Kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản

I- Hoàn cảnh ra đời 

Nhân dịp kỷ niệm 2 năm thành lập chính quyền Xô viết (7/11/1917 -  7/11/1919), Lênin muốn tổng kết những kinh nghiệm của Nhà nước Xô viết đầu tiên trên thế giới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ yếu ở hai lĩnh vực kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản. 

Lênin có ý định viết một cuốn sách nhỏ, tiếp tục những tư tưởng của tác phẩm Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết. Tác phẩm này Lênin muốn làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản và những vấn đề xung quanh thời kỳ quá độ. 

Nhưng từ tháng 1-1918 đến tháng 3-1918, Đức, Áo, Hung gây chiến tranh với Liên Xô. Để phân hoá kẻ thù, giảm bớt sự nguy hiểm đối với chính quyền Xôviết, Lênin đã ký với Đức hiệp ước Brétlitôp nhằm tranh thủ những ngày hoà bình để xây dựng và củng cố chính quyền. Liên Xô phải dốc toàn lực để chống “thù trong, giặc ngoài”, bảo vệ nhà nước non trẻ. Vì vậy, ý định muốn viết cuốn sách nhỏ của Lênin cũng không thực hiện được. Do bận nhiều việc, Lênin chỉ viết bài báo có tính chất đặt vấn đề để đảng viên thảo luận, đăng ở BáoSự thật số 250 ngày 7-11-1919 lấy tên là: Kinh tế chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản. 

Tuy là một bài báo, song nó đã chứa đựng rất nhiều tư tưởng, quan điểm lớn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn đối với các nhà nước chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. 

II- Những quan điểm cơ bản trong tác phẩm 

Trong tác phẩm, Lênin đề cập nhiều vấn đề, ở đây xin tập trung 3 nội dung cơ bản: 

- Những vấn đề xung quanh thời kỳ quá độ. 

- Chủ nghĩa xã hội là xóa bỏ giai cấp. 

- Đấu tranh giai cấp có nghĩa là chuyên chính vô sản. 

1. Những vấn đề xung quanh thời kỳ quá độ 

a) Tính tất yếu của thời kỳ quá độ 

- Về lý luận: 

+ Xét về triết học, không có cái gì ra đời từ hư vô, mà phải có quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện. Từ cơ sở lý luận đó, chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa cộng sản) không phải tự nhiên mà có. Chính chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những tiền đề về kinh tế, xã hội để chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa cộng sản) ra đời. Như vậy, chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa cộng sản) ra đời trong lòng chủ nghĩa tư bản, nên phải có một thời gian nhất định để các yếu tố của chủ nghĩa cộng sản hình thành, phát triển và hoàn thiện. Đó chính là thời kỳ quá độ. 

+ Xuất phát từ lý luận về cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, giữa cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa không có bức tường thành ngăn cách, sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ phải tiến ngay lên chủ nghĩa cộng sản. Nhưng từ chủ nghĩa tư bản đến chủ nghĩa cộng sản phải có một thời kỳ để chủ nghĩa cộng sản hoàn thiện - đó là thời kỳ quá độ. 

+ Theo Lênin, danh từ quá độ vận dụng vào kinh tế nghĩa là: Trong chế độ hiện nay vẫn có những thành phần kinh tế, có những bộ phận, những mảnh của chủ nghĩa tư bản đan xen với các yếu tố của chủ nghĩa xã hội. 

+ Chính vì thế, trong tác phẩm này, Lênin viết: “Về lý luận, không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản có một thời kỳ quá độ”. 

- Về thực tiễn: 

+ “Không riêng gì đối với một người mácxít, mà cả đối với bất cứ một người trí thức nào đã hiểu theo cách này hay cách khác thuyết tiến hóa, thì tính tất yếu của cả một thời đại lịch sử mang những đặc điểm ấy của một thời kỳ quá độ, tự nó cũng đã là hiển nhiên rồi”. 

- Tư tưởng của Lênin về thời kỳ quá độ đã phê phán những người phái dân chủ tiểu tư sản, trong đó có những đại biểu của Quốc tế II như: Mác - Đônan, Giăng Lôngghe, Phriđrich Átlơ, Causky, v.v... Họ từ chối dứt khoát không thừa nhận thời kỳ quá độ, họ cho rằng, chủ nghĩa tư bản tự nhiên tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Họ giả danh chủ nghĩa xã hội, nhưng chính họ là đại biểu của phái dân chủ tư sản. 

- Việc xác định đúng thời kỳ quá độ có ý nghĩa rất lớn đối với các Đảng Cộng sản trong việc đề ra đường lối chiến lược, sách lược trong thời kỳ quá độ; phân biệt được những người cộng sản chân chính với những người cải lương, cơ hội, xét lại... 

b) Đặc điểm kinh tế và chính trị trong thời đại chuyên chính vô sản 

- Đặc điểm kinh tế 

+Đặc điểm riêng: Nền kinh tế nước Nga ở thời kỳ quá độ, có những đặc điểm riêng: 

. Quyền tư hữu về tư liệu sản xuất đã bị thủ tiêu. Thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể đóng vai trò chủ đạo. 

. Phân phối sản phẩm tiêu dùng cho người lao động thuộc về Nhà nước. 

. Là nước lạc hậu bị chiến tranh tàn phá. 

+ Đặc điểm chung: Lênin cho rằng, ở nước Nga, những lực lượng cơ bản, những hình thức cơ bản của nền kinh tế giống như bất cứ nước tư bản nào khác quá độ lên chủ nghĩa cộng sản. 

. Các hình thức cơ bản là: chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư sản, tiểu sản xuất hàng hóa. 

. Các lực lượng cơ bản là: giai cấp vô sản, giai cấp tư sản, giai cấp nông dân và tiểu tư sản. 

Theo Lênin: Sự có mặt ba thành phần kinh tế, ba giai cấp cơ bản ấy là tất yếu đối với thời kỳ quá độ ở tất cả các nước có nền sản xuất tư bản chủ nghĩa tương đối phát triển. 

- Đặc điểm chính trị: 

+ Về xã hội: tồn tại nhiều mâu thuẫn xã hội. Đó là: Thời kỳ đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản đang giãy chết và chủ nghĩa cộng sản đang phát sinh, hay nói một cách khác, giữa chủ nghĩa tư bản đã bị đánh bại nhưng chưa bị tiêu diệt hẳn, và chủ nghĩa cộng sản đã phát sinh nhưng vẫn còn rất non yếu”.

+ Về chính trị : Nước Nga đã giành được chính quyền về tay giai cấp vô sản và đang bước vào thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. 

+ Về tư tưởng: Đang tồn tại nhiều tư tưởng, hệ tư tưởng khác nhau, trong đó chủ nghĩa Mác là nền tảng tư tưởng. 

Sự phân tích trên của Lênin về đặc điểm kinh tế chính trị ở nước Nga trong thời kỳ quá độ là thiên tài, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. 

Bất cứ nước nào giành được độc lập quá độ lên chủ nghĩa xã hội (chủ nghĩa cộng sản) đều chứa đựng các đặc điểm kinh tế và chính trị như ở nước Nga lúc đó. 

c) Chủ trương của nhà nước chuyên chính vô sản đối với những thành phần kinh tế, giai cấp trong xã hội 

Từ sự phân tích đặc điểm kinh tế, giai cấp trong xã hội, Lênin đã có những chính sách đối với từng thành phần kinh tế. 

- Đối với giai cấp tư sản, địa chủ: 

Tịch thu tài sản, không bồi thường gì cả. Do đó, từ tháng 8-1917, quyền tư hữu ruộng đất đã được thủ tiêu, hầu hết bọn tư sản lớn, bọn chủ xưởng, chủ nhà máy, chủ xí nghiệp cổ phần, chủ ngân hàng đã bị thủ tiêu còn nhà nước tổ chức nền đại sản xuất công nghiệp chuyển công nhân từ kiểm soát sang quản lý. 

Nhưng đến Chính sách kinh tế mới và Bàn về thuế lương thực, Lênin cho rằng, những tư tưởng đó chỉ đúng với chế độ cộng sản thời chiến. Quốc hữu hóa quá nhanh là không đúng mà phải giảm bớt cho họ. Lênin còn đánh giá cao chủ nghĩa tư bản nhà nước và chủ nghĩa tư bản tư nhân, đặc biệt là chủ nghĩa tư bản nhà nước. 

- Đối với nông dân: 

+ Thành lập nông trường quốc doanh, hợp tác xã, coi như hình thức quá độ từ tiểu nông nghiệp hàng hóa lên nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước đứng ra thu lúa mì và phân phối sản phẩm cho tư nhân. Kết quả: 

Năm 1917 thu 30 triệu fút. 

Năm 1918 thu 110 triệu fút. 

Năm 1919 và 1920 thu 180 triệu fút mỗi năm. 

Đã giải quyết lương thực cho nhân dân 26 tỉnh. Năm 1918, Nhà nước cung cấp 53 triệu fút, con buôn cung cấp 68,4 triệu fút, nhưng giá nhà nước rẻ gấp 9 lần giá con buôn. 

Lênin đánh giá cao kết quả thu mua lương thực: Đây là điều kiện cơ bản, bước đầu bảo đảm cho hoạt động của nền kinh tế quốc dân thuận lợi, tạo điều kiện cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi ở nước Nga. Đồng thời, Lênin cũng đánh giá cao chính sách của Nhà nước đối với nông dân - những người lao động được giải phóng khỏi tay bọn bóc lột hàng bao thế kỷ. 

Đây là một bước tiến chưa từng có, người nông dân được tự do thực sự dưới thời chuyên chính vô sản. Tuy nhiên, đến tác phẩm Bàn về thuế lương thực, Lênin cho rằng: “chế độ cộng sản thời chiến” không phải và không thể là một chính sách phù hợp với nhiệm vụ kinh tế của giai cấp vô sản”. 

Mặc dù sau này, đến tác phẩm Chính sách kinh tế mới và tác phẩm Bàn về thuế lương thực, Lênin có phê phán và đổi từ chính sách trưng thu, trưng mua sang chính sách thuế, song tư tưởng trong tác phẩm vẫn có ý nghĩa rất lớn đối với các nước mới giành chính quyền, quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

2. Chủ nghĩa xã hội là xóa bỏ giai cấp 

a) Theo Lênin, chủ nghĩa xã hội là xóa bỏ giai cấp nhưng “thủ tiêu giai cấp có nghĩa là làm cho tất cả mọi công dân đều có địa vị ngang nhau đối với những tư liệu sản xuất của toàn xã hội, có nghĩa là tất cả mọi công dân đều có quyền làm việc ngang nhau, với những tư liệu sản xuất xã hội, trên ruộng đất thuộc về xã hội; trong công xưởng thuộc về xã hội”. 

Lênin nêu ra hai điều kiện xoá bỏ giai cấp: 

+ Điều kiện thứ nhất: Đánh đổ bọn địa chủ và bọn tư bản. Nhiệm vụ đó đã hoàn thành song mới chỉ là một phần nhưng không phải khó khăn nhất. 

+Điều kiện thứ hai: Phải xóa bỏ sự khác nhau giữa công nhân và nông dân, làm cho tất cả mọi người đều trở thành người lao động. 

Lênin nêu ra các giải pháp thực hiện điều kiện thứ hai: 

Một là, cải tạo toàn bộ nền kinh tế - xã hội bằng cách chuyển từ nền kinh tế hàng hóa nhỏ sang nền kinh tế tập thể lớn. Đây là nhiệm vụ rất lâu dài. 

Hai là, tuyệt đối không được dùng biện pháp lập pháp hay hành chính hấp tấp và không thận trọng. Dùng biện pháp này chỉ làm cho bước quá độ kéo dài thêm và chỉ thêm khó khăn mà thôi. Tức là phải để người nông dân tự suy nghĩ trên mảnh đất của mình, tự họ so sánh, nếu tập thể ưu việt thì họ tự nguyện giao đất và gia nhập hợp tác xã. 

Ba là, giúp đỡ làm cho nông dân có khả năng, trên nhưng quy mô to lớn, cải tiến được toàn bộ kỹ thuật canh tác và cải tạo được triệt để nền kỹ thuật ấy… 

Bốn là, giai cấp vô sản phân biệt được tính hai mặt của người nông dân: “Người nông dân lao động với người nông dân tư hữu - giữa người nông dân lao động với người nông dân con buôn - giữa người nông dân cần lao với người nông dân đầu cơ. Tất cả thực chất của chủ nghĩa xã hội nằm trong sự phân định ranh giới đó”. Trên cơ sở đó phát huy mặt tốt, mặt tích cực của người nông dân hạn chế mặt tiêu cực của họ. 

b) Theo Lênin, chủ nghĩa xã hội là xóa bỏ giai cấp, nhưng không thể xóa bỏ ngay được. Các giai cấp sẽ còn tồn tại suốt thời kỳ quá độ. Phải thực hiện chuyên chính vô sản. Nhưng chuyên chính sẽ trở thành vô ích, khi các giai cấp không còn nữa. Các giai cấp sẽ không biến mất đi, nếu không có chuyên chính vô sản”. 

Quan điểm này của Lênin chống lại những đại biểu của Quốc tế II mơ hồ về lập trường giai cấp, muốn nhanh chóng xóa bỏ giai cấp trước chủ nghĩa xã hội. Thực chất đó là âm mưu muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vì giai cấp vô sản không còn, tất yếu Đảng Cộng sản cũng không có lý do để tồn tại. 

3. Đấu tranh giai cấp có nghĩa là chuyên chính vô sản 

a) Trong thời kỳ quá độ, các giai cấp vẫn còn, song bộ mặt các giai cấp đã khác trước 

- Đối với giai cấp tư sản: 

Đã là tư sản thì mục đích sản xuất phải vì lợi nhuận, vì giá trị thặng dư, song giai cấp tư sản nay không còn nguyên nghĩa như dưới chủ nghĩa tư bản. Vì các nhà tư bản đang sống dưới chủ nghĩa xã hội, họ phải hoạt động theo hiến pháp và pháp luật của nhà nước, họ không thể bóc lột công nhân như dưới chủ nghĩa tư bản. 

- Đối với giai cấp vô sản: 

Từ địa vị làm thuê cho giai cấp tư sản, sang địa vị làm chủ xã hội, giai cấp vô sản là giai cấp tiên phong lãnh đạo cách mạng. Họ phải liên minh chặt chẽ với nông dân để trở thành lực lượng nòng cốt của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

- Đối với người nông dân: 

Người nông dân cũng khác trước. Họ không bị bọn địa chủ, phú nông (Kulak) áp bức bóc lột. Họ liên minh với công nhân theo Đảng làm cách mạng. Mặt tích cực của người nông dân được phát huy, mặt hạn chế được khắc phục dần dần. 

b) Dưới chủ nghĩa xã hội vẫn còn giai cấp và đấu tranh giai cấp, song cuộc đấu tranh diễn ra dưới hình thức khác 

Khi chưa có chính quyền, giai cấp vô sản và Đảng tiên phong của nó phải đấu tranh để giành chính quyền. 

Khi có chính quyền, Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền xây dựng chủ nghĩa xã hội, bước vào thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội thì cuộc đấu tranh giai cấp không phải giai cấp này đấu tranh đòi lật đổ giai cấp kia mà chủ yếu đấu tranh giành lợi ích kinh tế. 

Lênin cho rằng muốn hoàn thành sự nghiệp của mình, giai cấp vô sản phải tiến hành đấu tranh cách mạng, sử dụng bộ máy chính quyền nhà nước và áp dụng các chính sách khác nhau để đấu tranh ảnh hưởng tác động đến giai cấp tư sản đã bị lật đổ và giai cấp tiểu tư sản đã bị ngả nghiêng. 

Người còn dạy rằng, chuyên chính vô sản không chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột và cũng không phải chủ yếu là bạo lực. Cơ sở kinh tế của cách mạng bạo lực đó, cái bảo đảm cho sức sống và thắng lợi của nó chính là việc giai cấp vô sản đưa ra được và thực hiện được kiểu tổ chức xã hội về lao động hơn chủ nghĩa tư bản. 

c) Dưới chủ nghĩa xã hội, nhà nước chuyên chính vô sản không chỉ tổ chức và xây dựng (chức năng chủ yếu) mà còn phải trấn áp những phản kháng ngày càng tăng của bọn bóc lột, vì giai cấp bóc lột (tư bản và địa chủ) đã bị đánh bại song không thể nào biến mất ngay dưới thời chuyên chính vô sản. Chúng đã bị đánh đổ song chưa bị tiêu diệt hẳn. Chúng còn phản kháng mạnh vì chúng còn cơ sở quốc tế (tư bản quốc tế ủng hộ), còn một phần tư liệu sản xuất, còn tiền, còn mối quan hệ xã hội. Điều quan trọng, vì chúng thất bại nên chúng phản kháng gấp trăm ngàn lần. 

d) Tư tưởng về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản là “viên đá tảng” của chủ nghĩa Mác. Tư tưởng trong tác phẩm của Lênin hoàn toàn đối lập với tư tưởng cải lương, ảo tưởng của một số người trong Quốc tế II và bọn cơ hội, xét lại. Chúng cho rằng, không cần đấu tranh giai cấp, chỉ bằng con đường dân chủ sẽ chuyển hóa từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Lênin cho rằng, “Quan niệm mà chúng ta thấy ở tất cả những đại biểu của Quốc tế II, là phi lý biết bao về mặt lý luận và ngu xuẩn biết chừng nào”… 

đ) Trong tác phẩm này, Lênin cũng phê phán quan niệm nôn nóng về những khẩu hiệu tự do, dân chủ, bình đẳng mà những người xã hội chủ nghĩa hay thổi phồng quá mức. Đó chính là lập trường của giai cấp tư sản. Theo Lênin, để làm rõ khái niệm “dân chủ” phải đặt rõ ràng: Tự do thoát khỏi sự áp bức của giai cấp nào? Bình đẳng của giai cấp nào? Dân chủ trên cơ sở quyền tư hữu hay trên cơ sở cuộc đấu tranh để thủ tiêu quyền tư hữu. 

Trong tác phẩm Chống Đuyrinh, Ăngghen đã vạch rõ từ lâu rằng: Khái niệm bình đẳng, tức là sự phản ánh của quan hệ sản xuất hàng hóa, sẽ biến thành thiên kiến, nếu người ta không hiểu bình đẳng theo nghĩa xóa bỏ giai cấp”. 

III- Ý nghĩa của tác phẩm 

- Qua tác phẩm này, Lênin đã nêu ra những tư tưởng rất cơ bản về thời kỳ quá độ, về đấu tranh giai cấp về chuyên chính vô sản và dân chủ tư sản. 

- Tác phẩm này không chỉ đánh bại tư tưởng cơ hội, xét lại của một số đại biểu trong Quốc tế II mà còn có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại, cải lương ngày nay. 

- Với các nước mới giành chính quyền, bước vào thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, tư tưởng của tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn. 


Theo Giới thiệu tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngnghen, V.I. Lênin, Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, Nxb CTQG, H, 1999.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website