Chương trình Lương thực thế giới (WFP) - World Food Programme (WFP)

Ngân sách hoạt động của WFP được trích từ các nguồn sau: Ngân sách thường xuyên do các nước và tổ chức quốc tế (TCQT) đóng góp tự nguyện (khoảng trên 1,2 - 1,5 tỷ USD/năm) trong đó đứng đầu là các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Anh. Trên cơ sở xác định nguồn ngân sách 2 năm một lần, Hội nghị đóng góp của WFP được tổ chức tại Liên hợp quốc để các nước tuyên bố đóng góp tự nguyện; Ngân sách do các nước tham gia Công ước viện trợ lương thực đóng góp (hiện nay có khoảng 120 nước đóng góp). Hình thức đóng góp được tuyên bố là trên cơ sở tự nguyện: 1/3 bằng tiền mặt; 1/3 bằng hiện vật và 1/3 là dịch vụ chuyên chở số lương thực đóng góp tới nước nhận. Ngân sách dự trữ lương thực khẩn cấp quốc tế (khoảng 500.000 tấn/năm).

 WFP viện trợ không hoàn lại thông qua các dự án phát triển kinh tế - xã hội hoặc viện trợ khẩn cấp. Hình thức viện trợ là cung cấp lương thực, thực phẩm (không hoàn lại) cho các nước đang phát triển để giúp các nước này thực hiện thành công các dự án phát triển kinh tế và xã hội hoặc cứu trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm nhằm cứu trợ nạn nhân các quốc gia đang phát triển  gặp thiên tai địch họa.

Cơ cấu tổ chức và lĩnh vực hoạt động

 Đứng đầu WFP là Giám đốc Điều hành (GĐĐH) do Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Tổng Giám đốc FAO bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm. Giám đốc Điều hành WFP hiện nay là ông James T. Morris, quốc tịch Hoa Kỳ.

 Cơ quan quyền lực cao nhất của WFP là Uỷ ban Chính sách và Chương trình viện trợ lương thực (Committee on Food Aid Policies and Programme-CFA), tương đương như Hội đồng Quản trị của các TCQT khác. Năm 1983, CFA gồm 30 thành viên, hiện nay là 42 thành viên trong đó 1/2 do ECOSOC bầu và một nửa còn lại do Đại hội đồng FAO bầu trên cơ sở cân đối và hợp lý địa lý giữa đại diện của các nước phát triển và đang phát triển. CFA họp mỗi năm hai lần để chuẩn bị báo cáo trình lên ECOSOC và Hội đồng FAO về các vấn đề như xem xét và thông qua các dự án do Giám đốc Điều hành trình lên; xem xét và thông qua ngân sách hành chính và ngân sách dự án; kiểm điểm các hoạt động của WFP, thông qua các chính sách. Ngoài CFA, bộ máy của FWP còn gồm Uỷ ban xét duyệt các dự án gọi tắt là SCP gồm 28 đại diện của 28 nước thành viên.
Trên thế giới, WFP thiết lập hệ thống Văn phòng đại diện tại hơn 80 nước. Trước 1995, đại diện của UNDP thường kiêm nhiệm đại diện của WFP. Người đứng đầu Văn phòng đại diện WFP chỉ làm nhiệm vụ điều hành công việc chuyên môn. Từ năm 1995, WFP chính thức đảm nhiệm cương vị đại diện của mình tại các Văn phòng đại diện.

WFP đóng vai trò kép: vừa là một kênh quốc tế quan trọng về cung cấp lương thực cứu trợ khẩn cấp, vừa là tổ chức cung cấp viện trợ lương thực chủ yếu hỗ trợ các hoạt động phát triển. Viện trợ của WFP là nguồn viện trợ không hoàn lại lớn nhất trong hệ thống LHQ cho các nước đang phát triển. Tính từ năm 1963 đến nay, WFP đã huy động được trên 25 tỷ USD và trên 50 triệu tấn lương thực, thực phẩm để giúp đỡ những người nghèo trên thế giới. Thông qua các dự án “Food for Work”, viện trợ của WFP giúp tạo việc làm nâng cao thu nhập cho dân nghèo, khôi phục hạ tầng cơ sở nông thôn, bảo vệ môi trường và giúp đỡ những người dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo.

 Các lĩnh vực WFP ưu tiên bao gồm: Các hoạt động hỗ trợ phòng chống thiên tai; Sức khoẻ và dinh dưỡng; Thuỷ lợi và trồng rừng.

Quan hệ Việt Nam-WFP

Việt Nam có quan hệ với WFP từ  năm 1975. Năm 1978 WFP lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Hiệp định Cơ bản (bằng tiếng Pháp và tiếng Việt) giữa Chính phủ Việt Nam và WFP được ký ngày 18/2/1979 (Thay mặt Chính phủ Việt Nam là cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và thay mặt WFP là Giám đốc Điều hành G.N. Vogel). Trong 25 năm (từ 1975-2000), WFP đã viện trợ lương thực và vật tư phi lương thực trong các lĩnh vực lâm nghiệp, thuỷ lợi, y tế, dinh dưỡng và viện trợ khần cấp vv… cho Việt Nam với tổng giá trị gần 500 triệu USD theo phương thức không hoàn lại.

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, WFP bắt đầu viện trợ cho Việt Nam các dự án với các mục đích giúp khắc phục hậu quả chiến tranh, giúp người tỵ nạn hồi hương v.v. Trong 25 năm từ 1975 đến 2000, WFP là tổ chức thuộc hệ thống LHQ viện trợ lương thực nhiều nhất cho Việt Nam với tổng giá trị gần 414 triệu đôla Mỹ theo phương thức không hoàn lại. Nếu kể cả các trang thiết bị, ô-tô và phí vận chuyển lương thực đến các cảng của Việt Nam, tổng giá trị viện trợ của WFP cho Việt Nam có thể lên tới gần 500 triệu USD, gồm các dự án thuộc các lĩnh vực sau:

Hoạt động cứu trợ khẩn cấp: Đặc điểm của WFP là chỉ tiến hành các hoạt động cứu trợ khẩn cấp khi Chính phủ có yêu cầu chính thức. Viện trợ khẩn cấp của WFP gồm: cung cấp lương thực và thực phẩm cho các nạn nhân (Mỗi dự án tối thiểu là 2 triệu USD, tối đa là 5 triệu). WFP đã giúp Việt Nam tổng số 27 dự án viện trợ khẩn cấp (trị giá 82 triệu USD) cho các nạn nhân của thiên tai và tỵ nạn với tỷ lệ: 46,2 triệu USD (56,3%) cho những vùng bị bão; 16,7 triệu USD (20,5%) cho cứu trợ hạn hán và mất mùa; 12,8 triệu USD (15,6%) cho người Campuchia gốc Việt tỵ nạn tại Việt Nam; và 6,2 triệu USD (7,6%) cho các vùng bị lũ lụt ở miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, WFP giúp Việt Nam nhiều dự án hành động nhanh (Quick Action Project) nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, giúp người dân tái định cư tại một số vùng kinh tế mới trong 2 năm 1975, 1976 với tổng giá trị 13,2 triệu USD.

Hỗ trợ phát triển:Kể từ năm 1992, WFP chuyển hướng giúp đỡ Việt Nam, từ viện trợ nhân đạo sang hỗ trợ cho phát triển, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như thủy lợi, lâm nghiệp, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các nhóm dễ bị tổn thương v.v. với tổng số viện trợ trị giá khoảng 266 triệu USD cho 22 dự án. Cụ thể:

 WFP hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác hại của thiên tai thông qua các dự án nâng cấp hang trăm cây số đê bao ở tỉnh Ninh Bình (2 huyện Gia Viễn và Nho Quan), nâng cấp 800 km hệ thống đê biển và trồng ngập mặn chắn sóng thuộc 13 tỉnh, từ Quảng Ninh đến Quảng Nam, thông qua 2 dự án mã số 4617 và 5325. Với dự án số 4304, WFP đã hỗ trợ Chính phủ Chương trình trồng rừng phi lao ven biển để chống cát bay và chắn sóng nhằm bảo vệ bờ biển;

 WFP giúp nâng cao dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em thông qua các dự án mã số 2651, 3844 (Pha I và II). Dự án 2651 được CFA thông qua tháng 10 năm 1982, tổng số vốn của WFP là 24 triệu USD, Chính phủ đóng góp 4,2 triệu USD bắt đầu thực hiện tháng 3/1984 và kết thúc tháng 7/1989. WFP đã cung cấp 44.423 tấn bột mỳ để chuyển đổi ra gạo cung cấp cho người thụ hưởng. Dự án đã thành công tốt đẹp tại 126 huyện, thị. Tiếp theo đó, Dự án 3844 “nuôi dưỡng các nhóm dễ bị tổn thương trong khuôn khổ của Chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu” được CFA thông qua tháng 12/1989 với tổng đóng góp của WFP là 22,5 triệu USD (phần đối ứng của Chính phủ là 3,7 triệu USD). Đối tượng của Dự án này là 175.000 phụ nữ mang thai, 175.000 phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ, 490.000 trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi. Giai đoạn II của Dự án là “Hỗ trợ chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu” trong đó WFP đóng góp 10,6 triệu USD được thông qua tháng 10/1993, thực hiện trong 4 năm tại 450 xã của 25 huyện thuộc 10 tỉnh nghéo nhất Việt Nam;

Viện trợ của WFP dành cho lĩnh vực thủy lợi được coi là ưu tiên với 135,4 triệu USD (cho 8 dự án lớn), chiếm 32,7 % tổng số viện trợ của WFP dành cho Việt Nam trong 25 năm qua. 6 dự án được thông qua trong giai đoạn từ 1977 - 1988 chủ yếu là nâng cấp đê sông, xây dựng các hồ chứa nước vừa và nhỏ phục vụ công tác tưới tiêu. Dự án 4617 (trị giá 16 triệu USD) khôi phục và nâng cấp 454 km đê biển của 7 tỉnh miền Trung (từ Thanh Hóa đến Quảng Nam) được thông qua tháng 2/1993 và kết thúc tháng 6/1999. Dự án 5325 (85.000 tấn bột mỳ trị giá 26,6 triệu USD) khôi phục và nâng cấp 301 km đê biển của 5 tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, đã kết thúc tốt đẹp vào tháng 8/2000;

WFP đã viện trợ một khối lượng lương thực lớn, trị giá 124 triệu USD cho việc trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Kể từ năm 1977, WFP đã hỗ trợ việc trồng rừng trên tổng diện tích 450.000 hecta tại 247 huyện. Nếu tính trồng 25000 cây/ha thì tổng số cây đã trồng được là 1,1 tỷ cây. Viện trợ của WFP cho lĩnh cực lâm nghiệp có thể chia thành 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: Từ 1976 đến 1988, WFP thông qua 7 dự án thực hiện tại miền Trung và Tây Nguyên với tổng diện tích tái trồng rừng là 150.000 hecta, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người nghèo.
+ Giai đoạn II: Từ 1989 đến 2000: dưới ánh sáng của chính sách đổi mới của Chính phủ Việt Nam, WFP tập trung giúp đỡ các hộ gia đình nhỏ trồng cây trên đất trống đồi trọc (thuê từ 30-50 năm) với 2 dự án. Dự án 4304 (trồng rừng ven biển miền Trung, trị giá 23,5 triệu USD) bắt đầu từ 1992 và kết thức tháng 3/1998. Dự án 5322 (Phát triển lâm nghiệp hộ gia đình tại 5 tỉnh Đông Bắc Việt Nam trị giá 6 triệu USD), triển khai năm 1996, kết thúc tháng 12/2002..

 Ngày 31/12/2000, do tính chất công viêc không còn phù hợp, WFP đã đóng cửa Văn phòng đại diện tại Việt Nam. Kể từ đây, quan hệ Việt Nam-WFP bước vào giai đoạn phát triển mới: Việt Nam từ nước nhận viện trợ lương thực đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hang đầu thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ Việt Nam - WFP, Việt Nam đã trở thành nhà tài trợ của WFP với việc Việt Nam viện trợ nhân đạo lương thực khẩn cấp giúp đỡ một số nước khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, trong đó có viện trợ nhân đạo 1,470 tấn gạo cho nhân dân Iraq (10/2003) thông qua Chương trình Lương thực thế giới.

Đẻ đánh giá hiệu quả các hoạt động của WFP tại Việt Nam, cuối năm 1993 đầu năm 1994, một đoàn gồm đại diện của các nước tài trợ là Hà Lan, Canada và Nauy vào Việt Nam. Đoàn đã đưa ra kết luận rằng Việt Nam đã có những bước tiến nhảy vọt về sản xuất lương thực và nông nghiệp, sản lượng lương thực đã tăng lên và Việt Nam đang nổi lên như là một trong các “đại gia” xuất khẩu gạo trên thế giới. Đoàn kiến nghị WFP nên giảm dần và kết thúc viện trợ lương thực cho Việt Nam trong 5 năm sau đó. Tháng 8/1995, bà C. Bertini, Giám đốc Điều hành của WFP sang thăm Việt Nam đã chính thức thông báo với Thủ tướng Võ Văn Kiệt về kế hoạch của WFP kết thúc các dự án viện trợ phát triển tại Việt Nam vào cuối năm 2000 vì các nước tài trợ đề nghị WFP phải ưu tiên những nơi khác trong khi Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên bà Giám đốc Điều hành cũng khẳng định rằng WFP luôn sẵn sàng cung cấp các dự án viện trợ khẩn cấp nếu Chính phủ Việt Nam yêu cầu. Với quyết định đó, WFP chính thức đóng cửa Văn phòng đại diện của mình tại Hà Nội vào ngày 31/12/2000. Tại buổi lễ đóng cửa Văn phòng WFP, Chính phủ Viêt Nam đã đánh giá cao sự giúp đỡ của WFP trong 25 năm qua, tặng Huy chương Hữu nghị cho WFP và ông Julian Lefevrre, Trưởng đại diện WFP tại Hà Nội.

Về cơ bản, WFP đánh giá cao và mong muốn xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với Việt Nam. Ngoài mục đích tranh thủ khả năng tài trợ lương thực và mua với giá ưu đãi gạo của Việt Nam, WFP cũng muốn Việt Nam cung cấp nguồn lực (chuyên gia, cán bộ có năng lực) và chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc sử dụng rất hiệu quả viện trợ của WFP trước đây để triển khai các hoạt động của họ tại các nước hiện nay. Tháng 5/2004, WFP đã cử đoàn sang thăm và làm việc với Việt Nam để thảo luận vấn đề tăng cường quan hệ đối tác hai bên và việc tuyển dụng chuyên gia và công dân Việt Nam làm việc ngắn hạn và dài hạn cho các hoạt đông, các cơ quan của WFP. Điều đó cho thấy WFP rất coi trọng việc tăng cường quan hệ với Việt Nam với tư cách là một đối tác có tiềm năng về viện trợ lương thực cũng như tiềm năng về nguồn lực.
 Tháng 10/2005, ông John Powel, Phó Giám đốc điều hành WFP đã sang làm việc tại Việt Nam nhằm tìm hiểu cơ hội về phương pháp hợp tác giữa WFP và Việt Nam trong giai đoạn mới. WFP cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng và triển vọng, WFP mong muốn Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào việc hoạch định chính sách, đường lối của WFP, giúp các nước về kinh nghiệm phòng ngừa và cứu trợ thiên tai, thông qua việc cử chuyên gia vào các hoạt động của WFP, mong muốn Việt Nam tiếp tục cung cấp nông sản (chủ yếu là gạo) cho các nước thông qua WFP. Nhằm mở rộng hợp tác với Việt Nam, WFP đề nghị phối hợp với Việt Nam tổ chức hội thảo với tên gọi “Ngày doanh nghiệp” ở Việt Nam để WFP giới thiệu cho các doanh nghiệp và nhà cung cấp lương thực nông sản của Việt Nam nắm bắt về cách thức hợp tác và làm ăn với WFP.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website