GS. Đỗ Nguyên Phương, PTS. Nguyễn Khánh Bật, BS. Nguyễn Cao Thâm
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 6-1991, khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đây là bước phát triển rất quan trọng trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nghị quyết của Đại hội VII đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình nghiên cứu, học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào sự nghiệp đổi mới, trên phạm vi cả nước nói chung, đối với mỗi địa phương, bộ, ngành nói riêng.
Suốt đời mình, Hồ Chí Minh hy sinh, phấn đấu cho mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người khỏi áp bức bóc lột, khỏi đói nghèo, bệnh tật. Vì vậy, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân vǎn hoá Hồ Chí Minh rất quan tâm tới lĩnh vực y tế - sức khoẻ. Các bài nói, bài viết và hoạt động thực tiễn của Người trên lĩnh vực y tế đã để lại cho chúng ta tư tưởng, quan điểm vô cùng sâu sắc, phong phú, tạo nên nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam dẫn dắt nền y học Việt Nam mấy thập kỷ qua, tiếp tục soi sáng con đường y tế nước nhà vững bước đi vào thế kỷ XXI.
Với nhận thức đó, đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh với y tế được triển khai nghiên cứu. Tham gia đề tài này là những cán bộ của Viện Hồ Chí Minh thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban thư ký thường trực Hội đồng biên soạn lịch sử Bộ Y tế, cùng một số giáo sư, bác sĩ công tác trong ngành y tế dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giáo sư Đỗ Nguyên Phương - Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nội dung chính được tập thể các tác giả tập trung thể hiện trong cuốn sách này là:
Thứ nhất, trình bày tương đối có hệ thống tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y tế, nêu lên tính đúng đắn, tính dân tộc và ý nghĩa thời đại của những tư tưởng, quan điểm đó.
Thứ hai, khẳng định rằng trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước, ngành y tế và nhân dân ta luôn quán triệt, vận dụng tư tưởng, quan điểm Hồ Chí Minh về y tế vào việc xây dựng, phát triển ngành y tế, chǎm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Do đó, những thành tựu đáng tự hào của ngành y tế nước nhà thời gian qua không thể tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết là tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế.
Thứ ba, dưới ánh sáng tư tưởng, quan điểm Hồ Chí Minh về y tế, bước đầu nêu lên một vài giải pháp mang tính khả thi trong việc xây dựng nền y tế phát triển Việt Nam, khi đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với y tế là một đề tài lớn cả về lý luận và thực tiễn. Để nghiên cứu thấu đáo vấn đề, cần phải có thời gian, công phu, sự cộng tác chặt chẽ giữa những chuyên gia am hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh và các nhà khoa học, các bác sĩ y khoa hoạt động trong ngành y tế.
Với cuốn sách này, tập thể tác giả hy vọng đặt cơ sở ban đầu cho một công việc còn phải làm tiếp tục, làm mãi mãi như phát biểu đề dẫn tại Hội thảo "Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác bảo vệ sức khoẻ", tổ chức ngày 27-2-1997, của Giáo sư, Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương.
Chắc chắn cuốn sách còn có nhiều thiếu sót. Tập thể tác giả mong nhận được sự giúp đỡ, chỉ dẫn của bạn đọc.
Hà Nội, tháng 7 nǎm 1999