Theo chủ trương của Bác Hồ và Bộ Chính trị, sau khi thiết lập chính quyền cách mạng trong cả nước, Trung ương Đảng và Chính phủ ta mở ngay nhiều lớp huấn luyện cán bộ chính quyền. Các lớp mở liên tiếp ở Hà Nội, tại số nhà 107 Trần Hưng Đạo trước ga Hàng Cỏ, lúc ấy được coi là trường học cho cán bộ là chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh và huyện. Nhiều bộ trưởng, thứ trưởng của Chính phủ cũng đến nghe giảng. Giảng viên là các đồng chí trong Bộ Chính trị và một số cán bộ lão thành cách mạng đang giữ các cương vị chủ chốt trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở Trung ương.
Giảng viên đặc biệt: Bác Hồ
Sau khi đã qua hơn hai chục bài giảng rất cụ thể và chi tiết, bỗng nhiên, một giảng viên xuất hiện vào buổi sáng khi lớp học sắp kết thúc. Mọi người reo lên, sung sướng và cảm động, xúm xít chung quanh vị giảng viên đặc biệt: Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác yêu cầu mọi người về chỗ ngồi rồi Bác nói chuyện, không theo một tài liệu, một bài giảng có sẵn nào. Câu chuyện sinh động của Bác mở đầu bằng một loạt câu hỏi: Các cô, các chú đang giữ những chức vụ gì? Là bộ trưởng, thứ trưởng, là chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, huyện, phải không? Làm công tác chính quyền bây giờ khác với làm quan ngày trước thế nào? v.v... Cứ đặt ra mỗi câu hỏi, Bác chỉ định một hai người đứng lên trả lời. Bác khen câu trả lời nào đúng, bổ khuyết câu nào chưa đủ. Rồi Bác nói thêm, làm cho bài học cứ thế thấm sâu vào trí óc, trái tim của mỗi người, không cần ghi chép vào sách vở cũng thuộc lòng, không phải chỉ lúc ấy mà nhớ mãi về sau.
Trong những lời dạy của Bác hôm ấy, đến bây giờ các học viên của lớp gặp lại nhau vẫn còn nhắc lại, tưởng như nghe Bác nói ngày hôm qua. Đặc biệt là lời nói sau đây: “Làm công tác chính quyền cách mạng bây giờ không phải là làm quan như trong chế độ cũ. Chính quyền cách mạng là của dân, phục vụ dân, không phải là đè đầu cưỡi cổ dân như chính quyền cũ. Từ Bác đến tất cả các cô các chú, tất cả đều là đầy tớ của dân. Không ai được làm quan, làm “ông quan hay bà quan cách mạng”. Các cô các chú cần hiểu rằng: Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, nhân dân đã hy sinh bao xương máu mới giành được chính quyền, lập nên chính quyền của mình là một bộ máy chính quyền tiêu tốn ít tiền nhất mà làm được nhiều việc ích nước lợi dân. Ai quên điều này, không làm đúng điều này thì không đủ tư cách là một cán bộ chính quyền cách mạng”.
Có học mới biết làm và làm có kết quả
Lớp học cho cán bộ chính quyền nhằm trang bị những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng Việt Nam; nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của chính quyền cách mạng từ trung ương đến cơ sở; nội dung công tác cụ thể phải thực hiện, những việc trước mắt phải làm ngay; tư cách và đạo đức cách mạng của cán bộ. Các học viên đều là những người được giao nhiệm vụ rất mới mẻ là làm công tác chính quyền. Cho nên ai cũng thấy lớp học mở ra rất kịp thời, đáp ứng một đòi hỏi cấp bách của mỗi cấp chính quyền, mỗi người đang có chức vụ cầm quyền: Phải làm gì, làm như thế nào và phục vụ ai khi chính quyền đã về tay nhân dân. Các cơ quan chính quyền cách mạng đều mang những cái tên chưa từng có trong lịch sử đất nước: Ủy ban Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Tòa án Nhân dân... Nhưng làm gì để xứng đáng và không hổ thẹn khi hàng ngày làm việc ở các cơ quan mang cái biển nền đỏ chữ vàng. Đương nhiên phải được học mới biết làm và làm đúng, làm có kết quả. Cái lẽ phải giản đơn này tưởng như ai cũng hiểu, cũng đồng tình. Nhưng sau hơn nửa thế kỷ của chính quyền cách mạng vẫn có người chưa hiểu hoặc chưa làm theo cái lẽ phải giản đơn ấy. Đơn cử những trường hợp cán bộ tưởng mình làm gì cũng được, chẳng cần học hành, chẳng cần tập huấn gì, cứ nhận việc và làm. Mỗi nơi, mỗi người làm một kiểu.
Chúng ta tự hào và có người đáng xấu hổ
Lớp cán bộ chính quyền chúng tôi thời ấy cũng như nhiều lớp kế tiếp rất đỗi tự hào khi nghe lời Bác dạy, thấy Bác nói đúng ý nghĩ của mình, khuyên răn để mình tránh được sai lầm, khuyết điểm. Càng tự hào là đã thực hiện đúng những lời Bác dạy, khi ấy chưa ai nói đó là tư tưởng Hồ Chí Minh.
Theo lời Bác dạy, từ mục tiêu, đường lối của Đảng, bản chất của chính quyền, đến tư cách, đạo đức của người cách mạng, những khẩu hiệu Bác đề ra như: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, như “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Nhờ vậy mà qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, ta từ yếu trở nên mạnh và luôn luôn giành chiến thắng. Khi lực lượng vật chất còn yếu hơn kẻ địch, ta cũng ở tư thế “đứng trên đầu thù”, bởi nội bộ Đảng, chính quyền và đoàn thể cách mạng đều đoàn kết nhất trí, có tinh thần cách mạng cao, có lối sống trong sạch. Đảng cầm quyền với bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị phẩm chất cao đẹp, trong sáng mới huy động được lực lượng toàn dân ra trận, toàn dân là chiến sĩ trên mọi mặt trận ở tiền tuyến và hậu phương.
Từ khi chuyển sang thời kỳ mới và bước vào công cuộc đổi mới, ta tiếp tục có những thành tựu mới nhờ có một đảng, một nhà nước tiếp tục đi theo mục tiêu, đường lối của Bác Hồ, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là niềm tự hào mới, nhưng bên cạnh niềm tự hào cũng có những điều đáng xấu hổ qua những hiện tượng tham ô, lãng phí và những hành vi ngược với lợi ích của nhân dân. Đảng ta tỏ thái độ kiên quyết phòng ngừa và trừng trị những cán bộ sa đọa về phẩm chất, không xứng đáng là đầy tớ của dân. Đã có những cán bộ bị cách chức, ra tòa lãnh án. Thấm nhuần lời dạy của Bác từ Cách mạng Tháng Tám, trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cần loại khỏi hàng ngũ cách mạng những “con sâu làm rầu nồi canh”, những tên đội lốt cách mạng để làm mất uy tín Đảng và Nhà nước cách mạng.
PHAN HIỀN