Vũ Hữu Ngoạn
Ngày 27 tháng 3 năm 2003 Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có chỉ thị về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.
Phải nghiên cứu nghiêm túc, công phu, có nhận thức chân thực tư tưởng Hồ Chí Minh, thì việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh mới sâu sắc. Nghiên cứu những tác phẩm, những bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh để hiểu biết tư tưởng của Người đã quan trọng, song một phần quan trọng khác là còn phải nghiên cứu cuộc sống, hành động hàng ngày vô cùng đẹp đẽ, cao thượng để hiểu biết tính phong phú, tính cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm lý luận chính trị toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm trước hết và chủ yếu là kết quả vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời còn là kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một chỉnh thể về nhiều mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, đạo đức, Đảng, Nhà nước, nhân dân, dân tộc, quốc tế...
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã từng chỉ ra rằng chủ nghĩa xã hội về thực chất là một sự nghiệp có tính chất kinh tế. Vì vậy, việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh là một bộ phận vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Đảng và nhân dân ta. Và, điều quan trọng nhất là quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong khi hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách kinh tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất sâu sắc về phương diện kinh tế của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta, từ tính tất yếu khách quan cho đến đặc điểm, nội dung và mục tiêu kinh tế của nó.
Ngay từ trong "Chính cương vắn tắt" khi thành lập Đảng ta, Nguyễn ái Quốc đã chỉ rõ làm cách mạng giải phóng dân tộc, thực hiện cách mạng ruộng đất, rồi tiến lên xã hội cộng sản. Và, khi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội - giai đoạn đầu của xã hội cộng sản - trở thành yêu cầu hiện thực, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài viết "Ba mươi năm hoạt động của Đảng" đăng trên Tạp chí "Những vấn đề hòa bình và chủ nghĩa xã hội" đã nêu một luận điểm tổng quát là : "Đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa ... Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội"(1).
Luận điểm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mang tính cách mạng triệt để vừa mang tính khoa học cực kỳ sâu sắc, không chỉ đúng khi bắt tay xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, mà còn đúng khi cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Khi C. Mác mổ xẻ, phân tích chủ nghĩa tư bản thì đã chỉ ra rằng chế độ tư bản là tiến bộ so với chế độ phong kiến, song cũng chứa đựng những mâu thuẫn nội tại mà tự nó không cứu vãn nổi, đồng thời lại chuẩn bị cả những tiền đề cho một hình thái kinh tế xã hội mới, cao hơn, tất yếu ra đời. Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong điều kiện chủ nghĩa đế quốc tức chủ nghĩa tư bản độc quyền, V.I. Lênin chỉ thêm sự phát triển không đều về kinh tế và chính trị của nó, và rằng một khi cách mạng chín muồi thì một nước kinh tế kém phát triển vẫn có thể nổ ra cuộc cách mạng vô sản, đưa đất nước mình lên con đường xã hội chủ nghĩa. V.I. Lênin còn phát hiện thêm một thời kỳ lịch sử đặc biệt, đó là thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, thời kỳ này càng dài, càng phức tạp, gian khổ đối với những nước xuất phát từ nền kinh tế lạc hậu đi lên. Như vậy là cả C. Mác, V.I. Lênin và Hồ Chí Minh đều quan niệm về một chủ nghĩa xã hội có sự chín muồi về phương diện kinh tế chứ không chỉ nói chủ nghĩa xã hội theo ước mơ, hoài bão. Tuy nhiên, trước và sau Cách mạng tháng Mười Nga, V.I. Lênin đã bác bỏ quan niệm "hãy chờ cho chủ nghĩa tư bản phát triển hết mức đã rồi mới làm cách mạng xã hội chủ nghĩa". V.I. Lênin cho rằng nước Nga và nước Đức lúc bấy giờ là hai nửa của chủ nghĩa xã hội, nước Nga đã có sự chín muồi về chính trị, còn nước Đức có sự chín muồi về kinh tế. Nhưng chính trị, trước hết là tương quan lực lượng trong đấu tranh giai cấp lại trực tiếp quyết định có thể nổ ra một cuộc cách mạng hay không. Trong tình hình nước Nga, giai cấp vô sản và nhân dân lao động có đủ điều kiện làm cuộc cách mạng, giành lấy chính quyền, rồi tổ chức nền kinh tế mới, tạo sự chín muồi đầy đủ về phương diện kinh tế cho chủ nghĩa xã hội.
Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, bằng luận điểm trên đây, tư tưởng cách mạng xã hội chủ nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật rõ ràng, sáng sủa :
Một là, sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thì phải đưa đất nước ta, xã hội ta, nhân dân ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, phải bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà điều này nhìn sâu xa thì đã được lịch sử quyết định ngay từ khi Đảng ta được thành lập, Đảng ta bước lên vũ đài chính trị đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chính Nguyễn ái Quốc cũng đã từng nói "muốn giải phóng dân tộc không có đường nào khác con đường cách mạng vô sản".
Hai là, đặc điểm to nhất của thời kỳ quá độ của Việt Nam ta là xuất phát từ nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Nói như cách nói của Lênin, thì ở đây vừa tránh được cái đau khổ nhưng lại vừa có đau khổ. Điều quan trọng, xét về bước tiến của lịch sử là nước ta không cần phải trải qua chế độ tư bản chủ nghĩa để tạo ra phòng chờ cho chủ nghĩa xã hội, mà chúng ta đi ngay vào con đường xã hội chủ nghĩa.
Ba là, trong điều kiện ấy thì tiến hành công nghiệp hóa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nhiệm vụ quan trọng nhất quyết định thắng lợi của con đường xã hội chủ nghĩa nước ta.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong mấy chục năm nay, dù sóng gió phức tạp, Đảng ta vẫn luôn luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đã hoạch định Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và giương cao Cương lĩnh ấy trong hành động, đã xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta nhận thức sâu sắc sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là toàn diện, từ lực lượng sản xuất cho đến quan hệ sản xuất, từ hạ tầng cơ sở cho đến kiến trúc thượng tầng, trong đó công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một công việc có ý nghĩa quyết định. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra cơ cấu kinh tế mới, phân công lao động mới, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong khi chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo ra năng suất lao động cao, cải thiện căn bản đời sống vật chất và văn hóa toàn xã hội, tạo nên cái cốt vật chất của quan hệ sản xuất mới, củng cố và nâng cao năng lực quốc phòng, cho nên sự thành công của nó sẽ quyết định căn bản kết thúc thời kỳ quá độ.
Trong quá trình công nghiệp hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng "công nghiệp và nông nghiệp là như hai chân của nền kinh tế nước nhà. Chân phải thật vững thật khỏe, thì kinh tế mới tiến bộ thuận lợi và nhanh chóng"(2). Trải qua thực tiễn cả thành công và không thành công, thậm chí có lúc lâm phải khủng hoảng kinh tế - xã hội, chúng ta thấm sâu chân lý mà Hồ Chủ tịch đã nêu ra. Thật vậy, đối với một đất nước xuất phát từ nền nông nghiệp lạc hậu đi lên thì công nghiệp và nông nghiệp càng là hai ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, có quan hệ khăng khít với nhau, dù rằng ngày nay ta nói nhiều đến cả phát triển dịch vụ - một lĩnh vực sản xuất vật chất phi vật thể. Công nghiệp nói ở đây theo quan niệm rộng của C. Mác, bao gồm cả xây dựng, giao thông vận tải, trong đó vận tải là tiếp tục sản xuất diễn ra trên lĩnh vực lưu thông, nhập thêm giá trị vào giá trị hàng hóa. Tương tự như vậy, nói nông nghiệp là bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về hai chân của nền kinh tế nước nhà đòi hỏi phải kết hợp công nghiệp với nông nghiệp trong một cơ cấu hợp lý cho đến khi nước ta cơ bản chuyển thành một nước công nghiệp hiện đại, theo đó nông nghiệp cũng được kinh doanh theo phương thức công nghiệp. Quan hệ công - nông nghiệp theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là cơ sở kinh tế của quan hệ thành thị - nông thôn, của liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Từ đặc điểm to nhất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội như Hồ Chủ tịch chỉ ra thì đương nhiên đưa đến đặc điểm nhiều thành phần kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong "Báo cáo về dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 18 tháng 12 năm 1959", Hồ Chủ tịch nói :
"Trong nước ta hiện nay có những hình thức sở hữu chính về tư liệu sản xuất như sau :
- Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân.
- Sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động.
- Sở hữu của người lao động riêng lẻ.
- Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản"(3).
Hồ Chủ tịch nói tiếp :
"Kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu của toàn dân, nó lãnh đạo nền kinh tế quốc dân và Nhà nước phải đảm bảo cho nó phát triển ưu tiên.
Kinh tế hợp tác xã là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, Nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ cho nó phát triển.
Đối với người làm nghề thủ công và lao động riêng lẻ khác, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện.
Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xóa bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước"(4).
Chỉ tiếc rằng, do hoàn cảnh đặc thù, có một thời gian đáng kể trước thời kỳ đổi mới, những lời giáo huấn quan trọng trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không được quán triệt trong chính sách và hành động thực tiễn, dẫn đến sớm xóa bỏ nền kinh tế nhiều thành phần, góp phần không nhỏ vào tình trạng khủng hoảng kinh tế xã hội. Những thành tựu quan trọng về kinh tế hơn 15 năm qua trong công cuộc đổi mới đã chứng tỏ nhận thức và tổ chức thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần là đúng đắn. Đương nhiên, thực tiễn kinh tế phong phú, phức tạp đang diễn ra, đòi hỏi chúng ta phải dày công hơn nữa trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để có chính sách, thái độ thật phù hợp với vai trò, vị trí từng thành phần trong nền kinh tế quốc dân quá độ lên chủ nghĩa xã hội của ta.
Sẽ là vô cùng thiếu sót nếu không đề cập đến tư tưởng kinh tế rất đặc trưng Hồ Chí Minh, đó là cần kiệm xây dựng nước nhà, tăng gia sản xuất và tiết kiệm, sản xuất đi đôi với tiết kiệm. Không chỉ là tư tưởng, mà cả cuộc đời, cả cuộc sống thường ngày của Hồ Chủ tịch đã thể hiện tấm gương sáng chói về phương diện đó. Từ lâu, nhân dân ta đã tiếp nhận tư tưởng sản xuất và tiết kiệm của Hồ Chủ tịch như là một yếu tố giác ngộ chính trị, một nhân cách con người mới, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm... tăng gia sản xuất phải đi đôi với tiết kiệm"(5), "sản xuất mà không tiết kiệm thì như gió vào nhà trống"(6). Chúng ta còn phải dày công nghiên cứu để thấu hiểu và tổ chức cuộc sống theo một chân lý bình thường nhưng vĩ đại mà Hồ Chủ tịch đã dạy "Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc"(7). Thật vậy, sản xuất là cơ sở của đời sống xã hội. Phải sản xuất mới có cái mà tiêu dùng, dù tiêu dùng mang tính chất tinh thần, văn hóa thì vẫn phải trải qua sản xuất vật chất, vẫn nhờ vào sản xuất vật chất. Tiêu dùng kích thích sản xuất phát triển, sản xuất phát triển lại mở rộng tiêu dùng, nâng cao tiêu dùng, trong đó sản xuất luôn luôn đóng vai trò mẫu số. Người ta không thể đem tiêu dùng hết, mà một phần của cải phải dành để tái sản xuất mở rộng không ngừng, làm cơ sở để tiêu dùng lâu dài, để phát triển tiêu dùng. Không thể sống theo kiểu "xã hội tiêu dùng" không quan tâm đến sản xuất, không đếm xỉa đến sản xuất. Mọi sản phẩm đều là sự kết tinh của lao động, cả lao động chân tay và lao động trí óc, trong đó lao động trí óc ngày càng tăng lên, cho nên cả sản xuất và tiêu dùng đều phải với thái độ tôn trọng lao động. Có thể nói, đi đến đâu, nói với đối tượng nào và trong bất cứ thời gian nào, hoàn cảnh nào, Bác Hồ cũng dạy phải lao động cho tốt, phải sản xuất, phải tiết kiệm. Khi Hồ Chủ tịch nói tăng gia sản xuất và tiết kiệm, nói sản xuất đi đôi với tiết kiệm, là nói những vấn đề thuộc vào loại quy luật số một của kinh tế, của sự tồn tại và phát triển xã hội như C. Mác từng chỉ ra, nó càng mang tính khách quan và càng vô cùng cần thiết trong hoàn cảnh từ kinh tế kém phát triển đang phấn đấu đi lên chủ nghĩa xã hội như nước ta. Hơn nữa, tiết kiệm không chỉ có ý nghĩa thực hiện một quy luật kinh tế, mà còn đáp ứng những chi phí quốc phòng tương xứng trong bối cảnh mới.
Sản xuất và tiết kiệm là vấn đề mang tính thời sự nóng hổi đối với nước ta. Tình trạng lãng phí hiện nay còn nặng nề, đó là sự tiêu xài của một bộ phận dân cư vượt quá trình độ kinh tế, đời sống xã hội, trình độ văn minh hiện thời của nước ta, là những việc chạy theo "phô trương hình thức" gây tốn kém thì giờ, sức lực và tiền bạc của nhà nước và nhân dân, là những công trình xây dựng, những công trình nghiên cứu kinh phí cao nhưng kém hiệu quả, là những tiền bạc và tài sản bị thất thoát do thiếu trách nhiệm, vô đạo đức, là những khoản công quỹ sử dụng vào việc riêng trái với chính sách, pháp luật, v.v... Ngày nay nhân dân ta đang rất quan tâm, lo lắng đến tình hình tham nhũng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Có thể nói tham nhũng và lãng phí có quan hệ khăng khít và là địch thủ của tiết kiệm, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của chủ nghĩa xã hội và đời sống nhân dân. Và, tham nhũng, lãng phí lại quan hệ mật thiết với bệnh quan liêu. Hồ Chủ tịch đã chỉ ra "vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ vững, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí"(8). Hồ Chủ tịch nói "Nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu... Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy"(9). ở thời điểm hiện nay chúng ta càng có thực tiễn đầy đủ để thấm sâu lời dạy của Bác Hồ : "Nếu không kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô, thì nó sẽ cản trở, phá hoại ta tiến lên chủ nghĩa xã hội"(10).
Có thể nói về bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mang tính nhân đạo cao cả nhất trong lịch sử loài người từ trước tới nay. Tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏa sáng trong dân tộc ta và trong bè bạn khắp năm châu bốn biển. Mục tiêu "vì con người, vì nhân dân" bao trùm toàn bộ tư tưởng cách mạng nói chung và tư tưởng kinh tế nói riêng của Hồ Chủ tịch. Tư tưởng đó thật bình dị nhưng cũng thật vĩ đại và ngày nay đã trở thành mục tiêu của các chiến lược kinh tế - xã hội nước ta. Những câu nói nổi tiếng của Bác Hồ còn âm vang mãi với Đảng ta, với non sông đất nước ta : "Chúng ta tranh được tự do độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân ăn no, mặc đủ". Chỉ vài tháng sau Cách mạng tháng Tám, tại cuộc họp đầu tiên của ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc ngày 10 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "Chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ :
1. Làm cho dân có ăn.
2. Làm cho dân có mặc.
3. Làm cho dân có chỗ ở.
4. Làm cho dân có học hành".
Về sau, khi bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ rằng "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh"(11), và rằng "chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc"(12).
Quan tâm mục tiêu kinh tế "vì con người, vì nhân dân" là thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến yếu tố động nhất, quyết định nhất của lực lượng sản xuất. Trong thư gửi các UBND và các Bộ tháng 10 năm 1945, Bác Hồ đã cho chúng ta một phương châm hành động cách mạng nói chung và hành động kinh tế nói riêng : "Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh".
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang tổ chức thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội 2001 - 2010, chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình 135, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, ... cùng những thành tựu đạt được là sự thể hiện sinh động tuân theo lời dạy của Bác Hồ và thực hiện mong ước của Bác.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc Bác Hồ đã căn dặn :
"Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.
Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân"(13).
Đời đời biết ơn Hồ Chủ tịch, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết giữ trọn lời thề khi vĩnh biệt Người : "Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào".
Chú thích :
(1) Hồ Chí Minh : Toàn tập. Tập 10, tr.13. Nxb CTQG.
(2) Hồ Chí Minh : Toàn tập. Tập 8, tr.84.
(3),(4) Hồ Chí Minh : Toàn tập. Tập 9, tr.588 - 590.
(5) Hồ Chí Minh : Toàn tập. Tập 9, tr.242.
(6) Hồ Chí Minh : Toàn tập. Tập 9, tr.182.
(7) Hồ Chí Minh : Toàn tập. Tập 11, tr.257.
(8) Hồ Chí Minh : Toàn tập. Tập 6, tr.490.
(9) Hồ Chí Minh : Toàn tập. Tập 6, tr.495.
(10) Hồ Chí Minh : Toàn tập. Tập 10, tr.81.
(11) Hồ Chí Minh : Toàn tập. Tập 7, tr.499.
(12) Hồ Chí Minh : Toàn tập. Tập 8, tr.603.
(13) Hồ Chí Minh : Toàn tập. Tập 12, tr.511.