Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 29/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030
  • Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên đến năm 2030
  • 2127/QĐ-TTg
  • Quyết định
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • 29/12/2017
  • 29/12/2017
  • Thủ tướng Chính phủ
  • Vũ Đức Đam
Nội dung:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:2127/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA VỊNH XUÂN ĐÀI, TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2030

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CPngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài (sau đây viết tắt là Khu DLQG Vịnh Xuân Đài), tỉnh Phú Yên đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Vị trí, ranh giới, quy mô Khu DLQG Vịnh Xuân Đài

Khu DLQG Vịnh Xuân Đài thuộc địa bàn thị xã Sông cầu và huyện Tuy An; có ranh giới được xác định: Phía Bắc bao gồm toàn bộ bán đảo Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu; phía Đông giáp biển; phía Tây lấy quốc lộ 1A làm ranh giới, từ khu vực Gành Đỏ (phường Xuân Đài) đến hết phường Xuân Yên của thị xã Sông Cầu; phía Nam lấy tuyến đường bộ ven biển làm ranh giới, bao gồm các xã: An Ninh Đông và An Ninh Tây (huyện Tuy An) giáp với thị xã Sông Cầu. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu DLQG là 1.200 ha (chưa bao gồm diện tích mặt nước).

2. Quan điểm phát triển

a) Phát triển du lịch Khu DLQG Vịnh Xuân Đài dựa vào lợi thế cơ bản là mặt nước vịnh, giá trị cảnh quan Gành Đá Đĩa để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo thương hiệu riêng cho Vịnh Xuân Đài.

b) Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để Khu DLQG Vịnh Xuân Đài trở thành mũi nhọn của du lịch tỉnh Phú Yên và trở thành khu du lịch có giá trị trong hệ thống du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

c) Phát triển Khu DLQG Vịnh Xuân Đài trong không gian kết nối với thành phố Tuy Hòa và các điểm du lịch khác của tỉnh Phú Yên, đồng thời liên kết chặt chẽ với các khu, điểm du lịch trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

d) Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo đảm hài hòa với bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Vịnh Xuân Đài, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng và lợi ích cho cộng đồng địa phương. Phát triển du lịch theo hướng thu hút đồng thời cả thị trường khách quốc tế và khách nội địa, khách du lịch cao cấp và khách du lịch đại trà, trong đó chú trọng đến thị trường khách cao cấp.

3. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Đến năm 2025, Vịnh Xuân Đài trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh, của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia, hình thành mối liên kết bổ trợ với các điểm đến khác trong vùng như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và khu vực Tây Nguyên. Đến năm 2030, Khu du lịch Vịnh Xuân Đài cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia.

b) Mục tiêu cụ thể

- Khách du lịch: Đến năm 2025 đón khoảng 850 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 25 nghìn lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 35 nghìn lượt khách quốc tế.

- Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành): Đến năm 2025 đạt trên 400 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 900 tỷ đồng.

- Nhu cầu buồng lưu trú: Đến năm 2025 có khoảng 500 buồng. Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 950 buồng.

- Chỉ tiêu việc làm: Đến năm 2025 tạo việc làm cho khoảng 2.500 lao động, trong đó có khoảng 1.000 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho trên 4.000 lao động với khoảng 1.500 lao động trực tiếp.

4. Các định hướng phát triển chủ yếu

a) Phát triển thị trường khách du lịch

- Khách nội địa: Tập trung khai thác thị trường khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các đô thị phía Bắc, các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khách nội tỉnh; từng bước mở rộng ra các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long; trong đó tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch cuối tuần, du lịch tham quan trải nghiệm trên vịnh, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.

- Khách quốc tế: Chú trọng thu hút thị trường khách Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Âu; tập trung khai thác, thu hút thị trường gần như Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản); tiếp cận và khai thác thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia) qua các tỉnh Tây Nguyên; trong đó tập trung vào phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao, khám phá, tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

b) Phát triển sản phẩm

- Các sản phẩm du lịch chủ đạo:

+ Du lịch nghỉ dưỡng: Nghỉ dưỡng trên vịnh như du thuyền, nhà nổi (bungalow); các khu nghỉ dưỡng đặc thù gắn với đá: Khu nghỉ dưỡng đá, khu nghỉ dưỡng đá kết hợp thiền...; các khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt lập trên bờ: Khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn cao cấp, khu spa cao cấp.

+ Du lịch tham quan, trải nghiệm trên vịnh: Du thuyền tham quan ngắm cảnh; khám phá, tắm biển, thưởng thức ẩm thực trên các đảo; tham quan, trải nghiệm tại các khu nuôi trồng thủy sản; ngắm cảnh hoàng hôn trên vịnh...

+ Du lịch thể thao, vui chơi giải trí: Hoạt động thể thao, vui chơi giải trí gắn với mặt nước vịnh như: chèo thuyền kayak, motor nước, ca nô dù kéo, lướt ván...; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí trên bờ như: đua ngựa, sân tập golf, leo núi…; vui chơi giải trí theo mô hình công viên chuyên đề như: công viên hải dương, công viên kỳ quan đá..., vui chơi giải trí, tổng hợp công nghệ cao...

+ Du lịch sinh thái: Lặn biển ngắm san hô, khám phá hệ sinh thái biển... với dịch vụ cao cấp và quy định nghiêm ngặt; ngắm cảnh, chụp ảnh các rạn san hô gần bờ, các sinh vật biển...; đi bộ, dã ngoại, cắm trại, quan sát động, thực vật trong rừng.

+ Du lịch văn hóa - lịch sử: Tham quan di tích thắng cảnh quốc gia Gành Đá Đĩa, tìm hiểu không gian văn hóa đá; tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, các di tích khảo cổ, di tích lịch sử.

+ Du lịch gắn với văn hóa ẩm thực: Thưởng thức văn hóa ẩm thực và đặc sản biển như: Mắt cá ngừ đại dương, sò huyết, cua huỳnh đế, hàu, ốc nhảy, ghẹ, tôm hùm, khô cá đét, mực, sứa, các loại nước mắm và bánh truyền thống.

- Các sản phẩm du lịch bổ trợ:

+ Du lịch cộng đồng: Gắn với các làng nghề truyền thống, làng chài ven biển (Tiên Châu, Bình Thạnh, Tân Thạnh...), các hoạt động du lịch trải nghiệm đời sống hàng ngày cùng người dân địa phương như: chế biến nước mắm, đan lưới, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản...

+ Du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội văn hóa truyền thống: Lễ hội Vịnh Xuân Đài, lễ hội cầu ngư, lễ hội đua ngựa...

+ Du lịch thương mại, công vụ: Trải nghiệm các hoạt động du lịch, dịch vụ về đêm: Chợ đêm du lịch, phố đi bộ văn hóa du lịch...

+ Du lịch gắn với mua sắm đặc sản, hàng lưu niệm tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, trong đó tập trung vào các sản phẩm: Nước mắm, hải sản biển (cua, ghẹ, tôm, sò huyết, tảo biển...), bánh tráng, sản phẩm gốm Quảng Đức, sản phẩm lưu niệm từ dừa...

c) Tổ chức không gian phát triển du lịch

Khai thác hợp lý lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên và không gian mặt nước vịnh Xuân Đài để hình thành mối liên hệ giữa các phân khu, các điểm du lịch; hạn chế tối đa di chuyển dân cư, không gây ô nhiễm nước vịnh; giảm thiểu sự tác động đến cảnh quan môi trường, đời sống, hoạt động sản xuất của cộng đồng dân cư trong khu vực Vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận.

- Tập trung phát triển không gian du lịch trên mặt vịnh và 9 phân khu du lịch, gồm:

+ Không gian du lịch trên mặt vịnh: Là khu vực trọng tâm để tổ chức phát triển các hoạt động du lịch gắn với mặt nước trong lòng Vịnh Xuân Đài (ngắm cảnh, vui chơi giải trí, thể thao, khám phá, ẩm thực...).

+ Phân khu du lịch Bắc Từ Nham (thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu): Phát triển du lịch nghĩ dưỡng, tắm biển, vui chơi giải trí, thể thao trên vịnh, thể thao trên cát.

+ Phân khu du lịch cao cấp Nam Từ Nham (thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu): Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao cao cấp.

+ Khu rừng sinh thái (bán đảo Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu): Phát triển thành khu cảnh quan, tổ chức các hoạt động leo núi, cắm trại, dã ngoại...

+ Phân khu nghỉ dưỡng Bãi Ôm (thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu): Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, lặn ngắm san hô.

+ Phân khu du lịch Bắc Sông Cầu (phường Xuân Yên, phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu): Hình thành trung tâm đón tiếp, phân phối khách cho toàn bộ Khu du lịch Vịnh Xuân Đài; phát triển thương mại dịch vụ du lịch, hoạt động vui chơi giải trí, thể thao gắn với đô thị Sông Cầu.

+ Phân khu du lịch Nam Sông Cầu (phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu): Phát triển công viên văn hóa, thể thao, khám phá.

+ Phân khu núi Dòng Bồ (phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu): Phát triển công viên vui chơi giải trí công nghệ cao.

+ Phân khu du lịch tổng hợp Gành Đỏ - Bình Sa (phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu): Phát triển du lịch biển tổng hợp kết hợp với tham quan làng nghề truyền thống.

+ Phân khu du lịch Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An): Phát triển du lịch tham quan, du lịch văn hóa, trải nghiệm và nghỉ dưỡng cộng đồng.

- Phát triển các điểm du lịch phụ trợ:

+ Các điểm du lịch cộng đồng: Làng chài Bình Thạnh, Tiên Châu, làng nghề chế biến hải sản khô và nước mắm Gành Đỏ.

+ Các điểm cảnh quan: Đảo Nhất Tự Sơn (thị xã Sông Cầu); Cù lao Ông Xá (thị xã Sông Cầu); Hòn Yến, nhà thờ Mằng Lăng, chùa Từ Quang, Cù lao Mái Nhà (huyện Tuy An); Cồn Đám Cả (thị xã Sông Cầu).

d) Phát triển các tuyến du lịch chủ yếu

- Tuyến du lịch nội khu:

+ Tuyến du lịch tham quan trên vịnh kết nối đến các điểm du lịch: Đảo Nhất Tự Sơn, Cù lao Ông Xá, Hòn Yến, cồn Đám Cả, các khu nuôi trồng thủy sản...

+ Tuyến du lịch đường bộ: Hình thành tuyến du lịch kết nối đến khu vực Gành Đỏ; phân khu du lịch Gành Đá Đĩa và phân khu du lịch Từ Nham theo Quốc lộ 1A.

- Tuyến du lịch nội tỉnh:

+ Theo đường thủy: Kết nối Khu DLQG Vịnh Xuân Đài đến đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, Vịnh Vũng Rô; các tuyến du lịch dọc theo sông Đà Rằng, sông Hinh...

+ Theo đường bộ: Kết nối với các địa phương ven biển thành phố Tuy Hòa, huyện Tuy An và các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Phú Yên...

- Tuyến du lịch liên tỉnh: Về phía Bắc kết nối với Bình Định, Quảng Ngãi Quảng Nam, Đà Nng, Huế; về phía Nam kết nối với Khánh Hòa, Ninh ThunBình Thuận; về phía Tây kết nối với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên (Gia LaiKon Tum, Đắk Lắk).

- Tuyến du lịch quốc gia: Tuyến du lịch Bắc - Nam theo quốc lộ 1A; tuyến du lịch đường bin kết ni với Hải Phòng, Đà Nng, Nha Trang, Vũng Tàu...

đ) Định hướng phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch

- Cơ sở lưu trú: Phát triển các cơ sở lưu trú cao cấp (khách sạn 4-5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp, biệt lập) tại phân khu Nam Từ Nham, bãi Ôm, bãi Bàng; du thuyền lưu trú trên mặt vịnh. Đầu tư phát triển cơ sở lưu trú phổ thông (khách sạn 1-3 sao, nhà nghỉ) tại phân khu Bắc sông Cầu, Nam sông Cầu, Gành Đỏ - Bình Sa, Bắc Từ Nham.

- Cơ sở ăn uống: Phát triển các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng cao cấp tại phân khu Bắc Từ Nham, Nam Từ Nham, bãi Ôm; mô hình nhà hàng, khu ẩm thực, ăn uống ngoài trời tại trung tâm thị xã Sông Cầu, phân khu Gành Đỏ - Bình Sa, Gành Đá Đĩa.

- Hệ thống vui chơi giải trí: Phát triển khu vui chơi giải trí cao cấp tại phân khu Bắc Từ Nham, Nam Từ Nham, núi Mù U (Nam Sông Cầu), núi Dòng Bồ; khu vui chơi giải trí nội thị tại thị xã Sông Cầu; khu cắm trại, dã ngoại tại khu rừng sinh thái bán đảo Xuân Thịnh, đảo Nhất Tự Sơn, Cù lao Ông Xá.

- Các điểm dừng chân, ngắm cảnh: Điểm dừng chân Astop (phường Xuân Yên); khu vực Biểu tượng Vịnh Xuân Đài (phường Xuân Đài); cầu Ông Cọp (Ông Hổ) nối huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu; khu dốc Găng, dốc Gành Đỏ.

5. Định hướng đầu tư

- Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển Khu DLQG Vịnh Xuân Đài, bao gồm: vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn huy động hợp pháp khác. Trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu chức năng theo quy hoạch để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao.

- Căn cứ vào khả năng cân đối vốn hàng năm, ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung; hỗ trợ xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu Khu DLQG, phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch:

- Công bố, triển khai các quy hoạch và dự án đầu tư trong Khu DLQG Vịnh Xuân Đài trên cơ sở rà soát, điều chỉnh các dự án đầu tư đã và đang đăng ký tại Khu DLQG Vịnh Xuân Đài.

- Đề xuất mô hình quản lý Khu DLQG Vịnh Xuân Đài để thực hiện quản lý đầu tư xây dựng, các hoạt động khai thác, phát triển và vận hành Khu du lịch theo Quy hoạch đã được phê duyệt; ban hành Quy chế quản lý Khu DLQG Vịnh Xuân Đài.

- Nghiên cứu, lập quy hoạch xây dựng Khu DLQG, quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trong Khu DLQG. Tiến hành rà soát các dự án đã được phê duyệt trong Khu DLQG để bảo đảm theo đúng định hướng của quy hoạch này. Việc đầu tư xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng trong phạm vi Khu DLQG Vịnh Xuân Đài tuân thủ theo quy định của pháp luật về xây dựng, quy hoạch xây dựng được duyệt, quy chế quản lý Khu DLQG Vịnh Xuân Đài và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Việc chuyển đổi các loại đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để phục vụ phát triển du lịch trong phạm vi Quy hoạch phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai. Việc chuyển đổi đất rừng (nếu có) phải thực hiện theo đúng Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và các quy định pháp luật hiện hành. Việc chuyển giao đất quốc phòng về địa phương quản lý, sử dụng trong phạm vi Quy hoạch này thực hiện theo đúng quy định tại Điều 148 Luật đất đai.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ 2 năm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả Quy hoạch.

b) Giải pháp cơ chế, chính sách:

- Cơ chế, chính sách về thuế:

+ Cho phép các tổ chức, cá nhân được đóng góp quỹ đất vào dự án đầu tư theo hình thức góp vốn cùng kinh doanh.

+ Xem xét miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng trong Khu DLQG theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về tiền thuê đất, thuê mặt nước.

+ Có chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào Khu DLQG Vịnh Xuân Đài.

- Cơ chế, chính sách đầu tư, huy động vốn đầu tư:

+ Tạo điều kiện thuận lợi và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đặc biệt giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng; kịp thời giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp du lịch để thu hút các nhà đầu tư.

+ Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình mới trên nền quỹ đất không có tài sản trên đất, tỉnh Phú Yên hỗ trợ giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch theo quy định. Đối với các dự án thuê lại mặt bằng, quỹ đất hiện có tài sản trên đất, tỉnh Phú Yên hỗ trợ một phần kinh phí hóa giá tài sản trên đất hiện có.

+ Hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp điện cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án theo quy định.

+ Thiết lập đường dây nóng về đầu tư giữa chính quyền các cấp với các nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt và giải quyết các bức xúc, khó khăn của các nhà đầu tư.

- Chính sách phát triển du lịch cộng đồng:

+ Dành nguồn ngân sách nhà nước cho việc thực hiện các dự án bảo tồn văn hóa và bản sắc địa phương, các dự án hỗ trợ phát triển cho cộng đồng địa phương.

+ Có chính sách khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực địa phương phục vụ hoạt động phát triển du lịch

+ Giảm thuế và ưu đãi về tài chính đối với những dự án phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng.

+ Hỗ trợ trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú tại nhà dân (Homestay) đạt chuẩn.

c) Giải pháp phát triển hệ thống hạ tầng du lịch

Hoàn thiện hạ tầng kết nối với Khu DLQG Vịnh Xuân Đài và nội khu, tập trung vào một số nội dung cụ thể như sau:

- Đề xuất nâng cấp sân bay Tuy Hòa, khuyến khích các hãng hàng không tăng thêm số chuyến bay; giảm giá thành; đồng thời khuyến khích mở mới đường bay từ Đà Nẵng, Cần Thơ.

- Đề xuất trước mắt mở rộng nhà ga Chí Thạnh (huyện Tuy An), về lâu dài mở mới nhà ga tuyến đường sắt Bắc - Nam tại thị xã Sông Cầu.

- Đề xuất tổ chức các tuyến xe buýt chuyên dụng, xe buýt nhanh kết nối từ sân bay Tuy Hòa, sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định) đến Khu DLQG Vịnh Xuân Đài; tổ chức các loại hình xe điện kết nối các điểm du lịch trong phạm vi Khu DLQG Vịnh Xuân Đài, về lâu dài xây dựng mạng lưới đón khách miễn phí từ sân bay Tuy Hòa, nhà ga đường sắt Bắc - Nam đến Khu DLQG Vịnh Xuân Đài.

- Xúc tiến mở mới các bến thuyền du lịch, đưa du lịch đường thủy vào khai thác phục vụ du lịch. Đồng thời xây dựng bản đồ du lịch giao thông đường thủy kết nối các khu, điểm du lịch trong Khu DLQG Vịnh Xuân Đài.

d) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Xây dựng chính sách đào tạo nhân lực du lịch chung cho toàn tỉnh (trong đó tập trung vào Khu DLQG Vịnh Xuân Đài) với các cơ chế về đào tạo nhân lực cho cán bộ quản lý, các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ, vận chuyển khách du lịch, du lịch cộng đồng.

- Tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Phú Yên liên kết với các trường đào tạo có uy tín trong và ngoài nước tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ chuyên ngành du lịch như: Lễ tân, hướng dẫn viên du lịch, quản trị khách sạn...

- Triển khai các chính sách thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp.

đ) Giải pháp bảo đảm an ninh, quốc phòng

- Không quy hoạch phần diện tích thuộc khu vực địa hình có tầm quan trọng đặc biệt trong thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, cần ưu tiên dành riêng cho nhiệm vụ quốc phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2412/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2011 vào diện tích Khu DLQG Vịnh Xuân Đài.

- Trong quá trình lập các đồ án quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư cụ thể tại Khu DLQG Vịnh Xuân Đài phải có ý kiến tham gia của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 theo đúng quy định tại Quyết định số 13/2012/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng trong khu vực phòng thủ, bảo đảm không chồng lấn hoặc gây ảnh hưởng đến vị trí đóng quân, các công trình quốc phòng trên địa bàn và loại trừ nguy cơ phương hại đến an ninh quốc gia.

- Trên các tàu thuyền vận chuyển khách du lịch, các du thuyền, cơ sở lưu trú du lịch trên vịnh phải trang bị đầy đủ các thiết bị bảo đảm an toàn cho du khách như: áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi.

- Nghiên cứu thành lập đội cứu hộ phản ứng nhanh, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ; đào tạo lực lượng chuyên nghiệp trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm cứu hộ, cứu nạn được nhanh nhất.

- Triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch.

- Các ngành Quốc phòng, Công an tham gia tích cực trong quá trình lập quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng và kế hoạch phát triển khu du lịch; trong quá trình hoạt động du lịch.

e) Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch:

- Đối với sản phẩm du thuyền nghỉ dưỡng trên vịnh cần phát triển theo hướng phục vụ du khách cao cấp với quy định nghiêm ngặt về lịch trình, tuyến tham quan, khu vực neo đậu nhằm hạn chế số lượng tàu hoạt động cùng lúc, gây áp lực, tác động đến môi trường cảnh quan. Xây dựng các tuyến du lịch tham quan, neo đậu trên vịnh với quy định cụ thể số lượng du thuyền trên mỗi tuyến. Đồng thời phân vùng khu vực đối với tàu tham quan trong ngày và tàu lưu trú đêm trên vịnh.

- Đối với các sản phẩm lưu niệm: Tổ chức cuộc thi chọn thiết kế sản phẩm lưu niệm cho Khu DLQG Vịnh Xuân Đài.

- Xây dựng các bảng chỉ dẫn du lịch bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tại các khu vực, điểm du lịch chính tạo thuận lợi du khách tham quan, tìm hiểu trải nghiệm văn hóa; lắp đặt hệ thống internet không dây tốc độ cao và miễn phí tại khu du lịch.

g) Giải pháp phát triển thị trường khách du lịch:

- Xây dựng, quảng bá lịch sự kiện, chương trình du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc của địa phương, của vùng phù hợp với điều kiện thời tiết, theo mùa vụ trong năm.

- Nghiên cứu đặc điểm các thị trường khách du lịch truyền thống của Phú Yên và Khu DLQG để có phương thức xúc tiến, quảng bá và xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp.

- Xây dựng các chương trình kích cầu như giảm giá các chương trình du lịch, khuyến mãi các dịch vụ du lịch... vào từng mùa du lịch, phù hợp với từng thị trường khách khác nhau và điều kiện thực tế.

- Nâng cao chất lượng các dịch vụ bổ trợ như: Dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, dịch vụ vận chuyển, vệ sinh công cộng, dịch vụ hỗ trợ thông tin và các tiện ích bảo đảm chất lượng môi trường, an ninh và an toàn cho khách du lịch.

h) Giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ:

- Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nước trong dịch vụ du lịch.

- Nâng cao năng lực của cán bộ quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng địa phương thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn về công nghệ thông tin như: marketing trực tuyến (e-marketing), khai thác mạng xã hội trong kinh doanh du lịch...

- Xây dựng phần mềm quản lý, báo cáo thống kê tự động để quản lý hoạt động kinh doanh du lịch.

i) Giải pháp xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu khu du lịch:

- Xây dựng thương hiệu và bộ nhận diện thương hiệu cho Khu DLQG Vịnh Xuân Đài; tổ chức thực hiện xúc tiến, quảng bá phù hợp với từng phân khúc thị trường cụ thể.

- Xây dựng bộ công cụ quảng bá, tuyên truyền như: Sách ảnh du lịch, cẩm nang cho hướng dẫn viên, tập gấp giới thiệu, phim ngắn giới thiệu du lịch... cho Vịnh Xuân Đài bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình trong và ngoài nước; trên website của các sở, ban, ngành và Cổng thông tin điện tử của tỉnh, website của các đơn vị lữ hành; qua các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter...), thông qua các hãng lữ hành...

k) Giải pháp bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, thiên tai:

- Công bố công khai các chỉ tiêu, quy định về bảo vệ môi trường đối với các phương tiện vận chuyển khách du lịch và các khu nuôi trồng thủy sản trên vịnh. Chú trọng việc bảo vệ môi trường biển, thường xuyên thanh, kiểm tra, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường biển. Thành lập đội quản lý, bảo vệ môi trường biển, môi trường du lịch.

- Khoanh vùng bảo vệ các khu vực có rạn san hô quý, nghiêm cấm việc khai thác san hô trái phép dưới mọi hình thức.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục vận động người dân, khách du lịch nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Ưu tiên triển khai ứng dụng khoa học công nghệ và thực phẩm sạch trong hoạt động kinh doanh du lịch.

- Trích một phần kinh phí từ nguồn thu hoạt động du lịch chi trả dịch vụ môi trường rừng của tỉnh; đồng thời kết hợp với nhiều nguồn khác triển khai các dự án trồng rừng nhằm hạn chế tác động trực tiếp của các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão, lốc,...), lũ lụt, sạt, lở...

- Thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhằm duy trì độ che phủ, tạo cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ đất, nước, môi trường.

- Tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo sớm các hiện tượng khí hậu cực đoan, bao gồm cả hệ thống thông tin trên cơ sở trang thiết bị hiện đại và trình độ kỹ thuật.

- Lập bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở bờ biển, bão, nước biển dâng, phân vùng ngập lụt. Xây dựng hệ thống lưu trữ thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức công bố quy hoạch và hướng dẫn triển khai thực hiện theo đúng các nội dung trong quy hoạch; với các Bộ ngành liên quan thẩm định các dự án đầu tư thuộc Quy hoạch Khu KDQG hoặc các dự án có ảnh hưởng, tác động lớn tới Khu DLQG Vịnh Xuân Đài. Các dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư ban hành kèm theo Quyết định này phải có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ vào quy mô, tính chất của từng dự án và quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch và kêu gọi vốn đầu tư phát triển Khu DLQG Vịnh Xuân Đài.

c) Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Quy hoạch.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, cân đối kinh phí hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước để thực hiện Quy hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

3. Các Bộ, ngành liên quan: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên

ạ) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức công bố Quy hoạch; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch; kiểm tra, giám sát thường xuyên, tiến hành sơ kết 5 năm, 10 năm thực hiện Quy hoạch để kiến nghị cấp có thẩm quyền các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

b) Đề xuất mô hình quản lý Khu DLQG Vịnh Xuân Đài đáp ứng vai trò, nhiệm vụ quản lý Khu DLQG theo quy định của pháp luật; xây dựng và ban hành quy chế quản lý Khu DLQG, trong đó có các quy định đối với đầu tư phát triển, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động của khách du lịch và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường và phù hợp với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh biển đảo.

c) Rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; trong đó ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược đầu tư thực hiện các dự án phát triển Khu DLQG Vịnh Xuân Đài.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Khu DLQG Vịnh Xuân Đài theo đúng quy hoạch được duyệt. Căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể thống nhất việc điều chỉnh tên, quyết định bổ sung hoặc giảm bớt dự án.

đ) Chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị và hạ tầng môi trường của Khu du lịch; lồng ghép đầu tư du lịch với đầu tư cho các lĩnh vực khác, xúc tiến đầu tư phát triển Khu du lịch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, các cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Vũ Đức Đam

 

-----

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN VÀO KHU DU LỊCH QUỐC GIA VỊNH XUÂN ĐÀI, TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Hạng mục

Phân kỳ thực hiện

Đến 2025

2026-2030

A

Nhóm dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng

 

 

1

Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hỗ trợ phát triển điểm du lịch làng nghề chế biến hải sản khô và nước mắm Gành Đỏ (phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu) và làng chài Tiên Châu (huyện Tuy An), Bình Thạnh (TX Sông Cầu)

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

B

Nhóm dự án phát triển hạ tầng khung khu du lịch

 

 

1

Xây dựng mới 5 bến thuyền du lịch

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

2

Nâng cấp, mở rộng tuyến đường huyện 31 tại cầu Ông Cọp (kết nối Gành Đá Đĩa với QL1A)

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

3

Đầu tư tuyến đường du lịch: Đường nối từ điểm đầu (giao đường Lê Duẩn với đường Độc Lập tại Khu du lịch Bắc Âu) đến khu di tích Gành Đá Đĩa; tuyến đường vào bãi biển phía Nam Gành Đá Đĩa; tuyến đường nối quốc lộ 1A đến Vũng La; tuyến đường ven Vịnh Xuân Đài (từ bãi tắm Bàn Than đến Khu du lịch Nhất Tự Sơn); tuyến đường dọc Vịnh Xuân Đài

Hoàn thành

 

4

Đầu tư tuyến đường ven bãi biển Từ Nham

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

5

Đầu tư cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường và thông tin liên lạc

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

6

Ứng phó vớibiến đổi khí hậu và nước biển dâng (xây kè, đê,…)

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

c

Nhóm dự án phát triển sản phm du lịch

 

 

1

Phân khu du lịch cao cấp Nam Từ Nham

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

2

Phân khu du lịch Gành Đá Đĩa

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

3

Phân Khu nghỉ dưỡng BãiÔm

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

4

Phân khu du lịch Bắc Từ Nham

 

Hoàn thành

5

Phân khu núi Dòng Bồ

 

Hoàn thành

6

Phân khu du lịch biển tổng hợp Gành Đỏ - Bình Sa

 

Hoàn thành

D

Nhóm dự án hỗ trợ phát triển du lịch

 

 

1

Tuyên truyền quảng bá du lịch

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

2

Xây dựng thương hiệu du lịch

Hoàn thành

 

3

Nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch

 

Hoàn thành

4

Phát triển nguồn nhân lực

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

5

Giáo dục cộng đồng

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

6

Bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường du lịch

Hoàn thành giai đoạn 1

Hoàn thành dự án

Ghi chú: Về vị tríquy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào khả năng cân đi, huy động vn đầu tư cho từng thời kỳ./.

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website