Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (tiếng Anh: Unites pour l'enfance; tiếng Tây Ban Nha: Fondo de Naciones Unidas para la Infancia) là một quỹ cứu tế được thành lập bởi Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 11 tháng 12 năm 1946.
Khởi đầu Quỹ này có tên là Quỹ Khẩn cấp nhi đồng quốc tế Liên hợp quốc (tiếng Anh: United Nations International Children's Emergency Fund), đến năm 1953 đã đổi tên như tên gọi ngày nay, tuy nhiên, nó vẫn được gọi tắt theo các chữ đầu bắt nguồn từ tên cũ, UNICEF.
Trong suốt thời gian tồn tại và phát triển Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã thực hiện nhất quán tôn chỉ, mục đích nhằm bảo vệ quyền trẻ em, được thể hiện qua các sự kiện như sau:
Năm 1946, Chiến dịch "Thực phẩm cho châu Âu" – Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trẻ em tại châu Âu bị nạn đói và bệnh tật lan tràn. Liên hợp quốc đã thành lập quỹ UNICEF vào tháng 12 năm 1946 để phân phát cứu trợ thực phẩm, quần áo, thuốc men cho trẻ em gặp nạn.
Năm 1953, UNICEF trở thành một tổ chức thường xuyên của Liên hợp quốc trong việc tham gia chiến dịch phòng chống bệnh yaws, một chứng bệnh hủy hoại cơ thể hàng triệu trẻ em, bằng thuốc penicillin.
Năm 1959, Tuyên bố về "Quyền trẻ em" – Liên hợp quốc ra tuyên bố về "Quyền trẻ em" theo đó, mọi trẻ em có quyền được bảo vệ, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, chỗ ở và dinh dưỡng.
Năm 1961, UNICEF đã thúc đẩy và giúp đỡ các quốc gia về vấn đề giáo dục trẻ em.
Năm 1965, UNICEF được trao tặng Giải Nobel hòa bình "cho việc khích lệ tình thương, tương trợ giữa các quốc gia."
Năm 1979, được chọn là Năm Quốc tế thiếu nhi.
Năm 1981, Thực hiện quy tắc "Sữa mẹ", UNICEF khuyến khích các bà mẹ cho con bú sữa mẹ nhằm làm giảm một số các chứng bệnh trẻ sơ sinh, tăng sức đề kháng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Năm 1982, "Cách mạng về sự sống còn và phát triển của trẻ em", hàng năm, UNICEF phát động phong trào chăm sóc và cứu sống hàng triệu trẻ em. Cuộc cách mạng này dựa trên 4 nguyên tắc: theo dõi sự tăng trưởng của trẻ em, nước uống, sữa mẹ và tiêm phòng miễn nhiễm cho trẻ em.
Năm 1987, Cuộc khảo sát nghiên cứu "Thay đổi kinh tế và bộ mặt cuộc sống của nhân loại" do UNICEF thực hiện khiến thế giới phải lưu tâm đến vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em, đối phó với các tác hại của thay đổi tiêu cực nền kinh tế tại các quốc gia nghèo.
Năm 1989, Quy ước về "Nhân quyền của trẻ em", được thế giới công nhận nhanh nhất và sâu rộng nhất trong lịch sử các loại quy ước về nhân quyền, bắt đầu có hiệu lực từ tháng Chín 1990.
Năm 1990, "Hội nghị quốc tế về trẻ em" – Lần đầu tiên trong lịch sử, giới lãnh đạo các quốc gia họp tại trụ sở Liên hợp quốc, tại New York đã đề xuất kế hoạch 10 năm cho vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục trẻ em.
Năm 1996, UNICEF bảo trợ Bản báo cáo: "Tác hại của vũ khí chiến tranh đối với trẻ em" .
Năm 2001, Chiến dịch "Nói đồng ý cho trẻ em" – Một phong trào toàn cầu khuyến khích mọi người, thay đổi nhận thức, hành vi lưu tâm đến trẻ em. Hàng triệu người ghi danh tìm cách chăm lo, đóng góp nhằm nâng cao đời sống trẻ em.
BVK (Tổng hợp)