PGS, P TS. Nguyễn Cúc
Quyền Giám đốc Phân viện Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Sinh thời, Người đặc biệt quan tâm công tác huấn luyện cán bộ. Những bài nói, bài viết của Người là những di sản vô cùng quý giá để định hướng cho công tác đào tạo cán bộ hiện nay.
Trước hết, Hồ Chí Minh giải thích: "Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế" (1), "Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi" (2). Vì vậy Đảng ta tổ chức học tập lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận, phương pháp tư duy nhằm giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng để có thể làm tốt hơn công tác của mình. Người đánh giá một cách nghiêm khắc "Đảng ta là một Đảng Mác-Lênin đã được rèn luyện, thử thách lâu dài trong đấu tranh gian khổ, vì thế Đảng ta có rất nhiều ưu điểm (...). Tuy vậy Đảng ta còn có nhiều nhược điểm, mà một trong những nhược điểm lớn là trình độ lý luận còn thấp kém" (3). Thực tế đó đặt ra cho công tác lãnh đạo của Đảng ta là không tránh khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm khuyết điểm. Người phân tích những khó khăn phức tạp của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, đặc biệt là giai đoạn quá độ lên CNXH ở miền Bắc - một xã hội hoàn toàn mới, chưa hề có trong lịch sử dân tộc. Để thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xoá bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới, chuyển từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp trước tiên phải có những thay đổi lớn lao về tư tưởng, nhận thức và tư duy lý luận. Do đó, đòi hỏi Đảng ta phải tự nâng cao mình lên nữa, mà muốn nâng cao mình phải tổ chức học tập lý luận trong toàn Đảng, trước hết là trong cán bộ chủ chốt của Đảng.
Người nói, Lênin là người thầy vĩ đại của chúng ta đã trình bày rõ vai trò quan trọng của lý luận: "không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mạng tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong" (4). Do đó chúng ta phải phát huy tinh thần cầu học, cầu tiến bộ để đẩy mạnh phong trào học tập lý luận của Đảng ta.
Người nhấn mạnh học là để làm, lý luận phải đi đôi với thực tế, "thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng", "lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông" (5). Lý luận không phải là cái gì cứng nhắc, mà nó đầy tính sáng tạo, do đó lý luận luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn sinh động và lấy thực tiễn kiểm chứng đúng sai. Trong "Diễn văn khai mạc lớp học lý luận khoá I trường Nguyễn ái Quốc" (7-9-1957), Người nhấn mạnh mục tiêu của học tập lý luận là để làm người, làm cán bộ, "Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch" (6). Học tập lý luận là học lập trường, quan điểm và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng, lấy lập trường quan điểm ấy vào giải quyết tốt những vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Đó là cách học thiết thực, không phải học thuộc lòng từng câu từng chữ để rồi áp dụng một cách máy móc, mà học để có kiến thức phân tích và lý giải các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, bổ sung làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận rút ra từ thực tiễn cuộc sống. Dùng lý luận được học để phân tích những thắng lợi và thất bại trong công tác, những mặt đúng sai trong tư tưởng của mình để tự cải tạo mình, tu dưỡng nâng cao lập trường quan điểm, đạo đức, tri thức và phương pháp luận khoa học.
Thực tiễn cách mạng nước ta qua các thời kỳ đã chứng minh rằng cán bộ là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Chúng ta thường nói rất cần một đội ngũ cán bộ trưởng thành từ thực tiễn, điều đó đúng với ý nghĩa thực tiễn là môi trường thử thách rèn luyện, nhưng nếu chỉ với vốn liếng kinh nghiệm tích luỹ một cách tự phát thì chưa thể đạt tới trình độ tự giác, chủ động, cũng chưa đủ để có tư duy sáng tạo. Thời gian học tập ở nhà trường là sự tiếp nối quá trình công tác thực tiễn nhưng là bước nâng cấp rất quan trọng, là bước phát triển về trí tuệ và năng lực tư duy.
Thứ hai, Hồ Chỉ Minh có nhiều chỉ dẫn quan trọng về quy trình, cách thức, phương pháp về đào tạo, huấn luyện cán bộ.
Xuất phát từ luận đề cán bộ là cái gốc của mọi công việc, Người rất coi trọng công tác huấn luyện cả về tư tưởng, đạo đức lối sống, chuyên môn, theo lời dạy của Lênin: "Học, học nữa, học mãi". Người cho rằng muốn làm được bất cứ việc gì thì phải hiểu cho rõ, "phải học một cách thiết thực chu đáo" để có nền tảng tri thức, tránh "hữu danh vô thực". Có thể nói những yêu cầu của Người đặt ra khá nghiêm túc đối với công tác huấn luyện.
Để nâng cao chất lượng huấn luyện, Người đặt ra một quy trình chặt chẽ, làm đúng quy trình này mới có thể nâng cao chất lượng:
Về mục tiêu huấn luyện. Người nêu câu hỏi học để làm gì ? :
- "Học để sửa chữa tư tưởng, để trung thành với sự nghiệp cách mạng, tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng". "Học để làm việc, làm người rồi mới để làm cán bộ".
- Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng "cần kiệm liêm chính, chí công vô tư" có đạo đức cách mạng mới có thể hy sinh tận trung với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng.
Học để tin tưởng vào đoàn thể, tin tưởng vào nhân dân, tin tưởng vào tương lai dân tộc.
Về đối tượng huấn luyện, Người yêu cầu cần phải:
- Huấn luyện cán bộ
- Huấn luyện hội viên của đoàn thể
- Huấn luyện cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền
- Huấn luyện nhân dân.
Nhưng trước hết là huấn luyện cán bộ vì có "cán bộ tốt thì thành công, không có cán bộ tốt thì hỏng việc". Cùng với nhận diện đối tượng thì phải xác định yêu cầu của các cơ quan để tìm ra quy mô huấn luyện, nhu cầu từ các đoàn thể, Mặt trận, chính quyền, quân đội. Người ví công tác đào tạo như người sản xuất, "Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ" (7 ). Đây là một luận đề quan trọng làm căn cứ xác định hợp lý quy mô đào tạo, nếu quá ít không đáp ứng nhu cầu quá nhiều lãng phí tiền của của dân.
Về người huấn luyện, theo Người "phải là người kiểu mẫu" về mọi mặt tư tưởng, đạo đức, lối sống, kiến thức cao hơn mới có sức thuyết phục, phải có trình độ chuyên sâu, "Người huấn luyện nào tự cho mmh là đã biết đủ cả rồi, thì người đó là dốt nhất" (8). Người nhắc lại triết lý cúa Khổng Tử: "Học không biết chán, dạy không biết mỏi" (9) và viện dẫn lời dạy của Lênin: "Chỉ có những người cách mạng chân chỉnh mới thu hái được những đlều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại" (10).
Về nội dung huấn luyện, là cán bộ cách mạng trước hết phải có nền tảng, do đó trước hết phải dạy lý luận Mác-Lênin để hình thành tư duy lý luận, làm kim chỉ nam cho hành động thực tiễn. Ngoài ra phải dạy văn hoá để có cơ sở tiếp thu lý luận, chuyển hoá tri thức của người dạy thành của mình. Có thể nói lãnh đạo quản lý là một nghề nghiệp, với những quy trình công nghệ tinh tế, nghiêm ngặt tức là quy trình lãnh đạo quản lý, làm trái không bao giờ mang lại kết quả.
Về phương pháp huấn luyện. Người đã đưa ra những yêu cầu khá chặt chẽ:
Một là, phải lựa chọn những vấn đề "cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều phù hợp với đối tượng người học, lựa chọn những kiến thức người ta cần.
Hai là, phải lựa chọn phương pháp truyền thụ, Người đưa ra hai phương án: cách truyền đạt tỷ mỉ, cách truyền đạt khái quát, ưu nhược điểm của mỗi phương án để người huấn luyện chọn lựa.
Ba là, huấn luyện tại chỗ theo thứ bậc gần kề vừa tiết kiệm, vừa thiết thực "Trung ương huấn luyện cho các khu, các tỉnh, cán bộ các khu và tỉnh huấn luyện cho cán bộ huyện, xã". Làm như vậy đỡ tốn công, thì giờ và cán bộ huấn luyện cho cấp dưới gần mình lại sát hơn.
Bốn là, chú trọng "huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu, và "cải tạo tư tưởng", khắc phục tự kiêu tự mãn. Phải khiêm tốn thật thà, đào sâu suy nghĩ khi nghiên cứu các tác phẩm của Mác-Lênin "cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết" kiêu ngạo tự mãn là kẻ thù số một của học tập.
Về tài liệu huấn luyện, trước hết là những tài liệu về chủ nghĩa Mác-Lênin, những chỉ thị nghị quyết của Chính phủ và đoàn thể và phải được lựa chọn sắp xếp cho phù hợp với trình độ của người học, vì mỗi đối tượng cán bộ có những đặc điểm riêng. Ngoài những tài liệu về chủ nghĩa Mác-Lênin còn có những tài liệu thiết thực, kinh nghiệm của người học mang đến kể cả thành công và thất bại, đó là những bài học quý, Đây chính là cách học thiết thực sinh động, học ở bạn bè, học ở cuộc sống và chính ngay bản thân mình.
Việc tổ chức lớp học là một nhân tố quyết định chất lượng học tập, do đó, Người phê phán các khuyết điểm, "tham làm nhiều mà làm không chu đáo, không biết "quý hồ tinh bất quý hồ đa" (11). Đó là tư tưởng chỉ đạo quan trọng để lựa chọn quy mô đào tạo, coi trọng chất lượng "đông quá thì dạy và học ít kết quả vì trình độ lý luận của người học chênh lệch, nên thu nhận không đều" (12). Tránh "mở lớp lung tung", vì mở nhiều lớp sẽ thiếu người giảng, dạy không chu đáo; thiếu người giảng thường phải dùng người làm thay, người làm thay thụ động, năng lực kém "thì học viên đâm chán nản". Do đó mở lớp cho ra lớp, chọn người dạy cho ra dạy là vấn đề quyết định chất lượng huấn luyện.
Trong quy trình hướng dẫn đến chất lượng, Người coi trọng việc tự lực, tự nghiên cứu, tự cập nhật kiến thức, "lấy tự học làm cốt". Đây là quan điểm đào tạo hiện đại - chế độ học suốt đời để không bị lạc hậu với thời cuộc. Phải tự nguyện tự giác học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ, không tin mù quáng từng câu từng chữ trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ.
Những tư tưởng của Người trên đây vẫn là những định hướng thiết thực cho công tác đào tạo cán bộ của chúng ta hiện nay. Nhiều thế hệ cán bộ đã được đào tạo một cách cơ bản, có hệ thống và đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong hệ thống chính trị. Nhưng trong quá trình đào tạo, do áp lực của yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, có gặp những khó khăn về quy mô, chất lượng đào tạo thì cần đối chiếu, suy ngẫm lại tư tưởng của Người để kiểm chứng, điều chỉnh, hoàn thiện, nhằm không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Sự thành công của công tác đào tạo trong thời gian qua đã để lại một bài học sâu sắc là dựa vào tư tưởng của Người để hành động.
Tạp chí Giáo dục lý luận, số 2/2000
2. l 2- Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 233, 234.
3. 3 - Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, \ H. 1996, tr. 492.
4 - Sđd, tập 2, 1995, tr. 259.
5 - Sđd, tập 8, 1996, tr. 496.
6 - Sđd, tập 8, 1996, tr. 497.
7 - Sđd, tập 6, 1995, tr. 48.
8,9,10 - Sđd, tập 6, 1995, tr. 46.
11. 12- Sđd, tập 6, 1995, tr. 52.