Hồ Chí Minh - Tấm gương về mối quan hệ giữa lãnh tụ và quần chúng

Nguyễn Huy Hoan - Bảo tàng Hồ Chí Minh 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của nhân dân Việt Nam. Từ thiếu thời, Người đã dành tâm huyết và trí tuệ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Là nhà tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước, tiếp đó tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi. Là nhà tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin sáng lập, tổ chức, xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức yêu nước khác hoàn thành sự nghiệp cách mạng to lớn của dân tộc. Người luôn nêu cao tấm gương về mối quan hệ gần gũi, thân thiết, gắn bó giữa lãnh tụ với quần chúng nhân dân, không chỉ riêng với đồng bào mình mà còn đối với nhân dân các nước trên thế giới.

Mối quan hệ đó xuất phát từ thực tiễn cuộc sống mà Người đã từng trải và xuất phát từ sự tiếp thu những tư tưởng tinh hoa của nhân loại.

Tuy là con một vị phó bảng nhưng từ tuổi ấu thơ, tuổi thiếu niên và thanh niên Người đã sống trong lòng dân, gắn bó với dân, chứng kiến và đau xót trước nỗi khổ của nhân dân. Trong nhiều năm bôn ba ở nước ngoài, Người đã thực sự hòa mình vào cuộc sống của những người dân lao động, từ đó có mối quan hệ thân thiết với nhân dân lao động ở nhiều nước.

Mười ba tuổi, Người đã suy nghĩ nhiều về khẩu hiệu "Tự do - Bình đẳng - Bác ái". Khi trả lời nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenstam, Người nói: "Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy"1.

Năm 1911, trước lúc rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, Người tâm sự với một người bạn: Tôi muốn ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta2.

Nghiên cứu một số tác phẩm của C.Mác và V.I.Lênin, Người tìm thấy chân lý: Nhân dân là đối tượng phục vụ của người cách mạng chân chính và nhân dân là động lực chủ yếu, quyết định để giành thắng lợi cách mạng như người đã từng nhắc tới câu nói của V.I.Lênin: Trong cách mạng nếu ai thu phục được đại đa số lực lượng quần chúng, người đó sẽ giành thắng lợi"Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là chủ nghĩa Mác-Lênin"3.

Trong bài Kỷ niệm Lênin, Người nhắc lại lời dạy của V.I.Lê nin: "Đối với nhân dân, phải yêu kính quần chúng, gần gũi quần chúng, tin tưởng lực lượng vĩ đại và đầu óc thông minh của quần chúng, học hỏi quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, để đoàn kết và lãnh đạo quần chúng"4.

Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân xâm chiếm, nhân dân đói khổ, thuế má nặng nề, sưu dịch phiền phức, những người yêu nước đứng lên chống thực dân bị đàn áp dã man, bị bỏ tù và bị chém đầu.

Tác giả Trần Dân Tiên đã từng viết: Đó là tình trạng trong nước và ngoài nước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên 15 tuổi. Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào.

Thực tế cuộc sống và lý tưởng giải phóng đồng bào đã hun đúc trái tim nhân hậu của Chủ tịch Hồ Chí Minh giàu lòng yêu nước thương dân, như Người đã từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”5.

Tình thương yêu nhân dân không chỉ dành cho đồng bào mình mà còn dành cho nhân dân các nước trên thế giới. Tình thương đó thể hiện rõ trong nếp làm việc hàng ngày của Người, quan tâm theo dõi đời sống của nhân dân các nước qua thư, điện, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, an ủi động viên nhân dân các vùng gặp thiên tai, những vùng còn tang tóc vì chiến tranh. Kể cả lúc nhân dân miền Nam đang chống giặc Mỹ xâm lược, Người vẫn bày tỏ tình cảm với nhân dân Mỹ: "Tôi muốn nói thêm với những người bạn Mỹ rằng: Chẳng những chúng tôi đau xót vì đồng bào miền Nam chúng tôi phải gian khổ, hy sinh mà chúng tôi cũng thương xót cho các bà mẹ và các người vợ Mỹ đã mất con, mất chồng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa ở miền Nam Việt Nam do bọn quân phiệt Mỹ tiến hành"6.

Trên nền tảng tư tưởng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một tấm gương sáng về mối quan hệ giữa người cán bộ, người đảng viên, người lãnh đạo với quần chúng. Quần chúng là ai? Người đã nói rất rõ: "Quần chúng tức là toàn thể chiến sĩ trong quân đội, toàn thể công nhân trong xưởng, toàn thể nhân viên trong cơ quan, v.v., rồi đến toàn thể nhân dân"7 .

Mối quan hệ giữa lãnh tụ Hồ Chí Minh với quần chúng nhân dân vừa thuộc phạm trù đạo đức, vừa thuộc phạm trù phong cách, được thể hiện trên nhiều mặt:

1. Tin dân

Ngay khi đất nước và nhân dân còn chìm đắm trong vòng nô lệ, Người đã viết: "Bị đầu độc cả về tinh thần lẫn về thể xác, bị bịt mồm và bị giam hãm, người ta có thể tưởng rằng cái bầy người ấy cứ mãi bị dùng làm đồ để tế cái ông thần tư bản, rằng bầy người đó không sống nữa, không suy nghĩ nữa và là vô dụng trong việc cải tạo xã hội. Không: người Đông Dương không chết, người Đông Dương vẫn sống, sống mãi mãi. Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương"8 .

Vào những năm 20 của thế kỷ XX, một số nhà hoạt động cộng sản còn nghĩ rằng cách mạng thuộc địa phải phụ thuộc vào cách mạng chính quốc thì Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận rõ sức mạnh của những người dân thuộc địa ở châu Á: "Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ, và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn"9.

Tin ở trí tuệ của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy cũng làm được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”10.

Cùng với lòng tin ở nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ các bí quyết để phát huy trí tuệ và sức mạnh to lớn ấy: “Cách mệnh trước hết phải làm cho dân giác ngộ,... cách mệnh phải... bày sách lược cho dân”11. Người nhiều lần nói: “Dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”12.

2. Trọng dân

Mặc dù, Hồ Chí Minh là người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhưng Người tôn trọng tất cả mọi người dân, tôn trọng nhân cách từ người già đến người trẻ. Sự tôn trọng ấy thể hiện trong lời ăn, tiếng nói của mình rất lễ độ và lịch thiệp. Viết thư cho người hơn tuổi mình, Người gọi "Cụ" xưng "Cháu", gửi thư cho những người cộng sự luôn dùng chữ "K.g" (tức kính gửi), nói chuyện với các cháu thiếu nhi luôn có chủ ngữ rất thân thiết là "Bác", coi các cháu là "khách của Bác". Ngay từ khi chính quyền cách mạng mới thành lập, Người đã nghiêm khắc phê phán bệnh coi thường quần chúng, khi phụ trách ở một vùng nào thì như một ông "vua con" ở đấy, tha hồ hách dịch, hoạnh hoẹ. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới cậy quyền lấn át. Đối với quần chúng thì ra vẻ quan cách làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc "ông tướng, bà tướng" ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, Đoàn thể xa nhân dân"13.

Sự tôn trọng ấy thể hiện ở tinh thần chú ý lắng nghe ý kiến của dân để hiểu tình hình của dân và chắt lọc những ý kiến đúng đắn của dân, đặc biệt là những ý kiến phê bình của dân.

Tôn trọng dân còn có nghĩa là tôn trọng lợi ích của dân. Người đã nhiều lần căn dặn “Phải hiểu thấu rằng lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết”14.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: "Tôn trọng có nhiều cách, không phải ở chỗ chào hỏi kính thưa có lễ phép mà đủ. Không được phung phí nhân lực, vật lực của dân. Khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân"15 .

3. Thương yêu nhân dân

Thương yêu con người, thương yêu nhân dân là phẩm chất cao đẹp của người lãnh đạo. Thương yêu con người là truyền thống đạo đức của nhân dân ta. Nhân dân ta sống trong một đất nước nhiều dân tộc, thường nói "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn", phải "Thương người như thể thương thân" và thương bằng hành động cụ thể "Lá lành đùm lá rách", sống với nhau “có tình có nghĩa” 

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm có tình thương nhân dân trước sự thống khổ của đồng bào sống kiếp nô lệ, sớm thông cảm với "những người nghèo như bên ta" lúc Người đặt chân lên nước Pháp, biết gom thức ăn còn dư “để cho người nghèo” lúc ở Anh, xúc động khi đọc tin ông thị trưởng thành phố Cook người Ailen bị đế quốc Anh bỏ tù…

Tình thương yêu nhân dân ấy đã hình thành chí lớn, hình thành “lý tưởng” của Người, được Người diễn đạt như sau: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”16.

Tình cảm của Người đối với dân với nước là “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”17.

Tình thương yêu đó phải biến thành trách nhiệm của Đảng và Chính phủ là phải chăm lo đời sống của nhân dân, "Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; Nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi"18.

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, một con người sống gần Hồ Chí Minh, gần trong không gian, gần trong công việc, đã tổng kết một câu rất có lý: “Chính Hồ Chủ tịch thường nói: người cách mạng là người rất giàu tình cảm, và vì giàu tình cảm nên làm cách mạng. Người mà cả dân tộc tôn lên làm vị Cha già của mình phải có lòng thương mênh mông xúc động đến tâm can của mọi người”19. Tình thương yêu nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện trong cuộc sống riêng của Người là đồng cam cộng khổ với nhân dân, không muốn có khoảng cách xa với mức sống của nhân dân, Người luôn nghĩ rằng: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức”20.

Tình thương của Người đối với dân không phải là tình thương ban phát của người trên cho người dưới, mà tình thương đó gắn liền với yêu cầu của mọi người phải không ngừng phấn đấu vươn lên về mọi mặt.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người chỉ rõ: “Đảng phải thương yêu cán bộ. Nhưng thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc… Thương yêu là giúp họ học thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn,… Thương yêu là luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ”21.

4. Gần dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn muốn gần dân, gần từ trong tư tưởng tình cảm của Người đến gần trong gặp gỡ, giao tiếp. Tiếp xúc với dân là một nhu cầu không thể thiếu trong hoạt động của Người.

Vì vậy, chỉ một ngày sau khi tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông báo về việc tiếp dân: "Từ năm nay tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể"22.

Trong công việc, Người rất chú ý sắp xếp kế hoạch để thường xuyên tiếp xúc với dân, đặc biệt trong những ngày lễ, ngày Tết, Người thường yêu cầu sắp xếp để đi thăm nhiều gia đình thuộc mọi tầng lớp, mọi giới khác nhau.

Hàng ngày, Người theo dõi báo chí và các phương tiện thông tin khác, có ghi chép, cũng không ngoài mục đích theo sát tình hình của dân và hiểu dân. Trời nóng nghĩ đến dân, trời lạnh nghĩ đến dân, bão lụt nghĩ đến dân, đêm nằm nghe tiếng chổi tre quét đường nghĩ đến nỗi vất vả của người lao động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với dân gần gũi và chân tình như người thân trong nhà, không thích ồn ào và phô trương hình thức, thậm chí có lúc đi theo kiểu "vi hành". Đến thăm một cơ sở nào, Người đều không chỉ dừng lại ở phòng khách hay hội trường mà thường xem tận nơi nhà bếp, giếng nước... Người đến với dân để động viên phong trào, biểu dương những thành tích và cố gắng của đồng bào và bao giờ cũng nghiêm khắc phê bình những khuyết điểm cần sửa chữa. Người có thói quen trước khi đến một cơ sở nào, các cơ quan có trách nhiệm phải báo cáo "3 ưu 2 khuyết" của cơ sở đó.

Sự gần gũi nhân dân xuất phát từ trái tim nhân ái bao la của Người. Tháng 4-1960, khi "ra mắt" gần một vạn cử tri thành phố Hà Nội, chuẩn bị bầu đại biểu Quốc khoá khóa II, Người đã nói: "Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi đi "ra mắt cử tri".

Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi.

Xa lạ gì mà phải ra mắt"23.

Năm 1968, mặc dầu tuổi đã cao, sức khỏe đã kém sút, Người vẫn viết thư yêu cầu bố trí cho Người vào thăm miền Nam, trong thư ghi rõ: "đi thăm khi anh em trỏng* đang chuẩn bị mở màn thứ ba. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em"24.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với dân không hề "quan cách", Người sẵn sàng cầm giây gầu tát nước với dân, lội xuống ruộng thử máy cày cải tiến, đạp guồng nước cùng dân... giữa Người với Dân không hề có sự cách biệt.

5. Suốt đời hết lòng hết sức phục vụ nhân dân

Suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân là biểu hiện tập trung nhất, cao nhất của những tư tưởng, tình cảm, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quần chúng. Người đã dành trọn cuộc đời để làm việc cho nước cho dân. Cuộc đời của Người đã trải qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ và thử thách nhưng với một ý chí kiên cường, bền bỉ Người luôn kiên trì con đường cách mạng mà mình đã lựa chọn.

Những ngày hoạt động trên đất Pháp, Người đã từng bị mật thám thường xuyên theo dõi; những lúc ốm đau, thậm chí phải nằm bệnh viện, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn theo dõi tình hình đất nước. Trên giường bệnh, Người viết thư cảm ơn một Việt kiều ở Pháp mà Người gọi là đồng bào đã gửi cho Người báo Le courier d’ Haiphong. Bức thư có đoạn: “Hiện nay tôi vẫn còn ở trong bệnh viện và nằm trên giường viết thư này. Tôi chắc là đồng bào sẵn lòng miễn thứ cho... “Những bài rất có ích cho sự sưu tầm tài liệu của tôi, bao giờ đồng bào gặp những bài như vậy, xin làm ơn gửi cho tôi”25.

Cả cuộc đời, Người luôn kiên trì lý tưởng, không nao núng trước mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, thử thách - đó là bài học lớn của người cách mạng.

Từ khi Đảng ta nắm chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tâm tư cho những chiến lược, sách lược và cả những chủ trương có thể để đem lại lợi ích cho quần chúng nhân dân, từ những việc như “10 ngày nhịn một bữa”, “xóa nạn mù chữ”, “tuần lễ vàng”, “tập thể dục” cho đến “tương cà mắm muối”... Trong những cuộc vận động ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là người gương mẫu thực hiện.

Người sớm xác định và giáo dục đội ngũ cán bộ hiểu "Chính phủ là công bộc của dân", Chính phủ nhân dân bao giờ cũng đặt quyền lợi nhân dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn: việc cứu nước, đến việc rất nhỏ, trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân, từ nơi làm việc đến phòng ngủ nhà ăn...

Trong đời sống của mình, việc gì Bác tự làm được thì không cần người giúp, cho nên bên cạnh Bác, người giúp việc và phục vụ có thể đếm trên đầu ngón tay"26.

Đúng là Người đã "nâng niu tất cả chỉ quên mình". Thật khó để nói hết những việc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm việc suốt ngày, suốt đời vì lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân. Đó là khát vọng của Người, là niềm vui của Người là "điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng" mà Người đã khuyên chúng ta. Vì vậy, trong Di chúc để lại cho muôn đời mai sau, Người đã viết: “Về việc riêng. Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”27.

Vì nhân dân, Người còn dặn: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân”28.

Làm việc thật nhiều, thật tốt để phục vụ lợi ích của nhân dân, là thước đo đạo đức của người lãnh đạo, người cán bộ, người đảng viên. Cũng chính là sự minh chứng cho mối quan hệ gắn bó giữa người đầy tớ của nhân dân với quần chúng. Có lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng chí nào làm ở hợp tác xã, làm tốt là anh hùng. Bộ trưởng mà không làm tròn nhiệm vụ là tồi!”29 .

Có thể nói, tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc ta và sống mãi trong tâm hồn của mọi cán bộ, đảng viên. Thiết thực học tập tấm gương của Người để Đảng, Chính phủ xứng đáng với sự tin yêu của quần chúng nhân dân.

Để kết luận cho bài viết này, chúng tôi xin trích một số ý kiến của bạn bè thế giới nói về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ với quần chúng nhân dân.

Đại diện của Liên hợp quốc tại Việt Nam đã viết: "Cuộc sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự gần gũi với nhân dân là đặc trưng cho tình yêu của Người đối với đất nước".

Trưởng đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tối cao nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào: “Chúng tôi rất vinh dự và tự hào được học tập cách thức làm việc và lối sống mang nội dung giáo dục con người sâu sắc của Người. Đó là tự mình cống hiến mọi khả năng cho đất nước, luôn luôn sống gần gũi với nhân dân. Chúng tôi nguyện học tập và rèn luyện theo gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Ông Nuhắc Phômxavẳn - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao Lào: "Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ở chiến khu, tôi đã có vinh dự đến chào Người. Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tôi lại có vinh dự được Người tiếp tại ngôi nhà sàn này. Lúc nào gặp Người cũng vậy, dù ở chiến khu hay giữa Thủ đô Hà Nội, Người luôn bày tỏ sự quan tâm đến sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào anh em. Người đã dạy rằng: muốn giải phóng Tổ quốc, phải tập hợp sự đoàn kết rộng rãi của nhân dân, phải gần gũi với nhân dân và quan tâm đến đời sống của nhân dân".

Ông Heng Xomrin - Trưởng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Campuchia: "Đây là vị lãnh tụ đích thực đã sinh ra từ nhân dân và đã cống hiến cả đời mình cho dân cho nước. Tấm gương của Người là bài học rất hữu ích mà các nhà lãnh đạo thực sự của dân phải noi theo".

Vua và Hoàng hậu Campuchia: "Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống rất giản dị. Chính vì vậy hình ảnh Người luôn ở trong trái tim của nhân dân".

Ông Trương Đức Duy - Đại sứ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam: Lãnh tụ của nhân dân. Người bạn của nhân dân. Cần kiệm và chất phác. Bình dị mà vĩ đại!

Ông Venca Taraman - Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ: "...Người còn là một người có tinh thần quốc tế chủ nghĩa tuyệt vời: Sống hết mình cho niềm tin cuộc sống của những dân tộc anh em khác, vì những mục đích cao cả của loài người trên khắp năm châu lục".

Đại diện Bộ Quốc phòng Malaixia: "Chủ tịch Hồ Chí Minh - một người con ưu tú, một lãnh tụ lớn của một dân tộc anh hùng. Người đã từ chối xa hoa, sống trong sự giản dị để hòa đồng với nhân dân mình".

J.Mâm - Đoàn đại biểu Chính phủ Canada: "Tôi rất xúc động trước cuộc đời và phong cách sống khiêm tốn của Người. Tôi hiểu rằng chính sự giản dị khiêm nhường này đã tạo nên lòng tin không thể phai nhòa trong lòng nhân dân Việt Nam".

___________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.477.

2. Xem Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Trẻ H.2005.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.8, tr.138.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.3.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.161.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.275.

7,10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.6, tr.495, 295.

8,9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.28, 36.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.267.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.246.

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.72.

14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.4.

15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.6, tr.109.

16,17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.204, 419.

18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.572.

19. Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minhhình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, Nxb. Sự thật,H.1974, tr.11.

20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.8, tr.392.

21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.283.

22. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.10.

23. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.129. 

* Trỏng: tức anh em trong ấy (cách gọi lối miền Nam).

24. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.337.

25. Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2006, t.1, tr.17.

26. Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, Nxb. Sự thật, H. 1974, tr.82.    

27. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.501.

28. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.501.

29. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.466.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website