Kỷ niệm với Bác Hồ

Thế rồi tôi được cán bộ cho ra Bắc tập kết để học cái chữ của Bok Hồ. Thật là một bước ngoặt của cuộc đời một cô bé miền rừng. Tôi vừa mừng vừa lo, lo là vì chưa quen xa nhà lâu. Với một đứa trẻ tám, chín tuổi như mọi đứa trẻ khác quen sống trong vòng tay cha mẹ, buôn làng, nay bỗng dưng phải đi xa lâu ắt sẽ nhớ, nhớ quá thì khóc nhiều. Nhưng tôi chợt nghĩ đến Bác Hồ và lòng khao khát được gặp Bác đã thôi thúc tôi lên đường đi xa vạn dặm. Và mãi hơn hai mươi năm sau tôi mới được trở về đất mẹ. 

Trường học sinh dân tộc trung ương đóng tại Gia Lâm, Hà Nội-là nơi tụ hội con em các cán bộ dân tộc thiểu số phía Nam và cả một số dân tộc phía Bắc. Đa số lũ trẻ chúng tôi mồ côi cha mẹ hoặc sống xa nhà xa quê nên yêu thương nhau như chị em ruột. Miền Bắc lúc ấy mới hoà bình, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng với học sinh miền Nam vẫn được ăn no mặc ấm. Đồng bào miền Bắc và Đảng, Bác Hồ đã thắt lưng buộc bụng san sẻ từng chén cơm bát cháo nuôi con em miền Nam ăn học trưởng thành. 

Bác Hồ thường vào thăm trường. Bác hỏi thăm sức khỏe các cháu học sinh, hỏi thăm đời sống, kiểm tra nhà bếp có sạch không, các thầy cô dạy học có tốt không, quần áo chăn màn có đủ ấm không. Bác bận trăm công ngàn việc lớn nhưng vẫn dành thì giờ đến thăm trường, để động viên cổ vũ cho chúng tôi yên tâm học hành. Người đầu tiên ra Bắc được Bác chú ý nhất là anh hùng đánh Tây: Đinh Núp. Mỗi lần Bác đến trường đều không quên cho anh hùng Đinh Núp ngồi bên. Anh hùng Đinh Núp lúc đó còn trai trẻ. Ông cao lớn trẻ trung với cái cười rất hiền. Trong quân phục cao cấp ngực đầy huân, huy chương lấp lánh rất oai, trông như một vị tướng. Cứ mỗi lần Bác Hồ nói xong là Bác lại bảo anh hùng Đinh Núp và mọi người nói chuyện của mình. Lúc bấy giờ anh hùng Đinh Núp chưa biết nói tiếng Kinh nhiều nên chỉ bập bẹ được mấy tiếng: Kơ Kuh Bok Hồ (kính chào Bác Hồ), Kơ Kuh Kơ Lu đồng bào (kính chào cái lũ đồng bào) rồi cười với chúng tôi như để xin lỗi vì không thể nói tiếp bằng tiếng Kinh. Cuối cùng đành phải nói bằng tiếng mẹ đẻ, có thầy Thi phiên dịch. Bác cười, hiền từ gật đầu thông cảm và ôm hôn anh hùng Núp thật thắm thiết giữa tiếng reo mừng của đám học sinh. Có lẽ vì quá xúc động nên anh hùng Núp nổi hứng hô to: "Bok Hồ muôn năm". 

Chúng tôi đồng loạt hô theo ba lần. Anh hùng Núp lại chỉ tay vào ngực mình hô tiếp: “Ca tui cúng muôn năm" (Cả tui cũng muôn năm). 

Chúng tôi cũng hô theo ba lần như thế. 

Những lần được Bác về thăm trường, tôi rất muốn đến gần Bác để được nhìn Bác rõ hơn và nói với Bác những lời bà con cô bác đã gửi gắm trước lúc tôi lên đường ra Bắc. Nhưng tính tôi vốn nhút nhát nên chẳng lần nào dám đến gần. 

Thế rồi một chân trời sáng đã mở ra trước mắt tôi. Tôi được tuyển vào Đoàn Văn công Tây Nguyên trung ương làm diễn viên ca múa. Đó là một vinh dự lớn lao, một ước mơ tột đỉnh và cũng là một kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi. 

Lần đầu tiên tôi được đến gặp Bác. Hôm ấy, tim tôi như muốn bật ra khỏi lồng ngực khi nhìn thấy Bác Hồ trong bộ quần áo ka ki bạc màu cùng mái tóc bạc phơ với nụ cười rất hiền. Bác đang từ trên thềm Phủ Chủ tịch nhanh nhẹn bước xuống đón tôi từ. Bác ôm hôn tôi và hỏi với giọng trầm ấm đến lạ: “Cháu đi xe có bị say không?”. Rồi Bác hỏi thăm cha mẹ và bà con Tây Nguyên. Lúc ấy tôi chỉ muốn ôm chặt lấy Bác, hôn Bác và nói với Bác những gì bà con Tây Nguyên đã nhắn gửi. Nhưng tôi chỉ lắp bắp trong nước mắt: “Bác Hồ” rồi khóc òa. Những giọt nước mắt của cả bà 

con cô bác đang phải sống dưới gót giày đinh của Mỹ-ngụy như dồn hết trong mắt tôi để bây giờ gặp Bác nó mới có dịp tuôn ra. Và tôi bỗng sững sờ khi nhìn đôi mắt sáng hiền từ của Bác cũng có giọt nước mắt lóng lánh. Bác khóc! Có lẽ trang phục Tây Nguyên của tôi đã khiến Bác càng nhớ thương đồng bào Tây Nguyên. 

Tôi thầm ước: Bắc-Nam mau thống nhất để đồng bào hai miền được sum họp một nhà, để được đón Bác vào thăm như Bác hằng ước ao.. . 

Khi biểu diễn xong, tôi được ngồi bên Bác coi phim và được Bác hôn. Lúc này tôi mới có dịp kể chút ít về bà con dân làng và lòng khát khao của họ muốn được tận mắt nhìn thấy Bác. Bác lắng nghe rồi húng hắng ho khan. Không hiểu vì thời tiết se lạnh hay vì xúc động mà Bác ho, khiến tôi lo lắng? Anh bảo vệ vội đưa áo khoác cho tôi bảo khoác lên người Bác. Bác cảm động hôn tôi và khen: "Cháu ngoan lắm". Tôi rất muốn hôn lại Bác nhưng không dám. Đành nén cái thương yêu tôn kính trong lòng. 

Một lần, mấy chị em gồm chị Lệ Thi, Thương Huyền, Châu Loan và tôi sau khi cùng Bác ra dạo ngắm vườn hoa, ao cá về ngồi quanh bàn uống nước nói chuyện, bỗng chị Lệ Thi chỉ vào ngón chân cái bên phải của Bác khẽ hỏi: 

- Thưa Bác, móng chân Bác bị đau ạ? 

Bác nhìn xuống ngón chân cái thâm đen cười gật đầu: 

- Đây là kỷ niệm hồi Bác sống ở Pari. Bác làm nghề xúc tuyết thuê. Mùa đông bên đó rét lắm. Bác phải nung gạch thật nóng ủ trong áo cho ấm người. Hôm ấy Bác sơ ý nên viên gạch rơi trúng chân. Bác định kể tiếp nhưng thấy chị em tôi ai nấy nước mắt ràn rụa làm Bác im bặt. Bác vội xua tay cười bảo: 

- Chuyện của Bác không vui, thôi các cháu uống nước, ăn kẹo đi. Bác chuyển khéo sang chuyện khác vì thấy chúng tôi khóc, hay chính Bác cũng đang xúc động khi nhớ lại những tháng năm dài cơ cực, hiểm nguy trên đất khách quê người để tìm đường cứu nước, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ ngoại xâm... 

Tháng 2-1962, tất cả các đoàn văn công thuộc trung ương đóng tại Hà Nội đều được ra Câu lạc bộ quốc tế biểu diễn để chào mừng anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghécmantitốp sang thăm nước ta, sau đó cùng nhảy vòng tròn với Bác Hồ. Thấy tôi vẫn đứng trong đám chị em, Bác liền bước tới nắm tay tôi kéo vào vòng nhảy. Bàn tay của Bác ấm áp làm sao, tôi cứ muốn được nắm tay Bác nhảy mãi, nhảy mãi... 

Rồi một sáng tinh mơ ngày 3-9-1969, tôi bỗng nghe đài Tiếng nói Việt Nam báo tin: “Bác Hồ vô vàn kính yêu đã từ trần!”. Đất dưới chân tôi như sụp đổ, đầu óc tôi quay cuồng và tất cả đều tối đen... Tôi thầm hứa với Bác dù ở hoàn cảnh nào, tôi cũng cố gắng vượt qua, phấn đấu hết sức mình làm việc tốt, nguyện suốt đời theo Đảng, Bác Hồ mà thời Bác còn sống tôi đã may mắn có vinh dự được gặp Bác, được Bác cho kẹo và khen ngoan. Đó là một vinh dự lớn lao, một kỷ niệm vô giá của một đời người và cũng là nguồn động viên vô bờ để tôi vững bước trên con đường công tác của mình. 

Kim Nhất dân tộc Ba Na

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website