Hồ Chí Minh nói về vai trò, chức nǎng, nhiệm vụ của người làm công tác huấn luyện cán bộ

PSG. PTS. Nguyễn Xuân Sơn - ThS. Hà Mỹ Hương
Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, không có cán bộ tốt thì hỏng việc"1. Mà huấn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng, Nhà nước, các đoàn thể trước hết là nhiệm vụ của "người huấn luyện". Về người huấn luyện, ngay từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Không phải ai cũng huấn luyện được Người làm công tác huấn luyện phải có những tiêu chuẩn cụ thể: 

Thứ nhất, Hồ Chí Minh xác định rõ: đã là người huấn luyện thì trước hết phải có tri thức, kiến thức, trình độ chuyên môn giỏi "muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thạo nghề rèn, nghề nguội''2. Mà muốn giỏi, muốn thạo nghề, người huấn luyện phải không ngừng học hỏi, bồi bổ thêm kiến thức, tri thức. Dẫn lời của Khổng Tử, của V.I.Lênin, Bác nhấn mạnh rằng hơn ai hết, người huấn luyện phải ghi nhớ và thực hành việc học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một quan niệm: "Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nát"3, làm chúng ta nhớ đến câu thành ngữ dân gian "Thùng rỗng kêu to". Nhưng ở đây Bác không vòng vo úp mở, mà chỉ thẳng vào tật xấu để răn dạy, để cảnh tỉnh các "nhà huấn luyện". Lời dạy phải khiêm tốn học tập phải học tập suốt đời của Bác từ 50 năm trước vẫn có ý nghĩa thật sâu xa, thật thấm thía đối với chúng ta, những người thầy đứng trên bục giảng ngày hôm nay. 

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu ''Người huấn luyện của đoàn thể phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc"4. Điều này là hiển nhiên, vì rõ ràng nếu người dạy không đạt đến mức "kiểu mẫu về mọi mặt'' thì khó có thể hoàn thành được vai trò "luyện" cho người học. Trong khi đó, mục đích của các trường đảng trước đây, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay đã được Hồ Chí Minh xác định rõ ngay từ lớp học lý luận khóa đầu tiên của trường Nguyễn ái Quốc tháng 9 năm 1957 là "đào tạo những cán bộ biết vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những vấn đề cách mạng cụ thể"5 . Gắn liền hữu cơ với vai trò"kiểu mẫu" tấm gương'' của người huấn luyện là một nhiệm vụ rất quan trong của người dạy mà Hồ Chí Minh nhắc đến từ năm 1950, đó là "huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng'', là vừa "huấn", vừa "luyện". Người giải thích: ''Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc"6 của người học, chẳng hạn thói tự kiêu, tự mãn, óc địa vị, công thần. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Phải đập cho tan khuyết điểm ấy đi"7 . Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người dạy không chỉ "phải hiểu rõ để nâng cao khả năng" cho người học, không chỉ truyền thụ, cung cấp kiến thức, tri thức cho họ, mà còn phải "tẩy rửa khuyết điểm'', ''cải tạo tư tưởng'' cho họ. Mà người huấn luyện sao có thể thực hiện được nhiệm vụ nặng nề ấy, nếu bản thân họ không là kiểu mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối làm việc, lối sống? 

Thứ ba, Hồ Chí Minh nêu bốn nội dung cơ bản cần dạy cho người học: dạy lý luận Mác - Lênin, dạy công tác, dạy văn hóa và dạy chuyên môn nghề nghiệp, thấm nhuần tư tưởng của V.I. Lênin: "Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng... Chỉ có một Đảng có lý luận tiền phong dẫn đường thì mới có thể làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong''8, cộng với những trải nghiệm suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc dạy và học lý luận Mác - Lênin. Người đưa ra một hình ảnh so sánh cụ thể: người hoạt động cách mạng mà không có lý luận thì cũng giống như người đi mò trong đêm tối (về sau Bác còn nói không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm), vừa chậm, vừa vấp váp, sai lầm, chệch hướng,... để nhấn mạnh vai trò của lý luận trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Tuy nhiên, nội dung xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nội dung huấn luyện cũng như các vấn đề khác xung quanh công tác đào tạo cán bộ, là lý luận phải gắn liền với thực tiễn: dạy lý luận là để người học áp dụng vào công việc, để làm việc cho đúng, cho có hiệu quả; dạy lý luận phải đi đôi với dạy nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ công tác... Hồ Chí Minh đưa ra một ví dụ cụ thể: "Việc thắng lợi ngoại giao vừa rồi (ý Bác nói đến việc các nước Líên Xô Trung Quốc chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong tháng giêng năm 1950), phải xem xét ảnh hưởng đối với ta như thế nào, đối với địch thế nào, đối với trong nước thế nào, đối với quốc tế thế nào, làm thế nào để lợi dụng được hết ảnh hưởng của thắng lợi đó"9. Suy rộng ra, Bác muốn người dạy phải biết phân tích đầy đủ, chính xác, khách quan không những thành công, mà cả thất bại trong sự nghiệp cách mạng xây dựng và phát triển đất nước, từ đó giúp người học đúc rút những bài học kinh nghiệm cần thiết áp dụng vào hoạt động thực tiễn của họ. Trong bài diễn văn đọc tháng 9 năm 1957 (đã nêu ở trên) cũng như nhiều bài nói, bài viết về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần trở đi trở lại tư tưởng này. Người khẳng định: "Thực tiễn không có lý luận thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông...". 

Thứ tư, Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp, cách thức huấn luyện, giảng dạy. Người nêu rõ: Việc cốt yếu là làm cho người học hiểu thấu vấn đề, nhưng để hiểu thấu, hiểu sâu có nhiều cách dạy. Có cách dạy tỉ mỉ, tốn nhiều thời gian; có cách dạy bao quát, khái quát, tùy điều kiện và hoàn cảnh. Song điều mà Bác muốn người dạy chú trọng, quan tâm hàng đầu đó là dùng cách dạy, cách huấn luyện như thế nào để người học từ chỗ hiểu đúng, hiểu thấu vấn đề mà đi đến sử dụng sự hiểu biết đó của mình trong công việc cho có kết quả, hiệu quả. Như vậy, cả ở đây chúng ta thấy điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng nhất vẫn là tính hiệu quả thực tiễn của nội dung cũng như phương pháp huấn luyện đào tạo cán bộ. Người yêu cầu người huấn luyện, người dạy cũng như ban huấn luyện, cơ quan đào tạo phải bám sát mục tiêu hiệu quả thực tiễn, đào tạo phải gắn với nhu cầu thực tế của các ngành, các địa phương. Bác nói: ''Huấn luyện cán bộ là cốt để cung cấp cán bộ cho các ngành công tác: đoàn thể, mặt trận, chính quyền, quân đội. Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ"11, nếu không thì hàng ế. Bác trình bày vấn đề thật rõ ràng dễ hiểu. Đáng chú ý là ngay từ giữa thế kỷ XX, trong hoàn cảnh chiến tranh, nước ta đang rất thiếu cán bộ vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, đã yêu cầu việc huấn luyện, đào tạo cán bộ không phải cốt lấy số lượng, mà cốt để cung cấp cán bộ, đặc biệt việc cung cấp cán bộ đó phải đáp ứng nhu cầu của "thị trường tiêu thụ". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh cần nâng cao và hướng dẫn việc tự học cho người học. Bác muốn người thầy phải tìm cách sao cho người học từ chỗ tự ý thức được mục đích, ý nghĩa, vai trò của sự học mà tự giác, tự động học tập ngay cả khi không có thầy. Trách nhiệm của người thầy còn ở chỗ hướng dẫn việc tự học của người học sao cho có kết quả. Học ở đâu và học như thế nào? Bác chỉ rõ: "Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân"12, nhất là học nhân dân! Liên hệ với thực tế, chúng tôi thấy chúng ta chưa thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn học viên tự học, các giảng viên lên bục giảng vẫn chủ yếu dùng phương pháp diễn giải, thuyết trình, chưa ứng dụng phổ biến các phương pháp dạy học hiện đại. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ cách thức huấn luyện phải có hệ thống chặt chẽ từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, phải thật sát sao, thật chu đáo, không được bôi bác, ôm đồm. Sau đó, Bác nêu lên một số khuyết điểm cụ thể trong công tác huấn luyện như tổ chức lớp quá đông người học, mở trường mở lớp quá nhiều, hậu quả là chương trình không sát, chồng chéo lên nhau, thiếu người giảng... ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng huấn luyện. Bác yêu cầu phải sửa chữa ngày những khuyết điểm đó và nêu rõ hướng khắc phục cụ thể. Đó là trên cơ sở quán triệt quan điểm "quí hồ tinh, bất quí hồ đa" - coi trọng chất lượng hơn số lượng, mà hợp lý hoá quá trình, cách thức, nội dung huấn luyện; không mở lớp lung tung, mà mở lớp nào ra lớp ấy; lựa chọn người dạy và người học cẩn thận. 

Khi nói về công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ của các trường Đảng, Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để "nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình"13. Người nhấn mạnh: "Trường Đảng là trường học đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản"14. Trường Đảng dạy lý luận Mác-Lênin để trang bị tri thức, nâng cao trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ cốt cán của Đảng, song điều quan trọng hơn là để đội ngũ cán bộ ấy học được cách vận dụng đúng đắn, vận dụng sáng tạo lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin trong hoạt động thực tiễn, trong giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đặt ra, v.v. 

Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 4/2000

1, 2, 3. Hồ Chí Minh. Toàn tập, t. 6, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 46. 
4. Sách đã dẫn, tr. 46. 
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 8, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 500. 
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 6, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 46. 
7. Sách đã dẫn, tr. 49. 
8. V. I. Lênin. Toàn tập, t. 6, Nxb Tiến bộ, M, 1975, tr. 30, 32. 
9. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 6, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 47. 
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 8, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 496. 
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 6, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 47. 
12. Sách đã dẫn, tr. 50. 
13. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 8, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 492. 
14. Sách đã dẫn, tr. 496.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website