Nhìn lại ba năm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"

Trương Tấn Sang

Ủy viên Bộ Chính trị,Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng

Hội nghị lần thứ sáu BCH T.Ư Ðảng (khóa X) đã ra Nghị quyết số 20-NQ/TW về 'Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước'. Nghị quyết ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi trong lịch sử gần 80 năm của Ðảng, đây là lần đầu tiên Ðảng ta ra Nghị quyết chuyên đề về giai cấp công nhân, đánh dấu bước phát triển quan trọng về lý luận và thực tiễn của Ðảng ta, khẳng định rõ quan điểm của Ðảng về giai cấp công nhân, là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới, giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam, là giai cấp tiên phong, đi đầu trong sự nghiệp  CNH, HÐH đất nước.

Nghị quyết cũng khẳng định rõ xây dựng giai cấp công nhân là trách nhiệm của Ðảng,  Nhà nước,  của các tổ chức chính trị - xã hội, của mọi người dân và của mỗi người công nhân. Nghị quyết đã đề ra hệ thống các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, nhằm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam phát triển về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, không ngừng nâng cao về chất lượng để hoàn thành thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn cách mạng mới. Nghị quyết ra đời đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đảng viên và của hàng triệu công nhân, lao động ở các ngành, các thành phần kinh tế. Ðến nay, sau ba năm triển khai thực hiện, Nghị quyết đã từng bước đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả bước đầu đáng phấn khởi.

Về công tác triển khai, quán triệt Nghị quyết

Ngay sau khi ra đời, Nghị quyết 20/NQ-TW đã được các cấp ủy Ðảng, các ngành, các cấp, đặc biệt là tổ chức công đoàn phấn khởi, tự giác đón nhận; đã có nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, cụ thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến và quán triệt Nghị quyết cho đông đảo cán bộ, đảng viên, công nhân, lao động. Nhiều cấp ủy Ðảng đã lồng ghép việc tổ chức quán triệt Nghị quyết về xây dựng giai cấp công nhân với thực hiện Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'.

Ðồng thời với việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết, hầu hết các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để đưa Nghị quyết vào cuộc sống với các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình công nhân, lao động ở từng địa phương, đơn vị, ngành.

Các chương trình hành động của các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các tổ chức quần chúng đều tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, lao động, như vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống, điều kiện làm việc, vấn đề nhà ở, vấn đề dân chủ, công bằng xã hội. Ðặc biệt là vấn đề nâng cao trình độ học vấn, chuyên  môn nghề nghiệp, nâng cao giác ngộ giai cấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, nâng cao hiểu biết chính sách, pháp luật cho công nhân.

Một số kết quả bước đầu

Do sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy Ðảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng các cấp, đến nay nhận thức của đa số cán bộ, đảng viên, công nhân, lao động về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân, về yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước, về chính trị, pháp luật và ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp của đông đảo công nhân, lao động đã được nâng lên.

Ba năm qua, nhiều nội dung của Nghị quyết đã được thể chế hóa thành chính sách, pháp luật, như: Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm y tế; Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được công bố, thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động; Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, chính sách và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công nhân, lao động, như chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chỉ sau hơn hai năm thực hiện đã có hơn 50% số lao động đủ điều kiện theo quy định tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Công tác đào tạo, đào tạo lại nghề cho công nhân, lao động được tích cực triển khai. Ba năm qua, đã có hàng trăm trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề được thành lập và đi vào hoạt động. Ngân sách nhà nước đã dành một phần đáng kể nguồn kinh phí cho công tác dạy nghề; đội ngũ giáo viên dạy nghề tăng lên cả về chất lượng và số lượng, số học sinh học nghề đã tăng lên đáng kể, mỗi năm có hàng trăm nghìn lao động được đào tạo nghề, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước...

Các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động. Theo thống kê, mỗi năm, cả nước đã tạo việc làm cho hơn một triệu lao động. Riêng năm 2010, cả nước đã có hơn 85 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, 75 nghìn lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Thị trường lao động đã có bước phát triển tốt, nhiều trung tâm giới thiệu việc làm được hình thành, các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình cũng tham gia tích cực vào giới thiệu việc làm cho người lao động. Năm 2009, Trung tâm thông tin thị trường lao động cùng sự ra đời nhiều trang web về việc làm đã hình thành và đi vào hoạt động, tạo ra cầu nối quan trọng giúp người lao động có điều kiện thuận lợi tìm kiếm hoặc thay đổi việc làm phù hợp với năng lực của mình.

Ba năm qua, Chính phủ đã điều chỉnh lương tối thiểu theo đúng lộ trình đề ra; tiền lương, thu nhập của người lao động dần được tăng lên, phần nào bù đắp được mức sinh hoạt do giá cả tiêu dùng tăng lên và từng bước nâng cao đời sống một bộ phận công nhân, lao động. Vấn đề nhà ở, nhà trẻ và các thiết chế văn hóa đối với công nhân, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đã được chú trọng hơn. Tại một số tỉnh, thành phố, một số khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều doanh nghiệp đã bước đầu xây dựng nhà ở, nhà trẻ, nhà văn hóa công nhân. Phong trào giữ gìn vệ sinh công nghiệp, duy trì sản xuất những mặt hàng thân thiện với môi trường được quan tâm; công tác an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh công nghiệp, phòng cháy chữa cháy, tuần lễ quốc gia về an toàn vệ sinh lao động được đông đảo các ngành, người sử dụng lao động và người lao động hưởng ứng...

Công tác phát triển đoàn viên, đảng viên trong công nhân, lao động được chú ý hơn; các cấp  ủy Ðảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là công đoàn đã quan tâm tuyên truyền vận động phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp, nhất là trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức lao động ưu tú với Ðảng xem xét, kết nạp; trong đó đã chú trọng đến công nhân lao động trẻ, nữ và công nhân thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước, góp phần đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở Ðảng trong các loại hình doanh nghiệp. Giới thiệu những đoàn viên ưu tú, có trình độ, đủ năng lực tham gia vào các vị trí lãnh đạo của Ðảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể; tỷ lệ đoàn viên trong công nhân, tỷ lệ doanh nghiệp đã thành lập được tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, tổ chức Ðảng đã tăng lên đáng kể so với trước khi T.Ư ban hành Nghị quyết này.

Bên cạnh những kết quả bước đầu nói trên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết cũng  còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém

Công tác triển khai quán triệt Nghị quyết của một số cấp ủy mới chủ yếu tập trung ở khu vực kinh tế nhà nước, chưa quan tâm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến đông đảo công nhân, lao động, nhất là ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên, công nhân lao động về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân, về yêu cầu cấp bách phải xây dựng giai cấp công nhân, đặc biệt là am hiểu về chính sách, pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật, giác ngộ giai cấp, tác phong công nghiệp của công nhân, nhất là công nhân ở khu vực ngoài nhà nước còn nhiều hạn chế.

Vấn đề việc làm, tiền lương, thu nhập, đời sống của  công nhân, lao động, nhất là công nhân, lao động khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn nhiều khó khăn. Hiện nay, vẫn có sự chênh lệch về tiền lương và sự khác biệt rất lớn về tiền lương, thu nhập giữa người lao động và người quản lý doanh nghiệp, giữa người lao động và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp khác nhau, kể cả trong cùng một ngành nghề, sự phân hóa giàu nghèo ngay trong giai cấp công nhân cũng tăng lên; tình trạng đình công còn diễn ra nhiều, cả do chủ doanh nghiệp thực hiện không đầy đủ chính sách và cả do công nhân đình công không đúng quy định pháp luật.

Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội vẫn còn diễn ra khá phổ biến, tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa có chiều hướng giảm. Ðến nay, số nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp đã lên đến hàng nghìn tỉ đồng; số người tham gia bảo hiểm xã hội chỉ chiếm khoảng 78%, tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.

Công tác bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động tuy có tiến bộ, nhưng tai nạn lao động vẫn chưa giảm và bệnh nghề nghiệp vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn; chưa có những chế tài cụ thể cũng như chưa có sự quan tâm, đầu tư thích đáng từ phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp về kinh phí, con người trong công tác này.

Tình trạng nhà ở của công nhân nhập cư ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn rất nhiều khó khăn. Năm 2010, cả nước chỉ mới xây dựng được thêm chỗ ở cho khoảng 27 nghìn người, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số lao động đang có nhu cầu nhà ở tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất đều chưa có nhà trẻ, nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, điều kiện để học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ...

Tổ chức cơ sở Ðảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước còn rất thấp. Số doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 20 lao động trở lên mới có 47% có tổ chức công đoàn.

Tóm lại, qua gần ba năm triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đã đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng so với các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân mà Nghị quyết đề ra thì chưa làm được nhiều. Do vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương cần quyết liệt hơn, tích cực, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn và với quyết tâm cao hơn nữa mới đưa Nghị quyết vào đời sống, giải quyết được những vấn đề căn bản đang đặt ra đối với giai cấp công nhân trong thời gian tới.

Phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết trong thời gian tới

Ðể tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết, trong thời gian tới, các cấp ủy Ðảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần quan tâm tập trung thực hiện tốt một số công tác lớn sau đây:

Một là, tiếp tục tổ chức quán triệt tinh thần và nội dung Nghị quyết, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong các cán bộ, đảng viên, công nhân, lao động và trong toàn xã hội về vị trí, vai trò giai cấp công nhân, yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân, trách nhiệm của các cấp ủy Ðảng, các ngành, các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng giai cấp công nhân. Ðặc biệt, cần quán triệt sâu sắc năm quan điểm chỉ đạo trong xây dựng giai cấp công nhân nêu trong Nghị quyết: Kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn kết hữu cơ với xây dựng, phát huy sức mạnh của liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược; xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Ðảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân...

Hai là, triển khai thực hiện các Ðề án theo Kết luận số 23-KL/TW ngày 8-2-2008 của Bộ Chính trị về những công việc cần cụ thể hóa để triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị T.Ư lần thứ sáu (khóa X), phân công chỉ đạo chuẩn bị và thời gian hoàn thành các đề án. Ðặc biệt cần tập trung quyết liệt hơn nữa giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân, như nhà ở, vấn đề tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa, nhà trẻ... Ðồng thời tiến hành sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết ở các cấp, các ngành, kịp thời rút kinh nghiệm, tiếp tục tổ chức thực hiện trong giai đoạn tiếp theo tích cực hơn nữa.

Ba là, tập trung đầu tư thích đáng cả về vật chất, tinh thần, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm các vấn đề xã hội, trước mắt cũng như lâu dài, để tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh mẽ giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng. Ðổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức Ðảng, hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội tại doanh nghiệp phù hợp với từng thành phần kinh tế; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, tổ chức công đoàn và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp; chăm lo công tác bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên công đoàn, công nhân ưu tú trong các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phát triển đảng viên, xây dựng các tổ chức cơ sở Ðảng tại doanh nghiệp.

Bốn là, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp cần khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết này và Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI phần liên quan đến công nhân, lao động, tiếp tục bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật để thực hiện các chính sách, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, như: chính sách về phát triển dạy nghề, đào tạo, đào tạo lại công nhân; tạo điều kiện cho công nhân tự học tập, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng những cán bộ ưu tú xuất thân từ công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế xây dựng nhà ở cho công nhân. Ðồng thời, các cơ quan nhà nước, đoàn thể quần chúng khẩn trương phối hợp xây dựng và thực hiện 'Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động' và 'Quy hoạch tổng thể xây dựng, nâng cấp các Nhà Văn hóa Lao động phục vụ đời sống tinh thần của công nhân, viên chức, lao động'; nghiên cứu, ban hành tiêu chí xây dựng văn hóa doanh nghiệp; bổ sung cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở và chế độ phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn cơ sở...

Năm là, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tham gia góp ý kiến vào việc sửa đổi Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn phù hợp với điều kiện hiện nay, đáp ứng yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân; tiếp tục cụ thể hóa chương trình hành động thực  hiện Nghị quyết thành những chỉ tiêu phấn đấu hằng năm, với những giải pháp cụ thể, thiết thực. Ðịnh kỳ kiểm tra, giám sát cơ sở, kịp thời kiến nghị Ðảng, Nhà nước và cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Công đoàn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở, nhà trẻ, khu vui chơi giải trí...; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

 

Theo báo Nhân dân

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website