Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nêu lên hàng đầu vấn đề “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, đồng thời “nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước”. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi muốn bắt đầu từ văn hoá lãnh đạo - quản lý trong tư tưởng Hồ Chí Minh với ý nghĩa là cốt lõi của văn hoá lãnh đạo - quản lý hiện nay.
Văn hoá lãnh đạo - quản lý thuộc phạm trù văn hoá chính trị, được nhận thức trong điều kiện Đảng cầm quyền. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá lãnh đạo - quản lý là một hệ thống quan điểm sâu sắc của Người về những giá trí trong lãnh đạo - quản lý, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, trình độ “người” và mức độ được “vun trồng” của Đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền và người lãnh đạo - quản lý.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá lãnh đạo - quản lý trong bộ máy Đảng và Nhà nước
Vấn đề văn hoá lãnh đạo - quản lý đã được Hồ Chí Minh suy nghĩ hàng chục năm trước khi có chính quyền. Từ năm 1939, Người đã chỉ ra rằng: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”.
Năm 1943, khi bàn đến xây dựng văn hoá mới, Người nói đến việc xây dựng một “nền chính trị dân quyền. Đặc biệt từ khi chính quyền thuộc về nhân dân, Đảng trở thành đảng cầm quyền, Người càng trăn trở làm thế nào để thực hiện tốt nghĩa vụ kép “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Để giải quyết tốt mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ “phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Đây chính là cách lãnh đạo, quản lý bằng thuyết phục, cảm hoá, là “chính trị đời sống” từ đó sẽ tạo ra quyền uy của Đảng, thay vì áp đặt quyền lực.
Đảng cầm quyền thì phải xác định vai trò lãnh đạo của Đảng chứ không phải là một đảng cai trị. Nhưng dù là Đảng lãnh đạo thì người dân vẫn là những người bị lãnh đạo như cách nói của Bác Hồ. Giải quyết mâu thuẫn này chính là ứng xử văn hoá của đảng lãnh đạo. Cách tốt nhất là nâng cao trình độ, phẩm chất và ý thức phục vụ nhân dân ngang tầm quyền lực của Đảng. Đó thực chất vừa là nâng cao năng lực lãnh đạo, vừa nâng cao năng lực đầy tớ của Đảng.
Văn hoá lãnh đạo của Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền nằm ở trí tuệ bản lĩnh, phẩm chất của Đảng. Bởi vì Đảng lãnh đạo quần chúng đấu tranh giữ chính quyền, xây dựng xã hội mới phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ở đây không có đất cho sự dốt nát và suy thoái, sự lộng quyền và xa dân... Ngược lại, Đảng cầm quyền đòi hỏi sự gắn bó mật thiết giữa văn hoá với chính trị, văn hoá đứng trong chính trị. Không có một sự thấu hiểu dân, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý; thực hiện dân quyền, dân chủ, dân sinh, nâng cao dân trí với ý nghĩa là hạt nhân của văn hoá đảng cầm quyền thì không bao giờ được dân tin, dân phục, dân yêu.
Về văn hoá lãnh đạo - quản lý dưới góc độ nhà nước, Hồ Chí Minh từng khẳng định “nước ta là nước dân chủ”, dân là chủ và dân làm chủ. Dân chủ là “làm cho người dân được quyền mở miệng ra”. Một nét quản lý đậm chất văn hoá phải là “Chính phủ là công bộc của dân”. Chính sách của Chính phủ phải hợp với nguyện vọng và quyền lợi của dân chúng. Đối với dân, Chính phủ phải xây dựng một nền chính trị liêm khiết. Thành quả lớn nhất sau khi giành được độc lập, chính quyền thuộc về nhân dân, đó là dân chủ trở thành một nguồn lực lớn, một giá trị văn hoá, vừa là động lực vừa là mục tiêu của cách mạng. Dân chủ đối lập với quan liêu. Tăng cường dân chủ là phải tẩy sạch bệnh quan liêu. Chủ nghĩa quan liêu là phản văn hoá, là kẻ thù hủy diệt chúng ta. Phải quan tâm xây dựng nhà nước pháp quyền, một nấc thang thể hiện trình độ văn minh của nhân loại. Một nét đẹp của văn hoá quản lý là quản lý xã hội bằng pháp luật và duy trì một xã hội dân sự. Cả hai vấn đề này đã được Hồ Chí Minh bàn tới ở những mức độ đậm nhạt khác nhau. Theo một số nhà nghiên cứu có tên tuổi, Hồ Chí Minh đã chọn một nhà nước có phạm vi hoạt động rất rộng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhà nước (chính quyền – nhà nước chính trị) với xã hội dân sự và cá nhân con người. Và nhà nước của Hồ Chí Minh không “nuốt” mất xã hội dân sự và cá nhân con người. Trong vấn đề nhà nước, Hồ Chí Minh đã cực kỳ coi trọng cá nhân để cực kỳ coi trọng cộng đồng. Hồ Chí Minh đã phát huy được truyền thống cộng đồng là đặc điểm của Việt Nam và châu Á, đồng thời đã vận dụng được thành quả về cá nhân của phương Tây.
Việc Hồ Chí Minh đề cao nhà nước pháp quyền, kết hợp dân chủ đại diện (mô hình bầu cử đại diện của phương Tây có lựa chọn) và dân chủ trực tiếp với sự góp mặt của xã hội dân sự (bước đầu), không giày xéo lên lợi ích cá nhân là một tầm nhìn xa về văn hoá quản lý phù hợp với thế giới ngày nay, thế giới toàn cầu hoá.
2. Tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá lãnh đạo quản lý với tư cách là cá nhân cán bộ, đảng viên
Nhìn tổng thể, nghiên cứu văn hoá lãnh đạo - quản lý của cá nhân cán bộ, đảng viên cũng phải đặt trong điều kiện đảng cầm quyền. Trong bối cảnh đó, theo cách phân tích của Hồ Chí Minh, đã có quyền hành thì người cán bộ lãnh đạo - quản lý phải biết tập trung xử lý quyền lực một cách có văn hoá.
Thông thường có hai cách lãnh đạo: 1 – Lãnh đạo có văn hoá là không dùng quyền lực, mà bằng thuyết phục, cảm hoá thông qua trí tuệ và cái tâm, cái đức. Không dùng quyền lực mà có quyền uy 2- Lãnh đạo phi văn hoá là dựa vào quyền lực. Trường hợp này rơi vào những người thiếu tâm, dưới tầm. Người ta đã nói tới quyền lực trong tay một người kém đức, kém tài thì còn tệ hại, nguy hiểm hơn thanh gươm trong tay một tên đao phủ. Bác Hồ đã dạy rằng, “không phải cứ viết lên trán chữ “cộng sản” là được quần chúng yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức”.
Có hai mặt của quyền lực: 1- Quyền lực tạo nên sức mạnh để giữ thành quả cách mạng, xây dựng chế độ mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá. Đó là mặt tích cực, mặt “văn hoá” của quyền lực - cả quyền lực của Đảng, Nhà nước và từng cán bộ, đảng viên. 2- Quyền lực làm tha hoá người nắm quyền, dẫn tới cậy quyền, lợi dụng quyền lực, lạm dụng quyền lực, say mê quyền lực, chạy theo quyền lực, tranh giành quyền lực, tham quyền cố vị. Đó là những hành vi phản văn hoá, phi văn hoá.
Bác Hồ là tấm gương lớn, trong sáng về một người lãnh đạo có văn hoá. Người không hành xử như một người có quyền mặc dầu đứng ở đỉnh cao quyền lực trong suốt 24 năm. Nói như Trần Bạch Đằng, “tư tưởng Hồ Chí Minh tất nhiên là tư tưởng chính trị, định hướng chính trị song mang đặc thù dễ phân biệt với các tư tưởng đương thời khác ở phần lớn biểu hiện của tư tưởng dưới dạng văn hoá. Nói cách khác, tư tưởng Hồ Chí Minh tác động vào xã hội như một sức mạnh văn hoá, sức mạnh hợp lý và tình, tổng quát và đơn lẻ, thuyết phục bằng cảm hoá”.
Trong điều kiện đảng cầm quyền, tệ quan liêu mệnh lệnh là kẻ thù của văn hoá. Quan liêu là xa rời quần chúng, không sát thực tế, nặng về mệnh lệnh, giấy tờ, thái độ hách dịch, khệnh khạng. Bác Hồ nói đó là những cán bộ “vác mặt làm quan cách mạng”; “miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Quan liêu đẻ ra tham ô, lãng phí. Lãnh đạo quan liêu là lãnh đạo vô văn hoá. Lãnh đạo có văn hoá là phải tẩy sạch bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Muốn vậy, theo Hồ Chí Minh, phải thực hiện đúng nguyên tắc “ Theo đúng đường lối nhân dân” và phải làm tốt 6 điều: Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ. Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Sẵn sàng học hỏi nhân dân. Tự mình phải gương mẫu cần kiệm liêm chính để nhân dân noi theo.
Văn hoá lãnh đạo - quản lý thể hiện rõ sự ứng xử văn hoá trong các mối quan hệ với người, với việc, với mìrth; ứng xử có lý có tình, hài hoà nhuần nhị, không nịnh hót cấp trên, không coi thưởng và dùng mệnh lệnh với cấp dưới, không trù dập người có tài. Phải biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích kiểm tra, làm đến nơi đến chốn, nói đi đôi với làm, công khai, minh bạch. Nói ngắn gọn theo tư tưởng của người xưa, được Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Phải chính tâm, tu thân, tề gia.
3. Nâng cao văn hoá lãnh đạo, quản lý trong bối cảnh mới - những vấn đề đặt ra cần nghiên cứu
Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá lãnh đạo - quản lý, ta phải làm gì trong tình hình hiện nay? Đâu là giải pháp cho văn hoá lãnh đạo - quản lý của Đảng, Nhà nước và từng cán bộ, đảng viên?
Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần một trình độ tư duy biện chứng duy vật ở mức độ toàn cầu và luôn được đổi mới. Điều này hoàn toàn xa lạ với tư duy chủ quan duy ý chí, kiểu tư duy dễ xảy ra khi Đảng độc quyền lãnh đạo. Năng lực vận dụng phép biện chứng hàng đầu là kiên định và nhận thức đúng về định hướng xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, một nấc thang xã hội cần đạt tới, đồng thời là một mô thức tổ chức xã hội, trong đó chứa đựng những giải pháp khoa học, một phương thức tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước để đạt được kết quả.
Nhìn nhận theo hướng đó, lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng và kim chỉ nam, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, cần tiếp tục phát huy cao độ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong khi tăng cường sức mạnh của nhà nước pháp quyền và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xã hội dân sự.
Năng lực văn hoá cầm quyền của Đảng không thể tách rời “văn hoá dùng người” mà sinh thời Bác Hồ đã dạy “dụng nhân như dụng mộc”. Những suy thoái và tê liệt của một số cơ sở đảng hiện nay, xét đến cùng là vấn đề cán bộ - công việc gốc của Đảng. Một khi việc cất nhắc, đề bạt cán bộ bị đồng tiền và chủ nghĩa cá nhân chi phối, thiếu lý trí và bản lĩnh để chọn những người thật sự có đức, có tài giữ trọng trách lãnh đạo, thì đó là cách làm phản văn hoá.
Theo tinh thần Hồ Chí Minh, nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, giờ đây, văn hoá lãnh đạo - quản lý là phải chống thái độ vô cảm trước đời sống của quần chúng nhân dân. Nước ta còn nghèo, dân ta chưa thật sự có đời sống vật chất đầy đủ. Vì vậy, văn hoá lãnh đạo - quản lý không thể sống chung với xa xỉ, hoang phí, lãng phí, tham nhũng. Một vấn đề có tính thời sự, nhưng thực chất đã có trong di sản Hồ Chí Minh, đó là vấn đề “uỷ thác quyền lực”. Quyền lực thuộc về nhân dân và nhân dân uỷ thác quyền lực đó cho các đại biểu của mình. Một khi người nắm quyền, thay mặt dân lãnh đạo đất nước mà không còn sự tín nhiệm của nhân dân nữa thì nên từ chức và phải xin lỗi trước nhân dân. Khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui” (tác giả nhấn mạnh). Vậy nên giờ đây, bàn tới văn hoá lãnh đạo - quản lý thì phải biết đến “văn hoá từ chức” và cần có những quy định cụ thể về vấn đề này.
Không mạnh dạn đổi mới thật sự, luyến tiếc với cái cũ trong tư duy, trong thực hành dân chủ, trong xây dựng nhà nước pháp quyền, trong công tác cán bộ chính là kẻ thù của văn hoá lãnh đạo - quản lý, cần phải được thanh toán để chúng ta có thể sánh vai cùng các nước trên thế giới trong nhịp bước khẩn trương của thời đại như mong muốn của Bác Hồ kính yêu của Đảng và dân tộc ta.
Theo Bùi Nguyễn, Tạp chí Thông tin công tác tư tưởng lý luận tháng 8/2006