Công bằng xã hội luôn luôn là mục tiêu nhất quán của Đảng ta từ khi thành lập đến nay. Chính nhờ giương cao ngọn cờ công bằng xã hội mà Đảng ta đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay. Tuy nhiên, nhận thức về con đường đi đến mục tiêu ấy có sự thay đổi qua các kỳ đại hội Đảng. Trong thời kỳ trước đổi mới, xuất phát từ quan điểm cho rằng chế độ tư hữu là nguồn gốc của mọi sự bất công nên Đảng ta coi việc xoá bỏ chế độ tưhữu là nội dung chủ yếu để thực hiện công bằng xã hội. Trong giai đoạn này, nguyên tắc phân phối để thực hiện công bằng xã hội là nguyên tắc phân phối theo lao động. Tuy nhiên, lúc đó nguyên tắc phân phối theo lao động đã không được thực hiện đúng vì sự phân phối đã bị tách khỏi cơ sở số lượng và chất lượng lao động (hiệu quả kinh tế của lao động), không theo lao động mà mang tính bình quân. Việc thực hiện chế độ phân phối mang tính bình quân đã nuôi dưỡng sự lười biếng; đã thủ tiêu tính tích cực của người lao động, thủ tiêu động lực phát triển sản xuất và dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội vào đầu những 80 của thế kỷ XX. Xuất phát từ tình hình đó Đảng ta đã thay đổi quan điểm về nguyên tắc phân phối vì mục tiêu công bằng xã hội.
Quan điểm của Đảng về nguyên tắc phân phối tại Đại hội VI
Trước tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, Đại hội lần thứ VI của Đảng trên tinh thần ''Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”1, đã thẳng thắn tự phê bình về việc đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách sai lầm trong cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Báo cáo chính trị tại Đại hội đã vạch rõ những hạn chế và sai lầm trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cả về chế độ sở hữu, chế độ phân phối và cơ chế quản lý. Về chế độ sở hữu, chúng ta đã có những biểu hiện nóng vội, muốn xoá bỏ ngay khu vực kinh tế ''phi xã hội chủ nghĩa”, muốn nhanh chóng thiết lập, khu vực kinh tế ''xã hội chủ nghĩa” (gồm quốc doanh và tập thể). Về phân phối, chúng ta đã thực hiện một chế độ phân phối về thực chất là bình quân. Về quản lý, chúng ta đã thực hiện một cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp. Để khắc phục những sai lầm ấy, Đại hội VI đã quyết định chuyển nền kinh tế từ mô hình dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Đại hội khẳng định trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường ấy, nền kinh tế phải được quản lý bằng các phương pháp kinh tế là chủ yếu với động lực thúc đẩy là sự kết hợp hài hoà lợi ích của toàn xã hội, lợi ích của tập thể và lợi ích riêng của từng người lao động, phù hợp với đường lối đổi mới ấy. Để khắc phục tính chất bình quân, Đại hội VI cho rằng cần khắc phục tình trạng ''tách rời việc trả công lao động với số lượng và chất lượng lao động'' 2 trong phân phối thời kỳ trước đổi mới; phải quay trở lại thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động. Văn kiện Đại hội viết: ''Việc thực hiện đúng nguyên tắc phân phối theo lao động đòi hỏi sửa đổi một cách căn bản chế độ tiền lương theo hướng bảo đảm yêu cầu tái sản xuất sức lao động, khắc phục tính chất bình quân, xoá bỏ từng bước phần cung cấp còn lại trong chế độ tiền lương, áp dụng các hình thức trả lương gắn chặt với kết quả lao động và hiệu quả kinh tế''3, “Bảo đảm cho người lao động có thu nhập thoả đáng phụ thuộc trực tiếp vào kết quả lao động, có tác dụng khuyến khích nhiệt tình lao động''4. Mặt khác, Đại hội đã không tuyệt đối hoá nguyên tắc phân phối theo lao động, Văn kiện Đại hội VI ghi rõ: ''Giải quyết một phần quan trọng việc làm cho người lao động và bản đảm về cơ bản phân phối theo lao động. Thực hiện công bằng xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta''5. “Về cơ bản thực hiện phân phối theo lao động, điều đó có nghĩa rằng không hoàn toàn phân phối theo lao động. Liên quan đến phần phân phối không theo lao động này, Văn kiện Đại hội khẳng định: ''Xoá bỏ những thành kiến thiên lệch trong sự đánh giá và đối xử với người lao động thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Nhà nước có chính sách ưu đãi về kinh tế (như chính sách đầu tư, thuế, tín dụng...) đối với thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa; song về pháp luật phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng. Những người làm ra của cải và những việc có ích cho xã hội, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và chính sách đều được tôn trọng, được quyền hưởng thu nhập tương xứng với kết quả lao động, kinh doanh hợp pháp của họ. Đối với những kẻ lười biếng, ăn bám, phải phê phán và cưỡng bức lao động. Những kẻ phạm pháp đều bị trừng trị theo pháp luật. Ai vi phạm hợp đồng kinh tế, đều bị xử phạt và phải bồi thường. Đó là chính sách nhất quán với mọi công dân, không phân biệt họ thuộc thành phần kinh tế nào''6, ''Tôn trọng lợi ích chính đáng của những hoạt động kinh doanh hợp pháp, có ích cho xã hội. Ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc các nguồn thu nhập bất chính'', ''Nghiêm trị những kẻ phạm pháp bất kỳ ở cương vị nào'', ''Bảo đảm sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ đối với mọi công dân, chống đặc quyền, đặc lợi''7.
Quan điểm của Đảng về nguyên tắc phân phối từ Đại hội VII đến Đại hội XI
Văn kiện Đại hội VII đã có diễn đạt mới về nguyên tắc phân phối so với Văn kiện Đại hội VI. Văn kiện Đại hội VII viết: ''Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu”8, ''Lấy phân phối theo lao động làm hình thức chính, khuyến khích làm giàu đi đôi với giảm số nghèo, nâng cao phúc lợi xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế''9. Tuy nhiên, ''nhiều hình thức phân phối'' là những hình thức phân phối nào? Vấn đề này chưa được văn kiện của Đại hội VII giải thích rõ. Hội nghị đại biểu toàn quốc giũa nhiệm kỳ khoá VII khẳng định: ''Phân phối theo lao động là chủ yếu, khuyến khích và đãi ngộ xứng đáng các tài năng, đồng thời phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất kinh doanh''10. So với Đại hội VII, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII đã chỉ rõ một hình thức phân phối khác ngoài phân phối theo lao động; đó là phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất kinh doanh.
Văn kiện của Đại hội VIII không nói đến nguyên tắc ''phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất kinh doanh''. Văn kiện Đại hội VIII ghi: ''Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất - kinh doanh và phân phối thông qua phúc lợi xã hội''11. Có thể hiểu trong ''phân phối dựa trên mức đóng góp các nguồn lực khác vào kết quả sản xuất - kinh doanh'' có phân phối theo nguồn vốn. Tuy nhiên, cụm từ ''phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất kinh doanh'' thể hiện sự khác biệt rõ hơn so với ''phân phối theo lao động''. Ngoài ra, Đại hội VIII diễn đạt rõ hơn so với Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII và các đại hội trước đó về khi nói đến ''phân phối thông qua phúc lợi xã hội'' (trước đó chỉ nói ''nâng cao phúc lợi xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế'').
Đại hội IX phục hồi trở lại cụm từ ''phân phối theo nguồn vốn đóng góp, Văn kiện Đại hội IX viết: ''Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội”12. Đại hội X và Đại hội XI tiếp tục khẳng định phân phối theo mức đóng góp vốn. Văn kiện Đại hội X viết: ''thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội''13. Văn kiện Đại hội XI viết: ''Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; các nguồn lực được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cũng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội''14. Văn kiện Đại hội XI bổ sung thêm phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội bên cạnh phân phối thông qua phúc lợi xã hội. Như vậy, Văn kiện Đại hội XI diễn đạt nguyên tắc phân phối rõ hơn và đầy đủ hơn so với văn kiện trước đó của Đảng.
Thực chất của nguyên tắc phân phối mà Đại hội XI xác định
Tên gọi của nguyên tắc phân phối có sự khác nhau ở các văn kiện đại hội. Tuy nhiên, trên thực tế từ 1986 với chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần chúng ta đã thực hiện nguyên tắc phân phối như đã nói trong Văn kiện Đại hội XI (''phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội''). Vậy nguyên tắc đó khác với nguyên tắc phân phối theo lao động được thực hiện trước đó như thế nào?
Cả hai nguyên tắc phân phối nói trên đều căn cứ vào cống hiến của mỗi người cho xã hội. Cống hiến có nhiều hình thức khác nhau song vẫn có thể quy về hai hình thức cơ bản là cống hiến sức lao động và cống hiến vốn.
Nguyên tắc phân phối mà Đảng ta chủ trương thực hiện trong thời kỳ trước đổi mới là nguyên tắc phân phối theo lao động (mặc dù trên thực tế chúng ta không thực hiện đúng nguyên tắc phân phối này, thay vào đó chúng ta đã thực hiện sự phân phối bình quân). Nguyên tắc phân phối theo lao động chỉ căn cứ và sự cống hiến sức lao động. Nếu thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động thì giá trị của tổng sản phẩm xã hội sẽ được chia thành hai phần: phần thứ nhất được dành để tái sản xuất và để giải quyết các vấn đề xã hội chung, để đóng góp vào quỹ phúc lợi xã hội (từ đó phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội); phần thứ hai sẽ được phân phối cho các cá nhân theo mức cống hiến bằng sức lao động của họ cho xã hội (bao gồm cả cống hiến bằng sức lao động chân tay và cống hiến bằng sức lao động trí óc, cống hiến của người lao động quản lý và người lao động không tham gia quản lý, cống hiến của người lao động trực tiếp và cống hiến của người lao động gián tiếp cho quá trình sản xuất của xã hội (tức là cống hiến của tất cả những người lao động làm việc trong mọi lĩnh vực không thể thiếu của xã hội).
Nguyên tắc phân phối được xác định ở Đại hội XI vừa căn cứ vào sự cống hiến sức lao động vừa căn cứ vào sự cống hiến vốn. Nếu thực hiện nguyên tắc phân phối vừa theo lao động vừa theo vốn thì giá trị của tổng sản phẩm xã hội sẽ được chia thành ba phần: phần thứ nhất được dành để tái sản xuất và để giải quyết các vấn đề xã hội chung, để đóng góp vào quỹ phúc lợi xã hội (từ đó phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội); phần thứ hai sẽ được phân phối cho các cá nhân theo mức cống hiến bằng sức lao động của họ cho xã hội (bao gồm cả cống hiến bằng sức lao động chân tay và cống hiến bằng sức lao động trí óc, cống hiến của người lao động quản lý và người lao động không tham gia quản lý, cống hiến của người lao động trực tiếp và cống hiến của người lao động gián tiếp cho quá trình sản xuất của xã hội (tức là cống hiến của tất cả những người lao động làm việc trong mọi lĩnh vực không thể thiếu của xã hội); phần thứ ba sẽ được phân phối cho các cá nhân theo mức cống hiến vốn. Trong ba phần như trên, phần thứ nhất và phần thứ hai cũng có ở nguyên tắc, phân phối theo lao động; riêng phần thứ ba không có ở nguyên tắc phân phối theo lao động. Tỷ lệ giữa ba phần này được xác định căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương và từng giai đoạn. Với nguyên tắc phân phối vừa theo lao động vừa theo vốn thì một số người dù không lao động vẫn có thể có thu nhập. Những người vừa có cống hiến vốn cho nên sản xuất của xã hội vừa tham gia lao động (lao động quản lý hay lao động không quản lý, lao động chân tay hay lao động trí óc, lao động trực tiếp hay lao động gián tiếp) thì được hưởng ở cả 3 phần nói trên. Những người tham gia lao động mà không có cống hiên vốn cho nền sản xuất của xã hội thì chỉ được hưởng ở phần thứ nhất và phần thứ hai. Những người không có lao động và không có cống hiến vốn thì chỉ được hưởng phần thứ nhất. Trong phần trên, phần thứ nhất là rất quan trọng vì xã hội nào cũng phải tái sản xuất và giải quyết các vấn đề xã hội chung (như khắc phục thiên tai, dịch bệnh...), hơn nữa xã hội nào cũng có những người không có sức lao động và không có vốn. Việc dành một phần thu nhập (với tỷ lệ phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng nước) để phân phối cho những người thuộc diện này là chính sách nhân đạo mà các nhà nước đều thực hiện (việc này được mọi người ủng hộ và được coi là công bằng vì đó là điều cần thiết đối với sự phát triển xã hội).
Nguyên tắc phân phối mà Đại hội XI xác định không loại trừ nguyên tắc phân phối theo lao động (nguyên tắc đầu bao hàm nguyên tắc sau như là một bộ phận). Trong nguyên tắc phân phối mà Đại hội XI xác định thì phần dành để phân phối theo lao động là chủ yếu. Bởi vì, người lao động là người tạo ra sản phẩm cho xã hội để nhờ đó mới có cái mà phân phối, theo lợi ích của người lao động không được bảo đảm thì tính tích cực của họ sẽ không được phát huy mức cao nhất, điều đó dẫn đến sản xuất trì trệ, năng suất lao động thấp. Bên cạnh đó nguyên tắc phân phối mà Đại hội XI xác định còn bao hàm cả sự phân phối theo mức đóng góp vốn. Tiền lãi thu được sau khi cho vay (cho các ngân hàng vay hoặc cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay) hoặc tiền thu được từ cổ phần đóng góp trong các doanh nghiệp là hình thức dễ nhìn thấy của thu nhập do góp vốn chứ không phải do góp sức lao động. Nguyên tắc phân phối do Đại hội XI xác định đã thể hiện một sự đổi mới dứt khoát quan trọng trong tư duy về nguyên tắc phân phối vì mục tiêu công bằng xã hội. Bởi vì trong thời kỳ trước đổi mới, nguyên tắc phân phối theo lao động được coi là nguyên tắc phân phối duy nhất đúng để thực hiện công bằng xã hội; còn từ khi đổi mới đến nay nguyên tắc phân phối để thực hiện công bằng xã hội không phải là nguyên tắc phân phối theo lao động mà là nguyên tắc phân phối mà Đại hội XI xác định.
Với việc thực hiện nguyên tắc phân phối được nêu ra ngay từ Đại hội VI và ngày càng được hoàn chỉnh thêm qua Đại hội VII, Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII, Đại hội VIII, Đại hội IX, Đại hội X và nhất là Đại hội XI, chúng ta đã thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong thời kỳ đổi mới tốt hơn so với trong thời kỳ trước đổi mới. Trên chặng đường lâu dài đi đến mục tiêu ''dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'', nội dung của nguyên tắc phân phối có thể còn được tiếp tục bổ sung và hoàn thiện thêm. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng nguyên tắc phân phối được Đại hội XI xác định thì nước ta có thể đạt được mục tiêu công bằng xã hội ngay trong giai đoạn còn nghèo khó hiện nay.
___________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.12.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.62.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.72.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.88.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.45.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.61-62.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.88-89.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.10.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.9.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam (1994), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII), Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, tr.47.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.92.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.88.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.26.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.74.