Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, một trong những di sản vô giá hiện nay

PGS, TS. Hà Huy Thông - Học viện Quốc phòng 

Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, đồng thời là chiến sĩ xuất sắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người không chỉ là biểu tượng sáng ngời của đại đoàn kết dân tộc, mà còn là hiện thân rực rỡ của tinh thần đoàn kết quốc tế cao đẹp trong thời đại ngày nay.

Trên thế giới, hiếm có một lãnh tụ cách mạng nào lại bàn nhiều, tiến hành hoạt động nhiều và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp về đoàn kết quốc tế như lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thuở sinh thời, Người đã từng bôn ba khắp năm châu bốn biển, đến đâu, ở đâu, với tất cả đồng chí và bạn bè gần xa, Người luôn thể hiện sâu sắc tình đoàn kết quốc tế cao đẹp. Từ sự chứa chan của lòng yêu nước thương nòi và sự cảm thông vô hạn với những người cùng khổ, Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã sớm nhận thức được muốn giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, thì giai cấp cần lao toàn thế giới phải đoàn kết đấu tranh, đánh đổ giai cấp bóc lột tàn ác.

Đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm nhiều nội dung rộng lớn, sâu sắc, cao đẹp, trong đó trước hết là đoàn kết trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và đoàn kết trong đại gia đình các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Hồ Chí Minh luôn xác định, đoàn kết thống nhất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đoàn kết gắn bó trong các nước xã hội chủ nghĩa anh em là cơ sở nền tảng, là nhân tố quan trọng bậc nhất,  nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Người đã từng nhấn mạnh: “Thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ thuộc về chúng ta, sẽ thuộc về chủ nghĩa xã hội... Nếu như tất cả các nước anh em và các đảng anh em đoàn kết chặt chẽ với nhau”1. Với tinh thần ấy, Người tiếp tục khẳng định: ''Cuộc đấu tranh kiên quyết của các dân tộc bị áp bức nhất định sẽ đánh bại bọn đế quốc thực dân. Chủ nghĩa xã hội cuối cùng sẽ toàn thắng trên khắp thế giới. Trong sự nghiệp đấu tranh vĩ đại ấy, sự đoàn kết giữa lực lượng các nước xã hội chủ nghĩa và sự đoàn kết nhất trí giữa các đảng cộng sản và công nhân tất cả các nước có ý nghĩa quan trọng bậc nhất”2.

Với quan điểm chiến lược đúng đắn ấy và trên cơ sở quán triệt sâu sắc khẩu hiệu lịch sử của C.Mác ''Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại'', Hồ Chí Minh đã đưa ra một luận điểm nổi tiếng:

“Quan sơn muôn dặm một nhà.

          Bốn phương vô sản đều là anh em”3

Theo Hồ Chí Minh, yêu cầu cách mạng vô sản thế giới đòi hỏi giai cấp vô sản, các đảng cộng sản và công nhân quốc tế phải đoàn kết thống nhất, phải gắn bó thân thiết như anh em một nhà. Sự đoàn kết ấy, chính là sức mạnh, là chiến thắng. Để xây dựng, củng cố sự nghiệp đoàn kết cao cả ấy, Hồ Chí Minh cho rằng, các đảng cộng sản và công nhân quốc tế phải tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên quyết đấu tranh chống những khuynh hướng tư tưởng sai lầm, lệch lạc như chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sôvanh, chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại hiện đại...

Trong thực tiễn hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã phấn đấu không mệt mỏi góp phần vào củng cố cho sự nghiệp đoàn kết quốc tế cao đẹp ấy. Bằng lời nói và việc làm cụ thể, Hồ Chí Minh đã luôn nêu cao tấm gương tuyệt vời về tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng cho toàn Đảng, toàn dân Việt Nam. Người luôn coi thắng lợi của các đảng anh em và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em là thắng lợi của chính đất nước mình. Đánh giá về thắng lợi kháng chiến của nhân dân Triều Tiên (năm 1953), Người viết: “Kháng chiến Triều Tiên thắng lợi. Đó là thắng lợi lớn của phe ta. Thắng lợi của anh em ta cũng tức là thắng lợi của ta”4. Phấn khởi trước những thành tựu to lớn của nhân dân Liên Xô về xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người khẳng định những thành tựu ấy là cơ sở, là điều kiện cho thành tựu của nhân dân Việt Nam. Người nhấn mạnh: “Chúng tôi coi sự nghiệp và thành tựu của nhân dân Liên Xô là báo hiệu và đảm bảo cho sự nghiệp và thành tựu của chính mình”5. Đặc biệt, Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và bộ đội phải biết ơn chân thành và sâu sắc về sự giúp đỡ to lớn của các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế, của các nước xã hội chủ nghĩa anh đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Đã nhiều lần Người chỉ rõ, nhờ có Cách mạng Tháng Mười dẫn đường, có nhân dân Liên Xô đánh thắng phátxít Nhật thì Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam mới thành công. Người cũng luôn khẳng định, nhờ có sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em thì nhân dân Việt Nam mới lập được nhiều chiến công hiển hách trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đạt được thành tựu to lớn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Người đã thay mặt nhân dân Việt Nam cám ơn sự giúp đỡ cao quý này ở đại hội Đảng Cộng sản và công nhân của nhiều nước, ở nhiều hội nghị quan trọng trong nước và quốc tế. Tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III, Người nhấn mạnh: ''Thắng lợi của cách mạng Việt Nam còn là do nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, đã hết lòng giúp đỡ. Nhân dịp này, chúng ta nhiệt liệt tỏ lòng biết ơn các nước xã hội chủ nghĩa anh em đứng đầu là Liên Xô vĩ đại. Chúng ta cũng thành thực tỏ lòng biết ơn đối với các đảng anh em khác, nhất là Đảng Cộng sản Pháp, đã tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta''6.

Hồ Chí Minh luôn có tinh thần đoàn kết quốc tế vô cùng trong sáng, nên người rất đau lòng khi có sự bất hòa giữa các đảng anh em. Đây là điều Người day dứt cho tới trước lúc "đi xa'' và người đã viết trong Di chúc: ''Tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em''. Song, dù băn khoăn, day dứt, Người vẫn tin tưởng chắc chắn rằng, mọi sự bất hòa sẽ được giải quyết, các đảng anh em nhất định sẽ đoàn kết lại để đưa phong trào cách mạng thế giới tiến lên. Niềm tin ấy của Người sẽ phải trải qua một chặng đường lịch sử hết sức khó khăn, lâu dài, nhưng nhất định nó sẽ là sự thật, bởi đó là quy luật tất yếu của lịch sử.

Đoàn kết quốc tế cao đẹp theo tư tưởng Hồ Chí Minh còn được thể hiện sâu sắc ở mối tình đoàn kết đặc biệt giữa ba nước Việt Nam – Lào - Campuchia.

Theo Hồ Chí Minh, ba nước trên bán đảo Đông Dương phải đoàn kết chặt chẽ thì mới tạo được sức mạnh đánh thắng kẻ thù, bảo vệ được độc lập, chủ quyền và xây dựng cuộc sống phồn vinh cho nhân dân mỗi nước. Người chỉ rõ, sự đoàn kết ấy có sức mạnh to lớn, đó là nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng mỗi nước cũng như thắng lợi của cách mạng ở cả Đông Dương. Người khẳng định: ''Sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào đoàn kết chặt chẽ nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng''7. Theo Người, sự đoàn kết ấy là ý chí thống nhất của nhân dân ba nước, vì những mục tiêu cao cả của ba dân tộc anh em. Trong thư gửi Hội nghị nhân dân Đông Dương, Người khẳng định: ''Ý chí thống nhất của nhân dân ba nước chúng ta là kiên quyết đấu tranh chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ và ra sức bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ''8.

Hồ Chí Minh còn cho rằng, đoàn kết giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia phải thật keo sơ gắn bó, phải thân thiết, tin cậy như anh em một nhà. Theo Người, đây là mối tình đoàn kết đặc biệt, đoàn kết giữa những người cùng chung một mái nhà Trường Sơn hùng vĩ, cùng chung một chiến hào chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược, cùng kề vai sát cánh, chia ngọt xẻ bùi trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Chính vì những lẽ đó, Hồ Chí Minh luôn xác định, Việt Nam giúp hai nước Lào và Campuchia là tự giúp mình. Với quan điểm đúng đắn và cao đẹp ấy, Người căn dặn bộ đội Việt Nam trước khi lên đường sang giúp nước bạn: ''Các chú nhận một nhiệm vụ quan trọng và vẻ vang như nhiệm vụ này, tức là giúp nhân dân nước bạn. Mà giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình''9.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn hết lòng chăm lo xây dựng, vun đắp cho tình đoàn kết đặc biệt giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia; đồng thời, Người đã cùng những đội tiền phong cách mạng đó, lãnh đạo nhân dân ba nước không ngừng tăng cường, củng cố tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt. Dưới sự lãnh đạo của Người, tình đoàn kết đặc biệt của ba nước trên bán đảo Đông Dương ngày càng đậm đà, sâu nặng, góp phần đưa cách mạng mỗi nước giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Phát biểu trong buổi gặp nhà vua Lào Xri Xavang Vátthana, Người nhấn mạnh:

“Việt Lào, hai nuớc chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”10

Điện mừng Thái tử Xihanúc khi nhận chức Quốc  trưởng nước Campuchia, Người lại khẳng định: ''Tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Khơme ngày càng củng cố và phát triển''11.

Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ thiên tài mà còn là hiện thân rực rỡ của tình đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Điều này đã được nhân dân ba nước khẳng định, tôn kính, ngưỡng mộ, thể hiện tấm lòng mến phục, tin yêu bằng cách tất cả đều gọi tên Người là ''Bác Hồ'', ''Bác Hồ kính yêu''.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế cao đẹp còn được thể hiện phong phú, rộng lớn ở tình đoàn kết giữa Việt Nam với nhân dân tiến bộ thế giới.

Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân tiến bộ thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Theo Người, được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới thì công cuộc kháng chiến và kiến quốc của Việt Nam nhất định thắng lợi vẻ vang. Người đã khẳng định một trong những nguyên nhân quan trọng Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn trong l0 năm (1954-1964) là: “Được sự đồng tình và ủng hộ ngày càng rộng lớn và mạnh mẽ của các nước anh em và của nhân dân toàn thế giới đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng của đồng bào miền Nam và cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước ta để thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà”12.

Hồ Chí Minh còn luôn xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, muốn cho cách mạng thành công thì phải kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Theo Người, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam phát huy tốt hai mặt này, sẽ làm cho lực nhỏ hóa lớn, lực yếu hóa mạnh, sẽ tạo ra thế bao vây rộng khắp áp đảo kẻ thù. Người còn chỉ rõ, để phát huy sức mạnh thời đại, Việt Nam cần phải tiến hành tốt nhiều nội dung, biện pháp, trong đó cần đặc biệt chú ý xây dựng tình đoàn kết và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân tiến bộ thế giới.

Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm lãnh đạo, giáo dục nhân dân Việt Nam chủ động đoàn kết với nhân dân thế giới, mà chính Người là một tấm gương tiêu biểu về việc chăm lo xây dựng, vun đắp cho tình đoàn kết quốc tế rộng lớn và cao đẹp ấy. Ở nhiều nơi, nhiều thời điểm lịch sử, nhiều hội nghị, Người đã thay mặt nhân dân Việt Nam cám ơn tinh thần đoàn kết quốc tế, giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị quốc tế đoàn kết với Việt Nam chống Mỹ và bảo vệ hòa bình, Người nhấn mạnh: ''Từ khắp năm châu đến Thủ đô Hà Nội chúng tôi, các bạn và các đồng chí đã mang đến cho nhân dân Việt Nam hai miền Nam Bắc, tình đoàn kết chiến đấu vô cùng quý báu của nhân dân tiến bộ và yêu chuộng hòa bình toàn thế giới.

Tiếng nói mạnh mẽ của Hội nghị là tiếng nói của chính nghĩa, của hàng nghìn triệu con người đang quyết tâm đấu tranh cách mạng, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ...

Nghị quyết của Hội nghị ủng hộ nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược là sự cổ vũ to lớn đối với cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân miền Nam Việt Nam...Tôi xin thay mặt đồng bào cả nước chúng tôi trân trọng cảm ơn các bạn và các đồng chí''13. Hồ Chí Minh không chỉ cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế, mà người còn kịp thời cảm ơn nhiều nhà khoa học, nhiều vị nghị sĩ quốc hội của các nước đã nhiệt tình ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược. Người đã nhiều lần gửi điện cảm ơn nhà bác học Anh, cụ Bécstơrăng Rútsxen. Trong bức điện gửi ngày 10-8-1964, Người viết: ''Tôi hoan nghênh việc cụ đã lên án những hành động của Mỹ gây chiến và đe dọa hòa bình đối với đất nước chúng tôi và khu vực Đông Nam Á... Tôi xin cảm ơn Cụ đã quan tâm đến tình hình nghiêm trọng do Mỹ gây ra trên đất nước chúng tôi''14.

Nét độc đáo của Hồ Chí Minh về đoàn kết với nhân dân thế giới là Người đặc biệt chú ý tới đoàn kết với nhân dân tiến bộ nước đối phương. Trong kháng chiến chống Mỹ, Người luôn đánh giá cao vai trò đấu tranh phản đối chiến tranh của nhân dân tiến bộ Mỹ. Người đã chân thành cám ơn hàng vạn thanh niên, sinh viên, hàng ngàn giáo sư, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Mỹ đã rầm rộ biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam của Chính phủ Mỹ. Người xúc động trước những tấm gương anh dũng hy sinh vì hòa bình của nhân dân Mỹ như cụ bà Henga Hecdơ và các chiến sĩ hòa bình Noman Morixơn, Rôgiơ Lapotơ, Xilin Gian Caoxki...

Trên cơ sở phân tích tình hình nước Mỹ và cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ, đế quốc Mỹ là kẻ thù chung của nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ. Do vậy, nhân dân hai nước cần giúp đỡ nhau để tạo thêm sức mạnh, đánh đổ bọn trùm hiếu chiến Mỹ. Người đã ví sự kết hợp đấu tranh này như hai mũi giáp công và nhân dân hai nước Việt - Mỹ nhất định chiến thắng. Người khẳng định: ''Nhân dân Mỹ đánh từ trong ra, nhân dân ta đánh từ ngoài vào. Hai bên giáp công mạnh mẽ, thì đế quốc Mỹ nhất định sẽ thua, nhân dân Việt-Mỹ nhất định sẽ thắng. Đó sẽ là thắng lợi vẻ vang của mặt trận thống nhất nhân dân hai nước, mà cũng là thắng lợi chung của loài người yêu chuộng chính nghĩa và hòa bình''15

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào - Campuchia, đoàn kết với nhân dân tiến bộ thế giới hết sức trong sáng, tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế cao đẹp trong thời đại mới. Những nội dung đoàn kết quốc tế cao đẹp ấy có giá trị bền vững, có ý nghĩa quốc gia và quốc tế sâu sắc, đây chính là một trong di sản Hồ Chí Minh vô giá trong thời đại ngày nay. Giá trị và ý nghĩa to lớn của di sản này được thể hiện trên một số vấn đề chủ yếu sau.

Một là, tư tuởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế góp phần dẫn đường cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi.

Hiện nay, cuộc đấu tranh ''ai thắng ai'' giưa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa đang còn diễn ra gay go, quyết liệt, phức tạp, lâu dài, song quy luật tất yếu là loài người sẽ tiến tới chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới. Để đi tới mục tiêu cuối cùng cao cả ấy, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế không còn con đường nào khác là phải đoàn kết chặt chẽ hơn, rộng rãi hơn, đấu tranh mạnh mẽ và triệt để hơn.

Trong bối cảnh chiến lược mới, với xu thế toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, vấn đề đoàn kết đấu tranh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những thuận lợi và khó khăn mới. Trên cơ sở nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và thực trạng cách mạng thế giới hiện tại, với hoàn cảnh lịch sử mới, sự nghiệp đoàn kết đấu tranh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phải đổi mới mạnh mẽ cả nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành. Chính trong quá trình đổi mới ấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế càng có ý nghĩa dẫn đường thiết thực và sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế không những cổ vũ động viên mà còn chỉ rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp đoàn kết đấu tranh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tư tưởng của Người góp phần quan trọng vào dẫn đường cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tiếp tục đấu tranh giành những thắng lợi mới trong thời đại mới, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng.

Hai là, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế là di sản lý luận góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sôvanh, kỳ thị chủng tộc, sắc tộc hiện nay.

Chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nước lớn là khuynh hướng tư tưởng vốn đã tồn tại dai dẳng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đặc biệt, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, khuynh hướng tư  tưởng ngày càng phát triển, gây nên những tổn hại to lớn cho phong trào cách mạng thế giới. Chính khuynh hướng này đã làm cho một số đảng cộng sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa từ chỗ có tinh thần quốc tế trong sáng trở thành những Đảng và nhà nước chạy theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sôvanh, biệt lập, kỳ thị chủng tộc, sắc tộc. Trong những năm cuối thế kỷ XX, do tác động của khuynh hướng tư tưởng này, mà tình đoàn kết quốc tế cao cả trong cuộc đấu tranh chung bị phá vỡ, thậm chí một số đảng, một số nước từ chỗ là đồng chí, bạn bè thân thiết trở thành đối đầu, đối địch của nhau rất nguy hiểm.

Để đi tới những mục tiêu cao cả của chủ nghĩa cộng sản tương lai, để phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tiếp tục đoàn kết đấu tranh giành thắng lợi trong thời đại hiện nay, các đảng cộng sản và công nhân quốc tế phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, ích kỷ. Đây là cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp, lâu dài của mỗi đảng cũng như của cả phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong cuộc đấu tranh này, chủ nghĩa Mác-Lênin về quốc tế vô sản và tư tưởng Hồ Chí Minh đoàn kết chính là cơ sở lý luận, phương pháp luận cho cuộc đấu tranh giành thắng lợi. Đặc biệt các quan điểm của Hồ Chí Minh: ''Cách mạng của mỗi nước là một bộ phận của cách mạng thế giới'', ''Thắng lợi của các đảng và nhân dân các nước anh em là thắng lợi của chính mình'', ''Giúp nước bạn tức là mình tự giúp mình... là cơ sở lý luận và nội dung đấu tranh trực tiếp với những quan điểm sai lầm, phản động của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sôvanh đang thịnh hành hiện nay.

Ba là, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế là cơ sở lý luận trọng yếu để Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đường lối đối ngoại, mở rộng quan hệ quốc tế trong thời kỳ mới.

Việt Nam bước vào thời kỳ mới trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và đất nước có nhiều phát triển mới. Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Qua hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, cớ ý nghĩa lịch sử và vị thế trên trường quốc tế không ngừng được nâng lên. Những thành tựu toàn diện của Việt Nam trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... được bắt nguồn từ đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà đường lối ấy lại lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Điều đó khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế nói riêng có giá trị bền vững, luôn giữ vai trò là cơ sở lý luận cho Đảng Cộng sản Việt Nam xác định đường lối đối ngoại, mở rộng quan hệ quốc tế.

Trong  thời kỳ mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vẫn là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng cộng sản Việt Nam xác định chủ trương: ''Củng cố và tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới''l6. Đồng thời, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết khu vực, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào -Campuchia cũng vẫn là cơ sở lý luận, phương pháp luận để Đảng xác định: ''Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước Asean, các nước châu Á – Thái Bình Dương... Củng cố và phát triển quan hệ hợp tác song phương tin cậy với các đối tác chiến lược''17.

Trong hoàn cảnh lịch sử mới, mặc dù quan hệ giữa Việt Nam với các nước có nhiều phát triển mới, song tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết với nhân dân tiến bộ thế giới vẫn là cơ sở lý luận vững chắc, lâu dài cho cách mạng Việt Nam về kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đó cũng là chính là cơ sở lý luận để Đảng Cộng sản Việt Nam xác định chủ trương: ''Đẩy mạnh công tác văn hoá – thông tin đối ngoại, góp phần tăng cường sự hợp tác, tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước''18.

Những điều luận giải trên đây cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế chính là cơ sở lý luận trọng yếu để Đảng Cộng sản Việt Nam xác định nhất quán ai đây là đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; có chính sách đối ngoại rộng mở; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, nhằm làm cho Việt Nam thực sự là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế bao gồm nhiều nội dung rộng lớn, phong phú, cao đẹp, có giá trị bền vững và có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Tư tưởng của Người không chỉ là tài sản tinh thần vô giá của Đảng Cộng sản Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, mà còn là di sản vô giá của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của cả nhân loại trong thời đại ngày nay. Cùng với tinh thần quốc tế vô sản của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng đoàn kết quốc tế cao đẹp Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi soi đường cho giai cấp công nhân, cho cả loài người tiến tới tương lai tươi sáng, đi tới một chân trời mới, tới bến bờ hạnh phúc tràn đầy.

___________

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.8, tr.585.

2,3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.198 -199, 195.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.134.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.301.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.197.

7,8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.413,402.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.64.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.44.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.164.

12,13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.231, 343.

14,15 . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.306, 524.

16,17,18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần X, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2006, tr.113,  114, 115.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website