Mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị PGS. TS Nguyễn Viết Thảo

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội XI nhấn mạnh cần nhận thức và giải quyết đúng đắn 8 mối quan hệ chủ yếu xuất hiện trong quá trình đổi mới.

Đó là: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất phù hợp; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là biểu hiện của mối quan hệ giữa hai lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, đó là lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực chính trị; liên quan mật thiết đến mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; giữa cái khách quan và cái chủ quan; giữa cái tất yếu và cái có thể... Về mặt lịch sử - thực tiễn, do xử lý không đúng mối quan hệ này, nên cải tổ, cải cách đã đẩy Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu từ khủng hoảng tới rối loạn và thất bại vào cuối thế kỷ XX. Do vậy, nhất thiết phải nắm vững biện chứng giữa kinh tế và chính trị, nâng cao trình độ tư duy lý luận; đồng thời, phải sâu sát thực tiễn, biết phân tích cụ thể từng tình hình cụ thể mà công cuộc đổi mới, phát triển đất nước tạo ra.

Phép biện chứng duy vật do Mác, Ăngghen và Lênin xây dựng đã vạch rõ rằng, kinh tế là yếu tố quyết định cuối cùng đối với chính trị và chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế, là kinh tế cô đọng lại. Trong mỗi thời đại lịch sử, sự vận động của các chế độ chính trị - xã hội, suy cho cùng, đều phụ thuộc vào sự vận động của chế độ kinh tế - xã hội, trong đó phương thức sản xuất có vai trò, vị trí hàng đầu.

Mặt khác, các nhà kinh điển cũng sớm cảnh báo, điều đó hoàn toàn không có nghĩa rằng kinh tế là nhân tố duy nhất chủ động, còn mọi thứ khác chỉ có tác dụng thụ động (C.Mác-Ph.Ăngghen: Tuyển tập, t6, tr.788). Chính trị, cũng như các nhân tố khác của thượng tầng kiến trúc và của ý thức xã hội, có sự độc lập tương đối và tác động trở lại đối với kinh tế. Dưới sự tác động của chính trị, kinh tế có thể được thúc đẩy, hoặc bị kìm hãm, hoặc vừa được thúc đẩy, vừa bị kìm hãm. (C.Mác-Ph.Ăngghen: Toàn tập, t37, tr.678)

Vai trò quyết định của kinh tế là điều không thể bác bỏ, nhưng điều quan trọng hơn cần nhận thức nhất quán lại là sự quyết định ấy không bao giờ diễn ra một cách trực tiếp, đơn tuyến từ kinh tế đến chính trị; mà phải thông qua nhiều tầng nấc, nhiều khâu trung gian (xã hội, văn hoá, tư tưởng...), phải thông qua hoạt động thực tiễn của con người và bị khúc xạ nhiều lần. Như thực tế đã chứng minh, không phải ở đâu có đa nguyên kinh tế là tất yếu có đa nguyên chính trị; không phải ở đâu có tự do kinh tế là tự nhiên sẽ có nền chính trị dân chủ... Trên cơ sở tổng kết lịch sử chính trị thế giới, Lênin đã kết luận một cách xác đáng rằng chính trị không thể không chiếm vị trí hàng đầu so với kinh tế; rằng chính trị bao giờ cũng được ưu tiên hơn so với kinh tế (V.I.Lênin: Toàn tập, t42, tr.349)

Đảng ta đã khởi đầu công cuộc đổi mới bằng đổi mới kinh tế và sớm chú trọng giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Với sự từng trải của đội tiền phong dẫn dắt đất nước, dân tộc vượt qua khủng hoảng và nhiều thách thức lịch sử, Đảng ta khẳng định: đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp. Phải đổi mới từ nhận thức, tư duy đến hoạt động thực tiễn, từ kinh tế, chính trị, đối ngoại đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực hiện nguyên tắc gắn phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội.

Nội dung cơ bản của đổi mới kinh tế ở nước ta là chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình chuyển dịch này bao gồm hàng loạt thay đổi sâu rộng về cơ cấu thành phần kinh tế, chế độ và hình thức sở hữu các tư liệu sản xuất, hình thức tổ chức và cơ chế quản lý kinh tế. Mặc dù mang định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng nền kinh tế thị trường của nước ta vẫn phải thể hiện đầy đủ bản chất và những đặc trưng chung của kinh tế thị trường. Về bản chất, kinh tế thị trường là hệ quả tất yếu của trình độ xã hội hoá các lực lượng sản xuất; là hệ thống các quan hệ kinh tế do nền sản xuất hàng hoá tạo ra; là kiểu tổ chức nền sản xuất có “đầu vào” và “đầu ra” đều là hàng hoá; là chuỗi sản xuất- kinh doanh trong đó các chủ thể kinh tế vừa độc lập vừa lệ thuộc lẫn nhau, cạnh tranh và hợp tác với nhau nhằm mục tiêu đạt giá trị gia tăng ngày càng nhiều hơn.

Có thể khái quát 5 đặc trưng chung của kinh tế thị trường. Một là, các hoạt động kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường, dưới sự chi phối của các quy luật thị trường, trước hết là quy luật giá trị và quy luật cung cầu. Hai là, quan hệ giữa các chủ thể kinh tế là quan hệ tiền tệ. Ba là, thị trường trở thành căn cứ chủ yếu đề phân bố các nguồn lực kinh tế. Bốn là, giá trị gia tăng và lợi nhuận tối đa trở thành động lực bên trong, trực tiếp chi phối hoạt động của các doanh nghiệp. Năm là, kinh tế thị trường là tự do hoá kinh tế, mở cửa và hội nhập.

Nội dung cơ bản của đổi mới chính trị ở nước ta là đổi mới tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó trọng tâm là đổi mới chính trị. Nói đến hệ thống chính trị là nói đến quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, đến bộ máy chính quyền và các thiết chế quản lý xã hội. Đây là những vấn đề cơ bản, mang ý nghĩa sống còn đối với mọi cuộc cách mạng, mọi chế độ xã hội.

Vì vậy, đổi mới chính trị vừa đòi hỏi sự nhạy bén, theo kịp xu thế thời đại; vừa yêu cầu sự tỉnh táo, khôn khéo và, đặc biệt, sự tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề có tính nguyên tắc. Với mục tiêu thực hiện tốt hơn nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, quá trình đổi mới chính trị đã và đang được triển khai trên các hướng chủ yếu. Một là, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với xã hội nói chung và các thành tố trong hệ thống chính trị nói riêng. Hai là, đổi mới hoạt động lập pháp và giám sát tối cao của Quốc hội. Ba là, đổi mới tổ chức, bộ máy và phương thức điều hành của Chính phủ, gắn với cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia. Bốn là, đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp. Năm là, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội.

Trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, Đảng, Nhà nước đã xử lý thành công mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta trên ba vấn đề then chốt. Một là, đã xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và dân tộc. Hai là, đã xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường phù hợp với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa. Ba là, đã xác lập hệ thống chính trị với mô hình, cơ cấu và cơ chế hoạt động phù hợp với nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và dân tộc là một đòi hỏi khách quan, có cơ sở lý luận và thực tiễn không thể bác bỏ. Bên cạnh 5 đặc trưng chung, kinh tế thị trường có diện mạo thật sự phong phú, đa dạng. Chỉ tính riêng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, cũng đã có kinh tế thị trường tự do của Mỹ- Anh, kinh tế thị trường xã hội của một số nước Tây Âu, kinh tế thị trường có kế hoạch của Nhật Bản, kinh tế thị trường có sự kết hợp giữa quản lý tập trung cao của nhà nước với phát huy vai trò điều tiết của thị trường do các NIC ở Đông Á áp dụng... Sở dĩ đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thị trường khác nhau là vì, cùng với 5 đặc trưng chung, còn nhiều tính chất riêng, quyết định nội dung và phương thức vận động của mỗi nền kinh tế thị trường. Các tính chất riêng gắn liền với các điều kiện lịch sử, kinh tế, văn hoá, xã hội... của mỗi nước và đặc điểm, xu thế của thế giới trong từng giai đoạn cụ thể. Cần nhấn mạnh một số điều kiện cụ thể sau đây:

Chế độ sở hữu và cơ cấu các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất: Đến nay, kinh tế thị trường đã được xây dựng và phát triển qua nhiều chế độ kinh tế- xã hội khác nhau, cho nên đã thích ứng với sự đa dạng về chế độ sở hữu và cơ cấu các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất. Trong cơ cấu đa dạng đó, chế độ sở hữu nào có vị trí chủ thể và hình thức sở hữu nào có vai trò chủ đạo sẽ quyết định mục đích, mô hình và con đường cho từng nền kinh tế thị trường. Trên thực tế, sở hữu tư bản tư nhân, sở hữu tư bản tập thể, sở hữu tư bản nhà nước... đã từng tạo ra các biến thể là kinh tế thị trường tự do và kinh tế thị trường xã hội ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản. Do vậy, với sự tồn tại sẵn của chế độ công hữu gồm nhiều hình thức sở hữu do nhà nước và tập thể làm đại diện, các quốc gia xã hội chủ nghĩa hoàn toàn có cơ sở khách quan để xây dựng một kiểu kinh tế thị trường phù hợp với đặc điểm riêng.

Quy mô kinh tế - xã hội và đặc điểm lịch sử của từng quốc gia: Mỗi nền kinh tế thị trường cụ thể bao giờ cũng được gieo trồng trên một mảnh đất hiện thực của quốc gia- dân tộc. Quá trình hình thành dân tộc Mỹ khác xa so với các quốc gia dân tộc châu Âu; lịch sử hàng trăm năm yên bình của các nước Bắc Âu rất khác so với lịch sử Nhật Bản; quy mô kinh tế- xã hội của các “con rồng” Đông Á không thể so sánh với các cường quốc tư bản Âu- Mỹ, v.v... Các sự khác biệt này chi phối mạnh mẽ đến tính chất của mỗi nền kinh tế thị trường, như thực tế đã thể hiện một cách sáng tỏ.

Bản sắc văn hoá dân tộc: Dưới tác động của nhiều nhân tố, trong đó có đạo Tin lành, dân tộc Mỹ coi tự do, tự chủ của con người cá nhân, hành động, hiệu quả và thịnh vượng là những giá trị cao nhất. Các dân tộc châu Âu thì lại rất coi trọng công bằng, phúc lợi xã hội và dân chủ. Ở Nhật Bản có truyền thống đề cao sự đồng thuận trên mọi cấp độ gia đình, tập thể và xã hội. Những bản sắc văn hoá đó làm cho nền kinh tê thị trường này không bị lẫn lộn với nền kinh tê thị trường khác.

Đặc điểm và xu thế của thế giới: Nền kinh tế thị trường nào cũng là một nền kinh tế mở cửa và hội nhập quốc tế. Bởi vậy, nó chịu sự tác động trực tiếp và phổ biến của đặc điểm và xu thế thế giới trong từng thời kỳ lịch sử. Ngày nay, thế giới đang trở thành một chỉnh thể dưới tác động của xu thế toàn cầu hoá; đang phải thực hiện mục tiêu phát triển bền vững như một mệnh lệnh của thời đại; đang lấy hoà bình, hợp tác và phát triển làm chủ đề chung... Trong bối cảnh thế giới đương đại, các quốc gia đi sau không cần trải qua tuần tự các bước hình thành và phát triển của kinh tế thị trường hàng trăm năm qua; không thể rập khuôn các mô hình kinh tế thị trường có sẵn, mà phải sáng tạo ra các mô hình mới, đáp ứng đòi hỏi của hiện thực khách quan.

Xây dựng, vận hành nền kinh tế thị trường phù hợp với chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa cũng là một đòi hỏi khách quan, phù hợp với chế độ chính trị và nguyện vọng của đông đảo nhân dân Việt Nam. Toàn bộ lịch sử kinh tế thị trường trong suốt hàng trăm năm qua chứng minh rằng bản thân nền kinh tế này rất cần sự quản lý và điều tiết của nhà nước. Bàn tay vô hình của cơ chế thị trường hoàn toàn không đủ để vận hành nền kinh tế thị trường, mà phải có cả bàn tay hữu hình của bộ máy nhà nước do từng chế độ chính trị, chế độ xã hội xây dựng nên. Mỗi nhà nước quản lý, điều tiết, vận hành nền kinh tế thị trường theo mục tiêu, lợi ích của mình trên cơ sở tôn trọng những quy luật kinh tế chung. Nhà nước tư sản, dưới mọi biểu hiện khác nhau của nó, đều sử dụng kinh tế thị trường như một con đường, phương tiện và công cụ nhằm củng cố chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa, làm gia tăng giá trị thặng dư, tức là phục vụ mục tiêu, lợi ích giai cấp của giai cấp tư sản. Dĩ nhiên, trong quá trình này, chúng không thể không quan tâm đáp một phần lợi ích của người lao động nói riêng và của toàn xã hội nói chung.

Rõ ràng là, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa chỉ là một phương án (phương án đầu tiên xét về mặt lịch sử) của kinh tế thị trường. Lịch sử loài người không dừng lại ở chủ nghĩa tư bản. Cho nên, việc xuất hiện những mô thức mới của kinh tế thị trường, trong đó có nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam..., cũng là những phương án hợp lô gích.

Do nhận thức kip thời những vấn đề lý luận và thực tiễn rất quan trọng nêu trên, Đảng, Nhà nước ta đã chủ động và tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa phù hợp với các quy luật khách quan, vừa phù hợp với các đặc điểm, điều kiện cụ thể của đất nước và chế độ xã hội ở Việt Nam. Sự phù hợp của thể chế kinh tế thị trường với chế độ xã hội, trong đó quan trọng nhất là thể chế chính trị và hệ thống chính trị, là biểu hiện nổi bật, là thực chất của mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta. Thông qua sự phù hợp này, những tất yếu kinh tế và những đòi hỏi chính trị khách quan đã đồng thời được đảm bảo, gắn kết với nhau và tạo tiền đề cho nhau trong cả thể chế kinh tế thị trường và hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự gắn kết nêu trên được thể hiện ngay trong mục đích của nền kinh tế, chế độ sở hữu, phương thức vận hành, chế độ phân phối và trong phương châm kết hợp tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Mục đích phát triển kinh tế thị trường ở nước ta không phải thuần tuý là làm gia tăng giá trị, lợi nhuận kinh tế; mà là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là một nền kinh tế đa hình thức sở hữu, đa thành phần kinh tế, trong đó chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất được duy trì và kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế cả nước. Phương thức vận hành nền kinh tế là vừa theo cơ chế thị trường, vừa phát huy cao độ vai trò điều tiết và chức năng quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chế độ phân phối kết hợp phân phối theo quy mô đóng góp và hiệu quả sử dụng các nguồn lực với các chính sách tái phân phối thu nhập, đảm bảo phúc lợi xã hội và an sinh xã hội do nhà nước chủ trì triển khai.

Trong xây dựng, đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị ở nước ta, sự gắn kết nêu trên được thể hiện trước hết qua bước chuyển từ hệ thống chuyên chính vô sản sang hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, trong đó nổi bất là bước chuyển từ nhà nước chuyên chính vô sản sang nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tiếp đó, nó được thể hiện qua việc xác định cơ cấu thành phần gồm 8 thành tố hiện nay của hệ thống chính trị; cả 8 thành đố đó đều là công cụ nhằm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh: mọi quyền hành và lực lượng đều tập trung ở nơi dân. Theo tinh thần này, Đảng và Nhà nước (hai thành tố quan trọng nhất trong hệ thống chính trị) đã nỗ lực phấn đấu để các đường lối, chủ trương, chính sách ban hành phải phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và phải hợp lòng dân. Mặt trận Tổ quốc được giao phó thêm một chức năng quan trọng là tổ chức phản biện xã hội đối với một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội của Đảng, Nhà nước. Nhờ vậy, hệ thống chính trị của nước ta đã thích ứng với bối cảnh mới của kinh tế thị trường, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh những kết quả, thành tựu quan trọng, vẫn tồn tại một số hạn chế, yếu kém trong quá trình nhận thức và xử lý mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Chưa xác định rõ và tạo được sự thống nhất cao về những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những yếu tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường chậm được tăng cường. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, đồng bộ, thiếu ổn định, chồng chéo. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể tăng trưởng chậm, hiệu quả thấp, tỷ trọng ngày càng giảm đi trong tổng sản phẩm nội địa. Việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trên nhiều lĩnh vực đạt kết quả thấp so với yêu cầu, tạo nên bức xúc xã hội ở một số lĩnh vực. Hệ thống chính trị chưa có nhiều đổi mới đột phá, chưa theo kịp những chuyển động kinh tế- xã hội trong nước, chất lượng, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế, nhất là trong kiểm soát quyền lực và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tình trạng quan liêu, xa rời thực tiễn, xa dân, tham ô, nhũng nhiễu của bộ máy quyền lực vẫn còn nghiêm trọng. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự đồng thuận xã hội trước không ít chủ trương, quyết sách lớn có dấu hiệu giảm sút đáng lo ngại...

Trong những năm tới, sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước có nhiều vận động bước ngoặt, tạo ra đòi hỏi cấp thiết về tiếp tục đổi mới toàn diện cả thể chế kinh tế và hệ thống chính trị. Bước ngoặt lớn nhất sẽ là nền kinh tế chuyển từ giai đoạn tăng trưởng để thoát nghèo kéo dài suốt 15-20 năm qua sang giai đoạn tăng trưởng để cất cánh. Giai đoạn tăng trưởng mới không cho phép tiếp tục duy trì kiểu tăng trưởng về lượng, chủ yếu là nhờ tăng đầu tư, mà đòi hỏi tăng trưởng với chất lượng cao chủ yếu dựa vào sự gia tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất- kinh doanh, đảm bảo sự bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái. Trước yêu cầu mới, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đi đôi với tích cực đổi mới chính trị.

Dưới tác động của hai quá trình đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, sẽ xuất hiện nhiều chuyển động sâu sắc trong đời sống xã hội Việt Nam. Mặc dù Đảng cầm quyền và Nhà nước vẫn có vị trí, vai trò lãnh đạo và quản lý mọi mặt, nhưng cả Đảng và Nhà nước đều không còn là những chủ thể quyền lực toàn năng, duy nhất. Một số chức năng quản lý, điều tiết kinh tế- xã hội, vốn trước kia chỉ thuộc về Đảng và Nhà nước, nay được chuyển sang cho thị trường và các tổ chức xã hội, các thiết chế cộng đồng. Mặt khác, ngày nay Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý đất nước cũng phải trong điều kiện có sự ràng buộc về quy tắc, chuẩn mực và trách nhiệm đối với các định chế quyền lực quốc tế.

Để đảm bảo mối quan hệ thuận chiều giữa hai quá trình đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, cần dân chủ hoá và minh bạch hoá hơn nữa quá trình ra các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội. Đảng lãnh đạo, nhưng không đưa ra trước các quyết định, mà trước hết là phải tạo điều kiện, cơ chế cho giới chuyên môn, cho nhân dân thảo luận, nêu các phương án khác nhau. Vai trò lãnh đạo của Đảng được thể hiện trong việc đưa ra quyết định cuối cùng, lựa chọn một phương án cụ thể. Kiên quyết phòng chống nguy cơ một số nhóm lợi ích chi phối quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách. Đổi mới thể chế kinh tế là để giải phóng sức sản xuất, phát triển sức sản xuất; đổi mới chính trị là để tập hợp toàn dân, tổ chức toàn dân thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chung. Chỉ như vậy, quá trình đổi mới mới tiếp tục được đẩy mạnh đồng bộ, hài hoà cả về kinh tế và hệ thống chính trị, đưa Việt Nam tới đích Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website