Phòng, chống tham nhũng - Một nhiệm vụ rất quan trọngNhà báo Hữu Thọ - Tạp chí Cộng sản

Đại hội lần thứ XI của Đảng nêu lên những định hướng và những giải pháp đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thực hiện mục tiêu đó có nhiều nội dung, trong đó nội dung phòng, chống tham nhũng lãng phí được nhấn mạnh trong các bài học kinh nghiệm của cách mạng, trong phần Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Chiến lược kinh tế - xã hội và trong phần Nhà nước cũng như Xây dựng Đảng của Báo cáo chính trị. Nghĩa là nội dung quan trọng trong đó nằm trong phương hướng dài hạn, trung hạn cũng như ngắn hạn của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

1- Trong tình hình hiện nay, tình trạng tham những lãng phí đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội, có yêu cầu bức bách phải bị đẩy lùi. Tham nhũng có nguyên nhân cơ bản từ lòng ham muốn cá nhân vị kỷ cộng với quyền lực bị lạm dụng, do đó trở thành tệ nạn của toàn thế giới. Nhiều nước thấy cần phải cùng nhau đánh giá rút kinh nghiệm để hòng trừ tệ nạn này cho nên đã tổ chức Hội nghị chống tham nhũng toàn cầu lần thứ nhất tại Mỹ vào năm 1983. Và vừa qua, vào tháng 11-2010 đã tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 14 với 1.500 đại biểu của hơn một trăm nước. Trao đổi ý kiến tại các Hội nghị đó, các nhà quản lý quốc gia, đại biểu các Hiệp hội doanh nghiệp, các nhà khoa học đều cho tham nhũng là "một thứ thuế vô hình”, "làm bóp méo thị trường đầu tư, mỗi năm làm thiệt hại khoảng 40 đến 50 tỷ đô la Mỹ, là "hành vi bóc lột phi kinh tế", cho đó "là ung nhọt của cơ chế xã hội đe dọa chế độ xã hội và quyền lực nhà nước". Do đó mà lãnh đạo Nhà nước, các Hiệp hội doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà báo hết sức quan tâm. Đảng và Nhà nước ta cũng hết sức quan tâm phòng chống tệ nạn này.

2- Đối với nước ta, chỉ vài tháng sau khi Cách mạng Tháng tám thành công, chính quyền về tay nhân dân; Nhà nước mới ra đời, Hồ Chủ tịch đã rất sáng suốt, sớm nhắc nhở cán bộ, viên chức về tệ nạn này và sau đó liên tiếp Người luôn luôn cảnh báo về nguy cơ tham ô, lãng phí. Người đã nói thực chất của hành vi tham ô là "ăn cắp của công", là "đục khoét của nhân dân", do đó hành vi đó và những kẻ tham nhũng là "giặc nội xâm”, là "kẻ thù của nhân dân”, "kẻ thù không mang gươm giáo mà nằm ngay trong tố chức của ta", phải đấu tranh, loại trừ. Người tự mình nêu gương và luôn nhắc nhở cán bộ, viên chức phải thực hiện cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn mình và gia đình mình trong sạch, đồng thời Người rất nghiêm khắc với những kẻ tham ô cho dù họ ở cấp bậc cao, có nhiều công lao.

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta liên tục khẳng định quyết tâm chính trị trong việc phòng chống tệ nạn này, nhất là từ sau ngày đổi mới. Nhớ lại Nghị quyết Đại hội VI mở đầu thời kỳ đổi mới, đã chỉ rõ phải "triệt để chống tham nhũng lãng phí, và coi là vấn đề "nóng bỏng, bức xúc" do đó phải “kiên quyết và thường xuyên phòng và chống". Trong thực tế, ngày càng thấy rõ nguyên nhân sâu xa của bệnh tham ô, lãng phí là do bệnh quan liêu, xa rời nhân dân, một bộ phận cán bộ không còn là đày tớ của dân như lời Bác Hồ dạy mà thực chất đã nhuốm màu quan lại. Do đó, nhìn xa hơn khi tổng kết các bài học kinh nghiệm của cách mạng nước ta, trong Cương lĩnh 1991 đã nêu rõ: "quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ gây tổn thất khôn lường với đất nước". Xuất phát từ thực tiễn và tiếp thu sự đánh giá phân tích của các Đại hội và Hội nghị Trung ương, trong Cương lĩnh bổ sung, sửa đổi 2011 giữ lại những đánh giá về tác hại nghiêm trọng mà Cương lĩnh 1991 đã khẳng định, không chỉ gây tổn thất khôn lường với đất nước mà nhấn mạnh, còn "làm tổn hại tới chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”. Trên đây xin nhắc lại một cách sơ lược sự đánh giá của Đảng nhằm để muốn nhấn mạnh, từ thực tiễn, Đảng ta đã đánh giá tệ quan liêu, tham nhũng ngày càng nghiêm trọng, nó không những làm thiệt hại to lớn về kinh tế mà quan trọng là làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, thực sự đe dọa sự tồn vong của chế độ và Đảng.

3- Cùng với khẳng định sự nguy hại to lớn của bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí Đảng, Nhà nước ta đã nêu lên ngày càng đầy đủ hơn, cụ thể hơn phương hướng và giải pháp phòng, chống tệ nạn này. Quốc hội đã thông qua những bộ luật và Sắc lệnh, Chính phủ cũng đã ban hành các nghị định để từng bước hoàn chỉnh luật pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Mặt khác mỗi Văn kiện Đại hội và Hội nghị Trung ương đều có những bổ sung mới, một vài mốc rất quan trọng các phương hướng và giải pháp chống tham nhũng lãng phí đó là:

Xem ra ngành nào, cấp nào cũng có những thủ đoạn, hành vi tham nhũng, nhưng xuất phát từ thực tiễn, theo tôi một cái mốc đáng nhớ là Văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã chỉ ra những trọng điểm cần tập trung đấu tranh, đó là đất đai, xây dựng cơ bản, hợp tác đầu tư, tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, hải quan, quản lý tài sản công, quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước. Nghĩa là đã chỉ rõ nơi dễ xảy ra sai phạm và gây thất thoát lớn cần tập trung kiểm tra, đấu tranh. Theo tôi nghĩ, cho tới nay, những trọng điểm nêu trên về cơ bản vẫn chính xác. Trên tinh thần tiếp thu những nội dung của các văn kiện Đảng trước đây, một cái mốc nữa cần ghi nhớ là Đại hội XI đã bổ sung một phương hướng rất quan trọng về sự công khai, minh bạch: Công khai minh bạch về kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước; công khai minh bạch trong cơ chế chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, và đặc biệt là công khai minh bạch trong tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ. Điều đó chứng tỏ Đảng ta không chỉ rõ quyết tâm chính trị mà đã hoàn chỉnh dần và cụ thể hơn phương hướng và giải pháp phòng ngừa, đấu tranh...

4. Trong cuộc đấu tranh phức tạp này không ai nghĩ rằng một lúc có thể xoá bỏ được tham nhũng và đó là cuộc đấu tranh lâu dài, nhưng mong muốn chính đáng của nhân dân cũng là quyết tâm của Đảng là phải từng bước đẩy lùi các tệ nạn đó. Vậy thực tế tình trạng đó như thế nào? Theo điều tra của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, thông báo cuối năm 2010 thì trong số những người được hỏi ý kiến qua phiếu không cần ghi danh có 28% số người được hỏi cho là tình trạng tham nhũng có giảm; 39% số người được hỏi cho là tình trạng tham nhũng tăng; 29% cho là vẫn như cũ. Các số liệu này cho thấy: Chúng ta chưa đẩy lùi được tình trạng tham nhũng mà Nghị quyết Đại hội VIII đã nêu.

5. Như trên đã phân tích thì thấy rõ, chúng ta không nghi ngờ về quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và các giải pháp, pháp luật, cơ chế tuy chưa thật đầy đủ nhưng cũng không đến nỗi thiếu, vậy vấn đề còn lại chủ yếu là ở tổ chức thực hiện. Nói đến tổ chức thực hiện thì không như một số người nghĩ là chỉ ở cấp dưới mà việc hệ trọng đó để biến những ý tưởng và nghị quyết trên giấy thành hiện thực cuộc sống, nằm ngay ở cấp ra nghị quyết. Về vấn đề này, tôi xin được có một số ý kiến sau đây:

- Cuộc đấu tranh bài trừ tệ nạn, chống quan liêu, tham nhũng là cuộc đấu tranh toàn diện, phòng ngừa cũng toàn diện, đấu tranh cũng phải toàn diện. Người ta thường nói tới ba hệ thống giải pháp chính. Giải pháp về tư tưởng trong việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, đề cao nhân tố mới, đấu tranh với hành vi sai trái và đặc biệt là khắc phục tâm lý “muốn đấu tranh nhưng ngại va chạm”, do đó “muốn chống tham nhũng nhưng không dám vạch trần” đang là tâm lý khá phổ biến hiện nay làm giảm sút tinh thần đấu tranh nhất là với người sai phạm nhưng ở cấp cao hoặc cấp trên trực tiếp... Giải pháp chính trị bao gồm việc hoàn chỉnh luật pháp, cơ chế đánh giá, bổ nhiệm cán bộ; cơ chế giám sát của cơ quan đảng, cơ quan tư pháp, các cơ quan công luận và đặc biệt là sự giám sát của nhân dân. Giải pháp về kinh tế, trọng tâm là có quy chế và thực hiện nghiêm quy chế thực hiện cạnh tranh bình đẳng và công khai, minh bạch. Chắc chắn là chưa đầy đủ nhưng rõ ràng ở hệ thống giải pháp nào cũng thực hiện chưa hiệu quả hoặc chỉ là qua loa, hình thức và sự phối hợp đồng bộ các giải pháp chưa chặt chẽ.

- Có chút hiểu biết từ thực tế của cuộc đấu tranh phức tạo này, tôi xin có một số ý kiến cũng là kiến nghị với Đảng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI về phòng và chống tham nhũng: Về mối quan hệ giữa xây và chống, giữa phòng và chống tham nhũng. Chúng ta không nên hạn chế, kể cả trên báo chí những bài đấu tranh chống tiêu cực miễn là chính xác, vì những kẻ xấu rất sợ đấu tranh công khai. Còn nhớ, trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phát động từ tháng 5-1987 và gương mẫu thực hiện, nhưng rồi 2 tháng sau có bài động đến một cán bộ cao cấp thì có người khuyên “nên thôi”, do đó đồng chí phải viết bài nói lại là vẫn cứ làm vì thấy cần và nhắc tới phải nhổ cỏ cho lúa mọc; thực ra đồng chí nhắc lại ý kiến của Bác Hồ năm 1952, khi Người viết: Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều thì lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi...

Trong cuộc đấu tranh phòng và chống tham nhũng về lâu dài lấy phòng là chính, nhưng trong tình hình hiện nay khi nạn tham nhũng đã tràn lan, có vị trong Thường vụ Quốc hội khoá XII nói: Nhìn vào đâu cũng thấy có chuyện... có đồng chí nói không chỉ là nguy cơ và đã là hiểm hoạ vậy nên như thế nào. Ví như về cơ bản thì cả cuộc đời con người phải lấy phòng bệnh là chính nhưng khi đã có bệnh, đã sốt cao, thậm chí phải vào bệnh viện thì trước hết bác sĩ phải coi trọng các biện pháp trừ bệnh. Cho nên cần quan tâm tới phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 3 khoá X về phòng và chống tham nhũng tháng 7-2006: Nhìn xuyên suốt cả nhiệm vụ đấu tranh thì phòng là chính. Nhưng trước tình hình bức xúc hiện nay, phải hết sức coi trọng việc kiên quyết đấu tranh, phát hiện, xử lý kịp thời; kiên quyết xử lý cũng là để răn đe, là một biện pháp phòng ngừa. Xử lý nghiêm khắc, kịp thời kẻ xấu, không sợ thiếu người làm việc vì người tốt và trong sạch không thiếu, và để một người xấu trong bộ máy còn nguy hại hơn là thiếu người. Vấn đề xử lý trách nhiệm là vấn đề rất lớn; tiếp thu tư tưởng Hồ Chí Minh về trách nhiệm người phụ trách thì, từ Nghị quyết Đại hội VIII, và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khoá VIII) đã nêu rõ việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để cơ quan xảy ra tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng. Văn kiện Đại hội XI vừa rồi cũng nhấn mạnh “trước hết là người đứng đầu”...

Như thế để thấy đã nhận trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm không rõ ràng, xử phạt trách nhiệm không nghiêm một số vụ để thất thoát lớn vừa qua đã gây ra nghi ngờ về sự bao che cho những người tiêu cực đã làm sứt mẻ niềm tin vào lãnh đạo cuộc đấu tranh này. Trong việc chống tham nhũng, khi góp ý kiến với Đại hội XI tôi nêu: Việc gì thì cũng làm từ dưới lên nhưng riêng “việc chống tham nhũng thì phải làm từ trên xuống”. Nói thế không có nghĩa là nhất loạt cấp trên đều tham nhũng lớn hơn cấp dưới, mà muốn cấp trên trong sạch thì mới có điều kiện để nghiêm túc kiểm tra cấp dưới. Thực ra, ý kiến tôi chỉ mới với những gì trong thực trạng nhưng không mới so với tư tưởng của Đảng, vì Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII) đã nêu rõ, việc chống tham nhũng phải làm từ trong Đảng ra ngoài, từ trên xuống. Chúng ta đã thành lập cơ quan chống tham nhũng ở Trung ương và địa phương, và hoạt động của tổ chức này cũng đã đạt được một số kết quả nhưng chưa được như mong muốn của Đảng và nhân dân như chính cơ quan này nhận định. Tôi chỉ xin kiến nghị một số điều để công việc của cơ quan này có hiệu quả hơn. Chống tham nhũng về cơ bản và thực chất là chống các cơ quan và cá nhân trong bộ máy công quyền đã lạm quyền đục khoét của nhân dân như Bác Hồ nói. Do đó, người đứng đầu cơ quan này không nên là người đứng đầu cơ quan hành pháp vì dễ vừa đá bóng vừa thổi còi rất khó công bằng; nên là cơ quan của Quốc hội, do Quốc hội bổ nhiệm người đứng đầu và phân bổ ngân sách hoạt động.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website