THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 562/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CƠ BẢN TRONG LĨNH VỰC HÓA HỌC, KHOA HỌC SỰ SỐNG, KHOA HỌC TRÁI ĐẤT VÀ KHOA HỌC BIỂN GIAI ĐOẠN 2017 - 2025
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017 - 2025 (sau đây gọi là Chương trình), với những nội dung chính như sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong phát triển khoa học cơ bản, đầu tư cho khoa học cơ bản là đầu tư dài hạn nhằm nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới trên cơ sở phát huy thế mạnh và phù hợp với điều kiện tài nguyên, thiên nhiên, môi trường Việt Nam.
2. Phát triển khoa học cơ bản làm nền tảng cho việc tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến, các thành tựu hiện đại của khoa học thế giới, gắn với điều tra cơ bản, ứng dụng vào giải quyết các vấn đề của thực tiễn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
3. Phát triển khoa học cơ bản phải thông qua tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế; gắn với nhiệm vụ của các trường đại học, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, góp phần hình thành đại học nghiên cứu.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung:
Nâng cao tiềm lực khoa học cơ bản trong 04 lĩnh vực: Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển; phấn đấu đưa vị thế của khoa học Việt Nam đến năm 2025 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, nghiên cứu có định hướng để tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế. Phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ có tiềm năng trong các cơ sở giáo dục đại học, góp phần hình thành các trường đại học nghiên cứu, phấn đấu đến năm 2025 mỗi lĩnh vực hình thành 15 - 20 nhóm nghiên cứu mạnh.
b) Nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu đến năm 2025, một số ngành đứng thứ 3 - 4 trong khối các nước ASEAN. Tăng số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí; uy tín quốc tế (Danh mục thuộc cơ sở dữ liệu SCOPUS), trung bình hằng năm, tăng 20 - 25%, đối với ngành Khoa học biển từ 10 - 15%.
c) Phát triển được một số hướng nghiên cứu cơ bản trọng điểm có định hướng ứng dụng có tính liên ngành, đa ngành để tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến để phục vụ sản xuất và đời sống.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Xác định định hướng ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của 04 lĩnh vực khoa học cơ bản đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, bao gồm những hướng chủ yếu sau đây:
a) Lĩnh vực Hóa học;
- Hóa hữu cơ;
- Hóa dược;
- Hóa vô cơ;
- Hóa lý thuyết và hóa lý;
- Hóa Polyme và vật liệu;
- Hóa phân tích.
b) Lĩnh vực Khoa học sự sống
- Nghiên cứu sự sống ở mức độ phân tử;
- Nghiên cứu sự sống ở mức độ mô, tế bào;
- Nghiên cứu sự sống ở mức độ cơ thể;
- Nghiên cứu sự sống ở mức độ quần thể và sinh thái.
c) Lĩnh vực Khoa học trái đất
- Địa chất;
- Địa vật lý và vật lý địa cầu;
- Địa lý;
- Khí tượng, khí hậu;
- Thủy văn và tài nguyên nước.
d) Lĩnh vực Khoa học biển
- Hải dương học và tương tác biển - khí quyển - lục địa;
- Hóa học biển;
- Sinh học và sinh thái biển;
- Địa lý, địa chất, địa vật lý biển;
- Cơ học và công trình biển.
2. Nhà nước đặt hàng các nhiệm vụ cấp quốc gia theo những hướng nghiên cứu ưu tiên cho các tổ chức khoa học công nghệ chuyên ngành, hướng đến các sản phẩm ứng dụng trong sản xuất và đời sống.
3. Nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản của các cơ sở giáo dục đại học (trường đại học, viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sỹ): Đầu tư các phòng thí nghiệm khoa học cơ bản trọng điểm cấp bộ ngành trong từng lĩnh vực tổ chức và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản cho các tiến sỹ trẻ, các nhiệm vụ nghiên cứu tiềm năng, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh gắn với các phòng thí nghiệm nêu trên. Có hình thức khen thưởng học sinh, sinh viên đạt giải tại các cuộc thi quốc gia và quốc tế.
4. Đẩy mạnh triển khai việc đào tạo nguồn nhân lực sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ) trong một số Chương trình đào tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010; Đề án đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước giai đoạn 2013 - 2020 theo Quyết định số 599/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2013), đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia theo nhóm, sau tiến sỹ (Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước theo Quyết định số 2395/QĐ-TTgngày 25 tháng 12 năm 2015) và thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, thông qua hợp tác quốc tế.
5. Thực hiện việc thưởng cho các nhà khoa học đã công bố bài báo quốc tế trong nghiên cứu cơ bản (ISI, SCI, SCIE); hỗ trợ kinh phí tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 10 năm 2014 về đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.
6. Đầu tư các phòng thí nghiệm khoa học cơ bản ở các cơ sở giáo dục đại học. Đầu tư một số trang thiết bị lớn, hiện đại, đặc thù có cơ chế sử dụng chung, các trạm quan trắc, xử lý số liệu ở các viện chuyên ngành. Có phương án đầu tư và thuê tàu nghiên cứu về khoa học biển.
7. Nâng cấp các tạp chí chuyên ngành, xuất bản các số tạp chí bằng tiếng Anh. Tổ chức các hội nghị chuyên ngành toàn quốc và các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế tại Việt Nam.
8. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia ưu tiên, tăng cường tài trợ nghiên cứu khoa học cơ bản trong các lĩnh vực Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học trái đất và Khoa học biển thông qua các Hội đồng chuyên ngành theo 04 lĩnh vực nêu trên.
9. Tăng cường hợp tác quốc tế: Hợp tác song phương (Quỹ nghiên cứu cơ bản Liên bang Nga,...) và các quốc gia có nền khoa học cơ bản tiên tiến khác ở Đông Á, EU, Bắc Mỹ; hợp tác đa phương, trong đó tập trung các chương trình của UNESCO như: Chương trình nghiên cứu cơ bản quốc tế (IBSP); Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB), Chương trình Hải dương học liên chính phủ (IOC), Chương trình Thủy văn quốc tế (IHP), Chương trình khoa học Địa chất quốc tế và công viên Địa chất toàn cầu (IGGP)... và các kênh hợp tác quốc tế khác có liên quan.
10. Lồng ghép các nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình với các chương trình đào tạo nhân lực trình độ cao, các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các chương trình, nhiệm vụ về Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ), về Quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thínghiệm về công nghệ sinh học đến năm 2025 (Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ).
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Kinh phí thực hiện Chương trình từ các nguồn:
- Ngân sách nhà nước đáp ứng các nhiệm vụ nghiên cứu và đầu tư phát triển tiềm lực do Nhà nước đặt hàng;
- Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia ưu tiên hỗ trợ cho các nghiên cứu cơ bản;
- Nguồn thu hợp pháp của các cơ sở giáo dục đại học;
- Hợp tác quốc tế, tài trợ của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và các nguồn huy động hợp pháp khác.
2. Việc lập dự toán ngân sách hàng năm thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và bố trí vào dự toán ngân sách hàng năm của bộ, ngành được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, có nhiệm vụ:
a) Phê duyệt định hướng ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của 04 lĩnh vực đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030;
b) Lập kế hoạch và triển khai các hoạt động của Chương trình, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu của Chương trình;
c) Chủ trì thực hiện nhiệm vụ 1 và nhiệm vụ 2 quy định tại Mục III. Nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định này; phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan đầu tư phát triển, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, thông tin khoa học và hội nhập quốc tế trong 04 lĩnh vực; căn cứ các nội dung nhiệm vụ cụ thể của Chương trình, xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án theo kế hoạch và quy định hiện hành;
d) Chủ trì thúc đẩy việc tham gia Chương trình nghiên cứu cơ bản quốc tế của UNESCO, hỗ trợ Tiểu ban MAB thực hiện Kế hoạch hành động Lima của Chương trình Con người và Sinh quyển UNESCO và Mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới (2016 - 2025);
đ) Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm để kịp thời điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của quốc tế.
2. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện các nhiệm vụ 6, 7 và 9 quy định tại Mục III. Nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định này; chủ trì việc hợp tác với Quỹ Nghiên cứu cơ bản Liên bang Nga, việc tăng cường thúc đẩy hoạt động của IOC Việt Nam và việc thuê tàu nghiên cứu khoa học biển.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng thực hiện các nhiệm vụ 3, 4, 5 và 6 quy định tại Mục III. Nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định này đối với các trường đại học, viện nghiên cứu trực thuộc.
4. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có phương án sử dụng, khai thác tầu quân sự phục vụ công tác điều tra, khảo sát biển.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì việc thúc đẩy hoạt động của các chương trình IHP và IGGP UNESCO Việt Nam.
6. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quy định tại Mục III. Nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định này.
7. Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia chủ trì thực hiện nhiệm vụ 8 quy định tại Mục III. Nhiệm vụ và giải pháp của Quyết định này.
8. Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan bố trí nguồn vốn đầu tư, ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ và sự nghiệp giáo dục để thực hiện Chương trình.
9. Các bộ, ngành, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các cơ quan có liên quan căn cứ nội dung nhiệm vụ cụ thể của Chương trình, xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án theo kế hoạch và quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Vũ Đức Đam
|