Đạo đức Hồ Chí Minh một cách nhìn đương đại

GS, TS.  Mạch Quang Thắng

 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh 

1. Về triết lý phát triển từ đạo đức Hồ Chí Minh

Triết lý phát triển từ đạo đức Hồ Chí Minh liên quan đến quan niệm về con người, về những vấn đề nhân sinh và xã hội. Đó là triết lý phát triển xuất phát từ cách tiếp cận với văn hóa học, đặc biệt là văn hóa đạo đức và chủ nghĩa nhân văn. Triết lý phát triển Hồ Chí Minh là triết lý phát triển qua cuộc sống của chính bản thân Hồ Chí Minh. Đó là lý luận và thực tiễn trong cuộc đời Hồ Chí Minh về sự biến đổi các vấn đề nhân sinh và xã hội theo chiều hướng tốt đẹp.

Có người bày tỏ quan điểm rằng, tiếp cận sự phát triển phải là từ pháp trị, chứ không theo đức trị; rằng, cái mà theo đức thì xã hội đâu có phát triển, phải theo pháp thì xã hội, cả cổ - kim, đông - tây, mới phát triển được. Nhưng tôi thấy, pháp ở đây do con người làm ra, con người tự quy ước với nhau để hành xử ở đời. Vì vậy, khi nói tới pháp (đúng đắn) thì đã có yếu tố đức rồi. Ngược lại, khi nói tới hành đức(chân chính) thì đã bao hàm cả chấp pháp rồi. Bảo rằng, pháp là duy lý, đúng như vậy. Bảo rằng, đức là duy tình (tâm), không sai. Nhưng, có thật đúng như vậy không?

Lạ thay, chúng ta tìm thấy trong Hồ Chí Minh cái đẹp của Thiên chúa giáo, rồi cả cái thiền mỹ của Phật giáo, cái hoà đồng vũ trụ vĩnh hằng của Lão giáo, những viên ngọc của các học thuyết, của các luồng tư tưởng, v.v. Nhưng, con người Hồ Chí Minh không phải là con số cộng của những cái đó mà là sự tổng hoà, nó đúc kết, chung đúc tất cả lại thành một, thành cái riêng mang tên Hồ Chí Minh.

Nói đến đạo đức là nói đến thành tố ý thức đạo đức, hành vi đạo đức, quan hệ đạo đức, hệ thống thiết chế truyền bá và giáo dục đạo đức, v.v. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức ngư­­ời cách mạng như là cái gốc của cây, nguồn của sông, cái căn bản của con người. Hồ Chí Minh cho rằng: “Cũng như­­ sông thì có nguồn mới có n­ước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Ngư­­ời cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo đư­­ợc nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài ngư­­ời là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?"1.

Trong các quan điểm của Hồ Chí Minh, đạo đức và chính trị có liên quan với nhau vì sự phát triển của con người, của xã hội xuyên qua cái trục đạo đức. Đạo đức không thể nào dung hợp được với chính trị khi chính trị là một nền chính trị thối nát, khi chính trị đã sử dụng các biện pháp cực đoan, phi đạo đức… Xét về bản chất chính trị-xã hội, một nền chính trị xã hội chủ nghĩa chính là một sự dung hợp được cả hai: chính trị và đạo đức. Toàn bộ hệ thống quan điểm của Hồ Chí Minh về đạo đức là nằm trên cái nền đó. Chính vì vậy, đạo đức cách mạng, theo Hồ Chí Minh, chính là sự phát triển, và chính đó là văn hoá.

Hồ Chí Minh coi trọng cả đức và tài trong một con ngư­­ời, nhưng xét về thứ tự ư­u tiên thì Hồ Chí Minh vẫn cho đức là cơ bản hơn cả. Hồ Chí Minh "diễn nôm" rằng, có tài mà không có đức thì tài ấy chẳng dùng làm gì; có đức mà không có tài thì như­­ ông bụt ngồi đấy chẳng hại ai nhưng cũng chẳng có ích gì. Đã không có ít người cho rằng, bây giờ chỉ cần có tài, có tài thì quẳng đâu cũng sống đ­ược, do vậy làm ăn kinh tế không cần đạo đức. Ý kiến đó là sai lầm vì đã tách văn hoá ra khỏi kinh tế và như­­ vậy, con đư­ờng làm ăn kinh tế rất dễ đi vào ngõ cụt. Mọi sự phát triển đều dựa trên một cái nền văn hoá. Kể cả trong kinh tế thị trường, không có đạo đức làm căn bản thì chỉ có chụp giật mà thôi, dù cho đã có luật chơi, mà thậm chí đó là luật chơi chung của thế giới. Thế giới càng phát triển nhanh thì người ta càng báo động mạnh hơn về tính bền vững của sự phát triển, về sự mất đi cái tính văn hoá, về sự phai nhạt dần cốt cách của từng dân tộc, về sự tha hoá của chính bản thân con người.

Đối với người cách mạng, Hồ Chí Minh quan niệm rằng: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nh­ưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi đư­­ợc xa. Ngư­­ời cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành đư­­ợc nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”2.

Có thể nói rằng, hầu nh­ư ở đâu và lúc nào Hồ Chí Minh cũng nói hoặc viết, và nhất là làm, có liên quan đến vấn đề đạo đức. Đó là nếp sống văn hoá thư­­ờng nhật của Hồ Chí Minh. Khi cho đạo đức là cái gốc của cây, cái ngọn nguồn của con sông, cái căn bản của ng­­ười cách mạng, Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những ng­ười đi tiên phong của cuộc cách mạng về đạo đức và chính Hồ Chí Minh trở thành một chiến sĩ văn hoá trong hiện thực cuộc sống.

Hồ Chí Minh trình bày vấn đề đạo đức một cách không kinh viện. Hồ Chí Minh không phải là ng­­ười chuyên ngồi viết sách lý luận về đạo đức mà cả cuộc đời của Hồ Chí Minh là một pho sách lớn về lý luận đạo đức. Tìm những vấn đề lý luận văn hoá đạo đức của Hồ Chí Minh không chỉ ở trong các bài nói, bài viết, tuy cái đó rất quan trọng nh­ưng ch­­ưa đủ, mà còn phải tìm trong cách đối nhân xử thế, trong cách ăn, ở…và nói chung là trong cuộc sống hằng ngày của Hồ Chí Minh. Bậc vĩ nhân Hồ Chí Minh là như­­ vậy. Và, đó là điều đặc biệt của Hồ Chí Minh  điểm riêng có của Hồ Chí Minh so với nhiều bậc vĩ nhân khác trên thế giới.

Hồ Chí Minh xem xét vấn đề đạo đức tới mọi đối t­­ượng, mà chung nhất là đạo đức công dân và đặc biệt nhấn mạnh đạo đức của cán bộ, đảng viên. Ở Hồ Chí Minh, tôi thấy cả những hành vi ứng xử văn hoá - đạo đức đối với mọi người, từ công nhân, nông dân, trí thức, lực lượng vũ trang, phụ nữ, phụ lão, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, mà đối xử với người này, tầng lớp này, giới này không giống với người kia, tầng lớp kia, giới kia, nó thật uyển chuyển, tinh tế. Tôi khẳng định rằng, ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là ng­ười đầu tiên đề cập đạo đức công dân trong chế độ mới, trong đó gắn với nghĩa vụ của công dân đóng thuế “đúng số và đúng kỳ”, mà vấn đề đóng thuế, ở rất nhiều nước trên thế giới, người ta coi đó là vấn đề đạo đức, nhưng ở Việt Nam thì cho đến nay thì chưa đến mức được như vậy. Đề cập cán bộ, đảng viên tức là Hồ Chí Minh đã tác động đúng vào khâu “trọng điểm”, “trung tâm” của xã hội vì trong giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, chính họ là những ng­ười tiên phong trong các phong trào cách mạng, điều mà Hồ Chí Minh coi họ là cái gốc của mọi công việc,­­ là giây chuyền của bộ máy. Điều đó cắt nghĩa tại sao, trong “hàm lượng” Hồ Chí Minh nói, viết về đạo đức thì Hồ Chí Minh dành nhiều nhất cho cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Nói đến đạo đức, một vấn đề không thể không đề cập là các mối quan hệ của con ng­ười. Con người ta có vô vàn các mối quan hệ, nó chồng chéo, phong phú và không kém phần phức tạp. Một con người trong xã hội có thể đóng một nghìn lẻ một “vai” trong một ngày, không thể có một mối quan hệ cố định, chúng không bất biến theo thời gian. Sống trong một xã hội, con người ta cũng phải ứng xử cho phù hợp với chuẩn tắc, đó là Hiến pháp, pháp luật và đó là những chuẩn thiết chế chính trị, xã hội khác của cộng đồng dân cư. Đạo đức gắn với pháp luật là ở chỗ đó, cái lý gắn với cái tình cũng là ở chỗ đó. Hồ Chí Minh quy tất cả các mối quan hệ phong phú, đan chéo không kém phần phức tạp ấy vào ba mối quan hệ chủ yếu: Đối với người, đối với việc, đối với mình. Thực ra, trong ba mối quan hệ đó, tất cả đều là quan hệ con ng­ười. Có thể nói một cách tổng quát là: đạo đức là ứng xử các mối quan hệ giữa người với ng­ười, trong đó có mối quan hệ đặc biệt là tự mình đối với bản thân mình. Nếu tự mình xử lý không đúng, không tốt đối với bản thân mình thì các mối quan hệ khác sẽ không thực hiện tốt đư­ợc. Tự mình bị tha hoá thì các mối quan hệ khác đều bị phá vỡ.

Tất cả các học thuyết và tư tưởng đạo đức thuộc nhiều luồng triết học và tôn giáo khác nhau đều rất nhạy cảm với vấn đề chủ nghĩa nhân đạo. Nội dung chủ yếu nhất thuộc giá trị của chủ nghĩa nhân đạo thường là: cuộc sống nói chung của con người, trong đó có các quyền con người. Do vậy, có thể nói rằng, chủ nghĩa nhân đạo là bản chất của mọi hệ thống tư tưởng đạo đức. Nhưng, chủ nghĩa nhân đạo luôn luôn ở vào trạng thái vận động và phát triển, mỗi thời kỳ nó lại được bổ sung định hình những nội dung mới. Chủ nghĩa nhân đạo và chính trị có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Chính vì thế, các giá trị chính trị, chẳng hạn như tự do, dân chủ, công bằng xã hội, nhà nước pháp quyền, sự tham gia của con người vào đời sống chính trị của mỗi quốc gia-dân tộc, vào đời sống chính trị thế giới…lại bao hàm trong đó những giá trị của chủ nghĩa nhân đạo.

Con người chính trị của Hồ Chí Minh gắn với đạo đức cách mạng và chủ nghĩa nhân đạo mà bản thân Hồ Chí Minh theo. Bản chất của đạo đức Hồ Chí Minh chính là chủ nghĩa nhân đạo truyền thống của dân tộc kết hợp và tiếp nối với chủ nghĩa nhân đạo hiện đại tiến bộ. Đó là bản chất thể hiện đậm nét truyền thống nhân ái, thể hiện tính chiến đấu không khoan như­­ợng với cái xấu, cái ác, hướng con người tới cái thiện, cái tốt, cái đúng. Đây chính là “đạo đức mới” mà Hồ Chí Minh hay đề cập, Hồ Chí Minh không phủ định sạch trơn đạo đức cũ nhưng bản chất hoàn toàn mới, tiến bộ, có khi Hồ Chí Minh còn m­­ượn cái vỏ quen thuộc của văn hoá đạo đức cũ để lồng vào nội dung đạo đức cách mạng. Đã có lần, Hồ Chí Minh giải thích, so sánh về "đạo đức mới" và “đạo đức cũ", cho rằng đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất, hai chân chổng lên trời.

Đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện đặc tr­ưng bằng sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, nghĩa là Hồ Chí Minh kết hợp giữa nói và làm, và nhiều khi làm nhiều hơn nói. Ở trong tư­­ duy của Hồ Chí Minh, “học” luôn luôn phải gắn với “hành”, lý luận phải đi liền với thực tiễn, nói đi đôi với làm như những cặp chỉnh thể mà thiếu một vế thì điều đó sẽ trở thành vô nghĩa. Thể hiện tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là luôn luôn gắn với đời sống thực tiễn, không tư biện, không có gì ra vẻ cao siêu, chủ quan, không có gì có vẻ có tính kinh viện. Những gì Hồ Chí Minh làm, viết, nói liên quan đến đạo đức là rất rõ ràng, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu.

Do vậy, Hồ Chí Minh đư­­ợc coi là nhà triết lý trong hành động và là thể hiện sự thuần khiết trong văn hoá. Điều này thấm vào trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày. Đạo đức mà Hồ Chí Minh có được là kết quả của quá trình rèn luyện bền bỉ qua bao tháng ngày gian truân của đường đời.

2. Thông điệp cho đương đại

a. Lòng nhân ái

Đạo đức trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh tr­­ước hết vẫn là những vấn đề thuộc về thái độ đối với con ng­ười, đó là lòng yêu thương, quý trọng con người. Con người là một thực thể hết sức phức tạp. Các học thuyết, tư tưởng, các giáo lý của các tôn giáo… của từng dân tộc và trên thế giới đều đề cập vấn đề con người. Các giáo lý của nhiều tôn giáo đều rất coi trọng tình thương yêu con người. Tuyên ngôn Tôn giáo năm 1517 do Lude (người Đức) gồm 95 điều, trong đó đã viết rằng: “Khởi nguồn chân lý là sự yêu thương và tha thứ”3. Còn Phật giáo cho rằng cuộc sống là từ bi hỷ xả, v.v. Nhưng, trong thực tế, con người cũng có nhiều cái ác lắm thay. Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, ngay trong số đầu của báo Le Paria, Hồ Chí Minh đã đề cập giải phóng con người. Hồ Chí Minh nhất quán quan điểm đó, cho đến trong Di chúc, Hồ Chí Minh không những để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng và gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế, mà còn căn dặn Đảng Cộng sản Việt Nam về những công việc cần làm sau khi đã đánh thắng giặc Mỹ xâm lư­­ợc, trong đó “đầu tiên là công việc đối với con ngư­ời”.

Mọi giải phóng: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp rồi cuối cùng đều phải đi đến giải phóng con người thì tất cả các giải phóng trước đó mới có ý nghĩa thiết thực. Tình thương yêu, quý trọng con ng­ười tr­ước hết Hồ Chí Minh dành cho những ng­ười bị áp bức, bóc lột, những ngư­ời cùng khổ. Ở đâu và lúc nào Hồ Chí Minh cũng có tình th­ương sâu đậm đối với các cụ già, em nhỏ, đặc biệt có tư tưởng giải phóng phụ nữ, có phong cách ứng xử văn hoá đặc biệt đối với phụ nữ. Đó là những những con người dễ bị tổn thương trong các xã hội.

Hồ Chí Minh chú ý tới phát triển con người, không những giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến mà còn ở chỗ tìm cách nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho con người. Hồ Chí Minh thấy được vị trí, vai trò của vấn đề con người, con người là trung tâm của sự phát triển xã hội. Quan niệm của Hồ Chí Minh cũng giống như quan niệm đúng đắn của các tổ chức xã hội tiến bộ hiện nay trên thế giới, khi cho rằng, phát triển con người là sự phát triển bao gồm tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của mọi cá nhân, từ tình trạng sức khoẻ, tới đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá của con người; rằng, phát triển con người theo những mục tiêu đó, là cái đích cuối cùng, tăng trưởng hay phát triển kinh tế là một phương tiện; rằng, mục tiêu cơ bản của phát triển là tạo ra một môi trường khuyến khích con người được hưởng cuộc sống lâu dài, khoẻ mạnh và sáng tạo.

Hồ Chí Minh chú ý đến tính toàn diện của sự phát triển. Chính điều này phù hợp với cách tính về chỉ số phát triển con người (HDI) của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) – kết hợp các chỉ số cơ bản về y tế, giáo dục, tuổi thọ, mức sống. Hiện Việt Nam đang phấn đấu để đến năm 2020 nâng mức HDI đạt ở nhóm 30 – 40 nước có chỉ số cao nhất thế giới. Đó là yêu cầu đạt được sự đầy đủ, ở mức cơ bản nhất, về vật chất. Trước hết là vật chất đã. Vì như Hồ Chí Minh nói lại câu tục ngữ: có thực mới vực được đạo, nói lại câu của cổ nhân Trung Hoa: dân dĩ thực vi thiên, tức là dân lấy ăn làm trời. Sau nữa là sự giàu có về tinh thần và văn hoá, sự bình đẳng trong xã hội với quan hệ của con người với con người, sự đồng thuận của toàn xã hội, sự hài hoà của con người với thiên nhiên.

Trong yêu thư­ơng, quý trọng con ng­ười thì thái độ tích cực nhất là dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng con ngư­­ời chứ không phải kiểu thư­ơng ng­ười từ trên ban xuống. Đối với Hồ Chí Minh, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội-giai cấp kết hợp chặt chẽ với nhau để đi tới giải phóng con người. Là Chủ tịch n­­ước, Chủ tịch Đảng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới việc phấn đấu cho cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh nhiều lần nêu lên quan niệm: nếu nư­ớc đã đ­ược độc lập mà dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập chẳng để làm gì; dân chỉ biết giá trị của tự do, độc lập khi đư­­ợc ăn no, mặc ấm. Nói như thế tức là Hồ Chí Minh đã đề cập những vấn đề tối thiểu và về cơ bản nhất của con người: sống có chất lượng tốt, cả về vật chất và tinh thần, con người phát triển toàn diện vươn tới vương quốc của tự do.

b. Trung với nước, hiếu với dân

Hồ Chí Minh mư­­ợn khái niệm của Nho giáo, nh­ưng chữ “trung” ở đây có nội dung hoàn toàn mới, đó là “trung với nư­ớc" còn “hiếu” ở đây không chỉ riêng hiếu với cha mẹ mà là hiếu với dân, trong đó có cha mẹ. Những mệnh đề ngôn ngữ của Nho giáo về tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, vốn là sự đúc kết lý luận-thực tiễn của Nho giáo, mang đặc trưng "chữ ít ý nhiều" của các mệnh đề Nho giáo được Hồ Chí Minh dùng lại nhưng với nội dung mới. Điều này thì ngay cả ở Trung Quốc sau này - quê hương của Nho giáo - thì chưa ai có thể dùng được các mệnh đề của Nho giáo vào cuộc sống mới như Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh cho rằng, ng­ười cách mạng phải đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết và tr­ước hết. Hồ Chí Minh đặt chữ “trung” lên hàng đầu trong cả cuộc đời của mình và Hồ Chí Minh viết trong Di chúc khi đề cập việc riêng: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không đư­­ợc phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”4. Trung với nư­ớc ở Hồ Chí Minh trở thành lẽ sống tự nhiên và Hồ Chí Minh ý thức đ­ược trách nhiệm phục vụ nhân dân, kể cả khi đã đứng ở đỉnh tháp của quyền lực. Hồ Chí Minh không bị quyền lực làm cho mờ mắt. Hồ Chí Minh cho rằng, từ người chủ tịch nước cho đến người cấp dưỡng, quét rác, ai mà làm tròn nhiệm vụ của mình thì đều là người cao thượng, là người làm tròn chữ "trung". Mỗi một người trong xã hội đều ứng với một công việc cụ thể, một nhiệm vụ cụ thể; hễ người nào hoàn thành và hoàn thành tốt việc đó, nhiệm vụ đó thì đó là trung. Chữ trung đó được đo bằng kết quả cụ thể, bằng hiệu quả công tác, chứ không phải bằng lời nói, bằng việc hô khẩu hiệu cho to, cho lớn, cho dõng dạc, lời lẽ khẩu hiệu cho mỹ miều.

Hiếu với dân là nội dung rất cơ bản trong quan niệm của Hồ Chí Minh trong cái cặp chỉnh thể "Trung với nước hiếu với dân", trong đó có hiếu với cha mẹ mình, và nói rộng ra là tình họ hàng.

Quan niệm dân của phong kiến có thể diễn tả sơ lược nhất là: Nho giáo Trung Quốc chia xã hội làm hai loại người: quân tử và tiểu nhân. Thường là dân thuộc loại tiểu nhân, những người hèn kém, những người lao động chân tay, những phụ nữ. Còn quân tử là những trí thức quan lại. Vua là Thiên tử (con trời), quan lại là phụ mẫu (cha mẹ) để chăn dắt dân. Nho giáo vào Việt Nam cũng đã "Việt Nam hoá" một phần do điều kiện chi phối của hoàn cảnh. Nguyễn Trãi cho rằng, chở thuyền và lật thuyền đều do dân. Trần Hưng Đạo nói rằng, phải nới sức dân để làm kế rễ sâu bền gốc, v.v. Tư tưởng của hai ông là tư tưởng tiến bộ, vượt thời đại, và nó không thể nào được thực hiện trong các thời kỳ phong kiến. Rốt cục, dân chỉ là đối tượng để các quan "phụ mẫu" chăn dắt phục vụ cho quyền lực của giai cấp phong kiến.

Quan niệm về dân của hệ tư tưởng tư sản Việt Nam có tiến bộ hơn phong kiến, nhưng không đầy đủ. Đáng chú ý là cách nhìn nhận của họ về dân thiếu lực lượng cơ bản nhất trong xã hội là công nhân và nông dân. Chẳng hạn, Phan Bội Châu đưa ra một quan điểm tập hợp lực lượng cách mạng như sau: 1) Phú hào; 2) Quý tộc; 3) Sĩ phu; 4) Lính tập; 5) Tín đồ đạo Thiên chúa; 6) Du đồ hội đảng; 7) Nhi nữ anh sĩ; 8) Thông ngôn; 9) Ký lục; 10) Bồi bếp. Về cuối đời, Phan Bội Châu cũng đã nhìn thấy lực lượng công nông nhưng lực bất tòng tâm, lực đã tàn, sức đã kiệt.

Vượt lên trên những hạn chế đó, từ quan điểm chủ nghĩa dân tộc, Hồ Chí Minh muốn tập hợp tất thảy những người yêu nước vào sự nghiệp cách mạng. Cho nên, theo Hồ Chí Minh, dân là những người yêu nước, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc, giàu nghèo, gái trai…, là "đồng bào" (cùng một bọc của bà Âu Cơ), những "con Rồng cháu Tiên". Như vậy, biên độ về dân theo Hồ Chí Minh rất rộng, cốt lõi là công nông, nhưng không chỉ là công nông trong việc xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nói riêng. Mục đích của Đảng và dân là một - đó là tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh trong suốt cả quá trình hoạt động cách mạng. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, mục đích của Đảng đã được xác định rất rõ ràng: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đó là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, đưa đất nước đi lên theo con đường cách mạng vô sản.

Gần dân, hiểu dân, vì dân, đó là phong cách Hồ Chí Minh, đó là sự hiếu với dân của Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền, càng đứng ở vị trí cao của quyền lực (tuy quyền lực đó là do dân trao cho), càng dễ bị xa dân. Nhất là bị "cơ chế" trói buộc. Ngư­ời cộng sản cũng như­­ bao con ngư­­ời khác, cũng có trạng thái tâm lý hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cũng có tình cảm, cũng có tình nghĩa, cũng có một cuộc sống gia đình bình thường. Có khác chăng là nếu cách mạng cần thì họ sẵn sàng hy sinh những cái riêng để phục vụ Tổ quốc, biết ứng xử mối quan hệ gia đình trong mối quan hệ chung với Tổ quốc.

Chữ “hiếu” theo quan niệm của Hồ Chí Minh tích cực hơn quan niệm Nho giáo là bởi vì hiếu với dân không ngăn trở con ngư­­ời ta làm tròn đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ cũng như­ tình huynh đệ. Rất nhiều lần Hồ Chí Minh dặn dò các cháu thiếu niên, nhi đồng phải biết kính yêu ông bà, cha mẹ, “biết vâng lời cha mẹ”. Cuộc sống vận động không ngừng. Chúng ta lên án những cán bộ xa dân, coi khinh dân, trù dập, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những người “vác mặt quan cách mạng” để “đè đầu c­ưỡi cổ nhân dân”. Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề gia đình, coi gia đình là hạt nhân của xã hội. Trong tình hình hiện nay, vẫn có những người không coi trọng yếu tố gia đình trong các mối quan hệ, họ sống thiếu trách nhiệm, hắt hủi cha mẹ. Họ tưởng rằng, có tiền là giải quyết được tất cả. Trong việc giữ gìn và phát huy cốt cách văn hoá dân tộc, có cả việc giữ gìn chữ hiếu đối với dân, với cha mẹ theo quan điểm của Hồ Chí Minh.

c. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

Đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là một nội dung của cái gốc đạo đức, cái gốc của sự phát triển trong triết lý hành động của Hồ Chí Minh. Trong các cám dỗ đối với con người, thì người có quyền cao chức trọng trước hết bị hai điều lớn nhất, rõ nhất: một là cám dỗ về quyền lực; hai là cám dỗ về vật chất. Đó là chưa kể các cám dỗ khác vốn là hệ lụy của hai cái cám dỗ kia, tỷ như về tình ái, về ăn chơi (cả vật chất lẫn tinh thần sa đọa, v.v.). Quyền lực có nhiều khi như ma túy, nó có sức hút ghê gớm lắm, nếu không tự làm chủ bản thân mình thì rất dễ bị sa đọa.

Hồ Chí Minh tự hành xử những điều đó trong cuộc sống hằng ngày, tuy giống, nhưng về bản chất thì không theo kiểu của tôn giáo, nghĩa là không ép xác khổ hạnh. Hồ Chí Minh cho rằng: tôn chỉ, mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm; Đức Phật là đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn. Trong Đạo giáo và Phật giáo mà Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn ngay từ thời phong kiến, thì cuộc sống có tham, sân, si, có lục căn, tức là sáu căn của con người: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thường thì trong cuộc sống hằng ngày, con người ta ai cũng phải xử lý lấy cái lục căn đó để không rơi vào lục tặc, tức là không để chúng bị tha hoá biến thành giặc (tặc). Chẳng hạn: tai nghe những lời nịnh hót; lưỡi được cho ăn ngon; mắt bị quyến rũ, mê mẩn bởi nhan sắc, v.v.

Xét theo đạo Phật thì Hồ Chí Minh cũng giống như bao nhiêu con người khác trên thế gian, không có gì đặc biệt cả, nghĩa là cũng có lục dục (sáu loại dục vọng); lục cảnh (sáu loại cảnh giới: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp); lục tình (sáu loại biểu lộ tình cảm: hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc). Con người đi tu, khi đã tu đắc đạo, chân tu, đã thành chính quả, thì trở thành người ung dung, tự tại, không bị bất cứ mọi cám dỗ nào từ bên ngoài lung lạc được cả. Đó là sự ngộ của người tu hành ở phương Đông, đạt đến trình độ giác ngộ được tám chính đạo (chính kiến; chính tư duy; chính ngữ; chính nghiệp; chính mệnh; chính tinh tiến; chính niệm; chính định). Lúc đó, người tu hành sẽ đạt tới chân lý tuyệt đối của đạo Phật.

Hồ Chí Minh là người đi hoạt động cách mạng, tự làm chủ những hành vi của bản thân mình, theo lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, của một người giác ngộ chính trị trên cơ sở của chính bản thân nền văn hoá của nhân loại và của dân tộc Việt Nam, có cái gì đó không cùng chung bản chất nhưng hao hao như là thoát khỏi lục tặc của Đạo giáo và Phật giáo vậy. Hồ Chí Minh hao hao như Trần Nhân Tông, vị vua sáng lập ra Phật Trúc Lâm (Thiền phái Trúc Lâm) thế kỷ XIII của Đại Việt. Thiền phái Trúc Lâm lấy cái Tâm làm gốc, lấy sự giác ngộ trong lòng làm căn bản. Theo Thiền phái Trúc Lâm, Phật là trong mỗi người, trong mỗi nhà, là tu tại tâm, và tu không thoát khỏi trần thế mà lại gắn với sự đời, với thực tại, với vận mệnh của đất nước. Khác với vị vua đời Trần phải lên núi thiền tu, Hồ Chí Minh thiền ngay giữa dân gian, giữa đất trời của dân chúng, giữa cái bao la đất trời ngổn ngang đại sự. Hồ Chí Minh thiền để ngộ. Hồ Chí Minh ngộ để hành. Hồ Chí Minh hành để đáp ứng cái yêu cầu phát triển của đất nước, của nhân dân Việt Nam, của nhân loại cần lao.

Hồ Chí Minh có lẽ tiếp thu cái cá nhân đó của phương Đông để luôn có sự tự xử với người, với việc, với mình - và nhất là tự mình đối với bản thân mình - một cách đúng đắn nhất. Hồ Chí Minh là người nói nhiều đến cá nhân nhưng không sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cũng tựa như Hồ Chí Minh nói nhiều đến dân tộc mà không sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi; nói nhiều đến quyết tâm làm một việc gì đó nhưng không sa vào chủ quan, duy ý chí, duy tâm; nói nhiều đến đạo đức và sự nghiêm minh của pháp luật nhưng không tuyệt đối hoá một cái nào mà ở Hồ Chí Minh có sự gắn kết nhuần nhuyễn giữa “đức trị” và “pháp trị”, vừa có lý vừa có tình; v.v. Và, Hồ Chí Minh là một điển hình, mẫu mực, một gương sáng của những đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

d. Vì dân tộc, vì thế giới, quảng giao để phát triển

Đó là tinh thần quốc tế của Hồ Chí Minh. Cái gốc của sự phát triển, triết lý phát triển của Hồ Chí Minh còn là ở cái tinh thần quảng giao trên một tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” (bốn biển đều là anh em). Đó cũng là cái nền của đạo đức. Hồ Chí Minh đã đưa đất nước Việt Nam mở cửa ra với thế giới.

Tháng 9 năm 1947, trả lời nhà báo Mỹ S. Êli Mâysi (S.Elie Maissie), phóng viên hãng tin Mỹ International New service, một người quan tâm nhiều đến cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh tuyên bố đại cương chính sách đối ngoại của Việt Nam là: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”5.

Và thật ngạc nhiên là Hồ Chí Minh tuyên bố với Liên hợp quốc trong thư gửi cuối năm 1946 rằng: “Trong chính sách đối ngoại của mình, nhân dân Việt Nam sẽ tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:

1. Đối với Lào và Miên, nước Việt Nam tôn trọng nền độc lập của hai nước đó và bày tỏ lòng mong muốn hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền.

2. Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:

a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.

b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.

c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

d) Nước Việt Nam sẵn sàng ký kết với các lực lượng hải quân, lục quân trong khuôn khổ của Liên hợp quốc những hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan đến việc sử dụng một vài căn cứ hải quân và không quân”6.

Ngạc nhiên là bởi vì ngày nay đọc lại những dòng trên đây, thấy Hồ Chí Minh nghĩ xa quá, đúng quá, cứ y chang những nội dung luật Đầu tư mà Việt Nam bắt đầu khởi động năm 1987 và phát triển về sau này. Cánh cửa đã mở từ sớm, nhưng oái oăm thay, chiến tranh cứ khép nó lại một cách phũ phàng. Mà phải rất lâu, rất lâu sau, mới mở trở lại được.

Đạo đức cách mạng, để làm cái gốc cho sự phát triển, là phải chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi cũng như tư tưởng nước lớn. Thời cuộc quả thật rất sống động và trải qua rất nhiều biến đổi. Đã trải qua nhiều cuộc bể dâu, vật đổi sao dời. Thật khó mà ngờ tới những biến thiên của tình hình quốc tế. Bây giờ nhìn lại kể ra thấy cũng lạ và quả là phục ở cái tầm của Hồ Chí Minh, cái tầm mắt con chim phượng hoàng của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ như có lần Phạm Văn Đồng đã ví với tầm mắt của Hồ Chí Minh.

Đó là tất yếu của cuộc sống. Nhưng, có những giá trị bền lâu, chúng như những viên ngọc mà chúng ta phải giữ gìn, luôn mài sáng nó lên. Hồ Chí Minh chính là người đưa ra thông điệp đó, thông điệp khuyến khích mọi người vươn tới những điều chân, thiện, mỹ.

___________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.252.253.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.283.

3. Xem Nguyễn Văn Út: 9 bản tuyên ngôn độc lập, Nxb.Văn hoá thông tin, H.2006, tr.8.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.512.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.220.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.469-470.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website