Vũ Mai Hoàng
Đình Song Linh
Dải đất nhỏ hình chữ S nằm bên bờ Thái Bình Dương trở nên gần gũi, thân thương đối với Bờ-ra tự khi nào, ông không còn nhớ nữa, nhưng những kỷ niệm đẹp tại đất nước này đã và sẽ mãi theo ông suốt cuộc đời.
Năm 1955, Bờ-ra, cậu bé chín tuổi người ấn Độ lần đầu theo cha là Chủ tịch ủy ban giám sát quốc tế về việc thực hiện Hiệp đinh Giơ-ne-vơ sang Việt Nam. Đất nước Việt Nam bấy giờ tạm thời bị chia cắt nhưng vì theo cha cho nên cậu bé có điều kiện đến những thành phố như: Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh ngày nay)... Phong cảnh và con người Việt Nam dần cuốn hút cậu. Từ đấy, mỗi dịp nghỉ học dài ngày tại ấn Độ, cậu lại thu xếp thời gian sang thăm cha, đất nước Việt Nam mến yêu. ấn tượng lớn với Bờ-ra là Hà Nội, một thành phố đẹp mang dáng vẻ thâm trầm và cổ kính. Cha con Bờ-ra ở trong một khách sạn lớn kiến trúc kiểu Pháp, nằm bên một con phố yên bình. Ngày đó, trên đường phố chỉ có những người đạp xe qua lại, những người bán hàng rong với những món hàng trĩu nặng trên vai hoặc trên đầu. Mỗi khi cha đi làm, cậu bé thường thơ thẩn đi dạo dưới những tán cây xanh của phố phường Hà Nội, tìm bắt những chú bướm đủ sắc mầu cất vào bộ sưu tập, hoặc tìm cách trò chuyện với những người Việt Nam. Bờ-ra từ lâu ấp ủ một ước mơ thầm kín là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ được nhân dân Việt Nam gọi là Bác Hồ, dù cậu biết đó là điều rất khó. Thật bất ngờ, mơ ước ấy trở thành hiện thực vào ngày 1-1-1957, năm cậu 11 tuổi. Nhân Tết dương lịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới các đại sứ, đại diện các phái đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Việt Nam dự buổi gặp thân mật tại Phủ Chủ tịch. Cha Bờ-ra đưa cậu theo. Bờ-ra còn nhớ mãi hình ảnh một cụ già tóc bạc, đôi mắt sáng ngời, ăn mặc giản dị ở ghế chủ tọa. Thật may mắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấy cậu trong số các quan khách và trìu mến gọi cậu bé đến ngồi cạnh Người. Bằng giọng nói hiền từ, Người ân cần thăm hỏi Bờ-ra về chuyện học hành, về gia đình, về những ấn tượng đối với Hà Nội, Việt Nam và cả những ước mơ... Đó là những phút giây hồi hộp nhất trong cuộc đời Bờ-ra. Cậu không nhớ đã trả lời những gì, chỉ nhớ không khí lúc đó thật ấm áp, gần gũi và xúc động. Bác Hồ tặng Bờ-ra con chim bồ câu bằng đá, biểu tượng cho hòa bình cùng một quả quýt và căn dặn mang về làm quà cho mẹ. Bờ-ra theo cha trở về ấn Độ và mang theo món quà quý giá của Chủ tich Hồ Chí Minh. Còn bức ảnh chụp cậu ngồi bên Bác Hồ được Bờ-ra và cả gia đình trân trọng giữ gìn trong an-bum như một bảo vật. Nhiều năm sau đó, mỗi lần khách đến chơi nhà, đặc biệt là khách từ Việt Nam sang, Bờ-ra đều tự hào kể lại kỷ niệm ấy và cho mọi người xem ảnh.
Sau gần nửa thế kỷ, Bờ-ra mới có dịp trở lại Việt Nam theo lời mới của Ban Bí thư T.ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với danh nghĩa là Thiếu tướng, Phó Tổng giám đốc Hiệp hội giáo dục quốc phòng cho học sinh ấn Độ (NCC) - một tổ chức thanh niên quy mô-lớn nhất ấn Độ với khoảng 1,4 triệu thành viên là học sinh, sinh viên tuổi từ 13 đến 22, được tuyển chọn từ các trường phổ thông, cao đẳng và đại học cả nước. Việc trở thành một thành viên hay còn gọi là thiếu sinh quân của NCC là niềm tự hào đối với thanh, thiếu niên ấn Độ. Chuyến thăm Việt Nam của Thiếu tướng nhằm giao lưu, học hỏi và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa thanh niên và nhân dân hai nước. Chúng tôi gặp ông tại Hà Nội vào thời điểm cả nước kỷ niệm lần thứ 112 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thiếu tướng Bờ-ra cho biết những chuyến thăm và giao lưu giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và NCC mang lại kết quả thiết thực và bổ ích. Trong thời gian tới, tổ chức đoàn hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác thông qua các chuyến thăm và giao lưu.
Có lẽ nhờ những hoạt động hữu nghị ấy, các cán bộ Đoàn Việt Nam mới được biết câu chuyện cảm động về lần đầu và là lần duy nhất cậu bé Bờ-ra được gặp Báo Hồ. Anh Trần Đắc Lợi, Trưởng ban Quốc tế T.ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cho biết, trong dịp công tác tại ấn Độ, đã tận mắt nhìn thấy bức ảnh gốc chụp từ năm 1957, được gia đình Thiếu tướng bảo quản rất cẩn thận. Thiếu tướng Bờ-ra tâm sự, suốt 45 năm qua, mỗi lần nhìn bức ảnh Bác, trong ông lại rộn lên ao ước được trở lại Việt Nam, nơi ông gửi gắm bao kỷ niệm, không chỉ để tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa thanh niên và nhân dân Việt nam - ấn Độ mà còn thực hiện tâm nguyện đến thăm vị lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh- người bạn lớn của nhân dân ấn Độ. Vì thế, khi đặt chân tới Việt Nam sau nhiều năm xa cách, điểm đến đầu tiên của ông là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích Phủ Chủ tịch. Với ông, Hà Nội giờ đây dù hiện đại, nhộn nhịp hơn xưa nhưng không làm giảm nét đẹp tự nghìn xưa còn lắng đọng. Người Việt Nam năng động hơn nhưng tình cảm của người Việt Nam vẫn như thuở nào, chân tình và nồng ấm.
Báo Nhân dân, ngày 20/5/2002