trận ném bom đó đã giúp phá núi và mở đường tiến vào Nam.

Trong một số dịp, tôi đã được gặp Bác Hồ và lần xúc động nhất là khi tôi đến thăm Người cùng với nhà thơ lớn của Cuba là Phêlíc Pita Rôđrighết (Fêlix Pita Rodríguez). Lần ấy, tôi có kể với Bác câu chuyện vào năm 1967, lúc tôi từ Hà Nội đi dọc bờ biển miền trung vào sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17, tôi đã gặp các nữ thanh niên xung phong đang lấp hố bom tại đèo Mụ Giạ. Người ta lo ngại số chị em ấy có thể bị thương vong bởi lúc bấy giờ, máy bay Hải quân Mỹ quyết tập trung đánh phá một đoạn đường dài nhưng lại hẹp, với chiều rộng không đến 50m. Sau khi lội qua sông Bến Hải, trở lại chính đoạn đường ấy, tôi hay tin là toán chị em ấy đều đã hy sinh và trước khi mất, họ mong thi thể mình được dùng để lấp hố bom đang cản đường xe tiến về phía Nam. Tôi thấy đôi mắt Người đẫm lệ. Nén cơn xúc động, Bác Hồ nói rằng nhân dân là cội nguồn của mọi chiến thằng, rằng người Việt Nam là vô địch, như là một Cuba ở Đông Dương! Thật vậy, Cuba muốn là một Việt Nam ở biển Caribê!

Ngày hôm nay, trận chiến chung của chúng ta tựu trung lại là cuộc đấu tranh vì dân tộc và nó còn cấp thiết hơn cuộc đấu tranh giai cấp, mặc dù trong cuộc đấu tranh vì dân tộc đã bao hàm và quyết định cho cả cuộc đấu tranh giai cấp.

Chỉ có trong chủ nghĩa xã hội, bắt đầu bằng việc giành chính quyền nhà nước về tay nhân dân thì mới có nền độc lập dân tộc thực sự. Đây là hệ thống duy nhất có thể cứu được bản sắc văn hóa đi đôi với việc đưa nó hòa nhập vào các giá trị đạo đức và nhân bản của nền văn hóa thế giới, rũ bỏ mọi vương vấn trên đời, chủ nghĩa tiêu thụ tư sản và sự tha hóa đặc trưng của chủ nghĩa đế quốc.

Đó là bài học tối thượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm mở đường cho nhân dân lao động ở mỗi nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, cùng nắm tay nhau để cứu lấy hòa bình và môi trường sống đang bị đe dọa một cách nghiêm trọng nhất.

Tổ quốc hay là chết! Chúng ta nhất định thắng!

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website