Giới thiệu tác phẩm “Cách mạng vô sản và tên phản bội Causky” của V.I.Lênin

I. Hoàn cảnh ra đời tác phẩm 

Tháng Mười năm 1917, cách mạng XHCN bùng nổ và thắng lợi ở nước Nga. Khi Lênin vìết tác phẩm này, chính quyền Xô viết đứng vững được một năm, nhưng đang trong sự thử thách lớn. 

Do sự lớn mạnh, trưởng thành của phong trào công nhân trong từng nước, do ảnh hưởng to lớn của cách mạng tháng 10, thời kỳ này, các Đảng cộng sản được thành lập ở hàng loạt nước. Riêng năm 1918 các Đảng cộng sản được thành lập ở Đức, Phần Lan, Áo, Hung, Ba Lan, Hy Lạp, Hà Lan. Trên phạm vi thế giới, đây là thời kỳ diễn ra một quá trình có ý nghĩa lịch sử to lớn: quá trình đi tới thành lập một tổ chức quốc tế mới của giai cấp công nhân quốc tế cộng sản - thay cho quốc tế II đã phá sản. Nét nổi bật khác của phong trào thời kỳ này là song song với cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản và quần chúng lao động ở các nước tư bản, phong trào đấu tranh của nhân dân lao động ở các nước thuộc địa và phụ thuộc cũng lên cao. 

Trước tình hình đó, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động càng ngày càng tăng cường đối phó bằng những thủ đoạn nham hiểm nhất. Kẻ giúp ích đắc lực cho chúng là chủ nghĩa cơ hội. Một trong những phần tử cơ hội nguy hiểm nhất và là một trong những lãnh tụ của quốc tế II, một trong những lãnh tụ của Đảng xã hội dân chủ Đức, là Causky. 

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, do không vững vàng về lập trường, do bị chi phối bởi những trào lưu tư tưởng phi vô sản, Causky dần dần xa rời chủ nghĩa Mác đã chạy sang mặt trận của kẻ thù, công khai chống lại chủ nghĩa Mác. Causky đã xuyên tạc học thuyết Mác - Lênin về Nhà nước và đã công khai chống lại tư tưởng cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản, Causky đã viết cuốn “Bàn về chuyên chính vô sản”. 

II. Nội dung của tác phẩm 

1. Về vấn đề chuyên chính vô sản và bạo lực cách mạng 

Khi vấn đề chính quyền đã được đặt ra như một mục tiêu trước mắt, thì có nghĩa là đã đặt cho giai cấp vô sản vấn đề lựa chọn giữa nền dân chủ tư sản và chuyên chính vô sản. Lênin chỉ rõ: “Vấn đề chuyên chính vô sản là vấn đề thái độ của nhà nước vô sản đối với nhà nước tư sản, của chế độ dân chủ vô sản đối với chế độ dân chủ tư sản”. 

Chính vào lúc đó Causky đưa ra cái gọi là “dân chủ thuần tuý” nhằm tô son trát phấn cho nền dân chủ tư sản, phủ phục trước nền dân chủ ấy, cho rằng nó là nền dân chủ cho mọi giai cấp, nó tồn tại vĩnh viễn và ngày càng hoàn thiện. 

Phê phán luận điệu nguy hiểm trên đây của Causky, Lênin chỉ rõ “Dân chủ thuần tuý” là một quan niệm phản khoa học, dân chủ bao giờ cũng là một hình thái nhà nước và khi nó đạt tới mức thuần tuý thì nó sẽ tiêu vong. “Dân chủ thuần tuý” là quan niệm phi giai cấp vì nó không chỉ rõ dân chủ cho giai cấp nào. Thực ra chỉ có dân chủ tư sản hay dân chủ vô sản không có dân chủ nói chung. Dân chủ tư sản xét về mặt lịch sử, 1à một bước tiến bộ lớn, so với chế độ, chế độ phong kiến. Nhưng dân chủ tư sản chỉ là dân chủ hạn chế, dân chủ hình thức vì nó chỉ dân chủ cho bọn giàu có và gạt bỏ quần chúng ra khỏi những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Nó tuyên bố quyền tự do dân chủ nhưng không những không có điều kiện để thực hiện quyền tự do dân chủ ấy. Ngược lại nó còn đặt ra đủ thứ luật lệ để ngăn cản quần chúng thực hiện nền dân chủ ấy. Những người lao động chỉ được tự do bề ngoài, thực sự họ bị cột chặt vào quan hệ chủ thợ, quan hệ bóc lột và bị bóc lột bằng hàng ngàn sợi dây vô hình. 

Chính vì vậy mà Lênin cho rằng: “chế độ dân chủ thuần tuý chẳng qua chỉ là một câu nói giả dối của một kẻ thuộc phái tự do tìm cách lừa bịp công nhân”. Vậy thì những người mác xít có cần lợi dụng nền dân chủ tư sản không và lợi dụng nó như thế nào? Cần lợi dụng dân chủ tư sản tức là biết nêu ra những khẩu hiệu dân chủ phản ánh nguyện vọng bức thiết của quần chúng; biết lợi dụng những thiết chế dân chủ do giai cấp tư sản tạo ra mà thâm nhập vào quần chúng, lôi cuốn họ, cô lập giai cấp tư sản đấu tranh chống những ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội trong quần chúng; thông qua cuộc đấu tranh cho dân chủ mà tập dượt quần chúng, nâng họ lên trình độ giác ngộ XHCH. Nhưng cần thấy rõ sự hạn chế của dân chủ tư sản không bao giờ tự giam hãm mình trong nền dân chủ đó, mà phải biết tổ chức cuộc đấu tranh thủ tiêu nó, xây dựng một nền dân chủ khác về chất. 

Vận dụng tư tưởng, của Lênin, ở các nước tư bản chủ nghĩa các Đảng cộng sản cần lãnh đạo cuộc đấu tranh cho dân chủ. Nhưng không lúc nào được giam hãm mình trong hệ ý thức tư sản, bằng lòng với dân chủ tư sản, coi đó là tuyệt đỉnh mà phải luôn luôn hướng về dân chủ vô sản - nâng cuộc đấu tranh giành dân chủ lên cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội vì chỉ có CHXH mới có dân chủ thực sự. 

Trong tác phẩm “chuyên chính vô sản”, Causky hoàn toàn phủ nhận bạo lực cách mạng. Causky cũng phủ nhận việc dùng bạo lực để trấn áp sự phản kháng của giai cấp bóc lột sau khi giai cấp vô sản đã nắm chính quyền, cho rằng dùng bạo lực là xoá bỏ dân chủ, là rơi vào những biện pháp cực đoan. Vả lại khi giai cấp vô sản và quần chúng lao động đã trở thành đa số thì nói đến sử dụng bạo lực là vô lý, là thừa. Tất cả những lập luận xét lại đó chỉ nhằm đi tới phủ nhận sự cần thiết phải dùng bạo lực để đập tan nhà nước tư sản và thiết lập chuyên chính vô sản. 

Ở đây hiện ra ranh giới rõ rệt phân biệt bọn cơ hội và những người mác xít: bọn cơ hội có thể thừa nhận đấu tranh giai cấp, nhưng với điều kiện là không động đến bộ máy nhà nước vốn là công cụ thống trị của giai cấp tư sản. Còn đối với người mác xít thì đấu tranh giai cấp dẫn đến việc giành chính quyền. Phê phán Causky Lênin đã chỉ rõ rằng bạo lực là tất yếu trong cuộc đấu tranh giành chính quyền. Giai cấp tư sản vốn có bạo lực trong tay. Chính nhờ bạo lực ấy chúng giành được chính quyền từ tay phong kiến và duy trì được địa vị thống trị của chúng trước áp lực đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của giai cấp vô sản và quần chúng lao động. Giai cấp tư sản chiếm thiểu số trong xã hội chỉ có thể tồn tại ở địa vị thống trị nhờ có bạo lực. Do đó phải dùng bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng của giai cấp tư sản. 

Lênin đã viết “Cách mạng vô sản không thể thành công được, nếu không phá hủy bằng bạo lực bộ máy nhà nước tư sản”. Tuy nhiên, vấn đề giành chính quyền còn được đặt ra dưới khía cạnh khác. Liệu có khả năng giành thắng lợi cho cách mạng bằng phương pháp hoà bình không? 

Causky đã lợi dụng một cách xuyên tạc quan điểm của Mác nói về khả năng giành thắng lợi cho cách mạng bằng phương pháp hoà bình ở nước Anh và Mỹ vào những năm 70 của thế kỷ XIX để bênh vực cho quan điểm phản động của y. Sự thật là điều mà Mác chỉ xem như ngoại lệ thì Causky lại xem là qui luật. 

Lênin cho rằng khả năng giành thắng lợi cho cách mạng bằng phương pháp hoà bình đã xuất hiện ở nước Anh, nước Mỹ những năm 70 của thế kỷ XIX vì lúc đó chủ nghĩa tư bản ở những nước này còn đang phát triển một cách hoà bình, bộ máy quan liêu và chủ nghĩa quân phiệt chưa phát triển. Những khi chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa thì ở các nước đó, điều kiện đó không còn nữa. Nhìn chung trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, khả năng giành thắng lợi cho cách mạng bằng phương pháp hoà bình rất ít có khả năng xuất hiện, vì chủ nghĩa quân phiệt của nó thì phát triển đến cao độ và phổ biến nhất. 

V.I.Lênin vạch rõ bản chất và ý nghĩa to lớn của chính quyền Xôviết với tính cách là một nền dân chủ thật sự. Người chỉ ra rằng: “Chế độ dân chủ vô sản mà một trong những hình thức của nó là chính quyền Xôviết - đã phát triển và mở rộng chế độ dân chủ một cách chưa hề thấy ở một nơi nào trên thế giới, chính là vì lợi ích của tuyệt đại đa số dân cư, vì lợi ích của những người bị bóc lột và lao động”. “Xô viết là tổ chức trực tiếp của chính quần chúng lao động và bị bóc lột, tổ chức này tạo điều kiện thuận lợi cho họ có khả năng tự mình tổ chức và quản lý nhà nước bằng mọi cách”. 

Lênin cho rằng: “Chế độ dân chủ vô sản so với bất cứ chế độ dân chủ tư sản nào cũng dân chủ hơn gấp triệu lần; chính quyền Xô viết so với nước cộng hoà tư sản dân chủ nhất thì cũng dân chủ hơn gấp triệu lần”. Nền dân chủ tư sản ngày càng có xu hướng đi tới độc tài, chuyên chế. Trái lại nền dân chủ vô sản ngày càng được mở rộng bao nhiêu càng đi đến chỗ tự biến dần, sự tiêu vong cùng với sự tiêu vong của nhà nước. 

2. Về vấn đề chiến tranh và chủ nghĩa quốc tế vô sản 

Vấn đề chiến tranh và hoà bình trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa là vấn đề quan hệ đến sinh mệnh của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn triệu người trên thế giới. Đó cũng là thử thách mới nhất đối với các giai cấp, các đảng phái và từng cá nhân con người. Trước thử thách đó Causky bộc lộ lập trường sô-vanh của hắn và chủ trương : 

+ Chỉ đòi chính phủ tư sản tiến hành những cải cách. 

+ Tiếp tục ủng hộ chính phủ tư sản tiến hành chiến tranh cho đến khi tất cả các nước giao chiến chấp nhận khẩu hiệu: không thôn tính cũng không bồi thường. 

+ Causky còn lên án việc những người Bônsêvích ký hoà ước Brét-li-tốp. 

Lênin phê phán Causky và chỉ rõ: lập trường của Causky là lập trường của chủ nghĩa dân tộc tiểu tư sản. Chủ nghĩa dân tộc tiểu tư sản là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, mù quáng của những người tiểu tư sản lạc hậu, bị giai cấp tư sản huyễn hoặc bằng khẩu hiệu “bảo vệ tổ quốc” mà lao vào cuộc chiến tranh cuồng nhiệt lẫn lộn bạn và thù. 

V.I.Lênin chỉ rõ phải căn cứ vào mục đích của chiến tranh và giai cấp nào tiến hành chiến tranh để xác định tính chất của cuộc chiến tranh. Chiến tranh là tiếp tục của chính trị. Vậy phải xem xét cái chính trị mà cuộc chiến tranh ấy kế tục là chính trị gì, chứ không phải căn cứ vào chỗ ai tấn công, ai tự vệ để xác định tính chất của chiến tranh. 

Cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, xét cả hai phía đều là sự tiếp tục của chính trị đế quốc chủ nghĩa, kết quả của tình trạng cạnh tranh do chế độ tư hữu đẻ ra. Do đó nó là cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa. Chiến tranh đã bắt nguồn từ chủ nghĩa đế quốc thì con đường chấm dứt chiến tranh không thể nào khác ngoài con đường cách mạng lật đổ giai cấp bóc lột, thiết lập nền chuyên chính của giai cấp vô sản trên toàn thế giới. 

V.I.Lênin khẳng định: “Bổn phận của tôi, bổn phận của người đại biểu của giai cấp vô sản cách mạng là phải chuẩn bị cuộc cách mạng vô sản thế giới, con đường duy nhất để thoát khỏi những khủng khiếp của cuộc giết chóc có tính chất thế giới”. 

V.I.Lênin chỉ rõ quân đội là công cụ bạo lực, là chỗ dựa của giai cấp bóc lột để duy trì địa vị thống trị của giai cấp bóc lột. Chủ nghĩa Mác khẳng định phải đập tan bộ máy nhà nước cũ – mà trước hết là đập tan cơ quan bạo lực của nó là quân đội và bộ máy quan liêu. 

Những người Bônsêvích ra sức tác động làm rã rời quân đội cũ, quân đội của Nga hoàng, của giai cấp tư sản, là thực hiện nguyên tắc đó. Dĩ nhiên giai cấp vô sản phải có quân đội của mình. V.I.Lênin nói: “Công nhân có vũ trang là mầm mống của một quân đội mới, là tế bào tổ chức của một chế độ xã hội mới”. 

Khi bàn về chủ nghĩa đế quốc thì Causky cho rằng: “Chủ nghĩa quốc tế là ở chỗ ủng hộ chính phủ đế quốc nước mình” cũng như phái Mensêvích và phái XHCH - cách mạng đã ủng hộ Kêrenxki ; là ở chỗ bưng bít các hiệp ước bí mật của chính sách đó, lừa dối nhân dân bằng những lời đường mật: chúng tôi “đòi”, họ nói thế, các con dã thú phải trở thành hiền lành, chúng tôi “đòi” các chính phủ đế quốc phải “chấp nhận khẩu hiệu hoà bình không thôn tính, không bồi thường”. Theo Causki, đó là chủ nghĩa quốc tế. 

V.I.Lênin phê phán Causky, đó là sự phản bội hoàn toàn. 

V.I.Lênin đã khẳng định: “chủ nghĩa quốc tế là ở chỗ đoạn tuyệt với những người xã hội - sô vanh (tức là bọn vệ quốc) của nước mình và với chính phủ đế quốc của nước mình, tiến hành đấu tranh cách mạng chống lại chính phủ ấy, lật đổ nó, sẵn sàng hy sinh những lợi ích dân tộc lớn nhất (thậm chí phải ký hoà ước Brét) nếu điều đó có lợi cho sự phát triển của cách mạng công nhân quốc tế”. 

Với niềm tự hào to lớn của Cách mạng tháng Mười vĩ đại, V.I.Lênin nói lên lòng trung thành của những người Bônsêvích với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Sách lược của những người cộng sản Nga, Lênin viết: “Là sách lược duy nhất quốc tế chủ nghĩa, vì nó đã làm hết cả những gì có thể thực hiện được trong riêng một nước để phát triển, ủng hộ, thức tỉnh cách mạng trong tất cả các nước”. 

Trước hết V.I.Lênin muốn nói đến ảnh hưởng cách mạng hoá của sách lược đó, của những thành tựu của nó đối với phong trào giải phóng thế giới. Quần chúng lao động tất cả các nước, V.I.Lênin viết: “Hiểu ngày càng rõ ràng hơn rằng chủ nghĩa Bônsêvích đã vạch ra con đường đúng đắn để tránh khỏi những cảnh khủng khiếp của chiến tranh và của chủ nghĩa đế quốc và hiểu rõ rằng chủ nghĩa Bônsêvích là mẫu mực sách lược cho tất cả các nước”. 

Bọn cơ hội bác bỏ, xuyên tạc kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười Nga và phủ nhận ý nghĩa quốc tế của đường lối chiến lược sách lược Bônsêvích. Chúng nói rằng đó là một cuộc cách mạng nổ ra ở một nước lạc hậu là đại đa số dân cư là nông dân thì kinh nghiệm của nó, đường lối, chiến lược, sách lược của nó không có ý nghĩa phổ biến với các nước, càng không có ý nghĩa với các nước tư bản chủ nghĩa phát triển. 

Thật ra, bác bỏ ý nghĩa quốc tế của Cách mạng tháng Mười Nga, của đường lối chiến lược, sách lược Bônsêvích, bọn cơ hội nhằm tấn công vào chủ nghĩa V.I.Lênin, reo rắc quan niệm cho rằng chủ nghĩa V.I.Lênin chỉ là lý thuyết cách mạng của một nước lạc hậu. 

V.I.Lênin đã bác bỏ điều bịa đặt của Causky cho rằng kinh nghiệm đó không đáng được chú ý và cuộc cách mạng Nga cũng không đáng được quốc tế ủng hộ, bởi vì theo Causky, cuộc cách mạng này không có tính chất vô sản thuần tuý. 

- Trong cuốn sách “Cách mạng vô sản và tên phản bội Causky”, V.I.Lênin đã phân tích sâu sắc kinh nghiệm lịch sử của cuộc Cách mạng XHCH tháng Mười vĩ đại và của kinh nghiệm của Đảng cộng sản Liên Xô (cũ). Lênin viết: “Chủ nghĩa Bônsêvích đã phổ cập trên toàn thế giới ý niệm chuyên chính vô sản”; những từ đó, nó đã dịch từ tiếng La tinh trước hết là tiếng Nga, rồi sau đó ra tất cả các thứ tiếng trên thế giới; nó đã lấy ví dụ Chính quyền Xô viết để vạch ra rằng ngay cả trong một nước lạc hậu, công nhân và nông dân nghèo, thậm chí thiếu kinh nghiệm nhất, thiếu học thức, ít quen công việc tổ chức nhất, cũng đã có thể, trong suốt một năm trời, giữa những khó khăn chưa từng thấy, trong cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột (được giai cấp tư sản toàn thế giới ủng hộ) bảo vệ được chính quyền của người lao động, thiết lập nên một chế độ dân chủ vô cùng cao hơn và rộng hơn tất cả những chế độ dân chủ trước kia trên thế giới và mở đầu công cuộc sáng tạo của hàng chục triệu công nhân và nông dân nhận thực hiện chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn”. 

3. Lý luận của V.I.Lênin về sự chuyển biến của cách mạng dân chủ - tư sản thành cách mạng XHCH đã được tiếp tục luận chứng trong tác phẩm “Cách mang vô sản và tên phản bội Causky”. V.I.Lênin đã lập luận một cách sâu sắc và chỉ rõ tầm quan trọng của các biện pháp cách mạng của chính quyền Xôviết như quốc hữu hoá ruộng đất và quốc hữu hoá công nghiệp. 

V.I.Lênin viết “Việc quốc hữu hoá ruộng đất do chuyên chính vô sản tiến hành ở nước Nga, đã bảo đảm được chắc chắn nhất việc hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ tư sản”. 

Khi vạch trần những sự công kích đầy tính chất vu khống của Causky «chống lại chính sách đối ngoại của Nhà nước Xô viết, V.I.Lênin đã nhấn mạnh tính chất dân chủ triệt để của chính sách ấy. V.I.Lênin viết rằng: “Chính quyền Xô viết đã lột bỏ cái màn bí mật của chính sách đối ngoại và điều đó có một ý nghĩa căn bản: hoà bình và tính mạng của hàng chục triệu con người tuỳ thuộc vào điều đó”. 

Chủ nghĩa Bônsêvích chỉ cho các dân tộc con đường đúng đắn để thoát khỏi những sự khủng khiếp của chiến tranh và chủ nghĩa đế quốc. Chính vì vậy mà quần chúng tất cả các nước ngày càng tin chắc rằng “chủ nghĩa Bônsêvích có thể dùng làm kiểu mẫu sách lược cho tất cả mọi người”. 

III. Ý nghĩa của tác phẩm 

1.Những luận điểm trong tác phẩm “Cách mạng vô sản và tên phản bội Causky” của V.I.Lênin trở thành một bộ phận khăng khít của lý luận mác xít về cách mạng XHCH. V.I.Lênin đã khái quát kinh nghiệm của cuộc cách mạng XHCH tháng Mười vĩ đại và những kinh nghiệm của những năm đầu tiên của Chính quyền Xô viết dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích. 

2. Tác phẩm “Cách mạng vô sản và tên phản bội Causky” của V.I.Lênin là tác phẩm nổi tiếng mang tính Đảng, tính khoa học và tính chiến đấu. Nó là vũ khí lý luận của những người Mác xít - Lênin nít trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay, là chìa khoá để hiểu thực chất những đòn đả kích hiện nay của kẻ thù đối với lý luận cách mạng, là tác phẩm chứa đựng những luận cứ xác đáng về tính tất yếu của cuộc đấu tranh cách mạng vì CNXH. 

3. Tác phẩm đóng một vai trò to lớn trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, giúp cho các Đảng cộng sản và những người cộng sản những lời chỉ giáo có tính phương pháp luận đối với việc tiếp thu một cách sáng tạo của cuộc cách mạng trước để làm giàu cho thực tiễn đấu tranh cách mạng hiện nay. 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website