Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Dựng nước và giữ nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn đi đôi với nhau đã trở thành quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, trong quá trình lãnh đạo quân và dân ta chống xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một hình mẫu cho việc giải quyết hài hòa quan hệ giữa hai lĩnh vực trên. 
Bảo vệ Tổ quốc không phải chỉ khi chiến tranh xảy ra mà cần phải chuẩn bị nghiêm túc trong thời bình, sẵn sàng giành thế chủ động. Sự nghiệp xây dựng đất nước, tăng cường khả năng quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phải được kết hợp chặt chẽ với nhau, và là yêu cầu tất yếu. V.I.Lê-nin nhấn mạnh rằng "Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ". Thấu triệt quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lê-nin về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sau khi nhân dân ta giành được chính quyền, trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Khi kẻ thù trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, Người kêu gọi: "Tất cả quốc dân Việt Nam phải đứng dậy bảo vệ Tổ quốc". 
Hai tháng sau khi đồng bào miền Nam bước vào kháng chiến, ngày 25 tháng 11 năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị "Kháng chiến, kiến quốc”. Thực dân Pháp và các thế lực phản động đang âm mưu thôn tính nước ta, "cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn còn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng... Giai cấp vô sản vẫn phải hăng hái, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng ấy. Khẩu hiệu vẫn là "Dân tộc trên hết", "Tổ quốc trên hết", “Kẻ thù chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lăng, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng". 
Chỉ thị đề ra những nhiệm vụ cụ thể về nội chính, quân sự, ngoại giao, kinh tế, tài chính, cứu tế, văn hóa... Đặc biệt chỉ thị nêu rõ những nội dung về xây dựng Đảng, cải tổ Chính phủ, về kháng chiến ở miền Nam và đoàn kết với nhân dân Lào và Cam-pu-chia. Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" thể hiện rõ tư tưởng trong khi đặt nhiệm vụ kháng chiến lên hàng đầu, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng nhiệm vụ xây dựng đất nước về mọi mặt, xây dựng chế độ mới phải đi đôi với bảo vệ chế độ mới. Phải vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.Kháng chiến để đánh bại thế lực đế quốc xâm lược, kiến quốc để xóa bỏ tàn dư chế độ cũ, phát triển đất nước, củng cố hậu phương vững chắc. Hai nhiệm vụ chiến lược này sẽ được kết hợp chặt chẽ trong suốt quá trình chiến tranh. 
Để đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào tăng gia sản xuất, "thực túc binh cường". Người viết: "Vì cứu quốc, các chiến sĩ đấu tranh ở ngoài mặt trận, vì kiến quốc, nhà nông phấn đấu ngoài đồng ruộng. Chiến sĩ ra sức giữ gìn nước non. Nhà nông ra sức giúp đỡ chiến sĩ. Hai bên công việc khác nhau, nhưng thật ra là hợp tác. Cho nên hai bên đều có công với dân tộc, đều là anh hùng". 
Thực hiện chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, quân và dân ta đã giải quyết cả 3 nhiệm vụ diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, không ngừng củng cố và tăng cường hệ thống chính trị nhằm thúc đẩy cả hai mặt xây dựng và bảo vệ. Nhờ đó, vùng tự do được bảo vệ, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, vùng tạm chiếm bị thu hẹp; từng bước xây dựng và bảo vệ vững chắc chế độ mới trong vùng ta kiểm soát, thực hiện được “thực túc, binh cường" và giải quyết vấn đề vũ khí, trang bị, kỹ thuật cho lực lượng vũ trang. Bên cạnh việc cướp súng địch đánh địch, Chính phủ đã phát động nhân dân tự tạo, sắm sửa vũ khí, đồng thời xây dựng các công binh xưởng sản xuất, sửa chữa, hoán cải vũ khí. Đến Đại hội lần thứ II của Đảng- Đại hội kháng chiến (2- 1951), với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương: "Các mặt công tác chính trị, kinh tế, văn hóa đều nhằm mục đích làm cho quân sự thắng lợi, đồng thời đấu tranh quân sự phải kết hợp với đấu tranh chính trị, kinh tế". 
Với chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dựng nước và giữ nước trong từng thời điểm lịch sử cụ thể, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới thắng lợi. Cuộc kháng Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam vẫn còn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. 
Trong khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì nhiệm vụ cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam chưa hoàn thành. Ngay trong báo cáo “Tình hình mới, nhiệm vụ mới" tại Hội nghị Trung ương 6, ngày 1 7 tháng 7 năm 1 954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù lớn của nhân dân thế giới và đang trở thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ”. Nêu rõ vai trò của miền Bắc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, trong báo cáo trước Quốc hội ngày 21 tháng 9 năm 1955, Người nhấn mạnh: "... Nền có vững, nhà mới chắc, gốc có mạnh cây mới tốt. Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của toàn dân ta, cho nên chúng ta phải làm cho nó thật vững mạnh". Ở miền Nam, Mỹ- Diệm trắng trợn phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp dã man những người cộng sản và đồng bào yêu nước . Đảng ta ra Nghị quyết 15 (1959) đáp ứng yêu cầu nóng bỏng đấu tranh giải phóng miền Nam và tiếp đó là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) đã khẳng định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. 
Trong lời khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ Đại hội lần này là "Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà". Đại hội đã xác định những nhiệm vụ của cách mạng hai miền Nam-Bắc. Nhiệm vụ của miền Bắc- xây dựng chủ nghĩa xã hội, thuộc chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ của miền Nam- tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thuộc chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.Song cách mạng hai miền đều có mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện hoà bình thống nhất đất nước và đều nhằm giải quyết mâu thuẫn tồn tại trong phạm vi cả nước là mâu thuẫn giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng. Hai nhiệm vụ chiến lược nói trên có quan hệ mật thiết, biện chứng, thúc đẩy lẫn nhau. Trong đó, nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong đó có sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Cách mạng miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng đã phát triển lên một trình độ mới, trở thành đường lối cách mạng của Đảng. Người cùng toàn Đảng đã vận dụng và xử lý hài hòa quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện lịch sử cụ thể. 
Thực hiện đường lối kể trên, miền Bắc thể hiện xuất sắc vai trò của mình, đó "vừa là căn cứ địa cách mạng của cả nước, vừa là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, vừa là tiền tuyến trực tiếp chiến đấu ác liệt với máy bay và tàu chiến Mỹ". Chỉ có lập trường kiên định chống xâm lược, có chế độ chính trị ưu việt, có cách tổ chức sản xuất và tổ chức đời sống xã hội giỏi, miền Bắc mới có thể làm tròn nghĩa vụ đối với tiền tuyến lớn, làm tròn vai trò lịch sử của mình. Vừa chiến đấu, vừa sản xuất và học tập - “ tay cày tay súng” “tay búa tay súng", “tay bút tay súng", miền Bắc đã đáp ứng nhu cầu lương thực và hàng công nghiệp cho nhân dân, đưa nam nữ thanh niên ưu tú vào chiến trường. Năm 1964, so với năm 1960 bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu tăng 14 lần, vũ khí, phương tiện chuyển vào Nam tăng 10 lần. Miền Bắc đã đón tiếp gần 310.000 thương bệnh binh và trên 350.000 lượt người từ tiền tuyến lớn về hậu phương chữa bệnh, học tập và họp hành. 
Đại hội Đảng lần thứ IV(1976) đã tổng kết: "Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa, suốt 16 năm qua luôn luôn cùng một lúc phải làm hai nhiệm vụ chiến lược. Đặc biệt từ năm 1965...Miền Bắc đã dốc vào chiến tranh cứu nước toàn bộ sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa và làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh về kháng chiến và kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã thể hiện trong đường lối cách mạng của Đảng ta trong suốt nửa thế kỷ qua. 
Cùng với việc quán triệt tư tưởng đó là việc giải quyết nhuần nhuyễn, sáng tạo quan hệ giữa hai lĩnh vực xây dựng và bảo vệ, trong những điều kiện lịch sử cụ thể và rất đặc trưng. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nước ta vừa giành được độc lập, chính quyền cách mạng rất non trẻ và kẻ thù đã đứng chân ngay trên đất ta. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta có miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam vẫn trong sự thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Trong hai cuộc kháng chiến, việc giải quyết mối quan hệ giữa kháng chiến và kiến quốc, xây dựng và bảo vệ đất nước có khác nhau và không ngang nhau. Xuất phát từ nhu cầu nóng bỏng của dân tộc là phải giành cho kỳ được độc lập dân tộc, trong quá trình vận động cách mạng, Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì “chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Suốt từ năm 1945 đến năm 1975, nhân dân ta đã giành được độc lập, nhưng chưa phải là độc lập hoàn toàn, trên đất nước ta vẫn còn quân xâm lược dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Bởi vậy trong cả hai cuộc kháng chiến, Đảng ta đều nêu khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến", “Tất cả để chiến thắng". Kiến quốc-xây dựng đất nước trong thời chiến, trước hết là tạo ta tiềm lực, sức mạnh để chiến thắng kẻ thù xâm lược và cùng với điều đó là xây dựng chế độ mới cơ bản, lâu dài.Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, kháng chiến để giải phóng lãnh thổ và bảo vệ chế độ mới, bảo vệ Tổ quốc. Ở vùng tự do (trong cuộc kháng chiến chống Pháp) và ở miền Bắc (trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước), bảo vệ Tổ quốc là tổ chức phòng thủ, bảo vệ thành quả cách mạng, vừa tổ chức đánh trả các hoạt động phá hoại của địch, vừa đưa sức người, sức của ra tiền tuyến đánh thắng kẻ thù. 
Trong 30 năm kháng chiến cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có mối quan hệ biện chứng. Có xây dựng được vùng tự do, xây dựng được miền Bắc vững mạnh mới có đủ sức mạnh chiến thắng kẻ thù. Ngược lại, có đánh bại được mọi âm mưu chiến lược của địch thì mới có thể bảo vệ vững chắc vùng tự do và hậu phương chiến lược tiến tới giải phóng hoàn toàn Tổ quốc. Có xây dựng một đất nước giàu mạnh với chế độ tốt đẹp, chế độ xã hội chủ nghĩa, mới tạo ra nguồn lực dồi dào cho sự nghiệp giữ nước.Và, chỉ có xây dựng được nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đủ sức răn đe và đánh bại mọi kẻ thù thì mới giữ được hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng đất nước. Giải quyết hài hòa quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là di sản quý mà tư tưởng Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ sau. 
TVH 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website