Claude Henri Saint Simon (1760 - 1825) thuộc dòng dõi quý tộc lâu đời ở Pháp. Ông phê phán chủ nghĩa tư bản và tự do cạnh tranh; và chủ trương xây dựng một xã hội công nghiệp, trong đó đề cao lợi ích của đa số nhân dân lao động... Tuy chỉ là học thuyết không tưởng, nhưng đã có ảnh hưởng nhất định tới phong trào công nhân nửa đầu thế kỷ XIX.
|
Saint Simon (1760 - 1825) |
Saint Simon sinh trưởng tại thủ đô Paris, dòng dõi quý tộc lâu đời. Nhưng cha mẹ Saint Simon sống trong cảnh khó khăn do doanh nghiệp ngày càng sa sút và phải nhận sự trợ giúp của chế độ quân chủ.
Thời thơ ấu, ông đã trải qua những tháng ngày vất vả. Năm 17 tuổi đang học trung học, Saint Simon nhập ngũ và trở thành Đại úy, tham gia cuộc chiến tranh Pháp - Anh và đã từng bị Anh bắt làm tù binh. Trong thời kỳ cách mạng tư sản Pháp, ông từng bị chính quyền mới bắt giam từ tháng 11 năm 1793 tới tháng 6 năm 1794. Mãi tới năm 1798, Saint Simon mới tiếp tục học tập, ban đầu là ở trường thuốc sau đó là trường bách nghệ. Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của Dalamber, một nhà bách khoa lỗi lạc và chịu ảnh hưởng tư tưởng của các nhà khai sáng Pháp. Sau quá trình học tập, nghiên cứu ông cho xuất bản các tác phẩm của mình. Những tác phẩm chính là: Những bức thư từ Genève (1803), Thư gửi một người Mỹ (1817), Về tổ chức xã hội ở Châu Âu (1814), Quan điểm về sở hữu và pháp chế (1818), Hệ thống công nghiệp (1821), Đạo Cơ đốc mới, cuộc đàm thoại của người bảo thủ và người đổi mới (1825).
Các tác phẩm trên đã thể hiện học thuyết xã hội chủ nghĩa của Saint Simon. Ông quan niệm đúng đắn rằng, lịch sử loài người là một quá trình tiến hóa không ngừng, chế độ sau tiến bộ hơn chế độ trước. Ông cho rằng, sự xuất hiện các giai cấp trong xã hội là kết quả của sự chiếm đoạt. Theo Saint Simon, ngay trong thời phong kiến đã xuất hiện giai cấp những nhà công nghiệp. Giai cấp này có mâu thuẫn nội tại do một phía ít ỏi những người sở hữu và phía khác đông đảo những người không có tài sản. Sai lầm và sự mơ hồ trong quan điểm của ông là gộp hai giai cấp tư sản và vô sản làm một. Nhưng ông có lý khi cho rằng, cách mạng Pháp 1789 - 1794 là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt. Lý luận về giai cấp và xung đột giai cấp là một trong những yếu tố mới mẻ trong lịch sử tư tưởng xã hội chủ nghĩa Thế kỷ XVIII.
Trong học thuyết của mình, ông phê phán chủ nghĩa tư bản và tự do cạnh tranh mà ý chí ngẫu nhiên làm cho người này giàu có và được tôn sùng, còn người khác thì phá sản trở thành kẻ làm thuê. Tổ chức xã hội tư bản, theo Saint Simon, rất không hoàn thiện và ở đó con người buộc phải bóc lột và lừa bịp, còn chính phủ thì không đoái hoài tới dân nghèo. Phê phán cuộc cách mạng dân chủ tư sản năm 1879 ở Pháp, ông cho rằng, nó chưa thiết lập được một chế độ phù hợp với quyền lợi của “giai cấp nghèo khổ và đông đảo nhất”, cho nên cần có một cuộc cách mạng mới vì hạnh phúc của toàn xã hội, một cuộc cách mạng triệt để, một cuộc “Tổng cách mạng”.
Chính vì vậy, ông chủ trương xây dựng một xã hội mà ông gọi là xã hội công nghiệp. Quá trình chuyển biến từ xã hội tư bản sang xã hội mới đó là quá trình tiến triển một cách hòa bình và bằng cách thuyết phục các nhà tư bản bỏ vốn và có lòng bác ái. Trong xã hội đó, hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp đều được khuyến khích. Xã hội đó phù hợp với lợi ích của đa số nhân dân lao động, đảm bảo những điều kiện vật chất của con người. Trong học thuyết về xã hội mới, Saint Simon luôn luôn quan tâm tới giai cấp nghèo nhất và đông nhất. Ông công khai tuyên bố mục tiêu của xã hội mới là cần phải cải thiện số phận của giai cấp công nhân. Nguyên tắc mà ông nêu lên là: Mọi người đều phải lao động.
Học thuyết của ông có một luận điểm khá đặc sắc là: Chính trị chỉ là khoa học về sản xuất và sớm muộn sẽ hoàn toàn bị kinh tế nuốt mất. Học thuyết xã hội chủ nghĩa của Saint Simon dù tiến bộ nhưng mới chỉ phản ánh sự đối lập giữa tư sản và vô sản đang trong quá trình phát sinh. Xã hội mới mà ông dự kiến còn rất mơ hồ và chưa chỉ ra lực lượng xã hội thật sự sẽ làm thay đổi xã hội cũ.
Học thuyết của ông cũng đầy ảo tưởng vào lòng từ thiện của giai cấp tư sản. Vì vậy, học thuyết này vẫn chỉ là không tưởng.
Tuy nhiên, học thuyết của Saint Simon có ý nghĩa tiến bộ, có giá trị là một trong những tiền đề lý luận để sau nàyKarl Marx và Friedrich Engels tiếp thu có phê phán, cùng với các tiền đề lý luận khác để xây dựng học thuyết khoa học của mình. Nhưng tư tưởng về một nền kinh tế thống nhất có kế hoạch trên quy mô một quốc gia và quy mô thế giới, lần đầu tiên do Saint Simon nêu ra có giá trị lớn.
Marx và Engels đánh giá cao cống hiến của Saint Simon cho nhân loại. Sau khi Saint Simon mất, những người kế tục gần gũi của ông đã truyền bá và phát triển một số điểm trong học thuyết của ông. Chủ nghĩa Saint Simon xuất hiện ở Pháp và có ảnh hưởng nhất định tới phong trào công nhân nửa đầu thế kỷ XIX.