Chưa bao giờ yêu cầu đổi mới công tác lý luận lại trở nên bức thiết như hiện nay.Dường như chiếc áo lý luận đã trở nên chật hẹp so với cơ thể cường tráng của thực tiễn cuộc sống.
Tại Hội nghị Trung ương 5, Đảng ta đã chỉ ra mục tiêu của công tác lý luận phải được đổi mới mạnh mẽ, thể hiện rõ vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Còn trong kỳ họp thứ nhất của Hội đồng lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2006-2010, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã yêu cầu: “Cần có những đột phá trong nghiên cứu để có nhận thức mới và phát triển hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội”.
Hơn 20 năm xây dựng đất nước vừa qua, phải thấy rằng ở vào thời điểm những năm khó khăn nhất của dân tộc, công tác lý luận đã có đóng góp to lớn, mang tính quyết định, để có được đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mang lại “thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử-như Đại hội Đảng X đã khẳng định.
Nhìn lại “đêm trước” của Đổi mới, nước ta lâm vào cuộc khủng khoảng kinh tế trầm trọng, lạm phát tới mức 774,4%, giá cả tăng vọt, sản xuất đình đốn, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Trong khi công cuộc “cải tổ” ở Liên Xô thì càng ngày càng bế tắc… Giữa lúc tưởng như đất nước không có lối đi ấy, Đảng ta đã chỉ ra những ấu trĩ trong nhận thức không đúng về CNXH và quyết định đổi mới toàn diện đất nước, bằng những bước đi thích hợp cho từng giai đoạn. Bắt đầu từ Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 8-1979) với chủ trương và quyết tâm làm cho kinh tế bung ra. Đó là “bước đột phá đầu tiên”, rồi đến chủ trương dứt khoát xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện cơ chế một giá, để đến Đại hội VI (tháng 12-1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, bao gồm đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức - cán bộ, đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách công tác, nhưng nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế…
Có được lý luận soi đường “sáng như sao Khuê” ngày ấy, là do những nhà hoạch định đường lối đã tắm mình vào thực tiễn cuộc sống. Với phương châm "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", Đảng ta đã nghiêm túc chỉ ra những sai lầm khuyết điểm, đồng thời chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến hạn chế, khuyết điểm là do “những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện” nó “bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ của Đảng” (Văn kiện Đại hội VI). Và hàng loạt quan điểm mới được đề ra đã đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên, như quan điểm lấy “dân làm gốc”; thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; chủ trương đổi mới chính sách kinh tế gắn với đổi mới chính sách xã hội, coi sự tác động qua lại giữa hai loại chính sách này là nhân tố cơ bản bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân và phải lấy “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”…
Từ ánh sáng đổi mới của Đại hội VI soi đến Đại hội VII, Đại hội VIII, Đại hội IX và đặc biệt là Đại hội X, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên CNXH ngày càng rõ hơn. Tư duy lý luận của Đảng ngày càng sâu sắc hơn, nhận thức đúng đắn hơn những tư tưởng của các nhà kinh điển Mác-xít đồng thời có sự vận dụng, phát triển phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam. Chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu lý tưởng của Đảng và nhân dân ta; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tiễn cuộc sống đã, đang và tiếp tục không ngừng biến đổi, nhất là giai đoạn hiện nay, công tác nghiên cứu lý luận phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để đáp ứng tình hình phát triển của đất nước. Con đường đi lên CNXH hoàn toàn không đơn giản với bất cứ quốc gia nào. Còn với nước ta, đi lên CNXH từ một nước nông nghiệp lạc hậu lại càng khó, đòi hỏi phải có bước đi, phương thức, biện pháp phù hợp với quy luật phát triển của đất nước.
Hiện tại do công tác nghiên cứu sáng tạo lý luận và học tập lý luận chưa phát triển kịp, nên khi Đảng ta (Đại hội X) quyết định để đảng viên được làm kinh tế tư nhân và phát triển mạnh, bình đẳng các thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài) thì không ít người, kể cả cán bộ, đảng viên trở nên ngỡ ngàng, thậm chí cho rằng Đảng ta đã bị “đổi màu”(!). Còn những người đang sống bằng "bầu sữa" tập thể thì lợi dụng vào sự nhận thức thiếu thống nhất đó để tìm mọi lý do bám giữ cơ chế quan liêu bao cấp, để lách vào kẽ hở của công tác quản lý, kiếm lời.
Còn trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, ngay như cuối năm ngoái, sự kiện nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trong đời sống chính trị cả nước. Cũng có luồng ý kiến băn khoăn, lo lắng về tiềm lực cạnh tranh, nhưng phần lớn là lạc quan, tin tưởng vào sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế, đặc biệt là tự hào vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là niềm tự hào rất chính đáng. Nhưng cũng còn một thực tế, sau một năm là thành viên chính thức của WTO thì năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta tuy có bước tiến bộ nhất định, nhưng vẫn còn chậm, kim ngạch xuất khẩu thấp hơn năm 2006, còn nhập khẩu lại tăng cao. Tình trạng đầu tư ồ ạt, dành đất nông nghiệp cho các khu công nghiệp, do thiếu chiến lược bảo hộ cho người nông dân sau khi thu hồi đất, cộng với những tiêu cực của cán bộ cơ sở, đã dẫn đến rất nhiều hậu quả xã hội. Đại bộ phận đời sống người dân lao động, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa được cải thiện nhiều… Và gần đây nhất, trên diễn đàn Quốc hội khóa XII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã công bố năm 2007, nền kinh tế nước ta dự kiến đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua (8,5%), tạo khả năng hoàn thành nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2006-2010 ngay trong năm 2008. Tuy vậy, đại bộ phận nhân dân, kể cả viên chức nhà nước, nhất là nông dân (lực lượng chiếm hơn 70% dân số) đời sống nói chung vẫn còn khó khăn. Nghĩa là tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa hẳn đã có công bằng xã hội.
Đó là chưa nói đến những vấn đề khác cũng chưa được giải đáp kịp thời như: tình trạng các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài; cổ phần hóa chậm, không hiệu quả và khó khăn; vấn đề phát triển kinh tế tư nhân với hạn chế phân hóa giàu nghèo, bảo đảm công bằng xã hội; quy mô, mức độ đảng viên làm kinh tế tư nhân; chất lượng giáo dục-đào tạo giảm sút... Để đạt mục tiêu “sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển” mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra, còn rất nhiều vấn đề phải nghiên cứu, tìm hướng bứt phá. Chúng ta hy vọng đến năm 2008, GDP bình quân đầu người đạt 960 USD/năm để vượt ngưỡng “nước đang phát triển có thu nhập thấp”, nhưng để đạt được quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp (3.000 USD/người/năm), tiến lên quốc gia có thu nhập trung bình cao (hơn 10.000 USD/người/năm) thì lại còn là một khoảng cách không dễ đạt được nếu thiếu những chiến lược kinh tế mang tính bứt phá, đi tắt đón đầu…
Các vấn đề về đổi mới hệ thống chính trị như, xây dựng Đảng cầm quyền trong phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; xây dựng bộ máy lãnh đạo, quản lý thực sự là “công bộc” của dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đang hối thúc công tác nghiên cứu lý luận cần phải đi sâu tổng kết, giải quyết những vấn đề bức xúc do thực tiễn đặt ra. Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, suy cho cùng là nhằm làm cho Đảng ta trong sạch hơn, gắn bó với nhân dân hơn, đủ sức đảm đương trọng trách Đảng cầm quyền, nhưng kết quả của cuộc vận động lại “chưa đạt yêu cầu đề ra… chưa góp phần tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu” (Văn kiện Đại hội X). Đảng ta sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, nhưng thực hiện như thế nào để có hiệu quả? Và nếu cứ vẫn “chưa đạt yêu cầu đề ra” thì rõ ràng “có vấn đề” về phương pháp, những nhà nghiên cứu lý luận phải sớm chỉ ra để bổ sung vào đường lối lãnh đạo của Đảng.
Bộn bề những vấn đề phải được tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận và dùng lý luận hướng dẫn, cắt nghĩa, bổ sung và cụ thể hóa vào cương lĩnh, đường lối chung của Đảng.
Để làm tròn được chức năng định hướng cho hoạt động thực tiễn, công tác nghiên cứu lý luận ngày nay của Đảng đòi hỏi phải có bước đột phá. Và một trong những đột phá là phải vừa khẳng định những giá trị bền vững của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vừa chỉ rõ những vấn đề phải bổ sung, điều chỉnh, phát triển mới cho phù hợp với thực tiễn đất nước, con người, dân tộc ta và thời đại ngày nay.
Đó quả là công việc vốn không đơn giản, lại phải đối mặt với thực tiễn cuộc sống phong phú, nhiều biến đổi, có biến đổi có lợi và có cả những biến đổi làm cản trở công cuộc đổi mới, thậm chí có những biến đổi không lường trước được. Nhất là từ khi nước ta gia nhập WTO, mở rộng giao lưu, hợp tác, với chủ trương "Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế" thì khái niệm về thực tiễn Việt Nam đã không còn bó hẹp trong nước nữa, mà phải đặt trong sự phát triển chung của thế giới. Nếu công tác nghiên cứu lý luận không thoát khỏi "tầm chương trích cú", người làm công tác lý luận hàng năm không bám sát cơ sở, bám sát thực tiễn, hay có "hạ phóng" lại "áo cổ cồn", cơm bưng nước rót, thì đi thực tiễn cũng như không.
Công tác lý luận nói chung, người làm công tác nghiên cứu lý luận nói riêng đương nhiên là phải có thực tiễn, nhưng điều quan trọng nữa là phải có phẩm chất trung thực, có bản lĩnh, dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đánh giá đúng sự thật. Ví dụ như tình trạng đang rất bức xúc là một bộ phận không nhỏ cán bộ cơ sở đang xa dân, ức hiếp dân, thậm chí quay lưng lại với lợi ích của dân; hàng loạt thủ tục hành chính rườm rà, càng cải cách càng rối, chỉ vì người thừa hành công vụ muốn để "rườm rà" như thế để sách nhiễu dân kiếm lời... cần được nhìn nhận, mổ xẻ, phân tích nghiêm túc và đề xuất hướng khắc phục.
Thời kỳ những năm 70, 80 của thế kỷ trước, những mâu thuẫn, khó khăn của đất nước kéo dài nhiều năm, nhưng chỉ đến giai đoạn cuối của Đại hội IV trở đi những nhà lý luận mới "dám" nhìn thật, nói thật, đánh giá thật. Tại sao?
Đã đến lúc công tác nghiên cứu lý luận, học tập lý luận phải mở rộng dân chủ, khuyến khích không chỉ các nhà lý luận, các nhà khoa học, mà nhiều người, nhiều đối tượng, cá nhân và tập thể cộng đồng trách nhiệm tham gia. Cần mạnh dạn nêu vấn đề, tạo diễn đàn rộng khắp để toàn Đảng, toàn dân tham gia thảo luận, tranh luận để tìm ra chân lý, làm sáng tỏ hơn việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; con đường đi lên CNXH ở nước ta với các vấn đề quan trọng như: độc lập dân tộc gắn với CHXN; phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; phát huy và thực hành quyền dân chủ của nhân dân... Mà trước hết là trả lời các câu hỏi: Làm thế nào để vừa khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, vừa hạn chế được sự phân hóa giàu nghèo? Tại sao đời sống nông dân nước ta còn quá nhiều khó khăn so với thành thị, nhất là từ khi mở cửa thị trường lại càng khó khăn hơn? Vì sao tham ô, tham nhũng chủ yếu chỉ xảy ra ở kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể; chỉ xảy ra ở hình thức quản lý kinh tế này mà không xảy ra ở hình thức quản lý kinh tế khác?... Tại sao các doanh nghiệp nhà nước thờ ơ với cổ phần hóa? Tại sao vẫn còn không ít cán bộ, công chức thiếu tận tụy phục vụ nhân dân, vô cảm trước đòi hỏi bức xúc của dân? Kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là chủ đạo của nền kinh tế quốc dân, nhưng hiện nay kinh tế tập thể lại kém phát triển, nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, thì cần những giải pháp như thế nào để "vực" nền kinh tế này? Vì không thể để kéo dài tình trạng thành phần kinh tế chủ đạo của nền kinh tế đất nước lại kém hiệu quả được.
Kể cả vấn đề xác định nền kinh tế phát triển cao ngày nay là dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, chứ không chỉ dựa trên công hữu về tư liệu sản xuất. Đây là vấn đề mới cần được tổng kết thành lý luận, làm cơ sở lý giải quan điểm đúng đắn của Đảng ta xác định các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, đều có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Phải được nhận thức đúng như thế mới có sự nhìn nhận, đầu tư bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Chỉ có tôn trọng thực tiễn, nhìn thẳng vào thực tiễn nắm chắc nguyên lý, phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra mới hy vọng công tác lý luận có sức sống và phát triển, sáng tạo soi đường sáng cho cách mạng tiến lên.
Theo báo QĐND,ngày 14/11/2007