Hồ Chí Minh bảo vệ, phát triển và thực hiện thắng lợi tư tưởng V.I.Lênin về dân tộc và thuộc địa

PGSTS. Trình Mưu

 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Năm 2010 kỷ niệm lần thứ 120 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu - Người "làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta"1. Cùng với dân tộc Việt Nam, loài người tiến bộ trên thế giới đã tôn vinh Người là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống đế quốc, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá mở ra thời đại Hồ Chí Minh - thời đại toàn thắng của cách mạng giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới, biến lịch sử thế giới thế kỷ XX là lịch sử toàn thắng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.

1. Hồ Chí Minh nhận rõ thời đại mới mở ra từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga để định hướng con đường cứu nước giải phóng dân tộc Việt Nam

Hồ Chí Minh ra nước ngoài không đi tìm chỗ dựa như các bậc cha anh mà với khát vọng xem thế giới người ta làm thế nào tự giải phóng để về giúp đồng bào mình. Khi được đọc Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc - thuộc địa của V.I.Lênin và được biết đến cuộc Cách mạng Tháng Mười ở Nga, Hồ Chí Minh hoàn toàn tin theo Lênin, tán thành Quốc tế Cộng sản và trở thành người cộng sản. Trong khi các lãnh tụ của nhiều đảng chưa nhận thấy hết ý nghĩa mở đầu của thời đại mới, còn cho Cách mạng Tháng Mười là hiện tượng Nga thì Hồ Chí Minh đã khẳng định dứt khoát về thời đại ngày nay. Đó là một thời đại mà chế độ xã hội khác về chất so với tất cả các chế độ xã hội có giai cấp trước đó - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhận rõ về thời đại mới. Các di cảo của Người từ năm 1920 - sau khi gia nhập gia đình cộng sản đã thể hiện rõ lập trường, quan điểm, thái độ mácxít về thời đại, đấu tranh bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin một cách chính xác, khoa học. Điều đó có thể tìm thấy các chỉ dẫn ở Người rằng trong thế giới bây giờ học thuyết nhiều chủ nghĩa nhiều nhưng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết chân chính, cách mạng nhất; rằng "muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác hơn  là con đường cách mạng vô sản"2; rằng chỉ có cách mạng Nga là thành công đến nơi và cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do Đảng "theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin"3 lãnh đạo cách mạng mới thành công. Trong thời đại mở ra sau Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc đã dự báo cách mạng thuộc địa có khả năng thắng lợi trước cách mạng chính quốc "có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn"4.

Tiếc thay sau khi Lênin mất (1924), Quốc tế Cộng sản và hầu hết các đảng xa rời lập trường Lênin, quan niệm không đúng, lệch lạc về chủ nghĩa xã hội, về thời đại mở ra sau Cách mạng Tháng Mười và phạm  phải không ít sai lầm gây không ít tổn thất cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Nhận thức chính xác về thời đại của Hồ Chí Minh thể hiện trên các điểm sau:

Thứ nhất, là nhận rõ mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng dân tộc thuộc địa.

Trong thời của Mác – Ăngghen, vấn đề dân tộc thuộc địa chưa đặt ra trực tiếp. Tuy nhiên các ông cho rằng vấn đề giải phóng dân tộc ở các nước thuộc khối Liên hiệp Anh có hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Hai nhiệm vụ này song song, khăng khít và liên quan mật thiết với nhau. Chỉ có thành công của cách mạng vô sản Anh mới giúp cho các dân tộc được giải phóng. Các ông chỉ một lần đưa ra dự báo về khả năng thắng lợi của cách mạng Airơlen trước cách mạng vô sản Anh nếu tương quan lực lượng ở Airơlen nghiêng về lực lượng cách mạng.

Đến thời Lênin, trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, Lênin dự báo cách mạng vô sản có thể thắng lợi ở một số nước, thậm chí ở một nước tư bản. Vấn đề dân tộc thuộc địa được Lênin coi là một trong những nội dung quan trọng nhất trong hoạt động của các Đảng Cộng sản. Cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận của cuộc cách mạng vô sản, thuộc phạm trù cách mạng vô sản.

Nghiên cứu xu thế vận động của thời đại mới dưới tác động của Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc thấy rõ mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ trong cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại của mình nhất trí hoàn toàn với Mác – Lênin, đó là hai nhiệm vụ tồn tại song song, có quan hệ chặt chẽ, khăng khít làm tiền đề cho  nhau. Tuy nhiên, theo Người, dù là hai nhiệm vụ tồn tại song song nhưng khi tiến hành không nhất loạt ngang nhau. Chống đế quốc phải được đặt  lên hàng đầu và chống phong kiến phải làm dải ra, phục vụ nhiệm vụ chống đế quốc. Nghiên cứu tình hình cách mạng và sự thức tỉnh của quần chúng lao động các thuộc địa Người dự báo cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa không chỉ có khả năng lôi kéo đông đảo quần chúng tham gia mà còn có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Đây là sự phát triển bổ sung lý luận Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc trong thời đại mới - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, điều mà các nhà sáng lập học thuyết Mác - Lênin chưa dự báo.

Thứ hai, là khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc  phải được tiến hành trên lập trường của cách mạng vô sản.

Cứu nước và giải phóng các dân tộc thuộc địa khỏi các ách áp bức thực dân có nhiều con đường. Tuy nhiên chỉ có trên lập trường vô sản, theo con đường của Cách mạng Tháng Mười thì mới giải phóng triệt để cho nhân dân lao động khỏi mọi ách áp bức bóc lột. Cách mạng giải phóng dân tộc chỉ có thể giành được thắng lợi nếu huy động được quảng đại quần chúng nhân dân tham gia trong đó "công nông  là gốc" trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Cách mạng giải phóng dân tộc chỉ có thể thành công nếu có Đảng Cộng sản chân chính lãnh đạo "muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất"5. Đồng thời cách mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành bằng cách mạng bạo lực. Đó là sử dụng sức mạnh tổng hợp của sự kết hợp các lực lượng chính trị - quân sự, đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa vũ trang với chiến tranh cách mạng.

Tiếp thu những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, xác định chính xác thời đại mới, vận dụng và phát triển sáng tạo vào thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và cách mạng giải  phóng dân tộc Việt Nam là nguyên nhân căn bản Nguyễn Ái Quốc tin theo chủ nghĩa Mác, chọn con đường đúng, đề ra đường lối đúng ngay từ khi sáng lập Đảng.

2. Hồ Chí Minh đi tiên phong bảo vệ và phát triển học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa trong lịch sử thế giới thế kỷ XX

Chính từ sự nhận diện chính xác thời đại mới, hiểu tường tận quan điểm của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa Hồ Chí Minh là người đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ đường lối cách mạng dân tộc, thuộc địa và hoạt động tích cực để đường lối đó được thực hiện. Tại Đại hội V của QTCS họp năm 1924 Hồ Chí Minh là người phát biểu thẳng thắn có phần khá gay gắt để cảnh báo về sự xa rời của các đảng ở chính quốc tư tưởng của Lênin. Đặt trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản châu Âu đàn áp khốc liệt cao trào cách mạng vô sản bùng nổ dồn dập tấn công vào các chế độ tư bản trong suốt 5 năm 1918-1923, đặt trong bối cảnh Lênin không còn mới thấy hết sự lo lắng của Hồ Chí Minh. Liên tiếp trong ba lần tại Đại hội V (phiên họp thứ 8, 22 và 25) Người đã phê phán gay gắt tại diễn đàn Đại hội. Tại phiên họp thứ 8 Hồ Chí Minh nói: "Tôi đến đây để không ngừng lưu ý QTCS là thuộc địa vẫn đang tồn tại, và vạch ra để QTCS thấy rằng: cách mạng ngoài vấn đề tương lai của các thuộc địa còn có cả nguy cơ của các thuộc địa. Song, tôi thấy rằng hình như các đồng chí chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng cho rằng vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận  mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa. Vì vậy tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội có được sẽ gợi mở những vấn đề và nếu cần tôi sẽ thức tỉnh các đồng chí (tôi nhấn mạnh) về vấn đề thuộc địa"6. Người còn nói  "các đồng chí thứ lỗi về sự mạnh bạo của tôi… sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc tôi có cảm tưởng là các đồng chí ấy muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc TBCN đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc… Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, các đồng chí lại khinh thường thuộc địa"7. Theo dõi diễn biến của các phiên họp Người nêu lên 4 câu hỏi "Tại sao" các đồng chí lại "xem thường thuộc địa trong lúc CNTB lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng chí"8.

Sử dụng diễn đàn Đại hội V, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nói thẳng: trừ Đảng Nga các Đảng Cộng sản Anh và Pháp không làm gì theo di huấn của Lênin, theo điều lệ của QTCS. Báo Đảng có thể đưa tin một võ sĩ đấu bốc và một phi công lái máy bay thử nghiệm hàng ngày nhưng không hề đưa tin các thuộc địa. Người  phê phán "Đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau Đại hội đưa vào Viện bảo tàng như từ trước vẫn làm thì chưa đủ"9. Trình bày ngắn gọn, chính xác bức tranh toàn cảnh thuộc địa trước Đại hội, Nguyễn Ái Quốc bức xúc kiến nghị sở dĩ có tình trạng trên là do các Đảng ở chính quốc không biết bọn thực dân đã thống trị tàn ác ở các thuộc địa. Hiện thời điều quan trọng nhất là phải vạch mặt và lên án chủ nghĩa thực dân. Chính Người trình bày 5 giải pháp và đi tiên phong thực hiện: Đó là: đăng đều đặn hàng tuần các bài về thuộc địa trên báo Đảng; tổ chức một bộ máy tuyên truyền; gửi người bản xứ vào Trường Đảng phương Đông đào tạo làm nhân cốt; thành lập Tổng liên đoàn lao động và đặt  nhiệm vụ cụ thể cho các đảng viên của Đảng. Người khẩn thiết kêu gọi "Cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của V.I.Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa"10. Là Phó Chủ tịch Hội đồng nông dân quốc tế phụ trách các thuộc địa, được đi khảo sát nhiều nước ở 4 châu lục Âu, Á, Mỹ, Phi Người viết nhiều bài, tham gia nhiều diễn đàn, nhiều tổ chức làm cho các đảng hiểu rõ chủ nghĩa thực dân ở nước mình đã thống trị các thuộc địa qua đó góp phần bảo vệ tư tưởng của Lênin. Tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" và "Đây công lý của chủ nghĩa thực dân" là sự kết tội đanh thép CNTB giúp cho các Đảng ở chính quốc hiểu được âm mưu thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc đối với các thuộc địa, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức cố kết lại trong cuộc đấu tranh để giải phóng. Bằng tinh thần đấu tranh kiên trì của mình và đặc biệt là bằng tấm gương vũ trang trực tiếp cho Đảng và dân tộc Việt Nam trong tổ chức thực tiễn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc  ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh trở thành người bảo vệ, phát triển học thuyết Mác - Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa, nêu một tấm gương lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

3. Hồ Chí Minh tổ chức lãnh đạo Đảng và dân tộc thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc duy nhất trong lịch sử thế giới thế kỷ XX

Nhận diện đúng thời đại mới, tiếp thu tận gốc chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam Hồ Chí Minh đã trang bị cho Đảng ta chính trị, tư tưởng, tổ chức thành lập bộ tham  mưu cho cách mạng, thức tỉnh nhân dân đứng lên giải phóng đất nước khỏi mọi ách áp bức dân tộc, ách thống trị giai cấp đưa Việt Nam vào kỷ nguyên của thời đại mới - độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lịch sử hiện đại Việt Nam dưới sự lãnh đạo chèo lái của Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kiểm chứng khi nào đứng vững trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì cách mạng thành công, các sai lầm khuyết điểm nhanh chóng được khắc phục. Ngược lại lúc nào chao đảo, xa rời thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì cách mạng gặp khó khăn, sai lầm, thậm chí thất bại.

Càng đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, càng thấy rõ nhiệm vụ trung tâm của Quốc tế Cộng sản là vấn đề dân tộc và thuộc địa nhưng không có nhiều chính khách và nhiều đảng nếu không nói là rất ít đề ra được chiến  lược, sách lược của cách mạng giải phóng dân tộc ngay từ khi lập Đảng. Đường lối chiến lược và sách lược do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo khi thành lập Đảng là hoàn toàn chính xác, vượt lên trên tư duy chính trị đương thời của nhiều chính khách, nhiều Đảng và cả tổ chức Quốc tế Cộng sản. Phải đến khoảng 20 năm sau lịch sử thế giới mới thừa nhận chiến lược và sách lược của cách mạng giải phóng dân tộc do Quốc tế Cộng sản đề ra tại Đại hội VI năm 1928 là sai lầm tả khuynh còn đường lối chiến lược, sách lược của Nguyễn Ái Quốc đề ra năm 1930 là tuyệt đối chính xác. Đây là lý do cắt nghĩa cùng trong một thời cơ thuận lợi do hoàn cảnh khách quan như nhau khi Nhật đầu hàng đồng minh năm 1945, nhưng chỉ có cách mạng Việt Nam giành được chính quyền về tay nhân dân. Có thể khẳng định: Không trở lại với tư tưởng chiến lược và sách lược của Hồ Chí Minh thì không có cách mạng Tháng Tám; không có lực lượng rộng khắp (lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang) nếu không có sự lãnh đạo kịp thời nhậy bén của Hồ Chí Minh thì không có cách mạng thành công. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng nhân dân, năng động, sáng tạo do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và Hồ Chí Minh đứng đầu, giành được chính quyền, lập  nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi duy nhất do Đảng lãnh đạo giành được chính quyền trong lịch sử thế giới thế kỷ XX.

Cách mạng Tháng Tám đã đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, tiêu diệt chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, đưa toàn dân tộc từ nô lệ, từ thân phận bị áp bức trở thành tự do, trở thành chủ nhân. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mở đầu trào lưu phi thực dân hoá trên thế giới, trở thành tấm gương, động lực cho các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh cho giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sau chiến thắng chủ nghĩa phát xít của cộng sản và các lực lượng dân chủ, các dân tộc bị áp bức theo gương Việt Nam đứng lên trong cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc khắp châu Á, châu Phi và các nước Mỹ La tinh. Cuộc chiến đấu chống hai đế quốc hùng mạnh nhất của thế giới là Pháp và Mỹ - những đế quốc có nhiều thuộc địa của nhân dân Việt Nam trong 30 năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho cao trào giải phóng dân tộc phát triển. Việc chấp nhận chiến đấu, đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận hai đế quốc đầu sỏ là thời cơ vàng cho sự nghiệp giải phóng. Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản trở thành chiến sỹ tiên phong tiêu diệt chủ nghĩa thực dân cũ và đánh xập một bước quan trọng của chủ nghĩa thực dân mới trong 30 năm cũng là thời gian mà phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành thắng lợi cơ bản độc lập dân tộc, tự mình lựa chọn con đường phát triển. Việt Nam - Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của tư tưởng "không có gì quý hơn độc lập tự do". Tấm gương của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trở thành lương tri của thời đại, trở thành biểu tượng của sức mạnh chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược cho dù chúng đến từ đâu và sức mạnh đến đâu. Thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc của tư bản mà Việt Nam - Hồ Chí Minh là những người đi tiên phong, người mở đường đã biến thế kỷ XX trở thành thế kỷ toàn thắng của các dân tộc bị áp bức thoát khỏi chủ nghĩa thực dân.

Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc, là chiến sỹ tiên phong trên mặt trận chống đế quốc. Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại đấu tranh và giành toàn thắng cho các dân tộc thuộc địa mà theo con đường Hồ Chí Minh lựa chọn, theo tấm gương Việt Nam các dân tộc đã giành lại độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội. Lịch sử thế giới ghi nhận công lao của các vĩ nhân đã tác động đến sự phát triển của lịch sử trong đó ghi nhận Thời đại Hồ Chí Minh với tư cách là người mở đầu cho sự toàn thắng của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cho tất cả các nước trong thế kỷ XX.

___________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, H.2002, t.12, tr. 516.

2. Sđd, t.9, tr.314.

3. Sđd, t.2, tr.280.

4. Sđd, t.2, tr.36.

5. Sđd, t.5, tr.280.

6,7,8,9. Sđd, t.1, tr.273, 273-274, 274, 281.

10. Sđd, t.1, tr.228.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website