Xây dựng nền y học Việt Nam theo nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng

GS. Đỗ Nguyên Phương, PTS. Nguyễn Khánh Bật, BS. Nguyễn Cao Thâm

I. Những quan điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về y tế là một bộ phận trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh 

1. Trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền y học Việt Nam theo nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng để từ đó vận dụng vào tình hình hiện nay, cần nhận thức đây là một bộ phận trong tổng thể hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến khi trở về Tổ quốc cùng với Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng, kháng chiến và kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến con người, đến nhân dân, đến việc xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hoà bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Người cũng mong muốn và phấn đấu làm sao cho đồng bào ai cũng có cơm ǎn, áo mặc, ai cũng được học hành, ốm đau có thuốc chữa bệnh. Người cho rằng: nếu dân đói, rét, ốm đau, không được học hành là Đảng và Chính phủ có lỗi. 

Có nhiều quan điểm xây dựng nền y học Việt Nam. Nhưng quan điểm nào cũng xuất phát từ sự cần thiết có sức khoẻ và hướng tới mục đích vì nước, vì dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công. 

Tuy nhiên, xét trên tổng thể những yếu tố hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như tư tưởng của Người về y tế thì đó là những nội dung mang tính dân tộc và thời đại mà trung tâm là con người. Và mục đích cuối cùng cũng nhằm đạt tới những vấn đề liên quan tới dân tộc, thời đại và con người. Về chính trị, đó là sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Về vǎn hoá, xây dựng một nền vǎn hoá Việt Nam có tính dân tộc, khoa học, đại chúng. Về xã hội, đó là mọi vấn đề có liên quan tới phúc lợi xã hội, làm cho dân tộc chúng ta giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, một dân tộc vǎn minh, tiến bộ, v.v.. 

Vì vậy, khi xem xét quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nền y học theo nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng phải có quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử và phát triển. Phải xuất phát từ Việt Nam, nhưng không tách rời nhân loại. Phải đi từ truyền thống và gắn truyền thống với hiện đại. Và y học trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như mọi vấn đề khác đều mang đậm tính nhân vǎn. đó là những quan điểm của một danh nhân vǎn hoá kiệt xuất mà những tư tưởng và hành động của Người đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong quá trình phát triển của dân tộc và nhân loại. 

Những kinh nghiệm về nền y học cổ truyền là một bộ phận của vǎn hoá Việt Nam. Vì vậy, tìm hiểu quan điểm Hồ Chí Minh về nền y học có tính khoa học, dân tộc, đại chúng là sự khám phá cả chiều sâu, bề rộng trí tuệ vǎn hoá Hồ Chí Minh, về những giá trị của vǎn hoá dân tộc và sự tiếp nhận tinh hoa vǎn hoá nhân loại. đây là những vấn đề đang có ý nghĩa to lớn khi Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định tinh thần phát huy nội lực và hội nhập quốc tế, để vừa khai thác triệt để những nguồn lực bên trong, vừa tranh thủ thời cơ đón nhận những thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá với nhận thức nguồn lực con người là quý báu nhất. 

2. Không nên và không thể tách rời sự nghiệp chính trị, sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do với sự nghiệp vǎn hoá, xây dựng đất nước vǎn minh, mạnh giàu, trong đó có sự nghiệp xây dựng y tế, chǎm lo và bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Hai sự nghiệp đó gắn kết với nhau, là cơ sở điều kiện của nhau và tác động thúc đẩy lẫn nhau, nhằm một mục tiêu chung - đất nước độc lập, hoà bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng thế giới. 

Mỗi hành động và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thấm đượm quan điểm "độc lập - tự do - hạnh phúc". Những quan điểm đó đã manh nha trong những tháng nǎm sống trong lòng quê hương, dân tộc, được định hình, mang yếu tố cách mạng và khoa học từ lúc tiếp nhận ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng "muốn cứu vãn nòi giống dân tộc, phải lật đổ chủ nghĩa đế quốc, xoá bỏ chủ nghĩa thực dân" ở Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh từ những nǎm hai mươi chính là đi vào gốc rễ của vấn đề: chủ nghĩa thực dân là ǎn cướp, giết người, đầu độc con người cả thể xác và tâm hồn; nô dịch các dân tộc cả vật chất và tinh thần. Chống chủ nghĩa thực dân, lật đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến là đạt tới một giá trị nhân vǎn cao cả: giải phóng con người cả về thể xác và tâm hồn, trả lại cho mỗi con người cuộc sống đúng nghĩa của con người, làm cho con người không bị tha hoá. 

Trong tính liên tục của dòng chảy lịch sử, từ truyền thống đến hiện đại, từ dân tộc đến nhân loại, từ phương Đông đến phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kết hợp một cách chặt chẽ, nhuần nhuyễn các yếu tố dân tộc, khoa học, đại chúng. Lãnh đạo sự nghiệp cách mạng chính trị, lật đổ chế độ áp bức bóc lột, xây dựng chế độ mới, nhà nước mới, cũng là sự kết hợp các yếu tố dân tộc - khoa học - đại chúng. Sự nghiệp kiến quốc, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng là sức mạnh tổng hợp của dân tộc - khoa học - đại chúng. Chỉ đơn thuần là những giá trị của dân tộc, cho dù những giá trị đó rất độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc Việt Nam, cũng không thể đi tới thắng lợi cuối cùng. Giá trị - như chúng ta biết - có giá trị vật chất, giá trị tinh thần; giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ; giá trị vĩnh cửu và giá trị nhất thời. Mặt khác, toàn bộ những giá trị của vǎn hoá Việt Nam truyền thống đều được hình thành trên nền vǎn minh nông nghiệp, có nhiều thiếu hụt (nền tảng kinh tế, cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, nền khoa học tiên tiến, lý luận khoa học, đội ngũ trí thức...). Trong thời đại cách mạng vô sản, quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, thời đại của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, những yếu tố dân tộc - thời đại, dân tộc - khoa học... không thể tách rời nhau. 

Lý giải mọi vấn đề trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có mối quan hệ dân tộc - khoa học - đại chúng phải dựa trên quan điểm thực tiễn, lịch sử và phát triển. Đồng thời phải thấy cả những quan điểm có tính xu hướng, định hướng và thời đại. Không nên đóng khung trong một không gian hay thời gian nhất định. Xa rời thực tế, thoát ly lịch sử thì không thể chấp nhận. Nhưng nếu chỉ nhìn nhận với một quan điểm hạn hẹp, không khai thác hết tư duy biện chứng, tầm trí tuệ và nhãn quan vǎn hoá của nhà vǎn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh, cũng không thể hiểu đầy đủ, sâu sắc những quan điểm, tư tưởng của Người, trong đó có những ý kiến sắc sảo về y tế. 

Tất cả các tác phẩm, bài viết, bài nói trong di cảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta không nhiều, không đồ sộ như các bậc thầy là Mác, Ǎngghen, Lênin. Các bài viết chuyên bàn về lĩnh vực y tế của Hồ Chí Minh còn ít hơn. Tuy nhiên, những lời dạy của Người hàm chứa nhiều tư tưởng lớn, sâu sắc, đòi hỏi ở chúng ta một phương pháp nghiên cứu, phân tích, so sánh nhuần nhuyễn, có tính khoa học thì mới tìm thấy được những hạt ngọc lung linh toả sáng trong di sản về y tế và chǎm sóc sức khoẻ cho nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta. 

II. Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền y học Việt Nam theo nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng 

Ngày 27-2-1955, trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, Hồ Chí Minh khẳng định: "Y học càng phải dựa trên nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng"1 . Đây là một quan điểm chính xác, sâu sắc. Các nhà nghiên cứu lý luận và y học cần hợp tác với nhau mới có được những hiểu biết đầy đủ quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh. Bài viết này cố gắng nêu lên những nhận thức ban đầu: 

1. Nguyên tắc khoa học của y học Việt Nam 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản thân y học là một khoa học, hơn nữa là một khoa học về con người. Vì vậy, y học càng phải khoa học hơn bất kỳ một ngành khoa học nào khác. Nói như vậy không có nghĩa là quá nhấn mạnh tới khoa học y học. Nhưng rõ ràng dưới chế độ mới, y học chỉ được phép cứu sống, chữa khỏi người bệnh; không được phép, vì sự non kém về khoa học, "rút kinh nghiệm", "làm lại" sau khi người bệnh đã "về với thế giới người hiền". 

Một nền y học khoa học hàm chứa nhiều nội dung. Nó đối lập với phản khoa học và gắn liền với tiên tiến, hiện đại. Khoa học mang cả tầm lý luận, lý luận khoa học về ngành y, thể hiện qua bộ máy vận hành, quy trình chữa bệnh và đặc biệt là nhân tài y tế. 

Vấn đề đặt ra là tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đề xuất việc xây dựng nền y học với nguyên tắc khoa học? Điều này liên quan tới cả lịch sử và nền vǎn hoá lâu đời của dân tộc; liên quan tới công tác cách mạng, nhiệm vụ kháng chiến, xây dựng đất nước; liên quan tới dân giàu, nước mạnh, sánh vai cùng cường quốc nǎm châu. 

Ra đi từ mảnh đất thân yêu của Tổ quốc, vượt trùng dương qua nǎm châu bốn biển, trở về quê hương đất nước với tầm mắt đại dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu nền vǎn hoá lâu đời, trong đó có y học Việt Nam. Đó là một nền y học mang cốt cách Việt Nam, giữ được những nét độc đáo, đặc sắc, phù hợp với truyền thống, con người và điều kiện Việt Nam. Tuy nhiên, đó là một nền y dược học dựa trên vǎn minh nông nghiệp, điều trị và chữa bệnh bằng kinh nghiệm là chủ yếu. Nền y dược học đó còn thiếu cả một bề dày về lý luận khoa học, sự thiếu hụt về đội ngũ trí thức ngành y dược; thiếu cả cơ sở vật chất kỹ thuật làm nền cho sự phát triển khoa học. Vì vậy, nền y dược khó có điều kiện mở rộng, giao lưu, thậm chí có lúc bó tay trước những cǎn bệnh hiểm nghèo. Cùng với quá trình tồn tại của mình, đời sống con người, xã hội ngày càng phát triển. Theo đó là sự gia tǎng về các cǎn bệnh xã hội, bệnh tật do chiến tranh. Sự cần thiết một nguyên tắc hay phương châm khoa học trong y học không những để nâng cao tỷ lệ cứu chữa, điều trị khỏi người bệnh, để giải quyết được những cǎn bệnh hiểm nghèo, mà còn là sự tương xứng với sự phát triển của các ngành khoa học khác, với một đất nước độc lập, tự do. Chính ở đây thể hiện sáng ngời tư tưởng nhân vǎn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: y học mang tính khoa học cao là y học vì con người. 

Cần phải nhận thức nguyên tắc khoa học trong y dược học theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là vấn đề phối hợp với thuốc "Tây" hoặc hiện đại y học. Khi Người nói tới việc "xây dựng một nền y học của ta" thì bản thân nền y học đó không chỉ là thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta, mà còn phải dựa trên nguyên tắc khoa học. Không chỉ có Tây y mới khoa học mà Đông y cũng khoa học. Không chỉ máy móc hiện đại, tối tân là khoa học mà bắt mạch, kê đơn, dùng thuốc lá, thuốc cây, thuốc con, đến ǎn ở hợp vệ sinh cũng là khoa học, v.v.. ở đây không chỉ là hệ thống tri thức khoa học, trang bị khoa học mà còn là thái độ khoa học, tác phong khoa học. 

Trong y học, đức là gốc, ta gọi là y đức. Nhưng đạo đức trong ngành y là một phạm trù rộng. Nó vừa mang những tiêu chí đạo đức của một công dân, một cán bộ, vừa có những nội dung đặc thù. Y đức không chỉ dừng lại ở tình nghĩa "thầy thuốc phải như mẹ hiền", mà y đức cao nhất là cứu chữa khỏi người bệnh. Vì thế người thầy thuốc có tấm lòng như mẹ hiền không thôi vẫn chưa đủ, mà phải có trình độ, hiểu biết nghiệp vụ chuyên môn, phải đạt tới một trình độ khoa học cao. Có những thầy thuốc thật sự yêu thương người bệnh, nhưng vì trình độ chuyên môn và sự hiểu biết về nghiệp vụ có hạn, đành để bệnh nhân chết với một niềm thương tiếc. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ y tế ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực khác nhau đều cần một trình độ cao về chuyên môn. Muốn vậy, mọi người phải luôn học tập, nghiên cứu để nắm vững những kiến thức khoa học cơ bản, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 

Thiếu trình độ, nhận thức, tác phong và thái độ khoa học trong mọi khâu từ khám, chẩn đoán, điều trị, chữa bệnh cho người bệnh đều có thể dẫn đến tử vong. Khác với nhiều lĩnh vực, trong y học, khám chữa bệnh không có quyền được thể nghiệm, sai sót. Bởi vì đằng sau các chẩn đoán, nhận định, cách điều trị đúng hay sai là tính mạng của con người; là cái sống và cái chết. Vì thế, không chuyên tâm tu nghiệp, không có kiến thức đầy đủ, hiểu biết đầy đủ, thì không được hành nghề khám bệnh và chữa bệnh. 

Như vậy, nguyên tắc khoa học trong ngành y đòi hỏi người thầy thuốc phải có tài để phát hiện được đúng bệnh và chữa được khỏi bệnh. Đặc biệt, trước những bước phát triển của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, người thầy thuốc cần phải nỗ lực vươn lên, nắm bắt cho được những thành tựu mới nhất của nền y học tiên tiến trên thế giới, đồng thời vận dụng một cách thích hợp vào điều kiện Việt Nam, con người Việt Nam, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. 

Người cán bộ y tế có tri thức, tác phong và thái độ khoa học là sự bổ sung cần thiết cho y đức; mặt khác muốn có ý đức một cách đầy đủ, đúng nghĩa, nhất thiết phải có trình độ khoa học, Cần khẳng định rằng, Hồ Chí Minh đã tiếp cận nguyên tắc khoa học của y học với một thái độ rất khoa học, trên tư cách là một nhà khoa học. 

2. Nguyên tắc dân tộc của y học Việt Nam 

Điểm xuất phát có ý nghĩa cơ sở, nền tảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng về y học nói riêng là những yếu tố thuộc phạm vi dân tộc. Người đi từ chủ nghĩa yêu nước tới chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, xây dựng tình đoàn kết cũng từ đoàn kết dân tộc tới đoàn kết nhân loại. Cái cốt lõi, bao trùm trong tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong ngành y dược học, Người cũng quan tâm tới nguyên tắc dân tộc như là một điểm khởi nguồn cho các nguyên tắc khác. 

Trước hết, cần thấy rõ sự đánh giá cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những giá trị vǎn hoá phi vật thể, trong đó có các nghề truyền thống và y dược. Quý trọng và nâng niu các giá trị vǎn hoá cổ truyền của dân tộc là một điểm đặc sắc trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người coi những giá trị vǎn hoá phi vật thể, trong đó có y dược là của quý, nét độc đáo, thể hiện cốt cách của dân tộc Việt Nam. Với một ý nghĩa to lớn, chung nhất như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: có nhiều dòng suối tiến bộ bắt nguồn từ những ngọn nguồn cổ điển, ta hiểu rằng y học hiện đại cũng bắt nguồn từ y học cổ truyền. Và càng nghiên cứu, khám phá y học hiện đại, càng phải biết coi trọng y học cổ truyền, coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông. 

Đó là một tầm nhìn có tính chiến lược mà ý nghĩa sâu xa của nó - như cách nói ngày nay - là phát huy nội lực. Trong mọi vấn đề, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở rằng của mình có mà không dùng, lại đi mượn của người khác, thế có phải là có đầu óc ỷ lại không? Với Hồ Chí Minh, tính tự lực, tự cường dân tộc được đặt ra không chỉ trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, mà còn in đậm dấu ấn khi đất nước bước vào thời kỳ xây dựng, trong đó có y tế. 

Một thực tế là nước ta ở về xứ nóng. Những bệnh phổ thông nhất là đau mắt, ghẻ, kiết lị, tả, sốt cơn... Người phương Tây rất xa lạ với những cǎn bệnh đó. Vì vậy, trong thời cận - hiện đại, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, phải bỏ mạng rất nhiều khi bị những chứng bệnh "nan y" đó. Người Việt Nam chúng ta, ngược lại, đã biết khai thác hết thế mạnh của các loại thực vật nhiệt đới gió mùa, phục vụ đắc lực cho công tác phòng chữa bệnh. 

Tính dân tộc không chỉ ở ngành dược mà ở cả ngành y; không chỉ ở thuốc mà ở cả cách chữa bệnh theo Đông y. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao việc ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc Bắc. Vì vậy, khi gửi thư cho cán bộ ngành y dược, Người thường cǎn dặn thi đua tìm ra những thứ thuốc mà nước ta sẵn nguyên liệu, dễ kiếm và chữa bệnh hiệu nghiệm. 

Có một thực tế khác là trước đây dưới thời phong kiến, trước nǎm 1858, Việt Nam chưa có thuốc tây. Mà có bệnh thì vẫn phải chữa. Bằng tính cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo, dân tộc ta, những con người tiêu biểu như Tuệ Tĩnh, Lãn Ông đã đúc kết với một lôgíc chặt chẽ và sắc bén lý luận cổ truyền, kết hợp kinh nghiệm dân gian và thực tiễn trên lâm sàng, giữ vững và phát triển nền y học dân tộc. 

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh "xây dựng một nền y học của ta", "một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta", trước hết thể hiện nguyên tắc dân tộc của nền y dược. Nhưng nguyên tắc dân tộc không có nghĩa chỉ là dân tộc; "nền y học của ta" không có nghĩa chỉ là của ta. Về mặt lý luận cần nhận thức đúng đắn rằng trên cơ sở nghiên cứu một cách toàn diện y dược của các dân tộc; rằng cái gì tốt của Đông phương hay Tây phương thì ta phải học lấy để tạo nên một nền y dược Việt Nam. Cũng như vǎn hoá Việt Nam, y dược Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của y dược Đông phương và Tây phương. Về mặt thực tiễn, y học của ta trước hết nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân ta. Việc tiếp thu y học nhân loại cũng nhằm làm giàu cho nền y dược Việt Nam, để xây dựng một nền y học của ta như Hồ Chí Minh yêu cầu. 

3. Nguyên tắc đại chúng của y học Việt Nam 

Tư tưởng Hồ Chí Minh xét đến cùng là tư tưởng vì con người, vì nhân dân. ở Hồ Chí Minh, tư tưởng và hành động thấm đượm chủ nghĩa nhân vǎn. Người nhận thức sức mạnh tiềm ẩn trong quần chúng nhân dân là lực lượng làm nên sức mạnh cho cách mạng và cách mạng vì quần chúng nhân dân. Điều này càng được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong tư tưởng Hồ Chí Minh về một nền y học theo nguyên tắc đại chúng. 

Nguyên tắc này hoàn toàn không phải là hạ thấp hay tầm thường hoá ngành y dược. Ngược lại, ngành y dược càng hiện đại, càng khoa học bao nhiêu, càng phải phục vụ tốt quần chúng và do đó tính chất đại chúng càng đậm đà bấy nhiêu. 

Nguyên tắc đại chúng theo quan điểm Hồ Chí Minh cần được hiểu trên hai phương diện cơ bản sau đây: 

Một là, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, dân là gốc của nước. Nhân dân không chỉ là những người sáng tạo ra lịch sử, làm nên những chiến công oai hùng, mà họ còn là lực lượng xây đắp nền y học dân tộc, đóng góp đắc lực vào công tác phòng bệnh, chữa bệnh. Phát động phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân trên mọi lĩnh vực là một chủ trương lớn của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh quan tâm đến vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện sức khoẻ, xây đời sống mới ngay từ khi nước nhà vừa giành được độc lập, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, phải biết khơi dậy mọi tiềm nǎng trong nhân dân, sức mạnh và tình đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân, thì sự nghiệp chǎm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân sẽ đạt kết quả cao. 

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong mọi vấn đề đều phải quán triệt: 

"Dễ mười lần không dân cũng chịu. 

Khó trǎm lần dân liệu cũng xong". 

Quần chúng nhân dân không chỉ đem lại sức mạnh về số đông mà còn đem lại sức mạnh về trí tuệ, sáng kiến. Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng bệnh. Những việc làm của nhân dân trong việc giữ vệ sinh, rèn luyện sức khoẻ, bảo vệ môi trường... vừa mang tính tự giác của mỗi người, vừa là bổn phận của công dân. Người gọi "vệ sinh yêu nước"; "luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người yêu nước". Những tư tưởng đó quán xuyến suốt cuộc đời Người đến lúc về cõi vĩnh hằng. Tháng 5-1968, Người viết trong Di chúc: "ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế (...) Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân". 

Rõ ràng là trong tất cả mọi vấn đề, kể cả vệ sinh y tế, đều phải thực hiện triệt để một đường lối quần chúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Chỉ có như vậy, mới giành được thắng lợi. 

Hai là, công tác y tế phải hướng tới cơ sở, phải phục vụ quần chúng nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Lấy hạnh phúc của nhân dân làm cơ sở, làm mục tiêu là phương châm hành động nhất quán, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu việc phòng bệnh, chữa bệnh như đã nêu phải dựa vào dân, là trách nhiệm của người dân, thì công tác y tế phục vụ nhân dân, vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ của cán bộ y tế. ở đây, ngoài vấn đề động viên, tổ chức nhân dân tham gia công tác y tế, thì điều quan trọng nhất là trách nhiệm của người làm công tác y tế phải phục vụ nhân dân. Không những dân đói, dân rét, dân không được học hành, mà cả khi dân ốm đau, dịch bệnh, Đảng và Chính phủ cũng có lỗi. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng hễ còn người dân bị bóc lột, đói rét, nghèo nàn, bệnh tật.... thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. 

Ham muốn tột bậc của Hồ Chí Minh là nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ǎn, áo mặc, ai cũng được học hành, chữa bệnh. Đó là chiều sâu trong nguyên tắc đại chúng của Hồ Chí Minh về y tế. Nhớ lại những ngày họp Đại hội quốc dân ở Tân Trào trong mùa thu Tháng Tám lịch sử nǎm 1945, Hồ Chí Minh đã từng nói với các đại biểu dự họp rằng trách nhiệm của tất cả chúng ta là không được để cho các em bé choẹt mặt, bủng da. Một nền y học đại chúng phải biết quan tâm tới tất cả mọi người, tới mỗi người từ người già đến các cháu thiếu niên, nhi đồng; đồng bào miền ngược, miền xuôi; đa số hay thiểu số; thương bệnh binh, những nguời làm công việc nặng nhọc, độc hại... đến cả những người - vì lý do này, khác - một thời lầm đường, lạc lối... 

Một nền y học đại chúng nằm trong chiều sâu, bề rộng tư tưởng nhân vǎn Hồ Chí Minh, nằm trong trái tim nhân loại Hồ Chí Minh. 

III. Xây dựng nền y học Việt Nam theo nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng của chủ tịch Hồ Chí Minh 

1. Thực trạng sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân 

Đánh giá một cách tổng quát, từ lúc ra đời đến nay, ngành y tế cách mạng Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn và đã đạt được nhiều thành tựu. Nhiều bệnh dịch và bệnh xã hội đã được khống chế hoặc loại trừ, sức khoẻ và tuổi thọ của nhân dân tǎng. Công tác chǎm sóc sức khoẻ cho nhân dân đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với ngành y và chế độ ta. Cán bộ ngành y cơ bản đã quán triệt các quan điểm khoa học, dân tộc đại chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào các khâu của quy trình điều trị, khám chữa bệnh. 

Tuy nhiên, một thực tế là xung quanh việc khám chữa bệnh, chǎm sóc sức khoẻ còn nhiều câu hỏi đặt ra, cần được trả lời. Đó là tình trạng thiếu trình độ và tác phong khoa học, dẫn đến tình trạng người bệnh bị tử vong. Những nǎm gần đây, trong xoáy lốc của nền kinh tế thị trường, ngành y tế có nhiều biểu hiện xuống cấp, có mặt khá nghiêm trọng. Công tác vệ sinh phòng bệnh kém, chưa quan tâm đầy đủ các hoạt động mang tính khoa học, đại chúng. ý thức xây dựng một ngành "y tế của ta" chưa cao, thậm chí còn mờ nhạt. Nhiều bệnh viện xuống cấp cả về cơ sở vật chất, tổ chức quản lý, điều trị và tinh thần phục vụ. 

Công tác nghiên cứu lý luận khoa học, đào tạo cán bộ y tế đầu ngành để có điều kiện thay thế, kế tiếp nhau chưa làm được bao nhiêu. Một ngành y tế theo đúng nguyên tắc đại chúng như đã trình bày tức là phải phát động phong trào quần chúng tham gia vào công tác y tế và phục vụ quần chúng có lẽ chưa thực sự hình thành ở nước ta. 

Nguyên nhân của những vấn đề trên có nhiều. Nhưng như Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VII) đã chỉ ra là do ngành y tế chậm đổi mới, ít quan tâm tới các giải pháp xã hội như tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh. Chưa động viên tốt các tiềm nǎng của cộng đồng, của nền y học cổ truyền dân tộc. Chưa kết hợp thực sự, chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại. 

Nghị quyết cũng chỉ rõ các cấp bộ đảng và chính quyền còn xem nhẹ việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác chǎm sóc sức khoẻ. Chưa thực sự thấm nhuần, quán triệt xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng. 

Các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội chưa chú trọng tổ chức và vận động nhân dân tham gia các phong trào vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện thân thể, bảo vệ sức khoẻ. 

Một thực tế là đầu tư của Nhà nước còn hạn chế. Đây là một nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng nền y tế chưa đạt được trình độ khoa học cao; chưa tạo được điều kiện cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, ở nông thôn có khả nǎng chữa bệnh. 

2. Một số giải pháp: 

Xây dựng nền y dược học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một tư tưởng chỉ đạo và định hướng đúng đắn không những trước đây, mà cho cả hiện tại và tương lai. Đây là một sự nghiệp to lớn, nặng nề, vẻ vang trong quá trình xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên vấn đề không đơn giản. Phải đặt nhiệm vụ quan trọng này trong toàn bộ sự nghiệp y tế Việt Nam; trong mối quan hệ giữa dân tộc và thời đại với suy nghĩ thường trực "sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" như Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra. Khoa học, dân tộc, đại chúng của ngành y tế rốt cuộc vì con người, vì nhân dân, vì dân giàu, nước mạnh, vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. 

Về mặt nhận thức, cần thấu triệt những quan điểm chỉ đạo của Đảng về vấn đề "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; về trách nhiệm của cộng đồng và của mỗi người dân; trách nhiệm của các cấp uỷ đảng và chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt. 

Những chính sách và giải pháp lớn hiện nay là phải hết sức thực tế, vừa có tính cấp bách, vừa đảm bảo phương hướng tương đối lâu dài theo tinh thần Nghị quyết của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong vòng hai, ba thập kỷ đầu thế kỷ XXI. 

Trước hết phải tǎng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của các tổ chức đảng và chính quyền các cấp, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, tạo ra sức mạnh của các ngành, các cấp trong việc chǎm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân. 

Hiện nay do ngân sách có hạn, ta chưa thể đầu tư diện rộng đòi hỏi trình độ khoa học kỹ thuật cao. Vả lại cũng chưa có đủ cán bộ y tế đạt trình độ chuyên môn cao để sử dụng các thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại. Vì vậy, trước hết phải củng cố và phát triển các cơ sở y tế chuyên sâu như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Cần "phát triển một số lĩnh vực khoa học kỹ thuật y tế mà ta có ưu thế. Tạo điều kiện để các nhà khoa học có thể tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới". Vấn đề đặt ra là phải có cán bộ đủ nǎng lực. Vì vậy, cần phải chú trọng đào tạo cán bộ giỏi về y học chuyên sâu. 

Đó là về trình độ khoa học. Còn tác phong và thái độ khoa học thì cần thiết đối với tất cả mọi cán bộ y tế. Nếu điều này không được nhận thức đầy đủ, đúng đắn, sẽ rất nguy hiểm cho người bệnh. Chẳng hạn, sự tinh khiết của thuốc, của các dụng cụ y tế, của môi trường y tế, v.v. là những điều kiện tối thiểu thường trực của cán bộ y tế và các bệnh viện. Chỉ dựa trên cơ sở một ý thức khoa học đúng đắn, chúng ta mới hạn chế đến mức thấp nhất những tổn hại do thiếu tinh thần trách nhiệm và tác phong khoa học. Chúng ta thật đau lòng và cũng không thể chấp nhận khi được biết có địa phương, bệnh nhân uống thuốc bắc bị nhiễm độc. Thậm chí có người cho máu mang theo cả HIV; chẩn đoán sai bệnh dẫn đến tử vong, v.v.. Cần phải kiện toàn các cơ quan kiểm tra chất lượng thuốc và nghiên cứu khoa học dược. Bằng mọi biện pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho nước ngoài đầu tư vốn, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dược và trang thiết bị y tế, đặc biệt là công nghiệp sản xuất nguyên liệu làm thuốc. 

Tính khoa học, dân tộc và đại chúng gắn bó chặt chẽ với nhau và cũng gắn bó, liên quan tới các nội dung khác trong quá trình xây dựng ngành y tế. Nó chính là tinh tuý của một nền y tế nhân vǎn. Nó có mặt trong một nền y học kết hợp Đông y và Tây y; dân y và quân y; trong y học dự phòng, đặc biệt là vấn đề y đức. 

Nói tóm lại, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nền y học theo nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng là những quan điểm về xây dựng một nền y tế nhân dân, tức là một nền y học xuất phát từ nhân dân, của dân, vì dân. Đó là một nền y học mang bản sắc Việt Nam, xuất phát từ những điều kiện Việt Nam. ở đây, nhân tố dân tộc và nhân tố thời đại phải hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau thành một chỉnh thể thống nhất. Khoa học, dân tộc, đại chúng là những phương hướng cơ bản lâu dài, đồng thời cũng phải được triển khai kịp thời trong mọi khâu của sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website