Điều quan trọng trước tiên, theo Bác là phải hiểu biết đúng cán bộ. Muốn vậy, phải chí công và vô tư trong việc xem xét cán bộ. Người nói: “Biết người cố nhiên là khó. Tự biết mình cũng không phải là dễ. Đã không tự biết mình thì khó mà biết người, vì vậy, muốn biết đúng sự phải trái ở người ta, thì trước phải biết đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”…
Bác thấy rằng, người lãnh đạo thường phạm bốn bệnh khi xem xét cán bộ: tự cao, tự đại, ưa nịnh hót và do yêu ghét mà xem xét con người, đem một khuôn cứng nhắc để đánh giá cán bộ. Người lãnh đạo nếu mắc một trong bốn bệnh ấy cũng như một người mang kính có màu, không bao giờ thấy được màu sắc thực sự của sự vật. Bác khuyên người lãnh đạo phải bỏ kính màu đó, sửa chữa những bệnh ấy mới có thể biết đúng cán bộ.
Người dạy: chúng ta phải có phương pháp khách quan, toàn diện trong việc xem xét, đánh giá cán bộ. Chống lối “duy ngã” siêu hình cứng nhắc, hời hợt. Khi xem xét cán bộ không nên chỉ nhìn bề ngoài, xem trong một lúc, một việc mà phải xem xét một cách toàn diện, cả quá trình phát triển của họ, những lúc gặp khó khăn cũng như lúc thuận lợi.
Người chỉ rõ, phải biết sử dụng cán bộ cũng như khi đánh giá cán bộ phải rất “vô tư”. Người phê phán gay gắt những bệnh ham dùng người bà con, anh em quen biết, ham dùng người nịnh hót, ghét người chính trực, ham dùng những người hợp tính với mình, tránh những người không hợp ý mình. Bác căn dặn: “Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi”. “Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ”. “Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gũi mình”. Bác đã nêu rõ 4 tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ: “+ Những người đã tỏ ra rất trung thành, hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.
+ Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ.
+ Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lại không kiêu ngạo. Khi thi hành nghị quyết thì kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn.
+ Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.
Đó là khuôn khổ để lựa chọn cán bộ. Chúng ta phải theo cho đúng”.
Trong công tác cán bộ, Người luôn luôn coi trọng cả đức và tài của người cán bộ. Người nói: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức tham ô, hủ hoá, có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa không giúp ích gì được ai”. Trong công tác cán bộ, Bác chỉ rõ những khuyết điểm cần phải sửa: “Trong Đảng ta, có những nơi thường dùng những người văn hay nói khéo, nhưng không làm được việc, không ra tranh đấu. Mà những đồng chí viết không hay, nói không thạo nhưng rất trung thành, hăng hái, rất gần gũi quần chúng, thì bị dìm xuống. Chúng ta phải sửa chữa ngay những khuyết điểm đó”. Bác còn chỉ rõ: Khi giao trách nhiệm cho cán bộ phải làm cho họ yên tâm công tác, hứng thú trong công việc. Muốn thế, người lãnh đạo phải làm sao cho cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến, cả gan phụ trách, cả gan làm việc”. Người căn dặn: người lãnh đạo muốn biết mình, tốt nhất là phải có thái độ và cách làm việc thực sự dân chủ, để mọi người xung quanh mạnh dạn, thẳng thắn nói những ưu, khuyết điểm của mình. Người lãnh đạo thực sự dân chủ, ý kiến của cán bộ được thực sự tôn trọng, thì khối đoàn kết nội các được củng cố, những sáng kiến được nảy nở, công việc nhất định sẽ được hoàn thành tốt đẹp. Người nói: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và những người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc thì những khuyết điểm lặt vặt cũng tự sửa chữa được nhiều”. Theo Người, điều mấu chốt trong cách lãnh đạo là làm sao cho cấp dưới có tinh thần chủ động sáng tạo trong công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, dám tìm tòi suy nghĩ và dám quyết định. Bác chỉ rõ: “khi giao trách nhiệm cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những khuyết điểm chính và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã được quyết định rồi thì giao cho họ làm, khuyên họ cứ cả gan mà làm. Cũng như trong quân đội, khi chiến lược, chiến thuật đã quyết định rồi, thì Tổng tư lệnh không cần nhúng tay vào những vấn đề lặt vặt. Phải để cho các cấp chỉ huy có quyền “tuỳ cơ ứng biến” mới có thể phát triển tài năng của họ. Việc gì cấp trên cũng nhúng vào, cán bộ cũng như một cái máy, việc gì cũng chờ mệnh lệnh, sinh ra ỷ lại, mất hết sáng kiến”.
Bác cũng chỉ rõ: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các Nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát, kiểm soát khéo bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Kiểm tra, kiểm soát có tác dụng không những đánh giá được sự đúng đắn các chủ trương, chính sách, quyết định đã đề ra mà còn đánh giá mức độ ưu điểm, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị và của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện.
Quán triệt những tư tưởng của Bác Hồ về công tác cán bộ trên đây, trong sinh hoạt Đảng, cần đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, đưa vào nội dung kiểm điểm, rút ra những ưu, khuyết điểm cần phải khắc phục để làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ “đổi mới” theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Theo Trần Đình Quảng, Tạp chí Kiểm tra tháng 7/2005