Vũ Trọng Kim
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Trước hết, tôi nhiệt liệt hoan nghênh Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã có sáng kiến và chuẩn bị công phu Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay" nhằm thiết thực kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong không khí thân mật này, tôi xin gửi đến các đại biểu tham dự Hội thảo những tình cảm chân thành và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; kiến trúc sư vĩ đại và linh hồn của đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất; Người là vị cứu tinh của dân tộc đã mở ra thời đại mới cho dân tộc Việt Nam - thời đại độc lập - tự do và chủ nghĩa xã hội; Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực; Người bạn thân thiết của các dân tộc đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trước lúc ra đi, Người đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta những di sản vô giá và một trong những di sản đó là tư tưởng của Người - tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam. Đó là hệ thống những quan điểm toàn diện, nhất quán và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Từ cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là cuộc cách mạng thuộc địa từ giải phóng dân tộc đến giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.
Trong hệ thống những quan điểm đó nổi lên tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận dân tộc thống nhất. Tư tưởng đó không chỉ có giá trị lớn lao trong thế kỷ XX đối với dân tộc ta và nhiều dân tộc khác trên thế giới, mà nó trường tồn với thời gian.
Theo Hồ Chí Minh: Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Cách mạng muốn thành công phải có lực lượng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng xã hội mới. Việc xây dựng lực lượng trong nước có ý nghĩa quyết định "để tự ta giải phóng cho ta". Theo Người, muốn có lực lượng thì phải thực hành đoàn kết vì đoàn kết là một lực lượng vô địch. Người cho rằng cách mạng là công việc chung của dân chúng chứ không phải là công việc của một vài người. Cách mạng là một việc khó nhưng biết cách làm, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc chắn làm được.
Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối. Đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù. Người viết: "Nhờ đại đoàn kết mà trong bao nhiêu thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết toàn dân mà nước Việt Nam chúng tôi nhất định sẽ thống nhất"1.
Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh có ý nghĩa chiến lược. Đó là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng có thể tập hợp được nhằm hình thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh với kẻ thù.
Người căn dặn những người cách mạng Việt Nam: Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp cho phù hợp với những đối tượng khác nhau, nhưng đại đoàn kết dân tộc phải luôn luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Đại đoàn kết dân tộc là một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng, được xây dựng trên cơ sở lấy lợi ích tối cao của đất nước và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động làm nền tảng; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích gia đình với lợi ích xã hội, lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc.
Lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, là "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Đó là một mục tiêu, một nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Đấy là nguyên tắc "bất biến" trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Lấy cái bất biến, cái thống nhất, cái chung, cái ổn định làm điểm tương đồng mà điều hòa, giải quyết cái vạn biến, tức cái khác biệt về lợi ích, về ý kiến, về thị hiếu, về thành phần xã hội vốn có trong nhân dân, trong xã hội.
Những lợi ích cơ bản của nhân dân lao động được biểu hiện cụ thể trong từng giai đoạn cách mạng. Để giải quyết đúng đắn mối quan hệ đó, theo Hồ Chí Minh, trước hết phải xử lý đúng mối quan hệ cốt lõi giữa giai cấp và dân tộc: "Dân tộc không độc lập thì giai cấp vạn năm không được giải phóng và nhân dân ta mãi mãi phải chịu kiếp ngựa trâu. Và: "Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập đó chẳng có nghĩa lý gì"2,"...Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ..."3.
Trong mối quan hệ đó, vai trò lãnh đạo và lợi ích giai cấp công nhân chỉ có thể được đảm bảo khi giai cấp công nhân trở thành trung tâm liên kết các giai cấp, tầng lớp trong xã hội và đại diện cho lợi ích chung nhất của các giai cấp, tầng lớp, tức là giai cấp công nhân phải tự trở thành dân tộc, phải giương cao ngọn cờ dân tộc. Đi đôi với việc nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giai cấp với dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh sự kết hợp chặt chẽ giữa dân tộc với quốc tế.
Vì vậy, muốn cách mạng thành công, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải được quán triệt trong mọi đường lối, chủ trương của Đảng - lực lượng lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam, trong chính sách, pháp luật của Nhà nước - cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ: Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng, được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu"4.
Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, mà còn là mục tiêu, mục đích, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Như vậy, đại đoàn kết dân tộc chính là đòi hỏi khách quan của bản thân quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình, là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, biến những đòi hỏi khách quan, tự phát của nhân dân thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Người đã kết hợp nhuần nhuyễn luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin: "Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng" và tư tưởng truyền thống của tổ tiên "Nước lấy dân làm gốc". Dân theo tư tưởng của Người, bao gồm "mọi con dân nước Việt", "con cháu Lạc Hồng" không phân biệt dân tộc thiểu số với đa số, người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, không phân biệt giàu, nghèo.
Yêu dân, tin dân, dựa vào dân, sống chết vì dân, vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân là nguyên tắc tối cao và xuyên suốt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với nhận thức "có dân là có tất cả", nên Người đã dành cả cuộc đời tạo dựng và chăm lo cho rừng cây đại đoàn kết dân tộc đâm chồi nẩy lộc, nở hoa kết trái.
Người căn dặn chúng ta: Muốn thực hiện được đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa của tổ tiên, phải có lòng khoan dung, đại độ với con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang"5.
Một sáng tạo lớn, đồng thời là một cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đối với dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức trên thế giới là việc đề xướng thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Cách mạng giải phóng dân tộc là sự vùng dậy của cả một dân tộc để đánh đổ ách thống trị của nước ngoài. Giai cấp vô sản không thể tự mình làm nổi mà phải liên minh với các lực lượng yêu nước trong dân tộc. Và "Cuộc cách mạng trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Để đưa cuộc cách mạng đó đến thắng lợi, có thể và cần phải thành lập một mặt trận dân tộc rất rộng rãi, đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp xã hội mong muốn được giải phóng khỏi ách thuộc địa"6.
Vì vậy, theo Người đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi chung chung, mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân ta. Nó phải trở thành sức mạnh vật chất, một lực lượng mạnh có tổ chức. Tổ chức đó chính là Mặt trận dân tộc thống nhất.
Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tháng 5-1983: "Hồ Chủ tịch và Đảng ta luôn luôn thấy ở mỗi người Việt Nam một người yêu nước và Mặt trận là sự tập hợp và nhân lên gấp bội nhiệt tình yêu nước đó".
Năm 1930, gần như cùng một thời gian, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các đoàn thể cách mạng của công nhân và nông dân được tổ chức và Hội Phản đế đồng minh - hình thức đầu tiên của Mặt trận được thành lập.
Trong quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nội dung và hình thức tổ chức của Mặt trận có sự thay đổi phù hợp với nhiệm vụ cách mạng từng lúc, từng nơi. Đó là Mặt trận dân chủ Đông Dương trong những năm đấu tranh hợp pháp 1936 - 1939, Mặt trận Việt Minh trong cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật dẫn tới thành công của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Liên Việt trong kháng chiến chống Pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cũng Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, giải phóng được một nửa nước, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt.
Đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Kế tục vai trò lịch sử của các hình thức tổ chức Mặt trận trước đấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay là tổ chức liên minh chính tả, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam, không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ý thức hệ, ở trong nước hay ở nước ngoài, miễn là tán thành mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh", góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
80 năm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã rút ra cho mình một bài học lớn: Đó là khi nào Mặt trận nắm vững và giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết và phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc thì khó khăn mấy cách mạng cũng vượt qua. Ngược lại, khi nào coi nhẹ yếu tố dân tộc, không quan tâm đúng mức đến đại đoàn kết dân tộc, thậm chí phạm sai lầm trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc thì cách mạng Việt Nam gặp khó khăn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết giương cao ngọn cờ đại nghĩa - ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình trong giai đoạn mới của cách mạng - giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
______
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.53.
2,3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.56, 152.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.Chính trị quốc gia, tr.116-117.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.246.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.8, tr.568-569.