Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28/8/2002 của Ban Chấp hành Trung ương về Tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, viết nên những trang sử vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Nghiên cứu sâu sắc lịch sử Đảng là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm làm rõ các chặng đường lịch sử và hoạt động đấu tranh của Đảng, tổng kết thực tiễn lịch sử dân tộc, nêu bật những thắng lợi, những thành tựu của cách mạng và cả những sai lầm, khuyết điểm, làm sáng tỏ những bài học, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đổi mới. 

Những năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng và lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng các địa phương, lịch sử các bộ, ban, ngành và đoàn thể ở Trung ương đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Ban nghiên cứu lịch sử ĐảngTrung ương trước đây (nay là Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã và đang nghiên cứu, biên soạn, xuất bản bộ lịch sử toàn Đảng, đào tạo hàng trăm cán bộ có trình độ cử nhân và thạc sĩ, tiến sĩ phục vụ công tác nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Đảng. Bộ môn Lịch sử Đảng Công sản Việt Nam đã được giảng dạy có hệ thống và ngày càng được nâng cao chất lượng tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các trường Chính trị Trung ương, tỉnh, thành phố, các trường đoàn thể, lực lượng vũ trang và các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong cả nước. Ở các địa phương, việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng, lịch sử truyền thống được triển khai sâu rộng. Đến nay, về cơ bản các tỉnh, thành phố đã biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ đến năm 1975 và đang nghiên cứu, biên soạn thời kỳ 1975-2000. 

Kết quả của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã góp phần làm rõ sự ra đời, phát triển và vai trò lãnh đạo của đảng – nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; tổng kết những kinh nghiệm về xây dựng Đảng; giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta; giới thiệu lịch sử Đảng ta với đồng chí, bạn bè quốc tế và góp phần đấu tranh chống lại các thế lực thù địch mưu toan xuyên tạc lịch sử, chống lại Đảng ta và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cũng còn những khuyết điểm, yếu kém. Chất lượng khoa học và hiệu quả giáo dục và vận dụng vào thực tiễn của các công trình nghiên cứu chưa cao; còn nặng về miêu tả diễn biến sự kiện, chưa chú trọng đúng mức tính tổng kết. Việc tổ chức học tập, phát huy tác dụng của các công trình lịch sử Đảng chưa đi vào nền nếp. Tổ chức bộ máy làm công tác lịch sử Đảng có nhiều thay đổi qua các thời kỳ; đội ngũ cán bộ thiếu, yếu và không ổn định. Nhiều cấp uỷ đảng chưa quan tâm đúng mức chỉ đạo công tác nghiên cứu và tuyên truyền lịch sử Đảng. 

Nhiệm vụ đặt ra cho những năm trước mắt là bổ sung, hoàn chỉnh những công trình đã có, tiếp tục nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng và lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng các địa phương đến năm 2000. 

Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Bí thư quy định một số điểm sau đây: 

1 - Các cấp uỷ đảng từ Trung ương đến địa phương và toàn thể đảng viên cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Nghiên cứu, tổng kết lịch sử Đảng là làm cho mọi cán bộ, đảng viên và toàn dân hiểu về Đảng, là giáo dục về Đảng; là tổng kết thực tiễn lịch sử làm rõ lý luận về con đường cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm rõ bài học và lý luận về xây dựng Đảng; là góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng hiện nay. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng, lịch sử các đảng bộ địa phương và một số ngành và đoàn thể ở Trung ương do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ các cấp uỷ đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt. 

2 - Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng phải bảo đảm tính đảng, tính khoa học và phục vụ đắc lực đường lối, nhiệm vụ chính trị hiện nay của Đảng, rút ra những bài học cần thiết, phát huy những truyền thống quý báu của Đảng. Phải nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Đảng, góp phần tích cực vào công tác tổng kết thực tiễn và công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. 

3 - Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chuyên môn đầu ngành có nhiệm vụ tổ chức việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng; chỉ đạo chuyên môn và hướng dẫn nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử toàn Đảng đối với các địa phương và các bộ, ban, ngành và đoàn thể ở Trung ương; tham gia thẩm định các công trình lịch sử Đảng, sưu tầm và quản lý tư liệu về lịch sử Đảng phục vụ hoạt động nghiên cứu. 

4 - Các tỉnh uỷ, thành uỷ chịu trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo, nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, mỗi tỉnh, thành phố thành lập Phòng lịch sử Đảng. Biên chế các Phòng lịch sử đảng từ 3 đến 4 cán bộ, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể từ 4 đến 6 cán bộ trong tổng số biên chế được duyệt của khối Đảng. 

Phòng lịch sử Đảng có nhiệm vụ: nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương; giúp cấp uỷ địa phương nghiên cứu, tổng kết những vấn đề thuộc về lịch sử đảng bộ, lịch sử cách mạng địa phương, nhằm phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cho việc giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng địa phương. 

5 - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng cần có chế độ phối hợp hướng dẫn các cấp uỷ địa phương và Phòng lịch sử Đảng của các tỉnh, thành phố về chuyên môn. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương, Trung tâm Khoa học và Xã hội nhân văn Quốc gia phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. 

6 - Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và phương tiện làm việc cần thiết cho công tác lịch sử đảng từ Trung ương tới các địa phương. Kinh phí nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng lấy từ ngân sách Nhà nước. 

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Ban Khoa giáo Trung ương, Ban Tài chính - Quản trị Trung ương, các ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ chịu trách nhiệm thi hành chỉ thị này. 

T/M BAN BÍ THƯ


Đã ký


Phan Diễn

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website