Tác phẩm Thà ít mà tốt có ý nghĩa thực tiễn cực kỳ quan trọng. Nó trang bị cho những người cộng sản lý luận về xây dựng nhà nước Xô viết đứng vững và phát triển. Thà ít mà tốt là một cống hiến lý luận của Lênin về xây dựng Nhà nước. Nội dung của tác phẩm được Người đọc cho thư ký ghi lại trong nhiều ngày và hoàn thành vào ngày 2-3-1923, công bố trên báo Sự thật số 49 ngày 4-3-1923.
I- Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
Mùa xuân năm 1921, Lênin đề ra chính sách kinh tế mới. Sau gần một năm thực hiện đã đem lại nhiều thành tựu quan trọng. Nền kinh tế được phục hồi đáng kể, công, nông nghiệp có bước phát triển mới mặc dù còn rất chậm. Điều đó đã tạo ra sự giao lưu hàng hóa từ thành thị đến nông thôn, đã tạo được đà để chuyển sang phát triển nền kinh tế với tốc độ và quy mô lớn.
Về mặt chính trị: Khối liên minh công – nông được củng cố, đó là thực chất chính trị của Chính sách kinh tế mới. Thành phần trung nông có chuyên biến mới và có thái độ đúng về chính quyền cách mạng rõ rệt hơn. Tầng lớp bóc lột nông thôn bị hạn chế đáng kể. Chính quyền Xô viết được củng cố, đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Nhiệm vụ đối nội, đối ngoại được đặt ra hết sức to lớn: Về đối nội, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế quốc dân, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân lao động củng cố liên minh công - nông, bộ máy nhà nước, lực lượng quốc phòng, phòng ngừa nạn đói và sự khủng hoảng tài chính có thể xảy ra; về đối ngoại, xóa thế bao vây kinh tế của đế quốc, làm dịu tình hình khiến cho đế quốc không có thể tìm cớ gây ra chiến tranh.
Đặt vấn đề củng cố bộ máy nhà nước trong thời điểm này là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết, phù hợp với quy luật khách quan.
II- Nội dung tác phẩm
1. Quan điểm của Lênin đánh giá nhà nước sau 5 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công
Lênin đánh giá đúng tính chất, bản chất, vai trò, ý nghĩa lịch sử trọng đại của nhà nước Xô viết. Người khẳng định: Nhà nước Xô viết đã tạo ra một xã hội mới, một kỷ nguyên mới.
Người viết: “Trong hàng mấy trăm năm nay người ta đã xây dựng lên những nhà nước theo kiểu tư sản và đây là lần đầu tiên, chúng ta đã tìm ra một hình thức nhà nước không phải tư sản… Dẫu cho bộ máy nhà nước của chúng ta còn kém cỏi, nhưng nó đã được sáng tạo ra, đó là một phát minh lịch sử vĩ đại nhất, một nhà nước kiểu vô sản đã được sáng tạo ra”. Đồng thời, Lênin không xem thường mặt yếu kém của bộ máy Xôviết sau 5 năm xây dựng và những nguyên nhân của những yếu kém đó, những hạn chế đó là: quan liêu, thủ cựu, bảo thủ, không muốn đổi mới cái gì cả.
Đường lối mà Đảng Bônsêvích Nga đứng đầu là Lênin được đặt ra rất đúng đắn. Yếu tố quyết định lúc này là tổ chức, bao gồm cả bộ máy tổ chức hoạt động thực tiễn. Năm 1923, Lê nin nói nước Nga Xô viết còn xa mới mang đầy đủ tính chất chủ nghĩa xã hội vì bộ máy cồng kềnh, làm việc thì quan liêu, đội ngũ cán bộ sính làm kế hoạch, chỉ đạo thực tiễn yếu, ba hoa, cách mạng suông, xuất hiện bệnh tự mãn của người cộng sản, có cả phần tử xấu, cơ hội.
Tại sao đến thời điểm này, Lênin quan tâm nhiều đến củng cố bộ máy nhà nước ? Sau Cách mạng Tháng Mười, vấn đề này đã được đặt ra, nhưng lúc đó chưa có điều kiện giải quyết vì nội chiến. Trải qua 5 năm củng cố nhưng không nắm chắc phương châm nên đến năm 1923 bộ máy của nhà nước vẫn không đáp ứng được yêu cầu cách mạng mới.
Người nói: “Thế là đã năm năm, chúng ta ra sức cải tiến bộ máy nhà nước của ta. Nhưng đó chỉ là một hoạt động phí công, một hoạt động qua năm năm, đã chỉ cho chúng ta thấy rõ rằng hoạt động đó chỉ là vô hiệu, thậm chí còn vô ích, hay thậm chí còn có hại là khác”.
Người nói: “Không, bộ máy ấy (bộ máy Xô viết - BT), có thể nói là chúng ta chưa có, và ngay cả những yếu tố cho phép chúng ta xây dựng được bộ máy ấy, chúng ta cũng có ít ỏi đến nực cười”.
Nguyên nhân của nó bắt nguồn từ quá khứ, nhà nước tư sản bị lật đổ nhưng chưa hoàn toàn bị tiêu diệt. Trình độ văn hóa của nhân dân quá thấp. Nội chiến lại diễn ra quá dài. Nhiều cán bộ ưu tú của Đảng phải ra mặt trận, tạo ra chỗ hổng lớn ở địa phương. Trong hoàn cảnh đó, nhà nước Nga phải sử dụng cả những chuyên gia tư sản trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá và quân sự.
2. Mục đích của việc cải tiến bộ máy nhà nước
Mục đích quốc gia: Nhằm bảo đảm cho nhà nước Xô viết thực sự xứng đáng với danh hiệu là bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở có đầy đủ năng lực quản lý, đưa nhà nước Nga từ sản xuất nhỏ, yếu kém, nông nghiệp lạc hậu tiến lên nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Mục đích quốc tế: Củng cố bộ máy nhà nước là bài học có tính chất quốc tế, Lênin đã nêu ra hai vấn đề:
- Với nền sản xuất tiểu nông, đất nước bị tàn phá, chính quyền Xô viết có thể đứng vững cho đến khi cách mạng các nước khác có thể đứng vững được không?
-Liệu nước Nga Xô viết có thể tránh được sự xung đột với các nước đế quốc chủ nghĩa hay không?
Cách mạng Việt Nam thời gian qua đã phản ánh đúng nhưng tư tưởng vĩ đại đó của Lênin, đã đứng vững và đang dốc toàn lực vào công cuộc đổi mới toàn diện, đưa đất nước vốn nghèo nàn lạc hậu tiến lên một đất nước phồn vinh.
3. Yêu cầu và điều kiện cải tiến bộ máy Xô viết
Phải xây dựng được một nhà nước thực sự trong sạch và gương mẫu.
Nhà nước đó phải được xây dựng trên cơ sở vững chắc của khối liên minh công - nông. Liên minh công - nông theo Lênin là phải có cái mới về số lượng và chất lượng. Nông dân phải được hợp thành một giai cấp nông dân tập thể. Liên minh công - nông là liên minh chính trị bảo đảm cho họ có quyền làm chủ.
Nhà nước Xô viết phải gọn nhẹ, có hiệu lực. Cán bộ, viên chức trong bộ máy nhà nước phải có phẩm chất và năng lực tốt. Lênin đặc biệt quan tâm đến đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước. Người nói: “Theo ý tôi, phải vĩnh viễn vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên của các cơ quan thuộc bộ ấy. Chúng ta phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ của Bộ dân ủy thanh tra công nông, căn cứ vào một sự kiểm tra nghiêm ngặt nhất, chứ không khác được”. Phải qua thi cử và uy tín của bản thân. Người chỉ ra rằng, nên tập trung chọn vào bộ máy nhà nước những cán bộ có kinh nghiệm ở các cơ quan cũng như trong số những sinh viên các trường đại học Xô viết, lựa chọn cán bộ phải theo phương châm “Thà ít mà tốt” ít về số lượng nhưng chất lượng phải cao.
Phải đổi mới thành phần của bộ máy ấy bằng những lực lượng ưu tú của Đảng trong giai cấp công nhân và giới tri thức. Vì thế, để đổi mùi bộ máy nhà nước, theo Lênin cần phải: “Một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa...”.
Điều kiện để xây dựng bộ máy nhà nước ấy là:
Một là, giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải có trình độ cần thiết, vì thế mỗi người phải tự nỗ lực, cố gắng học tập để nâng cao trình độ.
Hai là, phải làm cho học thức đó không nằm trong giấy tờ hoặc chỉ là một lời nói theo mốt mà phải coi nó là bộ phận khăng khít của cuộc sống, ra sức học tập để phục vụ lợi ích chung.
4. Phương châm và những phương pháp chủ yếu để củng cố bộ máy nhà nước
Phương châm: “Thà ít mà tốt”
- Cải tổ bộ máy nhà nước phải được tiến hành có trọng điểm, đó là Bộ dân ủy thanh tra công nông.
- Tiến hành vững chắc; thận trọng; tránh lề mề, kém hiệu quả.
Biện pháp:
- Tăng cường công tác kiểm tra; củng cố quan điểm của Đảng và Nhà nước; lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cán bộ lãnh đạo phải là người cộng sản ưu tú, phải có thi khảo sát trình độ, phải hiểu được quá trình vận hành của bộ máy nhà nước.
- Phải thanh lọc khỏi bộ máy nhà nước những kẻ quan liêu, những kẻ ăn hối lộ, những phần tử lạc lõng khác.
III- Ý nghĩa của tác phẩm
Tác phẩm Thà ít mà tốt có ý nghĩa thực tiễn cực kỳ quan trọng. Nó trang bị cho những người cộng sản lý luận về xây dựng nhà nước Xô viết đứng vững và phát triển.
- Thà ít mà tốt là di huấn chính trị có ý nghĩa quốc tế đối với cái đảng mácxít lêninnít lãnh đạo chính quyền.
- Tác phẩm này của Lênin đã và đang tiếp tục đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động thực tiễn của Đảng Cộng sản về xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
- Thấm nhuần tư tưởng của Lênin, Đảng ta đã vạch ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó có cải cách bộ máy nhà nước nhằm làm cho bộ máy nhà nước trong sạch và vững mạnh. Tình hình chính trị phức tạp hiện nay càng đặt ra cho Việt Nam phải kiên trì con đường mình đã chọn.
Khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta đã vạch ra là con đường đúng đắn nhất để nhà nước thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.
Trong quá trình chuyển đổi và thực hiện cơ chế quản lý mới, vấn đề nhà nước, vấn đề quản lý hành chính của nhà nước càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa lớn lao nhằm phân định rõ ràng ranh giới giữa Đảng và Nhà nước.
Theo Giới thiệu tác phẩm của C. Mác và Ph. Ăngnghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh
về xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Nxb. CTQG, Hà Nội, 1999.