Nét đặc sắc trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh

   PGS, TS. Trần Văn Phòng

 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh 

Chủ nghĩa nhân văn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là ngọn nguồn, cơ sở, nền tảng quy định toàn bộ mục đích sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Bởi lẽ, cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh không nhằm gì hết ngoài mục đích “hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng con người. Ngay trước lúc đi xa, từ biệt thế giới này, Người cũng không có gì phải hối hận, “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”1. Cả cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chủ tịch “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”2. Sâu thẳm trong mong muốn tột bậc đó của Hồ Chí Minh chính là tấm lòng yêu thương con người hết mực, trước hết là tình yêu thương nhân dân lao động và khát vọng cháy bỏng giải phóng họ khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công. Đó chính là chủ nghĩa văn Hồ Chí Minh.

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh xét về bản chất là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản cao cả nhằm mục tiêu giải phóng con người, trước hết là giải phóng những người lao động khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công. Nhưng muốn giải phóng được người lao động, trước hết theo Người, phải giaỉ phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Với những dân tộc chưa được độc lập thì trước hết phải giải phóng dân tộc. Bởi lẽ, dân tộc chưa được độc lập thì nhân dân không thể có tự do, hạnh phúc, không thể được giải phóng. Nếu nước mất thì ai cũng phải làm nô lệ. Dân tộc có được độc lập thì mới có cơ sở, điều kiện để mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, tức là mới có điều kiện, cơ sở để giải phóng được nhân dân lao động khỏi mọi hình thức áp bức, bất công, bóc lột trên thực tế. Nhưng độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội thì độc lập dân tộc mới bền vững, hạnh phúc, tự do của nhân dân mới đạt được thực sự, người lao động mới được hoàn toàn giải phóng. Hồ Chủ tịch đã từng nhấn mạnh “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”3. “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”4. Để thực sự giải phóng được nhân dân lao động ở nước ta, theo Hồ Chủ tịch “Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp. Chúng ta phải tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư nhân, đối với thủ công nghiệp. Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và và đời sống tươi vui hạnh phúc. Chúng ta lại phaỉ tiến hành những nhiệm vụ đó trong điều kiện đặc biệt của nước ta, nghĩa là trên cơ sở của một xã hội vừa mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu..”5. Rõ ràng, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh gắn bó hữu cơ với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cũng vì vậy, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chân chính.

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh có những nét đặc sắc sau:  

Thứ nhất, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là sự kết tinh độc đáo những giá trị của chủ nghĩa nhân văn Việt Nam với chủ nghĩa nhân văn của nhân loại và được nâng lên một tầm cao mới phù hợp với thực tiễn thời đại trên cơ sở chủ nghĩa nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh có nguồn cội trong lịch sử tư tưởng và thực tiễn của dân tộc Việt Nam và thời đại. Ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Sinh Cung đã tiếp thu được truyền thống  yêu quê hương, đất nước, tình yêu thương con người, tinh thần nhân nghĩa, khoan dung, độ lượng, vị tha từ gia đình, từ người thân và qua thực tiễn cuộc sống mà Người trải nghiệm. Sinh ra ở vùng quê giàu truyền thống yêu quê hương, đất nước, Nguyễn Sinh Cung sớm biết cảm thông sâu sắc với nỗi vất vả nhọc nhằn của người lao động. Ngay từ khi còn nhỏ Người đã rất xúc động trước cảnh những người dân Nghệ An ốm yếu nhưng vẫn bị bọn thực dân Pháp bắt lao động nặng nhọc đắp đường ở Cửa Rào. Ở Đắc-ca, Người đã khóc nức nở khi thấy những công nhân khuân vác bị nước cuốn trôi và Người cũng ngậm ngùi khi nhớ lại cảnh đau lòng tương tự đó ở Phan Rang. Người đã rất phẫn nộ trước hành động dã man của bọn phân biệt chủng tộc khi hành hình những người da đen và cả những người da trắng tiến bộ theo kiểu Lyn-xơ. Chính tình yêu thương con người, trước hết là những người lao động một cách chân tình của Hồ Chí Minh là động cơ cho hoạt động cách mạng, là nền tảng của chủ nghĩa nhân văn của Người. Hồ Chí Minh cũng sớm tiếp thu được tinh thần “nhân”, “lễ”, “nghĩa” của Nho giáo - đã được Việt hóa, cũng như tấm gương về tinh thần yêu nước của những sỹ phu đương thời. Truyền thống nhân đạo, khoan dung, độ lượng của dân tộc Việt Nam được Hồ Chủ tịch tiếp thu và cũng chính Người đã làm cho truyền thống này nâng lên tầm cao mới về chất khi Người bổ sung, làm giàu nó bằng chủ nghĩa nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi ấy, chủ nghĩa nhân văn của Người đã trở thành chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chân chính. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh lấy nguyên lý giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động làm điểm xuất phát và mục tiêu nhưng lại gắn chặt với nguyên lý giải phóng con người, giải phóng giai cấp của chủ nghĩa Mác-Lênin. Những nguyên lý, phạm trù “nhân”, “nghĩa”, “kiêm ái” ở Triết học phương Đông; tư tưởng yêu nước truyền thống Việt Nam; lòng từ bi của đạo Phật, lòng bác ái của đạo Thiên chúa; phạm trù bình đẳng, tự do, bác ái, ngọn cờ cách mạng dân chủ, tư tưởng nhân quyền và dân chủ phương Tây, v.v.. đã được Hồ Chí Minh tiếp thu, kế thừa có chọn lọc trên lập trường mới. Lôgíc và lịch sử kết tinh những giá trị tinh hoa của những tư tưởng nhân văn ấy bởi Hồ Chí Minh đã mở ra  một con đường độc đáo cho hội nhập văn hoá Đông - Tây, cho sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống nhân văn Việt Nam và tinh hoa nhân văn của thế giới, của thời đại. Trên cơ sở đó xuất hiện chủ nghĩa nhân văn chân chính, tiến bộ, cao cả nhất trong thời đại ngày nay. Đó chính là chủ nghĩa văn Hồ Chí Minh. Cũng vì vậy, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh vừa thấm đượm tính thần nhân văn Việt Nam vừa mang mang bản chất nhân văn nhân loại, vừa mang bản chất nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng cũng đầy tính thực tiễn và tính thời đại.

   Thứ hai, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn duy vật. Chủ nghĩa nhân văn duy vật Hồ Chí Minh khác hoàn toàn với chủ nghĩa nhân văn thuần túy - chỉ là sự yêu thương, cảm thông đơn thuần với  nỗi khổ của con người nói chung. Chủ nghĩa nhân văn duy vật  Hồ Chí Minh không đơn thuần chỉ là những cảm xúc, nhữmg suy tư, những sự cảm thông về thân phận con người. Chủ nghĩa nhân văn duy vật Hồ Chí Minh còn là khát vọng cháy bỏng muốn tìm ra con đường hiện thực nhằm giải phóng con người, trước hết là giải phóng người lao động. Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng của quần chúng, qua tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, qua tổng kết lịch sử đấu tranh của dân tộc, Người chỉ ra rằng chỉ có giải phóng dân tộc và đi theo chủ nghĩa xã hội thì người lao động mới triệt để được giải phóng. Đây chính là con đường duy vật, hiện thực giải phóng người lao động trong chủ nghĩa  nhân văn duy vật Hồ Chí Minh. Con đường này có cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn khoa học đúng đắn. Ngay từ khi còn đang hoạt động cách mạng ở Pháp, vào đầu năm 1923, trong bài báo Truyền đơn cổ động mua báo Le Paria, Người đã viết: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”6.

Tinh thần duy vật trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh còn thế hiện ở chỗ, tinh yêu thương con người bao la, rộng lớn ở Hồ Chí Minh không chung chung, trừu tượng; không dừng ở lời nói, lý thuyết mà là sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương rất đỗi chân tình, cụ thể đến từng  con người mà Hồ Chủ tịch có thể quan tâm. Hồ Chí Minh quan tâm từ các em bé đến các cụ già, từ các cháu cháu thiếu niên, nhi đồng đến các chiến sĩ, các đồng chí thương, bệnh binh; từ một Việt kiều yêu nước đến những người là nạn nhân của chế độ xã hội cũ,v.v.. Ngay khi giữ cương vị Chủ tịch nước, bận trăm công nghìn việc nhưng Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian quan tâm  tới mọi tầng lớp nhân dân.Trong khoảng hơn 10 năm từ 1955- 1965, Hồ Chí Minh đã thực hiện trên 700 lượt thăm các công trường, xí nghiệp, nhà máy, hợp tác xã nông nghiệp, trường học, các đơn vị bộ đội, thăm các cụ phụ lão,v.v.. Đó là sự quan tâm chân tình của Người tới các tầng lớp nhân dân. Tình thương yêu con người ở Hồ Chí Minh rất đỗi tự nhiên, rất giản dị nhưng chân tình, đầy sự chia sẻ, cảm thông. Do vậy, Người “luôn nói những lời, làm những việc mà mỗi người lao động chờ mong, cảm hóa nhân sĩ, trí thức, thuyết phục được người do dự, phân vân, trân trọng từ các cháu thanh niên và thiếu nhi, chan hoà, gần gũi với những người giúp việc quanh mình, nâng niu từng nhân cách"7. Ngay trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người vẫn dành nhiều trang thể hiện sự chú ý, tình yêu thương, sự quan tâm đến từng tầng lớp nhân dân sau chiến tranh. Người căn dặn Đảng và Chính phủ: “Việc đầu tiên là công việc đối với con người.

Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cách sinh”.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệ sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh  và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.

Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong…Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc..

...Đảng và chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo.

Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,v.v., thì Nhà nước phaỉ dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.8”. Đối với nông dân, Người để nghị sau chiến thắng đế quốc Mỹ nên miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất. Rõ ràng, tinh thần nhân ái, yêu thương con người ở Hồ Chí Minh rất đỗi chân thành, cụ thể, chi tiết, thiết thực không chung chung, trừu tượng. Đó chính là tinh thần duy vật, hiện thực trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

  Thứ ba, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn hành động (chủ nghĩa nhân văn thực tiễn). Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng định, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh “là chủ nghĩa nhân văn khoa học, hiện thực và cách mạng. Người ta thường cho rằng Hồ Chí Minh là một nhà triết học hành động, thì cũng có thể nói nhà nhân văn Hồ Chí Minh là một nhà nhân văn hành động, hành động nhằm giải phóng con người9. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh có sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm, nhằm “biến” những tư tưởng, ý chí, tình cảm yêu thương con người thành những hành động cụ thể, thiết thực để giải phóng con người chứ không phải là những “lời nói suông”, những câu khẩu hiệu giải phóng con người chung chung. Chủ nghĩa nhân văn hành động này nhằm mục tiêu giải phóng con người mà trước hết là những người lao động trên thực tế. Vì vậy, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh khác với những tư tưởng thương người của tôn giáo cũng như những tư tưởng nhân văn thời kỳ Khai sáng của châu Âu. Ngay từ khi còn trẻ, Người đã nhận thấy các phong trào yêu nước  như phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, hay các hình thức đấu tranh của Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn, Nguyễn Thái Học đều không mang lại kết quả. Cho nên Người đã sớm ý thức được rằng “muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”10. Nghĩa là muốn cứu nước, giúp đồng bào đánh đổ thực dân để giải phóng dân tộc, trên cơ sở đó giải phóng nhân dân thì không thể ngồi im chờ đợi mà phaỉ đi tìm đường cứu nước, phải hành động.

  Thứ tư, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh có sự thống nhất hữu cơ giữa tình yêu thương con người với lòng bao dung, độ lượng và niềm tin vào sức mạnh,  phẩm giá con người của Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh không chỉ là tình yêu thương con người mà còn là tấm lòng bao dung, độ lượng, là niềm tin của Hồ Chí Minh vào sức mạnh, phẩm giá con người, trước hết là niềm tin vào sức mạnh của nhân dân lao động. Giữa tình yêu thương con người với tấm lòng bao dung, độ lượng và niềm tin vào sức mạnh, phẩm giá con người có sự thống nhất hữu cơ với nhau trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Vì yêu thương con người hết mình, nên Hồ Chí Minh rất khoan dung, độ lượng với những người khác dù người đó là ai. Ngay cả những người lầm đường, lạc lối đã có lúc đi ngược lại lợi ích của dân tộc, Hồ Chí Minh vẫn thể hiện sự bao dung, độ lượng vị tha. Đối với những người do hoàn cảnh đưa đẩy mà lầm đường, lạc lối Hồ Chí Minh cũng muốn cảm hoá họ, lôi cuốn họ về với nhân dân. Sự cảm hoá của Người đối với những người lầm đường, lạc lối rất giản dị, mộc mạc nhưng chân tình, thấm đượm lòng nhân ái, khoan dung, đức độ. Người viết: " Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ."11. Với ngụy binh Người cũng thể hiện sự bao dung, độ lượng muốn họ bỏ Pháp quay về với nhân dân, Tổ quốc. Lời kêu gọi của Người đối với những ngụy binh đã thể hiện rất rõ sự cảm thông, lòng vị tha nhân từ, bao dung, độ lượng của Hồ Chí Minh: "Tôi biết rằng: các người đều là con dân nước Việt, song vì bị Pháp bắt buộc, hoặc bị chúng lừa gạt, cho nên đi lính cho chúng. Chứ thật không ai muốn " cõng rắn bắt gà nhà", " rước voi giày mả tổ", chống lại Tổ quốc để mang tiếng Việt gian"12. Đối với tù binh, Hồ Chí Minh có thái độ khoan hồng, độ lượng với họ vì theo Người, họ cũng là người. Vào tháng 12 năm 1946, trong thư Gửi các tù binh Pháp, Hồ Chủ tịch đã viết: “Tôi rất lấy làm phiền lòng vì thấy các người đang ở trong tình trạng thế này. Tôi coi các người như là bạn của tôi”13. Dễ mấy khi mà chúng ta có thể thấy một vị Chủ tịch nước mà viết cho tù bình đối phương những lời như vậy? Rõ ràng, phải là một người có tấm lòng bao dung, độ lượng, nhân ái bao la mới có thể viết được như vậy. Ngay đối với những người lính Pháp tử trận, Hồ Chí Minh cũng dành cho họ sự thương xót chân tình, đầy tình người: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong.

Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”14. Đối với con người nói chung, Hồ Chí Minh luôn khuyến khích, nâng đỡ, hướng họ tới chân-thiện-mỹ; khơi dậy ở con người mặt tốt, giúp họ vươn lên, khẳng định mình,v.v..

Hồ Chí Minh có được tấm lòng bao dung, độ lượng là bởi Người có niềm tin mãnh liệt  vào sức mạnh, phẩm giá, tính hướng thiện của con người, trước hết là niềm tin vào sức mạnh, phẩm giá, tính hướng thiện của quần chúng nhân dân lao động. Hồ Chí Minh tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, bởi lẽ, Người thấy được sức mạnh vĩ đại ở nhân dân. Người thường nhắc lại nhiều lần câu nói của đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Trong Di chúc, Người còn căn dặn cán bộ, đảng viên rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là hết sức khó khăn, gian khổ. Nhưng "để thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân"15. Chính niềm tin mãnh liệt vào quần chúng nhân dân của Hồ Chí Minh đã cảm hoá được lòng người, thu phục được nhân tâm của nhiều nhân sĩ, trí thức có tên tuổi cũng như những quan chức cao cấp của các chế độ cũ. Như vậy, niềm tin vào sức mạnh, phẩm giá của con người, trước hết là niềm tin vào sức mạnh, phẩm giá của nhân dân ở Hồ Chí Minh là điểm tựa vững chắc cho tấm lòng bao dung, độ lượng của Người. Tấm lòng bao dung, độ lượng, niềm tin vào sức mạnh, phẩm giá con người lại càng  củng cố, nâng cao tình yêu thương con người ở Hồ Chí Minh. Đó cũng là nét đặc sắc rất riêng trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Những nét đặc đặc sắc trên trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh thống nhất hữu cơ với nhau, tác động, bổ sung cho nhau, cùng nhau làm nên nét riêng chỉ có trong chủ nghĩa nhân văn của Người.

Với những nét đặc sắc trên mà chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh có giá trị hết sức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Bởi lẽ, Đảng ta cũng không có mục đích nào khác ngoài mục đích phục vụ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, phục vụ nhân dân. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh có sức lay động hàng triệu triệu con tim và khối óc không chỉ biết cảm thông, chia sẻ với nỗi đau, sự nhọc nhằn của con người mà quan trọng hơn là thức tỉnh mọi người đứng lên đấu tranh cho cuộc sống hạnh phúc, ấm no của mỗi người. Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh còn có giá trị thức tỉnh nhân dân các dân tộc trong cuộc đấu tranh chống nạn áp bức dân tộc, bất công xã hội, chống nghèo đói, lạc hậu, dốt nát, hướng tới độc lập tự do, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, dân tộc và nhân loại. Thực tiễn cuộc sống luôn đổi thay, bản thân Hồ Chí Minh đã từ biệt chúng ta về với vĩnh hằng nhưng những giá trị trong chủ nghĩa nhân văn của Người sẽ vĩnh hằng cùng thời gian và nhân loại!

_________________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.512.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.161.

3,4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.56, 152.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.493-494.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.461.

7. Xem: Các chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2004, tr.642.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.503-504.

9. Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2003, tr.281.

10. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb.Sự thật, H.1975, tr.13.

11, 13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.246-247,457.

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.332.

14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.448.

15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.505.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website