Mãi mãi đi theo con đường mà Bác Hồ đã chọn

Thưa các đồng chí Ban Chỉ đạo Hội thảo và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh;

Thưa các nhà khoa học, các vị nhân sĩ, các đồng chí và các bạn.

Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Chỉ đạo Hội thảo, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã mời tôi tham dự cuộc hội thảo khoa học quan trọng này. Tôi chúc Hội thảo khoa học của chúng ta đạt được kết quả mong muốn, xứng đáng với tầm vóc lịch sử và nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đóng góp thiết thực vào đợt học tập các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI.

Cho phép tôi kính gửi lời chúc sức khỏe đến chiến sĩ, đồng bào, tuổi trẻ Nam Bộ, chiến sĩ, đồng bào, tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng, Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh là chiếc nôi lớn nuôi dưỡng những phong trào cách mạng quật cường của dân tộc, nơi sản sinh nhiều anh hùng và dũng sĩ, căn cứ địa cách mạng kiên trung, Thành đồng của Tổ quốc, quê hương của Bác Tôn, người lãnh đạo xuất sắc phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh là một địa chỉ đỏ mà ngay từ 1920, bà con lao động Sài Gòn đã tổ chức những bữa cháo Cộng sản, nuôi nấng và bảo vệ anh em công nhân Pháp đình công tại bến cảng, nêu cao tinh thần đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế của lao động nước ta với lao động nước Pháp.

Tôi vẫn học và ôn lại những điều Bác dạy, những lời Bác viết, lắng nghe những kỷ niệm của đồng bào, đồng chí và bà con cả nước về Bác Hồ. Cho đến giờ phút này tôi nghiêm khắc tự thấy rằng tôi chưa học hết, chưa thấm nhuần đầy đủ những lời Bác dạy, những điều Bác viết, tình thương và sự gửi gắm của Bác đối với chúng ta, thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

Bởi vậy, lời phát biểu của tôi sau đây chỉ là những điều học được, hiểu được, những thu hoạch ít ỏi ban đầu về tư tưởng và đạo đức của Bác Hồ, với tinh thần tự phê bình và phê bình mà Bác thường nhắc tới.

*

Một

Con đường cứu nước – Con đường đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành đảng viên.

Sau khi tham gia phong trào nổi dậy chống sưu chống thuế ở Trung kỳ năm 1908, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và từ bến cảng Sài Gòn ra đi, giữa lúc các cuộc đấu tranh của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám thất bại, kế sách cứu nước còn mờ mịt chưa có đường ra. Có người thì muốn dựa vào Nhật, nhưng Nhật là một “đế quốc da vàng”, có tham vọng lớn về đất đai, đã thỏa hiệp với Pháp đuổi hết những người Đông Du ra khỏi Nhật. Có người muốn dựa vào Pháp để chống Pháp bằng đường lối bất bạo động… Dựa vào đế quốc để đánh đuổi đế quốc chẳng khác nào “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau.” mà thôi!

Điều kỳ lạ đầu tiên ở con người Hồ Chí Minh mà ngày nay và mai sau chúng ta còn cùng nhau tìm hiểu mãi, ấy là: Khi có người hỏi: Lấy gì mà ra đi, dựa vào đâu mà đi, thì Người đã giơ hai bàn tay: Đây!

Từ đó, với hai bàn tay lao động và ý chí cứu nước mãnh liệt, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã làm bồi tàu, phụ bếp, rửa chén từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, sau đó học ngoại ngữ đến 11 giờ đêm, để 4 giờ sáng hôm sau lại bắt tay vào lao động. Người đã quét tuyết, đốt lò, làm thợ ảnh, quần quật làm thuê. Từ một thanh niên trong một gia đình nhà nho nghèo thuộc tầng lớp trung lưu của xã hội thời ấy, Nguyễn Tất Thành chấp nhận sống một cuộc đời cùng khổ, bán sức lao động để kiếm sống và học tập trong một hoàn cảnh cực kỳ cay nghiệt trên đất người. Từ một kẻ mất nước, bơ vơ, trơ trọi, không nhà cửa, không gia đình, mẹ thì mất sớm, cha thì tha phương, Nguyễn Tất Thành trở thành một công nhân đích thực, có học vấn, tự tin và kiên cường bước vào hàng ngũ đấu tranh của các chiến sĩ xã hội.

Từ một người dân thuộc địa chỉ biết đế quốc xâm lược và phong kiến bạo tàn, Nguyễn Tất Thành đã nhận ra rằng: Đâu đâu cũng có hai loại người, những người bị bóc lột và những kẻ bóc lột, dù khác màu da, khác tiếng nói, lớp người cùng khổ tất cả các nước đều là anh em. Nhờ sống với giai cấp công nhân và lớp người cùng khổ trong xã hội tư bản, Nguyễn Tất Thành hiểu được thực chất cái gì ẩn sau lá cờ “tự do, bình đẳng, bác ái” và không để cho những cái bên ngoài phô trương hào nhoáng lừa dối mình.

Nguyễn Tất Thành đã tự mình chiến đấu vượt qua những hạn chế để khẳng định mình, từ giác ngộ dân tộc đến giác ngộ giai cấp, đem tiếng nói tràn đầy sức sống, làm cho người nghe đồng cảnh ngộ yêu mến, buộc những kẻ cơ hội xu thời phải nể trọng. Không ai giới thiệu Nguyễn Ái Quốc vào Đảng. Chính cuộc đời lao động, học tập, chiến đấu bất khuất suốt 10 năm tìm đường cứu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ nghĩa cộng sản, đến với Đảng Cộng sản, làm nền tảng định hình bản chất cộng sản của Ngườiđào tạo Người trở thành một chiến sĩ quốc tế của giai cấp công nhân và của các dân tộc bị áp bức.

Giữa lúc dân tộc ta như một kiếp người cơm vãi cơm rơi, biết đâu nẻo đất phương trời mà đi, Nguyễn Ái Quốc  đã nhận ra chân lý vĩ đại:Muốn cứu nước, không có con đường nào khác, ngoài cách mạng vô sản.

Nguyễn Ái Quốc là hiện thân con đường hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam, con đường cách mạng Việt Nam.

Người đã tự mình chứng kiến và không chỉ chứng kiến, mà đã phải sống dưới “lưỡi lê của nền văn minh tư sản”, phân rõ dân tộc và thuộc địa, tư bản và vô sản. Tin tưởng vững chắc ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng, Người là tấm gương mẫu mực phấn đấu trở thành một người cộng sản suốt đời trung thành với lý tưởng yêu nước và xã hội chủ nghĩa.

10 năm cực kỳ gian khổ, vật lộn trong chế độ áp bức bóc lột, kiếm sống và học tập, Người đã kiên cường đấu tranh phê phán những xu hướng cơ hội đang lũng đoạn trong hàng ngũ cách mạng. 10 năm nung nấu lý tưởng yêu nước và chủ nghĩa xã hội, chính 10 năm đó đã đặt nền móng để trở thành, để có được một Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh kiên định, chung thủy, trước sau như một, từ thủa mới làm cộng sản cho đến phút cuối cùng của đời, một lòng vì giai cấp công nhân, nông dân, trí thức cách mạng và những người cùng khổ, vì nhân dân và dân tộc.

Con đường cứu nước mà Người tìm đến cũng là con đường rèn luyện tư cách cách mệnh, tư cách của người cộng sản. Điều đó gợi cho ta con đường tu dưỡng bản thân để trở thành, để giữ vững, để xứng đáng là đồng chí của Người, chiến sĩ cộng sản. Với riêng tôi, điều đó đã giúp tôi hàng ngày tự hỏi: Mình đã phấn đấu để trở thành một người cộng sản như thế nào? Thái độ của mình đối với giai cấp công nhân, nông dân, những người lao động, những trí thức cách mạng, bà con dân tộc ít người, tầng lớp nền tảng của xã hội ta đang phải sống vất vả, đau ốm, thiếu thuốc men, thiếu sách vở và trường lớp, thiếu kiến thức và nghề nghiệp như thế nào? Mình phải tiếp tục rèn luyện như thế nào để mãi mãi giữ vững tư cách cách mệnh của người chiến sĩ cộng sản nồng nàn yêu nước?

Không có tư cách cách mệnh của người chiến sĩ cộng sản thì không thể nào đi tiên phong trong sự nghiệp cứu nước, không thể nào vì dân, vì giai cấp công nhân và lớp lớp cần lao bần hàn đau khổ, tận tâm và đến cùng.

*

Hai

Hồ Chí Minh với giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Chủ nghĩa Mác ra đời, kế thừa tinh hoa của nhân loại, kết hợp với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân từ đó giai cấp công nhân tự giácbước lên vũ đài đấu tranh chính trị nhằm đập tan chế độ tư bản và xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Cũng như vậy, tư tưởng nhân văn đã có từ lâu, nhưng chỉ đến khi chủ nghĩa Mác- Lênin ra đời, đề cập mục tiêu và con đường giải phóng toàn diện và triệt để con người, mà đông đảo là những tầng lớp cần lao và các dân tộc bị áp bức, thì các giá trị nhân văn mới có sự phát triển hoàn chỉnh và sâu sắc nhất.

Lênin, kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác, bằng nghị lực phi thường và trí tuệ uyên bác đã đánh một đòn sấm sét vào tư tưởng xét lại cơ hội hữu khuynh trong phong trào cộng sản quốc tế hòng bao che cho chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc. Lênin đưa ra phát kiến: cách mạng vô sản có thể thắng lợi ở khâu yếu nhất trong hệ thống đế quốc chủ nghĩa, cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể giành thắng lợi trong một nước.

Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga, Đảng của giai cấp công nhân lớn mạnh nhất trong các Đảng Công nhân hồi ấy đã lãnh đạo nhân dân Nga làm Cách mạng Tháng Mười, thiết lập Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết trên một phần sáu quả địa cầu, mở ra thời đại mới: thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Lê nin là người đầu tiên nhấn mạnh vai trò của cách mạng giải phóng dân tộc, coi cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận hợp thành của cách mạng vô sản và đề ra khẩu hiệu chiến đấu: Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại.

Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin như người đi đường đang cơn khát mà tìm được nước. “Đây là cẩm nang để cứu sống đồng bào tôi”.

Hồ Chí Minh đã học tập, truyền bá, kế thừa, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào đấu tranh giành giải phóng của các dân tộc bị áp bức.

Chủ nghĩa Mác đã chỉ ra con đường để giai cấp vô sản nắm lấy ngọn cờ dân tộc, phải trở thành dân tộc, phải giành thắng lợi trước hết trên địa bàn dân tộc, thông qua đấu tranh giai cấp - cách mạng xã hội - để tước đoạt quyền bính từ tay giai cấp tư sản, và do đó giải phóng được giai cấp. Giải phóng được giai cấp thì áp bức dân tộc cũng bị quét đi. Hồ Chí Minh, từ một kẻ mất nước giác ngộ chủ nghĩa cộng sản đã nhận thức  rằng: trong thế giới thuộc địa, mâu thuẫn sâu sắc nhất là mâu thuẫn giữa các dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa đế quốc.

Người khẳng định: Phải tập trung toàn bộ sức lực của dân tộc để đánh đổ chủ nghĩa đế quốc. Giải phóng dân tộc là điều kiện tiên quyết để giải phóng giai cấp, là thực hiện một bước quan trọng giải phóng giai cấp đặng tiến tới giải phóng hoàn toàn giai cấp, giải phóng loài người.

Chủ nghĩa Mác nhận ra lực lượng vĩ đại, lực lượng nòng cốt, lực lượng lãnh đạo để đánh đổ ách thống trị tư bản chủ nghĩa là giai cấp công nhân. Kế thừa chủ nghĩa Mác, Hồ Chí Minh tiếp tục làm rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Người viết: “Chỉ có giai cấp công nhân là dũng cảm nhất, cách mạng nhất, luôn luôn gan góc đương đầu với bọn đế quốc, thực dân. Giai cấp công nhân đã tỏ ra là người lãnh đạo xứng đáng nhất và tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam.” Đồng thời Người khẳng định: trong cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn thể dân tộc chính là lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc, với nòng cốt là công nông,nền tảng là công nông liên minh với trí thức.

Không có công nông làm nòng cốt, công nông liên minh với trí thức làm nền tảng thì không thể đoàn kết toàn dân tộc được. Có thể kể ra một ví dụ: Cụ Phan Bội Châu, yêu nước mãnh liệt vô cùng, dùng lời huyết lệ động viên nhân dân đứng lên chống giặc nhưng lại không nhắc đến công nhân. Lựa chọn học sinh đi Nhật du học, Cụ đưa ra bốn tiêu chuẩn: con nhà quan, con nhà giàu, con nhà có thế lực, con nhà có cựu thù. Không thấy Cụ đề ra con của công nông. Nhiệt huyết tràn đầy, nhưng cụ không thể xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Chủ nghĩa dân tộc, một động lực của đất nước mà Hồ Chí Minh nói đến là chủ nghĩa dân tộc do Đảng Cộng sản phát động. Lập trường cách mạng giải phóng dân tộc của giai cấp công nhân hoàn toàn khác hẳn lập trường giải phóng dân tộc của giai cấp phong kiến, lập trường giải phóng dân tộc của giai cấp tiểu tư sản và tư sản. Sự khác hẳn đó thể hiện ở mục tiêu trước mắt và mục tiêu tiếp theo của sự nghiệp giải phóng dân tộc, biện pháp và lực lượng tiến hành sự nghiệp đó.

Thời ấy, xu hướng quốc tế cho rằng: cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa sẽ giành được thắng lợi sau khi giai cấp vô sản đã giành được thắng lợi ở chính quốc. Trải qua cảnh mất nước, với bạn bè cùng chí hướng ở các thuộc địa, Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra lực lượng vĩ đại của những người cùng khổ và của các dân tộc bị áp bức. Người nói rằng: Nếu làm như vậy thì các đồng chí đánh rắn ở đằng đuôi. Các dân tộc thuộc địa có thể giành được thắng lợi trước khi giai cấp vô sản ở chính quốc lật đổ ách thống trị của tư bản; nhờ thắng lợi của mình, cách mạng ở thuộc địa có thể góp phần vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc.

Phân tích các mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu trong chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta, Hồ Chí Minh cho rằng: trong khi phải tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng phản đế và phản phong và hai cuộc cách mạng ấy quan hệ chặt chẽ với nhau, thì cần tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ phản đế. Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, còn nhiệm vụ phản phong thực hiện “người cày có ruộng” phải rải ra từng bước mà làm trong quá trình tiến hành nhiệm vụ phản đế.

Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vấn đề dân tộc quan hệ chặt chẽ với vấn đề dân chủ nhân dân. Không thúc đẩy nhiệm vụ dân chủ nhân dân thì không phát huy đến cao độ lực lượng dân tộc. Thực hiện “người cày có ruộng” là một vấn đề cốt tử, là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng của cuộc cách mạng vĩ đại ấy. Dù cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức ở miền Bắc nước ta có phạm một số sai lầm trong quá trình thực hiện, nhưng thắng lợi của cải cách ruộng đất ở miền Bắc và thực hiện giảm tô, chia ruộng đất vắng chủ ở miền Nam trong kháng chiến là một thắng lợi cực kỳ to lớn. Xem nhẹ thắng lợi của sự nghiệp cải cách ruộng đất thực hiện “người cày có ruộng” là sai lầm về lập trường và quan điểm chiến lược.

Do đó, thắng lợi vĩ đại 30/4/1975 không chỉ là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn là thắng lợi vĩ đại của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, cũng là thắng lợi vĩ đại của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc từ khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ năm 1954. “Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thử thách cực kỳ nghiêm trọng của chiến tranh đã làm ngời sáng tính ưu việt và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội”(Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV). Đánh giá thành tựu 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Hồ Chí Minh nói: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội, con người đều đổi mới. Làng xóm ta xưa kia lam lũ quanh năm vẫn đói rách. Làng xóm ta ngày nay bốn mùa nhộn nhịp cách làm ăn tập thể, nhà hộ sinh, sân và kho của hợp tác, nhà mới của xã viên. Đời sống vật chất ngày càng ấm no, đời sống tinh thần ngày tiến bộ… những thành tích to lớn của miền Bắc ngày càng tỏ rõ chế độ xã hội chủ nghĩa là rất tốt đẹp và đang cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam”.

*

Ba

Hồ Chí Minh với giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa

Hồ Chí Minh tán thành quan điểm của Mác về cách mạng vô sản ở các nước chính quốc, đồng thời xác định thêm: cách mạng ở các nước thuộc địa, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, trải qua hai giai đoạn:

- Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân

- Cách mạng xã hội chủ nghĩa

Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo là điều kiện ban đầu để tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự phát triển tất yếu của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hai giai đoạn cách mạng ấy không cắt rời nhau mà quan hệ chặt chẽ khăng khít với nhau. Giai cấp tư sản làm cách mạng tư sản chống lại địa chủ phong kiến là để giành và giữ quyền thống trị cho giai cấp tư sản “tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”.

Đảng của giai cấp công nhân tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân không phải để phát triển thành chủ nghĩa tư bản. Sau khi giải phóng dân tộc mà đi theo chủ nghĩa tư bản thì không thể tiếp tục xóa bỏ áp bức bóc lột của giai cấp tư sản đối với công nông, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: tiếp tục giải phóng giai cấp để củng cố thành quả giải phóng dân tộc, tiến tới giải phóng loài người.

Dù chúng ta có phạm một số sai lầm trong khi thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội ở giai đoạn ban đầu, nhưng thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nửa nước và ở cả nước trước khi tiến hành đổi mới là vĩ đại.

Thử hỏi công trình dầu khí Việt-Xô, công trình thủy điện Hòa Bình và nhiều công trình đại thủy nông khác, nhiều nhà máy, xí nghiệp ở cả nước, khu tứ giác Long Xuyên, sự nghiệp khai hoang phục hóa sau 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có phải ở giai đoạn ban đầu đó không?

Không có những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở giai đoạn ban đầu ấy thì không thể thực hiện sự nghiệp đổi mới thắng lợi. Ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới là đổi mới để tiếp tục tiến lên trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, để quá độ lên chủ nghĩa xã hội thắng lợi, tiếp tục thực hiện nhất quán độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đổi mới không có “hệ mục tiêu riêng”. Nói đổi mới có “hệ mục tiêu riêng” là không đúng. Hệ mục tiêu của đổi mới cũng là hệ mục tiêu của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội có nghĩa rằng: động lực dân tộc gắn liền với động lực giai cấp.

Đánh giá thấp động lực dân tộc trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa là một sai lầm lớn. Nhưng không nhận rõ ảnh hưởng quyết định của yếu tố giai cấp đối với yếu tố dân tộc trong cả hai giai đoạn ấy cũng là một sai lầm lớn. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đặt cách mạng giải phóng dân tộc vào quỹ đạo cách mạng vô sản, nhờ thế đã nâng cao chủ nghĩa yêu nước lên một tầm vóc mới – tầm vóc thời đại –, một sức mạnh mới– sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại – mà trong các triều đại phong kiến trước chưa thể có được.

Không có lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội thì không thể thắng được chiến tranh xâm lược của giặc Mỹ do bọn tư bản độc quyền Mỹ phát động, nhằm xâm chiếm nước ta, biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ, vực dậy giai cấp tư sản mại bản phản động và thế lực phong kiến suy tàn, dày xéo công nông và trí thức, dày xéo dân tộc ta, hòng tiêu diệt Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Sức mạnh dân tộc Việt Nam ngày càng được khơi dậy mạnh mẽ trong quá trình gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lịch sử thế giới đã chỉ ra rằng: Liên Xô chiến thắng phát xít Đức và phát xít Nhật là nhờ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa Xôviết, do Đảng Cộng sản Liên Xô lãnh đạo.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Tổ quốc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trở thành Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Từ dân tộc phong kiến, dân tộc nô lệ, dân tộc ta trở thành dân tộc xã hội chủ nghĩa. Bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày nay là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của 54 dân tộc anh em đổ xương máu mà có được.

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là sinh mệnh chính trị của Đảng ta. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mất thì sinh mệnh chính trị của Đảng ta mất. Hiện nay, những kẻ cơ hội, vốn sùng bái chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền rằng: Ở nước ta, chủ nghĩa xã hội mất nhưng độc lập dân tộc vẫn còn.

Luận điệu dối trá ấy muốn cắt rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, muốn đưa dân tộc chúng ta đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, đưa công nông và trí thức cách mạng Việt Nam phải sống dưới ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, làm cho sự nghiệp giải phóng giai cấp bị cắt đứt, “không đến nơi”, không đến đích, dân tộc lại rơi vào vòng nô lệ. Có những kẻ cơ hội cũng “nhã ý” mớm rằng: nên tạm gác khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa để tranh thủ sự đồng tình của các tầng lớp đế quốc và tư sản.

Nhưng thử hỏi, ngày nay vị thế dân tộc ta được nâng cao trên trường quốc tế, nhiều nước quan hệ làm ăn với ta trên phương châm: có đi có lại, không can thiệp vào chủ quyền và công việc nội bộ của nhau, là do đâu? Khi ta gia nhập WTO, hội nhập kinh tế quốc tế, ta vẫn kiên quyết xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, là do đâu, là nhờ đâu? Trong khi tăng cường hợp tác quốc tế, chúng ta kiên quyết chống lại và chống lại có hiệu quả âm mưu chuyển chế độ ta thành chế độ tư bản chủ nghĩa không thông qua biện pháp chiến tranh là do đâu, là nhờ đâu? Từ bỏ chủ nghĩa xã hội, để chủ nghĩa xã hội thất bại là tự mình diệt mình, phản lại dân tộc, phản lại Bác Hồ.

Một số nước để cho chủ nghĩa xã hội thất bại trên Tổ quốc mình, trong khi có đầy đủ lực lượng chính trị và quân sự hùng hậu với hàng triệu đảng viên, là do giao động về chủ nghĩa xã hội, chạy theo miếng mồi nhử “kinh tế thị trường hiện đại”.

Các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách lật đổ chế độ ta, các phần tử cơ hội luôn luôn rêu rao những quan điểm sai trái hòng làm chệch hướng con đường đi tới chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có sự ổn định chính trị vững vàng. Nếu không phải nhờ kiên trì độc lập tự chủ theo con đường xã hội chủ nghĩa thì do đâu?

Xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa.

Để xây dựng hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa thắng lợi ở một nước vốn có nền kinh tế nghèo và lạc hậu như nước ta, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ. Thời kỳ quá độ lâu dài ấy được thực hiện qua từng bước kế tiếp nhau, để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đồng thời từng bước xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Khi nói đến lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất thành hai mệnh đề, hai khái niệm triết học tách rời nhau là nhằm để phân tích, nghiên cứu. Dẫu rằng lực lượng sản xuất là yếu tố tích cực nhất, năng động nhất, nhưng làm gì có một lực lượng sản xuất không nằm trong một quan hệ sản xuất nhất định, làm gì có một quan hệ sản xuất “chân không” không chứa đựng trong nó một lực lượng sản xuất nhất định.

Hạ tầng cơ sở của chủ nghĩa xã hội nhất định phải là một nền đại công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển cao, mà trong đó, hàm lượng tri thức rất cao. Với nhận thức biện chứng như đã nói trên, trong thời kỳ quá độ ở nước ta ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất là ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng xã hội chủ nghĩa quyết định sự lựa chọn phương hướng phát triển phù hợp với đặc điểm dân tộc, đặc điểm xã hội, đặc điểm kinh tế và môi trường sinh thái, phù hợp với đặc điểm của từng bước đi, không những không rập khuôn theo mô hình ngoại lai, mà lại càng không rập khuôn theo mô hình tư bản chủ nghĩa.

Chúng ta phải luôn luôn tôn trọng quy luật: Quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với lực lượng sản xuất công nghiệp hiện đại ngày càng phát triển, không thể và không phải là quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa mà nhất thiết phải là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa không thể hình thành hoàn chỉnh ngay từ đầu thời kỳ quá độ. Nhưng nó hình thành và phát triển từng bước ngay sau khi giành được toàn bộ chính quyền về tay nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua việc tịch thu, quốc hữu hóa hệ thống tài chính – ngân hàng, sân bay, đường sắt, bến cảng, hệ thống điện lực, các trung tâm viễn thông, các cơ sở sản xuất vũ khí, tịch thu đồn điền ruộng đất, hầm mỏ của đế quốc, tư sản mại bản, tàn dư phong kiến…

Từ đó, chế độ công hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu được thiết lập, và như thế, một quan hệ sở hữu mới được hình thành.

Trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội, có lúc ta đã tuyệt đối hóa “công hữu”. Nhận ra khuyết điểm đó, chúng ta thực hiện đổi mới, chủ trương xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể  trở thành nền tảng ngày càng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Hiến pháp năm 1992 lại quy định: các chủ thể sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật.

Trong thời kỳ quá độ, đặc biệt là ở một nước có nền kinh tế lạc hậu, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, “tuyệt đối hóa” công hữu là sai lầm. Nhưng nếu sửa chữa sai lầm “tuyệt đối hóa” công hữu mà lại đi vào hữu khuynh cực đoan “tư hữu hóa” nền kinh tế, xóa bỏ nền kinh tế công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu cũng lại là một sai lầm mới.

Trong mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, “tuyệt đối hóa” tác động chi phối của quan hệ sản xuất đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất là một sai lầm lớn. Thì, hiện tượng coi nhẹ tác động ngược lại của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đối với sự phát triển lực lượng sản xuất cũng là một sai lầm lớn, sai lầm cơ hội hữu khuynh.

Nói cho cùng, quan hệ sản xuất là quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý, quan hệ phân phối mà quan hệ sở hữu đóng vai trò chủ đạo chi phối. Giành lại toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, thiết lập nhà nước Dân chủ Cộng hòa, nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, quốc hữu hóa các tư liệu sản xuất chủ yếu ngay từ đầu, đều nhằm mục đích từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới. Trong giai đoạn chưa được hoàn thiện, nền kinh tế được thiết lập dưới chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo, xét về bản chất, mang bản chất xã hội chủ nghĩa. Các nhân tố xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, càng lớn mạnh, càng giữ vai trò chủ đạo chi phối, vai trò định hướng mà các thành phần kinh tế khác không thể nào thay thế được. Thành phần kinh tế tư bản tư nhân mà thay thế, lấn át, đóng vai trò chủ đạo chi phối, định hướng cho nền kinh tế quốc dân thì nền kinh tế nước ta sẽ chuyển sang nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta sẽ biến dạng, đổi màu sang chế độ khác.

Có lúc chúng ta “tuyệt đối hóa” yêu cầu kế hoạch hóa và tập thể hóa nền kinh tế, “tuyệt đối hóa” phương thức bao cấp trong lưu thông phân phối. Các khuyết điểm sai lầm nêu trên là xuất xứ từ một nguyên nhân là “tuyệt đối hóa” tác dụng chi phối ngược trở lại của quan hệ sản xuất đối với sự phát triển lực lượng sản xuất. Nhận rõ sai lầm có tính chất chủ quan, duy ý chí ấy, chúng ta đã ra sức sửa chữa, thay đổi tư duy kinh tế, thay đổi mô hình kinh tế, thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là lý thuyết kinh tế và mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thứ nhất: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta khác với nền kinh tế thị trường tiền tư bản và nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, trước hết là ở mục đích chính trịbản chất chính trị của nền kinh tế. Nền kinh tế thị trường tư bản vận động theo quy luật thị trường tư bản chủ nghĩa, do tư bản chiếm đoạt được đại bộ phận tư liệu sản xuất, nhờ đó mà tăng cường sức bóc lột thặng dư giá trị đối với tầng lớp lao động làm thuê, nhằm mục đích đem lại lợi nhuận ngày càng nhiều cho tư bản. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu, nhằm mục đích làm cho nhân dân ta ngày càng được ấm no, giàu có, hạnh phúc, nhưng dân giàu trước hết là phải làm cho nhân dân lao động thoát khỏi bần cùng.    

Thứ hai là: ở sự xác định vị trí, tính chất của từng thành phần kinh tế. Một nền kinh tế dựa trên chế độ công hữu tư liệu sản xuất chủ yếuthì tất yếu kinh tế nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, chi phối, nòng cốt và định hướng.

Và như vậy, cần có sự phân biệt giữa chế độ sở hữu (theo nghĩa rộng) và hình thức sở hữu.

Trong khi khẳng định chỉ có một chế độ sở hữu là công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu thì lại thừa nhận trong chế độ sở hữu ấy có nhiềuhình thức sở hữu (nhiều thành phần kinh tế).

Thứ ba là: Các công ty cổ phần, các hình thức đa sở hữu ngày càng xuất hiện nhiều, nhưng trong các công ty đa sở hữu ấy lại mang bản chất sở hữu khác nhau. Phải đảm bảo cho các công ty đa sở hữu mà nhà nước có tỉ lệ cổ phần chi phối chiếm vị trí chủ đạo.

Thứ tư là: do bản chất chính trị khác nhau mà có mục đích sản xuất - kinh doanh khác nhau, cho nên nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa thúc đẩy bóc lột thặng dư giá trị của chủ tư bản, làm cho sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng cao. Còn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong khi thúc đẩy phát triển, phải đảm bảo ngày càng giảm bớt sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội. Đó là một nhiệm vụ dân tộc và giai cấp của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là thước đo nghiêm khắc xem sự vận hành kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có đi đúng hướng hay không.

Chỉ khi nào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước tập trung sức củng cố và phát huy cao vai trò của kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể, động lực và tiềm lực xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế nhiều thành phần, thì việc giảm bớt khoảng cách giàu nghèo mới đạt hiệu quả thật sự.

Hồ Chí Minh xác định rất rõ mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Người chỉ ra: Nói đến chính trị, chúng ta phải xem xét thái độ của các giai cấp và các tầng lớp xã hội.

Từ quan điểm đó, phải thẳng thắn nói rằng: Giữa kinh tế cá thể, kinh tế tiểu thương, tiểu chủ (bao gồm kinh tế trang trại quy mô nhỏ, các công ty gia đình, các doanh nghiệp nhỏ và vừa) và kinh tế tư bản tư nhân có quan hệ sở hữu về bản chất khác nhau.

Về kinh tế những năm qua kinh tế tư bản tư nhân có mặt tích cực, là một động lực góp phần xây dựng nền kinh tế quốc dân phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên đã có những biểu hiện tiêu cực: chỉ nhấn mạnh mục tiêu duy nhất là lợi nhuận “lợi nhuận bất kỳ”, từ đó chạy theo lợi ích ngược lại định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phát huy mặt tích cực, khuyến khích họ đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp họ tồn tại lâu dài trong nền kinh tế nước ta, đồng thời đấu tranh khắc phục mặt tiêu cực.

Ở các thời đại, kinh tế hộ, kinh tế tiểu thương, tiểu chủ có vai trò rất quan trọng, nhưng chưa bao giờ nó đóng vai trò chủ đạo, quyết định bản chất kinh tế và chính trị của một phương thức sản xuất. Dưới chế độ phong kiến, kinh tế địa chủ đóng vai trò chủ đạo. Dưới chế độ tư bản, kinh tế tư bản đóng vai trò chủ đạo. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa đóng vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể hợp thành nền tảng. Kinh tế hộ, tiểu chủ, tiểu thương đã góp phần rất quan trọng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng, như có nhà nghiên cứu ví dụ nền kinh tế cá thể, tiểu chủ, tiểu thương như “một cốc nước không đầy”. Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể nhận rõ trách nhiệm chính trị, kinh tế, xã hội của mình trong thời kỳ quá độ, tích cực “rót cho đầy cốc nước” đó để giữ vững bản chất xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế chúng ta. Kinh tế tư bản tư nhân do bản chất tự thân của quan hệ sở hữu tư bản tư nhân, cũng tranh thủ thời cơ “rót đầy cốc nước”, và nếu họ làm được như vậy, thì nền kinh tế chuyển sang một bản chất khác.

Quá trình “rót đầy cốc nước” nói lên tính chất cuộc đấu tranh giữa hai con đường trong thời kỳ quá độ: con đường phát triển theo chủ nghĩa xã hội và con đường phát triển theo chủ nghĩa tư bản.

Hiện nay, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế tập thể còn có những điểm yếu kém, tỷ trọng đóng góp vào GDP chưa cao. Đó là do Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và những cán bộ được phân công phụ trách xây dựng kinh tế tập thể chưa làm tròn trách nhiệm. Có yếu kém thì càng phải tích cực tập trung sức lực của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị mà khắc phục, mà vực dậy. Đó là trách nhiệm củng cố nền tảng liên minh công nông và trí thức, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, đào tạo nguồn nhân lực xã hội chủ nghĩa trước mắt và lâu dài.

Một khi đã chấp nhận trong nền kinh tế nhiều thành phần có thành phần kinh tế tư bản tư nhân, thì tất yếu thừa nhận trong thời kỳ quá độ diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Tính chất dân tộc và giai cấp biểu hiện sâu sắc và ráo riết trong chính cuộc đấu tranh giữa hai con đường đó. Chúng ta không cường điệu những nhân tố tư bản chủ nghĩa trong cuộc đấu tranh ấy, nhưng cũng không coi nhẹ những yếu tố tự giác và tự phát của chủ nghĩa tư bản trong một đoạn đường đầy gian truân và khắc nghiệt – quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sự thất bại của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, đó là một bài học bổ ích để chúng ta cảnh giác.

Kinh tế nhà nước đã có vai trò to lớn trong nền kinh tế, không ai có thể phủ nhận. Nhưng vừa qua, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, ít nhiều có phạm khuyết điểm, thậm chí nghiêm trọng như sai lầm ở Vinashin. Khuyết điểm và sai lầm ấy là do quản lý lỏng lẻo. Dochủ sở hữu không làm tròn trách nhiệm chủ sở hữu, vin vào và phó mặc cho tính tự phát của cái gọi là “cơ chế thị trường” để diễn ra tình trạng mà người ta cố tình bôi bác: “Cha chung không ai khóc”. Trên pháp lý, không có đơn vị kinh tế nhà nước nào không có chủ sở hữu, không có chuyện “cha chung” nhưng chủ sở hữu được xác định ấy lại thiếu trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau, phân chia từng mảnh tản mạn. Có vị chủ doanh nghiệp đã phát biểu trên báo chí: Kinh tế nhà nước là nơi sử dụng vốn như thùng không đáy, và là cỗ máy “nghiền” cán bộ nhanh nhất, không ít cán bộ hư hỏng, tham nhũng đều từ bộ máy kinh tế quốc doanh mà ra.

Người phát ngôn và người đưa tải tin tức trích ở trên không phải không có chủ đích. Nhưng về phía những người cộng sản, các tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước cùng các chủ sở hữu, chúng ta thấy rõ trách nhiệm của mình, kiên quyết tập trung củng cố, bất luận trường hợp nào cũng không thể để cho kinh tế nhà nước, xương sống của toàn bộ nền kinh tế quốc dân sa sút.

Các đơn vị kinh tế xã hội chủ nghĩa chịu sự lũng đoạn tiêu cực cũng là một bộ phận của cuộc đấu tranh giữa hai con đường tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.

Để đảm bảo thắng lợi trong cuộc đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, trong Đảng và bộ máy nhà nước phải kiên quyết thật sự chống quan liêu, tham nhũng. Nơi nào mà quyền lực không vì nhân dân thì nơi ấy có tham nhũng. Còn trong nền kinh tế và trong xã hội phải kiên quyết chống đầu cơ. Những người có chức quyền mà móc ngoặc với bọn đầu cơ để trục lợi, mua bán danh tước thì Đảng, nhà nước sẽ bị lũng đoạn, tác hại không lường hết. Đó là một sự cấu kết cực kỳ nguy hiểm, “đi đêm giữa tay trong và tay ngoài”, giữa những người lợi dụng chức quyền và những kẻ có tiền của muốn làm giàu bất chính.

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã xác định ở Cương lĩnh chính trị của Đảng năm 1991, được bổ sung và phát triển năm 2011 không phải là khẩu hiệu kêu gọi chung chung. Cũng không phải là một việc làm được tiến hành sau năm 2015 hay 2020, mà quán triệt ngay, thẩm thấu trong mọi lĩnh vực, mọi nhiệm vụ, mọi quá trình của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Quán triệt quan điểm quá độ lên chủ nghĩa xã hội sâu sắc chừng nào trong từng lĩnh vực, trong suốt quá trình và trong toàn bộ nền kinh tế thì càng thu hoạch được những thành tựu thực chất, nhân tố xã hội chủ nghĩa ngày càng tăng lên đúng định hướng.

Cắt rời các bước của thời kỳ quá độ lâu dài, cắt rời đổi mới với con đường xã hội chủ nghĩa là một sai lầm. Không có công nghiệp hóa chung chung mà chỉ có công nghiệp hóa theo con đường xã hội chủ nghĩa hay công nghiệp hóa theo con đường tư bản chủ nghĩa mà thôi. Tách rời “phát triển” và bản chất chính trị của sự “phát triển” là một biểu hiện của sai lầm đó.

*

Bốn

Đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân lựa chọn

Khai phá được con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nhờ Đảng ta, từ những tổ chức tiền thân cho đến ngày nay, đã ráo riết học tập, kế thừa và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Cho nên, để kiên định và kiên trì con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn thì trong mọi hoạt động của Đảng, phải lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam.

Không thực hiện điều quan trọng này thì sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh” hoặc “hữu khuynh”, lâm vào nguy cơ chệch hướng, tự phát hay tự giác phản bội lại thành quả cách mạng mà mồ hôi và xương máu chiến đấu hy sinh của nhiều thế hệ xây đắp nên.

Hiện nay nhờ có hòa bình, độc lập, thống nhất, kinh tế phát triển, giao lưu văn hóa và khoa học mở rộng, chúng ta được học tập nhiều gấp bội so với trước. Bằng cấp, chức danh, cấp quân hàm nhiều hơn trước, cao hơn trước. Điều đó rất quý. Nhưng, một vài lớp bồi dưỡng chính trị, một bằng cử nhân, một chức danh tiến sĩ, một chức vụ trung cấp, cao cấp trong Đảng và chính quyền… chưa thể đảm bảo là đã am tường sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Không thể hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh một cách thô thiển, không có gốc, không có hệ thống, sơ lược, chắp vá. Có hiện tượng chỉ hiểu câu chữ mà không nắm được sự tinh túy và nguyên lý có tính chất phổ quát; có hiện tượng cắt xén lý luận cơ bản, dẫn theo sách vở phương Tây, sách vở chống cộng. Không dày công lăn lộn nghiên cứu thực tiễn. Có hiện tượng lợi dụng phát huy dân chủ, tự do dân chủ để truyền bá những quan điểm sai trái trên báo chí, trên mạng, trên các diễn đàn nghiên cứu.

Những hiện tượng ấy là miếng đất cho xu hướng giáo điều mới và xu hướng xét lại mới phát triển, ngăn trở việc nắm vững và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn một cách đúng đắn.

Bác Hồ dạy: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt”.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần khắc phục một cách nghiêm túc những khuyết điểm về dạy và học chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên. Cần lấy việc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm một tiêu chuẩn rèn luyện đảng viên và bồi dưỡng cán bộ.

- Phải kết hợp nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc học tập, soạn thảo các Nghị quyết của Đảng.

- Phải rà soát chương trình học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường học.

- Coi trọng đào tạo một thế hệ giáo viên truyền giảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh có đạo đức và tài năng cao.

- Quan tâm tổng kết tình hình thực tiễn. Tổng kết thực tiễn là dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để soi rọi tình hình và thực tiễn để kiểm tra đường lối chính sách và từng bước hoàn thiện đường lối, chính sách.

- Trình độ hiểu biết và khả năng vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là một tiêu chuẩn để tuyển chọn công chức, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

- Kiên quyết chống lại các quan điểm sai trái trong nội bộ Đảng và trong xã hội, các quan điểm chống phá của các thế lực thù địch, các khuynh hướng cơ hội, cố tình bôi bác chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đang tạo ra nguy cơ “tự diễn biến” rất nguy hiểm.

Học tập đi đôi với rèn luyện. Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là rèn luyện đạo đức, nâng cao ý chí chiến đấu phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, tác phong lãnh đạo và tác phong làm việc, tác phong lao động, nền nếp công tác và sản xuất, tinh thần đoàn kết thương yêu lẫn nhau giữa các thế hệ và trong mỗi gia đình. Đặc biệt là cán bộ, đảng viên cần nêu cao các tấm gương tốt, “một tấm gương tốt còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, như Bác Hồ dạy. Thoái hóa về đạo đức sẽ dẫn đến thoái hóa về chính trị.

Cần nâng cao đạo đức cách mạng và lối sống lành mạnh trong nhân dân và thanh niên, thiếu niên. Có chiến lược thực hiện lời Di chúc của Bác Hồ: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, vừa hồng vừa chuyên, thế hệ kế thừa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cần nhớ mãi lời dạy của Người: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, “không có tư tưởng xã hội chủ nghĩa thì không làm được công việc của chủ nghĩa xã hội”.

Tập trung khắc phục bằng được tình hình thoái hóa biến chất về lý tưởng xã hội chủ nghĩaKhông thể để đến Đại hội Đảng lại lặp lại nhận định: “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng".

Hàng ngàn, hàng vạn trang sách và trang báo mấy chục năm qua đã nói nhiều về tệ tham nhũng, quan liêu.

Đảng đã đề ra nhiều biện pháp. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một điểm: thực thà tự phê bình và phê bình từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, đặc biệt từ cấp lãnh đạo, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước, trong cán bộ cao cấp, trung cấp.

Không xây dựng được tinh thần và nền nếp thực thà tự phê bình và phê bình thì không thể nào xây dựng Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị trong sạch và vững mạnh. Sức mạnh của một Đảng bộ, mỗi đảng viên không chỉ ở chỗ phát huy ưu điểm, mà còn là nhận ra, nhận rõ và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của mình.

Việc thật thà tự phê bình và phê bình nên bắt đầu từ đợt học tập các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, nằm trong quá trình xây dựng chương trình hành động của Đảng bộ và đảng viên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI.

Cùng với thật thà tự phê bình và phê bình là kiên quyết và thực hành rộng rãi dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội. Bác Hồ dạy: “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết được mọi khó khăn.

Cùng với mở rộng dân chủ là phải tăng cường kỹ luật, giữ vững chuyên chính. Bác Hồ dạy: “Chế độ nào cũng có chuyên chính, vấn đề là chuyên chính với ai?... Như cái hòm đựng của cải, thì phải có cái khóa. Nhà thì phải có cửa… Dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân,chuyên chính là cái khóa, cái cửa để phòng phá hoại… Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ lấy dân chủ.

Để thực hiện mở rộng dân chủ, đề cao kỷ luật, thì một biện pháp rất quan trọng là phải kiểm tra, thanh tra và giám sát.

Bên cạnh ưu điểm, hiện nay trong một số trường hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát còn né tránh, còn thỏa hiệp để giữ ghế, giữ ôn hòa, “nín thở qua sông”, chờ qua khỏi các kỳ đại hội, các kỳ bầu cử. Vậy thì làm sao phân biệt được cán bộ tốt xấu, làm sao đưa được cán bộ tốt vào bộ máy lãnh đạo và quản lý? Thanh tra đi, thanh tra lại vẫn không phát hiện được vấn đề. Đến khi đổ bể mới biết. Thanh tra xong, có kết luận rồi, nhưng do nhân nhượng, thỏa hiệp với nhau nên không giải quyết được dứt điểm. Động đến cấp chức càng cao, càng khó thanh tra, kiểm tra. Vậy sức chiến đấu của Đảng có còn hiệu lực nữa không?

Thưa các vị, các đồng chí và các bạn,

Đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là một cuộc đấu tranh để xây dựng cái mới và loại trừ cái cũ không còn phù hợp, là sự nghiệp mãi mãi của các thế hệ Việt Nam. Chúng ta khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi tiếp tục thực hiện con đường cách mạng vinh quang đó tới đích. Chúng ta biết rằng: Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một thời kỳ dài, nhưng không phải là vô hạn. Chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.

Xin cảm ơn !
 

Lê Khả Phiêu

Nguyên Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website