GS. Phan Ngọc Liên
I . TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỚI THẾ GIỚI: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH KHÁI NIỆM - NỘI DUNG CƠ BẢN
Đánh giá những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế giới, nǎm 1980, Rômét Chanđra - nguyên Chủ tịch Hội đồng hoà bình thế giới đã viết: "Ngọn cờ Hồ Chí Minh đang được giương cao bởi tất cả các dân tộc, tất cả các hiệp hội và tổ chức quần chúng, tất cả những cá nhân, tất cả những ai hoạt động vì hoà bình, vì độc lập dân tộc và tự do, vì dân chủ và nhân dân, vì công bằng xã hội và kinh tế". Đó là sự khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong sự phát triển của xã hội loài người. Vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới là gì, được hình thành ra sao ? Vì sao tư tưởng đó lại trở thành "ngọn cờ của tất cả các dân tộc"?.
Hiện nay có nhiều phương pháp tiếp cận khác trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới nói riêng. Một số nhà nghiên cứu bằng cách nhìn vào hoạt động quốc tế của Hồ Chí Minh ở một thời điểm nào đó, hoặc cống hiến của Người trong một lĩnh vực nào đó của phong trào cách mạng thế giới, rồi khái quát, xác định tư tưởng đối với thế giới của Người. Có người cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới là tư tưởng hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc; người khác thì khẳng định đó là tư tưởng về "giải phóng dân tộc", về "cách mạng thế giới". Tóm lại, có người quá nhấn mạnh đến tư tưởng về cách mạng thế giới của Hồ Chí Minh, lại có người phủ nhận giá trị phổ biến của tư tưởng Hồ Chí Minh với các dân tộc và cho rằng tư tưởng đó chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực đều có quá trình hình thành và phát triển của nó. Các quá trình đó lại không xuất hiện cùng một lúc mà nảy sinh trong những điều kiện cụ thể. Việc tìm hiểu những cơ sở, điều kiện vật chất khách quan cần phải có cứ liệu khoa học. Chúng ta biết rằng Hồ Chí Minh ít viết về mình, về cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều nước, những cống hiến cho nhân loại trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ những vấn đề độc lập, dân sinh, dân chủ của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đến những vấn đề chiến tranh, hoà bình, xã hội tiến bộ, vǎn minh mà cả nhân loại quan tâm. Tài liệu về những hoạt động quốc tế của Hồ Chí Minh hiện cũng chưa công bố nhiều, lại phải tiến hành việc xác định tính chân thực của nó, đặc biệt các tài liệu ở nước ngoài. Vì vậy, khái quát rút ra quá trình hình thành, bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới là một vấn đề không dễ.
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, trước hết cần làm sáng tỏ hoàn cảnh lịch sử - cơ sở quan trọng làm nảy sinh tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới nói riêng.
1. Bối cảnh lịch sử của việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là thời kỳ chuyển biến hết sức quan trọng lịch sử phát triển của xã hội loài người. Nhiều sự kiện lớn dồn dập diễn ra ở khắp các châu lục. Sau cuộc đàn áp đẫm máu Công xã Pari 1871 - cuộc cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản - trong điều kiện tương đối hoà bình, chủ nghĩa tư bản phát triển khá nhanh chóng, sôi động và chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang độc quyền. Chủ nghĩa đế quốc đã được xác lập ở hầu hết các nước tư bản lớn của châu Âu và Bắc Mỹ, với những đặc điểm chính: sự tập trung sản xuất và tư bản; các công ty độc quyền chi phối toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của các nước; các cường quốc đế quốc chủ nghĩa đã hoàn thành việc phân chia thuộc địa.
Các nước đế quốc áp đặt ách áp bức thực dân dưới các hình thức khác nhau ở hầu hết các nước á, Phi, Mỹ latinh. Đặc điểm chủ yếu của hệ thống thuộc địa đế quốc chủ nghĩ là cơ cấu kinh tế - xã hội của các nước phụ thuộc hay nửa thuộc địa, về cơ bản chẳng khác gì các nước thuộc địa. Sự bóc lột phong kiến cũ được duy trì và chồng lên nó là chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa. Bên cạnh các giai cấp cơ bản trước kia - nông dân và phong kiến - đã xuất hiện các giai cấp mới của xã hội thuộc địa: công nhân và tư sản (dân tộc và mại bản).
Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, tình cảnh của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác vô cùng khốn khổ, đặc biệt ở các nước mà ách áp bức giai cấp chồng lên ách áp bức chủng tộc.
Trong tình hình ấy cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản, trước hết ở các nước tư bản đế quốc Âu - Mỹ, lại bùng lên mạnh mẽ sau thời kỳ bị đàn áp đẫm máu. Chủ nghĩa Mác, sau gần nửa thế kỷ đấu tranh chống hệ tư tưởng tư sản và các trào lưu cơ hội dưới mọi màu sắc, đã khẳng định vị trí của mình trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Một điểm mới là từ cuối thế kỷ XIX, bên cạnh sự đoàn kết giữa công nhân các nước tư bản đã có thêm sự đoàn kết giữa công nhân ở chính quốc với nhân dân các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân.
Cuộc đấu tranh sôi nổi của công nhân các nước tư bản cuối thế kỷ XIX, cách mạng 1905 ở Nga, phong trào giải phóng dân tộc ở châu á, châu Phi và nhất là "sự thức tỉnh châu á", là những nét nổi bật của tình hình cách mạng thế giới đầu thế kỷ XX. Chính trên cơ sở đó mà Lênin, từ sự phân tích tình hình cụ thể, đã đi đến một luận điểm mới trong việc phát triển học thuyết của Mác. Đó là nguyên lý về giải phóng các dân tộc thuộc địa và sự đoàn kết giữa vô sản, nhân dân bị áp bức tất cả các nước. Nếu ở trong giai đoạn 1848 - 1871 lợi ích của sự giải phóng các dân tộc lớn ở châu Âu đặt cao hơn lợi ích của sự giải phóng các dân tộc nhỏ, thì ở đầu thế kỷ XX, sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa được đặt trong mối liên hệ với sự nghiệp cách mạng vô sản ở chính quốc, sự đoàn kết giữa vô sản các nước được mở rộng thành liên minh giữa giai cấp vô sản ở các nước đế quốc chủ nghĩa với nhân dân các dân tộc đang đấu tranh giải phóng khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa thực dân.
Như vậy, bên cạnh mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, đã gay gắt trong trong suốt thế kỷ XIX, sang đầu thế kỷ XX, lại nảy sinh một mâu thuẫn mới, đòi hỏi phải giải quyết: mâu thuẫn giữa các dân tộc bị áp bức, bị nô dịch với chủ nghĩa thực dân. Đó là một điều kiện khách quan cho phép phong trào yêu nước cách mạng ở các nước thuộc địa gắn bó chặt chẽ với phong trào cách mạng thế giới, đặc biệt là với phong trào cách mạng ở chính quốc.
Việt Nam, cũng như nhiều dân tộc khác ở châu á, châu Phi từ giữa thế kỷ XIX đã trở thành đối tượng xâm lược của chủ nghĩa thực dân đế quốc. Sau khi xâm chiếm toàn bộ Việt Nam, thực dân Pháp đã thành lập ở đây một hệ thống cai trị trực tiếp, hà khắc. Chúng tiếp tục duy trì hệ thống quan lại phong kiến Nam triều làm tay sai để đàn áp, bóc lột nhân dân. Xã hội Việt Nam từ nước quân chủ chuyên chế trở thành thuộc địa nửa phong kiến. Về kinh tế, thực dân Pháp thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, bóc lột nhân công rẻ mạt, cho vay lãi, độc quyền kinh tế. Với chính sách đó, nền kinh tế tự nhiên của Việt Nam bị tan rã nhanh chóng và sống lay lắt, phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế tư bản Pháp. Các tầng lớp nhân dân trong xã hội bị phân hoá sâu sắc. Tư tưởng Nho giáo, nền tảng tư tưởng của chế độ phong kiến Việt Nam, bị tấn công, bị lung lay đến tận gốc rễ bởi sự du nhập của hệ tư tưởng phương Tây. Triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã đầu hàng, làm tay sai cho thực dân Pháp, song nhân dân Việt Nam với truyền thống chống ngoại xâm, chống sự đồng hoá, diệt chủng của bọn xâm lược nước ngoài không chịu khuất phục. Cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc từ phong trào Cần Vương, phong trào nông dân Yên Thế, phong trào các dân tộc thiểu số đến phong trào Đông Du, phong trào chống sưu thuế liên tiếp nổ ra từ khi thực dân Pháp mới đặt chân đến Việt Nam. Các phong trào yêu nước chống Pháp trên lần lượt thất bại. Cuộc đấu tranh chống Pháp "dường như trong đêm tối chưa tìm được đường ra". Thất bại của phong trào Cần Vương chấm dứt thời kỳ đấu tranh giành độc lập dưới khẩu hiệu "phò vua giúp nước". Phong trào Duy Tân, Đông Du dựa trên lý luận dân chủ tư sản vừa bùng lên đã bị thực dân Pháp dập tắt.
Trong bối cảnh lịch sử ấy, một vấn đề cấp bách được đặt ra cho nhân dân Việt Nam là làm thế nào để cứu nước, giành lại độc lập tự do, giải phóng dân tộc đồng thời giải phóng con người, giải phóng xã hội. Đó cũng là yêu cầu chung đặt ra đối với tất cả các dân tộc đang rên xiết dưới gót giày của bọn thực dân và cũng chính là một điều kiện khách quan khác gắn liền số phận của dân tộc ta với số phận của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Nhiều nhà yêu nước Việt Nam ở đầu thế kỷ XX vẫn chưa nhận thức rõ điều kiện khách quan này. Họ cũng chưa nhận thức được đầy đủ những yêu cầu cấp bách của lịch sử nước ta lúc bấy giờ, không hiểu được rằng giai cấp tư sản với hệ tư tưởng của nó đã tỏ ra lỗi thời, không đủ sức quy tụ được toàn thể dân tộc trong cuộc đấu tranh chống ách bức nô dịch của chủ nghĩa thực dân, không biết gắn phong trào yêu nước của dân tộc ta với cuộc đấu tranh chung của các dân tộc khác cùng cảnh ngộ. Phải đến Hồ Chí Minh, trong quá trình tìm đường cứu nước, mới dần dần nhận thức được khi giải quyết những vấn đề của dân tộc mình, đất nước mình cũng đồng thời giải quyết các vấn đề mà các dân tộc khác quan tâm, cho nên các dân tộc bị áp bức phải đoàn kết với nhau trong cuộc đấu tranh chung cho độc lập, tự do, tiến bộ xã hội.
Có thể nói rằng những nǎm đầu thế kỷ XX là một giai đoạn chuyển tiếp, quá độ từ hệ tư tưởng này sang hệ tư tưởng khác trong phong trào cứu nước, trong những người yêu nước, đấu tranh cho nền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. ít nhất lúc bấy giờ đã có hai thế hệ với những xu hướng, con đường cứu nước khác nhau. Nhiều người thuộc thế hệ cũ vẫn giữ tinh thần yêu nước kiểu phong kiến với tư tưởng "trung quân ái quốc". Theo họ, yêu nước phải gắn với việc khôi phục ngôi vua, bằng một cuộc kháng chiến, khởi nghĩa vũ trang, như cuộc kháng Pháp dưới ngọn cờ Cần Vương. Một thế hệ yêu nước khác gắn việc đấu tranh chống sự đô hộ của Pháp với yêu cầu đổi mới đất nước. Họ phủ định chế độ phong kiến cũ, cho rằng chế đọ này không còn phù hợp với yêu cầu của đất nước đương thời và xu thế phát triển chung của nhân loại. Do tác động của những biến đổi của thời địa, và ảnh hưởng của nền giáo dục mới, trong thế hệ thứ hai này có một tỷ lệ không nhỏ những thanh niên yêu nước hầu như không chịu hay ít chịu sự chi phối của hệ tư tưởng phong kiến cũ, đã tiếp thu, chịu ảnh hưởng của những trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản được truyền vào nước ta. Họ chán ghét và cǎm thù chế độ thực dân phong kiến, kêu gọi nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai. Song lúc bấy giờ chưa có điều kiện và tiền đề kinh tế, xã hội để họ có thể tìm ra con đường cứu nước mới.
Nguyễn Tất Thành đã xuất hiện đúng lúc, nhanh chóng nhận thức được yêu cầu của đất nước là giành độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, đồng thời giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức của chế độ phong kiến, mặt khác, phải gắn phong trào yêu nước Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới.
Trong bối cảnh lịch sử - xã hội như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới bắt đầu hình thành, trải qua nhiều giai đoạn để hoàn chỉnh và phát triển.
2. Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới.
Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới nằm trong quá trình chung của việc hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, song cũng có những nét riêng.
Như trên đã trình bày, hoàn cảnh ra đời của một vĩ nhân ít nhiều mang tính tất yếu, do nhu cầu xã hội và những nhiệm vụ mà xã hội đặt ra quyết định. Bởi vì: "tự nhiên là hoàn toàn ngẫu nhiên mà một vĩ nhân nào đó xuất hiện ở một thời nhất định nào đó. Nhưng chúng ta phế bỏ người đó đi, thì lại xuất hiện sự đòi hỏi phải có một người khác thay thế và người thay thế này sẽ xuất hiện - thích hợp ít hay nhiều - nhưng cuối cùng thì cũng xuất hiện". Song, trong cùng một hoàn cảnh, điều kiện nhất định, không phải ai cũng trở thành vĩ nhân, hoặc ai muốn trở thành vĩ nhân đều có thể trở thành vĩ nhân được. ở đây còn đòi hỏi vai trò vận đọng tự thân của những con người có nǎng lực, tài nǎng và phẩm chất cần cho xã hội, giai cấp để đáp ứng những nhiệm vụ của lịch sử đặt ra. Hồ Chí Minh đã có đủ những yêu cầu như vậy!
Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, có nguồn gốc nông dân ở huyện Nam Đàn (Nghệ An), giàu truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm, Nguyễn Sinh Cung đã nhận được sự giáo dục tốt đẹp, lại sớm chứng kiến cảnh cùng cực, đau thương, nỗi bất công, ngang trái của người dân quanh mình, do bọn thực dân phong kiến gây ra. Từ tình cảm yêu thương gia đình, họ hàng, đồng bào ở quê hương, ở những nơi mà anh đến sinh sống thuở thiếu thời đã dần dần nhen nhóm, hình thành ở Nguyễn Sinh Cung lòng yêu nước, ý thức cứu nước, mong giải thoát nhân dân khỏi ách nô dịch, áp bức của bọn thực dân phong kiến. Chánh mật thám Đông Dương lúc bấy giờ Lui Acnu, đã cho rằng: "cuộc đời này (chỉ Nguyễn Tất Thành - TG) như vậy là đã bắt đầu trong không khí bất công oán hận và phẫn nộ cǎm thù chống lại nước Pháp".
Nguyễn Tất Thành đã sớm tham gia các hoạt động cứu nước. Nǎm 1906, khi mới 16 tuổi, người thiếu niên ấy "đã tham gia công tác bí mật, nhận công tác liên lạc". Nǎm 1908, anh trực tiếp tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên -Huế.
Nǎm 1905, khi phong trào Đông Du bắt đầu hoạt động sôi nổ, cụ Phan Bội Châu muốn đưa anh và một số thanh niên sang Nhật. Với người thiếu niên "đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào, suy nghĩ về con đường cứu nước" thì sự lựa chọn của cụ Phan là đúng. Song Nguyễn Tất Thành đã từ chối , vì anh cảm thấy con đường mà các nhà yêu nước tiền bối và đương thời đang tiến hành không thể đem lại thành công. Sau này, anh hiểu rõ hơn cụ Phan Chu Trinh "chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương... chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương", cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đánh đuổi Pháp, nguy hiểm chẳng khác gì "đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau". Sự khước từ chuyến sang Nhật du học mà cụ Phan dành cho, Nguyễn Tất Thành không từ chối một sự ưu ái, mà chính là từ chối một con đường cứu nước biết trước không đưa đến thành công. Dần dần, Nguyễn Tất Thành ý thức được rằng, muốn cứu nước, cứu dân phải biết xem xét xu thế của thời đại, phải tìm hiểu thế giới để tìm ra một con đường đúng đắn. Anh tự quyết định hướng đi của mình.
Mùa hè nǎm 1911, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc sang Pháp. Mục đích ra đi của anh hết sức rõ ràng: tìm đường để cứu nước, cứu dân. Về sau Người đã nói rõ: "Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp Tự do, bình đẳng, bác ái. Đối với chúng tôi người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế, và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền vǎn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy". Một lần khác khi trả lời nhà vǎn Mỹ Anna Lui Xtơrông, Hồ Chí Minh cho biết: "Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi lúc này thường tự hỏi nhau ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ǎn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi".
ý thức đi tìm hiểu nước ngoài của Hồ Chí Minh là biểu hiện đầu tiên của sự mong muốn nhận thức những gì xẩy ra ở ngoài tổ quốc mình. Có thể nói đây là ý thức đầu tiên về thời đại. ý thức này ngày một sâu sắc, là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng hành động của Người. Bởi như Lênin nói, "chỉ có dựa trên cơ sở hiểu biết những đặc điểm của một thời đại, chúng ta mới có thể tính đến những đặc điểm chi tiết của nước này hay nước nọ".
Khi ra đi tìm đường cứu nước, hành trang của Nguyễn Tất Thành phải chǎng chỉ có lòng yêu nước và một nghị lực phi thường với hai bàn tay lao động để kiếm sống? Không chỉ như vậy, mà còn có một vốn học vấn nữa. Sinh trưởng trong một gia đình nho học, được các nhà nho học uyên bác lúc bấy giờ dạy kinh điển của đạo Nh2 được giải thích về lòng bác ái, chủ nghĩa dân tộc theo quan điểm của những nhà nho lấy việc cứu nước, cứu dân làm lẽ sống cao đẹp của người có học, vốn Hán học của Nguyễn Tất Thành khá sâu. Người còn thu nhận một số kiến thức của nền vǎn hoá phương Tây, khi học ở các trường tiểu học Pháp - Việt ở Vinh, Huế, và trường Quốc học Huế, học thêm tiếng Pháp ở Quy Nhơn... Chắc chắn vốn Tây học không bằng Hán học, song Nguyễn Tất Thành cũng có những kiến thức cơ bản, phổ thông về lịch sử, vǎn học, địa lý nước Pháp và một số nước khác. Vốn học vấn này (cả Hán học lẫn Tây học) là cơ sở ban đầu quan trọng để Người tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ bằng con đường tự học, để trở thành một nhà cách mạng lỗi lạc, một danh nhân vǎn hoá.
Như vậy, người thanh niên 21 tuổi ấy đã đạt được những hiểu biết cơ bản của người trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX. Người lại có nỗi đau của người dân mất nước, có lòng nhân ái mênh mông, một hoài bão lớn lao, quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
Trên đường từ Sài Gòn sang Pháp, Nguyễn Tất Thành đã dừng lại các cảng Xinhgapo (8-6-1911), Côlôngbô của Xâylan (nay là Xrilanca, ngày14-6), Xáit của Ai Cập (30-6) theo hành trình của ta. ở những thuộc địa của thực dân Anh, lần đầu tiên Nguyễn được chứng kiến cảnh khốn cùng của những người dân thuộc địa, chẳng khác gì đồng bào anh đang sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp.
Sau một tháng vượt đại dương, Nguyễn Tất Thành đã đến Mácxây, một hải cảng quan trọng ở miền Nam nước Pháp. Ngay những ngày đầu tiên đặt chân lên đất Pháp, anh đã nhận thấy ở nước Pháp cũng có những người nghèo như ở tổ quốc mình. Anh bǎn khoǎn: "tại sao người Pháp không "khai hoá" đồng bào của họ trước khi đi khai hoá chúng ta?", vì sao "người Pháp ở Pháp tốt, lễ phép hơn người Pháp ở Đông Dương?". Đây là những nhận thức đầu tiên, một cơ sở giúp anh phân biệt bọn thực dân xâm lược với quần chúng nhân dân lao động và mở rộng tình thương đối với đồng bào trong nước đến nhân dân các thuộc địa.
ở Pháp một thời gian ngắn, vừa lao động vừa học thêm tiếng Pháp, đến đầu nǎm 1912, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và một loạt nước châu Phi (Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Xênêgan, Rêuyniông...). ở đâu anh cũng chứng kiến cuộc sống cùng cực của người dân dưới ách bóc lột tàn bạo của bọn thực dân. Cuộc hành trình qua nhiều nước thuộc địa châu á, châu Phi càng củng cố hơn nhận thức của Nguyễn Tất Thành về cảnh khổ cực của nhân dân bị áp bức và tội ác của bọn thực dân. Một cảnh gây ấn tượng sâu sắc, khó quên ở Người là khi "đến Đaca, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả canô xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn... người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi". Từ thực tiễn sinh động và những nhận thức đầu tiên, Nguyễn Tất Thành rút ra kết luận quan trọng: "Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác và vô nhân đạo. ở đâu chúng nó cũng thế. ở ta, tôi cũng thấy chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu".
Những nhận thức lý tính, bắt nguồn từ trực quan sinh động, biểu hiện một bước tiến trong nhận thức tư tưởng của Nguyễn Tất Thành trong những nǎm đầu đi tìm đường cứu nước. Người nhận thấy rằng nhân dân các nước nghèo khổ có cùng kẻ thù, chung mục đích đấu tranh chống đế quốc, giải phóng dân tộc nên phải cùng nhau đoàn kết. Không phải ngẫu nhiên mà ở Hồ Chí Minh nảy sinh ý thức về sự đoàn kết quốc tế, trước hết là sự đoàn kết các dân tộc thuộc địa, cùng chung cảnh ngộ như nhân dân Việt Nam. ý thức này lớn dần thành một nội dung cơ bản, được trình bày một cách khoa học trong tác phẩm nổi tiếng Bản án chế độ thực dân Pháp, và trước đó, nǎm 1921, Nguyễn ái Quốc đã là một thành viên sáng lập tổ chức quốc tế đầu tiên của những người dân các xứ thuộc địa: Hội Liên hiệp thuộc địa.
Cuối nǎm 1912 Nguyễn Tất Thành đến Mỹ. Người đã sống và làm việc ở Niuoóc, rồi Brúcclin, thǎm Bôxtơn, tạm trú một thời gian ngắn ở khu Háclem - nơi sinh sống của người da đen Mỹ. Những ngày sống trên đất Mỹ, nhất là ở khu Háclem, đã để lại trong Nguyễn Tất Thành nhiều ấn tượng sâu sắc về cuộc sống và nỗi khổ của người Mỹ da đen, đặc biệt việc hành hình kiểu Lynsơ và những hành động đầy tội ác của Đảng 3K, về những cuộc bãi công chống chiến tranh, đòi tǎng lương của công nhân Mỹ. Thǎm tượng thần Tự do - biểu tượng của nước Mỹ, Nguyễn Tất Thành không chỉ khâm phục kiến trúc - nghệ thuật của những người sáng tạo ra nó, mà còn trǎn trở "ánh sáng trên đầu tượng thần Tự do toả ra trên bầu trời xanh, còn dưới chân thần Tự do này thì người da đen đang bị chà đạp, số phận người phụ nữ đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen mới được bình đẳng với người da trắng, bao giờ mới có sự bình đẳng giữa các dân tộc, bao giờ người phụ nữ mới bình đẳng với người nam giới?".
Thực tiễn sinh động của các xã hội mà Hồ Chí Minh được trực tiếp chứng kiến vào những nǎm đầu thế kỷ XX là cơ sở để hình thành trong Người tư tưởng về quyền con người, quyền bình đẳng giữa các sắc tộc, dân tộc. Tư tưởng này được thể hiện trong nhiều bài báo nổi tiếng của Nguyễn ái Quốc sau này như: Hành hình kiểu Lynsơ một phương tiện ít người biết của nền vǎn minh Mỹ, Đảng Kuklux klan...
Khoảng cuối nǎm 1913, Nguyễn Tất Thành rời Mỹ sang Anh sống, làm việc và học tập ở đây đến khoảng nửa sau nǎm 1917. Anh đã phải làm đủ mọi nghề để sinh sống, để tìm hiểu một đế quốc thực dân có thuộc địa mênh mông trải khắp các lục địa. ở đây, anh đã hiểu hơn cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và các dân tộc bị thực dân Anh thống trị.
Sau 6 nǎm (1911-1917) quan sát, suy nghĩ về tình cảnh nhân dân và các dân tộc châu á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ, kết bạn với người da vàng, da trắng, da đen, tìm hiểu nền chính trị của các nước và cuộc đấu tranh của các dân tộc phụ thuộc, thuộc địa, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp - trung tâm chính trị của chủ nghĩa đế quốc ở châu Âu . Pari, trung tâm của thế kỷ ánh sáng, cái nôi của những cuộc cách mạng dân chủ, cách mạng vǎn hoá từ những thế kỷ trước của nước Pháp và châu Âu, đã trở thành trường học lớn của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn ái Quốc. Anh đã lao vào cuộc sống và đấu tranh của nhân dân lao động, giai cấp công nhân Pháp. Chính tại đây, anh đã trở thành nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng không chỉ đối với những người Việt Nam tại Pháp mà ngay cả trong phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc.
Nǎm 1919, Nguyễn ái Quốc thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp gửi đến hội nghị Vécxây bản yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam. Bản yêu sách 8 điểm tuy không được chấp nhận nhưng đã có tác dụng to lớn đối với nhân dân các thuộc địa cũng như nhân dân Việt Nam. Đánh giá những hoạt động của Nguyễn ái Quốc và tác dụng của bản yêu sách, nhà sử học Sáclơ Phuốcniô viết: "Từ ngày Nguyễn ái Quốc gửi bản yêu sách đến Hội nghị thì Việt kiều hướng cả về anh... Việt kiều tìm đến với Nguyễn ái Quốc để được anh khuyên bảo, giao nhiệm vụ... và vạch cho họ thấy cần phải đi theo con đường nào. Vậy là từ Pari Nguyễn ái Quốc đã gieo hạt giống cách mạng khắp bốn phương trời".
Thực dân Pháp ở chính quốc và thuộc địa rất tức tối với việc làm của Nguyễn ái Quốc, xem đấy là một vụ nổ "quả bom chính trị". Cho nên, dù các nước đế quốc từ chối thực hiện các yêu cầu nêu ra, song "nó đã đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc". Qua sự việc này, Nguyễn ái Quốc nhận thức được rằng, các dân tộc muốn được giải phóng không thể trông cậy vào các nước đế quốc, bọn thực dân mà chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình, vào giai cấp vô sản trong nước và thế giới. Đó là một cơ sở để sau này Nguyễn ái Quốc đi đến khái quát: "Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và cách mạng thế giới". Khái quát mang tính nguyên tắc, còn việc vận dụng phải linh hoạt trong điều kiện cụ thể của mỗi dân tộc.
Cuộc hành trình qua các nước thuộc địa, phụ thuộc, tư bản, đế quốc không chỉ hình thành ở Nguyễn ái Quốc tình cảm, ý thức đoàn kết quốc tế giữa các dân tộc bị áp bức, mà còn rèn luyện Người trở thành một công nhân có đầy đủ phẩm chất, tư tưởng, tâm lý xã hội của giai cấp vô sản. Một điều quan trọng biểu hiện "tính cách" của một công nhân ở Nguyễn Tất Thành - Nguyễn ái Quốc là sự giác ngộ về con đường cứu nước gắn với sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản. V.I.Lênin đã chỉ rõ, muốn hiểu việc hình thành phẩm chất, tư tưởng, tâm lý xã hội của giai cấp công nhân ở một con người thì phải hiểu trong hoàn cảnh thực tế của mình, họ đã nắm vững tâm lý vô sản hay chưa. Tâm lý vô sản ấy là sự giác ngộ giai cấp. Tuy Nguyễn Tất Thành - Nguyễn ái Quốc chưa làm việc trong công xưởng, nhà máy, song Người đã sống và hoạt động trong môi trường công nhân. Người đã dần dần nhận thức rằng mục tiêu, lý tưởng đấu tranh của giai cấp công nhân không chỉ phù hợp, mà còn chỉ đạo, tạo điều kiện quyết định cho sự thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc. Bước chuyển biến lớn về nhận thức tư tưởng của Nguyễn Tất Thành là từ một người yêu nước chuyển thành người công nhân- yêu nước, rồi người cộng sản.
Trong điều kiện lúc bấy giờ, Đảng xã hội Pháp là tổ chức tiến bộ nhất ở Pháp, tuy chưa có những chủ trương đúng đắn về vấn đề thuộc địa, nhưng cũng có những mặt tích cực trong đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Vì vậy, nǎm 1919 Nguyễn ái Quốc đã tham gia Đảng xã hội Pháp, trở thành nhà hoạt động trong phong trào công nhân Pháp và tiếp xúc với nhiều nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng như Mácxen Casanh, Pôn Vâyǎng Cutuariê, Lêông Blum, Râymông Lơpherơ, Giǎng Lôngghê, Gaxtông Môngmútxô... Anh đã tham gia nhiều hoạt động của Đảng xã hội, dự tất cả những buổi nói chuyện chính trị, những cuộc mít tinh ở Pari. Hầu hết trong các buổi sinh hoạt này anh đều phát biểu và khéo léo lái việc thảo luận sang vấn đề thuộc địa. Bộ máy mật thám Pháp đã phát hiện ra rằng hoạt động của Nguyễn ái Quốc ở Pháp không chỉ thu hẹp trong vấn đề Đông Dương, mà "trái lại nó mang tính chất rộng lớn hơn nhiều". Vấn đề rộng lớn mà họ nghĩ đến là vấn đề thuộc địa, vấn đề đấu tranh của giai cấp vô sản nói chung. Đúng thế, hoạt động trong Đảng xã hội Pháp, Nguyễn ái Quốc đã có dịp tiếp cận với xu thế phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc gắn chặt với sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản.
Bước ngoặt quan trọng trên con đường đi tìm đường cứu nước cũng như trong nhận thức của Nguyễn ái Quốc về vấn đề dân tộc, giải phóng dân tộc, đoàn kết quốc tế là lần đầu tiên anh tiếp xúc với Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Anh đã tìm thấy trong đó lời giải đáp về vấn đề dân tộc và thuộc địa, sự cần thiết phải đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến. Việc đọc Luận cương... cùng với việc nhận thức từ "cảm tính tự nhiên đến lý tính" tính chất, ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười Nga nǎm 19172 đã hoàn thành việc xác định ở Hồ Chí Minh con đường giải phóng của dân tộc mình, cũng như các dân tộc khác. Việc tiếp nhận chủ nghĩa Lênin qua thực tế Cách mạng tháng Mười và Luận cương... được thực hiện trên cơ sở lòng yêu nước, kinh nghiệm thực tiễn trong những nǎm đi tìm đường cứu nước. Cách mạng tháng Mười, rồi Luận cương... đến với Người "như một ánh sáng kỳ diệu, nâng cao về chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người đã hằng nung nấu"
Nếu Luận cương... đã góp phần tạo nên sự chuyển biến cơ bản trong tư tưởng Nguyễn ái Quốc, hướng Người vào con đường của cuộc Cách mạng tháng Mười, thì việc tham gia Đại hội Tua của Đảng xã hội Pháp tháng 12-1920, rồi trở thành người cộng sản là bước chuyển có tính chất quyết định đến việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cứu nước, cứu dân. Điều đó không chỉ có ý nghĩa đối với cách mạng Việt Nam, mà còn với vận mệnh của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Đến cuối nǎm 1920, sự thống nhất giữa điều kiện khách quan và yếu tố chủ quan trong nhận thức và hành động ở Nguyễn ái Quốc đã giúp Người xác định con đường cứu nước đúng đắn. Công lao to lớn này của Nguyễn ái Quốc không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với nhân dân nhiều nước thuộc địa khác. Một nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới được hình thành, trước tiên là tư tưởng về dân tộc và giải phóng dân tộc các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Trong thời gian ở Pháp (1917-1923), hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, Nguyễn ái Quốc luôn luôn hướng dư luận, sự quan tâm của nhân dân lao động, giai cấp công nhân Pháp tới các vấn đề thuộc địa, đặc biệt là phong trào cách mạng Việt Nam. Người hoạt động trong các tổ chức cơ sở, khuyên bảo, dìu dắt những người cách mạng Việt Nam sống ở Pháp, tham gia lãnh đạo phong trào của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân Pháp, chủ nghĩa thực dân Anh và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Hoa Kỳ. Bằng những hoạt động đó, Nguyễn ái Quốc đã gieo hạt giống cách mạng khắp bốn phương trời, đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi của các dân tộc.
Tư tưởng về dân tộc và giải phóng dân tộc các nước thuộc địa đã thể hiện trong hoạt động thực tiễn của Nguyễn ái Quốc. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Pháp ra đời (1920), Người đề nghị thành lập "Ban nghiên cứu thuộc địa" và chuẩn bị trở về Đông Dương. Tháng 1-1922 cùng với các đồng chí trong "Ban nghiên cứu thuộc địa", Người đã viết lời kêu gọi gửi nhân dân các nước thuộc địa: "... các anh em người bản xứ thấy rõ chúng tôi cùng anh em có chung một kẻ thù là bọn chủ của chúng tôi. Chúng tôi thành lập ở đây một chính đảng lớn đấu tranh để giải phóng những người không có quyền hành ở chính quốc và cũng muốn đấu tranh để giải phóng những người bản xứ ở thuộc địa bị bắt làm nô lệ.
Chúng tôi sát cánh cùng các bạn trong cuộc kháng chiến và đấu tranh của các bạn chống sự tham tàn của bọn thực dân, sự hung bạo của bọn cai trị và binh lính, bọn này có những tên đồng loã là bọn quan lại bản xứ".
Lời kêu gọi trên chứng tỏ rằng về lý luận cũng như thực tiễn, Nguyễn ái Quốc nhận thức, muốn giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thực dân, chủ nghĩa đế quốc, nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc không thể đấu tranh đơn độc mà phải gắn liền phong trào cách mạng trong nước với cách mạng thế giới, phải ủng hộ lẫn nhau để đưa cách mạng đến thắng lợi. "Hội liên hiệp thuộc địa", một hình thức đầu tiên của liên minh quốc tế các dân tộc thuộc địa chống đế quốc, giải phóng dân tộc ra đời là một biểu hiện cụ thể tư tưởng này của Nguyễn ái Quốc. Sự thành lập Hội phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử, đáp ứng được những yêu cầu khách quan của những điều kiện lịch sử nửa đầu thế kỷ XX. Nó không chỉ quyết định đến đường lối cách mạng Việt Nam mà còn góp phần hướng dẫn phong trào đấu tranh của các dân tộc vì độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Như vậy, qua mười hai nǎm (kể từ 1911 đến 1923) khảo sát, nghiên cứu thực tiễn vô cùng sinh động không chỉ ở các nước tư bản mà còn ở các nước thuộc địa châu á, châu Phi, ở Nguyễn Tất Thành - Nguyễn ái Quốc đã hình thành những tư tưởng lớn về thế giới: tư tưởng về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân, về dân tộc và cach mạng giải phóng dân tộc, về tình đoàn kết quốc tế giữa các dân tộc thuộc địa với vô sản chính quốc. Những khám phá cách mạng sâu sắc có ý nghĩa thời đại được hình thành trong quá trình Nguyễn ái Quốc tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ thực tiễn đã trải qua, với tư duy lý luận nhạy bén Người đã rút ra những kết luận, khái quát khoa học:
- Chế độ tư bản chủ nghĩa dù ở đâu cũng có cùng một bản chất bóc lột và tàn bạo như nhau. Mọi lời tuyên truyền về tự do, dân chủ của chúng chỉ là hình thức lừa bịp bên ngoài, còn thực chất đó là nền chuyên chính của giai cấp tư sản.
- Thuộc địa là hiện thân của một chế độ dã man, tàn bạo của bọn thực dân đối với hàng triệu người dân bản xứ.
Từ nhận thức xuất phát từ thực tiễn khách quan đó, Nguyễn ái Quốc đã dự báo một điều hết sức quan trọng là nếu biết khơi dậy lòng cǎm thù dân tộc, giai cấp ở hàng triệu con người bị áp bức, nếu biết tuyên truyền giác ngộ, tổ chức đoàn kết họ lại một cách chặt chẽ, đông đảo thì đây là sức mạnh cách mạng vô sản cùng lớn lao của thời đại. Sức mạnh của mỗi dân tộc sẽ được nhân lên nếu có sự liên kết chặt chẽ của cách mạng giải phóng ở thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc.
Trong khi tố cáo và kết án chế độ thực dân, chế độ phân biệt chủng tộc, Nguyễn ái Quốc đã bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc, tình thương yêu vô hạn đối với nhân dân lao động toàn thế giới không phân biệt màu da hay xứ sở. Đây là một nguồn gốc hình thành chủ nghĩa nhân vǎn cao cả của Nguyễn ái Quốc.
Sự nghiệp giải phóng dân tộc sẽ hoàn chỉnh, vững bền nếu gắn liền với sự nghiệp giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó chính là sự diễn đạt sáng tạo những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng không ngừng, về tinh thần đấu tranh triệt để đưa cách mạng từ giai đoạn dân chủ nhân dân lên xã hội chủ nghĩa để cho nhân dân thực sự tự do, hạnh phúc, ấm no.
Nǎm 1923 Nguyễn ái Quốc bí mật từ biệt nước Pháp, đồng chí và bạn bè ở Pháp. Người đến Mátxcơva, thủ đô của nhà nước Xô viết, để trực tiếp học tập lý luận và thực tiễn ở một đất nước đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại. Người nghiên cứu có hệ thống, sâu sắc hơn chủ nghĩa Lênin, hoàn chỉnh những luận điểm của mình về con đường giải phóng dân tộc, về vai trò của quần chúng nhân dân của đảng cộng sản trong cách mạng. Những luận điểm này là cơ sở lý luận chủ yếu để Nguyễn ái Quốc biên soạn những bài giảng cho cán bộ cách mạng Việt Nam tại lớp học ở Quảng Châu (1925-1927). Những bài giảng này được tập hợp thành quyển Đường cách mệnh, trong đó nêu nhiều luận điểm phù hợp với cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa: "Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc riêng của một hai người", môt khi mà "dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi"; phải coi "công nông là gốc cách mệnh", là "người chủ cách mệnh"; phải "trước làm cho dân giác ngộ", rồi mới "bày sách lược cho dân", "đoàn kết dân lại" vì "dân thường chia rẽ phái này bọn kia"; "phải có đảng cách mệnh" để "trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi". Đường cách mệnh không chỉ soi sáng cho con đường cách mạng Việt Nam mà còn nêu biện pháp cụ thể về tổ chức và tiến hành cuộc đấu tranh cho độc lập tự do. Có thể xem trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Đường cách mệnh có vai trò to lớn về mặt lý luận và thực tiễn. Nó không chỉ tiếp tục truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, mà còn chuẩn bị cơ sở cho việc thành lập đảng của giai cấp vô sản ở Đông Dương. Qua việc tìm hiểu các cuộc cách mạng tư sản Mỹ, Pháp và Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, Nguyễn ái Quốc đã rút ra những bài học kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam, làm cơ sở cho việc xác định con đường cứu nước đúng đắn.
Đến đây, tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề thế giới có liên quan đến cách mạng Việt Nam, đến cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa được hoàn chỉnh từ việc xác định con đường cứu nước đến việc đề ra những biện pháp cụ thể cho cuộc đấu tranh.
Kể từ Bản yêu sách 8 điểm mà Nguyễn ái Quốc gửi đến Hội nghị Vécxây nǎm 1919, qua một loạt bài viết ở Pháp trong những nǎm 1920-1923, đến các bài tham luận tại Hội nghị quốc tế nông dân, Quốc tế cộng sản lần thứ V tại Mátxcơva, các tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường cách mệnh, những luận điểm cách mạng của Nguyễn ái Quốc nói chung, về cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân thế giới nói riêng không chỉ được bổ sung thêm phong phú mà còn rất sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử và điều kiện cụ thể của các dân tộc thuộc địa. Vì vậy, Người đã góp phần vào việc phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là về lĩnh vực cách mạng giải phóng dân tộc trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa. Người đã phát hiện rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có vai trò chủ động to lớn để có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Người đặt cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa ngang tầm với cách mạng vô sản ở chính quốc, coi cách mạng giải phóng dân tộc là "một trong hai cái cánh của con chim". Theo Người, hai cuộc cách mạng đều có chung kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc.
Trong những nǎm 20, sau khi trở thành người cộng sản, chiến sĩ quốc tế, ở cương vị uỷ viên Bộ Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế cộng sản, Nguyễn ái Quốc có điều kiện để tạo một bước chuyển biến lớn về quan điểm cách mạng nói chung, về tư tưởng cách mạng thế giới nói riêng. Người không chỉ suy nghĩ về việc giải phóng đồng bào mình, mà còn tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng mọi người đau khổ trên thế giới, không chỉ tìm cách cải tạo xã hội, đất nước mình, mà còn góp phần vào công cuộc cải tạo cách mạng thế giới theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Người được thừa nhận là một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, một nhà lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc thế giới, người tiêu biểu cho nền vǎn hoá mới. Nhà báo Ô.Manđextam đã phát hiện tính chất "thế giới" của Nguyễn ái Quốc ở tư cách, tinh thần một nhà cách mạng chân chính, lỗi lạc, một tâm hồn cao đẹp, biểu tượng của một nền vǎn hoá tương lai. Qua Nguyễn ái Quốc, ông đã phát hiện nền vǎn hoá Việt Nam trên trái đất này, mà trước kia hầu như nhân dân thế giới không hề biết đến. Trong tạp chí Xôviết Ngọn lửa nhỏ, tháng 12-1923, Ô.Manđextam viết: "Từ Nguyễn ái Quốc toả ra một nền vǎn hoá, không phải vǎn hoá châu Âu, mà có lẽ là nền vǎn hoá của tương lai. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương".
Nguyễn ái Quốc khi gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, đã giới thiệu, xác định vai trò của vǎn hoá truyền thống của nhân dân Việt Nam với thế giới, phát huy nó trong việc xây dựng một nền vǎn hoá tương lai của nhân loại. Đó là nét tiêu biểu trong sự kết hợp cách mạng và vǎn hoá, Việt Nam và thế giới - một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới.
Bước vào những nǎm 30 của thế kỷ XX, phong trào giải phóng dân tộc cũng như phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những biến đổi hết sức lớn lao. Nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết, trong đó nổi lên vấn đề mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933), một cuộc khủng hoảng sâu sắc và tai hại nhất trong tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế mà chủ nghĩa tư bản từng trải qua, đã làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn giai cấp và dân tộc, cũng như những mâu thuẫn trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới.
Sau một thời gian tạm lắng xuống (1924-1929), phong trào cách mạng thế giới từ đầu thập kỷ 30 lại diễn ra sôi sục và lan rộng khắp nơi, từ các nước tư bản chủ nghĩa Âu Mỹ đến các nước thuộc địa và phụ thuộc. Các lực lượng cách mạng và dân chủ ở khắp các nước, dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, đã vùng dậy mạnh mẽ chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới mới. ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, đã diễn ra sự tập hợp dần các lực lượng yêu nước và cách mạng trong cuộc đấu tranh giành quyền sống, giành độc lập dân tộc. Sự tǎng cường vai trò của giai cấp công nhân là một đặc điểm của phong trào giải phóng dân tộc ở á, Phi, Mỹ latinh trong thời gian này. Nhiều đảng cộng sản ra đời trong ngọn lửa đấu tranh cách mạng: Đảng cộng sản Ecuađo (23-5-1926), Đảng cộng sản Pêru (7-10-1928), Đảng cộng sản Đông Dương, Đảng cộng sản Philippin, Côlômbia, Panama, Xanvađo, Xiri, Libǎng... (1930). Các đảng cộng sản Malaixia, Vênêxuêla, Côxta Rica, Puectôricô lần lượt ra đời vào những nǎm đầu thập kỷ 30. Các chi bộ Đảng cộng sản Pháp ở Tuynidi và Angiêri cũng trở thành những Đảng độc lập vào nǎm 1934 và 1936... Các Đảng cộng sản trẻ tuổi phương Đông đã chiến đấu như những chiến sĩ kiên cường vì độc lập dân tộc, vì tiến bộ xã hội. Vấn đề được nhiều nhà cách mạng, nhiều Đảng quan tâm nhất là vấn đề quan hệ giữa dân tộc và quốc tế, cụ thể hơn là quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong đấu tranh cách mạng ở mỗi nước. Chỉ có giải quyết tốt vấn đề này mới xác định được phương hướng của cách mạng, mới quy tụ được đông đảo quần chúng nhân dân, huy động họ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, góp phần vào thắng lợi của cách mạng thế giới.
Trong thực tiễn đấu tranh cách mạng vào nửa đầu thập kỷ 30, Nguyễn ái Quốc xác định quan điểm đúng đắn về giải quyết mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Trước hết, Người nhận thức rõ phải có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc, nên đã sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam, tham gia vào việc thành lập một số Đảng cộng sản ở khu vực Đông - Nam á. Người nắm vững và cung cấp cho Quốc tế nông dân, Quốc tế cộng sản nhiều tài liệu có giá trị về tình hình và đời sống đấu tranh của các tầng lớp nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc. Người đã đề xuất những kiến nghị, những biện pháp phù hợp với mục tiêu đấu tranh chung và yêu cầu, tình hình cụ thể của mỗi nước.
Những quan điểm tư tưởng của Người với cách mạng nói chung, với thế giới nói riêng từ giữa nǎm 30 gặp phải sự "phê phán" mạnh mẽ của một số người đề cao "đấu tranh giai cấp", lên án "tư tưởng hữu khuynh", "dân tộc chủ nghĩa". Cuộc đấu tranh giữa những quan điểm của Nguyễn ái Quốc với những quan điểm khác biệt trong nội bộ Đảng cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ là hình ảnh thu nhỏ của cuộc đấu tranh trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế chung quanh các vấn đề về mối quan hệ giữa "dân tộc" và "giai cấp". Điều này dường như là biểu hiện của một quy luật: sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới gắn với cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng trong nội bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có lúc khá gay gắt.
Khi xác định cho mình lập trường của giai cấp vô sản, giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, nhiều nhà cách mạng, kể cả những người lãnh đạo trong Quốc tế cộng sản, đã phủ nhận hoặc hạ thấp giá trị của những hoạt động, những khuynh hướng, quan điểm tư tưởng ít nhiều mang tính dân tộc. Chính vì đề quá cao yếu tố giai cấp, mà một số người đã không xác định đúng vai trò của giai cấp tư sản dân tộc trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa.
Tìm hiểu kỹ hơn quan điểm của C.Mác, Ph.Ǎngghen và V.I.Lênin, chúng ta thấy dân tộc không phải là sản phẩm của riêng một giai cấp nào, ngay cả giai cấp tư sản hay vô sản, ở phương Đông hay phương Tây. Nó là sản phẩm của một quá trình phát triển lịch sử lâu dài, toàn diện của một cộng đồng dân cư nhất định, trên một lãnh thổ nhất định, với bản sắc riêng của mình, mà chủ yếu là về mặt vǎn hoá và truyền thống. Vì vậy, ý thức dân tộc ǎn sâu trong tiềm thức của mỗi con người của dân tộc đó. Họ đi vào dòng thác cách mạng thế giới, trước hết với tất cả ý thức và bản sắc của dân tộc mình, dù rằng mục tiêu của họ là giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại cần lao. Nguyễn ái Quốc tiếp nhận một cách sáng tạo tư tưởng của những nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học và có những quan điểm đúng làm phong phú lý luận về dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của phong trào đấu tranh của các dân tộc bị áp bức.
Nghiên cứu những bức thư của Nguyễn ái Quốc gửi Quốc tế cộng sản ngày 27-2, 2-3, 5-11 và 31-12 nǎm 1930; những bức thư đề ngày 24-1, 22-1, 21-2, 5-3 nǎm 1931; ngày 16-1-1935..., chúng ta thấy trong quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về dân tộc và giải phóng dân tộc thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, có nhiều điểm độc đáo và sâu sắc.
Trước hết, Người nhấn mạnh rằng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân những nước thuộc địa và phụ thuộc, phải chú ý đặc biệt đến vai trò của giai cấp nông dân, phải đoàn kết chặt chẽ được toàn thể dân tộc, giữa các dân tộc trong khu vực. Tiếp đó, Người nêu rõ cần có đối sách đúng đắn với các đảng phái dân chủ, tiến bộ, không phải là cộng sản, với các tầng lớp nhân dân tiến bộ chống chủ nghĩa đế quốc, chống chiến tranh. Người kiến nghị Quốc tế cộng sản cần chỉ đạo sát sao, bồi dưỡng lý luận cho giai cấp công nhân ở những nước thuộc địa, đặc biệt ở khu vực châu á..., đề phòng cuộc chiến tranh có thể nổ ra ở khu vực Thái Bình Dương. Toàn bộ những vấn đề như vậy có liên quan đến cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trong thời kỳ những nǎm 30. Vấn đề cốt lõi mà Hồ Chí Minh quan tâm là làm thế nào cho các dân tộc được độc lập, tự do, dân chủ. Điều này không hề mâu thuẫn với mục tiêu cách mạng của giai cấp vô sản thế giới. Giá trị tư tưởng về dân tộc và giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh trong những nǎm 30 được tô đậm thêm bằng sự dũng cảm, kiên định, kiên trì, mềm dẻo chống lại những khuynh hướng "tả", mà không gây nên sự chia rẽ, phân biệt trong Đảng, trong phong trào cách mạng.
Khi đặt vấn đề đấu tranh giải phóng dân tộc trên cơ sở đoàn kết các lực lượng dân chủ tiến bộ, tư tưởng chiến lược của Nguyễn ái Quốc không hề thay đổi. Người linh hoạt trong chỉ đạo chiến lược, không máy móc cho rằng có giải quyết vấn đề giai cấp mới giải quyết được vấn đề dân tộc. Cǎn cứ vào điều kiện cụ thể của thế giới và các dân tộc lúc bấy giờ, vận dụng sáng tạo nghị quyết của các đại hội VI, VII của Quốc tế cộng sản, Người chủ trương tập trung sức lực để giải quyết được vấn đề dân tộc mới giải quyết thành công vấn đề giai cấp. Đây là một bước phát triển mới của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng với thế giới nói riêng; là sự thực hiện một cách sáng suốt, có hiệu quả nguyên tắc chiến lược đã xác định là việc giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp vô sản. Thực tế lịch sử ở một số nước thuộc địa từ nǎm 1945 đã chứng minh tính đúng đắn, sáng suốt của những quan điểm, tư tưởng của Nguyễn ái Quốc.
3. Khái niệm, nội dung cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới.
a- Đã có nhiều ý kiến khác nhau khi định nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới nói riêng. Một số nhà nghiên cứu xuất phát từ mục đích cuộc đời hoạt động của Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh, khái quát "Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do"; "Tất cả cho con người, vì con người"; "Độc lập dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân". Một số người khác thì cǎn cứ vào nguồn gốc các yếu tố cấu thành tư tưởng Hồ Chí Minh để khẳng định "Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam, rất phong phú, bao trùm nhiều lĩnh vực". ý kiến thứ ba, xuất phát từ sự vận động của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, khẳng định "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống những luận điểm về cách mạng Việt Nam gắn liền với những biến động của thế giới trong thế kỷ XX này, từ cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực, có quan hệ đến đời sống của giai cấp và dân tộc, xã hội và con người, quốc gia và quốc tế". Ngoài ra còn có nhiều cách định nghĩa khác nhau về tư tưởng Hồ Chí Minh. ý kiến hiện được nhiều người chấp nhận cho rằng "Tư tưởng Hồ Chí Minh là bước phát triển mới và sự vận dụng sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với chủ nghĩa vǎn hoá nhân ái Việt Nam, tinh hoa vǎn hóa phương Đông và phương Tây; là lý luận về chủ nghĩa thực dân và cách mạng giải phóng dân tộc; về xây dựng chế độ dân chủ nhân dân từng bước phát triển lên chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, vǎn minh và giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa vì hoà bình và phát triển của nhân dân các dân tộc trên thế giới".
Sự xuất hiện và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh là một hiện tượng hợp quy luật, đáp ứng yêu cầu phát triển của dân tộc và thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh không thể ra đời và phát triển ngoài con đường phát triển chung của dân tộc và loài người. Vì vậy, nó không thể không kế thừa truyền thống dân tộc, tinh hoa tư tưởng, vǎn hoá, vǎn minh của nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận của vǎn hoá dân tộc và vǎn hoá thế giới. Nói một cách cụ thể, tư tưởng Hồ Chí Minh là bước phát triển mới trên cơ sở nhận thức và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin (nguồn gốc lý luận chủ yếu) ở những nước thuộc địa và phụ thuộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh còn là sự khái quát những kinh nghiệm của bản thân Hồ Chí Minh, của phong trào giải phóng dân tộc, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản (Việt Nam và thế giới), cuộc đấu tranh vì hoà bình, dân chủ và tiến bộ của nhân loại.
Việc định nghĩa khái niệm "Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới" phải xuất phát từ định nghĩa khái niệm "Tư tưởng Hồ Chí Minh" nói chung và dựa trên những cơ sở phương pháp luận sau đây:
Thứ nhất, nghiên cứu bất cứ hệ tư tưởng nào cũng cần tìm hiểu nội dung cơ bản cấu thành nó. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới nói riêng, phải làm sáng tỏ nội hàm với những đặc trưng cơ bản của khái niệm. Công việc này phải được tiến hành trên cơ sở tài liệu, sự kiện chính xác và những khái quát lý luận khoa học.
Thứ hai, "một khái niệm khoa học phải chỉ ra được cái bản chất cốt lõi, xuyên suốt cuộc đời và tác phẩm, nhất quán từ lúc vào đời đến khi rút ra khỏi cuộc đời, phải là phạm trù khởi điểm giúp cho việc nghiên cứu toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, là sợi chỉ đỏ liên kết tư tưởng đó thành hệ thống".
Thứ ba, định nghĩa "Tư tưởng Hồ Chí Minh" nói chung hay "Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới" nói riêng phải bao hàm nguồn gốc, nội dung cơ bản và mục đích của tư tưởng đó.
Thứ tư, "Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới" là một bộ phận của "Tư tưởng Hồ Chí Minh, vì vậy, vừa phải thể hiện được cái chung, vừa phải thể hiện được cái riêng, các đặc thù "với thế giới" của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Từ những yêu cầu nêu trên, chúng tôi quan niệm rằng "Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới" là một bộ phận của tư tưởng chính trị của Hồ Chí Minh, bao gồm hệ thống những luận điểm được rút ra từ thực tiễn cách mạng, từ sự kế thừa và phát triển những tinh hoa của dân tộc và trí tuệ của thời đại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin, đáp ứng được những xu thế phát triển của thế giới, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân loại: Độc lập dân tộc, hoà bình, dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội. Từ định nghĩa như vây, chúng tôi nhận thức rằng nội hàm của khái niệm "Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới" phải bao gồm những yếu tố:
- Các bộ phận cấu thành tư tưởng Hồ Chí Minh
- Sự tác động qua lại giữa Việt Nam, Hồ Chí Minh và phong trào cách mạng thế giới.
- Việc đáp ứng yêu cầu thời đại và xu thế phát triển tương lai của xã hội loài người.
b- Nội dung "Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới" phong phú, ở đây chúng tôi chỉ giới hạn ở một số vấn đề cơ bản.
Thứ nhất, Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc, được thể hiện ở những điểm:
- Nhận thức đúng về vấn đề dân tộc và thuộc địa.
- Nhận thức về cách mạng giải phóng dân tộc và mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa đối với cách mạng vô sản ở chính quốc.
- Việc tố cáo chủ nghĩa thực dân, nêu bản chất của nó thể hiện ở mọi mặt của đời sống xã hội thuộc địa.
- Việc xác định con đường cứu nước - con đường cách mạng vô sản.
- Việc vạch ra đường lối cứu nước: sự lãnh đạo của Đảng vô sản, đoàn kết rộng rãi trong nước và quốc tế, dựa vào lực lượng bản thân là chính...
- Con đường phát triển từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội: con đường tất yếu để hoàn thành việc giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Thứ hai, quan niệm về chủ nghĩa xã hội và xây dựng xã hội chủ nghĩa là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới.
Nội dung cơ bản của tư tưởng này được biểu hiện ở mấy điểm:
- Quan niệm về chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là chủ nghĩa xã hội được áp dụng ở các nước vốn là thuộc địa và phụ thuộc, không có những điều kiện lịch sử - xã hội như các nước tư bản ở châu Âu.
Từng bước phác hoạ kế hoạch và biện pháp xây dựng cơ sở cho chủ nghĩa xã hội, ngay cả khi làm nhiệm vụ dân tộc, dân chủ.
- Việc gắn liền chủ nghĩa xã hội với mục tiêu dân giàu nước mạnh.
- Những phương châm trong việc xây dựng xã hội chủ nghĩa "dân giàu nước mạnh": lâu dài, gian khổ, vững chắc, không vội vàng, sáng tạo, tránh giáo điều công thức.
Thứ ba, tư tưởng Hồ Chí Minh về hoà bình, hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc trong đấu tranh giữ độc lập cũng như xây dựng xã hội mới.
Thứ tư, tư tưởng nhân vǎn của Hồ Chí Minh mang tính chất thời đại, được thể hiện trong cuộc sống cũng như mọi hoạt động của Hồ Chí Minh.
Thứ nǎm, tư tưởng Hồ Chí Minh với thời đại góp phần giải quyết những vấn đề chung, những vấn đề toàn cầu, liên quan đến sự sống còn và phát triển của các tầng lớp trong xã hội, của nhiều dân tộc hiện nay. Đó là công cuộc giữ gìn hoà bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh hạt nhân, bảo vệ môi trường sống, bảo vệ và tái tạo tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sự bùng nổ về dân số, ngǎn ngừa và đẩy lùi nguy cơ bệnh tật hiểm nghèo, xoá đói, giảm nghèo, chống nạn thất nghiệp ...
***
Tư tưởng Hồ Chí Minh với thế giới được hình thành trong những điều kiện lịch sử nhất định của thế giới và dân tộc, qua nhiều giai đoạn lịch sử gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng trong sáng của bản thân Hồ Chí Minh. Nội dung cơ bản của nó thể hiện ở những nguyên lý, nguyên tắc, quan điểm lý luận được nhân dân Việt Nam và thế giới, trước hết là các nước thuộc địa và phụ thuộc, tiếp nhận không phải là những tín điều mà là sự soi sáng cho nhận thức và hoạt động thực tiễn của họ. Chính vì vậy mà tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, với thế giới nói riêng "vẫn sống trong kho tàng vǎn hoá của nhân loại", trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.
Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995