Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh

GS, TS. Phạm Minh Hạc

Viện Nghiên cứu Con người, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam 

1. Chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo

Loài người có đến hơn bốn triệu năm tuổi, trải qua ba thời đại lịch sử - thời đại mông muội, thời đại dã man, thời đại văn minh, nâng dần trình độ mở rộng các nguồn sinh tồn, học được và ngày càng phát triển hoạt động, nhất là hoạt động sản xuất của con người, vượt qua được tình trạng ăn thịt người1, dần dần hình thành được tính người và tình người (thực ra nói "tính người" là đủ, trong tính người có nét rất đặc trưng là tình người, đan quyện với các đặc tính khác như ngôn ngữ, lý trí, giao tiếp, v.v., nói ghép "tính người" với "tình người" biểu hiện một nét đặc trưng của tiếng Việt). Trong suốt quá trình tiến hóa, loài người rất chú ý giáo dục nối tiếp, duy trì, phát triển tính người và tình người, đầu tiên qua các hình thức, theo ngôn ngữ hiện đại, "giáo dục không chính quy", bao gồm cả tự giáo dục, về sau, cách đây khoảng 4.000 năm trường học như một thiết chế xã hội "giáo dục chính quy" ra đời, để truyền đạt một cách chính tắc cho thế hệ trẻ các hoạt động - hội tụ thành tính người và tình người (đây chính là nội dung của việc "dạy người", mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục) - bảo đảm sự tồn tại và phát triển loài người. Rồi mãi gần đây, vào thế kỷ thứ VI - thứ V Tr.CN các nhà bác học cả ở phương Đông và phương Tây mới xây dựng nên các bài học, lý luận triết học, đạo đức học về đạo làm người, và hơn mười thế kỷ sau, vào thế kỷ XIX mới có tên gọi "chủ nghĩa nhân đạo", các tiếng dòng La tinh, như tiếng Anh gọi là "Humanism", thường chuyển sang tiếng Việt là "Chủ nghĩa nhân đạo"; theo từ điển Trung Quốc2 định nghĩa "chủ nghĩa nhân văn" hàm chứa nội dung của "chủ nghĩa nhân đạo". Ban Tổ chức Hội thảo ghi trong phần nội dung của hội thảo: Hồ Chí Minh - "Nhà nhân văn chủ nghĩa lỗi lạc: nhân ái, khoan dung, có lòng yêu thương mênh mông, niềm tin vào sức mạnh và phẩm giá con người ...". Trong bài viết này đề cập đến "chủ nghĩa nhân văn" hàm chứa nội dung của "chủ nghĩa nhân đạo", không tính đến các sắc thái ngôn từ, các cách diễn đạt tinh tế khác nhau về hai thuật ngữ này.

Ai cũng thấy, trong các thuật ngữ "nhân nghĩa", "nhân đạo", nhân ái" đều có chữ "nhân, tiếng Anh "human", chuyển ngữ đều là "người". Khổng Tử (551-479 trCN) người đầu tiên đưa ra triết thuyết, đạo đức học, giáo dục học lấy chữ "Nhân" làm đầu, mang một nội dung rất phong phú: "Nhân" trước hết là "thương yêu con người" (nhân ái, bác ái); tôn trọng con người "cái gì mình không muốn, thì đừng làm cho người" không khinh người (cung kính), khoan dung, giữ chữ tín; cần mẫn, nhẫn (nhẫn nại, kiên nhẫn) biết dùng người, có tâm trong sáng (cương trực, nghiêm túc, chất phác thật thà)... Lâu nay thường gọi đạo Khổng là "đạo nhân"3. Thực ra đấy chính là nội dung chủ yếu của chủ nghĩa nhân đạo, chỉ thay đổi trật tự "nhân" lên trước "đạo" xuống sau. Thuật ngữ "nhân đạo" theo chữ Latinh "Humanismus" được dùng trong nhà trường Đức từ năm 1806, sau đến năm 1836 nhà sử học Đức George Voigt chuyển sang tiếng Anh "Humanism" để mô tả chủ nghĩa nhân đạo thời Phục hưng (thế kỷ XIV-XVI) bắt đầu từ nước Ý với nội hàm giải phóng con người khỏi quyền uy của tôn giáo, chuyển sang cuộc sống thế tục, trong thế giới này quan trọng nhất là con người, tôn vinh nhân phẩm, chú ý tới những gì con người quan tâm, đề cao các năng lực của con người, nhất là năng lực duy lý (R.Đềcác đã đặt một mốc rất quan trọng cho thời đại lý trí vào nửa đầu thế kỷ XVII, tiếp đó là Thế kỷ Ánh sáng - thế kỷ XVIII - là thế kỷ giáo dục, nêu bật vấn đề giáo dục tính người, tình người, nhấn mạnh bắt đầu từ dạy biết đọc, biết viết; tình yêu con người gắn liền với tình yêu cộng đồng người và nhân loại)4. Mấy điều vừa kể về chữ "Nhân" và "chủ nghĩa nhân đạo" mở ra một thời đại mới của những giá trị nhân văn - nhân đạo là hạt nhân của hệ giá trị đạo đức chung của loài người, cũng như riêng của từng người, mà từ cái nôi gia đình, rồi nhà trường và cả xã hội phải hết sức chăm lo giáo dục, mỗi người không được quên tự giáo dục những phẩm chất thiết yếu của con người.

Suốt mấy thế kỷ gần đây, từ hành vi con người đối xử với nhau bằng bạo lực,... đến các cuộc thực dân xâm chiếm thuộc địa, áp đặt chế độ tàn bạo lên nhân dân các nước thuộc địa, đặc biệt các cuộc chiến tranh xâm lược đều bị nhân loại lên án là phi nhân văn, phản nhân đạo, vô nhân đạo. Đến thế kỷ XX, nhất là sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chủ nghĩa nhân văn - nhân đạo phát triển mạnh hơn bao giờ hết: các khối chính trị - ngôn ngữ, như khối Pháp ngữ chẳng hạn, đều phải nói đến chủ nghĩa nhân đạo là mục tiêu cao cả của Cách mạng Pháp (1789) vì các quyền của con người, cố giải thích khối Pháp ngữ đề cao chủ nghĩa nhân đạo không phải như là một từ rỗng tuếch, mà thực sự là một ý tưởng vì "con người toàn vẹn" có lý trí, có tình cảm, có đời sống tinh thần, có tư tưởng đạo đức5. Mấy thập kỷ gần đây có nhiều cuộc trao đổi giữa các nhà khoa học về tương lai tiến hóa của loài người, trên cơ sở so sánh văn hóa - hệ giá trị phương Đông và phương Tây, một số trong đó tập trung vào đề tài "chủ nghĩa nhân đạo": nếu ở phương Tây chủ nghĩa nhân đạo xuất hiện từ thời Phục hưng để phản ứng lại thần quyền của đức Chúa trời, thì chủ nghĩa nhân đạo là nền móng của văn hoá - hệ giá trị phương Đông; tuy vậy, đôi bên đều nhất trí thời đại ngày nay hơn bao giờ hết phải tập trung vào mục tiêu phấn đấu vì con người - vì sự độc lập, tự do, nhân phẩm của con người, và họ nêu lên một tên gọi mới "chủ nhân đạo mới", mà đạo Phật là một mô hình, được phân tích ở ba cấp độ: triết học - nhân học, đạo đức và giáo dục6. Ba cấp độ, theo chúng tôi cần nhấn mạnh, đều mang nội dung cốt lõi tập trung vào con người, nên thuật ngữ "humanism" chuyển dịch thành chủ nghĩa nhân văn - nhân đạo.

Phong trào giải phóng dân tộc từ đầu thế kỷ XX thấm đượm chủ nghĩa nhân văn: công cuộc giải phóng con người gắn liền với công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, và cả nhân loại, như Ph.Ăngghen đã chỉ ra: "... hiện nay đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức mình (tức là giai cấp tư sản) được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức và khỏi cuộc đấu tranh giai cấp"7. Từ những năm đó - những năm 20 của thế kỷ trước - Nguyễn Ái Quốc với tình cảm thiết tha yêu thương con người, cả dân mình và khắp thế gian, và lòng yêu nước sâu sắc đã dấn thân hiến dâng cả đời mình vì dân tộc được hoàn toàn độc lập, con người được hoàn toàn tự do, và đã trở thành người chiến sĩ tiêu biểu, lỗi lạc của phong trào này - Người là "hiện thân của chủ nghĩa nhân văn cao cả, chủ nghĩa nhân văn cộng sản, là một con người nhân ái, vị tha"8.

2. Nghiên cứu Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh

Có rất nhiều sách báo, cả trong nước lẫn nước ngoài viết về Hồ Chí Minh, vì vậy, khó làm được một tổng quan. Có một nhận xét chung là nhiều công trình trong số đó với độ nông sâu khác nhau, dưới khía cạnh này hay khía cạnh khác, ít nhiều đều có ý tưởng tiếp cận với chuyên đề "chủ nghĩa nhân văn", vì đó chính là một nội dung không thể thiếu khi nói về nhân cách Hồ Chí Minh. Xin nêu một vài trường hợp tiêu biểu. Chẳng hạn, đồng chí Phạm Văn Đồng năm 1926 đã tham gia lớp học do Người dạy, về sau từ những năm 1940 đến 1969, suốt gần 30 năm trực tiếp làm cộng sự, sống và làm việc trực tiếp với Người, đến năm 1990 mới hoàn thành một công trình khoa học rất sâu sắc về con người Hồ Chí Minh, đi đến một nhận định khái quát rất chính xác: "Chất con người Hồ Chí Minh là chất Việt Nam, chất cách mạng, chất cộng sản, chất nhân văn... Hồ Chí Minh là người của chủ nghĩa nhân đạo theo ý nghĩa đầy đủ nhất''9. Có thể nói, đối với Hồ Chí Minh chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo trong cùng một vòng tròn lôgíc, gắn liền với tư tưởng cộng sản Mác-Lênin, được nuôi dưỡng trên mảnh đất Việt Nam và các giá trị nhân văn Việt Nam vừa làm điểm xuất phát vừa là mục tiêu thường trực của cách mạng Việt Nam. Người đã mang tinh hoa văn hóa Đông - Tây và tinh thần nhân ái Việt Nam "ái quốc, ái dân" giáo dục, động viên, khơi dậy khát vọng, nhiệt tình, lý chí ở đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đứng lên tự giải phóng dân tộc, giai cấp và bản thân con ngườiĐồng chí Phạm Văn Đồng viết: "Hồ Chí Minh là hiện thân của tình thân ái..., giàu lòng khoan dung". Tác phong Hồ Chí Minh là một điểm nổi bật trong nhân cách của Người, nói khái quát, là tin ở dân và dựa vào dân, gắn bó với Đảng và dân tộc: lòng tin vào con người là một nét cơ bản của chủ nghĩa nhân văn.

Trong một số tài liệu nghiên cứu về nhân cách Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh một số nội dung của chủ nghĩa nhân văn, như "thương người, quý người, nâng đỡ con người..., khiêm tốn, giản dị..., yêu thiên nhiên, hòa hợp với thiên nhiên..."10. Tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa nhân văn - nhân đạo chính là Con người - yêu thương con người, quý trọng con người, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả vì con người, như Võ Nguyên Giáp viết: nếu như khi còn trẻ, trong "số 1 Le Paria", Bác Hồ đã chú trọng "vấn đề con người và giải phóng con người", thì 43 năm sau, đến cuối đời, trong Di chúc Bác vẫn căn dặn lại sau khi chiến tranh kết thúc "đầu tiên là công việc đối với con người", "tư tưởng về con người, về giải phóng và phát triển con người, coi con người là nhân tố quyết định thành công của cách mạng quán xuyến toàn bộ sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tin dân mãnh liệt, lại thương dân hết mực..."11.

Nghiên cứu "tư tưởng Hồ Chí Minh", chưa có nhiều công trình tập trung trực tiếp viết theo chủ đề "Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh". Không có ý định làm một tổng quan về vấn đề này, chúng tôi xin được nhắc tới Hội thảo do Viện Nghiên cứu Con người thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức năm 2001, kỷ yếu xuất bản năm 200312; ở Hội thảo này có hai bài lấy tiêu đề "Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh": bài thứ nhất của chuyên gia cao cấp Việt Phương, bài thứ hai của Phạm Minh Hạc; ngoài ra có bài "Ý nghĩa nhân văn trong Di chúc...", có bài "Tình yêu đối với con người..." có cách tiếp cận sát với chủ đề nghiên cứu này. Trong bài của mình Việt Phương viết: "Nhắc đến Hồ Chí Minh là chúng ta liên tưởng ngay đến tư tưởng nhân văn... Hồ Chí Minh là người trong suốt đời mình tìm kiếm giá trị con người... Một trong những cống hiến to lớn của Hồ Chí Minh đối với loài người là chủ nghĩa nhân văn về con người được thể hiện rõ nét mang đậm tính dân tộc"13. Ông đã đúc kết năm điểm của "chủ nghĩa nhân văn và chất nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh" như sau: l) coi trọng từng người, đào tạo, thức tỉnh từng người; 2) biết đánh giá, sử dụng, phát huy năng lực của từng người; 3) thận trọng, chăm lo, tạo điều kiện hoàn thiện nhân cách của từng người; 4) thực sự bình đẳng giữa các cá nhân con người; 5) hiểu được nhu cầu tự khẳng định của từng người. Năm điểm này vừa cụ thể hóa vừa có phần bổ sung vào những khái quát trình bày ở trên, hoàn thiện dần hệ thái độ đối với con người từ góc độ một con người bình thường đến một nhà chính trị, một nhà lãnh đạo quốc gia, một lãnh tụ của Đảng, một nhà giáo dục, cả dưới góc độ tâm lý học (nói tới nhu cầu tự khẳng định mình trong thang nhu cầu của nhà tâm lý học nhân văn Mátslâu ( 1908- 1970) ở Mỹ.

Bài thứ hai mang tiêu đề "Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh phương pháp luận nghiên cứu con người"14. Đây là phương châm xây dựng và phát triển của Viện Nghiên cứu Con người gắn liền với nghiên cứu nguồn nhân lực trong dòng chảy văn hóa như là một chân kiềng của công cuộc phát triển bền vững đất nước theo tinh thần kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nêu bật phép biện chứng "truyền thống - hiện đại" trong tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ ra nghiên cứu con người phải theo quan điểm lịch sử, quan điểm phát triển và quan điểm thực tiễn. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là phương pháp luận nghiên cứu con người bao gồm ba quan điểm đó, và là nội dung cơ bản xây dựng và phát triển nền giáo dục nhân văn là yêu cầu mới của thời đại thông tin, công nghệ mới, mở cửa, hội nhập: tăng cường giáo dục công nghệ luôn luôn phải đi liền với tăng cường giáo dục nhân văn - giáo dục con ngườiTrong bài thứ hai này tác giả đã nêu lên bốn nội dung của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, như lòng yêu thương con người, coi trọng con người, giải phóng con người, con đường thực hiện triết lý nhân văn.

3. Chủ  nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh không nói trực tiếp vào chủ đề này. Các trước tác của Người được khái quát lên thành "tư tưởng Hồ Chí Minh" chính thức bắt đầu từ Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam (2001). Tôi rất đắn đo suy nghĩ, mạnh dạn đề ra mục này, nội dung rất khó, rất phong phú, cách diễn đạt (trình bầy) không đơn giản chút nào, phải dày công tìm tòi, phát hiện. Trước đây, nhiều dịp kỷ niệm ngày sinh của Người, tôi có viết một số bài vận dụng tư tưởng của Người vào giáo dục và tâm lý học. Trong suốt quá trình đó, nhất là bước vào thời đại mới - cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI - khi thực tiễn và lý luận giáo dục đòi hỏi phải đào sâu và phổ biến rộng rãi giáo dục nhân văn, tôi không rời ý tưởng nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh vào nghiên cứu con người, qua đó vào giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình, giáo dục xã hội. Rất may, những học trò lỗi lạc và cũng là các cộng sự rất đắc lực, sống và làm việc bên Người suốt mấy thập kỷ, họ là các bậc trí giả tiêu biểu nhất của đất nước trong thời đại Cách mạng Tháng Tám, đã chỉ ra các nội dung cơ bản và cả các tên gọi của chủ đề nghiên cứu này, mà chúng tôi lấy làm tư tưởng xuất phát điểm cho bài viết này. Theo đó, tôi đề xuất nội dung sau đây của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh:

Thứ nhất, yêu thương vô hạn con người, nhất là người bị áp bức, nghèo khổ. Để giải phóng khỏi ách thực dân đô hộ, muốn xây dựng đất nước, từ năm 1925 Nguyễn Ái Quốc đã khuyên, dân mình phải "hãy thương yêu nhau, cùng nhau đoàn kết" - trong thời điểm đó dân mình sống một đời nô lệ cùng khổ, nhục nhã, và cả sau này, suốt cả tiến trình cách mạng, đấy chính là nội hàm cực kỳ quan trọng của chữ "Tâm" mà Nguyễn Ái Quốc xếp lên đầu, trước "tài và lực"15. Nói một cách dân giã, "Tâm" là "tình nghĩa", Bác Hồ có một cách hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin hết sức độc đáo, rất Việt Nam, Bác nói: "Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa"16. Tình thương là động lực của cuộc sống, đoàn kết là sức mạnh của cộng đồng, dân tộc. Đấy là chân lý cao đẹp nhất trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Trong Di chúc Bác đã "để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng".

Thứ hai, coi trọng con người. Trong xây dựng nền văn hóa dân tộc của một xã hội tốt đẹp, Hồ Chí Minh hết sức coi trọng yếu tố tâm lý con người, xây dựng yếu tố này được coi là số 1, sau đó mới đến "xây dựng luân lý, xây dựng xã hội, xây dựng chính trị, xây dựng kinh tế"17, coi trọng tâm tư, ước vọng, nhu cầu của con ngườiChủ tịch đã cống hiến cả đời mình mong sao nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Mục tiêu của cách mạng là "tất cả vì con người".

Thứ ba, giải phóng con người khỏi áp bức, nô lệ, nghèo khổ, lầm than. Đó là lý tưởng kiên định suốt đời Người. Từ ngày còn là học sinh trung học Nguyễn Tất Thành đã quan tâm tìm hiểu tư tưởng "Tự do, Bình đẳng, Bác ái" của cách mạng Pháp, càng hiểu tư tưởng này, Người càng căm thù bọn thực dân Pháp, và quyết tâm đi tìm đường cứu dân, cứu nước, cả nước mình cả các nước thuộc địa khác, khỏi ách nước ngoài đô hộ. Tháng 5-1923, trong bài Kỷ niệm báo Le Paria Người đã nêu khẩu hiệu "Sự nghiệp giải phóng những người bị ngược đãi muôn năm!"l8. Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp cũng nhằm vào giải phóng con người.

Thứ tư, khoan dung. Nguyễn Ái Quốc dành trang đầu Đường cách mệnh (1927)19 cho mục "Tư cách người cách mạng" cần có 23 thái độ với bản thân, với người khác và với công việc; trong "Thái độ đối với người khác" thái độ đầu tiên Bác viết: "Với từng người thì khoan thứ", ngày nay gọi là "khoan dung", theo nghĩa thông thường, là rộng lượng (có khi nói lượng thứ), không chấp nhặt, biết thông cảm, đồng cảm, chia sẻ, tất nhiên không khoan nhượng, hơn nữa phải đấu tranh với những hành vi lệch lạc, sai trái. Vì mục tiêu hòa bình, bác ái, Liên hợp quốc đã lấy năm 1995 là năm khoan dung. Một xã hội tốt đẹp thể hiện ở thái độ giữa con người với con người, trong đó thái độ khoan dung, thương yêu con người, tôn trọng con người là hạt nhân. Giáo dục nhân văn bắt đầu từ đó và mục tiêu quan trọng nhất là nhằm vào đó, như Bác Hồ đã viết để huấn luyện cho những cán bộ cách mạng đầu tiên của chúng ta.

Thứ năm, sử dụng đúng từng người. Phương châm hoạt động Hồ Chí Minh quán triệt suốt đời: cách mạng là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Vì vậy, ở đâu Người cũng quan tâm chăm sóc đội ngũ cán bộ làm nòng cốt và chỉ đạo phong trào, các tầng lớp nhân dân. Muốn sử dụng đúng cán bộ, phải đánh giá đúng con người, sắp xếp họ vào đúng công việc, phát huy tối ưu giá trị bản thân từng người. Ngày nay, nhiều tác giả, cả trong nước lẫn ngoài nước, đều nhắc lại thành phần Chính phủ Cụ Hồ, như là một tấm gương sáng về chính sách dùng người, từ trí thức đến công nông, từ người già đến người trẻ, đặc biệt chú ý tới người tài (tháng 11-1945 Bác viết bài Nhân tài và kiến quốc, tháng 11-1946 Bác ban hành công văn Tìm người tài đức về sau được gọi là Chiếu cầu hiền tài). Mỗi người phải tự kiến tạo thành một hệ giá trị và cả xã hội có trách nhiệm phát huy tác dụng của hệ giá trị bản thân của mọi người - đó là nguồn tài nguyên vô tận giữ vai trò hàng đầu tạo nên của cải, phúc lợi xã hội.

Thứ sáu, một triết lý hành động. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh không chỉ là một triết lý đơn thuần theo nghĩa thông thường, mà như C.Mác nói trong Luận cương Phoiơbắc, đó là triết lý hành động - cải tạo thế giới. Cụ thể là, từ tình thương yêu con người, nhất là những người nghèo khổ, bị áp bức, đàn áp, yêu nước, yêu dân mà Bác đã thấy tận mắt và cảm nhận sâu đậm từ trong nước đến những năm bôn ba khắp các châu lục, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam, đề ra chiến lược, chiến thuật tổ chức và lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh đã có sức hấp dẫn, lôi cuốn các giai tầng xã hội, và đã là nguồn cổ vũ tạo nên sức mạnh tinh thần cho các cán bộ, chiến sĩ vượt qua cực hình trong lao tù, khó khăn gian khổ trong chiến đấu, sẵn sàng theo tiếng gọi của người "Thà hy sinh tất cả, không chịu làm nô lệ" - và biết bao cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đã hiến thân mình, con cháu mình, của cải của gia đình mình... cho Tổ quốc và bản thân chúng ta ngày nay có cuộc sống đổi mới trong hòa bình, thống nhất, sánh vai với các nước năm châu bốn biển.

Những điều trình bầy ở trên, tuy còn sơ sài, mới chỉ là một phác thảo ban đầu, có lẽ là nêu vấn đề nhiều hơn là giải quyết vấn đề, nhưng cũng đã cung cấp một số tư liệu, ý tưởng làm cơ sở để khẳng định: chủ nghĩa Mác-Lênin là kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh - cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh - là nền tảng lý luận trực tiếp của đường lối phát triển bền vững của Việt Nam.

___________

1. L.H.Moocgan: Các hệ thống quan hệ dòng máu và quan hệ hôn nhân, 1871. Theo Bách Khoa toàn thư Vikipêđia (BKTV), mạng Gugôn (Google), tiếng Anh.

2. Từ điển Từ Hải, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, 1999.

3. Trần Trọng Kim: Nho giáo trọn bộ, Nxb. Văn học, H.2003, tr.45-57.

4. BKTV mục từ “Chủ nghĩa nhân đạo”, tiếng Anh, 28-2-2010.

5. Stelio Farandjis: Nói tiếng Pháp và chủ nghĩa nhân đạo (tiếng Pháp), Nxb.Tougui, Paris, 1989, tr.338-340.

6. Giôjep Đecbôlap, Đaisacu Ikêđa: Tìm chủ nghĩa nhân đạo mới (tiếng Anh), Nxb.Weatherhill, Niu Oóc – Tookyô, 1992, tr.43-46.

7. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.1995, t.21, tr.12.

8. Võ Nguyên Giáp: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng và phát triển con người. Trong kỷ yếu Tư tưởng Hồ Chí Minh – Phương pháp luận nghiên cứu con người, do Phạm Minh Hạc, Phạm Thành Nghị, Trịnh Thị Kim Ngọc (chủ biên), Nxb. Khoa học xã hội, H.2003, tr.17-39.

9. Xem Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại một sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1990.

10. Trần Văn Giàu: Nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong kỷ yếu Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc,  danh nhân văn hóa, Nxb.Khoa học xã hội, H.1990.

11, 12. Võ Nguyên Giáp: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng và phát triển con người. Trong kỷ yếu Tư tưởng Hồ Chí Minh – Phương pháp luận nghiên cứu con người, do Phạm Minh Hạc, Phạm Thành Nghị, Trịnh Thị Kim Ngọc chủ biên. Nxb. Khoa học xã hội, H.2003, tr.17-39.

13. Việt Phương: Chủ nghĩa nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh (Kỷ yếu), tr.112-118.

14. Phạm Minh Hạc: Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh – Phương pháp nghiên cứu con người (Kỷ yếu), tr.148-156.

15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.440 – 441.

16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr. 554.

17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.3, tr. 341.

18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.463.

19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.257.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website