Quyết định số 486/QĐ-TTg ngày 13/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường Đại học Trà Vinh
  • Về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường Đại học Trà Vinh
  • 486/QĐ-TTg
  • Quyết định
  • Giáo dục - Đào tạo
  • 13/04/2017
  • 13/04/2017
  • Thủ tướng Chính phủ
  • Vũ Đức Đam
Nội dung:

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 486/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM ĐỔI MỚI CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÀ VINH


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021;

Căn cứ Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017;

Căn cứ Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học;

Xét đề nghị của Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Trà Vinh (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển Trường Đại học Trà Vinh (sau đây gọi tắt là Trường) thành trường đại học định hướng ứng dụng theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế; hoạt động tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, trách nhiệm bảo đảm các đối tượng chính sách, đối tượng thuộc hộ nghèo có cơ hội học tập, nghiên cứu tại Trường.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy và nhân sự theo định hướng từng bước hội nhập với khu vực và thế giới; cải cách quy trình, thủ tục giải quyết công việc và áp dụng công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý chất lượng nhằm nâng cao năng lực quản trị nhà trường; tạo môi trường và điều kiện phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh của Trường;

b) Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm người học được đào tạo kiến thức chuyên môn theo chuẩn đầu ra như cam kết mà Trường đã công bố; được ứng dụng khoa học công nghệ; được rèn luyện kỹ năng và trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu xã hội;

c) Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục đại học; phát triển chương trình đào tạo trên cơ sở tiếp cận chương trình của các trường đại học tiên tiến trong và ngoài nước đáp ứng được nhu cầu chất lượng lao động hội nhập quốc tế, phát triển của xã hội;

d) Phát triển quy mô đào tạo một cách hợp lý, phù hợp với các nguồn lực của Trường; chú trọng đào tạo các chương trình chất lượng cao và đào tạo theo đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng;

đ) Hỗ trợ và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, bao gồm nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng với sản phẩm là các bài báo công bố quốc tế và các công trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ ứng dụng vào thực tiễn;

e) Tiếp tục phát triển nhanh, đồng bộ cơ sở vật chất của Trường; xây dựng và phát triển hệ thống phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm, thư viện, trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng hiện đại;

g) Tăng cường nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ. Hàng năm cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập của giảng viên, viên chức và người lao động của Trường;

h) Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đồng bào Khmer vùng Nam Bộ;

i) Thực hiện trách nhiệm xã hội của một trường đại học công lập với các chính sách học bổng, khuyến khích học tập và tín dụng sinh viên; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đối tượng chính sách, đối tượng nghèo, hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học tập tại Trường.

II. NỘI DUNG ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG

Trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các nội dung sau đây:

1. Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học:

a) Quyết định việc mở ngành, ngưng mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ trong Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân cấp IV (sau đây gọi tắt là Danh mục cấp IV); thí điểm mở ngành đào tạo ngoài Danh mục cấp IV theo nhu cầu xã hội nếu đáp ứng đủ điều kiện mở ngành theo quy định của pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển của trường đã được Hội đồng trường quyết nghị thông qua; mở các chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo nhiệm vụ chính trị được giao;

b) Xác định chỉ tiêu tuyển sinh của từng năm học đáp ứng nhu cầu và điều kiện tham gia học tập của người học; tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của Trường, bảo đảm tính công khai, minh bạch và thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định;

c) Quyết định các hoạt động đào tạo (chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; hình thức đào tạo; phương pháp kiểm tra, đánh giá; công tác tổ chức đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ) theo quy định của pháp luật; bảo đảm chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động;

d) Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định; tiến tới được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận;

đ) Quyết định hoạt động, hướng đến kiểm soát chất lượng nghiên cứu khoa học bằng kết quả đạt được; khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; quyết định tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ, tổ chức hội thảo khoa học với các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước;

e) Thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bao gồm cả dịch vụ do Nhà nước đặt hàng;

g) Quyết định liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước và ngoài nước; tổ chức thực hiện các chương trình liên kết đào tạo.

2. Về tổ chức bộ máy, nhân sự:

a) Quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường; quyết định và chịu trách nhiệm về việc thành lập mới, tổ chức lại, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc Trường bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của bộ máy;

b) Quyết định cơ cấu, số lượng người làm việc trên cơ sở xác định vị trí việc làm; công bố công khai tiêu chí tuyển dụng với từng đối tượng giảng viên, viên chức, nhân viên hợp đồng; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, phân công, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng phù hợp với yêu cầu phát triển của Trường và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật;

c) Quyết định tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, giao kết hợp đồng lao động với giảng viên, nhà khoa học, nhà quản lý đã hết tuổi lao động (nghỉ hưu) nhưng vẫn còn đủ sức khỏe và tình nguyện làm việc; các giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia là người nước ngoài để thực hiện các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Trường, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo;

d) Quyết định cử viên chức đi công tác, tham gia bồi dưỡng, học tập sau đại học trong và ngoài nước theo kế hoạch công tác, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Trường hàng năm và tiếp nhận viên chức đi học trong và ngoài nước trở về.

3. Về tài chính:

a) Học phí

- Trường thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CPngày 02 tháng 10 năm  2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 (sau đây gọi tắt là Nghị định số 86/2015/NĐ-CP) và quy định tại Quyết định này. Mức thu học phí bình quân tối đa của chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy (trừ khối ngành, chuyên ngành đào tạo y dược) như sau:

Đơn vị: Triệu đồng/sinh viên/năm

Mức thu học phí bình quân tối đa

Năm học

2017 - 2018

2018 - 2019

2019 - 2020

Chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy

15,75

17,7

18,5

- Trường quyết định thu học phí các chương trình đào tạo khối ngành, chuyên ngành y dược không vượt quá mức trần học phí quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo y dược.

- Trường thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cho từng nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo căn cứ vào nhu cầu của xã hội trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí bình quân của các nhóm ngành (của các chương trình đại trà) không vượt quá mức thu học phí bình quân tối đa của Trường theo quy định tại Quyết định này;

- Trường quyết định mức trần học phí tối đa đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần mức học phí của các nhóm ngành đào tạo trình độ đại học tương ứng; học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo;

- Trường quyết định mức thu học phí đối với các chương trình đặc thù theo đề án mở chương trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Đối với các đối tượng đã nhập học trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, Trường thu học phí với mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành;

b) Kinh phí Nhà nước hỗ trợ đào tạo

Kinh phí từ ngân sách nhà nước đặt hàng, hỗ trợ đào tạo các ngành sư phạm và một số ngành đặc thù theo quy định của pháp luật.

c) Thu sự nghiệp

Trường thực hiện các hoạt động dịch vụ và hỗ trợ đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ người học. Khoản thu từ các hoạt động này được công khai theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và tích lũy hợp lý.

d) Tiền lương và thu nhập

Ngoài tiền lương ngạch, bậc theo quy định của nhà nước, Trường quyết định mức thu nhập tăng thêm của người lao động từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định; theo Quy chế chi tiêu nội bộ, bảo đảm công bằng trên cơ sở chất lượng và hiệu quả công việc thực hiện.

đ) Sử dụng nguồn thu

- Thực hiện tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc lập kế hoạch và quyết định sử dụng kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của Trường để tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và bảo đảm chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học.

- Sau khi thực hiện bù đắp các chi phí thường xuyên, phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại của Trường được trích lập các quỹ sau: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (tối thiểu 25% chênh lệch thu chi), Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập và Quỹ hỗ trợ sinh viên.

- Khoản thu học phí và các khoản thu sự nghiệp được gửi ngân hàng thương mại; toàn bộ tiền lãi được sử dụng để lập các quỹ hỗ trợ sinh viên.

4. Chính sách học bổng, miễn giảm học phí:

a) Trường hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí của Trường với mức học phí dùng để tính tiền hỗ trợ miễn giảm học phí của nhà nước cho các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí theo quy định của pháp luật kể từ khóa tuyển sinh sau thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành;

b) Ngoài các đối tượng được miễn, giảm học phí theo chính sách của Nhà nước, Trường xây dựng, thực hiện chính sách học bổng, khuyến khích học tập dành cho sinh viên đạt thành tích học tập cao và sinh viên là đối tượng chính sách;

c) Trường thực hiện đầy đủ các quy định về chính sách học bổng và học phí để việc thực hiện tự chủ không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo, sinh viên là đối tượng chính sách.

5. Về đầu tư, mua sắm:

a) Chủ động cân đối nguồn thu và huy động các nguồn hợp pháp khác để đầu tư phát triển tổng thể cơ sở vật chất theo kế hoạch phát triển của Trường;

b) Quyết định việc lập kế hoạch, dự toán, phê duyệt thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị để đầu tư cơ sở vật chất theo các quy định về mua sắm tài sản công, quy định về đầu tư xây dựng cơ bản của các cơ quan quản lý nhà nước;

c) Nhà nước tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành các dự án đang triển khai từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Đối với các dự án, chương trình, kế hoạch phát triển khác, Trường được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền;

d) Quyết định việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất và giá trị thương hiệu của Nhà trường để liên doanh, liên kết thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ, tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của Trường và có trách nhiệm bảo toàn và phát triển tài sản của Nhà nước.

6. Trường thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 và các văn bản khác có liên quan.

7. Về cơ chế giám sát:

a) Trường có trách nhiệm xây dựng và công khai phương án tổ chức thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động trong toàn Trường; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế bảo đảm công khai minh bạch; thành lập Hội đồng trường bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy dân chủ, theo đúng quy định tại Quyết định này và các văn bản pháp luật có liên quan. Hội đồng trường quyết định về chiến lược và phương hướng hoạt động của Trường; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng trường; việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động và việc triển khai thực hiện Quyết định này;

b) Xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp với điều kiện của đơn vị tự chủ, bảo đảm tính công khai, minh bạch;

c) Trường công khai Quy chế giám sát của giảng viên, cán bộ, viên chức và người học đối với mọi hoạt động của bộ máy lãnh đạo Trường.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các Bộ, ngành, địa phương có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 và các quy định pháp luật khác có liên quan thực hiện việc kiểm tra, giám sát và hỗ trợ Trường trong quá trình triển khai Quyết định này.

2. Các cơ quan nhà nước có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ Trường để hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng Trường còn đang trong quá trình triển khai.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, Thủ trưởng các tổ chức, cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Vũ Đức Đam

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
43/2017/NĐ-CP
14/04/2017
01/06/2017

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website