Hồ Chí Minh với sự nghiệp hoà bình, hữu nghị và phát triển vì tiến bộ của Việt Nam và thế giới

Nguyễn Mạnh Cầm

Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn. Người là hiện thân của văn hóa hòa bình, giàu lòng bác ái; tên tuổi và cuộc đời của Người luôn gắn liền với sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và phát triển vì tương lai của Việt Nam và thế giới. Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương cao đẹp về trí tuệ và giá trị đạo đức của một lãnh tụ cách mạng có bản lĩnh vững vàng trước mọi thử thách khắc nghiệt của hoàn cảnh để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đồng thời cho thấy tầm nhìn xuyên suốt không gian và thời gian của một nhà chính trị kiệt xuất không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Trong bài tham luận này, tôi xin được phân tích 5 vấn đề chính trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình, hữu nghị và phát triển vì tiến bộ và tương lai của Việt Nam và thế giới, đó là:

1. Tư tuởng về đấu tranh giải phóng dân tộc - một đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh cho sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và tiến bộ của nhân loại

Hồ Chí Minh - người kiến tạo thành công cuộc cách mạng giải phóng thuộc địa giành lại độc lập, hòa bình cho Việt Nam. Giữa lúc cách mạng Việt Nam lâm vào tình trạng bế tắc về đường lối, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) là người Việt Nam yêu nước đầu tiên tìm ra con đường cứu dân, cứu nước. Từ năm 1911, Người đã ra đi tìm đường cứu nước, đặt chân lên nhiều châu lục, tiến hành khảo sát chủ nghĩa thực dân, đế quốc ở các nước tư bản chủ yếu và nhiều nước thuộc địa của chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt nhận ra những đổi thay của thời cuộc, sớm nhận thức được xu hướng phát triển củn thời đại trong một thế giới có nhiều biến động, phức tạp vào đầu thế kỷ XX khi chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa đế quốc. Từ một người yêu nước nồng nhiệt, Người đã bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin và trở thành người cộng sản. Từ đó, Người đã rút ra kết luận: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Đó là đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại nhằm đi tới mục tiêu cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam của Hồ Chí Minh là một đóng góp to lớn cả về lý luận lẫn thực tiễn cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Về đấu tranh giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc muôn thắng lợi phải đi theo con đường của cách mạng vô sản, phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm toàn dân tộc, cách mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.

Luận cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa nêu ở Đại hội VI Quốc tế Cộng sản (1928): ''chỉ có thể thực hiện hoàn toàn công cuộc giải phóng các thuộc địa khi giai cấp vô sản giành được thắng lợi ở các nước tư bản tiên tiến''. Ngay từ Đại hội, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới và đặc biệt là vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược thuộc địa gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa”1. Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước.

Độc lập thật sự phải gắn với hòa bình thật sự. Hồ Chí Minh từng nói: ''Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình... kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước''2.

2. Hồ Chí Minh - hiện thân của tư tưởng đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển

Toàn bộ tiến trình cách mạng cũng như nền ngoại giao Việt Nam từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời mang đậm dấu ấn tư tưởng và hành động của Hồ Chí Minh - tư tưởng hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển giữa các dân tộc. Người chủ trương xây dựng quan hệ ngoại giao hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển giữa các dân tộc.

Ngay sau khi giành được độc lập, bản Thông cáo đầu tiên về chính sách đối ngoại của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3-10-1945 đã đề ra mục tiêu góp phần giữ gìn hòa bình thế giới. Thông cáo viết: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài''3. Sau khi ký tạm ước ngày 14-9-1946 với Chính phủ Pháp, trả lời báo Paris Sài Gòn Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: ''Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh''4.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, đưa ra nhiêu sáng kiến hòa bình, đồng thời đẩy mạnh hoạt động ngoại giao làm cho dư luận thế giới thấy được thực chất của tình hình Việt Nam, bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc và luận điệu hòa bình giả dối của chúng.

Từ cuối năm 1946 đến tháng 3-1947, sau khi Pháp phát động chiến tranh chống lại nhân dân Việt Nam và toàn dân đã đi vào kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần ''còn nước còn tát'' đã 8 lần gửi thư và điện cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, kêu gọi đình chiến lập lại hòa bình, mở lại thương lượng với những đề nghị hợp tình, hợp lý.

Sau Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, ngày 26-11-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn của Chính phủ Pháp muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình''5.

Trong thư gửi cho người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của gần 70 nước trên thế giới trình bày tình hình chiến tranh Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: trải qua hơn hai mươi năm chiến tranh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam rất thiết tha với hòa bình để xây dựng đời sống của mình''6. Hồ Chí Minh không đề cập hòa bình và chiến tranh một cách trừu tượng. Trong thư gửi Đại hội nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình, Người nêu rõ: phong trào hòa bình phải gắn liền với phong trào độc lập dân tộc''7.

Người luôn lấy hòa bình hữu nghị và đạo lý làm tiêu chí để phân biệt bạn thù, phân biệt dân tộc với bọn phản động, hiếu chiến trong chính phủ của đối phương, luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, tập hợp rộng rãi nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới chống lại các thế lực gây chiến tranh xâm lược. Đó là nét đặc trưng của ''ngoại giao tâm công'' Hồ Chí Minh. Thực hiện đường lối ''ngoại giao tâm công'' với tinh thần “Đem đại nghĩa thắng hung tànlấy chí nhân thay cường bạo”, ta đã tranh thủ được một ''Mặt trận rộng rãi nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược", điều chưa từng có trong bất cứ cuộc chiến tranh giải phóng nào.

Đối với Người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn, Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta là kẻ thù... Phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân ''Phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn''8. Và, “Ta phải làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết”. Đối với Pháp và Mỹ, Hồ Chí Minh phân biệt nhân dân với các Chính phủ cầm quyền, thúc đẩy phong trào phản chiến của nhân dân các nước này, cô lập lực lượng hiếu chiến. Trả lời nhà báo Ôxtrâylia W.Bớcsét, tháng 8-1963 và tháng 4-1964, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp và nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình, thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do, với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn”9, “chúng tôi phân biệt nhân dân Mỹ với đế quốc Mỹ. Chúng tôi muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính trọng vì nhân dân Mỹ là một dân tộc tài năng, đã có nhiều cống hiến cho khoa học và nhất là gần đây đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam''10.

Hồ Chí Minh chủ trương tập hợp lực lượng rộng rãi: “Chúng ta không thể nói khối phương Đông và khối phương Tây. Tôi muốn nói có những người yêu chuộng hòa bình và có những kẻ chủ trương chiến tranh”11. Tại Hội nghị Ngoại giao năm 1966, Người nhắc nhở các cán bộ làm công tác đối ngoại: “Ngoại giao của ta là cốt tranh thủ nhiều người ủng hộ cuộc đấu tranh cứu nước của ta... phải làm sao vui lòng được mọi người, làm vui lòng được từ người binh nhất, binh nhì. Tuy không được lòng họ một trăm phần trăm nhưng không được mất lòng ai một trăm phần trăm... Ta phải luôn luôn giúp đỡ họ và mong cho tất cả đều đoàn kết''12.

Quan điểm về đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước dân chủ đã hình thành trong tư tưởng Hồ Chí Minh từ rất sớm. Đây là một tư tưởng vượt thời đại, xét bối cảnh phân cực sâu sắc của chính trị quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Tháng 9-1947, trả lời câu hỏi của S.Elie Maissie - phóng viên hãng tin Mỹ Intemational News Service về những đại cương chính sách đối ngoại của nước Việt Nam dựa theo tình thế quốc tế lúc bấy giờ, Hồ Chủ tịch khẳng định: Việt Nam muốn “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”13; “Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam”14. Tháng 7-1956, trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, Hồ Chủ tịch khẳng định: ''Chính sách đối ngoại của chúng tôi là lập quan hệ tốt với tất cả các nước muốn lập quan hệ ngoại giao với chúng tôi trên cơ sở có đi có lại, bình đẳng và tôn trọng năm nguyên tắc chung sống hòa bình''15. Nguyên thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Hồ Chí Minh rất chú trọng quan hệ đa phương và đa dạng với các nước khác trên thế giới. Đây là điều mà Hồ Chí Minh rất quan tâm ngay sau khi nước Việt Nam mới ra đời, trong quá trình vừa kháng chiến vừa kiến quốc”.

Hồ Chí Minh đã từng ủng hộ tư tưởng trung lập. Hoạt động nhiều năm tại châu Âu và theo dõi diễn biến hai cuộc chiến tranh thế giới, Hồ Chí Minh quen thuộc với khái niệm “trung lập” trong quan hệ quốc tế. Trong chuỗi bài hướng dẫn Chiến tranh du kích do Việt Minh xuất bản tháng 5-1944, Hồ Chí Minh viết: “Đất trung lập, giáp giới nhiều nước... thì ta ngoại giao cho khéo”16. Trả lời phỏng vấn của báo Praxa Thipatay (Thái Lan), ngày 2-9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Việt Nam sẽ hợp tác với mọi nước vui lòng hợp tác thật thà và bình đẳng với Việt Nam. Một nước rất có thể trung lập giữa hai cường quốc, thí dụ nước Thụy Sĩ”17.

Do đặc điểm đấu tranh của nước ta và tình hình quốc tế lúc bấy giờ, từ đầu năm 1960 cùng một nước Việt Nam có hai hệ thống và tổ chức ngoại giao: Ngoại giao của Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam theo chính sách hòa bình, trung lập trong khi ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Cơ quan ngoại giao hai miền ''vừa là một mà vừa là hai'', ''vừa là hai lại vừa là một''. Người thường xuyên căn dặn ngoại giao hai miền phải phát huy vai trò chủ động của mỗi miền bổ sung cho nhau, phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội Đảng lần thứ II năm 1951, đồng chí Trường Chinh đã nêu rõ: “Hồ Chí Minh luôn luôn phối hợp sự mềm mỏng của chiến thuật với sự đanh thép của nguyên lý; không vì lợi ích thiển cận nhất thời mà nhìn chệch mục tiêu cách mạng. Người dạy chúng ta khi tình hình thay đổi... thì phải lập tức xét lại chủ trương chính sách và phương pháp vận động, căn cứ vào tình hình mới mà định phương châm chiến lược và chiến thuật, không nên bám những khuôn khổ cũ kỹ”18.

Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc cũng thấm đượm trong tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh. Điểm then chốt để ''neo'' thế giới quan của Hồ Chí Minh vẫn là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc và đi cùng với nó là tư tưởng đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Phân tích tình hình thế giới là để giúp Người nhìn ra mối dây liên hệ giữa Việt Nam với thế giới và đánh giá đặc điểm quan hệ quốc tế là để giúp tìm lối đi cho con thuyền cách mạng Việt Nam. Đối với Người, khoa học là để phục vụ cách mạng và cụ thể hơn là phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng dân giàu nước mạnh. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh - vốn đã mạnh bởi cơ sở khoa học của nó - lại càng mạnh hơn vì đã dựa được vào sức mạnh của truyền thống dân tộc và giành được tính chính danh vì phục vụ lợi ích dân tộc.

3. Triết lý của Hồ Chí Minh về phát triển và hợp tác cùng phát triển

Ngay từ giữa thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã có cái nhìn khoa học và hiện đại về phát triển, trong đó có những vấn đề mà nhiều lý thuyết phát triển ngày nay đang đặt ra như phát triển bền vững, phát triển nhân văn... Những vấn đề về tăng trưởng và phát triển, nội sinh và ngoại lực, kinh tế và xã hội, vật chất và tinh thần, hiện tại và tương lai..., những vấn đề mà trong thế giới ngày nay các lý thuyết và các mô hình phát triển trên thế giới đang phải giải quyết, đã được Hồ Chí Minh đề cập sâu sắc trong quan niệm của người về bản chất, nội dung của chủ nghĩa xã hội và quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sự kết hợp nội sinh - ngoại lực, theo Hồ Chí Minh là một nguyên lý tất yếu của sự phát triển xã hội giống như nguyên lý phát triển của giới tự nhiên. Người cho rằng, chỉ cách mạng vô sản mới giải phóng được dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân tự làm lấy; đồng thời, Người cũng nói rằng, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải dựa vào các nước xã hội chủ nghĩa, phải đoàn kết với các dân tộc, phải tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới. Như vậy, ý thức phát triển để hợp tác và hợp tác để cùng phát triển là hai mặt của quá trình phát triển đã hình thành sớm từ những ngày mới dựng lên nền cộng hòa dân chủ Việt Nam.

Về tăng trưởng và phát triển, Hồ Chí Minh luôn đặt chúng trong mối quan hệ biện chứng và hài hòa: Tiến lên chủ nghĩa xã hội phải từng bước phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội; nâng cao đời sống vật chất của xã hội phải đồng thời với nâng cao đời sống tinh thần của con người; vấn đề không chỉ là sản xuất ra nhiều của cải, mà điều quan trọng hơn là chất lượng của cải phải ngày càng cao, và làm sao nâng cao được chất lượng sống cho nhân dân. Người nói: chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội mà dân không được hưởng hạnh phúc thì chủ nghĩa xã hội đó cũng không có nghĩa lý gì.

Trong hệ thống các yếu tố của phát triển, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến chủ thể của quá trình phát triển - Đảng Cộng sản. Sự lãnh đạo của một đảng cộng sản chân chính, trí tuệ và sáng tạo là yếu tố đầu tiên và cũng là yếu tố cuối cùng có tính quyết định đối với sự định hướng và xây dựng một xã hội mới. Bởi theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của nhân dân, của cách mạng; mục đích của Đảng không có gì khác là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng thực sự là mục tiêu của bất kỳ một triết lý phát triển nào nhằm mục tiêu phát triển xã hội bền vững.

Ngày nay, với chủ trương xây dựng và chấn hưng đất nước, coi xây dựng kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng then chốt, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thực chất là Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện triết lý phát triển theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là văn hóa đạo đức của Người. Hơn nữa, với chủ trương tiến hành cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'', rõ ràng Đảng ta đã thực sự thấm nhuần quan điểm phát triển xuất phát từ cách tiếp cận với văn hóa đạo đức, lấy đạo đức cách mạng làm gốc của người cách mạng chân chính.

Toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh được thực hiện ở Việt Nam chính là triết lý phát triển xã hội của Người. Do hoàn cảnh khó khăn và điều kiện hết sức thiếu thốn của thời kỳ đầu trong công cuộc xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh chưa thể thực hiện được trọn vẹn các vấn đề cụ thể, song nội dung cơ bản của triết lý phát triển Hồ Chí Minh, đặc biệt là nguyên lý, linh hồn của triết lý phát triển theo đúng nghĩa của nó, phát triển bền vững, phát triển theo hướng nhân văn, là nguyên lý, là triết lý phát triển đúng đắn, khoa học, phù hợp với xu thế của thời đại ngày nay.

4. Hồ Chí Minh – tư tưởng nhân văn về bảo vệ môi trường, về quyền trẻ em, bình đẳng và sự tiển bộ của phụ nữ

Hồ Chí Minh cũng sớm có tư tưởng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Người cho rằng, trước hết phải coi đó là việc của toàn dân, chỉ có dân làm thì sự nghiệp đó mới thành công; phải để dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân tự quản, tự làm, tự kiểm tra. Người cho rằng, đi đôi với phát triển kinh tế, văn hóa phải đặc biệt chú ý bảo vệ môi trường và phát triển môi trường bền vững; con người trong quan hệ với môi trường, phải biết khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách tiết kiệm, phải có ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ mình và thế hệ con cháu mai sau; cần chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ để họ có nhận thức đúng đắn, có thái độ và hành vì đối xử phù hợp với môi trường, để môi trường phát triển bền vững. Đây thực sự là một tư duy đi trước thời đại về phát triển bền vững mà hiện nay nhân loại đang phấn đấu để đạt được.

Đối với Hồ Chí Minh, mối quan hệ thiên nhiên - con người là hết sức gắn bó, nó như một chỉnh thể tất yếu tự nhiên không thể chia cắt. Người nói: Trời có bốn mùa, người có bốn đức tính. Thiên thời - địa lợi - nhân hòa là điều kiện cho sự ổn định, phát triển và trường tồn. Người còn nói: ''Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh''l9. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau để nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội''20. Quan điểm và hành vi “Trồng cây” và “Trồng người” của Hồ Chí Minh thể hiện ẩn ý sâu xa của người về mối quan hệ con người – thiên nhiên trong sự hài hòa và trường tồn của vũ trụ.

Một trong những tư tưởng đầy tính nhân văn của Hồ Chí Minh là việc bảo vệ quyền của trẻ em, bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ. Người rất quan tân đến trẻ em, luôn quan tâm đến vấn đề học tập, vấn đề giáo dục và đào tạo thiếu niên, nhi đồng. Người coi trọng việc bảo đảm công bằng giáo dục cho trẻ em, quan tâm đến việc tạo điều kiện cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo được học tập. Người đã từng nói với các em học sinh: Tương lai đất nước có giàu mạnh hay không là tuỳ thuộc vào các em, vào trình độ học vấn của các em. Do đó các em cần phải chăm chỉ học hành. Đảng và Nhà nước phải tạo mọi điều kiện cho các em học tập tiến bộ. Quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội là: Phụ nữ chiếm phần nửa xã hội. Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nếu không giải phóng phụ nữ xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa. Người nhấn mạnh: ''Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ''21. ''Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng''22. Người đã tặng phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng: ''Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang''.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong đó có cán bộ nữ. Người quan tâm chỉ đạo bố trí cán bộ nữ vào các cương vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nên ở các cấp, các ngành, tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo ngày càng cao. Người chủ trương xóa bỏ chế độ áp bức của cha mẹ đối với con cái, của chồng đối với vợ; cấm tục năm thê, bảy thiếp, vợ hầu, vợ lẽ, cấm tảo hôn, bảo vệ quyền đàn bà được giữ con mình lúc ly dị.

Về phương pháp giải phóng phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: ''Chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh''23 – “Thắt chặt mối đoàn kết giữa các tầng lớp phụ nữ trong nước, giữa phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các nước bạn cùng phụ nữ dân chủ thế giới”24.

5. Vận dụng tư tưởng hòa bình, hữu nghị và tiến bộ của Hồ Chí Minh vào công cuộc hội nhập để phát triển trong thời đại toàn cầu hóa

Tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình, hữu nghị và phát triển vì tiến bộ cần được vận dụng và vận dụng một cách sáng tạo để phục vụ cho công cuộc gìn giữ hòa bình, bảo vệ độc lập, thống nhất và chấn hưng đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Trước hết, phải khơi dậy sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, nguồn động lực mạnh mẽ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giải quyết tốt mối quan hệ gắn bó giữa các dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây là một sức mạnh đặc biệt của dân tộc ta đã được lịch sử kiểm nghiệm và minh chứng. Phát huy được sức mạnh này, sẽ bảo đảm giữ gìn được hòa bình, độc lập và chấn hưng đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều thách thức như hiện nay.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, cần nâng cao nhận thức và giải quyết mọi vấn đề trên cơ sở lợi ích dân tộc là cao nhất. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã có những tư tưởng tiên phong theo xu hướng mở cửa, đa dạng hóa quan hệ với các nước, thu hút đầu tư, thúc đẩy quan hệ buôn bán với nước ngoài. Ngay từ đầu tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho những người đứng đầu các nước Anh, Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và Liên hợp quốc nêu rõ chính sách của Việt Nam là thực hiện chính sách mở cửa và hợp tác, mời các nhà đầu tư, các nhà kỹ thuật nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam, sẵn sàng mở các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế, chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chúng ta đã gặt hái được nhiều thành công rực rỡ, đặc biệt là giành được thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc “đổi mới” là do đã tiếp thu và vận dụng tư duy đối ngoại mà Hồ Chí Minh mở đầu cách đây hơn nửa thế kỷ, thấm nhuần tư tưởng của Người về đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác, hữu nghị, và cùng phát triển giữa các dân tộc. Sau những chặng đường gập ghềnh của lịch sử, ngày nay chúng ta đang đứng trước vận hội lớn của dân tộc với những vị thế và điều kiện phát triển thuận lợi, nhưng cũng kèm theo không ít thách thức. Sự phát triển của chính trị thế giới và khu vực trong những năm tới sẽ đặt ra cho chúng ta nhiều thử thách cả về an ninh và phát triển. Đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác, hữu nghị sẽ tránh cho chúng ta những thế kẹt bất lợi và phục vụ tốt nhất cho công cuộc xây dựng đất nước.

Trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa và hội nhập như hiện nay, việc thực hiện cho được triết lý phát triển mang tính nhân văn Hồ Chí Minh quả là không hề giản đơn, nếu không nói là cực kỳ khó khăn. Đây là giai đoạn đặt ra những thời cơ mới cho Việt Nam phát triển, nhưng cũng đặt ra những thách thức không dễ vượt qua nếu chúng ta không kế tục được những phẩm chất nhân văn mang tầm chiến lược của triết lý phát triển như triết lý phát triển theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Triết lý phát triển theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh gắn liền với bản chất chế độ, gắn liền với những thành tựu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức phấn đấu theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng có nghĩa là triết lý hành động theo chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh chỉ có thể trở thành hiện thực khi mục tiêu cách mạng theo con đường Hồ Chí Minh đã chọn được thực hiện thành công ở nước ta.

Tóm lại, Hồ Chí Minh với sự nghiệp và những tư tưởng uyên bác, đầy tính nhân văn và hòa bình đã đóng góp to lớn cho sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và tiến bộ của nhân loại. Đây cũng là di sản quý báu đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới - toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế vận dụng đúng đắn và sáng tạo tư tưởng của Người vào bối cảnh mới của đất nước sẽ giúp cho con tàu Việt Nam vững vàng trên biển cả mênh mông đầy sóng gió của toàn cầu hóa, vượt qua tất cả các thách thức mà cả an ninh lẫn phát triển do những biến đổi mà cục diện thế giới đang tạo ra.

____________

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.273.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.469.

3,7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.50, 218.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.473.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.168.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.32.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.7, tr.455.

9,10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.11, tr.253.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.361.

12. Bài nói chuyện của Hồ Chủ tịch với Hội nghị ngoại giao năm 1966. Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam.

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.220.

14,18. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.676.

15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.8, tr.219.

16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.3, tr.538.

17. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, H.2002, t.12, tr.174.

19,20,24. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.469.

21,22. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.6, tr.432.

23. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.12, tr.150.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website