Hồ Chí Minh - Chiến sĩ tiên phong đấu tranh cho tình hữu nghị giữa các dân tộc

GS, TS. Phan Ngọc Liên - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 TS. Bùi Thị Thu Hà - Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I 

Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết về tổ chức ''Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam''. Điều này đánh dấu sự thừa nhận và tôn vinh của thế giới về vai trò và công lao của Hồ Chí Minh đối với dân tộc Viêt Nam.

Tuy mới công nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là ''Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam'' và là ''Nhà văn hóa lớn'', song Nghị quyết UNESCO cũng nêu được ở một mức độ nhất định ảnh hưởng, đóng góp của người đối với các dân tộc trong ''việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau''. Trên thực tế, trong khi đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh cũng góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh cho hòa bình, hữu nghị và tiến bộ của nhân loại. Vì vậy, Hồ Chí Minh được xem là một lãnh tụ thế giới vào lúc loài người đang ở bước ngoặt có tính cách mạng nhất, là một nhà kiến trúc và tạo hình làm nên quá trình cách mạng thế giới1. Người không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam mà còn là một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, là biểu tượng sự kết hợp lòng yêu nước với tinh thần quốc tế chân chính.

Trước khi ra đi tìm đường cứu rước, Nguyễn Tất Thành đã biết đến khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng, Bác ái của Cách mạng Pháp cuối thế kỷ XVIII. Nhưng, trong thực tế nhân dân Việt Nam đâu có được tự do, bình đẳng, bác ái, mà chỉ có cuộc sống đói, khổ, nô lệ. Vì vậy, Người ''muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy''2.

Điều đầu tiên mà Nguyễn Tất Thành nhận thấy ngay khi vừa đặt chân lên đất Pháp là ''người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương''3. Rồi Người cũng chứng kiến trên đất Pháp cảnh sống khổ cực của những người ăn xin, hoạt động phi pháp của những kẻ ăn cắp, gái điếm. Thực tế này khiến Nguyễn Tất Thành phải suy nghĩ: ''Tại sao người Pháp không ''khai hóa'' đồng bào của mình lại tuyên truyền về sứ mệnh khai hóa văn minh'' của người thuộc địa ở Việt Nam?''

Những nhận xét, suy nghĩ trên chứng tỏ Nguyễn Tất Thành bước đầu đã phân biệt được người dân lao động Pháp ở chính quốc và bọn thực dân Pháp ở thuộc địa Việt Nam, thấy rõ sự giả dối của cái gọi là ''sứ mệnh khai hóa'' của bọn thực dân đối với nhân dân thuộc địa. Những suy nghĩ ban đầu này sẽ được bổ sung, làm phong phú hơn trong hoạt động và nhận thức của Hồ Chí Minh sau này. Đây là một cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết của nhân dân Việt Nam, các nước thuộc địa với nhân dân lao động giai cấp công nhân Pháp, các nước đế quốc khác trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc.

Nhiều sự kiện mà Hồ Chí Minh được chứng kiến, tham gia trong cuộc hành trình tìm đường cứu nước trở thành ''tài liệu sống'' nâng cao nhận thức, tình cảnh của Người đối với nhân dân bị áp bức ở các nước khác. Đó là cảnh người da đen ở Đắcca bị sóng biển cuốn đi khi bị bọn thực dân bắt phải bơi ra tàu; là lối “Hành hình kiểu Lynsơ” và những hoạt động đầy tội ác khác của đảng 3K ở Mỹ, v.v..

Sau khi trở lại Pháp, ngày 18-6-1919, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước gửi đến Hội nghị Vécxây bản Yêu sách của nhân dân An Nam, đòi các quyền tự do, dân chủ cơ bản. Đây có thể coi là cử chỉ thiện chí của Hồ Chí Minh vừa nhằm mục tiêu độc lập, hòa bình và hạnh phúc, tự do cho dân tộc Việt Nam,vừa tạo cơ sở tốt đẹp cho tình hữu nghị tương lai giữa hai dân tộc Việt- Pháp. Tuy nhiên, bản Yêu sách không được Pháp và các nước đế quốc khác nhìn nhận.

Nhận thức sâu sắc âm mưu của chủ nghĩa đế quốc là chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc trên thế giới và trong một quốc gia để dễ bề thống trị, Nguyễn Ái Quốc tích cực vận động thiết lập tình hữu nghị, đoàn kết hợp tác giữa nhân dân các nước, trước hết là trong mục tiêu đánh đổ ách thống trị phản động của chủ nghĩa đế quốc thực dân, giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc. Sự ra đời của Hội Liên hiệp thuộc địa (1921); Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á – Đông (1925), mà Nguyễn Ái Quốc là người tham gia sáng lập đã góp phần khẳng định những đóng góp của người đối với cuộc đấu tranh xây đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc vì một thế giới hòa bình, tiến bộ, vì sự phát triển của nhân loại.

Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản; Hồ Chí Minh đã gắn cách mạng Việt Nam vào cách mạng thế giới. Đó là công lao to lớn đầu tiên của Hồ Chí Minh đối với dân tộc. Trong hơn 30 năm, từ lúc rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước đến khi trực tiếp lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Hồ Chí Minh luôn theo đuổi con đường kết hợp cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc với thiết lập tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc vì một tương lai tốt đẹp của nhân loại. Kết quả là dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, thắng lợi trong một thời gian ngắn, ít đổ máu - một cuộc cách mạng tương đối hòa bình. Trên cương vị người đứng đầu nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh đã gửi đến nhân dân thế giới thông điệp hòa bình và hữu nghị của người và dân tộc Việt Nam: ''Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai''4.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, rồi kháng chiến chống Mỹ, Hồ Chí Minh luôn nêu cao thiện chí hòa bình, hữu nghị trong việc giải quyết những vấn đề có liên quan đến vận mệnh của đất nước và lợi ích của các bên liên quan. Người đã kiên trì thương lượng với đại diện Pháp, Trung Hoa (Quốc dân đảng), Anh, Mỹ để giữ vững thành quả cách mạng và chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam và Đông Dương, đồng thời tạo dựng tình hữu nghị lâu dài giữa các dân tộc.

Những sự việc trên thể hiện mong muốn của Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và hòa bình, hữu nghị thế giới. Hai mục tiêu ấy không tách rời nhau. Đạt được một nền hòa bình chân chính, xây đắp một tình hữu nghị thực sự trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự do và bình đẳng, cùng có lợi là nguyên tắc, yêu cầu mà Hồ Chí Minh kiên trì thực hiện.

Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, mà còn biểu lộ sự tôn trọng truyền thống văn hóa của nhân dân các nước đế quốc thực dân, không gây hận thù dân tộc. Đó là biểu hiện của tư tưởng nhân văn cao cả của Người, một bài học cho nhiều nước đấu tranh độc lập tự do. Khi ''buộc phải làm'' toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong thư Gửi dân chúng Việt Nam, dân chúng Pháp, dân chúng các nước Đồng minh (21-12-1946), Hồ Chí Minh viết: ''Chúng tôi yêu chuộng các bạn, và muốn hợp tác thành thực với các bạn trong khối Liên hiệp Pháp, vì chúng ta có một lý tưởng chung: tự do, bình đẳng và độc lập''5 (xin lưu ý, ở đây Hồ Chí Minh dùng chữ ''độc lập'' thay cho ''bác ái”).

Tiếp đó, trong khi trả lời các nhà báo ngày 2-1-1947, Người khẳng định: “Việt Nam không chiến tranh chống nước Pháp và dân Pháp vì ta muốn hai dân tộc Việt - Pháp cộng tác thật thà”6. Rồi trong Thư gửi chính phủ và nhân dân Pháp (18-2-1947), Người nhắc đến cảnh đau lòng ''máu Pháp và máu Việt chảy đã nhiều'', truyền thống ''đấu tranh bảo vệ tự do'' của nước Pháp, quyết tâm chiến đấu của nhân dân Việt Nam vì độc lập và "cam kết tôn trọng quyền lợi kinh tế và văn hóa Pháp ở Việt Nam''. Người mong chấm dứt chiến tranh với các yêu cầu trên, miễn là ''nước Pháp chỉ cần nói một câu là chiến sự đình chỉ tức khắc, là bao nhiêu sinh mệnh, tài sản được cứu vãn, là tình thân thiện và lòng tin cậy lẫn nhau lại phục hồi như trước''. Đối với nhân dân Việt Nam, ''chúng tôi muốn hòa bình, một nền hòa bình hợp công lý làm vinh dự cho cả nước Pháp và nước Việt Nam''7.

Sau năm 1954, khi đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp dựng lên chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam, biến nơi đây thành thuộc địa kiểu mới và âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định một cách rõ ràng: “Nhân dân Việt Nam coi nhân dân Mỹ là bạn của mình; chúng tôi chống là chống chính sách can thiệp của đế quốc Mỹ”8.

Năm 1963, khi đế quốc Mỹ ngày một can thiệp sâu hơn, phá hoại cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, trả lời phỏng vấn của nhà báo W.Bớcsét, Hồ Chí Minh tiếp tục nêu rõ: ''Chúng tôi không có xích mích gì với nhân dân Mỹ. Chúng tôi muốn sống hòa bình và hữu nghị với nhân dân Mỹ. Nhân dân chúng tôi được giáo dục theo tinh thần quốc tế chân chính. Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp và nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình, thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do, với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn đang nâng đỡ chúng”9.

Đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra quyết liệt, gây bao tổn thất về người và của, Hồ Chí Minh vẫn bắc sẵn chiếc cầu thương lượng và hữu nghị với đối phương. Trong các cuộc tiếp ký giả nước ngoài vào tháng 11-1965 và tháng 7-1966, để quân Mỹ có thể rút về nước trong danh dự và tạo cơ sở cho mối quan hệ thân thiện giữa nhân dân hai nước sau này, Người nêu rõ: ''Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút'', “chúng tôi sẵn lòng đem nhạc và hoa tiễn họ''10.

Với Hồ Chí Minh, xây đắp tình hữu nghị bền vững giữa các dân tộc chính là một trong những cách thức hữu hiệu nhất để chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới, tạo dựng cơ sở cho sự phát triển, tiến bộ của nhân loại. Trả lời câu hỏi của hãng Thông tấn Nam Dương (Inđônêxia) Antara, ngày 14-5-1954, về thực hiện nền hòa bình thế giới lâu dài, Người cho rằng nền hòa bình thế giới có thể thực hiện được, nếu các nước trên thế giới, nhất là những nước lớn, đều sẵn sàng giải quyết những xích mích giữa các nước bằng cách thương lượng, bằng tinh thần hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau và nếu nhân dân thế giới chịu để bọn gây chiến lừa phỉnh và tự nhận lấy trách nhiệm bảo vệ hòa bình thế giới11.

Hồ Chí Minh luôn giương cao ngọn cờ hòa bình, hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc. Tư tưởng của Người về xây đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc đã trở thành khát vọng và là ý chí chung của nhân loại tiến bộ. Vì vậy, nhân dân thế giới không chỉ xem Người là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam mà còn là chiến sĩ tiên phong trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, cho tình hữu nghị và sự tiến bộ của nhân loại.

Tư tưởng về xây đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc của Hồ Chí Minh tập trung cao nhất tinh thần quốc tế vô sản chân chính: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!

Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình"12.

''Có lý'', “có tình'' vừa thể hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu, vừa là nguyên tắc quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết những sự bất đồng trong phong trào công nhân và cộng sản quốc tế, kể cả việc giải quyết sự tranh chấp giữa các quốc gia.

''Có lý” ở đây được thể hiện là sự tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, xuất phát từ lợi ích chung của cách mạng thế giới. ''Có tình'' là sự thông cảm, tôn trọng nhau trên tinh thần, tình cảm của những người cùng chung lý tưởng, mục tiêu đấu tranh, khắc phục tư tưởng sôvanh, ''nước lớn'', ''đảng lớn''.

Những nguyên tắc như vậy, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam vận động để góp phần giải quyết những vấn đề bất đồng giữa các đảng cộng sản, các nước xã hội chủ nghĩa. Tuy khó tránh khỏi ảnh hưởng của sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, song tư tưởng Hồ Chí Minh về xây đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc vẫn mãi mãi là một bài học lớn cho việc xây dựng khối đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, tiến bộ xã hội và sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội, như C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848). Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn mãi mãi soi sáng con đường cách mạng của nhân dân Việt Nam được sự lãnh đạo của Đảng.

Từ những điều trình bày trên, có thể rút ra một vài kết luận - khái quát về tư tưởng xây đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc của Hồ Chí Minh nhằm đạt mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, hòa bình, hữu nghị và tiến bộ xã hội. Đấu tranh để thực hiện các mục tiêu trên, Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta không chỉ di sản tư tưởng quý báu mà còn là tấm gương sáng để học tập và làm theo.

Thứ nhất, để xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển tốt đẹp, các dân tộc cần xích gần lại, thông qua tiếp xúc, trao đổi để hiểu biết, tin cậy nhau, để cùng nhau giải quyết các mâu thuẫn hay xung đột. Bởi vì, “với một sự tin cẩn lẫn nhau, những dân tộc tự do và bình đẳng vẫn có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất”13. Hồ Chí Minh đã ra sức phấn đấu để thực hiện tư tưởng này ngay từ những ngày còn hoạt động ở nước ngoài. Bằng những cố gắng của mình, Người đã sáng lập ra những tổ chức quốc tế, đoàn kết các dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do vào những năm 20 của thế kỷ XX. Người luôn bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành đối với phong trào giải phóng dân tộc, thực hiện những chuyến thăm hữu nghị nhiều nước trên thế giới. Những hoạt động quốc tế đó của Người góp phần làm cho các dân tộc gần gũi nhau hơn, hình thành mặt trận nhân dân thế giới phản đối các cuộc chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc ở các nước, trong đó có cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Thứ hai, thực hiện các nguyên tắc chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau và giải quyết các mâu thuẫn thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần hợp tác hữu nghị, cùng có lợi: ''Thế giới hòa bình có thể thực hiện được nếu các nước trên thế giới, nhất là những nước lớn, đều sẵn sàng giải quyết những xích mích giữa các nước bằng thương lượng''. Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến các nước lớn xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa và dân tộc chủ nghĩa - đó là những nước đại diện cho các lực lượng khác nhau tham gia gìn giữ hòa bình, giải quyết các tranh chấp quốc tế. Song không vì thế mà coi thường vai trò, vị trí của các nước nhỏ trong đấu tranh thực hiện chung sống hòa bình và xây đắp tình hữu nghị bền vững, lâu dài giữa các dân tộc.

Thứ ba, tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh về giải quyết những bất đồng trong quan hệ quốc tế là lấy hữu nghị thay cho hận thù, đối thoại thay cho đối đầu, hòa bình thay cho chiến tranh. Có thể xem trong lịch sử ngoại giao của các quốc gia hiện đại (chủ yếu từ sau 1945), Hồ Chí Minh là một trong những người đầu tiên đề ra đối thoại và tiến hành đối thoại chân thành, rộng mở. Ngày nay, đường lối này trở thành đường lối đối thoại chung, cơ bản của các dân tộc, nhất là các dân tộc vừa giành được độc lập, trong cùng một khu vực, muốn tránh những cuộc chiến tranh để xây dựng đất nước, phát triển trong hòa bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong khi phấn đấu cho hòa bình, cho sự hiểu biết giữa các dân tộc, sự hợp tác thân thiện và giải quyết phi bạo lực mâu thuẫn giữa các quốc gia, đã khẳng định quyết tâm đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, phi nghĩa. Sức mạnh của tư tưởng Hồ Chí Minh ''đòi cấm vũ khí nguyên tử'', ''đòi giải trừ quân bị toàn bộ và triệt để'', “về hòa bình thế giới, về con đường giải quyết xung đột” đã được thực hiện không chỉ ở Việt Nam, mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh chống chạy đua vũ trang, chống đế quốc gây chiến của nhân dân nhiều nước trên thế giới. Cuộc đấu tranh của loài người tiến bộ trong thế giới hiện đại nhằm ngăn chặn các loại chiến tranh, duy trì hòa bình, đang tìm thấy trong các luận điểm và những hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh những bài học có giá trị to lớn.

Điểm qua một số sự kiện về lịch sử quan hệ, hợp tác giữa Việt Nam và các nước trên thế giới nói chung, trong khu vực nói riêng, chúng ta thấy rằng tư tưởng về hợp tác hữu nghị, đoàn kết quốc tế, liên kết khu vực, cùng nhau chống xâm lược, chống áp bức, bóc lột đã hình thành ở Hồ Chí Minh từ khi Người đi tìm đường cứu nước. Điều cần nhấn mạnh là trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh cho tình hữu nghị, hợp tác quốc tế thể hiện rõ mối quan hệ giữa dân tộc và khu vực, dân tộc và thế giới, khu vực và thế giới. Mối quan hệ giữa ba góc của tam giác dân tộc - khu vực - thế giới phản ánh nhận thức của Hồ Chí Minh về sự cần thiết phải giúp đỡ nhau trong đấu tranh chống đế quốc, bảo vệ hòa bình và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Tư tưởng về hữu nghị của Hồ Chí Minh có mục tiêu, định hướng rõ rệt. Nó giúp chúng ta biết phân biệt người xấu, kẻ tốt để kết bạn. Tư tuởng về hữu nghị của Hồ Chí Minh, được thấm nhuần truyền thống nhân ái của dân tộc, quan điểm giai cấp, không phải hành động ''sách lược'', để ''thu phục nhân tâm''. Chính vì sự thành thực, trong sáng, thuỷ chung nên tư tưởng Hồ Chí Mính về hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc đã nhận được sự hoan nghênh và hợp tác của nhân dân các nước.

Những quan điểm tư tưởng và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh chứng tỏ rằng Người là một chiến sĩ tiên phong, một biểu tượng rực rỡ về đấu tranh cho sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Ngày nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác hữu nghị được cụ thể hóa sâu sắc trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta: Việt Nam là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Tư tưởng về ngăn chặn chiến tranh, duy trì hòa bình, về tình hữu nghị và hợp táp, của Hồ Chí Minh hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới ngày nay. Những quan điểm và phương hướng của Người đã chỉ ra có thể vận dụng để giải quyết những vấn đề lớn về mối quan hệ giữa các dân tộc mà thời đại đang đặt ra. Vì vậy, nó trường tồn mãi mãi trong chúng ta.

__________

1. Thế giới ca ngợi và tiếc thương Hồ Chủ tịch, Nxb.Sự thật, H.1975, tr.8.

2. Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.477.

3. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb.Sự thật, H.1976, tr.18.

4,6. Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.220,7.

5.  Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.483.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.52.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.93.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.117.

10. Xem Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ: Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa kỳ trước hội nghị Pari, Viện quan hệ quốc tế, H.1990, tr.84,206

11,12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.281,511.

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.268.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website