G.V. Plekhanov (1856 - 1918)
 
 G.V. Plekhanov (1856 - 1918)

Vào những năm nửa sau thế kỷ XIX, học thuyết cách mạng của K. Marx và F. Engels (Ph.Ăngghen) về tính tất yếu của cách mạng vô sản và thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản được truyền bá ở các nước Tây Âu. Đến những năm 80 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa Marx xâm nhập vào nước Nga. Người đầu tiên đóng vai trò to lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Marx ở nước Nga trong giới trí thức là G.V. Plekhanov. Từ khi còn là sinh viên, năm 1875, Plekhanov đã có chính kiến rõ ràng, liên hệ với phái dân túy, với công nhân Petersbourg và bắt đầu tham gia những hoạt động cách mạng; gia nhập tổ chức dân tuý Ruộng đất và tự do được thành lập năm 1876 ở Petersbourg, nhanh chóng trở thành một trong những người lãnh đạo tổ chức cách mạng này. Cương lĩnh của tổ chức Ruộng đất và tự do là cách mạng nông dân, quốc hữu hóa ruộng đất, thay thế Nhà nước bằng Liên bang các công xã. Năm 1879, tổ chức này bị phân liệt thành hai tổ chức bất đồng về quan điểm. Một trong hai tổ chức cách mạng này là phái dân túy Chia đều ruộng đất (1879 - 1882), tiếp tục cương lĩnh của Ruộng đất và tự do trước nó, chủ trương phủ nhận đấu tranh chính trị và khủng bố. Plekhanov trở thành người lãnh đạo phái Chia đều ruộng đất có trung tâm hoạt động ở Petersbourg và nhiều chi nhánh ở Moskva, Kiev, Odessa, Kharkov.

Từ năm 1880, Plekhanov và những người lãnh đạo khác của phái Chia đều ruộng đất sống lưu vong ở nước ngoài. Đến năm 1883, Plekhanov đoạn tuyệt với phái dân túy và thành lập ở Genève (Thụy Sỹ) tổ chức mác xít Nga đầu tiên là nhóm Giải phóng lao động.

Những hoạt động xuất sắc trên lĩnh vực lý luận và truyền bá chủ nghĩa Marx vào nước Nga của Plekhanov đã khẳng định vị trí nổi bật của ông trong phong trào xã hội dân chủ ở Nga và quốc tế. Plekhanov được thừa nhận là một trong những người sáng lập ra Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga (ĐCNXHDC Nga). Những hoạt động cách mạng, những trước tác của ông cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX được V. I. Lênin đánh giá cao.

Là nhà lý luận lớn, nhà duy vật biện chứng G.V. Plekhanov đã viết nhiều tác phẩm về triết học, kinh tế, lịch sử các học thuyết chính trị - xã hội, về những vấn đề văn học, nghệ thuật, thẩm mỹ. Ông là người đấu tranh chống lại chủ nghĩa duy tâm, đặc biệt là chống lại chủ nghĩa Kant, chủ nghĩa Mack, chủ nghĩa Bernstein, và những tác phẩm của ông góp công lớn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chống bọn triết gia phản Mác xít. Ông là tác giả soạn thảo những tác phẩm về những vấn đề duy vật lịch sử, trong đó có vấn đề về cá nhân trong lịch sử.

Những trước tác quan trọng của G.V. Plekhanov là: Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh chính trị (1883), Những sự bất đồng của chúng ta (1885), Bàn về sự phát triển quan điểm nhất nguyên về lịch sử (1885). Những tác phẩm này G.V. Plekhanov viết ra nhằm chống lại chủ nghĩa dân túy và chuẩn bị cho thắng lợi của chủ nghĩa Marx ở Nga. Những trước tác quan trọng khác Plekhanov viết những năm tiếp theo là Khái luận về lịch sử của chủ nghĩa duy vật (1896), Luận chứng về chủ nghĩa dân túy trong các tác phẩm của ông Vôrôntxôp v.v.(1896), Bàn về quan niệm duy vật về lịch sử (1897), Bàn về vai trò cá nhân trong lịch sử (1898), Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Marx (1908), N.G. Tsemưshevski (1910), v.v... Những người mácxít đánh giá cao những tác phẩm của G.V. Plekhanov mặc dù Plekhanov có những sai lầm nhất định về sách lược. V.I. Lênin cho rằng, những trước tác của Plekhanov là những cống hiến đáng kể vào kho tàng lý luận mác xít: “Không thể trở thành người cộng sản giác ngộ và chân chính được nếu những nghiên cứu - tôi nói chính là nghiên cứu – tất cả những tác phẩm triết học của Plekhanov vì đó là những tác phẩm ưu tú nhất trong toàn bộ sách báo mác xít trên thế giới”, “… Theo tôi thì Nhà nước công nông phải yêu cầu các Giáo sư triết học biết rõ sự trình bày của Plekhanov về triết học Mác xít và biết truyền đạt cho học sinh kiến thức đó” (Lê nin toàn tập,bản tiếng Việt, NXB Tiến bộ Matx-cơ-va, 1981, Tập 42. tr 364 - 365).

Trước Đại hội lần thứ hai ĐCNXHDC Nga, năm 1900, khi V.I. Plekhanov sống lưu vong ở nước ngoài, ông đã cùng với V.I.Lênin lập ra tờ báoIskra (Tia lửa) lấy lời đề từ là câu thơ của Odoevski, một chiến sĩ tháng Chạp 1825 gửi thi hào Pushkin: “Từ tia lửa bùng cháy thành ngọn lửa!”. Số báo đầu tiên của ĐCNXHDC Nga xuất bản bí mật (12/1900) ở Leipzig (Lai-xích), nước Đức, in trên giấy mỏng và bằng nhiều con đường được đưa về nước Nga. Năm 1903, tại London tiến hành lần thứ hai Đại hội ĐCNXHDC Nga; tại Đại hội này, V.I. Lênin phát biểu phải xây dựng một đảng mác xít kiểu mới có khả năng tổ chức quần chúng đứng lên làm cách mạng. Đại hội này hình thàng 2 phái: nhóm số nhiều (Bolshevik) ủng hộ V.I. Lênin, và nhóm số ít (Menshevik) chủ trương đấu tranh theo kiểu Nghị viện. Phái Menshevik do Plekhanov đứng đầu khẳng định, giai cấp tư sản sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong cuộc cách mạng ở Nga, giai cấp vô sản chỉ là trợ thủ của giai cấp tư sản; còn giai cấp nông dân, theo phái Menshevik, không có vai trò gì trong cuộc cách mạng. Lénine cực lực phản đối quan điểm này của Plekhanov và phái Menshevik.

Những năm tiếp theo, quan điểm của Plekhanov đối lập với phái Bolshevik do Lênin đứng đầu. Năm 1914, khi Thế chiến lần thứ nhất nổ ra, ở Nga xuất hiện tổ chức Thống Nhất của phái “giữ nước” cánh hữu mà Plekhanov là một trong những thủ lĩnh của tổ chức này. Phái “giữ nước” ủng hộ Chính phủ lâm thời tư sản, truy lùng những người Bolshevik. Năm 1917, từ nước ngoài Plekhanov trở về Nga, ông không ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga nhưng ông cũng không ủng hộ bọn phản cách mạng. V.I. Lênin đã nhận xét về những đóng góp của Plekhanov đồng thời cũng chỉ ra những sai lầm về tư tưởng về hành động của ông: “Chúng ta phải nói ngay rằng, ông ta là một nhà lý luận lớn, có công lớn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chống Becstanh, chống bọn triết gia phản mác xít, một người mặc dù có những sai lầm về sách lược trong những năm 1903 - 1907, nhưng trong những năm gian khổ 1908 – 1912 vẫn ca ngợi “hoạt động bí mật” và vạch mặt những kẻ thù và kẻ đối lập với hoạt động đó thế mà, tiếc thay, giờ đây người đó quay lại cái mặt yếu của mình”(Lênin toàn tập,bản tiếng Việt, NXB Tiến bộ, Matx-cơ-va, 1981, tập 48, tr. 384).

G.V. Plekhanov là người truyền bá đầu tiên và có công lao to lớn trong việc truyền bá chủ nghĩa Marx ở nước Nga. Những trước tác về chủ nghĩa Marx của Plekhanov là nhưng tác phẩm quý giá trong kho tàng lý luận mác xít của thế giới mà ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website