Giới thiệu tác phẩm Bút ký triết học của Lênin

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA TÁC PHẨM

Vào đầu thế kỷ XX tình hình thế giới diễn biến phức tạp, những mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc trở nên gay gắt đẩy nhân loại vào cuộc đại chiến thế giới, các nước đế quốc tàn sát lẫn nhau, tình hình đó cũng tạo ra điều kiện thuận lợi để nổ ra cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Phong trào cộng sản và công nhân lúc đó lại rơi vào cuộc khủng hoảng, đa số các lãnh tụ của Quốc tế II không nhận rõ tính chất đế quốc xâm lược của cuộc chiến tranh, đã đứng trên lập trường của chủ nghĩa sôvanh nước lớn, ủng hộ chính phủ tư sản tiến hành chiến tranh đế quốc, phản lại lợi ích giai cấp vô sản, không biết chớp thời cơ biến cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc thành nội chiến cách mạng, tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, lật đổ giai cấp tư sản thống trị ở nước mình.

Lênin đã sớm nhận thức rõ những đặc trưng của thời đại mới, phân tích sâu sắc những mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc và chỉ ra chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cuộc cách mạng của giai cấp vô sản. Nhưng đa số lãnh tụ của Quốc tế II đã chống lại tư tưởng của Lênin, đưa Quốc tế II vào con đường phá sản. Trước bước ngoặt mới của lịch sử và tình thế cách mạng, Lênin thấy cần thiết phải vũ trang cho đảng cộng sản và giai cấp công nhân lý luận cách mạng để nhận thức đúng về thời đại mới, về bản chất của cuộc chiến tranh đế quốc, về con đường đi lên của cách mạng vô sản.

Tình hình thế giới đó đặt ra vấn đề đối với Đảng Xã hội - Dân chủ là: đứng trên lập trường của giai cấp tư sản nước mình ủng hộ cuộc chiến tranh, đi xâm lược dân tộc khác, chống lại người anh em giai cấp vô sản của mình hay là chống lại cuộc chiến tranh đế quốc, biến cuộc chiến tranh đó thành cuộc nội chiến cách mạng, đánh đổ giai cấp tư sản thống trị. Các lãnh tụ của Quốc tế II đã chọn lập trường của giai cấp tư sản, phản bội lại giai cấp công nhân. Cơ sở lý luận của đường lối phản động đó là chủ nghĩa chiết trung và thuyết nguỵ biện.

Về mặt lý luận, Lênin phải đề cao phép biện chứng duy vật, chống lại thuật ngụy biện và chủ nghĩa chiết trung của những lãnh tụ Quốc tế II.

Cơ sở lý luận của những quan điểm và đường lối sai lầm của Quốc tế II là sự phản lại phép biện chứng duy vật. Ngay từ năm 1899, Bécstanh đã công khai chống lại phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác, ông ta đòi hỏi phải "trở về với Cantơ".

Cauxky cũng là một lãnh tụ của Quốc tế II không hiểu ý nghĩa của phép biện chứng duy vật và cũng chống lại phép biện chứng duy vật, nhưng không trắng trợn, công khai như Bécstanh. Plêkhanốp là nhà triết học mácxít kiệt xuất lúc đó, tuy vậy ông có hạn chế là coi nhẹ và lý giải lệch lạc phép biện chứng duy vật, quy phép biện chứng chỉ là tổng cộng các ví dụ thực tế. Và cuối cùng cũng đi theo chủ nghĩa cơ hội của Quốc tế II.

Vì không hiểu phép biện chứng duy vật và bị giai cấp tư sản mua chuộc nên nhiều lãnh tụ của Quốc tế II đã không đứng vững trên lập trường cách mạng của giai cấp vô sản, trước những tình hình phức tạp, họ đã trượt theo chủ nghĩa chiết trung và thuật ngụy biện. Điều này thể hiện rõ nhất là thái độ của họ đối với cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi nổ ra chiến tranh, thì Plêkhanốp, Cauxky đã ngả theo lập trường của chủ nghĩa sôvanh của giai cấp tư sản, kêu gọi giai cấp công nhân với chiêu bài "bảo vệ Tổ quốc" để bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản nước mình mà tham gia vào cuộc chiến tranh đế quốc, tàn sát những người anh em cùng giai cấp.

Hai quan điểm phát triển đối lập. Đó là quan điểm của phép biện chứng duy vật, mà tiêu biểu cho quan điểm này là Lênin và quan điểm chống lại phép biện chứng duy vật là quan điểm của một số lãnh tụ của Quốc tế II. Trong giai đoạn lịch sử này Lênin tập trung phê phán lý luận của các lãnh tụ Quốc tế II như Cauxky và Plêkhanốp...

Cauxky và Plêkhanốp dùng thuyết ngụy biện và chủ nghĩa chiết trung biện hộ cho chủ nghĩa xã hội sôvanh.

Năm 1915, Lênin viết tác phẩm Về vấn đề phép biện chứng, lần đầu tiên Lênin nêu lên tư tưởng về hai quan điểm phát triển đối lập nhau. Đây cũng là một sự tổng kết cả quá trình đấu tranh tư tưởng của Lênin từ trước đến bây giờ nhằm chống lại những tư tưởng phản biện chứng giả danh biện chứng. Plêkhanốp và Cauxky ngả theo lập trường của chủ nghĩa sôvanh tư sản lập luận một cách ngụy biện nhưng vẫn mang danh phép biện chứng.

Hơn nữa bước vào đầu thế kỷ XX tình hình mới đặt ra nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách cần được giải quyết:

Một là, làm rõ chủ nghĩa tư bản đã bước vào giai đoạn tột cùng của nó là chủ nghĩa đế quốc, phải làm rõ bản chất và những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa đế quốc.

Hai là, làm rõ bản chất xâm lược và phản động của cuộc chiến tranh đế quốc, chống lại lập trường của chủ nghĩa sôvanh tư sản.

Ba là, chớp thời cơ, biến cuộc chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng, tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản.

Bốn là, vũ trang về mặt lý luận cho giai cấp công nhân, phê phán chủ nghĩa chiết trung và thuyết ngụy biện của các lãnh tụ trong Quốc tế II, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn cho phong trào công nhân.

Năm là, sự phát triển của khoa học tự nhiên và cuộc khủng hoảng vật lý học cũng đang đặt ra những vấn đề cho triết học, nguyên nhân chủ yếu của cuộc khủng hoảng đó là các nhà khoa học tự nhiên không nắm được phép biện chứng duy vật.

Tình hình mới đặt ra những nhiệm vụ to lớn đó, đòi hỏi Lênin quan tâm sâu sắc đến vấn đề lý luận, đặc biệt là về phép biện chứng duy vật.

Sau khi xuất bản tác phẩm triết học Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908), Lênin lại tiếp tục đi sâu nghiên cứu triết học, đặc biệt là nghiên cứu phép biện chứng duy vật. Có lẽ Lênin định viết một tác phẩm triết học về vấn đề này nhưng chưa kịp hoàn thành. Lênin chỉ để lại cho chúng ta Tập bút ký, mà ngày nay tập hợp lại xuất bản thành sách với tên gọi Bút ký triết học bao gồm những bản tóm tắt, những đoạn trích, những ghi chú về các cuốn sách và những bài viết, những ghi chú, những nhận xét của Lênin. Tác phẩmBút ký triết học lần đầu tiên xuất bản vào năm 1929-1930 và sau đó được bổ sung và hoàn thiện dần.

Trong cuốn sách nhỏ này chúng tôi tập trung giới thiệu những tư tưởng của Lênin về phép biện chứng duy vật. Đây là vấn đề mà Lênin quan tâm nhất trong thời gian viết những trang bút ký này (1914-1915).

II. VỀ VẤN ĐỀ PHÉP BIỆN CHỨNG TRONG TÁC PHẨM

Trong Bút ký triết học, Lênin tập trung chú ý vào vấn đề phép biện chứng. Đây là một nội dung chủ yếu của triết học Mác. Kế thừa tư tưởng về phép biện chứng trong lịch sử triết học và đặc biệt là triết học của Hêghen, Lênin đã nêu ra và trình bày một cách sáng tạo về phép biện chứng duy vật.

1. Khái niệm chung về phép biện chứng

Lênin nhấn mạnh rằng: Phép biện chứng là khoa học về mối liên hệ và sự vận động. Trước hết, Lênin nói về sự vận động và tự thân vận động. Vận động và vận động tự thân có những ý nghĩa khác nhau. Vận động là sự liên hệ qua lại giữa các sự vật và hiện tượng, sự vận động tự thân là muốn nói đến nguồn gốc của sự vận động, là mâu thuẫn bên trong của sự vật và hiện tượng. Trong Bút ký triết học, Lênin nhấn mạnh đến sự vận động tự thân. Lênin trích dẫn một đoạn của Hêghen nói về vận động tự thân:

"Vận động và "tự vận động" (đây là NB! vận động tự thân (độc lập), tự nhiên, tất yếu bên trong), "sự biến đổi", "vận động và sức sống", "nguyên tắc của tất cả mọi sự tự vận động", "xung lực"... kích thích "sự vận động" và "sự hoạt động" - đối lập với "tồn tại chết"...". Lênin cho rằng, Hêghen đã nêu rõ căn nguyên bên trong của vận động tự thân, đó là tính tất nhiên bên trong, xung lực bên trong và sức sống... Do đó, vật chất là tự vận động, có tính năng động. Lênin nói tiếp: "Ai có thể tin rằng đấy là bản chất của "chủ nghĩa Hêghen"... Cái bản chất đó, phải phát hiện nó ra, hiểu nó,... bóc nó ra, lọc cho nó trong, và đó là công việc mà Mác và Ăngghen đã làm"1. Ở đây Lênin chỉ ra hạt nhân hợp lý của triết học Hêghen và nêu lên thái độ đúng đắn đối với nó. Bản thân Mác và Ăngghen cũng đã làm như vậy.

Khoa học cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ thứ XX đã chứng minh cho nguyên lý vận động và phát triển của phép biện chứng duy vật. Điều đó làm cho những người có đầu óc siêu hình cũng phải thừa nhận. Song, sự thừa nhận của họ là miễn cưỡng, là bề ngoài, là không thực chất, hoàn toàn khác với phép biện chứng duy vật. "Ở thế kỷ XX (và ngay hồi cuối thế kỷ XIX), "mọi người đều đồng ý" với "nguyên tắc về sự phát triển". - Nhưng sự "đồng ý" nông cạn, thiếu suy nghĩ, ngẫu nhiên, Philixtanh ấy là một loại đồng ý mà người ta dùng để bóp nghẹt và tầm thường hoá chân lý". Tiếp đó, Lênin nói về nguyên lý phát triển theo quan điểm biện chứng như sau: "Nếu tất cả đều phát triển thì tức là tất cả đều chuyển hoá từ cái nọ sang cái kia, bởi vì, như người ta đã biết, sự phát triển không phải là một sự lớn lên, một sự tăng thêm (respective một sự giảm bớt) etc. đơn giản, phổ biến và vĩnh viễn" 2.

Sau đó, Lênin lại đi sâu thêm bàn đến sự thống nhất phép biện chứng và nhận thức luận. Lênin nói: "Một là phải hiểu một cách chính xác hơn sự tiến hoá là sự sinh ra và sự huỷ diệt của mọi vật, là những sự chuyển hoá lẫn nhau. - Và hai là, nếu tất cả đều phát triển, thì cái đó có áp dụng cho những khái niệm và những phạm trù chung nhất của tư duy không? Nếu không thì tức là tư duy không có liên hệ gì với tồn tại cả. Nếu có, thì tức là có phép biện chứng của những khái niệm và phép biện chứng của nhận thức, phép biện chứng này có một ý nghĩa khách quan"3.

Lênin nói về nguyên lý mối liên hệ của phép biện chứng duy vật. Sau khi phân tích, phê phán "lôgích học" của Hêghen, Lênin cho rằng: "Nếu tôi không lầm thì ở đây có nhiều chủ nghĩa thần bí và sự trống rỗng thông thái rởm trong những suy luận ấy của Hêghen, nhưng tư tưởng cơ bản thì thiên tài". Lênin muốn nói đến: "Tư tưởng về mối liên hệ phổ biến, toàn diện, sống của tất cả, với tất cả, và về sự phản ánh của mối liên hệ ấy"4.

Có nhiều loại liên hệ, nhiều hình thức liên hệ giữa các sự vật và hiện tượng, mối liên hệ bản chất nhất là quy luật phổ biến. Theo Lênin, "quy luật = phản ánh yên tĩnh của những hiện tượng". Trong cuộc sống, trong giới tự nhiên, mọi sự vật, hiện tượng đều luôn luôn biến đổi, nhưng cũng có những mối liên hệ ổn định, tồn tại trong những quá trình đó, đấy là quy luật. Lênin cho rằng: "Quy luật là hiện tượng có tính chất bản chất" và "quy luật và bản chất là những khái niệm cùng một loại (cùng một bậc), hay nói đúng hơn, là cùng một trình độ, những khái niệm này biểu hiện con người nhận thức ngày càng sâu các hiện tượng, thế giới"5.

Lênin trích dẫn câu nói của Hêghen: "Như vậy, quy luật là một quan hệ bản chất", rồi sau đó ông viết: "Quy luật là quan hệ. Cái này NB đối với những người theo chủ nghĩa Makhơ và những người theo thuyết bất khả tri khác và những người theo chủ nghĩa Cantơ etc."6.

Lênin tán thành cách nói của Hêghen và cho rằng, điều đó đã chống lại quan điểm của chủ nghĩa Makhơ... vì những người theo quan điểm duy tâm chủ quan này và những người theo thuyết bất khả tri giải thích quy luật là những giả thiết, những phù hiệu chủ quan của con người tạo ra để giải thích sự vật và hiện tượng. Lênin khẳng định, quy luật là "mối quan hệ của những bản chất hay giữa những bản chất". Về quy luật, Lênin cho rằng: "Khái niệm quy luật là một trong những giai đoạn của sự nhận thức của con người về tính thống nhất và vềliên hệ, về sự phụ thuộc lẫn nhau và tính chỉnh thể của quá trình thế giới" 7.

2. Ba quy luật cơ bản của phép biện chứng

Trong Bút ký triết học, Lênin bàn đến ba quy luật cơ bản: Quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, quy luật lượng đổi dẫn đến chất đổi và ngược lại, quy luật phủ định của phủ định. Ba quy luật này có mối liên hệ mật thiết với nhau, Lênin coi quy luật mâu thuẫn là hạt nhân và thực chất của phép biện chứng duy vật. Lênin cho quy luật mâu thuẫn đã giải thích được căn nguyên của sự vận động. Vấn đề này trong lịch sử triết học đã được đề cập đến, song những nhà triết học siêu hình thì cho căn nguyên của vận động là một sức mạnh ở bên ngoài thế giới vật chất và thường đi đến thần hay là Thượng đế. Những nhà triết học duy tâm thì cho tinh thần là căn nguyên của vận động. Ngay Hêghen là nhà triết học có tư tưởng biện chứng, song vì dựa trên lập trường duy tâm khách quan nên không thể giải thích đúng đắn được căn nguyên của sự vận động. Chỉ có phép biện chứng duy vật mới thực sự giải quyết được vấn đề này. Trong tác phẩm Bút ký triết học, Lênin quan tâm và giải thích một cách sâu sắc về căn nguyên của sự vận động đó là mâu thuẫn của sự vật và hiện tượng, là sự đấu tranh của các mặt đối lập. Lênin trích dẫn một đoạn của Hêghen nói về mối quan hệ giữa vận động và mâu thuẫn: Mâu thuẫn, "nó là cái phủ định trong sự quy định bản chất của nó, là nguyên tắc của mọi sự tự vận động, mà sự tự vận động này không phải là cái gì khác mà chỉ là sự biểu hiện nào đấy của mâu thuẫn... Vận động là bản thân mâu thuẫn đang tồn tại8.

Cũng với tinh thần mâu thuẫn là căn nguyên của vận động, Lênin viết: ""Nguồn gốc nội tại của những sự khác nhau" - đó là lôgích bên trong khách quan của sự tiến hoá và của sự đấu tranh của những sự khác nhau, của các cực"9.

Trong tác phẩm, Lênin đã chỉ ra chỉ có tư duy biện chứng mới nắm được mâu thuẫn, do đó mà giải thích được quá trình vận động tự thân của mọi sự vật, hiện tượng. Ông viết: "Lý tính (trí tuệ) đang tư duy mài sắc sự khác nhau đã cùn đi của cái khác nhau, tính nhiều vẻ đơn giản của những biểu tượng thành một sự khác nhau bản chất, một sự đối lập. Chỉ khi nâng lên đến chóp đỉnh của mâu thuẫn thì những cái nhiều hình nhiều vẻ mới trở nên động và sống đối với nhau, - và mới chứa đựng một tính phủ định, tức là sự phốc động bên trong của tự vận động và của sức sống10.

Tiếp đến, trong bài Về vấn đề phép biện chứng, Lênin đã nói về quy luật mâu thuẫn như sau: "Sự phân đôi của cái thống nhất và sự nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó..., đó là thực chất... của phép biện chứng" 11.

Lênin khẳng định, quy luật mâu thuẫn là thực chất và hạt nhân của phép biện chứng duy vật. Sở dĩ như vậy là vì, quy luật mâu thuẫn là chìa khoá để hiểu biết về các quy luật khác của phép biện chứng duy vật. Chính vì vậy mà trong Bút ký triết học, Lênin đã hai lần nói rằng bản chất của phép biện chứng là sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Sau khi trình bày 16 yếu tố của phép biện chứng, Lênin nói: "Có thể định nghĩa vắn tắt phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập. Như thế là nắm được hạt nhân của phép biện chứng, nhưng điều đó đòi hỏi phải có những sự giải thích và một sự phát triển thêm"12.

Ở một chỗ khác Lênin lại viết: "Theo nghĩa đen, phép biện chứng là sự nghiên cứu mâu thuẫn trong ngay bản chất của các đối tượng: không phải chỉ riêng hiện tượng là tạm thời, chuyển động, lưu động, bị tách rời bởi những giới hạn chỉ có tính chất ước lệ, mà bản chấtcủa sự vật cũng như thế"13.

Quy luật thứ hai là quy luật lượng đổi dẫn đến chất đổi và ngược lại (gọi tắt là quy luật lượng đổi, chất đổi). Về quy luật này, Hêghen không nói nhiều, và phân tích không thật đầy đủ, có khi còn gượng ép. Trong Bút ký triết học, Lênin nói về quy luật này cũng không nhiều. Lênin đã viết về vấn đề chất đổi như sau: "Phân biệt bằng cách nào một sự chuyển hoá biện chứng với một sự chuyển hoá không biện chứng? Bằng bước nhảy vọt. Bằng tính mâu thuẫn. Bằng sự gián đoạn của tính tiệm tiến. Bằng tính thống nhất (đồng nhất) của tồn tại và không tồn tại"14.

Lênin nhận xét sự trình bày quy luật này trong "Lôgích học" của Hêghen như sau: "Sự chuyển hoá lượng thành chất, trong bản trình bày lý luận - trừu tượng, thì tối nghĩa đến nỗi người ta không hiểu gì cả"15.

Hêghen phê phán quan điểm cho rằng một sự vật mới ra đời là do quá trình tiệm tiến, theo Hêghen, thì để cho sự vật mới ra đời phải có sự nhảy vọt về chất. Lênin chủ ý trích dẫn câu nói của Hêghen: "Tính tiệm tiến mà không có bước nhảy vọt, thì không giải thích được gì cả"16.

Trong khi nói về những yếu tố của phép biện chứng, Lênin đã nêu ra quy luật này. Yếu tố thứ chín của phép biện chứng là: "Không phải chỉ là sự thống nhất của các mặt đối lập, mà còn là những chuyển hoá của mỗi quy định, chất, đặc trưng, mặt, thuộc tính sang mỗi cái khác [sang cái đối lập với nó?]"17. Và yếu tố thứ 15, Lênin nói đến sự biển đổi về chất là: "Đấu tranh của nội dung với hình thức và ngược lại. Vứt bỏ hình thức, cải tạo nội dung"18.

Bàn đến quy luật phủ định của phủ định, Lênin quan tâm đến khái niệm phủ định biện chứng. Lênin đã nhận xét về Hêghen khi Hêghen đánh giá Hêraclít: "Rất đúng và rất quan trọng: "cái khác" như là cái khác của nó, sự phát triển thành cái đối lập của nó"19.

Ở đây, Lênin nhấn mạnh phát triển là chuyển hoá sang mặt đối lập của nó.

Chuyển hoá sang mặt đối lập đó là quá trình phủ định, quá trình phủ định của phủ định diễn ra thông qua hai lần phủ định, lần phủ định thứ nhất sẽ dẫn đến tạo điều kiện cho sự phủ định lần thứ hai. Sự phủ định biện chứng được Lênin giải thích là: "Không phải sự phủ định sạch trơn, không phải sự phủ định không suy nghĩ, không phải sự phủ định hoài nghi, không phải sự do dự, cũng không phải sự nghi ngờ là cái đặc trưng và cái bản chất trong phép biện chứng, - dĩ nhiên, phép biện chứng bao hàm trong nó nhân tố phủ định, và thậm chí với tính cách là nhân tố quan trọng nhất của nó, - không, mà là sự phủ định coi như là vòng khâu của liên hệ, vòng khâu của sự phát triển, với sự duy trì cái khẳng định, tức là không có một sự do dự nào, không có một sự chiết trung nào"20. Trong các yếu tố của phép biện chứng, yếu tố thứ 13 và 14 đã nói về quy luật phủ định của phủ định: yếu tố thứ 13: sự lặp lại, ở giai đoạn cao, của một số đặc trưng, đặc tính etc. của giai đoạn thấp và... yếu tố thứ 14: sự quay trở lại dường như với cái cũ.

3. Những yếu tố của phép biện chứng

Lênin có ý định xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh cho phép biện chứng duy vật. Khi đọc "Khoa học lôgích" của Hêghen nói về phân tích và "tổng hợp" của phương pháp nhận thức, Lênin đã vạch ra vấn đề "yếu tố" trong phép biện chứng. Lênin nêu lên ba yếu tố như sau:

"1) Định nghĩa của khái niệm từ bản thân khái niệm [bản thân sự vật phải được xem xét trong những quan hệ của nó và trong sự phát triển của nó];

2) Tính mâu thuẫn trong bản thân sự vật (cái khác của bản thân nó), những lực lượng và những khuynh hướng mâu thuẫn trong mọi hiện tượng;

3) Sự kết hợp phân tích và tổng hợp"21.

Tuy nêu ra ba yếu tố như trên, song Lênin cảm thấy còn sơ lược, cần được bổ sung và mở rộng thêm. Sau khi nghiên cứu lôgích học của Hêghen, Lênin đã tổng kết lại và nêu lên 16 yếu tố của phép biện chứng.

Yếu tố 1: Tính khách quan của sự xem xét (không phải thí dụ, không phải dài dòng, mà bản thân sự vật tự nó).

Đây là nguyên tắc của phép biện chứng duy vật khi quan sát sự vật và hiện tượng, đòi hỏi chủ thể không được thêm bớt vào khách thể. Trong khi quan sát nếu chỉ dựa vào những sự vật, hiện tượng riêng lẻ để làm ví dụ là không đủ, vẫn là không có tính khách quan, tính khách quan đòi hỏi phải để bản thân sự vật tự nó thể hiện đầy đủ những mặt, những thuộc tính của nó.

Yếu tố 2: Tổng hoà những quan hệ muôn vẻ của sự vật ấy với những sự vật khác.

Đòi hỏi khi quan sát sự vật phải đặt sự vật ấy trong mối liên hệ với các sự vật khác, phải xem xét nó một cách toàn diện, trong một chỉnh thể.

Yếu tố 3: Sự phát triển của sự vật ấy (cũng như của hiện tượng), sự vận động của chính nó, đời sống của chính nó.

Đòi hỏi phải quan sát sự vật trong quá trình vận động và phát triển của nó, như thế mới tìm ra bản chất, quy luật của sự vật.

Yếu tố 4: Những khuynh hướng (và những mặt) mâu thuẫn bên trong của sự vật ấy.

Yếu tố 5: Sự vật (hiện tượng etc.) coi là tổng số và sự thống nhất của các mặt đối lập.

Yếu tố 6: Sự đấu tranh cũng như sự triển khai của các mặt đối lập ấy, của những khuynh hướng mâu thuẫn etc..

Ba yếu tố 4, 5, 6 đòi hỏi khi nghiên cứu sự vật phải coi nó là sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập.

Yếu tố 7: Sự kết hợp phân tích và tổng hợp, - sự phân tích những bộ phận riêng biệt và tổng hoà, tổng của những bộ phận ấy.

Yếu tố này đòi hỏi trong quá trình nghiên cứu không chỉ phân tích thành những bộ phận riêng lẻ mà còn phải biết tổng hợp những bộ phận đó lại để nhận thức sự vật, hiện tượng một cách hoàn chỉnh. Bảy yếu tố trên đây đã phát triển mở rộng ba yếu tố sơ lược ban đầu.

Yếu tố 1, 2 và 3 mở rộng yếu tố 1 trong ba yếu tố sơ lược trên.

Yếu tố 4, 5 và 6 làm rõ và bổ sung yếu tố thứ hai, trong ba yếu tố sơ lược.

Yếu tố 7 làm rõ thêm yếu tố thứ ba trong ba yếu tố sơ lược trên.

Nêu lên bảy yếu tố đã là một bước tiến dài làm phong phú nội dung của phép biện chứng duy vật, song Lênin lại tiếp tục bổ sung thêm năm yếu tố: 8, 9, 10, 11 và 12.

Yếu tố 8: Những quan hệ của mỗi sự vật (hiện tượng etc.) không những là muôn vẻ, mà còn là phổ biến, toàn diện. Mỗi sự vật (hiện tượng, quá trình etc.) đều liên hệ với mỗi sự vật khác. Lênin nêu lên mỗi sự vật có mối liên hệ phổ biến với các sự vật khác, trong mỗi sự vật riêng lẻ đều có quy luật chung.

Yếu tố 9: Không phải chỉ là sự thống nhất của các mặt đối lập, mà còn là những chuyển hoá của mỗi quy định chất, đặc trưng, thuộc tính sang mỗi cái khác (sang cái đối lập với nó).

Ở đây Lênin muốn nói không chỉ toàn bộ hiện tượng chuyển hoá sang mặt đối lập trong quá trình phát triển mà là mỗi quy định, chất, đặc trưng, mặt sang cái đối lập với nó, tức là yêu cầu phải nắm được toàn bộ những sự chuyển hoá có tính biện chứng trong quá trình phát triển.

Yếu tố 10: Quá trình vô hạn của việc tìm ra những mặt mới, những quan hệ mới etc.. Điều này nói lên sự phát triển của vật chất là một quá trình vô hạn tạo ra những mặt mới, đặc trưng mới của sự vật, cũng có nghĩa là sự phát triển của vật chất là không có giới hạn, là có tính đa dạng.

Yếu tố 11: Quá trình vô hạn của sự đi sâu của nhận thức của con người về các sự vật, hiện tượng, quá trình v.v., nhận thức đi từ hiện tượng đến bản chất, từ bản chất ít sâu sắc đến bản chất sâu sắc hơn.

Yếu tố 12: Từ sự cùng tồn tại đến tính nhân quả và từ một hình thức liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau này đến một hình thức khác, sâu sắc hơn, chung hơn.

Hai yếu tố 11 và 12 nói lên nhận thức của con người là một quá trình vô hạn ngày càng đi sâu vào bản chất của sự vật. Yếu tố 8 đã bổ sung cho yếu tố 2 trong bảy yếu tố đã nói trên, yếu tố 9 bổ sung cho yếu tố 5 và cả yếu tố 4 và 6. Ba yếu tố 10, 11, 12 thì bổ sung cho yếu tố 7.

Sau khi nêu lên 12 yếu tố, Lênin nhận thấy có một số nội dung cần được bổ sung để hoàn chỉnh phép biện chứng. Đó là bốn yếu tố: 13, 14, 15 và 16.

Yếu tố 13 và yếu tố 14: Sự lặp lại, ở giai đoạn cao của một số đặc trưng, đặc tính etc. của giai đoạn thấp và sự quay trở lại dường như với cái cũ (phủ định của phủ định). Hai yếu tố 13 và 14 đòi hỏi phải khảo sát quy luật phủ định của phủ định.

Yếu tố 15: Đấu tranh của nội dung với hình thức và ngược lại. Vứt bỏ hình thức, cải tạo nội dung và yếu tố 16: Sự chuyển hoá lượng thành chất và những thí dụ của 9. Hai yếu tố này đòi hỏi phải chú ý đến quy luật lượng đổi dẫn đến chất đổi và ngược lại.

Bốn yếu tố cuối cùng thực chất là làm rõ thêm về hai quy luật phủ định của phủ định và quy luật lượng đổi chất đổi của phép biện chứng duy vật.

Qua từng bước như trên, Lênin đã phát triển và làm sâu sắc thêm ba yếu tố ban đầu còn sơ lược của phép biện chứng duy vật. Từ đó hình thành 16 yếu tố, tạo nên một nội dung phong phú của phép biện chứng duy vật.

III. VỀ VẤN ĐỀ NHẬN THỨC LUẬN TRONG TÁC PHẨM 

Vào đầu thế kỷ XX, triết học tư sản rất quan tâm đến vấn đề lý luận nhận thức, nhưng sự giải thích của họ dựa trên lập trường duy tâm, và đi đến chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, Lênin đã phê phán triết học của chủ nghĩa duy tâm lúc đó của giai cấp tư sản và đặc biệt trên lĩnh vực lý luận nhận thức.

Trong Bút ký triết học, Lênin tiếp tục bàn đến vấn đề lý luận nhận thức và đi sâu vào quá trình biện chứng của nhận thức.

1. Nhận thức là quá trình con người phản ánh giới tự nhiên

Lênin cho rằng: "Nhận thức là sự phản ánh giới tự nhiên bởi con người", nhưng sự phản ánh của con người không phải là đơn giản, tiêu cực mà có tính năng động, sáng tạo. Lênin viết tiếp: "Nhưng đó không phải là một phản ánh đơn giản, trực tiếp, hoàn chỉnh, mà là một quá trình cả một chuỗi những sự trừu tượng, sự cấu thành, sự hình thành ra các khái niệm, quy luật etc. - và chính các khái niệm, quy luật này etc. (tư duy, khoa học = "ý niệm lôgích") bao quát một cách có điều kiện, gần đúng tính quy luật phổ biến của giới tự nhiên vĩnh viễn vận động và phát triển" 22.

 Con người thông qua khái niệm, quy luật, phạm trù để phản ánh quy luật khách quan của giới tự nhiên. Nhưng Hêghen lại cho rằng, quy luật của giới tự nhiên là do ý niệm tuyệt đối sinh ra, đã thần bí hoá quy luật. Lênin đã làm rõ đối tượng của nhận thức của con người là giới tự nhiên. Lênin viết: "Ở đây, thật sự và về khách quan có ba vế: 1) giới tự nhiên; 2) nhận thức của con người, = bộ óc của người (với tư cách là sản phẩm cao nhất của giới tự nhiên đó) và 3) hình thức của sự phản ánh giới tự nhiên vào trong nhận thức của con người; hình thức này chính là những khái niệm, những quy luật, những phạm trù etc."23.

Có thể thấy, Lênin đã đứng trên lập trường duy vật khẳng định đối tượng nhận thức là giới tự nhiên tồn tại một cách khách quan, nhận thức của con người là sự phản ánh là tính thứ hai mà giới tự nhiên là tính thứ nhất.

Lênin còn chỉ ra, nhận thức của con người là một quá trình ngày càng đi sâu vào thế giới tự nhiên, chứ không thể nhận thức một cách đầy đủ ngay được. Lênin viết: "Con người không thể nắm được = phản ánh = miêu tả toàn bộ giới tự nhiên một cách đầy đủ, "tính chỉnh thể trực tiếp" của nó, con người chỉ có thể đi gần mãi đến đó, bằng cách tạo ra những trừu tượng, những khái niệm, những quy luật, một bức tranh khoa học về thế giới v.v. và v.v.".

Bằng các khái niệm, quy luật, phạm trù, con người ngày càng phản ánh giới tự nhiên sâu sắc và đầy đủ hơn. Quá trình đó không bao giờ kết thúc, con người ngày càng tiếp cận đến giới tự nhiên mà thôi vì bản thân giới tự nhiên luôn luôn vận động và phát triển. Trong quá trình nhận thức đó, con người bằng các khái niệm, quy luật, tạo ra bức tranh khoa học về thế giới, bức tranh đó ngày càng được mở rộng, ngày càng sâu sắc hơn để phản ánh giới tự nhiên.

Lênin khẳng định một nguyên lý trong quá trình nhận thức là, giới tự nhiên và con người phải kết hợp lại chứ không phải tách rời ra. Lênin tán thành sự phê phán của Hêghen đối với Cantơ, vì Cantơ cho rằng "vật tự nó" là không thể nhận thức được, ông đã tách nhận thức với tồn tại, con người với giới tự nhiên. Lênin viết: "Ở Cantơ, nhận thức chia rẽ (tách rời) giới tự nhiên và con người; thật ra, nó nối liền hai cái đó với nhau" 24.

2. Ba giai đoạn của quá trình nhận thức

Lênin cho rằng, nhận thức là một quá trình phát triển biện chứng qua nhiều giai đoạn. Lênin nói: "Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan" 25.

"Trực quan sinh động" là giai đoạn đầu của nhận thức, đó chính là nhận thức cảm tính bước đầu tiên con người tiếp xúc với giới tự nhiên khách quan. "Tư duy trừu tượng" là giai đoạn thứ hai, trên cơ sở của nhận thức cảm tính khái quát lên thành những khái niệm, quy luật, đó cũng chính là giai đoạn lý tính. Tiếp sau đó, "tư duy trừu tượng" trở về với thực tiễn, để kiểm tra sự nhận thức của con người có đúng đắn không. Thực tiễn ở đây là giai đoạn thứ ba trong quá trình nhận thức. Song, chúng ta không quên rằng thực tiễn là cơ sở của toàn bộ quá trình nhận thức, do đó nó không phải chỉ có mặt ở giai đoạn thứ ba, mà nó liên quan chặt chẽ với các giai đoạn trước đó. Cantơ cho rằng, thế giới khách quan bên ngoài là không thể nhận thức được, do đó tri thức của con người chỉ là tri thức về bên trong của tinh thần, còn cái "vật tự nó" do không thể nhận thức được, đã trở thành đối tượng của niềm tin. Nhà triết học duy tâm khách quan Hêghen thì đề cao vai trò của tri thức, nhưng tri thức đó là tri thức về "Thượng đế", về tinh thần tuyệt đối, vì thế mà tri thức đó không đúng đắn. Chỉ có chủ nghĩa duy vật biện chứng mới thực sự đề cao tri thức, khẳng định con người nhận thức được giới tự nhiên, mới thật sự tôn trọng tri thức. Lênin viết: "Cantơ hạ thấp tri thức để dọn sạch đường cho lòng tin; Hêghen đề cao tri thức, quả quyết rằng tri thức tức là tri thức về Thượng đế. Người duy vật đề cao tri thức về vật chất, giới tự nhiên, tống Thượng đế và những bọn triết học đê tiện bảo vệ Thượng đế vào hố rác" 26.

Cantơ chủ trương trước khi con người nhận thức thì cần phải làm rõ năng lực của lý trí có thể nhận thức được thế giới hay không. Hêghen phê phán rằng, như vậy là Cantơ muốn biết bơi trước khi nhảy xuống nước. Lênin tán thành sự phê phán này của Hêghen: Muốn hiểu biết thì phải bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, từ kinh nghiệm mà đi đến cái chung; muốn tập bơi phải nhảy xuống nước.

Nhận thức cảm tính phân biệt với nhận thức lý tính. Nhận thức cảm tính là sự nhận thức đối với sự vật đơn nhất, cá biệt, nhận thức lý tính (tư duy) rút ra được cái chung từ trong sự vật đơn nhất. Lênin đặt vấn đề nhận thức cảm tính, biểu tượng so với nhận thức lý tính, tư duy, cái nào tiến gần tới sự vật hơn, và Lênin trả lời: "So với tư duy, biểu tượng có gần thực tại hơn không? Có và không. Biểu tượng không thể nắm được vận động trong chỉnh thể của nó, chẳng hạn, nó không nắm được sự vận động với tốc độ 300.000 cây số một giây, trái lại tư duy nắm được và phải nắm được. Tư duy được rút ra từ biểu tượng, cũng phản ánh thực tại" 27.

Lênin tiếp tục giải thích nhận thức của con người gồm có hai hình thức là cảm tính và lý tính là do đặc tính của bản thân thế giới khách quan quyết định. Đó là: "Giới tự nhiên thì vừa là cụ thể vừa là trừu tượng, vừa là hiện tượng vừa là bản chất, vừa là khoảnh khắc vừa làquan hệ"28.

3. Vai trò của thực tiễn trong quá trình nhận thức

Bàn đến vai trò của thực tiễn trong quá trình nhận thức, Lênin chỉ ra thực tiễn là mục đích của sự nhận thức, nhận thức của con người là nhằm phục vụ thực tiễn: Thế giới không thoả mãn con người và con người quyết định biến đổi thế giới bằng hành động của mình.

Con người thông qua hoạt động thực tiễn nhằm đạt tới mục đích của mình. Để làm được như vậy, con người phải nhận thức được bản chất và quy luật của thế giới hiện thực, dùng nhận thức đó để chỉ đạo hành động của mình. Như vậy, nhận thức của con người phải lấy thực tiễn làm mục đích. Thực tiễn còn có vai trò to lớn, như Lênin nói: "Thực tiễn cao hơn nhận thức (lý luận), vì nó có ưu điểm không những của tính phổ biến, mà cả của tính hiện thực trực tiếp"29.

Lênin nêu lên đặc điểm của hoạt động thực tiễn so với lý luận. Lý luận có tính phổ biến vì nó phản ánh được quy luật khách quan của hiện thực. Hoạt động thực tiễn cũng chịu sự chi phối của quy luật khách quan đó, song hoạt động thực tiễn là sự tác động trực tiếp của con người vào thế giới khách quan nên nó còn có "tính hiện thực trực tiếp".

Hoạt động thực tiễn của con người đều hướng tới một mục đích nhất định. Mục đích đó, chủ nghĩa duy tâm cho là do thần thánh mang lại hoặc là do từ trong tư tưởng của con người nảy sinh ra. Đó là cách giải thích sai lầm. Lênin đã chỉ ra: "Mục đích của con người là do thế giới khách quan sản sinh ra, và lấy thế giới khách quan làm tiền đề" 30. Con người thông qua hoạt động thực tiễn để đạt mục đích của mình. Hoạt động thực tiễn của con người dựa trên quy luật nhân quả và những quy luật của thế giới hiện thực. Lênin cho rằng, những quy luật của thế giới bên ngoài, của giới tự nhiên... là những cơ sở của hoạt động có mục đích của con người. Lênin khẳng định: "Kỹ thuật cơ giới và hoá học phục vụ mục đích của con người, chính là vì tính chất của nó... là ở chỗ nó được những điều kiện bên ngoài (những quy luật của giới tự nhiên) quy định"31.

Thực tiễn còn có vai trò là tiêu chuẩn khách quan của chân lý. Lênin viết: "Con người chứng minh bằng thực tiễn của mình sự đúng đắn khách quan của những ý niệm, khái niệm, tri thức của mình, của khoa học của mình" 32.

Lênin chỉ ra rằng, chân lý là một quá trình, con người thông qua hoạt động thực tiễn mà làm cho tri thức của mình tiến tới chân lý khách quan. Lênin viết: "Trong khi kiểm nghiệm và áp dụng sự đúng đắn của những phản ánh ấy vào thực tiễn của mình và trong kỹ thuật, con người đạt tới chân lý khách quan"33.

Lênin khẳng định, nhận thức là một quá trình phát triển biện chứng, chân lý cũng là một quá trình. Lênin viết: "Tư tưởng... không nên hình dung chân lý dưới dạng một sự đứng im chết cứng, một bức tranh (hình ảnh) đơn giản, nhợt nhạt (lờ mờ), không khuynh hướng, không vận động, y như một thần linh, một số, một tư tưởng trừu tượng". Lênin khẳng định, quá trình nhận thức là không có giới hạn: "Nhận thức là sự tiến gần mãi mãi và vô tận của tư duy đến khách thể"34.

Quá trình nhận thức luôn luôn vận động, nảy sinh mâu thuẫn và khắc phục mâu thuẫn, đó cũng là một quá trình biện chứng, nhưng về hình thức biểu hiện thì quá trình biện chứng này có những đặc điểm khác với quá trình biện chứng của thế giới khách quan. Không những quá trình nhận thức của nhân loại trên tiến trình lịch sử là biện chứng mà quá trình nhận thức của con người cá biệt cũng là một quá trình biện chứng. Ví dụ như từ cảm giác phát triển lên tư tưởng là sự nhảy vọt về chất. Lênin viết: "Không những sự chuyển hoá từ vật chất đến ý thức mà cả từ cảm giác đến tư tưởng etc. cũng là biện chứng" 35.

4. Tác động trở lại của tư tưởng con người

Nhận thức là một quá trình biện chứng, cũng có nghĩa là nhận thức của con người là một quá trình năng động, không phải là sự phản ánh đơn giản, tiêu cực. Lênin viết: "Tư tưởng về sự chuyển hoá từ cái quan niệm thành cái thực tại là một tư tưởng sâu sắc"36.

Lênin cho đây là một vấn đề rất quan trọng trong tiến trình lịch sử của nhân loại và cũng có ý nghĩa đối với đời sống của mỗi con người. Đây là điều mà chủ nghĩa duy vật tầm thường không nhìn thấy. Lênin chỉ ra cơ sở lý luận của tính năng động của tư tưởng là: "Sự phân biệt giữa cái quan niệm và cái vật chất cũng không phải là tuyệt đối, không phải là vô hạn"37. Sự tác động trở lại của ý thức, tư tưởng đối với vật chất, thế giới khách quan phải thông qua con người, hoạt động thực tiễn của con người. Lênin viết: "Thế giới không thoả mãn con người, và con người quyết định biến đổi thế giới bằng hành động của mình"38. Ở một chỗ khác Lênin cũng đề cập đến ý thức phải thông qua hoạt động của con người mới phát huy tác dụng: "Hoạt động của con người tự tạo cho mình một bức tranh khách quan về thế giới, nólàm biến đổi hiện thực bên ngoài"39.

Lênin quan tâm bàn đến vấn đề căn nguyên nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm. Căn nguyên của chủ nghĩa duy tâm có thể nêu lên là căn nguyên xã hội, đó là do một giai cấp, một lực lượng xã hội nào đó hình thành và phát triển chủ nghĩa duy tâm nhằm phục vụ lợi ích của mình; căn nguyên lịch sử của chủ nghĩa duy tâm có thể nêu lên là do sự ngu muội kém hiểu biết của con người tiền sử mà sinh ra tôn giáo, chủ nghĩa duy tâm ban đầu của loài người. Nhưng đi sâu phân tích về nguồn gốc nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm thì Lênin là người đặt ra vấn đề và nghiên cứu sâu vào vấn đề này. Tuy cũng có thể thấy Phơbách phần nào tiếp xúc tới vấn đề này khi ông nói đến sự ra đời của Thượng đế, hơn nữa Mác và Ăngghen cũng có bàn đến, nhưng chưa đi sâu phân tích một cách hệ thống.

Khi đọc tác phẩm Siêu hình học của Arixtốt, Lênin đã nêu lên nguồn gốc nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm. Đó là người ta đem những khái niệm, ý niệm chung biến thành những cái tồn tại độc lập, tách khỏi bộ óc của con người. Lênin viết: "Chủ nghĩa duy tâm nguyên thuỷ: cái chung (khái niệm, ý niệm) là một tồn tại cá biệt. Điều đó hình như kỳ lạ, vô lý một cách quái dị (nói đúng hơn: một cách ấu trĩ). Nhưng chủ nghĩa duy tâm hiện đại, Cantơ, Hêghen, ý niệm về Thượng đế, chẳng phải là cũng cùng một loại đấy sao (đúng là cùng một loại)?" 40. Trước khi phân tích sâu vào nguồn gốc nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm, Lênin đã khẳng định chủ nghĩa duy tâm nguyên thuỷ và chủ nghĩa duy tâm hiện đại về bản chất là như nhau, chúng có cùng một nguồn gốc về nhận thức luận. Sau đó, Lênin phân tích vào nguồn gốc đó:

"Những cái bàn, những cái ghế và ý niệm về bàn và về ghế; thế giới và ý niệm về thế giới (Thượng đế); vật và "numen", "vật tự nó" không nhận thức được; mối liên hệ của mặt trời và trái đất, của giới tự nhiên nói chung - và quy luật, lôgôxơ, Thượng đế". Sau khi nêu ra những ví dụ về sự "phân đôi" của nhận thức như vậy, Lênin chỉ ra khả năng đi đến chủ nghĩa duy tâm trong quá trình nhận thức là: "Sự phân đôi của nhận thức của con người và tính khả năng của chủ nghĩa duy tâm (= của tôn giáo) đã có trong cái trừu tượng đầu tiên, tối sơ
"cái nhà" nói chung và những cái nhà cá biệt"41.

Lênin chỉ ra rằng, trong khái niệm đơn giản về cái bàn, cái nhà đã là một sự trừu tượng, và trong đó đã bao hàm một phần ảo tưởng thoát ly khỏi cái bàn, cái nhà cụ thể. Lênin còn gợi ý đi sâu vào một phần ảo tưởng trong sự trừu tượng của nhận thức bằng khái niệm. Lênin nhắc đến Pixarép. Ông này nói về hai loại ảo tưởng, đó là "về mơ ước có ích coi như là kích thích cho hành động" và một loại ảo tưởng khác là "về sự mơ màng trống rỗng". Mơ ước có ích là sự mơ ước của chủ quan con người phù hợp với xu thế khách quan của sự vật, có tác dụng động viên con người vươn lên trong cuộc sống; còn sự mơ màng trống rỗng là sự ảo tưởng thuần tuý chủ quan, không có tác dụng tích cực trong cuộc sống.

Lênin đặc biệt quan tâm đến sự phát triển lý luận nhận thức trong triết học Mác. Lênin đã nêu ra một cương lĩnh và những nhiệm vụ để thực hiện vấn đề này. Đó là: lịch sử triết học; lịch sử của các môn khoa học riêng biệt; lịch sử của sự phát triển trí lực của trẻ con; lịch sử của sự phát triển trí lực của động vật; lịch sử của ngôn ngữ...

 IV. VỀ VẤN ĐỀ LÔGÍCH HỌC TRONG TÁC PHẨM

Lôgích học là khoa học nghiên cứu về tư duy và quy luật của tư duy con người. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin rất quan tâm đến lôgích học, chủ yếu là lôgích biện chứng và lôgích hình thức. Ăngghen trong tác phẩm Chống Đuyrinh đã làm rõ sự khác nhau giữa lôgích biện chứng và lôgích hình thức. Trong Bút ký triết học, Lênin quan tâm sâu sắc đến lôgích biện chứng, ông chăm chú theo dõi tư tưởng của Hêghen trong Khoa học về lôgích.

1. Định nghĩa về lôgích biện chứng

Trong Bút ký triết học, lần đầu tiên Lênin nêu lên định nghĩa về lôgích biện chứng: "Lôgích không phải là học thuyết về những hình thức bên ngoài của tư duy, mà là học thuyết về những quy luật phát triển của "tất thảy mọi sự vật vật chất, tự nhiên và tinh thần", tức là học thuyết về những quy luật phát triển của toàn bộ nội dung cụ thể của thế giới và nhận thức thế giới, tức là sự tổng kết, tổng số, kết luận của lịch sử nhận thức thế giới" 42

Lênin khẳng định rằng, lôgích biện chứng không như lôgích hình thức chỉ nghiên cứu những hình thức của tư duy, ông nhận xét và đồng ý với Hêghen: "Hêghen đòi một lôgích mà những hình thức phải là những hình thức có nội dung, những hình thức có nội dung thực tế, sinh động, gắn liền chặt chẽ với nội dung"43.

Từ định nghĩa trên, ta có thể rút ra lôgích biện chứng không nghiên cứu hình thức bên ngoài của tư duy mà là nghiên cứu nội dung cụ thể của thế giới và sự nhận thức những nội dung đó. Lôgích biện chứng chuyển tính chính xác về hình thức của tư duy sang tính chân lý của tư tưởng. Trong định nghĩa đó cũng khẳng định nhận thức của con người có thể phản ánh được bản chất và quy luật khách quan của thế giới. Lênin cho rằng, lôgích biện chứng là học thuyết về những quy luật phát triển của toàn bộ nội dung cụ thể của thế giới và nhận thức thế giới. Ở đây, bản thể luận và nhận thức luận đã thống nhất. Đây là một vấn đề rất quan trọng trong triết học mà nhiều nhà triết học trước Mác đã phạm sai lầm. Ví dụ như Cantơ cho rằng, thế giới "vật tự nó" là không thể nhận thức được, như vậy ông đã tách rời bản thể luận và nhận thức luận, và đi đến thuyết không thể biết.

Từ trong định nghĩa đó, chúng ta cũng thấy quy luật của hiện thực khách quan được phản ánh trong quy luật của tư duy. Quy luật của tư duy và quy luật của hiện thực là nhất trí, phù hợp với nhau. Quy luật của hiện thực khách quan quyết định sự tồn tại của quy luật tư duy.

Định nghĩa còn nêu lên vai trò của lôgích biện chứng là sự tổng kết, tổng số, kết luận của lịch sử nhận thức thế giới. Ở đây có mối quan hệ giữa cái lôgích và cái lịch sử trong quá trình nhận thức thế giới.

Lênin ở nhiều chỗ khác trong Bút ký triết học đã giải thích thêm về lôgích biện chứng, nhất là khi nói đến bộ Tư bản của Mác, Lênin viết: "Mác không để lại cho chúng ta Lôgích học..., nhưng đã để lại cho chúng ta lôgích của Tư bản44.

Qua đó ta thấy rằng bộ Tư bản đã vạch ra quy luật xa rời phát triển và tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản, đó chính là sự phát triển theo quy luật biện chứng khách quan của chủ nghĩa tư bản. Mặt khác, qua bộ Tư bản chúng ta cũng thấy được một hệ thống khái niệm phạm trù, quy luật là sự vận dụng phép biện chứng của Mác vào việc nghiên cứu chủ nghĩa tư bản, đó là lôgích của bộ Tư bản.

2. Nội dung của lôgích biện chứng

Lênin đề ra những nội dung chủ yếu cho lôgích biện chứng. Lênin viết: "Những quan hệ (= chuyển hoá = mâu thuẫn) của những khái niệm = nội dung chủ yếu của lôgích, hơn nữa những khái niệm ấy (và những quan hệ, chuyển hoá và mâu thuẫn của chúng) đều được trình bày như là những phản ánh của thế giới khách quan. Biện chứng của sự vật sản sinh ra biện chứng của ý niệm, chứ không phải ngược lại"45.

Lênin còn chỉ ra một cách cụ thể các khái niệm, phạm trù... phải như thế nào để có thể phản ánh sự vật khách quan: "trong những khái niệm của con người; những khái niệm này cũng phải được mài sắc, gọt giũa, mềm dẻo, năng động, tương đối, liên hệ với nhau, thống nhất trong những đối lập, để có thể bao quát vũ trụ"46.

Lênin đưa ra một hình ảnh để nói lên những khái niệm, phạm trù phải làm thế nào để phản ánh được thế giới khách quan bên ngoài. Ông coi thế giới khách quan như dòng sông và những giọt nước là những sự vật cá biệt: "Con sông và những giọt trong con sông ấy. Vị trí của mỗi giọt, mối quan hệ của nó với những giọt khác; hướng vận động của nó; tốc độ; con đường vận động - thẳng, cong, tròn etc. - hướng lên trên, hướng xuống dưới. Tổng của vận động. Những khái niệm, coi là bản tổng kê những mặt riêng biệt của vận động, của những giọt riêng biệt 
(= "những sự vật"), của những "luồng" riêng biệt etc.. Đại khái đó là bức tranh của thế giới theo lôgích của Hêghen, - tất nhiên trừ Thượng đế và cái tuyệt đối"47.

Như vậy, nội dung chủ yếu của lôgích biện chứng là quan hệ và chuyển hoá của các khái niệm. Hai chữ "quan hệ" biểu hiện một nội dung tư tưởng rất rộng, trong đó có một nội dung là mâu thuẫn, mâu thuẫn tức là quan hệ của hai mặt đối lập. Do đó, nội dung chủ yếu của lôgích biện chứng là quan hệ mâu thuẫn của các khái niệm, mâu thuẫn của những khái niệm đó phản ánh mâu thuẫn thực sự trong cuộc sống.

Khái niệm phải linh hoạt, mềm dẻo, năng động thì mới có thể phản ánh được mâu thuẫn và chuyển hoá của sự vật. Những khái niệm của lôgích biện chứng phải là những khái niệm đúng đắn. Muốn hình thành khái niệm phải tiến hành trừu tượng hoá đối với sự vật, hiện tượng khách quan, nhưng không phải sự trừu tượng nào cũng đúng đắn, khoa học. Có những sự trừu tượng trống rỗng sẽ đưa đến những khái niệm sai lạc. Khái niệm phản ánh được cái chung của các sự vật và hiện tượng, nhưng lôgích biện chứng đòi hỏi khái niệm không chỉ phản ánh cái chung mà còn đòi hỏi khái niệm phản ánh được cái chung bản chất.

Tính linh hoạt, mềm dẻo của khái niệm cũng có hai mặt, có cái là khách quan phù hợp với sự biến đổi của sự vật và hiện tượng, có cái là chủ quan thuần tuý xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của con người mà tạo ra. Lênin viết: "Tính linh hoạt toàn diện, phổ biến của các khái niệm, tính linh hoạt đến mức đồng nhất của các mặt đối lập, - đấy là thực chất". Và Lênin cũng nói đến tính linh hoạt do chủ quan con người tạo ra: "Tính linh hoạt đó áp dụng một cách chủ quan = chủ nghĩa chiết trung và ngụy biện" 48. Lênin chỉ ra lôgích biện chứng yêu cầu tính linh hoạt áp dụng một cách khách quan, tính linh hoạt biện chứng. Ông viết: "Tính linh hoạt áp dụng một cách khách quan, nghĩa là phản ánh tính toàn diện của quá trình vật chất và sự thống nhất của quá trình đó, thì đó là phép biện chứng, là sự phản ánh chính xác sự phát triển vĩnh viễn của thế giới"49.

3. Tính hệ thống của lôgích biện chứng

Lôgích biện chứng phải là một hệ thống khái niệm, phạm trù. Cơ sở lý luận để xây dựng hệ thống khái niệm phạm trù đó: Một là, bản chất giới tự nhiên là một hệ thống. Hai là, sự nhận thức lý tính của con người đi sâu vào nhận thức giới tự nhiên cũng hình thành một hệ thống những khái niệm, phạm trù phản ánh giới tự nhiên đó.

Lênin phân tích vấn đề này như sau: "Trước con người, có màng lưới những hiện tượng tự nhiên. Con người bản năng, người man rợ, không tự tách khỏi giới tự nhiên. Người có ý thức tự tách khỏi giới tự nhiên, những phạm trù là những giai đoạn của sự tách khỏi đó, tức là của sự nhận thức thế giới, chúng là những điểm nút của màng lưới, giúp ta nhận thức và nắm vững được màng lưới"50.

Để xây dựng một hệ thống của lôgích biện chứng, Lênin đã chỉ ra một số nguyên tắc:

Thứ nhất, trong lôgích biện chứng, các khái niệm phạm trù có mối liên hệ với nhau, không như trong lôgích hình thức, các phạm trù khái niệm tách rời nhau, được xếp lại bên cạnh nhau mà thôi. Hêghen là người đầu tiên xây dựng một hệ thống cho những phạm trù khái niệm như vậy. Lênin đã tiếp thu có phê phán hệ thống này của Hêghen, Lênin đã chép lại "Dàn mục của phép biện chứng (lôgích) của Hêghen". Các khái niệm được Hêghen sắp xếp như sau: Phần thứ nhất là học thuyết về tồn tại, phần thứ hai là học thuyết và bản chất, phần thứ ba là học thuyết về khái niệm. Lênin chỉ ra trình tự như vậy là phù hợp với tiến trình nhận thức của loài người. Nhận thức của loài người cũng bắt đầu từ tồn tại rồi đi sâu vào bản chất, sau đó hình thành khái niệm, phản ánh quan hệ bản chất đó. Nhưng Hêghen lại mô tả tiến trình đó trên lập trường duy tâm, vì thế Lênin phải lật ngược lại.

Thứ hai, Lênin lại nêu ra Mác đã xây dựng hệ thống khái niệm trong bộ Tư bản như thế nào. Lênin nêu lên một số điểm có tính nguyên tắc như sau:

- Sự phù hợp giữa "lịch sử của chủ nghĩa tư bản" và sự phân tích những khái niệm tóm tắt lịch sử này.

- Điểm xuất phát - "tồn tại" đơn giản nhất...: hàng hoá cá biệt.

- Vận dụng các phương pháp diễn dịch và quy nạp, lôgích và lịch sử.

- Kiểm tra bằng thực tiễn qua mỗi bước phân tích.

- Chú ý mối quan hệ bản chất và hiện tượng trong giá cả và giá trị, cầu và cung, giá trị (= lao động kết tinh), tiền công và giá cả của sức lao động.

Trong bài Về vấn đề phép biện chứng, Lênin cũng nói đến hệ thống khái niệm trong bộ Tư bản. Có thể nhận thấy ở đây Lênin đã so sánh hai hệ thống khái niệm của Hêghen và của Mác để thấy sự phù hợp của chúng và cũng đều là tiến trình nhận thức của nhân loại và của mỗi con người cá biệt.

Muốn xây dựng một hệ thống khái niệm cần quán triệt nguyên tắc: "Lịch sử tư tưởng nói chung và nói về toàn bộ, phải phù hợp với những quy luật của tư duy"51. Ở một chỗ khác, Lênin cũng nhắc lại sự thống nhất giữa lịch sử tư tưởng và kết cấu lôgích: "Lịch sử tư tưởng theo quan điểm phát triển và áp dụng các khái niệm và các phạm trù chung của lôgích - đó là cái cần có"52.

Đây là nguyên tắc thống nhất giữa cái lôgích và cái lịch sử; quán triệt nguyên tắc này để xây dựng hệ thống khái niệm lôgích biện chứng, xây dựng kết cấu khái niệm trong lôgích biện chứng có nghĩa là phải hình thành hệ thống khái niệm đó trên cơ sở tổng kết lịch sử nhận thức của loài người, của các ngành khoa học, của sự phát triển ý thức, tâm lý của con người, của động vật, v.v..

V. VỀ VẤN ĐỀ THỐNG NHẤT PHÉP BIỆN CHỨNG, NHẬN THỨC LUẬN VÀ LÔGÍCH HỌC

1. Đặt vấn đề

Vấn đề thống nhất phép biện chứng, nhận thức luận và lôgích học là vấn đề thực chất của triết học Mác. Vấn đề này có liên quan đến triết học trong truyền thống lịch sử, lịch sử triết học đã đặt ra vấn đề mới quan hệ giữa bản thể luận, nhận thức luận và lôgích học. Ở những thời kỳ khác nhau, ở những nhà triết học khác nhau, đã có những quan điểm khác nhau và đối lập nhau. Có quan điểm cho rằng, ba bộ phận đó hoàn toàn tách rời nhau, không có liên quan gì với nhau; có quan điểm ngược lại cho rằng, ba bộ phận đó thống nhất với nhau, gắn bó với nhau.

Đến thời cận đại, quan điểm siêu hình chi phối, nên nhiều nhà triết học có quan điểm cho rằng ba bộ phận đó tách rời nhau. Điển hình nhất là triết học của Cantơ. Ba bộ phận đó trong triết học của Cantơ là hoàn toàn tách biệt. Cantơ thừa nhận sự tồn tại của "vật tự nó", nhưng con người không thể nhận thức được. Hơn thế nữa, Cantơ còn nêu ra lôgích tiên - nghiệm, những khái niệm, phạm trù của nó là sự sáng tạo thuần tuý chủ quan trong đầu óc con người.

Hêghen đã phê phán thuyết bất khả tri và lôgích tiên nghiệm của Cantơ. Ông đã thống nhất ba bộ phận của triết học là bản thể luận, nhận thức luận và lôgích học. Nhưng sự thống nhất của ba vế đó ở Hêghen đặt trên cơ sở của chủ nghĩa duy tâm khách quan, tức là phép biện chứng của tinh thần tuyệt đối.

Mác và Ăngghen đã phê phán phép biện chứng duy tâm khách quan đó của Hêghen và lật ngược lại đặt phép biện chứng trên cơ sở duy vật. Song, Mác và Ăngghen chưa có điều kiện để đi sâu trình bày hệ thống vấn đề thống nhất của ba vế này của phép biện chứng trong triết học.

Trong Bút ký triết học, Lênin đã đặc biệt quan tâm đến phép biện chứng và sự thống nhất phép biện chứng, nhận thức luận và lôgích học. Trong quá trình nghiên cứu tư tưởng triết học của Hêghen, Lênin đã phân tích, phê phán, nêu ra những nhận xét, đánh giá và hình thành những quan điểm khoa học của vấn đề này và từ đó phát triển phép biện chứng duy vật của triết học Mác.

Phép biện chứng của giới tự nhiên tồn tại một cách khách quan, con người thông qua hoạt động thực tiễn có khả năng nhận thức được phép biện chứng khách quan đó và bản thân của quá trình nhận thức đó cũng là một quá trình biện chứng. Sự nhận thức đúng đắn phép biện chứng khách quan đó phải thông qua những khái niệm, phạm trù, quy luật của tư duy con người mới có thể tiếp cận tới chân lý. Có thể nói, Lênin là người đầu tiên đã trình bày một cách có hệ thống vấn đề thống nhất của ba vế này của phép biện chứng. Cơ sở của sự thống nhất đó là phép biện chứng khách quan, con đường phản ánh phép biện chứng khách quan đó là quá trình nhận thức của con người và kết quả đạt tới đó là chân lý, đó là phép biện chứng trong những khái niệm phạm trù của tư duy biện chứng.

Sau đây chúng ta tìm hiểu sâu hơn quan điểm của Lênin về vấn đề này.

2. Lôgích học là lý luận nhận thức và phép biện chứng

Tìm hiểu nội dung của lôgích biện chứng, Lênin đã đọc Lời tựa cho lần xuất bản thứ nhất cuốn Khoa học lôgích của Hêghen và ghi nhận tư tưởng sau đây của Hêghen là "đặc sắc": "Vận động của ý thức "giống như sự phát triển của toàn bộ đời sống của tự nhiên và tinh thần" là dựa trên "bản tính của những bản chất thuần tuý hợp thành nội dung của lôgích"" 53 . Từ tư tưởng trên đây của Hêghen, Lênin đã rút ra quan niệm về lôgích và lý luận nhận thức: "Lôgích và lý luận nhận thức phải được suy diễn từ "sự phát triển của toàn bộ đời sống của tự nhiên và tinh thần""54.

Đến khi đọc Lời tựa cho lần xuất bản thứ hai cuốn Khoa học lôgích thì Lênin lại nêu ra những nhận thức về lôgích học như sau: "Chủ nghĩa khách quan: những phạm trù của tư duy không phải là một công cụ của con người, mà là biểu hiện của tính quy luật của giới tự nhiên cũng như của con người"55.

Lênin đã ghi lại tư tưởng của Hêghen và tán thành quan điểm của Hêghen cho rằng, những phạm trù không phải chỉ là chủ quan của con người như Cantơ chủ trương mà nó phản ánh bản chất khách quan của giới tự nhiên và con người (diễn đạt theo cách nói của chủ nghĩa duy vật). Lênin chỉ ra rằng: "Hêghen đòi một lôgích mà những hình thức phải là những hình thức có nội dung, những hình thức có nội dung thực tế, sinh động, gắn liền chặt chẽ với nội dung"56.

Lênin đi sâu thêm, giải thích lôgích học như sau: "Lôgích không phải là học thuyết về những hình thức bên ngoài của tư duy, mà là học thuyết về những quy luật phát triển của "tất thảy mọi sự vật vật chất, tự nhiên và tinh thần", tức là học thuyết về những quy luật phát triển của toàn bộ nội dung cụ thể của thế giới và nhận thức thế giới, tức là sự tổng kết, tổng số, kết luận của lịch sử nhận thức thế giới"57.

Ở đây Lênin đã tiếp thu hạt nhân hợp lý trong tư tưởng của Hêghen, từ đó nêu ra định nghĩa về lôgích biện chứng và sự thống nhất giữa phép biện chứng, nhận thức luận và lôgích học trong chủ nghĩa duy vật biện chứng.

Trước hết, Lênin chỉ ra không thể cho rằng lôgích biện chứng "là học thuyết về những hình thức bên ngoài của tư duy" mà là "học thuyết về những quy luật phát triển của tất thảy mọi sự vật vật chất, tự nhiên và tinh thần". Như vậy, Lênin đã khẳng định lôgích biện chứng là lôgích có nội dung.

Tiếp đó, Lênin chỉ rõ, lôgích biện chứng là "học thuyết về những quy luật phát triển của toàn bộ nội dung cụ thể của thế giới và nhận thức thế giới". Như vậy, ở đây Lênin khẳng định sự thống nhất giữa lôgích của tư duy và lôgích của sự vật hiện thực, lôgích của sự vật hiện thực sản sinh ra lôgích của tư duy và quyết định lôgích của tư duy.

Cuối cùng, Lênin nói lôgích biện chứng là "sự tổng kết, tổng số, kết luận của lịch sử nhận thức thế giới".

Khi đọc đến phần Lôgích chủ quan trong tác phẩm Khoa học lôgích của Hêghen, Lênin đã nói rõ thêm về sự thống nhất của ba vế: lôgích học, nhận thức luận và phép biện chứng. Lênin viết: "Trong quan niệm này, lôgích nhất trí với lý luận nhận thức. Nói chung đây là một vấn đề rất quan trọng". Lênin viết tiếp: "Như vậy, không phải chỉ là sự miêu tả các hình thức của tư duy và không phải chỉ là sự miêu tả có tính chất lịch sử tự nhiên về những hiện tượng của tư duy (cái này khác sự miêu tả các hình thức ở chỗ nào??), mà còn làsự phù hợp với chân lý, tức là?? tinh hoa, hay đơn giản hơn là những kết quả và tổng kết của lịch sử tư tưởng?? Ở đây, Hêghen nói không rõ ràng một cách duy tâm và nói không hết ý. Thần bí..."Lênin viết tiếp và đóng khung lại: "Không phải tâm lý học, không phải hiện tượng học của tinh thần, nhưng là lôgích học = vấn đề chân lý"58.

Khi nghiên cứu về phần Tính chủ quan trong Khoa học lôgích của Hêghen, Lênin viết: "Lôgích là học thuyết về nhận thức. Là lý luận nhận thức. Nhận thức là sự phản ánh giới tự nhiên bởi con người. Nhưng đó không phải là một phản ánh đơn giản, trực tiếp, hoàn chỉnh, mà là một quá trình cả một chuỗi những sự trừu tượng, sự cấu thành, sự hình thành ra các khái niệm, quy luật etc. - và chính các khái niệm, quy luật này etc. (tư duy, khoa học = "ý niệm lôgích") bao quát một cách có điều kiện, gần đúng tính quy luật phổ biến của giới tự nhiên vĩnh viễn vận động và phát triển. Ở đây, thật sự và về khách quan có ba vế: 1) giới tự nhiên; 2) nhận thức của con người, = bộ óc của người (với tư cách là sản phẩm cao nhất của giới tự nhiên đó) và 3) hình thức của sự phản ánh giới tự nhiên vào trong nhận thức của con người; hình thức này chính là những khái niệm, những quy luật, những phạm trù etc.. Con người không thể nắm được = phản ánh = miêu tả toàn bộ giới tự nhiên một cách đầy đủ, "tính chỉnh thể trực tiếp" của nó, con người chỉ có thể đi gần mãi đến đó, bằng cách tạo ra những trừu tượng, những khái niệm, những quy luật, một bức tranh khoa học về thế giới, v.v. và v.v."59.

3. Nhận thức luận là phép biện chứng và lôgích học

Lênin còn nhìn từ góc độ của phép biện chứng và nhận thức luận để giải thích sự thống nhất của ba vế. Khi nghiên cứu phần Ý niệm trongKhoa học lôgích của Hêghen, Lênin viết: "Nhận thức là sự tiến gần mãi mãi và vô tận của tư duy đến khách thể. Phản ánh của giới tự nhiên trong tư tưởng con người phải được hiểu không phải một cách "chết cứng", "trừu tượng", không phải không vận động, không mâu thuẫn, mà là trong quá trình vĩnh viễn của vận động, của sự nảy sinh mâu thuẫn và sự giải quyết những mâu thuẫn đó"60.

Từ đây, Lênin đã làm rõ nhận thức là một quá trình biện chứng và nhận thức luận chính là phép biện chứng. Lênin viết tiếp: "Toàn bộ của tất cả các mặt của hiện tượng, của hiện thực và các quan hệ (lẫn nhau) của chúng - đó là những cái họp thành chân lý. Những quan hệ (= chuyển hoá = mâu thuẫn) của những khái niệm = nội dung chủ yếu của lôgích, hơn nữa những khái niệm ấy (và những quan hệ, chuyển hoá và mâu thuẫn của chúng) đều được trình bày như là những phản ánh của thế giới khách quan. Biện chứng của sự vậtsản sinh ra biện chứng của ý niệm, chứ không phải ngược lại". Sau khi viết những lời nhận xét về tư tưởng của Hêghen, Lênin ghi bên cạnh lời bình như sau: "Hêghen đã đoán được một cách tài tình biện chứng của sự vật (của những hiện tượng, của thế giới, của giới tự nhiên) trong biện chứng của khái niệm". Lênin nói tiếp làm rõ hơn nội dung biện chứng: "Câu cách ngôn này nên được diễn đạt một cách dễ hiểu hơn, không dùng chữ biện chứng, thí dụ như: trong sự thay thế, sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khái niệm, trong tính đồng nhất của các mặt đối lập của chúng, trong những chuyển hoá của một khái niệm này sang một khái niệm khác, trong sự thay thế, sự vận động vĩnh viễn của những khái niệm, Hêghen đã đoán được một cách tài tình chính mối quan hệ như vậy của sự vật, của giới tự nhiên61.

4. Phép biện chứng là nhận thức luận và lôgích học

Từ những giải thích trên đây, Lênin đã khái quát và đặt vấn đề phép biện chứng là gì. Lênin cho rằng, phép biện chứng là sự phụ thuộc lẫn nhau của những khái niệm. Sự phụ thuộc lẫn nhau của tất thảy mọi khái niệm không trừ khái niệm nào. Sự chuyển hoá của những khái niệm từ cái này sang cái kia. Sự chuyển hoá của tất thảy mọi khái niệm không trừ khái niệm nào. Tính tương đối của sự đối lập giữa các khái niệm... Tính đồng nhất của những sự đối lập giữa các khái niệm.

Rồi sau đó Lênin tóm tắt lại: "Mỗi một khái niệm nằm trong một mối quan hệ nào đó, trong một mối liên hệ nào đó với tất cả các khái niệm khác"62.

Qua đoạn trích trên đây ta thấy Lênin đã chỉ rõ rằng, phép biện chứng là lôgích học và nhận thức luận. Trong bài viết có tính chất tổng kếtVề vấn đề phép biện chứng, Lênin bàn thêm: "Trong bất cứ mệnh đề nào, cũng có thể (và phải) tìm ra, giống như trong một "cái ngăn tổ ong" ("tế bào"), những mầm mống của tất cả những yếu tố của phép biện chứng, do đó vạch ra rằng phép biện chứng là cái cố hữu của mọi nhận thức của con người nói chung. Và khoa học tự nhiên chỉ cho chúng ta (và đó lại là cái cần phải vạch rõ bằng bất cứ thí dụ đơn giản nhất nào) giới tự nhiên khách quan với cùng những tính chất như vậy của nó, sự chuyển hoá từ cái riêng thành cái chung, từ ngẫu nhiên thành tất yếu, những chuyển hoá, những chuyển hoán, mối liên hệ lẫn nhau của các mặt đối lập. Phép biện chứng chính là lý luận nhận thức (của Hêghen và) của chủ nghĩa Mác: đó là một "mặt" (không phải một "mặt" mà là thực chất) mà Plêkhanốp đã không nhận thấy, còn nói gì đến những người mácxít khác" 63.

VI. HAI BÀI VIẾT QUAN TRỌNG CỦA LÊNIN VỀ PHÉP BIỆN CHỨNG 

Sau khi cơ bản nghiên cứu xong những vấn đề phép biện chứng trong một số tác phẩm của các nhà tư tưởng lớn, Lênin đã viết hai bài ngắn gọn để tóm tắt lại những suy nghĩ của mình và vạch ra hướng nghiên cứu tiếp theo. Đó là: Dàn mục phép biện chứng (lôgíchcủa Hêghen và Về vấn đề phép biện chứng.

1. Dàn mục phép biện chứng (lôgích) của Hêghen

Bài viết này được Lênin viết khoảng năm 1915, vào giai đoạn cuối của việc nghiên cứu triết học, có tính chất tổng kết lại và nêu lên những vấn đề quan trọng về lý luận nhận thức duy vật. Có thể nêu ra một số vấn đề như sau:

- Sự thống nhất lịch sử khoa học, lịch sử nhận thức với phép biện chứng và lôgích biện chứng.

- Sự thống nhất lịch sử tư tưởng và quy luật của tư duy.

- Sự thống nhất quá trình nhận thức và quá trình tư duy.

- Sự thống nhất phương pháp lôgích và phương pháp lịch sử, phương pháp diễn dịch và phương pháp quy nạp.

- Quan hệ giữa nhận thức và thực tiễn.

Tư tưởng quán xuyến trong "Dàn mục" này là sự thống nhất lôgích học, nhận thức luận và phép biện chứng, đây cũng là vấn đề tính hệ thống của phép biện chứng.

Lênin đã chép lại Dàn mục của phép biện chứng (lôgích) của Hêghen để nhìn một cách tổng quát tiến trình phát triển khái niệm của Hêghen, và Lênin cũng nêu lại một cách tóm tắt những tư tưởng mà ông đã ghi lại trong khi đọc tác phẩm Lôgích học của Hêghen.

Trong khung, Lênin chỉ ra sự thống nhất lịch sử tư tưởng, lịch sử nhận thức và quy luật phát triển của các phạm trù lôgích, Lênin viết: "Khái niệm (nhận thức) trong tồn tại (trong những hiện tượng trực tiếp) tìm thấy bản chất (quy luật nhân quả, đồng nhất, khác nhau etc.) - đó thật sự là tiến trình chung của toàn bộ nhận thức của con người (của toàn bộ khoa học) nói chung. Đó cũng là tiến trình của khoa học tự nhiên và của kinh tế chính trị học [và của lịch sử]" 64

Đoạn này, Lênin nói lên quy luật phát triển của nhận thức, những quy luật này phù hợp với quy luật vận động của khái niệm trong "lôgích học" của Hêghen. Từ đó, Lênin cho rằng: "Phép biện chứng của Hêghen... là sự khái quát của lịch sử tư tưởng". Như thế nói lên tư tưởng của Lênin về sự thống nhất lôgích biện chứng và lý luận nhận thức.

Lênin còn nêu ra vấn đề xây dựng môn lôgích biện chứng. Nhiệm vụ mà Lênin nêu ra dưới đây chính là nhiệm vụ cơ bản của môn lôgích biện chứng: "Theo dõi điều đó một cách cụ thể hơn, chi tiết hơn, trong lịch sử của các ngành khoa học riêng biệt, đó hình như là một nhiệm vụ cực kỳ cao cả". Sau đó, Lênin lại nêu lên vấn đề phương pháp luận để xây dựng môn lôgích này: "Trong lôgích, lịch sử tư tưởng, nói chung và nói về toàn bộ, phải phù hợp với những quy luật của tư duy"65.

Tiếp theo, Lênin vạch ra sự mâu thuẫn trong tiến trình nhận thức của Hêghen. Lênin viết: "Có khi Hêghen đi từ cái trừu tượng đến cái cụ thể... và có khi lại ngược lại...". Lênin muốn nói đến hai quá trình mâu thuẫn nhau trong lôgích học của Hêghen. Một quá trình là từ trừu tượng đến cụ thể và một quá trình ngược lại là từ cụ thể đến trừu tượng. Quá trình thứ hai này là nói về nhận thức xuất phát từ sự vật cụ thể cảm tính để đi đến nhận thức lý tính trừu tượng. Vì như vậy, Lênin đã nhận xét: "Phải chăng đấy là tính không triệt để của nhà duy tâm".

Lênin nêu lên quá trình phát triển của những phạm trù trong lôgích học của Hêghen: Chất - lượng - rồi đến đồng nhất - khác nhau - căn cứ - bản chất - hiện tượng - tính nhân quả... Lôgích học của Hêghen là quá trình đi từ trừu tượng đến cụ thể, nhưng mặt khác Lênin lại thấy đó cũng là một quá trình ngược lại đi từ cụ thể đến trừu tượng, ông viết: "Tất cả những vòng khâu ấy (những bước, những giai đoạn, những quá trình) của nhận thức đi từ chủ thể đến khách thể, được kiểm tra bằng thực tiễn, và thông qua sự kiểm tra ấy mà đạt đến chân lý" 66. Đây là khía cạnh hợp lý trong tư tưởng của Hêghen. Chính điều này mà Lênin coi Hêghen là không triệt để duy tâm như đã nói.

 Mặt khác, Lênin cũng nói đến sự thần bí mà Mác đã nói về Hêghen, ông viết: "(Cái mà Mác gọi là sự thần bí của ý niệm của Hêghen?) Hay là có những lý do sâu sắc hơn? (như là tồn tại = hư vô - ý niệm về sự sinh thành, về sự phát triển)"67. Vấn đề ở đây là kết cấu tư duy (hệ thống phạm trù) của Hêghen có tính chất thần bí, đó là điều mà Mác và Lênin đều nhận thấy. Mác đã chỉ ra rằng, Hêghen bằng cách ngụy biện tinh vi đem quá trình của biểu tượng trực quan cảm tính từ sự vật này đi đến sự vật khác coi là quá trình chủ thể tuyệt đối tự hoàn thành.

Tức là Mác muốn nói cái thần bí của Hêghen là ở chỗ đem quá trình nhận thức của con người từ trực quan cảm tính đến tư duy trừu tượng hoàn toàn coi là quá trình bản thân "tồn tại" tự mình hoàn thành. Cũng tức là từ "tồn tại" trừu tượng, không có quy định nào, chưa được triển khai đã trở thành "ý niệm tuyệt đối" có quy định phong phú. Sự thần bí của Hêghen, ở đây là đem quá trình nhận thức từ cảm tính lên lý tính trừu tượng xuyên tạc thành sự vận động lôgích của bản thân "tồn tại".

Lênin nêu tấm gương của Mác đã cải tạo hệ thống triết học của Hêghen bằng cách so sánh bộ Tư bản của Mác với Lôgích học của Hêghen. Ông viết: "Mác không để lại cho chúng ta Lôgích học (với chữ L viết hoa), nhưng đã để lại cho chúng ta lôgích của Tư bản68.

Giữa hai bộ sách đó ta thấy có những điểm Mác đã phê phán và vận dụng lôgích của Hêghen:

Một là, Mác và Hêghen đều xuất phát từ cái đơn giản nhất, quen thuộc nhất, thông thường nhất, trực tiếp nhất. Ở Hêghen, đó là "tồn tại thuần tuý", trong bộ Tư bản của Mác là hàng hoá. Trong "tồn tại thuần tuý" của Hêghen bao hàm các vòng khâu của những giai đoạn phát triển về sau và trong khái niệm hàng hoá cũng thế, Lênin chỉ ra: "Sự trao đổi hàng hoá. Sự phân tích phát hiện trong cái hiện tượng đơn giản nhất ấy (trong cái "tế bào" ấy của xã hội tư sản) tất cả những mâu thuẫn... của xã hội hiện đại"69.

Hai là, Mác và Hêghen đều có một hệ thống khái niệm. Hêghen là hệ thống khái niệm từ "tồn tại" đến "ý niệm tuyệt đối". Còn Mác thì Lênin nêu ra "hàng hoá - tiền tệ - tư bản".

Ba là, trong cả hai hệ thống của Mác và Hêghen đều quán triệt phép biện chứng, nhưng ở Hêghen là phép biện chứng duy tâm, còn ở Mác là phép biện chứng duy vật.

Như vậy ta thấy Mác đã vận dụng một cách sáng tạo phép biện chứng của Hêghen vào môn kinh tế chính trị học. Lênin cho rằng: "Không thể hoàn toàn hiểu được Tư bản của Mác và đặc biệt là chương I của sách đó, nếu chưa nghiên cứu kỹ và chưa hiểu toàn bộ lôgích của Hêghen" 70.

Lênin chỉ ra trong bộ Tư bản có sự thống nhất lôgích học, phép biện chứng và lý luận nhận thức. Lênin viết: "Trong Tư bản, Mác áp dụng lôgích, phép biện chứng và lý luận nhận thức [không cần ba từ: đó là cùng một cái duy nhất] của chủ nghĩa duy vật vào một khoa học duy nhất"71.

Trong bộ Tư bản của Mác, Lênin quan tâm đến sự thống nhất giữa phương pháp lôgích và phương pháp lịch sử: "Lịch sử của chủ nghĩa tư bản và phân tích những khái niệm tóm tắt lịch sử này". Lênin còn nêu lên mối quan hệ giữa phương pháp lôgích, lịch sử với phương pháp diễn dịch, quy nạp: "Hai loại phân tích, diễn dịch và quy nạp, - lôgích và lịch sử". Lênin đã thấy mối quan hệ giữa phương pháp lôgích với phương pháp diễn dịch, phương pháp lịch sử với phương pháp quy nạp.

Sau khi nói về phương pháp nhận thức như vậy, Lênin nêu rõ rằng, Mác trong bộ Tư bản luôn luôn gắn phương pháp nghiên cứu, trình bày với thực tiễn: "Ở đây, sự kiểm tra bằng sự việc,... bằng thực tiễn, được thực hiện qua mỗi bước phân tích" 72.

2. Về vấn đề phép biện chứng

Lênin viết bài này vào khoảng thời gian 1914 - 1915. Đây là một bài viết có tính chất tổng kết những vấn đề về phép biện chứng sau khi Lênin đã nghiên cứu tư tưởng biện chứng của các nhà triết học như Hêraclít, Arixtốt, Hêghen... Bài viết rất súc tích, ngắn gọn. Lênin không định công bố, có lẽ để sau này sẽ phát triển lên thành một tác phẩm triết học. Bài viết tập trung bàn về vấn đề phép biện chứng. Tư tưởng quán xuyến trong bài viết này coi phép biện chứng duy vật là một hệ thống chặt chẽ, có mối liên hệ hoàn chỉnh của các khái niệm, phạm trù, quy luật. Phép biện chứng là quan điểm phát triển, quy luật mâu thuẫn là hạt nhân và là động lực của sự phát triển đó.

Bài viết gồm có hai phần:

Phần thứ nhất: Lênin tập trung bàn về thực chất của phép biện chứng duy vật.

Lênin coi quy luật mâu thuẫn là thực chất của phép biện chứng, ông viết: "Sự phân đôi của cái thống nhất và sự nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó..., đó là thực chất... của phép biện chứng" 73. Quan điểm trên đây đã được Lênin rút ra từ sự nghiên cứu tư tưởng triết học của Hêraclít, Arixtốt và Hêghen.

Về tư tưởng biện chứng của Hêraclít, Lênin trích một đoạn của Philông ở trong cuốn sách Triết học của Hêraclít bí ẩn ở Êphexơ của Látxan: "Bởi vì thể thống nhất là cái gồm có hai mặt đối lập, cho nên một khi phân thành hai, thì những mặt đối lập ấy liền xuất hiện. Phải chăng nguyên lý này là nguyên lý mà, theo những người cổ Hy Lạp, Hêraclít vĩ đại và nổi tiếng của họ đã coi là trung tâm của triết học của ông ta và ông ta tự hào coi đó là một phát minh mới"74.

Lênin chỉ ra Arixtốt trong khi chống lại Hêraclít cũng đã tiến gần tới phép biện chứng. Lênin viết: "Các nhà triết học Hy Lạp đã tiến gần tư tưởng ấy, nhưng họ đã không nắm được tư tưởng ấy, không nắm được phép biện chứng", Lênin nhận xét tiếp về Arixtốt: "Ở Arixtốt, đâu đâu lôgích khách quan cũng lẫn lộn với lôgích chủ quan... Và sự lẫn lộn chất phác, sự lẫn lộn bất lực và đáng thương trong phép biện chứng của cái chung và cái riêng - của khái niệm và tính thực tại do giác quan tri giác được của đối tượng cá biệt, của sự vật, của hiện tượng"75.

Lênin đã nói về thực chất của phép biện chứng và ông khẳng định Ăngghen cũng đặt vấn đề chính như vậy: "Sự phân đôi của cái thống nhất và sự nhận thức các bộ phận mâu thuẫn của nó, đó là thực chất của phép biện chứng".

Tính phổ biến và vai trò thực chất phép biện chứng của quy luật mâu thuẫn theo Lênin cần được lịch sử của khoa học chứng minh. Lênin đã nêu lên những vấn đề bản chất và quy luật của các khoa học để chứng minh cho tính phổ biến, tính khách quan của quy luật mâu thuẫn. Ông không tán thành Plêkhanốp và một số người khác chứng minh quy luật mâu thuẫn bằng tổng số các ví dụ. Lênin cũng nói thêm rằng, tuy Ăngghen cũng cử ra những ví dụ nhưng đó là cách làm để phổ thông hoá mà thôi.

 Về tên gọi của quy luật mâu thuẫn, Lênin có sự cân nhắc giữa hai khái niệm "đồng nhất" và "thống nhất". Lênin viết: "Sự đồng nhất của các mặt đối lập ("sự thống nhất" của chúng, nói như vậy có lẽ đúng hơn?...)" 76. Lênin đã thiên về dùng khái niệm thống nhất vì trong bài viết này Lênin đã ba lần nói về sự thống nhất của các mặt đối lập.

Lênin chỉ ra rằng, muốn nhận thức được sự vận động, phát triển của các quá trình của thế giới thì phải nhận thức chúng "với tính cách là sự thống nhất của các mặt đối lập". Sở dĩ như vậy đó là vì sự vận động phát triển, theo Lênin, là "một cuộc đấu tranh giữa các mặt đối lập".

Lênin chỉ ra nhận thức về sự vận động và phát triển khách quan đó thì có hai quan điểm đối lập nhau, quan điểm siêu hình và quan điểm biện chứng. Quan điểm biện chứng coi phát triển "như là sự thống nhất của các mặt đối lập". Lênin cho rằng, mâu thuẫn (thống nhất của các mặt đối lập) là nguồn gốc, động lực của sự vận động và phát triển. Quan điểm này cũng giải thích được những quá trình phát triển từ lượng thành chất... của sự tiêu diệt cái cũ và nảy sinh ra cái mới.

Sau khi nói rõ vai trò của quy luật mâu thuẫn đối với sự vận động và phát triển, Lênin làm rõ nội dung của quy luật mâu thuẫn: "Sự thống nhất... của các mặt đối lập là có điều kiện, tạm thời, thoáng qua, tương đối. Sự đấu tranh của các mặt đối lập bài trừ lẫn nhau là tuyệt đối, cũng như sự phát triển, sự vận động là tuyệt đối" 77.

Lênin đặc biệt nhấn mạnh những đặc trưng của phép biện chứng khách quan, phân biệt phép biện chứng khách quan với chủ nghĩa chủ quan và thuật ngụy biện. Lênin khẳng định rằng: "Trong phép biện chứng (khách quan) sự khác nhau giữa cái tương đối và cái tuyệt đối cũng là tương đối" vì trong cái tương đối có cái tuyệt đối. Còn chủ nghĩa chủ quan và thuật ngụy biện đã tách rời cái tương đối khỏi cái tuyệt đối, loại trừ cái tuyệt đối.

Lênin bàn đến sự vận dụng và trình bày phép biện chứng duy vật của Mác trong bộ Tư bản, coi đây là một mẫu mực để nghiên cứu, học tập. Điểm xuất phát của Mác là sự trao đổi hàng hoá vì đó là "cái đơn giản nhất, quen thuộc nhất, cơ bản nhất, chung nhất...". Từ đó, Mác phân tích cái hiện tượng đơn giản nhất ấy (tế bào của xã hội tư bản) để phát hiện ra tất cả những mầm mống của tất cả những mâu thuẫn của xã hội tư bản. Tiếp theo đó, Mác lại vạch ra sự phát triển của các mâu thuẫn và của xã hội ấy từ lúc đầu cho đến lúc kết thúc.

Theo Lênin, trình bày phép biện chứng nói chung phải học theo như cách làm của Mác. Sự trình bày đó "bắt đầu bằng cái đơn giản nhất..." trong nhận thức, đó là bắt đầu bằng các mệnh đề đơn giản. Theo Hêghen thì trong một mệnh đề đơn giản đã có phép biện chứng của cái riêng là cái chung. Lênin đã đưa ra ví dụ Ivan là một người v.v., như vậy phép biện chứng sẽ được trình bày xuất phát từ những mệnh đề đơn giản, ở đó đã có mâu thuẫn, hai mặt đối lập cái riêng và cái chung. Lênin bàn sâu sắc về mối quan hệ biện chứng giữa cái riêng và cái chung và Lênin chỉ ra rằng, trong đó đã có những yếu tố, những mầm mống của khái niệm tính tất yếu, cái ngẫu nhiên, hiện tượng và bản chất.

Từ đó, Lênin khẳng định rằng: "Trong bất cứ mệnh đề nào cũng có thể tìm ra... những mầm mống của tất cả những yếu tố của phép biện chứng", Lênin đưa ra kết luận: "Phép biện chứng là cái cố hữu của mọi nhận thức của con người nói chung". Tiếp theo đó, Lênin lại khẳng định một nguyên lý quan trọng: "Phép biện chứng chính là lý luận nhận thức" 78.

Điều này đã được khoa học tự nhiên xác nhận. Lênin chỉ ra đây là vấn đề thực chất, nhưng Plêkhanốp đã không nhận thấy.

Phần thứ hai: Lênin bàn đến quá trình nhận thức của con người, đây là một quá trình vận động phát triển phức tạp. Lênin nêu lên hai người: Hêghen và Paul Volkman (kẻ thù của chủ nghĩa Hêghen) đều coi nhận thức là một chuỗi vòng tròn. Lênin tiếp thu tư tưởng này và hình dung sự phát triển của tư tưởng triết học là những vòng tròn theo hình xoáy ốc.

""Những vòng tròn" trong triết học: [nên hiểu về các nhân vật có bắt buộc không? Không].

Cổ đại: Từ Đêmôcrít đến Platôn và đến phép biện chứng của Hêraclít.

Thời đại Phục hưng: Đêcáctơ versus Gassendi (Spinoza ?).

Cận đại: Hônbách - Hêghen (qua Béccli, Hium, Cantơ).

        Hêghen - Phơbách - Mác" 79.

Ở trên, Lênin viết về các quá trình phát triển của lịch sử triết học, song ông không lệ thuộc máy móc vào trật tự thời gian. Ông viết niên biểu về các nhân vật có bắt buộc không? Ở vòng trong thời cổ đại ông xếp Đêmôcrít đến Platôn và cuối cùng là Hêraclít. Nếu theo thứ tự thời gian thì Hêraclít là trước tiên. Đêmôcrít là nhà duy vật vĩ đại thời Hy Lạp cổ đại, bản thân ông cũng có tư tưởng máy móc. Tư tưởng của Platôn là sự phủ định đối với tư tưởng của Đêmôcrít. Hêraclít là nhà triết học duy vật và có tư tưởng biện chứng có thể coi là sự phủ định đối với tư tưởng duy tâm của Platôn, trở lại với tư tưởng duy vật của Đêmôcrít.

Ở vòng tròn thứ hai: Thời đại Phục hưng, đầu tiên Lênin nêu lên Đêcáctơ là nhà triết học duy lý, lý luận nhận thức của ông cuối cùng đi tới quan điểm tư tưởng của con người là do trời ban cho. Đêcáctơ phủ định cảm tính, chỉ có lý tính mới đạt tới chân lý. Gassendi là sự phủ định đối với Đêcáctơ, ông khôi phục lại chủ nghĩa duy vật của Êpicuya và chủ trương thuyết cảm giác, phản đối chủ nghĩa duy lý và thuyết siêu hình của Đêcáctơ. Đến Spinoza lại khôi phục lại chủ nghĩa duy lý nhưng không còn quan điểm duy tâm cho rằng trời ban cho tư tưởng và ông cũng không phủ nhận cảm tính. Lênin còn phân vân để Spinoza ở giai đoạn thứ ba, là giai đoạn cao nhất của thời kỳ này đã phù hợp chưa.

Đến thời cận đại, Lênin nêu lên hai vòng tròn. Một vòng là Hônbách - Hêghen (qua Béccli, Hium, Cantơ). Hônbách là nhà duy vật người Pháp đã hệ thống hoá tư tưởng duy vật của thời đại bấy giờ và là nhà vô thần kiệt xuất. Béccli, Hium, Cantơ là những nhà duy tâm phủ nhận chủ nghĩa duy vật Pháp. Tư tưởng triết học của Hêghen đã đạt đến đỉnh cao ở giai đoạn thứ ba này. Một vòng tròn nữa là Hêghen - Phơbách - Mác. Tư tưởng triết học duy tâm của Hêghen bị chủ nghĩa duy vật của Phơbách phủ định, triết học của cả Hêghen và Phơbách đều có những hạn chế, Mác đã phê phán và tiếp thu hạt nhân hợp lý của triết học Hêghen và hạt nhân cơ bản của triết học Phơbách và đạt tới đỉnh cao của tư duy triết học.

Tiếp theo, Lênin bàn đến sự khác nhau giữa chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật siêu hình về vấn đề nhận thức. Lênin khẳng định: "Phép biện chứng với tính cách là nhận thức sinh động, nhiều mặt... bao hàm vô số khía cạnh trong cách tiếp cận, đi gần tới hiện thực" 80. Về chủ nghĩa duy vật siêu hình, Lênin nói: "Tai họa chính của nó là không có năng lực áp dụng phép biện chứng vào lý luận phản ánh, vào quá trình và sự phát triển của nhận thức"81.

Sự đối lập giữa quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật siêu hình còn được Lênin phân tích khi đánh giá về chủ nghĩa duy tâm. Ở đây, Lênin chú trọng nêu lên nguồn gốc nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm, điều này chủ nghĩa duy vật siêu hình không nhìn thấy được. Lênin nói rõ rằng: "Nhận thức của con người không phải là một đường thẳng mà là một đường cong đi gần vô hạn đến một loạt những vòng tròn, đến một vòng xoáy ốc". Trong quá trình nhận thức phức tạp đó, Lênin đã chỉ ra nguồn gốc nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm là: "Bất cứ đoạn nào, khúc nào, mảnh nào của đường cong ấy cũng có thể chuyển hoá thành một đường thẳng độc lập, đầy đủ, đường thẳng này sẽ dẫn đến vũng bùn, đến chủ nghĩa thầy tu". Lênin đã nêu lên một cách khái quát về vấn đề nguồn gốc nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm như sau: "Tính đường thẳng và tính phiến diện, sự chết cứng và cứng nhắc, chủ nghĩa chủ quan và sự mù quáng chủ quan đó là những nguồn gốc về nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm" 82.

Từ việc làm rõ nguồn gốc nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm, chúng ta sẽ có thái độ đúng đắn trong việc đánh giá chủ nghĩa duy tâm. Chúng ta không coi chủ nghĩa duy tâm là một sự ngu xuẩn, có thể bị phủ định hoàn toàn, mà chúng ta thấy Lênin coi chủ nghĩa duy tâm là "một đoá hoa không kết quả mọc trên cái cây sống của nhận thức sinh động, phong phú, chân thực, khoẻ mạnh, toàn năng, tuyệt đối của con người" 83.

*        *

*

Bút ký triết học của Lênin chưa phải là một bộ sách hoàn chỉnh và chỉ được xuất bản sau khi Lênin mất, nhưng đây là một tác phẩm có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt.

Trước hết, tác phẩm Bút ký triết học cùng với tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (1908) đã đặt cơ sở lý luận về mặt triết học cho giai đoạn Lênin trong chủ nghĩa Mác. Trong tác phẩm này, trọng tâm chú ý của Lênin là phép biện chứng duy vật, ông đã kế thừa và cải tạo tư tưởng biện chứng trong lịch sử và đặc biệt là tư tưởng biện chứng của Hêghen. Học tập Mác trong việc phê phán và cải tạo phép biện chứng của Hêghen, từ đó phát triển phép biện chứng duy vật lên một trình độ cao mới, một giai đoạn mới.

Bút ký triết học đặt cơ sở lý luận cho việc phê phán những tư tưởng duy tâm, siêu hình của các học giả tư sản, đặc biệt là chủ nghĩa chiết trung và thuyết ngụy biện của các lãnh tụ trong Quốc tế II.

Bút ký triết học đem lại phương pháp luận khoa học để Lênin và Đảng Cộng sản phân tích những đặc điểm của thời đại, của tình hình thế giới, đề ra những đường lối chiến lược cho cách mạng vô sản trong bước ngoặt của lịch sử đầu thế kỷ XX.

Ngoài ra, phép biện chứng với tư cách là phương pháp luận khoa học được Lênin trình bày trong Bút ký triết học cũng có ý nghĩa rất to lớn trong việc nghiên cứu các khoa học trong lĩnh vực lịch sử - xã hội và trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

--------------

Chú thích

[1]. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.29, tr.150.

2, 3. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.270, 270-271.

4, 5, 6. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.155, 161, 163.

7. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.159-160.

8, 9. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.148-149, 106.

10, 11, 12, 13. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.152, 378, 240, 268.

14, 15, 16, 17. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.303, 127, 133, 239-240.

18, 19, 20. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.240, 278, 245. 

21. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.238-239.

22, 23. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.192-193, 193.

24. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.100.

25. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.179.

26. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.179.

27, 28, 29. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.247, 223, 230.

30, 31. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 201, 200.

32, 33, 34. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 203, 215, 207.

35, 36, 37, 38. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 303, 124, 229.

39. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 235.

40, 41. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 394.

42. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 101.

43. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 101.

44. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 359.

45, 46, 47. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.209, 155-156, 156.

48, 49, 50. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 118, 102.

51, 52. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.356, 186.

53, 54. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.96.

55, 56, 57. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.99, 101.

58. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.183-184.

59, 60. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.192-193, 207-208.

61. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.209-210.

62. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.210.

63. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.381-382.

64. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.356.

65. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.356.

66, 67. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.359.

68, 69. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.359, 380.

70, 71. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.190, 359-360.

72. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.360.

73, 74, 75. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.378, 372, 390.

76. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.379.

77. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.379-380.

78, 79 V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.382.

80, 81. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.382, 385.

82. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.385.

83. V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.386.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website